Một chuyến về quê với văn tài Đỗ Chu

Một buổi sáng đầu thu, nhà văn Văn Chinh gọi điện bảo cháu cùng với chú đến nhà “bậc tiên chỉ làng văn” Đỗ Chu để làm bài đối thoại về văn hóa nông thôn Việt Nam.

“Nhất định phải là nhà văn Đỗ Chu, bởi nếu văn hóa Nam Bộ đã chọn nhà văn Sơn Nam để ký thác mình vào văn chương thì Bắc Bộ chính là ông ấy”, giọng nhà văn Văn Chinh quả quyết.

 

 

Trong căn hộ trên tầng 5 khu chung cư Đội Nhân, sau ấm chè tươi mà tôi áng chừng cũng phải mất tầm cả tiếng đồng hồ chắt ủ trong chiếc giỏ tích, “bậc tiên chỉ làng văn” mới thủng thẳng: Một tờ báo có bề dày trên 75 năm là không vừa đâu nhé, nhất lại là tờ báo của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhiều vấn đề lắm, nhiều chuyện đáng để bàn lắm, nhưng thôi thế này, cũng là sự kiện lớn, để ta viết một bài cho báo hẳn hoi, nội trong mươi ngày sẽ có bài.

Nhà văn Văn Chinh mừng húm. Dạ. Được thế thì còn gì bằng ạ. Lâu rồi không thấy anh viết gì. Đến hôm ấy em cho thằng cu đây sang lấy bài anh ạ. Rồi các ông chuyển sang nói chuyện văn chương, nói chuyện giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh mà ông Chu đang giữ một chân trong hội đồng xét duyệt.

Có lẽ sẽ không có bài nào hết nếu trong bữa chè tươi hôm ấy không có Tiến sĩ Phan Hồng Giang, con trai nhà phê bình văn học Hoài Thanh. Ông Giang cùng vợ là nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát vốn là hàng xóm, cũng là bạn bè thân thiết lâu năm chỗ ông Chu.

Chuyện đang đượm, ông Giang ghé tai tôi nói: Cháu chủ động bài vở đi, không thì ốp ông ấy thế nào chứ đừng nghe hứa. Có khi cả tháng cũng chưa có bài. Chơi với lão bao nhiêu năm tôi còn chả lạ. Bản thảo sách người ta gửi đến một chồng, nhờ viết vài lời tựa gọi là mà mãi lão có viết đâu. Từ ngày để râu, thấy lão cứ chơi thơ với họa chứ ít khi thấy viết lách gì. Cũng không rõ việc thơ, việc họa nó cuốn hút hơn hay là vì mấy bận anh con trai lão bóng gió là Nhà nước trao tặng cho bố đủ thứ giải thưởng là ý muốn bố lui về nghỉ ngơi đấy, lão nghe nên không viết nữa hay chăng.

Nghe ông Giang nói thế mà lo, có khi “bể kèo” với ông Chu này mất, nhưng may sao câu chuyện sau đó dần dà quay về chủ đề nông dân, nông thôn.

Nhà văn cao hứng: Hay về quê ta chơi một chuyến đi. Về cả Bắc Ninh quê mẹ lẫn Bắc Giang quê cha. Phải về quê chứ viết về nông thôn ngồi ở phố sao mà viết được. Nông thôn thay đổi từng ngày từng giờ chứ có còn như trước nữa đâu. Sáng sớm mai mình về luôn.

Khác với lời hẹn viết kiểu chừng như cho qua chuyện, giờ giấc về quê của nhà văn rất nghiêm túc. Khoác chiếc áo thổ cẩm, giày tây với cả bút sổ hẳn hoi, bà Nhu, vợ ông xin cùng về thăm nom vườn tược, họ hàng bên ấy đã bị ông mắng xơi xơi. Ơ hay, vớ vẩn vừa thôi, người ta đi công việc, dễ chừng bà tưởng đi chơi mà đòi đi theo.

Mắng là mắng thế nhưng ai cũng biết ông Đỗ Chu thương vợ hết lòng. Độ chục năm nay, kể từ khi bà Nhu bị cơn tai biến làm cho trở nên chậm chạp, nhớ nhớ quên quên cũng là một tay ông chăm nom cả.

