Xin chào ông Chủ tịch Tập đoàn TTC! Câu hỏi đầu tiên liên quan đến chủ trương mới của ngành nông nghiệp Việt Nam lấy tư duy “kinh tế nông nghiệp” thay cho tư duy “sản xuất nông nghiệp”. Ông có thể cho biết, Tập đoàn TTC đã có những giải pháp cụ thể nào để củng cố chuỗi liên kết, thích ứng và khai thác hiệu quả chủ trương mới này?
Phải khẳng định, sự thay đổi tư duy phát triển đó hoàn toàn phù hợp với nền kinh tế hội nhập sâu rộng mà Việt Nam đang rất hào hứng cũng như quyết tâm. Đây là tư duy đột phá, bởi vì khi có khái niệm này thì sẽ kéo theo hàng loạt cơ chế, chính sách của nhà nước để thực hiện. Chẳng hạn như chúng ta sẽ có cơ chế, chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa, tập trung hình thành những cánh đồng lớn,… Với Tập đoàn TTC, chúng tôi đã ở tâm thế này rất lâu rồi, ngay từ khi có thông tin Việt Nam gia nhập ATIGA.
Theo tôi, làm nông nghiệp mà chúng ta không cơ giới, không hiện đại hóa hoạt động nông nghiệp, luôn cả chuyển đổi số về nông nghiệp, thì không thể nào nói tới cạnh tranh được. Vì thế, tư duy “kinh tế nông nghiệp” trong thời điểm này lại càng phù hợp. Với TTC, cách đây khoảng 5 năm, chúng tôi đã tự xây dựng những cánh đồng lớn, kết hợp với các địa phương như Gia Lai, Phan Rang… đưa những cánh đồng mía nhỏ lẻ để hợp thành những hợp tác xã bậc cao. Từ đó, TTC có điều kiện phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ bà con, cơ giới hóa hoạt động sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác vào, tạo thành những cánh đồng lớn.
Bản thân tôi cảm rất phấn khởi khi ngành nông nghiệp Việt Nam lấy tư duy “kinh tế nông nghiệp” thay cho tư duy “sản xuất nông nghiệp”. Với quan điểm mới rõ ràng như vậy, chắc chắn sẽ hỗ trợ rất nhiều cho ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian tới, thông qua các cơ chế chính sách mới của Bộ NN-PTNT cũng như của Chính phủ.
Chúng tôi được biết, niên vụ 2021/2022 dự kiến chỉ còn 24 nhà máy đường hoạt động. Vậy ngành Đường TTC làm thế nào để tạo sự tin tưởng, đồng hành cùng người nông dân để họ yên tâm đầu tư canh tác, đem lại lợi ích cho cả hai bên?
Việc 40 nhà máy đường giờ cô đọng lại còn 24 nhà máy, thực ra đã có dự báo trước rồi. Nó liên quan đến vấn đề hội nhập sâu rộng của của nền kinh tế nói chung, đặc biệt là ATIGA liên quan đến ngành mía đường. Cái này tôi nhớ không lầm thì Chính phủ cũng như Bộ NN-PTNT đã dự báo với tất cả doanh nghiệp mía đường.
Cho nên, đơn vị nào có kế hoạch phù hợp với yêu cầu thị trường (như có quy trình khép kín trong đầu tư vùng nguyên liệu, khép kín về hoạt động sản xuất chế biến và tiêu thụ…) thì sẽ tồn tại; còn những đơn vị nào mà chủ quan thì đây là quy luật đào thải của nền kinh tế thị trường. Ngay cả 24 nhà máy hoạt động trong niên vụ 2021/2022 này sẽ có nhà máy hoạt động tốt và sẽ có nhà máy gặp khó khăn nếu họ không tuân thủ theo quy luật đào thải của nền kinh tế thị trường.
Với TTC, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ. Chúng tôi đã xây dựng vùng nguyên liệu vững vàng, được sự hưởng ứng, đồng hành của nông dân. Ngày 11/11 vừa qua, tôi vừa có cơ hội gặp các doanh nông trồng mía lớn của tỉnh Tây Ninh để chia sẻ thông tin về chu kỳ của ngành mía đường cũng như việc hội nhập ATIGA, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Hội nghị Doanh nông thường niên là cầu nối để TTC và các doanh nông lớn, đại diện cho quyền lợi của hàng ngàn người trồng mía tỉnh Tây Ninh thêm hiểu biết lẫn nhau, tháo gỡ những khó khăn cũng như đề ra những sáng kiến, giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu mía đường tỉnh nhà bền vững.
