Trở lại Cát Bà sau bão số 3, những mất mát, thiệt hại vẫn hằn in trên từng mái nhà, ngõ xóm. Khắp nơi la liệt cây gãy đổ, mái tôn, cửa nhà, cửa sổ ngổn ngang. Hình ảnh thị trấn du lịch sầm uất, nhộn nhịp ngày nào bỗng trở nên tan hoang, xơ xác.
Trên các vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà, dấu vết của cơn bão gần như còn vẹn nguyên. Sự kinh hãi về sức tàn phá khủng khiếp của siêu bão Yagi vẫn còn hiện trên khuôn mặt của nhiều người, khiến họ thất thần, mệt mỏi.
Bình thường, khi đặt chân đến Bến Bèo, chưa cần hỏi, những người chạy thuyền, đò đã đon đả chào mời từ xa; nhưng hôm nay lại yên ắng lạ thường. Đảo mắt khắp nơi, một hồi lâu chúng tôi mới tìm được người lái đò đưa ra khu vực lồng bè của bà con.
Tròng trành mãi gần 5 phút mới điều khiển được con đò vào vị trí để chúng tôi bước lên, chị Vũ Thị Nhài cầm 2 đoạn dây điện chập vào nhau nổ máy rồi gồng mình ghì tay lái đưa con đò vụt ra khơi, phăm phăm tiến về khu vực vụng O, nơi có hàng chục hộ đang nuôi cá lồng bè.
Người gầy đét, mắt trũng sâu, bơ phờ, chị Nhài mệt mỏi: “Đò đắm và hỏng hết rồi chú a, khu vực này trước đây có tới 20 cái nhưng nay chỉ còn gần chục cái, mấy ngày nay tôi phải chạy hết công suất để vừa đưa lương thực tiếp tế cho tàu thuyền, vừa đưa người đi cứu hộ. Mệt lắm nhưng phải chạy để giúp mọi người”.
Khu nuôi cá đầu tiên tôi quyết định ghé thăm là của gia đình anh Đỗ Mạnh Toàn đang neo ở chỗ thoáng gió của Bến Bèo, với mấy chục ô lồng. Đây là khu vực nguy hiểm nhất khi bão gió nổi lên. Khi con đò vừa áp sát được chiếc bè đầu tiên, mùi cá chết đã sộc thẳng vào mũi khiến một thành viên đi cùng phải bịt mồm, suýt thì nôn tại chỗ. Anh Toàn mặc áo mưa, mặt thất thần, cầm vợt vớt những con cá gáy nổi lềnh phềnh đã chết do ngạt nước sau bão, xua tay: “Đỗ sang chỗ kia anh ơi. Chỗ này nhiều cá chết, thối lắm”.
Anh Toàn thất thần kể lại, trước bão, trên bè còn khoảng 40 tấn cá. Do đợt này tiêu thụ chậm nên tồn đọng nhiều.
Từ chiều 6/9, sau khi gia cố lại các ô lồng bè, nhà chòi, anh cùng những chủ nuôi cá lồng bè trên các vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà rời biển lên bờ tránh trú bão để bảo đảm an toàn theo yêu cầu của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng.
Đến sáng 8/9, khi bão số 3 đi qua, xuống cơ sở nuôi lồng bè của gia đình, anh Toàn chết lặng khi chứng kiến thiệt hại. Sóng to, gió lớn bẻ gãy đôi những thanh gỗ táu chắc chắn làm khung lồng bè. Căn nhà chòi mặc dù có phần khung cố định, chằng chéo cẩn thận nhưng vẫn bị xiêu vẹo, nằm nghiêng ngả, tròng trành trên sóng.
“Em nghe nhiều người sống gần đây nói sóng cao hơn 3m, chồm hẳn qua cả mấy cái chòi canh. Bè nhà em mà hỏng thì toàn bộ các bè khác cũng sẽ không còn. Nên sau khi bão tan, em và nhiều người nuôi cá đều chạy xuống. Lúc đó, chỉ mong bè đừng chìm thôi chứ cá mú không còn quan trọng nữa”, anh Đỗ Mạnh Toàn kể lại.