Chỉ non tiếng đồng hồ chạy xe đã có mặt ở con ngõ nằm cạnh khu phố lâu đời thuộc phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh. Ngôn ngữ hiện đại là khu phố, nhưng trong mắt ông Chu, nó vẫn là làng. Nước mình có cái gì không từ làng mà ra, gọi làng nghĩa là còn hi vọng, cứ như phố xá ba lăng nhăng xem như vứt. Phố xá làm gì khi mọi thứ cứ lung tung hết cả. Cờ bạc, lô đề, đĩ điếm len lỏi đến tận cả đình đền miếu mạo, rõ là thất kinh, tởm lợm.

Nhà của nhà văn nằm trong con ngõ nhỏ. Trước ông năng về, mấy năm nay chỉ đôi ba bận, chủ yếu là để hương khói cho hai cụ thân sinh vào những ngày tết, ngày giỗ, còn thì đóng cửa suốt. Không cho thuê đã đành, đám cháu chắt xin ở nhờ cũng không là không.

Đó là căn nhà cấp bốn xây đơn giản đặc trưng vùng Kinh Bắc. Tường gạch, mái ngói… Trước cổng là sấu, là đào, sau hiên là khế, là mít… Tất cả đều tự tay ông trồng quãng thời gian ở đây và viết lách, trước khi có “chỉ thị”: Đỗ Chu không ở Hội Nhà văn Việt Nam thì nơi này không khác gì cái hợp tác xã.

Nhà có một căn phòng trên gác, vừa là nơi thờ phụng ông bà thân sinh, cũng là nơi nhà văn viết, vẽ. Rộng đâu chỉ dăm mét vuông, nhưng Thăm thẳm bóng người, Tản mạn trước đèn, Cánh đồng không có chân trời, Mảnh vườn xưa hoang vắng, Mê lộ, Một loài chim trên sóng... thứ văn chương thuần Việt, đậm đặc văn hóa đồng bằng Bắc Bộ của Đỗ Chu, thứ văn chương từng giành giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Văn học Đông Nam Á và vô số sự thừa nhận trong nước và quốc tế dễ chừng cũng từ căn gác này mà vang danh.

Trong căn gác ấy lại còn có cả tranh. Kia là bức vẽ nhà văn Nguyễn Minh Châu, người từng ví “Đỗ Chu như cây quế, thơm từ vỏ thơm vào”, người đón nhận những trang viết đầu tay của cậu học trò Đỗ Chu 17 tuổi với những Ao làng, Hương cỏ mật, Thung lũng cò, Mùa cá bột để trình làng một trong những văn nhân tài hoa bậc nhất của thể loại tùy bút ở trên tờ Văn nghệ Quân đội vào những năm 1961.

Đây là nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Văn Cao... những bậc đàn anh cả trên văn đàn lẫn ngoài cuộc sống. Kia nữa là những bức vẽ những người bạn thiếu thời, vẽ bà cụ hàng xóm... Trông cứ tưởng là nhiều nhưng không phải ai ông cũng vẽ. Chỉ vẽ những người ta yêu quý, những người thực sự có ý nghĩa với mình. Lối vẽ tranh sơn dầu tôi xem chả hiểu gì, nhưng ông khoe có những người trả giá hẳn mấy nghìn đô Mỹ. Nghe thì biết vậy, cũng không có thời gian để mà kiểm chứng.

Cũng trên căn gác đó, chỗ thờ phụng ông bà thân sinh ngoài di ảnh là hàng chữ Nho do chính tay ông Chu viết, Đông chi dã, hạ chi nhật, trích trong Kinh thi, đại ý nói vợ chồng bên nhau tận đến lúc xuống mồ. Một câu chuyện tình ngắn ngủi mà trắc trở, sâu đậm mà không ít những trái ngang.

Cụ ông là liệt sĩ Chu Bá Dùng vốn thuộc hàng con nhà hào phú ở Việt Yên, Bắc Giang, tham gia cách mạng và hi sinh thời kỳ đầu kháng chiến, lúc ông Chu chỉ mới lên hai. Bà cụ là Đỗ Thị Hạt, một người đàn bà đặc trưng của vùng đất Kinh Bắc, nơi vốn nổi danh với nhiều Bà Chúa trong lịch sử. Nền nã mà kiên cường. Dịu dàng mà nghiêm khắc. Tần tảo mà không cam chịu. Cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì cốt cách, phẩm hạnh con người phải lấy làm đầu. Người đàn bà ấy không chỉ dạy đứa con mình đạo làm người mà còn hà khắc với cả cái nghiệp văn chương dù con trai bà thuộc hàng các nhà văn nổi danh từ rất sớm.

