10 năm trở lại đây, nhiều địa phương ven biển trong khu vực Nam Trung bộ rộ lên nghề nuôi mực, loài hải sản trước đây tưởng chỉ đánh bắt từ tự nhiên…
Theo ông Phan Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn (Bình Định), từ trước năm 2010, nhiều ngư dân ở 2 xã bãi ngang Nhơn Lý và Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn) đã thành công với mô hình nuôi mực lá trên biển. Tin lành bay xa, chuyện ngư dân Nhơn Lý và Nhơn Hải đánh bắt mực giống trong tự nhiên mang về nuôi thành mực thương phẩm chẳng bao lâu đã “bay” đến tai ngư dân Cù Lao Xanh, vùng đảo có tên hành chính là xã Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn).
Trước sự háo hức của ngư dân đất đảo, Phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn tổ chức cho ngư dân Cù Lao Xanh đi tham quan mô hình nuôi mực tại 2 xã Nhơn Hải và Nhơn Lý. Ông Nguyễn Văn Trợ, cán bộ xã Nhơn Châu, là người đau đáu nhất với chuyến tham quan này.
Bởi, theo lời kể của ông Trợ, trước đây, trong quá trình đi biển đánh bắt hải sản gần bờ, ông Trợ phát hiện trên những dây neo trên tàu cá có rất nhiều mực con bám vào đó mà sống. Khi ấy ông nghĩ, mực sống được trên những dây neo, tại sao lại không sống được trong những lồng bè.
Thế là ông Trợ bàn với con trai là anh Nguyễn Xuân Hiển thử bắt 20 mực con bé bằng đầu ngón tay út về nuôi thử nghiệm. Khi mới bắt, ông Trợ cho những con mực vào ô lưới để nuôi, cho ăn bằng các loại cá nhỏ sống ở gần bờ. Ban đầu, do sống khác môi trường nên những con mực giống ngày càng yếu dần rồi bỏ mồi không ăn. Thế nhưng, chúng chỉ lơ ăn vài ba hôm đầu, khoảng 10 ngày sau chúng khỏe dần, đớp mồi lia lịa. Ông Trợ mừng rơn vì thấy lũ mực trụ được với cuộc sống trong ô lưới.
Từ 20 con nuôi thử nghiệm ban đầu, 6 tháng sau, đàn mực của ông Trợ được nhanh chóng nhân lên thành 6 ô lưới treo trên bè. Chu kỳ mỗi lứa nuôi là hơn 2 tháng, ô lưới cho thu hoạch khoảng từ 10-12kg mực thương phẩm, bán được gần 4 triệu đồng.
Không chỉ ông Trợ, người dân đất đảo Nhơn Châu cũng mừng rơn khi thấy chuyện nuôi mực không còn quá xa vời, mà đã thành hiện thực, cho thu nhập rõ ràng. Nhiều người dân xã đảo Nhơn Châu háo hức muốn ông Trợ truyền đạt kinh nghiệm nuôi mực, ông rất sẵn lòng. Thế là từ 1-2 hộ nuôi ban đầu, dần dà nghề nuôi mực lá phát triển rộ trên đất đảo Nhơn Châu.
Theo anh Nguyễn Hạ Lào, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Châu, trước khi người dân ở đây có nghề nuôi mực lá, trên đất đảo này đã có 51 hộ nuôi tôm hùm, cá chim trắng, cá gáy, cá mú, cá cam. Năm 2010, sau khi được đi tham quan các mô hình nuôi mực ở Nhơn Lý, Nhơn Hải, 1 vài hộ dân ở đây bắt đầu nuôi mực. Từ 1 vài hộ nuôi ban đầu, hiện nay ở xã đảo Nhơn Châu đã có 18 hộ nuôi mực lá với 31 bè trên vùng biển trước đảo.
“Sản lượng mực lá thương phẩm ở Nhơn Châu trong năm 2023 đạt gần 3 tấn, thu về gần 1 tỷ đồng. Đây là khoản thu không nhỏ của người dân đất đảo”, anh Nguyễn Hạ Lào thông tin.
Ngoài những hộ nuôi mới, số bè mực tăng lên vì những hộ trước đây nuôi 3 bè nay tăng lên 4-5 bè. Hiện nay đã đến mùa mưa bão nên người nuôi mực đã tạm dừng, đưa bè lên bờ để bảo quản qua năm sau nuôi tiếp.
Nghề nuôi mực lá ở xã đảo Nhơn Châu là nghề “ăn trọn gói”, bởi người nuôi không phải mua con giống mà đánh bắt từ tự nhiên, còn thức ăn cho mực thì chỉ cần dùng hải sản gần bờ. Cá nhỏ cho mực nhỏ ăn, cá lớn cho mực lớn xơi. Hộ nuôi mực nào ở Nhơn Châu cũng biết thả chà đánh bắt mực giống và có tàu thuyền hoặc thuyền thúng đi đánh bắt gần bờ kiếm thức ăn cho mực.
