Thời gian qua, công tác bảo tồn, gìn giữ môi trường sống của hệ động, thực vật tự nhiên ở Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) luôn được quan tâm chú trọng. Đặc biệt, để nâng cao giá trị kinh tế trên vùng đất đa dạng sinh học, nơi đây có nhiều mô hình hay góp phần tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Phóng viên Báo Nông nghiệp Nam đã có buổi trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Công Toại, Phó Giám đốc Khu bảo tồn và được hướng dẫn tham quan cảnh quan tự nhiên nơi đây.


Mở đầu câu chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Công Toại cho biết: Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen được thành lập theo Quyết định số 199/QĐ-UB ngày 19/01/2004 của UBND tỉnh Long An. Tổng diện tích là 5.030ha, gồm 3 phân khu: Phân khu bảo tồn nghiêm ngặt, phân khu rừng tràm kinh tế và phân khu đa dạng sinh học. Tuy nhiên hiện nay Khu bảo tồn chỉ quản lý diện tích 1.971ha tại xã Vĩnh Châu A và xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng.

Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen có 3 hệ sinh thái chính là hệ sinh thái rừng tràm, hệ sinh thái đồng cỏ ngập nước theo mùa và hệ sinh thái ngập nước quanh năm, là nơi đa dạng về hệ động - thực vật. Trong những năm qua, Khu bảo tồn kết hợp với các viện, trường như Trường Đại học Cần Thơ, Viện Sinh học Nhiệt Đới, Viện Sinh thái học Miền Nam đã điều tra các loài động, thực vật trong khu bảo tồn và ghi nhận có 261 loài thực vật, 161 loài chim, 86 loài cá, 4 loài lưỡng thê, bò sát 17 loài bò sát, 6 loài thú.
Qua quá trình điều tra, Khu bảo tồn ghi nhận 38 loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm theo Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ Thế Giới, các nghị định (NĐ) quy định về các loài động vật, thực vật, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như NĐ 64/2019, NĐ 84/2021, NĐ 26/2019. Trong đó, có nhiều loài đặc biệt nguy cấp, điển hình là sếu đầu đỏ, điêng điểng, giang sen, già đẩy, bồ nông chân xám ở lớp chim; về cá có các loài cá tra dầu, cá hô…; còn về lưỡng cư, bò sát có rùa Răng, rùa đất lớn, cua đinh, Trăn đất…
Với địa hình đa dạng rất đặc trưng sinh thái kiểu vùng đầm lầy ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn, cuối năm 2015, Láng Sen đã được Tổ chức Công ước Ramsar công nhận là một trong chín khu bảo tồn đất ngập nước Ramsar của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới.
Hiện nay, các vùng đất bên ngoài đã bị người dân khai thác nhằm sản xuất nông nghiệp, Vì vậy, nơi kiếm ăn, trú ngụ của các loài chim, bãi sinh sản của các loài thủy sản đã bị mất đi. Việc canh tác nông nghiệp thâm canh cũng làm nghèo nàn về thành phần loài thực vật.

Việc thành lập Khu bảo tồn góp phần Bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và của vùng đất ngập nước nói riêng, đặc biệt là bảo vệ, bảo tồn các loài động - thực vật thuộc hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười. Khu bảo tồn được thành lập là nơi trú ngụ của nhiều loài chim nước quan trọng và góp phần điều tiết lũ cho địa phương, là nơi sinh sản của các loài thủy sản và cung cấp trở lại bên ngoài cho người dân.
Ngoài ra, Khu bảo tồn được thành lập đã thu hút một số tổ chức như Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), Tổ chức động vật hoang dã thế giới (WWF) - Việt Nam đầu tư, tài trợ các mô hình sinh kế, giúp phát triển kinh tế địa phương, từ đó giảm áp lực của người dân vào khai thác tài nguyên thiên nhiên.


Trong thời gian qua, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen đã cảm nhận và bị tác động rõ ràng từ biến đổi khí hậu. Thời tiết thay đổi và cực đoan xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt là đợt hạn hán lịch sử năm 2016, năm 2020, hay mưa trái mùa ở những năm qua xuất hiện nhiều hơn, nước lũ hằng năm về ít, ảnh hưởng đến các sinh cảnh và loài đang trú ngụ tại Khu bảo tồn. Có thể có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị sinh thái nơi đây nhưng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là nặng nề nhất.
Từ tác động của biến đổi khí hậu, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn, gìn giữ giá trị sinh thái. Trong đó, tập trung tích trữ nguồn nước, phòng cháy chữa cháy rừng - đây được xem là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ sinh cảnh và các loài trú ngụ nơi đây. Thường xuyên quan trắc nguồn nước và đưa ra các biện pháp quản lý, xử lý kịp thời nhằm bảo vệ các loài thủy sản. Các biện pháp chủ yếu là bơm nước bên ngoài vào nhằm chống hạn hán và nâng cao mực nước, rải vôi, men vi sinh nâng cao độ pH. Bên cạnh đó, hoàn thiện các công trình cống hở, đê bao cho việc trao đổi nguồn nước và thủy sản.