Xót xa, anh Toàn chỉ vào những con cá giò mình mới vớt lên rồi ngậm ngùi: “Các anh thấy đấy, sóng gió mạnh đến nỗi 'mài' sạch vảy hai bên mình những con cá gáy này cũng như bầy cá song, cá giò khiến nhiều con bị chết”.
Trong số 120 ô lồng bè của gia đình anh Toàn, nhiều ô bị sóng nhấn chìm hoặc cuốn trôi, cá chết nổi trắng xóa. Thống kê số thiệt hại ban đầu, khoảng 1 tấn cá giò, 500kg cá song, cá gáy bị sóng “mài” chết, ước tính gần 1 tỷ đồng.
Theo UBND huyện Cát Hải, thiệt hại do bão số 3 trên địa bàn rất lớn. Sóng lớn làm 18 tàu bị đắm, trong đó có 9 tàu ở cảng cá Trân Châu và 9 tàu du lịch. Có 48 thuyền nan bị đắm. Trong hơn 100 cơ sở nuôi cá lồng bè, ngoài các cơ sở bị ảnh hưởng, thiệt hại, có 19 cơ sở bị đứt dây neo và trôi dạt, hư hỏng nặng.
Trong số những hộ nuôi cá lồng bè bị thiệt hại nặng nề bởi bão số 3, còn có gia đình ông Vũ Văn Vóc, ở Tổ dân phố số 11, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải. Chúng tôi đến lồng bè của gia đình ông Vóc khi ông đang cùng những người thân sửa sang lại lồng bè và đánh giá số cá bị thất thoát sau bão số 3.
Trong câu chuyện về nghề nuôi cá lồng bè tại đây, ông chia sẻ, đây là lần thứ 3 trong vòng hơn 4 năm, gia đình ông cũng như các chủ cơ sở khác phải chịu khó khăn, thiệt hại. Lần đầu tiên là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng chục tấn cá trong lồng bè đến kỳ xuất bán mà ít người mua. Sau đó, để thu hồi phần nào vốn bỏ ra, ông Vóc phải “cắn răng” bán theo giá “giải cứu” 120.000 - 130.000 đồng/kg. Trong khi vào thời điểm trước đó, giá khoảng 320.000 - 350.000 đồng/kg.
Sau vụ cá đó, nhiều người trong gia đình ông Vóc bị "choáng", quyết định ngừng nuôi cá một thời gian và bỏ ra số tiền gần 250 triệu đồng để cải tạo, sửa chữa lồng bè theo chủ trương di dời, sắp xếp lại lồng bè trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Ông Vóc khá đậm người, da ngăm đen, khuôn mặt rắn rỏi và đã mấy chục năm trời mưu sinh trên biển. Đã nhiều tuổi, lại được đánh giá là cứng rắn nhưng khi nói chuyện về thiệt hại sau bão, ông Vóc như lạc giọng đi, thi thoảng lại ngoảnh mặt đi chỗ khác, cố ngước nhìn lên chớp mắt liên tục như muốn ngăn dòng lệ.
“Mọi người bảo tôi là người cứng rắn. Từ khi sinh ra tới giờ, tôi chỉ cất tiếng khóc khi chào đời. Sau này, gặp chuyện khó khăn, đau khổ đến mấy, tôi cũng gắng gượng nuốt vào trong. Thế nhưng, khi chứng kiến cảnh tài sản mà tôi và gia đình dành bao tâm huyết, của cải gây dựng, chăm sóc bị bão tàn phá, nước mắt cứ tứa ra lã chã hòa cùng nước mưa chảy xuống biển”, ông Vũ Văn Vóc bùi ngùi.
Trước khi cơn bão số 3 đổ bộ, chúng tôi đã liên hệ hỏi thăm và được anh Phạm Văn Nhiêu, một người dân nuôi thủy sản nước ngọt quy mô lớn và bài bản tại huyện Tiên Lãng. Thời điểm đó, anh Nhiêu còn tự tin nói qua điện thoại, "chúng tôi đã chằng buộc cẩn thận rồi, nếu bình thường thì không lo lắm".