Hằng năm, từ tháng 2 âm lịch là người dân Nhơn Châu bắt đầu vụ nuôi đầu tiên, đây cũng là thời điểm đánh bắt mực giống. Mỗi vụ nuôi kéo dài từ 2 tháng đến 2 tháng rưỡi là thu hoạch. Cứ thế, hoạt động nuôi mực kéo dài đến tháng 8 âm lịch là thu hoạch sạch để tránh mùa mưa bão.
Mực giống được đánh bắt bằng những bó chà. Chà là loại cây bụi trên núi được bó thành từng bó, cột vật nặng bên dưới để bó chà chìm xuống biển, bên trên cột phao để người chủ nhận ra vị trí mình đã thả chà. Từ 8 giờ sáng đến 1 giờ chiều mỗi ngày, ngư dân chèo thúng đi bủa lưới quanh những bó chà mình đã đặt để đánh bắt mực giống. Lưới đánh bắt mực giống có mắt rất nhỏ, loại lưới đánh bắt cá cơm. Mỗi hộ nuôi mực thả hàng chục bó chà trên vùng biển quanh đảo để đánh bắt mực giống. Mực giống có trọng lượng mỗi con chừng nửa lạng, chúng từ ngoài biển theo sóng dạt vào, tụ tập dưới bóng mát của những bó chà.
Ông Trần Văn Cho (62 tuổi) đang nuôi 5 bè, mỗi bè 2 ô, bình quân mỗi ô nuôi 150 con mực. Để có giống nuôi, từ bến đò Nhơn Châu đến 3 bãi ở phía Nam cù lao, ông Cho thả đến 40-50 bó chà. Theo ông Cho, trước khi bủa lưới, ngư dân lặn xuống xem quanh bó chà có nhiều mực giống trú ngụ không, nếu chỉ có vài ba con thì thôi, còn nếu quanh bó chà có từ vài ba chục con mực giống trở lên mới tiến hành.
Theo ông Cho, nếu mực giống đánh bắt được là đực thì nuôi sẽ rất đạt, bởi mực đực nhanh lớn, tăng trọng nhanh, chỉ khoảng 2 tháng là đạt 5-6 lạng/con, có thể xuất bán. Nếu đánh bắt trúng mực cái thì vụ nuôi phải kéo dài 2 tháng rưỡi, mà khi xuất bán trọng lượng lại không bằng mực đực. Năm trúng mùa, mỗi ngày, với 20-30 bó bẫy chà, mỗi chủ nuôi có thể đánh bắt được 100-200 con mực giống.
Môi trường vùng nước nuôi còn được người nuôi mực tự bảo vệ rất nghiêm ngặt. Thức ăn của mực lá là mồi tươi, gồm các loại cá biển. Bình quân 5 bè, 10 ô lồng sẽ nuôi khoảng 1.500 con. Mỗi ngày, 1.500 con mực sẽ ăn khoảng 30kg mồi.
Theo ông Trần Văn Cho, hộ nuôi mực nào nhà có người đi đánh bắt hải sản gần bờ thì khỏi phải mua mồi, khi nào đánh bắt không đủ cá cho mực ăn mới vào Quy Nhơn mua cá vụn với giá 20.000đ-25.000đ/kg về làm thức ăn cho mực.
Mỗi ngày mực ăn 2 lần, sáng chiều. Mỗi sáng sớm, người nuôi ngồi trong bờ cắt cá thành miếng nhỏ, bỏ vào xô nhựa mang ra bè cho mực ăn. Cho mực ăn xong người nuôi mang chiếc xô vào bờ. Trong khi trước đây người nuôi có thói quen bỏ mồi vào bì nhựa, mang ra bè cho mực ăn xong vứt bì nhựa xuống biển, mỗi ngày mỗi ít, những chiếc bì nhựa đựng thức ăn cho mực nói trên sẽ làm ô nhiễm vùng biển. Thói quen này được thay đổi đã góp phẩn bảo vệ môi trường vùng nước nuôi mực ở xã Nhơn Châu.
Còn theo anh Đặng Ngọc Định, người nuôi mực thành công nhất xã Nhơn Châu, nuôi mực cực khổ nhất là cho mực ăn. Mỗi lần cho mực ăn phải mất đến vài tiếng đồng hồ. Lúc mới nuôi mực, do chưa có kinh nghiệm, anh Định cho cả vài chục ký cá vụn làm thức ăn cho mực xuống 1 lần, mực chưa kịp ăn thì cá đã chìm hết xuống đáy ô lưới. Khi cá đã chìm xuống đáy ô lưới rồi thì dù mồi có ngon mấy mực cũng không ăn.
