Một dòng sông La chảy mãi đến vô cùng

Sớm mùa thu, tôi theo chân ông Phan Trung Thành ngược triền đê La Giang lên bến Tam Soa. Nơi ấy là chỗ gặp gỡ của sông Ngàn Sâu chảy từ miền rừng Vũ Quang về và Ngàn Phố mạn Hương Sơn xuống hợp lưu thành dòng sông La - một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh.

Nắng thu êm dịu, gió từ sông mơn man trên những bãi bờ ngô lúa. Trời trong xanh lồng lộng, mây trắng nhởn nhơ trên làng xã ven sông. Tiếng sáo diều vi vu, những mái đình làng cổ mấy trăm năm tuổi nhuốm màu thời gian, màu của lịch sử.

Những xóm làng nông thôn mới nhà cách nhà bởi hàng rào cây cảnh được chăm chút, tỉa tót công phu. Một miền quê yên ả, thanh bình mà mỗi bước chân qua đây thấy lòng nhẹ nhàng, thích thú vô cùng.

Ông Thành vốn là đồng nghiệp báo chí với chúng tôi, trước làm lãnh đạo Đài PT-TH Hà Tĩnh, nghỉ hưu rồi nhưng chẳng hiểu cớ làm sao không để thời gian vui vẻ với cháu con mà lại "lọ mọ" đi làm công tác nghiên cứu đất và người Hà Tĩnh.

Nghe nói cũng chỉ mới “bập” vào thôi nhưng xem chừng đã rất say sưa và hễ có cơ hội y như rằng thể hiện ngay sự hiểu biết. Tôi hỏi chú, “nhà nghiên cứu” chậm rãi: Khắp đất nước ni liệu có con sông mô chỉ chảy qua một huyện mà thành biểu trưng của cả tỉnh? Có con sông mô chỉ dài hơn chục cây số lại "đẻ" ra lắm bậc hiền tài như là sông La ni không? Chắc là không. Sông La ngắn thế thôi mà xét về lịch sử là một tráng ca, về văn hóa nghệ thuật là một trường ca, còn với đời sống sông La giống như một sợi dây xuyên suốt níu giữ tâm hồn người xa xứ. Một điều đặc biệt nữa. Chẳng rõ tạo hóa, đất trời hun đúc và sắp đặt thế nào mà phía tả ngạn sông La là những ngôi làng nổi danh trăm nghề, còn phía hữu nức tiếng với con đường học hành, khoa bảng, quê hương các bậc hiền tài kiệt xuất của quốc gia.

Bến Tam Soa nằm dưới chân núi Tùng Lĩnh của xã Tùng Ảnh. Tam Soa nghĩa là ba dải lụa, mỗi dải là một dòng sông. Bắt đầu từ ngã ba này, dòng sông La chầm chậm làm cuộc hành trình ngắn ngủi qua mấy xã miền hạ huyện Đức Thọ trước khi hòa với sông Lam chỗ xã Đức Quang để đi ra Cửa Hội, hòa vào biển cả.

Nhiều người cứ quen gọi “sông La in bóng núi Hồng”, gọi rứa là trật. Sông La chỉ in bóng núi Tùng Lĩnh, còn núi Hồng gắn với sông Lam. Núi sông có duyên phận của núi sông, đó mới là cái hay, cái riêng của mỗi ngọn núi, mỗi dòng sông trên miền Hoan Châu cũ.

Từ bến Tam Soa, chúng tôi dong thuyền xuôi dòng nước. Hôm trước miền rừng Hà Tĩnh có mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều nên dòng sông hôm nay không có được màu xanh ngọc như trong bài hát "Người con gái sông La" của nhạc sĩ Doãn Nho.

“Nhà nghiên cứu” Phan Trung Thành nói đúng. Chỉ một khúc sông mà bên bờ có vô số làng nghề truyền thống nức tiếng. Qua xã Trường Sơn là làng đóng tàu thuyền Trường Xuân, làng hến, làng đan dè cót. Xuôi xuống cầu Thọ Tường có nghề thuốc Bắc Liên Minh, làng vạn chài Phúc Thái, làng lụa Hà Châu Phong. Cuối khúc sông có làng mộc Thái Yên hơn 400 năm tuổi của những người thợ mộc tài hoa từng được tuyển chọn xây dựng Lăng Hồ Chủ tịch năm xưa.