Tập đoàn TTC chúng tôi rất quan tâm tới nông dân, cũng như vấn đề sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. TTC cũng muốn báo cáo với Bộ NN-PTNT rằng: Tập đoàn TTC đang ở một tâm thế rất háo hức, rất mong muốn khẳng định vị thế trong lĩnh vực mía đường Việt Nam cũng như trong khu vực.
TTC hiện đang theo đuổi chiến lược phát triển các sản phẩm đường hữu cơ vì đây đang là xu hướng nổi bật toàn cầu, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch này?
Đúng là xu thế sử dụng thực phẩm tốt cho sức khỏe đang là quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Đường hữu cơ của TTC là một trong những sản phẩm mà TTC đã nhìn thấy để đáp ứng nhu cầu này của người tiêu dùng.
Mọi người cũng biết, hiện việc sử dụng phân vô cơ bón cho cây trồng cũng đang dần bị hạn chế, thay vào đó là có sự kết hợp giữa phân vô cơ và hữu cơ để bồi bổ cho đất, đưa ra được những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tốt cho sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Đây là một xu thế mà từ lâu thế giới đã và đang thực hiện, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi đã thấy được vấn đề này và đã mạnh dạn đầu tư. Hiện chúng tôi đã có nhà máy sản xuất phân hữu cơ ở Lào, ở Gia Lai để phục vụ cho các vùng nguyên liệu của TTC.
Được biết TTC đang sở hữu và đầu tư 66.000 ha vùng nguyên liệu mía. Thời gian tới, ngành mía đường TTC có kế hoạch phát triển tiếp diện tích vùng nguyên liệu hoặc mở rộng nhà máy hay không, thưa ông?
Diện tích 66.000 ha mía này chúng tôi đã cân đối trên công suất hòa vốn của nhà máy, để từ đó làm cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu. Mỗi nhà máy của TTC có một công suất nhất định và chúng tôi xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích phù hợp với công suất nhà máy đó.
Trong số 66.000 ha này thì TTC sở hữu trên 50%, còn gần 50% TTC đồng hành cùng người nông dân. Những nông dân có diện tích nhỏ thì TTC tập hợp lại thành những hợp tác xã bậc cao, những nông dân có diện tích lớn thì TTC chia sẻ khoa học công nghệ, kỹ thuật thông qua cơ giới hóa, hiện đại hóa hoạt động, chuyển đổi số…
Có thể khẳng định, trên 50% trong tổng số 66.000 ha mà TTC đang sở hữu chính là nền tảng vững vàng cho ngành mía đường của TTC nói riêng, cũng như ngành mía đường Việt Nam nói chung. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nếu công suất của TTC mở rộng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính những doanh nghiệp như Tập đoàn TTC đã tạo ra cuộc cách mạng cho ngành nông nghiệp Việt Nam - ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa sản xuất, chuyển đổi số... Điều gì khiến ông đã định hướng cho ngành mía đường TTC có những bước đi như vậy?
Thế kỷ 21 này nằm trong thời đại 4.0, kỷ nguyên số. Nó bắt buộc tất cả các ngành nghề đều phải khái niệm được vấn đề chuyển đổi số. Đây là một xu thế, không có con đường lựa chọn khác. TTC đã nhìn thấy nên chúng tôi đã có tâm thế trong chiến lược ngay từ giai đoạn 2016 - 2020 và hiện nay là giai đoạn 2021 - 2025. TTC đã đưa ra lộ trình làm sao bắt kịp hoàn toàn xu thế của thời đại kỷ nguyên số, từ đó TTC quản trị, kiểm soát và điều hành trên nền tảng như vậy.
Được biết, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) hiện đang là đại lý phân phối chính thức các thiết bị máy kéo, máy nông nghiệp từ John Deere tại thị trường Việt Nam, Campuchia và Lào. Các thiết bị này không chỉ phù hợp với cây mía mà còn với các ngành khác như: lúa nước, cây mì, khoai lang, cây ăn trái, bò sữa… Ông có thể cho biết mảng kinh doanh này hiện thế nào? Liệu có tiềm năng tăng trưởng lớn hay không?
TTC rất vui mừng và tự hào khi được John Deere chọn làm tổng đại lý độc quyền khu vực Đông Dương. John Deere là một nhà sản xuất nông cụ rất nổi tiếng trên thế giới và TTC vinh dự được chọn để đồng hành.