Vậy mà chỉ ít ngày sau khi bão đi qua, chia sẻ với chúng tôi, giọng nói anh Phạm Văn Nhiêu đã khác hẳn, như lạc đi khi hàng loạt ao cá, lồng cá bị thiệt hại, mấy căn nhà dụng để điều hành, trông thủy sản, mấy kho để đựng cám thức ăn cho thủy sản cũng bị bão quật tan tành, không còn gì.
Trước thời điểm bão số 3 đổ bộ, cả trên bờ và dưới lồng bè, anh Nhiêu có tới hơn 200 tấn cá. Nhưng sau bão, nhiều bị lồng bị sóng đánh dạt ra sông, trong ao thì ngập nước, số lượng thủy sản thoát ra ngoài là vô số, thiệt hại ban đầu ước tính cả chục tỷ đồng.
“Quá mệt chú ạ, thiệt hại nhiều quá. Nhà cửa đổ hết, tan tành xác pháo, còn mấy cái lồng thì sóng đánh ra sông, cá bơi đi rất nhiều. Trước bão, tôi dùng máy xúc để giữ mái nhưng vẫn bị bão quật bay hết xuống ao, 3 nhà cám bị đánh tan tành, thiệt hại nhiều tỷ đồng”, anh Nhiêu gượng trả lời.
Tại Hải Phòng, anh Phạm Văn Nhiêu là một người nuôi thủy sản có "số má" và “có nghề”, lại đầu tư lớn hàng chục tỷ đồng để nuôi thủy sản nước ngọt nên đây luôn là “địa chỉ đỏ” để tuyên truyền cảm hứng, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho người dân và cũng là nơi tiếp đón nhiều đoàn khách đến tham quan.
Là người từng trải, rắn rỏi nhưng lúc nói chuyện, chia sẻ về những thiệt hại, thi thoảng anh Nhiêu lại nhìn về phía những tấm tôn lợp nằm chỏng chơ và phía khu lồng bè rồi lặng thinh trong giây lát. Dù đã “quen” với thất bại vài lần và từng bị lũ quét 2 trang trại cá tầm hàng chục tỷ trên Hà Giang nhưng những tổn thất lần này, anh Nhiêu đã không còn giấu được cảm xúc.
Không chỉ các hộ nuôi, mà cả các công ty đầu tư công nghệ cao nuôi trồng thủy sản cũng thê thảm sau bão. Công ty TNHH Khoa Thành, ở quận Dương Kinh, là một trong những nơi đầu tư bài bản bậc nhất trong nuôi tôm thẻ chân trắng ở Hải Phòng. Những năm qua, nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nuôi tôm được các cơ quan, đơn vị chuyển giao về đây. Dù được đầu tư bài bản, kiên cố nhưng sau bão số 3, toàn bộ hệ thống nhà bạt, các công trình phụ trợ liên quan đều gần như bị quật đổ, nằm ngổn ngang.
Theo chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng), cơn bão vừa qua dù không thiệt hại về tôm nuôi nhưng thiệt hại về cơ sở vật chất của Công ty TNHH Khoa Thành rất lớn. Tất cả gần như tan tành, ước tính thiệt hại nhiều tỷ đồng.
“Quá xót xa nên hôm chúng tôi xuống nắm tình hình, ông Nguyễn Văn Khỏe - Giám đốc Công ty - gần như chẳng muốn nói chuyện với ai. Bà Trần Thị Văn (vợ ông Khỏe) còn không dám vào, chỉ đứng ngoài ngõ mà khóc. Chúng tôi không thống kê về tài chính nhưng theo tính toán của doanh nghiệp thì thiệt hại do bão trên 5 tỷ đồng”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh thở dài nói.