Đã có một thời, gần như mỗi một ngôi làng bên bờ sông La đều có một thứ nghề riêng biệt, bao nhiêu thế hệ nghiêm ngắn giữ gìn. Năm tháng qua đi, có biết bao biến cố, thăng trầm, đổi thay của thời cuộc, nghề còn nghề mất, không ít thứ nghề chỉ còn dĩ vãng nhưng mỗi khi nhắc đến vẫn khiến người ta cảm thấy quyến luyến, tự hào.

Thuyền ghé Bến Hến, “căn cứ địa” của làng Cào, của thứ nghề cào hến độc nhất vô nhị đã làm nên thương hiệu “hến sông La” hiện đang làm thủ tục để chứng nhận sản phẩm OCOP, “a lô là ship” đi khắp cả Hà Nội, Sài Gòn. Ngôi làng này thật đặc biệt. Hơn 300 năm sống dựa vào nghề sông nước, hiện còn khoảng 200 hộ dân, xấp xỉ gần nghìn khẩu, bao đời nay vẫn đeo bám thứ nghề cha ông để lại, bất kể sông núi, thời cuộc biến thiên thế nào. 

Ông lão Thái Kim Đồng (70 tuổi) dẫn tôi lên đền làng Cào nằm ngay bên bến sông, là chỗ thờ tự người khai sinh ra nghề cào hến sông La. Nghe kể rằng người ấy vốn là học trò bên làng khoa bảng Đông Thái, cũng đỗ đạt cao nhưng trên đường vinh quy bái tổ đi thuyền qua sông La vô ý đánh rơi mất sắc phong của triều đình.

Dân ven bờ mỗi người một chiếc cào tre lao mình xuống sông tìm giúp. Sắc phong không tìm được, chỉ thấy toàn là hến. Anh học trò lỡ hẹn với công danh nhưng người làng có được cái nghề lưu truyền đến ngày hôm nay. Dân đời sau nhớ ơn nên lập đền thờ, mỗi năm hai lần làm lễ khai hạ vào ngày mùng Bảy tháng Giêng cầu mưa thuận gió hòa và ngày giỗ ông tổ nghề - ngày hai mươi tháng Ba.

Ông Đồng kể, nghề cào hến không giàu nhưng nó giống như thứ lộc vô tận của dòng sông nên bao nhiêu đời nay người làng Cào vẫn sống khỏe. Hến sông La có cả bốn mùa nhưng nhiều nhất là từ tháng Ba, khi phù du từ Ngàn Sâu, Ngàn Phố theo con nước về dạt vào bờ bãi. Nắng lên, từ trong phù du, rong rêu bãi phù sa ấu trùng hến tua tủa như hạt cà hòa vào nước sông sinh sôi. Dân gian hay gọi là mùa hến rại.

Kỳ lạ làm sao, đất nước có hàng nghìn dòng sông, hàng vạn bãi bờ phù sa, vậy mà chỉ có hến sông La là nổi tiếng ngon, và dù khai thác tự nhiên hằng mấy trăm năm nhưng chưa khi nào có dấu hiệu cạn kiệt.

Phải chăng là vì sông ấy vừa có phù du của núi rừng Trường Sơn lại vừa có phù sa của miền đồng bằng Đức Thọ mà sinh ra loài nhuyễn thể đã trở thành đặc sản nức tiếng? So sánh đâu xa, chỉ có một khúc sông, trong khi hến Đức Thọ thành đặc sản nức tiếng, xuôi xuống mấy cây số mạn cầu Bến Thủy, người dưới ấy gọi là dắt, ăn lại không thể ngon bằng.

Mùa hến quanh năm, chỉ trừ những ngày mưa lũ. Mấy năm gần đây máy móc và phương tiện hiện đại giúp dân làng Cào thôi cảnh ngâm mình dưới nước sông. Nhưng xem ra để có được miếng đặc sản sông La cũng không đơn giản.

