Lạc trôi giữa vịnh không sóng

Có hơn một cách để về với Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long từ Hà Nội. Hoặc rẽ sớm tại nút giao Liêm Tuyền, vắt qua Quốc lộ 1A, tới cầu Đoan Vĩ (ranh giới giữa Hà Nam và Ninh Bình) thì nhằm hướng Nhà máy gạch Gia Thanh, xong chạy thẳng là sẽ thấy một điểm xanh hút tầm mắt ngay từ chỗ UBND xã Gia Thanh.

Nhưng thường lựa chọn sẽ dông dài thêm một chút. Đi tới điểm cuối của cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, xuống nút giao Cao Bồ, qua cầu Non Nước rồi cứ thể chạy dọc theo sông Đáy đến Tỉnh lộ 477 thì cắt vào xã Gia Lập. Từ đường lớn cứ hướng nhà thờ giáo xứ Lãng Vân, giáo phận Phát Diệm, đến lúc đứng cạnh tháp chuông cao hơn 100m của nhà thờ được xem là lớn nhất Việt Nam thì cũng vừa kịp nhìn thấy màu xanh biếc của đầm Vân Long.

“Vân” là mây, “Long” là rồng, Vân Long là nơi rồng mây hội tụ, cũng có nghĩa là nơi tụ thủy (vì mây và rồng đều là biểu hiện của nguồn nước). Cái tên “Vân Long” phải chăng đã mang trong mình một ước mơ, khát vọng của người dân huyện Gia Viễn về cuộc sống yên bình, mưa thuận, gió hòa như “rồng gặp mây”.

Đem chuyện ấy hỏi ông Trần Xuân Quang, Giám đốc HTX dịch vụ Vân Long, cơ sở đang tổ chức cho hàng trăm người dân địa phương khai thác bền vững giá trị của khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam, chúng tôi được biết vùng đất ngập nước đặc biệt này vốn do con người tạo nên. Vào quãng những năm 1960, tuyến đê dài hơn 30km được đắp bên phía tả ngạn để trị thủy sông Đáy, biến Vân Long thành một vùng đất ngập nước rộng đến 3.500ha, đồng thời trở thành bến đỗ lý tưởng, kéo những loài chim di trú dừng chân kiếm ăn trên đường tránh rét.

Những ngọn núi đá sừng sững bỗng chốc bị cô lập thành những hòn đảo giữa thung nước mênh mông, tình cờ trở thành nơi cư ngụ cho nhiều loài động, thực vật thoát khỏi nạn săn bắt tràn lan nhiều năm về trước.

Dù chỉ cách TP Ninh Bình khoảng 17km và Hà Nội khoảng 80km, đặt chân tới đầm Vân Long con người như lạc bước vào một thế giới khác, vốn chỉ thấy trong những bộ phim kiếm hiệp. Gần gũi nhất có lẽ là liên tưởng tới vùng đất Lương Sơn Bạc nổi tiếng trong tác phẩm “Thủy hử” của Thi Nại Am. Trong truyện, vùng đất Lương Sơn được mô tả là rộng 800 dặm, lau sậy um tùm, bên trong lại có nhiều ốc đảo. Muốn tiến vào đại bản doanh của khởi nghĩa Tống Giang, chỉ có một cách duy nhất là đường thủy. Tuy nhiên, do lau sậy mọc cao quá đầu người, bên trong vùng đất ngập nước lại có nhiều luồng, lạch dễ bị lạc nên Lương Sơn Bạc trở thành địa điểm “dễ thủ khó công”, được nhiều cuộc nổi dậy của nông dân lựa chọn làm căn cứ chính.

Do thay đổi địa chất, Lương Sơn Bạc khi xưa giờ chỉ còn sót lại một diện tích nhỏ, thành hồ Động Bình thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Không rõ địa thế nghìn năm trước của vùng hồ 800 dặm giống mấy phần so với đầm Vân Long, chỉ biết là cư dân xung quanh đầm giờ vẫn sử dụng phương thức duy nhất vào sâu khu đất ngập nước, đó là chèo thuyền, thường chở 3 - 4 người, đi tham quan núi Mèo Cào, Mâm Xôi, Hòm Sách, Đá Bàn, Nghiên, Cô Tiên... và các các hang Cá, Bóng, Rùa, Chanh... Riêng hang Cá là hang xuyên thủng dài 250m, cao 8m, rộng 10m là một động rất đẹp. Đây là nơi quần tụ, sinh sản của loài cá trê, cá rô, cá chuối. Trong quần thể còn có Kẽm Chăm và đền thờ Mẫu, nơi thờ mẹ của bốn tướng Hồng Nương.