Tiếp tục ghi nhận tại những vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản khác, chúng tôi đến phường Tân Thành, quận Dương Kinh. Tại đây, những ngày sau bão trông như vừa trải qua một trận oanh tạc của bom đạn. Lều trại bị quật tan tác, tôn, kính nằm la liệt, còn các cột điện nằm chỏng chơ.
Tại các ao nuôi tôm nhà bạt, người dân nhốn nháo, xót xa nhìn đống tài sản nằm tan tành sau bão. Chẳng ai muốn làm bất cứ việc gì. Thậm chí, việc cấp bạch như dọn dẹp cây cối gãy, đổ đang nằm ngổn ngang trước nhà, cũng chẳng mấy ai để ý tới.
Lặng người hồi lâu đứng nhìn khu nuôi tôm tan hoang của gia đình, ông Nguyễn Trường Giang chia sẻ: Vụ năm nay, gia đình tôi thả 30 vạn tôm, chỉ còn khoảng 15 ngày nữa sẽ thu hoạch. Năm nay, tôm đẹp, năng suất cao và đã có mối đầu ra. Tôi dự kiến sản lượng được khoảng 5 tấn và nguồn thu trên 1 tỷ đồng.
Với chi phí đầu tư lớn, mỗi vụ tôm, ông Giang phải vay mượn hàng trăm triệu đồng để trang trải. Nhìn tôm lớn từng ngày, ổn định sắp đến ngày thu hoạch, ông Giang đã từng nghĩ đến việc hết nợ sau thời gian dài gồng gánh.
Vậy nhưng, chỉ trong vài giờ đồng hồ, giấc mơ đẹp đẽ của ông Giang đã hòa theo dòng nước, đi cùng với cơn bão số 3. “Cả khu vực này ngập trắng xóa, tôm cá như được giải phóng, đi sạch. Tôi như chết đứng, không biết làm cách nào để ngăn chặn. Thiệt hại tất cả có lẽ hơn tỷ bạc. Giờ kiệt quệ rồi, cả tuần nay rồi, không còn muốn về nhà, tôi chỉ quanh quẩn ở đây nhìn trời nhìn đất”, ông Giang buồn bã.
Cách nhà ông Giang khoảng 1km, về phía bên kia đường, là khu vực nuôi tôm của gia đình ông Cao Văn Hóa. Dù sau khi bão tan, có sóng điện thoại, phóng viên đã nhận được thông tin là có thiệt hại lớn tại đây, nhưng không hình dung ra thực tế bão lại tàn phá ghê gớm đến như vậy. “Tôi thả 30 vạn con giống, phát triển rất tốt, chỉ còn khoảng 20 ngày nữa thu hoạch là có tiền tỷ rồi. Nhưng chú xem, giờ còn gì đâu, xong hết rồi”, ông Cao Văn Hóa xót xa.
Tại phường Tân Thành, hộ ông Cao Văn Hóa được xem là một trong những gia đình có sự đầu tư lớn, với số tiền lên đến tầm 3 tỷ đồng, nuôi tôm lâu năm nhất phường Tân Thành. Để có cơ ngơi này, ông Hóa từng phải bán hết nhà cửa, tài sản để đầu tư cho con tôm. Các công nghệ tốt nhất cũng được ông ứng dụng nuôi tôm.
Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, chất lượng nguồn nước ngày càng kém nên việc nuôi tôm không mấy thuận lợi, có lúc ông Hóa đã tính chuyển sang làm cái khác. Thế nhưng tất cả tài sản đã đổ vào đây, vốn liếng đã cạn, ông Hóa đành phải “theo lao”.
Đầu tư lớn, nhà cửa, tài sản đều “nằm” ở ngân hàng để nuôi tôm nên khi bị bão quật tan tác, ông Hóa không dám nói với vợ mà chỉ thông tin là “ổn cả”. Khi biết sự thật, cả nhà đều sốc, bà Đoàn Thị Huế (vợ ông Hóa) vì xót của mà nước mắt ngắn dài nhiều ngày không nói nên lời, chiều chiều thường ra ngồi bên bờ ao nhìn xa xăm.