Đàn ông đi kéo, đàn bà ngồi đợi bên bến sông, được mẻ nào luộc, đãi ngay mẻ đó. Mỗi một công đoạn không chỉ tốn sức mà còn phải tỉ mẩn vô cùng. Hến luộc xong đem ra sông đãi. Cả ruột và vỏ hến đều chìm nhưng phần thịt nhẹ hơn vỏ, khi chao dưới làn nước trong xanh leo lẻo của sông La, ruột hến sẽ nổi lên, phụ nữ làng Cào phải thật nhanh để hất sang rổ khác.

Ngày ngày có hàng tấn hến về bến làng Cào nhưng chỉ 1/10 trong số đó là thành phẩm. Cứ mười cân hến sống mới được một cân hến ruột. Qua mấy trăm năm, không chỉ bãi bồi mà kể cả trong làng Cào vỏ hến chất thành tầng lớp. Nhiều ông cán bộ địa chất về khảo sát làm kè, khoan xuống hàng chục mét cũng chưa hết lớp vỏ hến của làng Cào lẫn trong đất đá.

Ông Đồng cũng là một thợ cào kỳ cựu, bây giờ lại thêm cả nghề buôn bán. Cả đời ông có khi số lần đi khỏi bến Hến này chỉ đếm trên đầu ngón tay, vậy mà nói chuyện ẩm thực, chuyện thực phẩm sạch, sản phẩm OCOP rất rành rọt. "Mình phải biết, nắm bắt để còn bán hàng", ông bảo.

Hến sông La có vị ngọt đậm đà, không hôi bùn, rất khác biệt so với các nơi khác. Từ hến, có thể làm nhiều món như canh hẹ, canh rau vặt, canh mít, xào giá đỗ… Xưa là món ăn dân dã của bà con nhưng bây giờ lại thành đặc sản, vào hẳn khách sạn, nhà hàng sang trọng.

Mỗi cân hến ruột được bán với giá dao động từ 200-250 nghìn đồng. Sông không chỉ là mạch nguồn mà còn là sinh kế của người dân, bản sắc của quê hương. Ai về Đức Thọ chưa ăn miếng hến sông La xào giá đỗ xúc với bánh tráng xem như chưa về.

Đi qua những làng hến, làng nghề truyền thống như đóng tàu Trường Xuân, mộc Thái Yên, vạn chài Phúc Thái chợt nhớ cái câu lâu nay lưu truyền trong nhân gian “sống làm đế vương, chết làm cá mương Đức Thọ”.

Chẳng hiểu câu đúc kết từ đâu mà hễ đi đến bất cứ đâu, gặp ai trọ trẹ nói chuyện quê hương đều đưa ra bàn vui vẻ lắm. Hôm chúng tôi ăn cơm ở nhà khách sông La, tình cờ gặp anh Hùng, một doanh nhân người Đức Thọ khá tiếng tăm ở Sài Gòn. Giao lưu vui vẻ anh Hùng mới tâm sự, chẳng hiểu sao đi cùng trời cuối đất, ăn uống đủ thứ trên đời vẫn không gì có thể so sánh với vị ngon bát canh hến quê nhà.

Nghe thế, “nhà nghiên cứu” Phan Trung Thành lại được dịp bàn luận, là bởi vì nó không chỉ là vị của bát canh hến mà còn là “vị” của quê hương, gốc gác mình. Giấc mộng làm con cá mương Đức Thọ có thể vì nơi đây vốn là miền “gạo trắng nước trong” của Hà Tĩnh, con gái Đức Thọ nhờ nước sông La mà có làn da trắng hơn những nơi khác, đến con cá dưới sông cũng không phải dạng bình thường.

Hoặc cũng có thể bởi mạch nước dòng sông đã luôn nuôi dưỡng, thấm đẫm chí anh hùng của những bậc hiền tài đất nước, dọc ngang khắp chốn rồi lại muốn trở về với nguồn cội hay chăng?

Hơn nửa thế kỷ trước, ông Huy Cận từng viết trong bài thơ “Gửi người bạn Nghệ Tĩnh” mấy câu này: "Nghe câu vè ví giặm/Càng lắng lại càng sâu/ Như sông La chảy chậm/ Đọng bao thuở vui sầu".