Cũng theo anh Định, mực chỉ ăn mồi nổi, nên thức ăn phải thả từ từ để con mực nào cũng được ăn no như nhau. Nếu cho ăn không kỹ, con no con đói, những con mực đói sẽ ăn những con mực nhỏ hơn trong ô nuôi. Cho mực ăn xong, nếu dưới đáy ô lưới còn đọng thức ăn thừa chủ nuôi phải dùng vợt lưới vợt hết lên để không gây ô nhiễm nguồn nước.
Vùng biển Ninh Thuận có rất nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy hải sản. Đây là nơi ít bão gió, ít bị ảnh hưởng bởi nước sông. Tầng đáy chủ yếu là các rạn đá, san hô nên thức ăn khi nuôi bị rơi vãi xuống sẽ bị cuốn trôi đi theo chu kỳ lên, xuống của thủy triều. Do đó, thức ăn thừa không bị đọng lại ở đáy, nên nguồn nước ít bị ảnh hưởng, rất phù hợp cho việc nuôi biển.
Từ trước đến nay, để nuôi mực, ngư dân thường bắt con giống từ tự nhiên và đem về nuôi chứ chưa làm chủ quy trình nuôi mực. Thực tế này đã thôi thúc anh Nguyễn Bá Ngọc xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải) tìm hiểu, nghiên cứu hướng đi mới cho ngành nuôi biển ở Việt Nam. Xuất thân từ gia đình có 4 đời làm nghề biển, bản thân anh đến nay đã có hơn 15 năm gắn bó với biển, nên đã hình thành trong anh tình yêu biển rất lớn.
Năm 2021, bằng những kinh nghiệm tích lũy được, anh Ngọc bắt đầu triển khai thí điểm mô hình nhân giống và nuôi mực thương phẩm trong môi trường bán tự nhiên ở khu vực biển Vĩnh Hy thuộc xã Vĩnh Hải, (huyện Ninh Hải) với diện tích 180m2. Đây là mô hình nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên đầu tiên ở Việt Nam.
Thời gian đầu, anh Ngọc tìm đến các cơ sở cơ khí ở Cam Ranh (Khánh Hòa) để đặt làm lồng nuôi mực, thế nhưng các cơ sở cơ khí ở đây không nhận đặt hàng, bởi lồng nuôi có kích thước lớn quá nên rất khó thiết kế, thực hiện. Không chịu thua, anh Ngọc huy động mọi nguồn lực của gia đình để thực hiện ước mơ của mình.
“Lồng nuôi mực quá lớn, có diện tích đến 180m2, cao đến 6m, di chuyển chiếc lồng 'khổng lồ' này ra biển không khác gì di chuyển một tòa nhà. Để thi công được lồng nuôi đã khó, di chuyển nó từ cảng ra ngoài biển với khoảng cách hơn 3 hải lý còn khó hơn. Trong khi đó ở nước ngoài, để làm được việc đó phải cần giàn thiết bị trị giá khoảng 2 triệu USD mới thi công được”, anh Ngọc chia sẻ.
Thế nhưng với những kinh nghiệm tích lũy được trong hơn 15 năm gắn bó với biển, anh Ngọc đã tận dụng các dòng hải lưu để đưa lồng nuôi ra biển thành công.
Những ngày đầu thực hiện mô hình, do chưa có nguồn giống, nên anh mua mực bố mẹ của ngư dân đánh bắt trên biển mang về nuôi trong các lồng để mực đẻ trứng. Số lượng trứng khoảng 10.000 trứng/cặp bố mẹ/lần đẻ. Nguồn trứng mực được mang về bờ ấp cho nở thành mực con, sau đó được anh mang lại ra biển để nuôi thương phẩm. “Bước đầu cho thấy những tín hiệu rất khả quan, mực đẻ trứng nhiều và tỷ lệ nở rất cao, mực phát triển tốt”, anh Ngọc phấn khởi cho hay.
Từ những kết quả thu được, năm 2022, anh Ngọc chuyển về khu C3, xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) thuê mặt nước của người dân ở đây để nhân rộng mô hình. Ở đây anh có điều kiện tiếp cận được diện tích mặt nước lớn hơn, do đó làm được các lồng có diện tích lớn hơn để nuôi mực thương phẩm.
Tại đây, anh đầu tư 2 lồng nuôi bán tự nhiên bằng nhựa HDPE (theo công nghệ của Na Uy) với diện tích 120m2 và 2.304m2. Các lồng nuôi cách bờ 3 hải lý, đặt nổi trên mặt biển, xung quanh phủ lưới dài xuống tận đáy biển (độ sâu từ 10-13m), dưới các lồng nuôi không có lưới và được thả rong sụn tạo môi trường biển tự nhiên để mực sinh sản và phát triển.