Cơ sở nuôi tôm của ông Hóa thuộc dạng lớn, có thể hoạt động nuôi trồng quanh năm. Để hoạt động trở lại và gần nhất là vụ đông tới đây, trước mắt cần khoảng 200 triệu để sửa sang lại cơ sở vật chất, máy móc, bạt, nhà kho,… nhưng ông Hóa cho biết gần như không biết xoay xở ở đâu khi những nơi có thể đều đã vay mượn.
“Buồn lắm chú ạ, cả tuần nay, người cứ như đi mượn. Tôi đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào đây, giờ bão lấy sạch, kiệt quệ rồi. Ngân hàng đã vay kịch sàn, giờ chẳng biết lấy tiền ở đâu mà tái đầu tư trở lại nữa. Giờ nếu ngân hàng cho vay thêm và nhà cung cấp giống, thức ăn cho chúng tôi trả dần thì may ra mới tái sản xuất được”, ông Hóa bày tỏ mong muốn.
Phường Tân Thành là nơi nuôi tôm tập trung lớn của Hải Phòng, tại đây có tới 30 hộ trong nhóm nuôi tôm nhà bạt thì hầu như đều thiệt hại lớn, nhất là về cơ sở vật chất. Hộ mất ít thì vài trăm triệu, còn những hộ đầu tư lớn thì mất đến vài tỷ đồng, thậm chí có những hộ vừa đầu tư xong hơn 2,4 tỷ đồng, chưa kịp nuôi thì đã tan hoang.
Cũng như ông Hóa, chia sẻ với phóng viên, cơ bản các hộ dân đều khẳng định đã kiệt quệ do quá trình sản xuất cứ “lãi bao nhiêu lại đầu tư bấy nhiêu” nên gần như không ai có vốn tích lũy, còn “sổ đỏ” thì gần như đều cầm cố tại ngân hàng.
“Mấy năm nay, việc nuôi tôm không đạt hiệu quả cao nhiều hộ dân đã kiệt quệ. Nay bị bão quật tơi tả, nhiều người không còn lực để gượng dậy. Thực sự nếu như không có sự chung tay hỗ trợ của ngân hàng và các cơ quan đơn vị thì các hộ nuôi tôm rất khó để tái sản xuất”, ông Hoàng Đình Hới - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thành - cho biết.
Hải Phòng có tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng khoảng 400ha, diện tích nuôi quảng canh cải tiến khoảng 3.000ha. Những năm gần đây, do ảnh hưởng nguồn nước nên phần nào việc nuôi tôm cũng gặp khó khăn.
Sau bão, tiếp tục thiệt hại nặng nề, nhất là cơ sở vật chất khiến người nông dân vốn đã kiệt quệ kinh tế để trụ với nghề nay lại chồng chất thêm khó khăn. Hơn bao giờ hết, bây giờ họ cần sự sẻ chia, tương trợ để gượng dậy từ đổ nát sau bão.
Tiếp tục ghi nhận tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão, nơi được xem là “thủ phủ” cá cảnh, cá giống của Hải Phòng, nước mắt cũng đã rơi trên khuôn mặt của những người đàn ông từng trải, từng được biết đến với những biệt danh rất dị như: Họa “cá”, Tăng “cá koi”,… Trong đó, có ông Bùi Minh Họa, nổi tiếng với trang trại rộng gần 70ha ở khu đảo Bầu, cùng với các loại cây, con khác, cá và tôm giống, thương phẩm. Cá ở trang trại của ông Họa nhiều không đếm xuể. Chỉ cần đến gần bờ sông là từng đàn cá to sẽ nhảy tán loạn vì đông quá, lúc bơi sẽ va vào nhau.
Chỉ về con sông bên ngoài trang trại, ông Họa cho hay, hôm bão về, nước ngập lênh láng, mấy chục công nhân ở dưới trang trại phải bò trên mặt đất để trở về khu nhà chính trú ẩn, còn ông thì phải đi men theo khúc sông để bật máy phát điện. Lúc này, ông Họa đã bất lực nhìn thấy từng đàn cá dày đặc theo dòng nước bơi ra ngoài sông. Những thiệt hại này cần thời gian dài để khắc phục và nguồn thu cho trang trại bị cắt đứt tạm thời.