Bây giờ mới đầu tháng Tư, nhưng đứng trên con đường bê tông bao quanh đầm thấy bỏng rát, tựa như đang giữa ngã tư của một buổi trưa hè đổ lửa, xung quanh nườm nượp người xe tại một đô thị sầm uất nào đấy. Ấy vậy mà chỉ đi thêm vài bước nữa để lạc vào vùng sơn thủy hữu tình, một cảm giác mát mẻ ùa về. Nằm ngửa, nhìn thẳng lên tầng tầng lớp lớp mây trên trời, rồi buông thả bản than trôi theo dòng nước, thấy không gian im ắng, vắng lặng như tờ. Thật không thể nghĩ, tiên cảnh này chỉ cách Thủ đô 2 tiếng chạy xe.

Chiếc thuyền nan của người dân bản địa nơi đây được dùng rất đa năng. Nếu như trước đây, chúng chủ yếu được xem như phương tiện đi lại và kế mưu sinh để đánh bắt cá tôm, thì từ khi Vân Long phát triển thành khu du lịch sinh thái, khoảng 400 chiếc được tập trung để chở khách du lịch. Với giá khoảng vài chục nghìn đồng cho 1 lượt khách, dịch vụ mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân sinh sống xung quanh đầm.

Quỳnh, cô lái thuyền của chúng tôi, bảo trước khi mở ra mô hình du lịch, người dân trong vùng cũng chật vật mưu sinh. Người thì tha hương cầu thực, người thì bám trụ ăn bữa nay lo bữa mai. Của ăn của để là điều xa xỉ, chẳng bao giờ dám nghĩ. Từ khi được chính quyền, trực tiếp là UBND huyện Gia Viễn và Ban quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư – Vân Long quan tâm, tạo điều kiện, cô cùng bà con hàng xóm xin vào làm trong HTX dịch vụ Vân Long. Vào mùa du lịch, mỗi tuần cô đưa khách đi khoảng 2 - 3 lượt, thu nhập khoảng 500.000 - 600.000 đồng, dù chưa thật cao nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống.

Anh Mai Văn Quyền, Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long xác nhận điều này. Anh bảo thuở tỉnh Ninh Bình tính toán phương án bảo tồn tính đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước này vào đầu những năm 2000, phương án di dân đã được đưa ra. Tuy nhiên, sau khi thống kê, xác định ranh giới các loại đất trong khu vực và đo đạc, cắm mốc ngoài thực địa, chi phí lên tới 300 tỷ đồng, vượt quá khả năng. Bàn đi tính lại, tỉnh quyết định không thực hiện di dân và lấy chính người dân bản địa làm nòng cốt để thực hiện mục tiêu bảo tồn bền vững.

“Thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đất ngập nước, người dân được hướng dẫn để khai thác giá trị cảnh quan, giá trị du lịch. Đồng thời, Ban quản lý luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan để thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân yên tâm, ổn định sinh kế”, anh Quyền tâm sự.

Hơn 20 năm trước, khu vực Đầm Vân Long chưa sầm uất, nhộn nhịp như bây giờ. Nhà nghỉ, khách sạn gần như không có nên khó níu chân khách. Bà con hầu hết triển khai làm du lịch theo kiểu tự phát, thường phải đưa du khách về từng nhà dân để ngủ nghỉ, ăn uống. Cũng giai đoạn ấy, tuyến đường trục chính kết nối Quốc lộ 38B đến Vân Long đang mở rộng, lầy lội, bà con dọc tuyến vừa tự nguyện hiến đất làm đường, vừa tập trung bố trí xe máy ra tận đường chính để đón du khách từ xe ô tô sang xe máy để vào tham quan.