Khu bảo tồn hiện tập trung vào quản lý, bảo vệ phân khu nghiêm ngặt với diện tích 1.971ha. Trong công tác bảo vệ, lực lượng bảo vệ có 11 người (thiếu 14 người so với quy chế), đây cũng là nỗi vất vả của các anh do phải thường xuyên túc trực tại các chốt tuần tra 24/24 giờ, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, ngăn chặn người dân xâm nhập trái phép vào Khu bảo tồn đánh bắt thủy sản và động vật hoang dã. Các vụ người dân xâm nhập Khu bảo tồn đánh bắt thủy sản và động vật hoang dã giảm dần qua từng năm.
Về công tác bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, Khu bảo tồn đã thực hiện khôi phục cánh đồng năng kim tạo nguồn thức ăn cho Sếu đầu đỏ với diện tích 70ha tại tiểu khu 6, chăm sóc và trồng dặm 80ha lúa hoang hằng năm. Nhân giống, trồng và chăm sóc các loài cây bản địa như gáo, cà na, lộc vừng, bứa, tre gai với số lượng 2.000 - 5.000 cây hằng năm. Trồng dặm và chăm sóc cánh đồng sen hằng năm. Trồng lại tràm ở tiểu khu 10, 11.
Bên cạnh đó, xây dựng nhà ương thủy sản và nhân giống các loài quý, hiếm như: cá trê vàng, sặc rằn, rô biển, cá dầy. Hằng năm, số lượng cá thể được thả vào môi trường tự nhiên khoảng 100.000 cá thể/năm.
Song song đó, điều tra các loài thực vật, thủy sản, giám sát, chụp ảnh các loài chim nước, tổng hợp hình ảnh và in sách. Quan trắc nguồn nước mặt và đưa ra các biện pháp cải tạo nguồn nước tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của hệ động thực vật, đặc biệt là cho sự phát triển của các loài thủy sản quý hiếm như cá tra dầu, cá hô...

Cùng với đó là hoạt động tiếp nhận, bảo vệ, cứu hộ và thả về tự nhiên các loài động vật quý hiếm, động vật rừng từ kiểm lâm và các cá nhân. Theo như một cán bộ tại đây chia sẻ thêm: “Hằng năm, các tổ chức cá nhân thực hiện các hoạt động phóng sinh tại Khu bảo tồn với giá trị ước tính từ vài trăm triệu đến 2 tỷ đồng”.
Cùng với hoạt động bảo tồn, cán bộ nơi đây còn điều tra, xác định các loài ngoại lai xâm hại như: bèo cái, lục bình, mai dương, ốc bươu vàng, các loài biến đổi gen và xây dựng kế hoạch tiêu diệt, phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của chúng nhằm không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và các loài sinh vật bản địa trong Khu Ramsar Láng Sen.
Công tác nghiên cứu khoa học cũng được đơn vị chú trọng với các hoạt động điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản trong Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen; Phục hồi cánh đồng lúa ma 30ha; Phục hồi đàn và sản xuất giống chim Le Nâu trong Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen.
Khu bảo tồn còn hợp tác với các tổ chức IUCN, WWF Việt Nam, Coca Cola Việt Nam… thực hiện tập huấn cho cán bộ, viên chức khu bảo tồn về công tác tuyên truyền người dân vùng đệm, sử dụng công cụ, phần mềm bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên…