“Tôi nhìn thấy cá bơi đặc kín, đen sì cả 1 đoạn dài mà không làm gì được. Nói chung, cá dưới nước không biết đong đếm thế nào, nhưng chắc chắn thất thoát sẽ rất lớn. Tôi gây dựng ở đây gần 20 năm rồi, giờ bị tàn phá nhiều quá. Tết đến, nguồn thu sẽ gần như không còn gì. Hơn lúc nào hết, tôi đang rất cần được hỗ trợ từ Nhà nước và ngân hàng để vượt qua”, ông Họa chia sẻ.
Không khá hơn trường hợp ông Họa, trên địa bàn xã Mỹ Đức, các hộ dân nuôi cá cảnh, nhất là cá Koi cũng gần như mất toàn bộ do bị ngập, cá theo nước thoát hết ra sông. Đơn cử như anh Vũ Văn Tăng, người đang có tới 50 vạn cá Koi (có bố mẹ là thuần chủng của Nhật Bản) cũng bị mất sạch.
Anh Tăng đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua cá bố mẹ cho tự sinh sản. Cá đang lớn và chuẩn bị bán, dự kiến sẽ thu về tiền tỷ thì bão ập đến. Quá sốc, anh Tăng lăn ra ốm ngay sau khi bão tan. Khỏe lại, anh Tăng thường ra bờ ao ngồi rồi nghĩ cách xoay vốn để làm lại vụ khác trong khi chưa biết lấy tài sản gì để thế chấp.
Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn thành phố rất lớn. Có khoảng 6.390ha nuôi trồng thủy sản và khoảng 1.400 ô lồng bị ảnh hưởng, thiệt hại, trong đó có: 3.921,3 ha nuôi cá truyền thống; 2.117,71ha nuôi tôm; 24,14ha nuôi cá da trơn; 321ha nuôi các loài thủy, hải sản khác.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 26.000 tấn các loại. Khu vực sản xuất ương dưỡng giống thủy sản có 24/25 cơ sở bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, ao ương giống; ước tính thiệt hại trên 100 triệu con giống các loại.
Hiện tại, khu vực sản xuất giống thủy sản mặn lợ có xu hướng tạm dừng sản xuất các loại con giống, chuyển sang hoạt động dịch vụ, ương dưỡng giống. Nhu cầu con giống để phục vụ thả nuôi khoảng 200 triệu giống tôm sú, tôm thẻ, 1 triệu giống cua biển và 4 triệu giống cá mặn lợ. Khu vực sản xuất giống nước ngọt cần khoảng 500 con cá bố mẹ các loại, 500 triệu giống thủy sản nước ngọt các loại để khôi phục sản xuất giống các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Sau bão, Sở NN-PTNT Hải Phòng cũng đã có hướng dẫn người dân các biện pháp trước mắt để chăm sóc, quản lý nuôi trồng thủy sản. Đầu tiên là xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao. Sau đó, tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao.
Người dân nên sử dụng chế phẩm sinh học, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, bão, lũ tan. Nếu có thủy sản bị chết, cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý địa phương để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước. Không xả thải nước ao đầm chưa qua xử lý và xác thủy sản nuôi bị chết ra môi trường bên ngoài.
Cùng với đó là kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, đầm, nơi đặt lồng bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép. Di chuyển lồng bè đến vùng nuôi có chất lượng nước đảm bảo an toàn. Tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi và thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.
Để chia sẻ khó khăn với người dân, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã tham mưu cho UBND thành phố Hải Phòng kiến nghị các ngân hàng thương mại rà soát các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn để kịp thời hỗ trợ người dân. Giải pháp hỗ trợ trước mắt là hạ lãi suất vốn vay, giãn, hoãn nợ hoặc cho vay thêm để tái sản xuất.