Nói thì ngắn nhưng hành trình thay đổi thói quen, hành vi của người dân thì rất dài, giống hệt những vết chai ngoằn ngoèo trên bàn tay của cô Quỳnh lái đò. Biết khách có ý dò hỏi, cô trầm ngâm một lúc rồi bảo, từ lúc còn đi học không bao giờ nghĩ sau này trở thành “hướng dẫn viên du lịch” như này. Như thể biết mình hơi cao hứng, cô cười nụ và chuyển chủ đề về hai người con đang ngày ngày cắp sách đến trường dưới trung tâm huyện. “Nếu chỉ cày ruộng, tôi chẳng dám vậy đâu”, cô thật thà.

Xen giữa câu chuyện, cô Quỳnh kể cho chúng tôi nghe sự tích về một hòn núi cao nhất ở đây. Ngày xưa, có một nàng tiên thăm thú trần gian đi qua đỉnh núi này, thấy phong cảnh hữu tình nàng liền dừng lại ngắm cảnh thì gặp và đem lòng yêu một chàng trai nghèo sống ở trên núi mài nghiên đọc sách. Chuyện tình của giữa cõi tiên và cõi đời của họ bị trời phạt biến thành hai ngọn núi có tên là núi Nghiên và núi Cô Tiên đứng gần nhau nhưng muôn kiếp không thể thành vợ, thành chồng.

Vân Long được mệnh danh là “vịnh không sóng” vì khi đi trên thuyền trên đầm, du khách sẽ thấy mặt nước phẳng như một tấm gương khổng lồ. Bức tranh thủy mặc phản chiếu rõ từng nét tạc mạnh mẽ của những khối núi đá vôi. Xung quanh lau, lách xanh mướt, nhìn xuống dưới nước có thể thấy cả những lớp tảo xanh rì thấp thoáng từng đàn cá bơi lội. Thuyền chúng tôi rẽ lau lách đón từng làn gió mát rượi từ hướng Đông thổi vào làm lay động cả một vùng non nước yên bình. Xa xa những chiếc thuyền câu của người dân bản địa in bóng nước, khiến chỉ cần một chú cá nhỏ ngoi lên đớp không khí cũng làm sóng lan cả một vùng.

Đặc biệt, trong hành trình đi theo hướng Bắc của Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, rồi men theo chân núi ra hướng Đông, du khách có thể chạm mặt voọc quần đùi trắng (voọc mông trắng) từ trên núi xuống đầm uống nước, kiếm ăn lúc chiều tà. Theo kinh nghiệm của cô Quỳnh, vào những ngày trời ẩm ướt, mây mù có thể bắt gặp cả đàn voọc lên đến hơn chục con. Tập tính của loài này khá lạ. Nếu gặp người dân sống trong vùng, chúng sẽ thong thả sinh hoạt tiếp, nhưng nếu gặp du khách lạ, đàn voọc sẽ tản ra rồi í ới gọi nhau lên núi.

Dõi theo hướng tay chỉ của cô Quỳnh, chúng tôi thấy trên một hẻm núi có một chú voọc to đang bám lơ lửng trên hõm đá. Nhìn thấy thuyền, chú voọc trèo sâu vào tán lá rậm rạp. Nếu không nhờ nhúm lông màu trắng đặc trưng ở phía mông, có lẽ chú đã trốn thoát thành công khỏi tầm nhìn của chúng tôi.

“Nếu các anh đến vào tháng sau, cảnh sẽ đẹp hơn nhiều”, cô Quỳnh cười khích lệ khi đón lại chiếc ống nhòm từ những khuôn mặt tiếc rẻ vì chưa kịp nhìn kỹ chú voọc vừa nãy. Theo lời cô, từ khoảng tháng Năm đến tháng Bảy hằng năm, trên mặt nước Vân Long rực rỡ một màu hồng của mùa hoa sen nở. Đây cũng là thời điểm du khách đến đầm đông nhất, vừa thăm vịnh vừa được ngắm sen và chim thú. Tuy nhiên, từ tháng 11 đến tháng Tư năm sau (mùa khô), du khách quốc tế lại đến đầm nhiều hơn bởi nơi đây sẽ ngập tràn sắc trắng của những đàn chim bay về trú ngụ.

