‘Mặc áo, che khiên’ cho mãng cầu Bà Đen

Mãng cầu Tây Ninh nổi tiếng với trái to, hạt nhỏ, vị ngọt và thơm đặc trưng, được trồng ở vùng đất linh thiêng núi Bà Đen - nơi có điều kiện khí hậu thuận lợi. Tuy nhiên, cây trồng này khá khó tính, việc trồng theo phương thức truyền thống, manh mún khiến trước đây nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí sử dụng cả thuốc kích thích tăng trưởng.

Để khôi phục danh tiếng mãng cầu Bà Đen, HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (HTX Minh Trung) tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu (Tây Ninh) đã nghiên cứu các giải pháp phòng ngừa sâu bệnh, đặc biệt là sử dụng bẫy dẫn dụ côn trùng và ruồi vàng. Phương pháp bao trái đã được triển khai nhằm ngăn chặn các tác nhân gây hại và hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giúp sản phẩm an toàn hơn và nâng cao giá trị thương mại.

Anh Lê Quang Phú, một trong những thành viên đầu tiên của HTX thực hiện kỹ thuật bao trái trên vườn mãng cầu 8ha của mình chia sẻ rằng trước đây, ruồi vàng là nguyên nhân chính gây thiệt hại khi chích quả và tạo điều kiện cho dòi phát triển. Đặc biệt vào mùa mưa, tình trạng này càng nghiêm trọng khiến người tiêu dùng e ngại khi phát hiện dòi bên trong trái.

Tuy nhiên sau khi áp dụng bao trái, vấn đề này đã được giải quyết hoàn toàn. Trái mãng cầu không còn bị ruồi vàng tấn công, phát triển tốt hơn và đảm bảo chất lượng, cải thiện mẫu mã, giúp giá cả ổn định hơn. Hiện nay, với sự hỗ trợ của HTX, hầu hết các vườn đều thực hiện bao trái trước khi thu hoạch, giúp giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo chất lượng đồng đều, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

“Mặc dù chi phí bao trái khoảng 1.200 đồng mỗi ký nhưng sản phẩm mãng cầu không còn mối lo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và giúp nông dân giảm gánh nặng sử dụng thuốc trừ sâu”, anh Lê Quang Phú chia sẻ.

 

Cùng với giải pháp bao trái, HTX Minh Trung còn đẩy mạnh ứng dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) vào sản xuất. Theo đó, HTX đã kết hợp linh hoạt giữa các biện pháp sinh học, vật lý, hóa học nhằm kiểm soát sâu bệnh một cách hợp lý, tiến tới canh tác hữu cơ, bền vững. Trong đó, nổi bật nhất là giải pháp tự ủ phân hữu cơ và chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học bằng vi sinh vật bản địa (IMO), vừa giúp đất khỏe, cây phát triển tốt, đủ sức đề kháng với sâu bệnh hại.

Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nhà xưởng chuyên sản xuất IMO để phục vụ cho 2ha mãng cầu của gia đình mình, anh Trần Minh Quốc, thành viên HTX Minh Trung cho biết, Tây Ninh có nhiều nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú và giá rẻ để tạo ra chế phẩm vi sinh IMO như mật rỉ đường từ nhà máy đường TTC và đạm cá từ lòng hồ Dầu Tiếng.

Dưới sự hướng dẫn của HTX, giờ đây anh Quốc đã thành thạo ủ và lên men 5 loại chế phẩm IMO. Tùy vào nguyên liệu đầu vào, nếu sử dụng gừng, sả, ớt sẽ cho ra chế phẩm BVTV sinh học; mật rỉ đường sẽ tạo ra phân bón lá; còn đạm cá sẽ cho ra phân bón gốc với hàm lượng dinh dưỡng rất cao, có thể thay thế hoàn toàn phân bón hóa học.

“Công dụng của chế phẩm vi sinh rất đa dạng, từ phục hồi rễ, lá cho đến xua đuổi côn trùng và ngăn ngừa nấm bệnh. Lúc đầu, việc chuyển sang sử dụng vi sinh có gặp khó khăn nhưng sau một thời gian, dựa trên phương pháp mà HTX Minh Trung hướng dẫn, tôi đã quen với quy trình này”, anh Quốc phấn khởi nói.

Chia sẻ công thức ủ IMO chất lượng cao, anh Quốc cho biết thêm: Để có một mẻ phân bón hoặc chế phẩm BVTV sinh học, từ men vi sinh do HTX Minh Trung hỗ trợ, kết hợp với 2kg mật rỉ đường, 1kg cám gạo, sau đó ngâm hỗn hợp này trong thùng 60 lít nước có nắp đậy và sục khí oxy trong vòng 24 giờ. Sau 3 ngày, vi sinh sẽ phát triển đủ mạnh và sau 10 - 15 ngày có thể nhân ra để sử dụng.