Làm cái nghề viết lách mà không trong sạch e là không viết được, tự mình đã thấy mình nhảm nhí, vớ vẩn rồi thì viết lách mà làm gì, chỉ tổ hỏng hết cả sự đẹp đẽ của văn chương. Không biết có phải vì thế mà ông Chu lấy họ cha và họ mẹ làm bút danh, còn cái tên khai sinh Chu Bá Bình cất đi làm tên húy, như một sự tự răn.    

Đó cũng là căn nhà nằm lạc lõng giữa tứ bề nhà cao tầng nhộn nhạo, thồi thụt trông đến là lộn xộn, trông đến là nhỏ nhoi, bất kể nỗ lực của chủ nhân đang cố “bảo tồn” trước sự xâm lấn của những khối bê tông không khác gì lô cốt.

Nguyên một buổi sáng ông Chu chỉ nói chuyện nhà cửa bằng sự ngẫm ngợi của một người yêu văn hóa miền Kinh Bắc đến tận cùng xương tủy. Sao thời buổi bây giờ chúng nó cứ thi nhau khoe cái chỗ ăn, chỗ ngủ của mình thế mày nhỉ? Nhốn nhốn nháo nháo chả ra làm sao. Ví như cái thị xã Bắc Ninh này (ông vẫn gọi thành phố Bắc Ninh là thị xã), ngày xưa bé bé, nhà cửa lưa thưa trông còn được. Bây giờ chen chúc nhau, to nhỏ gì cũng lên hai ba tầng, trông cứ méo mó, mỏng lép, đến chán đời. Xây được là xây, tranh chấp nhau xây, thậm chí là đâm chém để mà xây, có đẹp đẽ gì đâu.

Cũng chả cứ Bắc Ninh, người Việt mình ta cho là lạ, dành cả cuộc đời để đi làm nhà. Ở cái làng Mật Ninh trên Việt Yên quê gốc ta ấy. Làng ấy nó có nhiều cánh thợ mộc thợ nề, tay nghề xây dựng rất đẹp. Đẹp đến nỗi ta sang Pháp, đi một vòng quanh ngoại ô Paris mà cứ thấy nhang nhác như làng mình. Nhưng cái làng Mật Ninh ấy vẫn cứ nghèo. Nghèo vì chỉ thích làm nhà to, làm lụng được bao nhiêu đổ vào xây nhà cửa hết. Vay mượn cũng được, thiếu ăn cũng được nhưng cứ phải nhà to đã, sau đấy lại đi làm thuê, làm mướn mà giả nợ cũng chả sao. Khắp đất nước này không biết có bao nhiêu làng Mật Ninh như thế nhỉ.

 

 

Không riêng gì đám dân đen nghĩ thế đâu mày ạ. Ngay cạnh nhà ta ở Bắc Ninh, có những ông quan tỉnh xây nhà to như cung điện. Người ta cho đó là thượng lưu chăng? Đám như chúng mình may ra chỉ được hạng trung lưu thôi. Mỗi lần về quê người ta kháo nhau dân Bắc Ninh đã thành thượng lưu hết cả. Có những bà hàng nước vốn chạy ăn từng bữa nay cũng thành thượng lưu nhờ con cái bạc bài, lô đề gặp vận đỏ. Những ông nông dân ven đô, chỉ một cái lăn tay bán đất hôm trước hôm sau đã thành người khác. Cứ như thể sự giàu có đến là điều hiển nhiên. Có tiền thì phải xây nhà. Có tiền phải mua xe. Phải ngông nghênh như thế mới là thượng lưu.

Thượng lưu đâu dễ thế được hả mày. Nhất là khi cái sự ăn ở vẫn còn đang rất lộn xộn, nhố nhăng. Để được hai tiếng văn minh, hai tiếng cường thịnh như người ta e là còn lắm gian truân, vất vả. Dân tộc mình từ bùn ruộng mà đi lên. Một thời mới đó, đã xa đâu, có những anh miền Bắc đi vào miền Nam, nhìn nhà vệ sinh người ta đã đem rau vào đó mà rửa. Nói cái thói nhà quê nó ăn vào từng tế bào, nó ăn vào máu dễ khiến nhiều người tự ái nhưng chưa thể nào để nói khác được. Dù ông có mũ cao áo dài, có khoác lên mình những bộ cánh sang trọng đến mấy, thói ấy hẵng vẫn còn.