Có ông sếp cũ của tôi từ Bắc vào Hà Tĩnh chơi, vừa du ngoạn dọc sông vừa ngẫm ngợi: Dòng sông này, mảnh đất này, có cảm giác mỗi bước chân đều chạm vào lịch sử, chạm vào tên tuổi các bậc tiền nhân xuất chúng của dân tộc mình.

Quê ông Cù Huy Cận ở xã Ân Phú, bây giờ là huyện Vũ Quang, nhưng trước năm 2000 thuộc huyện Đức Thọ, ngay điểm cuối con sông Ngàn Sâu. Ấy là người tài hoa nhiều mặt. 26 tuổi đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Bộ trưởng Bộ Canh nông đầu tiên của đất nước, tài thơ văn xếp vào hàng những thi sĩ xuất sắc nhất của phong trào Thơ mới, từng là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới.

“Nhà nghiên cứu” Phan Trung Thành lại được dịp thể hiện, cái này sử sách có bàn cả đấy: “Sông La vốn dĩ chảy không nhanh nhưng cũng không quá chậm. Vị nước ngọt mà thơm, tính bình mà nhuận, có cảnh trí tắm nước hóng gió, có phong độ của bọn bút nghiên…”.

Phong độ bút nghiên của sông Ngàn Sâu chảy từ Vũ Quang sinh ra ông Huy Cận, Ngàn Phố của Hương Sơn sinh ra Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Hai con sông ấy gặp nhau ở bến Tam Soa của xã Tùng Ảnh, hun đúc nên Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Tổng Bí thư Trần Phú và vô vàn danh sĩ khác. Ví như ông Lê Văn Thiêm là nhà Toán học Việt Nam đương đại đầu tiên được đặt tên đường. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là người soạn thảo và ban hành chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên. Bà Điềm Phùng Thị, nhà điêu khắc được nước Pháp dựng đến 36 tượng đài, tên tuổi nổi danh khắp châu Âu cũng có gốc gác họ Phùng ở xã Bùi Xá.

Phong độ bút nghiên ấy còn chảy mãi kể cả khi sông La đã nhập với sông Lam chảy ra Cửa Hội. Từ ngã ba sông Đức Quang xuôi đến cầu Bến Thủy, nhìn về phía huyện Nghi Xuân là làng Tiên Điền của Đại thi hào Nguyễn Du, làng Uy Viễn gốc gác của “cây thông giữa trời” Nguyễn Công Trứ…

Chúng tôi theo chân ông Phạm Hồng Chương ra bãi giữa sông La nơi người dân địa phương vẫn gọi là bãi Cồn Soi. Nghe nói bãi ấy đã có tự ngàn đời, nằm trên địa phận làng Hạ của xã Tùng Ảnh.

Qua bao nhiêu thế kỷ bão táp mưa sa, lạ lùng thay bãi bồi càng ngày càng rộng, duy chỉ hình thù không bao giờ thay đổi. Đứng từ trên đê La Giang nhìn xuống bãi bồi tựa hình chiếc bút nổi lên giữa dòng, trước kia mấy ông đồ nho gọi tên là Ngưu Chữ.

Cũng có chuyện truyền rằng, chính nhờ bãi bồi Ngưu Chữ ngày ngày được phù sa sông La bồi đắp nên những làng xã ven sông mới sinh ra lắm người tài kiệt xuất. Đúng sai ra sao xem chừng khó luận bàn nhưng có một sự thật, Tùng Ảnh là đất học danh tiếng.

Ông Phạm Hồng Chương là Bí thư Chi bộ thôn Đông Thái. Đó là một trong 20 ngôi làng khoa bảng được sắc phong từ thời phong kiến. Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng cũng là người làng này. Có một tiến sĩ luật với câu nói đã thành giai thoại “Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng” cũng người họ Phạm nhà ông Chương, sau lấy tên chồng đổi thành họ Ngô, gọi là Ngô Bá Thành.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Phương Đông cũng người Đông Thái. Ông Chương tự hào, thời trước theo quy định mỗi làng cần 8 tiến sĩ để được sắc phong thì Đông Thái có 10 người, còn hôm nay số giáo sư, tiến sĩ gốc gác từ làng lên đến hàng trăm người, nếu lại được “sắc phong” cũng chưa biết gọi tên gì cho phải.