Đích thân tôi và một số cán bộ kỹ thuật đã sang tận nơi sản xuất tại Lousiana (Hoa Kỳ) cách đây khoảng 5 năm, làm việc với lãnh đạo của John Deere. Tôi thực sự mong muốn đồng hành cùng John Deere cơ giới hóa hoạt động nông nghiệp của Việt Nam nói chung, chứ không riêng gì cây mía.
John Deere có rất nhiều nông cụ phù hợp với tất cả vùng miền và các loại giống cây trồng khác nhau.
Hiện TTC đang ráo riết mở các cửa hàng trưng bày, giới thiệu, chia sẻ về các nông cụ cơ giới này để đưa được xuống bà con nông dân. Việc nông dân nhận thức ra vai trò của máy móc nông cụ sẽ giúp họ đầu tư, từ đó sản xuất ra các loại nông sản đạt được chất lượng tốt nhất với giá thành cạnh tranh nhất.
Ngoài sản phẩm đường, với chiến lược dài hạn đa dạng hóa chuỗi giá trị cây mía, TTC cũng đã và đang khai thác hiệu quả các dòng sản phẩm cạnh đường - sau đường và các dòng sản phẩm nước uống. Ông có thể chia sẻ thêm về tiềm năng các lĩnh vực này?
Như tôi đã nói về vấn đề sản xuất khép kín, các sản phẩm cạnh đường và sau đường là các sản phẩm để doanh nghiệp tăng được sự cạnh tranh trong ngành mía đường nói riêng và với các ngành sản xuất khác nói chung. Các doanh nhân lãnh đạo các doanh nghiệp thì phải nghĩ tới cái này.
Riêng TTC, ngoài các sản phẩm đường, chúng tôi còn sản xuất ra điện sinh khối, sản xuất ra nước mía không ngọt Miaqua được ngưng tụ trong quá trình chưng cất mía đường, rất tốt cho sức khỏe (từ cây mía), đồng thời đang tiếp tục cho ra các sản phẩm cạnh đường và sau đường khác.
Ông có tự tin về việc ngành mía đường Việt Nam nói chung và TTC nói riêng sẽ sánh ngang với các cường quốc về mía đường?
Khi Việt Nam gia nhập ATIGA, nhà nước cũng rất lo lắng liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể tồn tại được hay không? Có sánh vai với các cường quốc mía đường hay không? Tới ngày hôm nay, dù chỉ sau 2 năm, nhưng cũng có thể khẳng định được ngành mía đường Việt Nam có tiếng nói và bảo vệ được thị phần nội địa của mình.
Ở đây tôi có thể minh họa thêm cho mọi người thấy: Singapore là một đảo quốc rất nhỏ bé, hàng không cũng không có quốc nội, nhưng trong lĩnh vực hàng không họ vẫn nằm trong Top tốt nhất và hiệu quả nhất trên thế giới.
Nói điều đó để tôi minh họa, so sánh rằng: Việt Nam tuy không phải là cường quốc về mía đường, nhưng tôi mạnh dạn và thiết tha kêu gọi Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương quan tâm tới các doanh nghiệp sau gia nhập ATIGA, bằng cách, những doanh nghiệp còn tồn tại và phát triển thì hỗ trợ cho nhập đường thô, thay vì đường tinh. Tại sao? Vì nhập đường thô sẽ hỗ trợ rất tích cực cho vùng nguyên liệu truyền thống, giúp cho nhà máy đường kéo dài thời gian hoạt động.
Hiện với vùng nguyên liệu truyền thống thì các nhà máy đường chỉ chạy được 3 tháng đến 4 tháng là kết thúc niên vụ. Nhưng nếu được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương để nhập đường thô về thì thời gian nhà máy sản xuất sẽ kéo dài ra và chi phí, định phí sẽ giảm bởi công suất tăng và sản lượng tăng. Rõ ràng đây là cách làm tạo hiệu quả rất tốt.
Không những thế, việc này còn giúp doanh nghiệp đủ điều kiện đưa ra các sản phẩm đặc thù để xuất khẩu. Vừa rồi TTC tham gia xuất khẩu rất tích cực bằng những sản phẩm truyền thống của Việt Nam như đường phèn, đường Organic, đường nâu… Điều này đã chứng minh rất rõ hiệu quả của việc nhập đường thô.
Ngoài ra, khi các nhà máy đường kéo dài thời gian hoạt động sản xuất sẽ tạo ra công ăn việc làm cho công nhân, tạo ra năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất mía đường và cũng góp phần tạo thu ngân sách cho nhà nước. Đó là những yếu tố rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng, tới đây, các nhà quản lý sẽ nhìn thấy điều này, quan tâm cho nhập đường thô hơn là nhập đường tinh.