Vùng đất Láng Sen đã được công nhận là Khu bảo tồn đất ngập nước Ramsar của thế giới và trở thành một điểm đến độc đáo trên bản đồ du lịch Long An. Với hệ sinh thái động - thực vật vô cùng phong phú, song đến nay, Khu bảo tồn chưa thực hiện khai thác du lịch do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế và chưa thu hút được nhà đầu tư.
Thời gian qua, Khu bảo tồn đã thực hiện rất tốt công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, tuy nhiên vẫn có một số khó khăn.
Theo ông Nguyễn Công Toại, mặt thuận lợi, Khu bảo tồn được sự quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo của Sở NN-PTNT tỉnh Long An trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, cùng với đó cũng được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân xung quanh Khu bảo tồn trong công tác bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học và Chi cục kiểm lâm trong phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt là sự đoàn kết của toàn thể viên chức, người lao động trong đơn vị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong điều kiện còn nhiều khó khăn thời gian qua.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, vẫn còn có những khó khăn nhất định ở vùng đất ngập nước này, nhất là công tác tuần tra, quản lý được thực hiện thường xuyên nhưng vẫn còn tình trạng người dân săn bắt chim, xung điện đánh bắt thủy sản trong và ngoài Khu bảo tồn ảnh hưởng đến công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã, nhất là các loài quý, hiếm.
Có trường hợp một số người dân bị lực lượng bảo vệ làm vụ tịch thu công cụ đánh bắt nửa đêm vào trạm bảo vệ tấn công lực lượng canh giữ để đe dọa, trả thù. Đây cũng là bức xúc của nhiều anh em làm nhiệm vụ khá nguy hiểm này bởi dẫu được trang bị công cụ tự vệ nhưng khó thực thi!
Ngoài ra, còn thiếu cán bộ chuyên môn, hợp đồng lao động, cơ sở vật chất xuống cấp và thiếu để phục vụ công tác.


Để bảo vệ và phát huy những kết quả đã đạt được, Ban quản lý Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có những định hướng cụ thể nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái, giúp nâng cao đời sống người dân trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Công Toại chia sẻ, Khu bảo tồn tập trung tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ, kết hợp chính quyền địa phương, tuyên truyền người dân vùng đệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng;
Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác phục hồi tài nguyên thiên nhiên cho khu bảo tồn như các loài thủy sản, cây bản địa, khu vực kiếm ăn cho các loài chim nước; Quan trắc môi trường nước thường xuyên và đưa ra các biện pháp cải tạo, quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sản, đặc biệt là các loài cá quý hiếm; Kiểm soát rác thải, bảo vệ môi trường bên trong Khu bảo tồn. Tiếp tục thực hiện điều tra, tiêu diệt các loài ngoại lai xâm hại như: mai dương, cá lau kiếng, ốc bươu vàng…
Bên cạnh đó, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên môi trường cho Khu bảo tồn. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn. Phối hợp với các tổ chức trong tuyên truyền, giáo dục môi trường và nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cán bộ Khu bảo tồn.

Đặc biệt, khi thành lập Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, trong 3 chức năng và 12 nhiệm vụ, tạo sinh kế cho người dân vùng đệm là nhiệm vụ rất được chú trọng, bởi phía Khu bảo tồn xác định người dân có vai trò lớn trong công tác bảo vệ, bảo tồn cũng như phát triển đa dạng sinh học. Từ đó, chúng tôi đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có VCF, tổ chức BunLife, đặc biệt khoảng 10 năm trở lại đây có liên kết với IUCN, WWF thực hiện nhiều dự án như là truyền thông nâng cao nhận thức người dân, bảo vệ môi trường.
Ban Giám đốc Khu bảo tồn cũng như nhiều tổ chức quốc tế nhận thấy điều kiện sinh sống của người dân vùng đệm còn rất nghèo nên thời gian qua, Khu bảo tồn thường xuyên quan tâm và thực hiện các mô hình sinh kế nhằm phát triển kinh tế cho đời sống người dân vùng đệm, để từ đó có thể hạn chế việc người dân xâm nhập trái phép vào Khu bảo tồn khai thác tài nguyên. Điển hình là Ban quản lý Khu bảo tồn đã phối hợp với Tổ chức động vật hoang dã thế giới (WWF) tiếp tục hoạt động 9 nhóm cộng đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, điều tra đa dạng sinh học, thực hiện các mô hình sinh kế.
Trong đó, có các mô hình nuôi thủy sản mùa lũ như cá sặc rằn, các rô, cá lóc… trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Hay như phối hợp Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) thực hiện các mô hình sinh kế cho cộng đồng dân cư vùng đệm về trồng sen ngó, sen gương; trồng lúa mùa nổi; tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật rút tơ sen nhằm phát triển kinh tế người dân vùng đệm.
Đồng thời, để phát huy giá trị nơi vùng đất sinh học Láng Sen, đối với khu vực vùng đệm nằm trong khu vực quy hoạch bảo tồn đất ngập nước, tỉnh Long An cũng đã chỉ đạo địa phương đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao thu nhập trên từng đơn vị diện tích. Qua những mô hình này, đời sống kinh tế của người dân cũng được nâng lên, từ đó họ trở thành người tuyên truyền viên cho Khu bảo tồn bảo vệ đa dạng sinh học nơi đây.