Theo anh Quốc, trước đây mỗi vụ, chi phí cho phân bón và hóa chất có thể lên tới 120 - 150 triệu đồng. Tuy nhiên từ khi chuyển sang sử dụng chế phẩm vi sinh, chi phí đã giảm xuống chỉ còn khoảng 45 - 50 triệu đồng mỗi vụ. Đặc biệt, cây mãng cầu sử dụng chế phẩm vi sinh phát triển khỏe mạnh hơn, lá xanh tốt và có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Các loại sâu bệnh như bọ trĩ, rệp sáp thường bị tiêu diệt hoàn toàn.

“Trước đây khi sử dụng hóa chất, cây thường gặp vấn đề rụng lá, bệnh bã trầu sau khi ra trái. Nhưng từ khi dùng chế phẩm vi sinh, tình trạng này đã giảm đáng kể, cây không còn rụng lá và ít gặp phải các bệnh hại như trước”, anh Quốc chia sẻ.

Anh Lê Minh Trung, Giám đốc HTX Minh Trung cho biết thêm, HTX hiện có 127 thành viên với tổng diện tích canh tác mãng cầu trên 600ha. Trước đây, nông dân thường sử dụng nhiều loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để tăng năng suất, nhưng điều này không phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững hiện nay, đặc biệt là đối với việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Sau khi thành công sản xuất mãng cầu an toàn, HTX đang hướng đến sản xuất hữu cơ.

Theo chân anh Trung đến thăm vườn mãng cầu hữu cơ rộng gần 2ha của HTX, chúng tôi có cảm giác đất tơi xốp, lún cả dưới bàn chân. Gần như toàn bộ bề mặt đất của khu vườn đều nổi lên lớp phân giun dày, ẩm ướt. Anh Trung cho biết, toàn bộ vườn cây được chăm bón hoàn toàn bằng phân và chế phẩm BVTV sinh học do HTX tự sản xuất, qua đó đã tạo hệ sinh thái cho giun đất sinh sôi nảy nở. Chúng đóng vai trò then chốt trong việc cải tạo đất, giúp cải thiện cấu trúc đất, làm đất tơi xốp và thoáng khí, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho rễ cây phát triển. Giun đất cũng giúp phân hủy chất hữu cơ thành phân trùn giàu dinh dưỡng, bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết cho cây mãng cầu.

 “Trong canh tác nông nghiệp hữu cơ, giun đất không chỉ là nhân tố tự nhiên quan trọng mà còn là yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và lành mạnh cho hệ thống canh tác, đảm bảo môi trường sống lâu dài và an toàn cho cả cây trồng và con người. Giun đất giúp tăng cường khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây trồng mà không cần phân bón hóa học”, anh Trung chia sẻ.

Cũng theo anh Trung, quá trình vận động nông dân chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang hữu cơ là một thách thức lớn. Khi bắt đầu, nhiều nông dân cho rằng HTX đang làm sai cách và gặp nhiều áp lực. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, kết quả từ sản xuất hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, đất khỏe, cây sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao mà phẩm chất trái cũng ngày một nâng lên.

“HTX chúng tôi cung cấp toàn bộ vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Về đầu vào, chúng tôi liên kết với các doanh nghiệp uy tín để cung cấp vật tư phục vụ định hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn và hợp tác với các viện nghiên cứu cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh để kiểm soát bệnh hại trên cây mãng cầu.

Đặc biệt, chúng tôi đã thành lập hội quán mãng cầu - nơi nông dân có thể trao đổi kiến thức và cập nhật xu hướng sản xuất mới, với phương châm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và cùng xây dựng thương hiệu cho trái mãng cầu địa phương” anh Lê Minh Trung nhấn mạnh.

Sau khi thiết lập quy trình sản xuất chuẩn và đảm bảo sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Lê Minh Trung đã phát huy vai trò quan trọng trong truyền thông và tiếp cận thị trường. Anh sử dụng mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, đồng thời bán hàng trực tiếp mà không qua trung gian.

Trên mạng xã hội Facebook, nhóm "Bán sỉ mãng cầu Na" do HTX Minh Trung quản lý đã thu hút hơn 16.000 người theo dõi, thu hút đông đảo khách hàng thân thiết từ khắp mọi miền đất nước.

Theo đó, sản phẩm mãng cầu của HTX hiện được chia thành nhiều loại. Nhờ tận dụng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, thương hiệu mãng cầu của HTX đã dần có chỗ đứng trên thị trường. Mỗi ngày, HTX phân phối 15 đến 20 tấn sản phẩm đến các cửa hàng thực phẩm trên khắp cả nước hoặc trực tiếp đến tay khách hàng với giá cao hơn giá thị trường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Ngoài thị trường trong nước, nhờ sản phẩm nổi trội và gia tăng lợi thế cạnh tranh, HTX Minh Trung nhận được sự quan tâm từ các đối tác Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất khẩu 3 lô hàng qua đường hàng không sang Trung Quốc với giá dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/kg. Mặc dù chi phí vận chuyển khá cao, việc này vẫn mang lại lợi nhuận. Việc HTX đứng ra làm đầu mối đã giúp các thành viên hưởng lợi trực tiếp, mang lại sự phấn khởi cho tất cả mọi người.