Anh Nguyễn Mạnh Hiệp, chuyên gia về bảo tồn, hiện công tác tại IUCN Việt Nam bảo rằng, mỗi lần đến Vân Long là một cảm xúc khác nhau. Thích nhất khi đến vùng đất rộng hơn 3.500ha này, là anh được chụp ảnh rất nhiều loài cò, điển hình như cò trắng, cò ngàng lớn, cò ngàng nhỡ, cò ruồi, cò bợ và cò ốc. Thảng hoặc đi một mình, anh lại lần tìm các cá thể sâm cầm, một loài chim di cư có bộ lông màu đen, mỏ và trán có màu trắng. Anh bảo, rình chụp sâm cầm rất thú vị bởi chúng phải phi trên mặt nước để lấy đà trước khi cất cánh bay.

“Việc tiếp cận và ghi hình các loài chim nói chung ở Việt Nam không dễ, chim thường bị bẫy bắt nên chúng nhát người. Do đó, để có được những bức ảnh đẹp về các loài chim thì ngoài thiết bị chụp, cần sự hiểu biết về tập tính của chim và tính kiên trì khi theo đuổi niềm đam mê”, anh Hiệp chia sẻ.

Tính đến nay, rừng Vân Long đã phát hiện 457 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 327 chi, 127 họ. Đặc biệt có 8 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) là kiêng, lát hoa, tuế lá rộng, cốt toái bổi, sắng, bách bộ, mã tiền hoa tán… Về động vật có 39 loài, 19 họ, 7 bộ thú; trong đó 12 loài động vật quý hiếm, đáng kể nhất vẫn là voọc mông trắng, với số lượng lớn nhất Việt Nam. Trước đó, loài linh trưởng này chỉ được biết đến ở Vườn quốc gia Cúc Phương.

So với những người anh em đang sống tại khu vực rừng thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam (khoảng gần 100 con), môi trường sống của voọc mông trắng tại Vân Long đảm bảo hơn. Chúng không phải "sống chung" với mìn và bụi đá, trái lại được thảnh thơi chơi đùa. Từ chỗ có khoảng 40 cá thể sinh sống ở thời điểm phát hiện đầu những năm 2000, đến nay đàn voọc đã phát triển lên gấp 5 lần. Theo lời Giám đốc HTX Trần Xuân Quang, tại khu đất ngập nước Vân Long còn có loài cà cuống thuộc họ chân bơi, một loài côn trùng quý hiếm, hiện còn rất ít trên khắp đất nước. “Cà cuống sống được thể hiện sự trong lành của môi trường nước, của không gian cảnh quan xung quanh”, ông nói.

Đó là nỗ lực, sự chung tay của các cấp, các ngành, của cả chính quyền lẫn người dân trong việc duy trì cả hai hệ sinh thái là núi đá vôi và đất ngập nước của vùng châu thổ sông Hồng, xuyên suốt từ khi UBND tỉnh Ninh Bình quyết định thành lập khu bảo tồn hồi tháng 12/2001.

Là một cựu chiến binh, ông Quang có thời gian dài bị gia đình đùa là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” cho Vân Long. Thấy việc nào vướng, gia đình nào chưa thông trong công tác phối hợp bảo tồn là ông đến tận nơi tìm hiểu, khuyên nhủ. Ông bày tỏ: "Người dân thôn Thập Ninh, xã Gia Vân chúng tôi luôn có ý thức chung tay tham gia vào công tác bảo tồn, bảo vệ Vân Long trước những tác động xấu. Giờ thì 100% người dân đều hiểu rõ, rằng bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ cuộc sống cho chính mình”.

Từng chút một, Vân Long phát triển toàn diện các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất, con người cố đô như: Khai thác tuyến tour du lịch “Tìm về cội nguồn”; Vân Long xanh kết hợp với chiến dịch “Tuần lễ du lịch xanh”, “Hộp quà xanh”, “Ngày chủ nhật xanh”… Nhưng dù là dưới hình thức nào, đất và người Vân Long vẫn luôn ưu tiên cho mục tiêu số một, đó là bảo tồn cảnh quan và giữ gìn đa dạng sinh học cho khu đất ngập nước nội đồng lớn nhất đồng bằng Bắc bộ. Trọng tâm là bảo tồn đàn voọc quý.

