Một câu chuyện nhỏ về thị trường

“Cơm khô là cơm thảo. Cơm nhão là cơm hà tiện”

Tục ngữ Việt Nam

Đây đúng nghĩa là một câu chuyện nhỏ. Nhỏ vì chỉ đề cập đến một mặt hàng gạo trong nhiều nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Nhỏ vì cũng chỉ trong một không gian thị trường hẹp ở một vài đất nước trời Âu. Và nhất là nhỏ vì thị trường được điều khiển bởi “bàn tay vô hình”, mà cái gì thuộc về vô hình thì luôn mờ ảo, chắc chắn không thể bao quát hết những bí ẩn của thị trường.

Trong một dịp viếng chuyến thăm châu Âu, dạo quanh một vài siêu thị, trung tâm phân phối nông sản nhận ra nhiều điều mới lạ. Hầu hết trên các bao bì đều có nhãn sinh thái (BIO, ORGANIC…), có mã QR CODE truy xuất nguồn gốc từ nông trại đến kệ hàng. Tất cả đều minh bạch, từ người trồng, nhà thu mua chế biến, cho đến nhà vận chuyển logistics, nhà phân phối. Mọi quy trình đều minh bạch, có thể kiểm chứng. Các túi gạo nhỏ với thiết kế bao bì nhiều hình ảnh đồ hoạ ngộ nghĩnh, vui nhộn, giàu cảm xúc, ghi rõ cách thức sử dụng.

Bạn phóng viên VTV, người có khoảng 10 năm trường trú nơi đây, giải thích cụ thể về xu thế tiêu dùng xanh hiện nay đã dần chiếm lĩnh các kệ hàng, doanh nghiệp buộc phải tuân thủ nếu muốn nhà phân phối chấp nhận. Những cửa hàng gốc Á thì có phần dễ dàng hơn, nhưng mỗi thị phần mỗi khác, theo quy luật “tiền nào của nấy”. Trong các siêu thị, trung tâm phân phối lớn, gạo được đóng trong túi nhỏ, trong khi đó các cửa hàng gốc Á gạo được đóng bao lớn hơn. Bạn phóng viên giải thích thêm rằng phần lớn gạo Việt do các nhà nhập khẩu bán cho các bếp ăn tập thể, hàng ngày có thể sử dụng cả tấn để nấu cơm nên bất kỳ một sai biệt nhỏ nào cũng làm khó cho khách hàng.

Và đó chính là câu chuyện nhỏ về thị trường. Anh phóng viên chia sẻ rằng đối với đối tượng dùng gạo hàng ngày nhiều như vậy nên họ có thể không cần chất lượng quá cao, tất nhiên cũng không được quá thấp. Vấn đề họ cần là mức độ đồng đều về chất lượng và đảm bảo cung ứng thường xuyên quanh năm chứ không phải chỉ trong một thời gian là hết hàng, hoặc chuyến hàng này chất lượng thế này, chuyến hàng khác chất lượng lại khác. Khi một lô gạo chất lượng bất ngờ cao hơn so với phẩm cấp đã thoả thuận, rồi sau đó trở lại với chất lượng thấp như trước, người ăn có cảm giác chất lượng bếp ăn đi xuống, hoạt động của bếp ăn cũng có thể bị xáo trộn. Những đầu bếp Tây họ không biết kỹ thuật nấu cơm theo từng loại gạo cũ mới như người Việt mình, nên cứ theo hướng dẫn trên bao bì là thực hiện. Hạt gạo dù ngon đến mấy nhưng không biết cách nấu sẽ cho ra hạt cơm không ngon. Đúng là “Tiếc thay hạt gạo trắng ngần. Đã vo nước đục, lại vần than rơm”.

Người Việt thường tự hào về nông sản của mình ngon, trong đó có hạt gạo. Điều đó không có gì sai, nhưng vẫn chưa đủ trong xu thế tiêu dùng mới. Bao nhiêu cuộc xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường đã giúp hạt gạo đi xa, tự hào Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, cái bẫy “đầu xuôi nhưng đuôi không lọt” đây đó vẫn xảy ra vì chưa hiểu hết “tính nết” của từng thị trường, thị phần. Thứ nhất, chất lượng không đồng đều như khi đem mẫu để quảng bá. Thứ hai, chất lượng tốt rồi nhưng không đảm bảo cung ứng đều đặn theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Thứ ba, làm thương mại nhưng chỉ chú ý hợp đồng mua bán, doanh thu lợi nhuận, mà ít quan tâm đến văn hoá tiêu dùng.

Tất cả những tồn tại trong xuất khẩu nông sản bao nhiêu năm qua phải chăng là kết quả của tư duy thương vụ mà thiếu chú ý xây dựng chiến lược dài hạn. Có người đúc kết, trong kinh doanh đừng chú ý lấy tiền, mà phải làm sao chiếm lấy  trái tim của đối tác. Trong các bài giảng về quản trị kinh doanh luôn đề cập đến khái niệm “hành vi người tiêu dùng”. Trong đối tượng tiêu dùng, người ta còn phân loại theo mức sống, tuổi tác, giới tính, tâm lý, tập quán, thậm chí là văn hoá. “Bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có” luôn luôn đúng với bất kỳ thời đại nào, thị trường nào.

Suy cho cùng, thành công trong kinh doanh của doanh nghiệp khi giao thương với nước ngoài cũng là thành công của việc đưa hình ảnh đất nước ra thế giới. Nông sản, sản phẩm của Việt Nam ra khỏi biên giới Tổ quốc cũng đồng thời là hình ảnh người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam hiên ngang sánh vai cùng năm châu bốn biển.

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi đầu thế kỷ 20 được lưu truyền trong sử sách không chỉ vì là một người kinh doanh kiệt xuất, mà càng trân quý hơn là người lấy “tinh thần dân tộc” để cạnh tranh với các đối tác nước ngoài.

Lần theo lịch sử kinh doanh trên thế giới cho thấy những doanh nhân xuất chúng đều luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu. Triết lý kinh doanh của những danh nhân kiệt xuất là luôn giữ chữ “tín”. Hình như theo họ, trong thương trường chữ “tín” là loại hàng hoá đặc biệt có thể “bán” được, thậm chí bán giá cao. Chữ tín trong trường hợp câu chuyện nhỏ về thị trường như trên bắt đầu từ luôn đảm bảo đồng đều về phẩm cấp và cam kết cung ứng đều đặn theo đơn hàng đã ký với đối tác. Tất cả họ đều thành công và trở thành những tấm gương sáng cho bao thế hệ doanh nghiệp tiếp theo.

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Như Nguyễn