"Với dân số tỷ người, Trung Quốc vẫn là thị trường giàu tiềm năng cho nông sản Việt Nam nói chung và mãng cầu nói riêng. Đặc biệt, mãng cầu là cây trồng khó tính, không phải khu vực nào cũng có thể canh tác và cho ra sản phẩm đạt phẩm chất như mong muốn, trong khi người Trung Quốc lại rất yêu thích trái cây này.

Tuy nhiên, mãng cầu có đặc tính chín nhanh, do đó việc bảo quản sau thu hoạch là vấn đề khiến HTX rất trăn trở. Hiện nay, sản phẩm của HTX chủ yếu được xuất khẩu qua đường hàng không khiến chi phí vận chuyển cao. Chúng tôi mong các nhà khoa học sớm tìm ra giải pháp bảo quản hiệu quả hơn để mãng cầu không chỉ đến được Trung Quốc mà còn có thể xuất khẩu đi khắp thế giới" anh Lê Minh Trung chia sẻ.

Theo ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, mãng cầu Bà Đen là sản phẩm nổi tiếng nhất của Tây Ninh. Điều kiện khí hậu, đất đai nơi đây đã tạo nên trái mãng cầu Bà Đen có vị thơm ngon khác biệt so với mãng cầu trên thị trường. Thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã khuyến khích trồng cây mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP và thực hiện liên kết sản xuất. Nhờ đó, trái mãng cầu Bà Đen ngày càng nâng cao chất lượng và được người tiêu dùng ưa chuộng, sản phẩm không những được đẩy mạnh tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.

“HTX Minh Trung là một ví dụ điển hình, tiên phong trong việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kiểm soát tốt sâu bệnh hại, giữ gìn và nâng cao phẩm chất trái mãng cầu, đảm bảo sản phẩm ra thị trường luôn đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, đồng thời duy trì và phát huy uy tín, thương hiệu mãng cầu Bà Đen, góp phần đưa sản vật địa phương vươn xa”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, mãng cầu là một trong những sản phẩm đặc trưng của tỉnh, và Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng mãng cầu lớn nhất nước với 5.520ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 5.100ha, sản lượng cung cấp ra thị trường ước đạt 72.930 tấn/năm. Mãng cầu Bà Đen cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, giúp khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống cũng như sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bà Đen” cho sản phẩm trái mãng cầu Tây Ninh, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đề nghị các tổ chức, cá nhân trồng và sản xuất giống mãng cầu đã được cấp quyết định bảo hộ giống cây trồng cần tiếp tục áp dụng tốt các quy trình sản xuất như: Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ICM; quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM); ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để bảo tồn, nhân giống và cải thiện giống cây mãng cầu, mang lại hiệu quả, chất lượng cao hơn.

Mới đây, Bộ NN-PTNT đã có quyết định công nhận lưu hành đặc cách đối với giống mãng cầu ta của tỉnh Tây Ninh. Đây là bước tiến mới trong phát triển giống của Tây Ninh, tạo ra cây giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cho năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao hơn.

“Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị của nông sản địa phương mà còn mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển nông nghiệp bền vững và xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế. Nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp tại Tây Ninh sẽ được hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi và tiếp tục phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững”, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.

Nhằm hỗ trợ và phát triển sản xuất mãng cầu, tỉnh Tây Ninh đã đề ra 5 giải pháp chính:

- Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung: Thành lập vùng sản xuất mãng cầu ứng dụng công nghệ cao (CNC) tại xã Thạnh Tân (TP Tây Ninh) theo Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh (Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 12/01/2023).

- Về chính sách hỗ trợ sản xuất và chế biến: Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, chế biến mãng cầu và các sản phẩm từ mãng cầu thông qua chính sách hỗ trợ lãi vay cho nông nghiệp tiêu chuẩn, liên kết tiêu thụ sản phẩm, áp dụng VietGAP và khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Đào tạo và khuyến khích sản xuất sạch: Tổ chức tập huấn cho nông dân, khuyến khích sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới sản xuất hữu cơ, đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn và bền vững.

- Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và xúc tiến thương mại: Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ để cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý "Bà Đen" cho sản phẩm mãng cầu, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số vùng trồng và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường.

- Nghiên cứu bảo quản và đa dạng hóa sản phẩm: Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu giải pháp bảo quản và đóng gói hiệu quả để giảm tổn thất sau thu hoạch. Phát triển các sản phẩm chế biến từ mãng cầu như trà, rượu, nước ép, mãng cầu sấy để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Trần Trung
Trọng Toàn
Trần Trung – Trần Phi
Trần Phi