Chúng mày nghe thấy gì không? Tiếng rao bánh khúc. Đó cũng là một sự lọc lừa, lươn lẹo đấy. Tháng chín âm lấy đâu ra lá khúc làm bánh mà rao? Phải là tháng giêng, sau tết một tý, khi những thửa ruộng bỏ hoang cả mùa đông, rau khúc nương vào hoang hóa ấy mà mọc. Một thời bánh khúc là món ăn chơi của những bậc hào phú. Người ta ra đồng, ra bãi nhặt lá khúc về dã thật nhuyễn lấy nước nhào cùng gạo nếp, lại bọc bên trong nhân đỗ xanh thịt lợn, đều là những thứ đám dân nghèo không dám mơ.

Đất nước khá hơn một tý, khi người nghèo có thể ăn bánh khúc chơi thì rau khúc cũng dần theo đó mà hết. Như ở xứ này, ruộng đồng thành nhà cửa, bãi sông cũng chẳng còn. Con gái ta đi xa về, nhớ món bánh khúc, đi dọc bãi sông Cầu chán chê lại ngược về những bãi bờ sông Đuống, tịnh không thấy bóng một ngọn rau khúc nào. Nó nói với ta, bao nhiêu cái vụng về, cái quê mùa thế lại ngon, lại thơm, lại còn giữ được sự hẳn hoi. Còn như những thứ hào nhoáng thì lại bố láo, không ra gì. Muốn ăn một giọt nước mắm cho tử tế cũng phải gạt hết đi mọi sự ngờ vực đấy mà thôi.

Người ta nhố nhăng từ những điều rất nhỏ như thế cho đến những thứ được cho là lớn lao. Như ở quê ta đây, cha bí thư đưa con ngồi ghế bí thư dù chỉ học cờ vua. Lại có thằng đang leo cột đọc đồng hồ đo điện được người ta đến gọi về ngay để thay vào vị trí bố nó sắp nghỉ hưu, thế là nhảy xuống để về làm cán bộ. Hỏi thế có chết không chứ lị.

Có một chuyến ta đi sang Nhật, ngồi vào bàn ăn thấy rõ ràng là đĩa mướp luộc, thứ quả mọc đầy bờ ao quê mình mà người ta chỉ chia cho mỗi người có đúng năm miếng. Bảo sao đất nước họ giàu, là vì họ biết tiết kiệm. Họ giàu là nhờ họ biết sạch sẽ nghiêm túc. Cho nên, mình muốn bàn chuyện giàu có sợ là còn rất khó. Nó phải từ từ. Giàu có làm sao được khi thế giới thích vị chua chua, thanh thanh rồi mà mình thì vẫn cứ thích ngọt, vẫn cứ lấy hộp sữa, cân đường làm quà mỗi khi hỏi thăm nhau lúc ngã bệnh ốm đau.

Rõ ra là dân mình chưa chuẩn bị kỹ lưỡng để giàu, chưa được chuẩn bị hẳn hoi để mà tử tế. Nông dân cả mà vẫn bắt nạt nông dân. Sểnh ra cái y như rằng là nhảm nhí. Từ quê lên thị xã, lên thành phố, hách lắm, oai lắm, nhưng có chăng cũng chỉ là sự giàu có về tiền bạc mà thôi. Ta thường nghĩ, đang có một sự rung chuyển từ bên trong khi sự giàu có nhiều lên nhưng cùng với đó cũng lắm phường cốc láo. 

 

 

Làng Mật Ninh quê gốc của nhà văn Đỗ Chu là một vùng bán sơn địa ven sông Cầu, dưới chân dãy núi Nhẫm, núi Tam Tầng, núi Con Voi… thuộc phủ Lạng Thương xưa. Mật Ninh nghĩa là sự yên tĩnh, nhưng ký ức của ông cụ về ngôi làng chỉ toàn là những xáo trộn và cũng chẳng còn ai thân thích ở đó.