Có thể khẳng định, hình ảnh thương hiệu TTC (từ các sản phẩm đường, du lịch, năng lượng, bất động sản, bất động sản công nghiệp) đang phủ khắp các vùng miền của cả nước, ở Lào, Campuchia và đang đẩy mạnh ra thị trường quốc tế. Sắp tới, TTC có định hướng và phát triển thương hiệu như thế nào, thưa ông?
Nói về doanh nhân thì luôn có khát vọng, hoài bão rất lớn, không phải chỉ bản thân tôi mà là các doanh nhân Việt Nam nói chung đều thế. Đã là doanh nhân thì phải có sứ mệnh và trách nhiệm với đất nước, với ngành nghề và đội ngũ công nhân viên của đơn vị mình. Cho nên việc phát triển theo chiến lược của TTC đến 2025, tầm nhìn đến 2030 chúng tôi đặt kỳ vọng rất lớn.
Riêng mía đường, chúng tôi không dừng ở Việt Nam đâu, mà tôi đã đặt chỉ tiêu cho lãnh đạo của Tổng Công ty mía đường TTC Sugar là tầm hoạt động là ở Đông Dương. Hiện chúng tôi đã có nhà máy đường ở bên Lào và Campuchia.
Về lĩnh vực năng lượng, TTC đón đầu về năng lượng tái tạo với lợi thế Việt Nam có đường bờ biển dài, lượng bức xạ tốt để phát triển điện gió và điện mặt trời. Ba dự án của TTC ở Bến Tre, Tiền Giang và Gia Lai đều đã bắt kịp thời gian ấn định của Chính phủ.
Về bất động sản công nghiệp, đây là cơ hội rất tốt với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và với TTC nói riêng. Bởi xu thế chuyển dịch từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra lợi thế cho các quốc gia có điều kiện chính sách, cơ chế tốt như Việt Nam đón nhận làn sóng chuyển dịch. TTC đã và đang đẩy mạnh lĩnh vực bất động sản công nghiệp này và hiện tất cả các khu công nghiệp của chúng tôi gần như đã lấp đầy. Về du lịch thì TTC cũng đang chuẩn bị tâm thế, sau khi “ngủ đông”, để sẵn sàng hội nhập và vực dậy trong thời gian sớm nhất.
Đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Với TTC, hiện các ngành nghề của Tập đoàn đã khôi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch như thế nào?
Tôi thấy rằng, theo quy luật thì cứ khoảng trên dưới 10 năm sẽ diễn ra một cuộc đào thải. Ví dụ như năm 1989 - 1990 thì cục bộ của Việt Nam là vấn đề lạm phát. Trên thế giới thì năm 1997 diễn ra khủng hoảng kinh tế châu Á, năm 2008 là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và đến 2019 thì xảy ra đại dịch Covid-19, một biến cố rất lớn đối với nhân loại.
Từ quy luật đào thải đó để thấy rằng, các doanh nghiệp cần phải quan tâm đến điều này, đặc biệt là công tác quản trị điều hành. Nếu chúng ta tuân thủ theo quy luật thì những cơn sóng như thế này chỉ khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng, còn nếu không doanh nghiệp sẽ bị suy kiệt.
Riêng TTC việc quản trị, kiểm soát và điều hành luôn được tuân thủ rất nghiêm khắc, không chỉ tôi nghiêm khắc với nhân viên - mà bản thân tôi tự nghiêm khắc với chính mình. Chúng ta phải làm sao luôn tuân thủ các quy trình và quy chế đặt ra.
Đặc biệt đội ngũ cán bộ nhân viên của TTC được đào tạo rất kỹ về trách nhiệm và công việc chính của họ. Cũng vì thế mà đợt dịch Covid-19 này, các ngành nghề của TTC vẫn rất ổn. Chỉ có ngành du lịch là bị ảnh hưởng trực tiếp, các lĩnh vực khác TTC đều chủ động được, không những vượt qua đại dịch Covid-19 mà còn tham gia rất tích cực vào các hoạt động xã hội.
Như Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai (thành viên của TTC Sugar) trong thời gian giãn cách xã hội đã tổ chức “3 tại chỗ” rất tốt, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam, góp phần giúp không bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm thiết yếu và tham gia vào việc bình ổn giá trong suốt thời gian giãn cách. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn thể cán bộ công nhân viên Tập đoàn TTC nói chung và Nhà máy Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng. Thực sự, tôi rất tự hào!
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!