Ngoài kết quả đo đếm được, là số cá thể voọc mông trắng tăng lên khoảng 200, thì voọc còn trở nên dạn dĩ, thân thiện hơn với người. Ông Nguyễn Văn Thỏa, người dân sinh sống tại vùng lõi rừng Vân Long thừa nhận, có những hôm ông thấy voọc xuống tận ruộng, đồng để tìm thức ăn. Nhiều đêm khó ngủ, ông nghe rõ tiếng voọc gọi nhau, tưởng như đâu đó ngay trên mái hiên.

Nhà tựa vào vách núi đá, kết hợp cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú, gia đình ông Thỏa là điểm dừng chân thường xuyên của các khách vào ngắm voọc. Ông bảo, ở khắp khu Vân Long này, con đường đất xuyên qua nhà ông là nơi gần nhất có thể nhìn được voọc bằng mắt thường. Ban đầu chỉ một, hai người biết, thế rồi một đồn mười, mười đồn trăm, giờ thì mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên ông làm là đun nước, pha một ấm nước vối thật to để chờ khách.

Sự chuyển biến tại Vân Long được ghi nhận. Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn đánh giá rất cao tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng dân cư xã Gia Vân trong việc tham gia bảo tồn và phát triển thương hiệu du lịch Vân Long. "Hiếm có nơi nào mà cộng đồng dân cư đoàn kết, tham gia tích cực trong nhiều thập kỷ như ở Vân Long. Nhiều tổ chức quốc tế, đoàn nghiên cứu đã tới đây học tập và nghiên cứu", bà cho biết.

Cũng theo lãnh đạo huyện Gia Viễn, những năm tới địa phương sẽ tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình, góp phần xây dựng quê hương di sản trở thành điểm đến “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”; đồng thời nâng cao hơn nữa thương hiệu của khu du lịch trọng điểm quốc gia, nơi sở hữu 2 kỷ lục là “Nơi có số lượng cá thể Voọc mông trắng nhiều nhất” và “Nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất” Việt Nam.

Trước khi tạm biệt khu bảo tồn đất ngập nước nằm trên địa phận 7 xã thuộc huyện Gia Viễn, chúng tôi được nghe câu chuyện một vị khách du lịch đến từ Pháp tên là Robest đi tìm địa danh ghi trong cuốn hồi ký của cha anh, từng là cựu binh tham chiến ở Việt Nam.

Ở cuốn hồi ký đó, có đoạn ghi: “Trên đường hành quân ở Bắc bộ có một vùng đất ngập nước kỳ lạ. Ở đây mùa thu chim kéo về ngợp trời. Chiều chiều, từng đoàn khỉ, vượn từ trên núi xuống uống nước, kiếm ăn như một chốn chưa có dấu chân người khai phá…”. Lần theo những trang sách, Robest đã đến Gia Viễn vào năm 2011 và tìm hỏi người dân bản địa để tìm cho ra vùng đất kỳ lạ ấy.

Sau nhiều ngày lưu trú lại Vân Long, Robest khẳng định rằng đây chính là vùng đất mà khi xưa cha của anh từng đóng quân. Người đàn ông đến từ nước Pháp đã tận mắt khu vực đảo cò lúc chiều tà, thấy từng đàn diệc xám, mồng két, cò bợ, bay rợp trời, tạo nên một bức tranh sông nước kỳ thú.

Chúng tôi chợt nghĩ, giá như đạo diễn Jordan Vogt-Roberts chọn thời điểm bấm máy bộ phim khoa học viễn tưởng “Kong: Skull Island” tại đầm Vân Long sớm hơn (công chiếu năm 2017), có lẽ Robest không phải chờ lâu đến thế để sống dậy những hồi ức của cha. Nhưng cũng nhờ những ngày tháng phiêu bạt ấy mà anh có dịp ngồi trong căn nhà lá, ngắm mây trời bảng lảng, xa xa loáng thoáng tiếng cò rúc gọi bầy xen lẫn tiếng xào xạc của một vùng lau lách yên bình.

Bảo Thắng - Phạm Huy
Trọng Toàn
Tùng Đinh