Ta đẻ trên thị xã Bắc Giang năm 1944. Từ thời ông bà nội, gia đình ta thuộc hàng giàu có, nhiều ruộng, lại có thêm cả nghề tơ tằm, có thể coi là bậc bề thế. Nhưng thời buổi chiến tranh loạn lạc, bố mất sớm nên mẹ con phải tản cư lên mé Hiệp Hòa rồi sang tận Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Hết thời gian sơ tán, định trở về làng nhưng không về được nữa. Cuối năm 1954, Cải cách ruộng đất đấu tố gia đình ta là địa chủ, ông bà đi theo cách mạng cũng không cứu được, bà nội ta đứng ra gánh chịu, trở thành địa chủ đầu tiên của làng.

Từ Thái Nguyên về Bắc Giang, nhà cửa, ruộng vườn, đồng bào đã chia nhau vào ở hết, mẹ con đành dắt díu nhau qua bên kia sông Cầu, sang Bắc Ninh quê mẹ trú ngụ. Dấu tích ngôi nhà cũ bây giờ chỉ còn trơ gốc nhãn. Kỷ vật chỉ còn lại duy nhất chiếc bàn vuông bốn chân thấp nếu nhìn kỹ sẽ thấy giống chiếc án thư cổ, hầu hết những trang văn ta viết đều từ cái “án thư cổ” ấy mà nên, từ những trang đầu tay cho đến tận bây giờ. Ông Hữu Thỉnh mấy bận đến chơi nói nó quý hơn vàng, quý thế thì mai kia ta sẽ nộp chiếc bàn vuông kia để các ông đưa vào nhà Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Trước khi tham gia cách mạng, ông cụ thân sinh nhà văn Đỗ Chu đã kịp có hai bà vợ chính thức. Nhà văn là con bà cả, trước có một bà chị, sau còn một ông em, hiện đang sinh sống ở Đà Lạt và Sài Gòn. Ở Mật Ninh không còn ai thân thích là vì sau cải cách, nhiều người trong dòng họ Chu Bá cũng rời lên mạn Trung Sơn lập trại.

Chúng tôi theo ông Chu lên Trung Sơn thăm một người bà con tên Bé. Cả làng này đều người Mật Ninh hết đấy anh ạ. Gần cả trăm hộ, làm cả ruộng, cả màu, cả đi công nhân mà vẫn cứ khổ. Cứ tưởng chỉ dưới làng cũ mình đất chật người đông, kéo nhau lên đây lập trại nhưng nơi này giờ đây cũng chật chội lắm rồi. Ruộng thành khu công nghiệp, cánh đồng thành nhà máy, nghĩ nát óc chưa biết làm nghề gì khi mất hết đất đây. Em đằng nào cũng sắp xuống lỗ, chỉ thương đám con cháu, không biết rồi đây sẽ thế nào.

Ông chép miệng, ờ thì đất đai ấy mà. Nay của người này mai của người khác. Nhưng mà chắc chỉ có đất đai mới thế mày nhỉ. Đất đai cho con người ta miếng cơm, manh áo khi sống hay một chỗ khi nằm xuống nhưng cũng chính đất đai gây cho con người ta những nỗi đau lâu dài. Chuyến này ta đi để viết bài cho Báo Nông nghiệp Việt Nam, tờ báo 75 năm trước Cụ Hồ đặt tên là Tấc đất. Tuy Cụ không nói tấc vàng nhưng ý nhắn nhủ đất đai là máu thịt của người nông dân, còn quý hơn cả vàng ấy chứ.

Từ làng Mật Ninh đi mấy bước chân là đến chùa Bổ Đà nổi tiếng bậc nhất vùng Kinh Bắc, nhà văn Đỗ Chu nói với tôi, đây là nơi hiếm hoi mà người ta đã không lấy sự giàu có làm trọng.

Nhưng đó là chuyện trước đây, còn bây giờ, có thể do lâu quá ông không về quê cũ hay do thế thời thay đổi quá nhanh mà nên những biểu hiện của đồng tiền đã len lỏi vào đến tận chốn linh thiêng. Ngôi cổ tự vẫn nằm im lìm đó, giữa rừng cây, vẫn nét u u, trầm mặc nhưng ngoài cổng vào đã có sự đổ bộ của nhiều công trình xây dựng. Trước chùa này rộng lắm. Khuôn viên vào tận xóm làng, phải gấp ba hiện tại. Tường vách lấy từ làng gốm Thổ Hà nức tiếng, đất sét lấy từ ao chuôm, đồng ruộng quanh vùng. Mỗi làng góp một ít gỗ, đá mà xây nên “thứ nhất là chùa Đức La, thứ nhì chùa Bổ, thứ ba chùa Tràng”.