Anh Ngọc cho biết, trung bình một lồng nuôi với diện tích 1.000m2 (tương đương 10.000m3 nước) thả nuôi được khoảng 10.000 con mực giống. Ưu điểm của lồng HDPE là diện tích nuôi lớn, có độ bền cao lên đến 50 năm, khả năng chịu va đập tốt, chịu tải trọng cao, có sức kháng cao với ăn mòn, phù hợp với nhiều điều kiện môi trường nước biển.
Để có nguồn mực giống, anh Ngọc hiện đang liên kết với 2 hộ dân tại huyện Ninh Hải để ấp trứng. Mỗi cá thể mực có vòng đời sinh trưởng khoảng 15 tháng, trong suốt vòng đời, mực sinh sản được khoảng 50.000 trứng. Trứng mực sau khi đẻ sẽ kết thành chùm vào các giá thể rong sụn được thả dưới đáy biển, sau khi trứng đẻ ra ở ngoài biển 10 ngày sẽ được anh Ngọc mang về các hộ liên kết để ấp nở cho ra mực con.
Chị Trương Thị Bắc ở xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải), hộ dân liên kết ấp trứng mực cho biết, quá trình ấp trứng thực hiện rất dễ. Ban đầu, trứng mực được mang ấp trong bể có độ sâu 40cm, độ mặn của nước 26 phần nghìn, các bể nuôi được sủi oxy. Trải qua quá trình ấp từ 5-7 ngày trứng sẽ nở ra mực con (tỷ lệ trứng nở đạt 50%, tương đương khoảng 5.000 mực con/cặp bố mẹ/lần đẻ).
Mực sau khi nở được vớt đưa vào các hồ có độ sâu 1,5m trong phòng tối để nuôi đạt kích cỡ con giống. Việc nuôi mực con trong phòng tối giúp hạn chế việc mực con ăn lẫn nhau. Nguồn thức ăn cung cấp cho quá trình nuôi mực con 100% tươi sống, nguồn thức ăn đang bơi để mực con tự bắt mồi, chủ yếu là tôm con sống và cá con sống.
“Mực con sau khi được nuôi dưỡng từ 20-25 ngày sẽ được anh Ngọc mua lại với giá cam kết lợi nhuận 2.000 đồng/con. Việc liên kết ấp trứng mực với anh Ngọc giúp mang lại thu nhập cao hơn so với nghề nuôi ốc hương hiện tại gia đình đang làm”, chị Bắc cho hay.
Theo anh Ngọc, trong quy trình thực hiện mô hình, giai đoạn khó nhất là nuôi từ mực giống thành mực thương phẩm, bởi mực có đặc tính rất dễ ăn nhau. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho mực con là tôm con sống và cá con sống có giá cao, vậy nên cần phải căn mực đạt kích cỡ đủ lớn để đưa ra các lồng nuôi bán tự nhiên ở biển nhanh chóng, giúp giảm chi phí đầu tư cho con giống.
Từ việc nuôi mực trong môi trường bán tự nhiên thành công, đã mở ra hướng đi mới cho ngành nuôi trồng thủy hải sản Ninh Thuận nói riêng và cả nước nói chung.
Với cách làm này, ngư dân sẽ làm được các lồng nuôi có diện tích lớn hơn, giảm thiểu được nguồn thức ăn cho mực, khi mực càng lớn thì nguồn thức ăn cung cấp cho mực càng ít đi bởi tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn trong môi trường biển. Việc nuôi bán tự nhiên cũng hoàn toàn giúp bảo vệ được hệ sinh thái biển.
Bên cạnh đó, dùng phương pháp bán tự nhiên giúp giảm được nhân công khi nuôi các lồng lớn. Nếu như trước đây với diện tích lồng nuôi 1.000m2, cần khoảng 12 nhân công, nhưng với cách nuôi mới này chỉ cần 2 nhân công. Từ đó, chi phí vận hành giảm đi rất nhiều. Đặc biệt, với cách nuôi này, ngư dân sẽ giảm được sự lệ thuộc vào thương lái, không lo bị ép giá do mực trưởng thành ít phải chịu áp lực về chi phí thức ăn.
Từ những hiệu quả của mô hình, thời gian tới, anh Ngọc mong muốn được các cấp chính quyền tạo điều kiện về cơ chế chính sách, hạ tầng mặt nước biển để mở rộng vùng nuôi. Từ đó tạo ra các lồng nuôi lớn, chủ động được nguồn mực bố mẹ để cung cấp trứng cho việc sản xuất con giống cung cấp cho mô hình và các ngư dân để nuôi mực thương phẩm. Đồng thời, mở rộng liên kết với bà con, chuyển giao kỹ thuật nuôi, liên kết thu mua với giá hợp lý nhất, giúp mô hình ngày càng được nhân rộng hơn trong tương lai.