Không biết có phải vì sự học ở Đông Thái qua hơn 400 năm đã quá lẫy lừng hay không mà ông Chương nửa đùa nửa thật: Trước làng thuần nông, dân sống nhờ vào ruộng, nhưng nghề thịnh hành nhất hôm nay là nuôi người đi học.

287 hộ dân, 100% gia đình đều có người đi học đại học, nhà nào chưa có cũng phải cố cho bằng được nếu không rầy rà lắm. Anh công chức Nhà nước, anh nông dân, giàu nghèo chưa kể, vẫn cứ phải có người học hành đỗ đạt thì đi đứng mới dám ngẩng mặt ở làng.

Người làng Đông Thái lưu truyền nhau câu chuyện về người mẹ ăn xin để nuôi con ăn học, những anh học trò học quên ăn, quên ngủ, lấy làm gương răn dạy các thế hệ chuyên tâm. Nổi danh nhất có lẽ là chuyện có ông Đoàn Tử Quang vào thời nhà Nguyễn, 82 tuổi, tóc bạc phơ vẫn còn lều chõng đi thi đến 21 lần. Dù không đỗ đạt cao nhưng có lẽ nhờ tinh thần học tập như thế mà hậu nhân nhà ấy sau này nhiều bậc đỗ đạt. Dịch giả nổi tiếng Đoàn Tử Huyến, nhà giáo, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây là cháu 4 đời của “ông lão đi thi” năm xưa.

Nắng chiều rọi xuống cổng làng Đông Thái, lấp lánh hàng chữ Làng khoa bảng sơn màu đỏ như thể được tô bằng son.

Ông Chương nói, mấy năm nay làng có nhiều người sau cả cuộc đời bôn ba, vốn tưởng ở luôn bên Anh, bên Mỹ hay chí ít cũng Hà Nội, Sài Gòn nhưng lại chọn quay trở về làng sinh sống. Đường làng khoa bảng đẹp đẽ, khang trang, người già đi tập thể dục, trẻ con đi học về, tiếng dạ thưa, kính chào lễ phép, một miền quê rất khác với ở nhiều nơi.  

Giữa trung tâm huyện lỵ Đức Thọ có một tấm biển khắc sâu 6 chữ “Sông La đi nhớ về thương”. Phó Chủ tịch huyện Hoàng Xuân Hùng chia sẻ, từ năm 2020, huyện Đức Thọ đã được công nhận là huyện nông thôn mới, thời điểm này cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đang phấn đấu đạt huyện nông thôn mới nâng cao, một miền quê đáng sống thực sự. Đó là thành quả, nỗ lực của những người địa phương cũng như người Đức Thọ ở khắp nơi, trong và ngoài nước.

Đi dọc sông La hôm nay, qua những làng xã của miền đồng bằng Đức Thọ, một màu xanh ngút mắt của xóm làng nông thôn mới khu dân cư kiểu mẫu. Con sông là nguồn cội, là nét văn hóa để người Đức Thọ “đi nhớ về thương”, là động lực để mỗi con người, mỗi dòng họ, mỗi làng xã phát triển đi lên.

Ví như ở xã Tùng Ảnh, xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh. Chủ tịch UBND xã Phan Tiến Dũng khoe, chỉ riêng việc tiếp đoàn công tác đến tham quan mô hình nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu cũng đã nhiều vô kể.

Ở nơi đây, nông thôn mới không chỉ là hạ tầng mà quan trọng là hồn cốt, là những nét văn hóa lịch sử quê hương, truyền thống của các dòng họ, nề nếp, ý thức của cộng đồng. Nhiều nhà thờ của những dòng họ lớn ở Tùng Ảnh dựng hai tấm bia. Một ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, một để lưu danh những người học hành đỗ đạt. Đó là truyền thống nhưng cũng là để thi đua.

“Chúng tôi hiểu rằng để xây dựng nông thôn đáng sống thì truyền thống, nề nếp là quan trọng lắm”, Chủ tịch xã Tùng Ảnh sẻ chia.

Hoàng Anh - Thanh Nga - Tùng Đinh
Trọng Toàn
Tùng Đinh