Chắc chúng mày còn nhớ, xưa kia người ta đi chùa chủ yếu cầu an. Cầu an cho bản thân, cho gia đình, cho làng mạc, xã tắc. Có mấy ai cầu tài, cầu lộc ở chùa. Nhưng bây giờ ta thấy nhiều sự nhố nhăng quá thể. Ai đời đi thương mại hóa cả chùa chiền. Ai lấy thước đo sự linh thiêng bằng những công trình đầu tư hoành tráng. Xem ra đấy là cái cách của lũ ăn xổi ở thì, đích thị là một lũ dở hơi. Hay phải chăng đó là cả một thời nhố nhăng như vậy. Phải chăng đầu óc của chúng nó chỉ nghĩ đến cái ăn thôi hả chúng mày. Phải chăng sau công cuộc ăn đất ăn đai thì dễ chừng chúng nó tính chuyện ăn cả vào văn hóa tâm linh đấy phỏng. Chùa to để làm gì khi thiếu mất sự thân thiện, sự an lành. Sang trọng mà làm gì khi chỉ thấy những ồn ào với cả những phô trương. Ta từng đến một ngôi chùa. Sư trụ trì chùa ấy ngồi cùng phật tử chỉ nhăm nhăm khoe mẽ rằng chùa này còn cất giữ nhiều đồ quý. Cốc láo mất nết đến mức đấy là cùng. Khoác áo thầy tu nhưng tâm trí nặng nề vật chất thì thử hỏi đạo dân tộc liệu có còn giữ được nữa hay không. Chả phải ngày xưa các bậc tiền nhân đã đặt tên chùa bên Yên Dũng là Vĩnh Nghiêm với mong muốn mãi mãi có được sự liêm chính, nghiêm túc đó hay sao.

 

 

Nên nhiều khi ta nghĩ, liệu người mình còn ám ảnh với miếng ăn đến bao giờ. Liệu có phải khi trải qua một thời đói khổ quá đã khiến người ta vẫn phải lo âu ngay cả khi không đến mức túng quẫn hay không. Hãy nhìn cây thị cổ trong sân Chùa Bổ này đi. Lặng lẽ quá, u sầu quá. Những cây thị vốn chất chứa cốt hồn văn hóa Kinh Bắc, bằng hương thơm, màu sắc của mùa thu, đến bà lão trong truyện cổ tích cũng nâng niu để ngửi chứ cam kết là sẽ không ăn. Những năm qua cây thị cứ vắng bóng dần. Có phải vì quả thị không ăn được, nên dù có thơm đến thế nào thì cũng là đồ bỏ hay vì có những thứ nghĩ rằng xã hội này không cần thơm. Cái lý của chúng nó chỉ thích ăn, cái gì cũng hỏi có ăn được không, nếu không ăn được thì nhất quyết phải chặt bỏ. Thế thôi.

Nhìn cây thị già này ta chợt nhớ một thời, nhớ quả ổi khu Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội biết nhường nào. Cũng đẹp và thơm lắm. Mà hương ổi ngửi còn sướng hơn cả ăn mày ạ. Nó chỉ là nó khi là thứ cây bờ bụi, còn khi đã của ai rồi chặt để trồng những loài cây khác ăn được nhiều hơn. Đấy là lúc hỏng, giờ Hà Nội mất luôn thứ ổi thơm nức tiếng.

Sáng sớm trên đường về quê, ông Chu hứa, tối nay ta đãi anh em mày một chầu quan họ để chúng mày có dịp thưởng thức cái đẳng cấp văn hóa của cha ông mình. Vậy mà đến cuối ngày ông lại trở quẻ. Về Hà Nội thôi chúng mày ạ. Quan họ mà mất lề lối thì quan họ cái nỗi gì. Thôi để ta đãi chúng mày bát phở, chỗ Thụy Khuê ấy. Ở khắp Bắc Ninh này chả có hàng phở nào ra hồn.

Hoàng Anh
Trọng Toàn
Tùng Đinh