“Chỉ khi vai trò người nông dân được coi trọng mới trở thành động lực phát triển”, ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Trăn trở và khát vọng thay đổi với người nông dân, trò chuyện trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam mở đầu bằng sự suy ngẫm: Trước hết, có thể nói chúng ta nhìn thấy rất rõ vị thế của người nông dân Việt Nam ngày càng thay đổi.
Thay đổi cơ bản nhất đó là người nông dân đã bắt đầu làm chủ và ngày càng phát huy vai trò làm chủ của mình đối với phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Người nông dân ngày càng được tham gia nhiều hơn vào xây dựng chính quyền, làm trong sạch chính quyền, tham gia nhiều hơn vào xây dựng Đảng, làm trong sạch tổ chức bộ máy của Đảng. Người nông dân ngày càng được tiếp thu nhiều hơn các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, do các cấp, các ngành, các phương tiện đem đến.
Người nông dân ngày càng được hưởng các chính sách an sinh xã hội tốt hơn, đặc biệt là về các chính sách của Nhà nước trong phát triển kinh tế hộ, an sinh trong BHXH, BHYT, chính sách xóa đói giảm nghèo của Nhà nước…
Chúng ta có thể nhìn nhận một cách rất rõ ràng rằng đời sống của người nông dân đã thay đổi vượt bậc so với 20 năm trước. Và chính vì thay đổi đó, vị thế của người nông dân trong xã hội, cộng đồng nông thôn cũng đã khác rất nhiều.
Nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ đến sự hi sinh của người nông dân hay không? Ông Lương Quốc Đoàn hỏi rồi chia sẻ: Nông dân mình hi sinh nhiều lắm. Họ hi sinh đất đai, sinh kế của mình để phát triển đô thị, để chúng ta mở mang các khu công nghiệp… Tất nhiên đấy là xu thế tất yếu của những xã hội phát triển, cần có những quỹ đất để làm những vấn đề đó, nhưng đô thị hóa tăng bao nhiêu thì chúng ta phải thay đổi bấy nhiêu.
Từ xưa đến nay, trong chiến tranh hay hòa bình, trong các cuộc khủng hoảng mà rõ nét nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện tại càng thấy rõ sự hi sinh của người nông dân. Nhà máy dừng hoạt động, công nhân ở các khu công nghiệp thất nghiệp trở về, nông dân, nông thôn nuôi chứ ai nuôi.
Cho nên tôi nghĩ chúng ta cần phải nói thẳng, rằng ta đừng phấn khởi vì vận động được người nông dân đóng góp nhiều của cải vật chất. Đừng thấy phấn khởi khi người nông dân hiến nhiều đất để xây dựng.
Cần phải thay đổi quan điểm, thay đổi tư duy “phấn khởi” đó thành tập trung, bồi dưỡng, phát triển người nông dân trở thành trung tâm thực chất. Bởi vì chỉ khi người nông dân trở thành trung tâm thực chất họ sẽ đủ tích lũy về kinh tế, đủ tư duy, kiến thức, trình độ để quay trở lại xây dựng nền tảng nông thôn tốt hơn, đóng góp cho nông nghiệp nhiều hơn.
Nếu chúng ta không quan tâm đến vai trò trung tâm của người nông dân đúng mức, cứ để tình trạng trung tâm đó không thay đổi thì rõ ràng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới không thể như chúng ta mong muốn. Nói cách khác, quan tâm đến người nông dân, yếu tố trung tâm chính là động lực để phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Chỉ khi người nông dân làm chủ bản thân, họ mới tự quyết, tự tư duy và có thể thay đổi. Khi người nông dân thay đổi, tôi tin rằng họ sẽ tạo ra cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn.
Thưa ông, nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực. Ngay những ngày đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và có những chỉ đạo như vậy. Tuy nhiên, nhìn nhận trong nhiều năm qua, mặc dù đã có nhiều chính sách hướng vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tuy nhiên khả năng đáp ứng của các chính sách này với nhu cầu thực tiễn của người nông dân vẫn đặt ra nhiều vấn đề? Ông nghĩ sao?
Có thể nói rằng, trong cả quá trình lịch sử, vai trò của người nông dân, của giai cấp nông dân luôn có những đóng góp hết sức lớn lao trong xây dựng, đấu tranh bảo vệ đất nước và đặc biệt là trong hơn 35 năm Đổi mới đất nước.
Người nông dân đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc Đổi mới, làm nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp trở thành trụ đỡ hết sức vững chắc cho kinh tế của đất nước. Những đóng góp đó của người nông dân đã giúp đất nước chúng ta vượt qua các cuộc khủng hoảng và qua đại dịch Covid-19 có thể thấy rõ được sự gánh vác của người nông dân là rất lớn lao.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, hơn 35 năm Đổi mới, người nông dân cũng chính là đối tượng ít được hưởng lợi nhất từ sự phát triển đất nước mang lại. Họ vẫn là những người yếu thế nhất, những người thiệt thòi nhất, ít được đào tạo nhất và ít được hưởng thụ phúc lợi xã hội, thành quả của Đổi mới nhất...
Hơn 20 năm trước chúng ta có khoảng hơn 80% dân số ở nông thôn nhưng bây giờ chỉ còn khoảng hơn 60%. Người nông dân chúng ta vẫn luôn hi sinh như thế, vẫn phải đóng góp nguồn lực, huy động nguồn lực cá nhân, đóng góp sức lao động của mình để góp phần xây dựng hạ tầng, các công trình phúc lợi ở nông thôn… Nhưng họ vẫn rất thiệt thòi so với người thành phố.
Về chính sách, trong quá trình Đổi mới chúng ta đã có những chính sách như Khoán 10, Khoán 100 để tạo nên cuộc cách mạng về nông nghiệp, đưa đất nước từ chỗ thiếu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Những thành tựu để thế giới biết đến Việt Nam không chỉ qua sự quật cường của người dân Việt Nam trong chiến tranh mà còn là những sản phẩm nông nghiệp hiện tại.
Người nông dân góp sức to lớn đảm bảo an ninh lương thực không chỉ cho quốc gia mà còn xuất khẩu khắp thế giới. Thử nghĩ mà xem, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã có mặt ở trên 180 quốc gia trên toàn cầu, nếu không phải từ vai trò, vị thế hết sức quan trọng của người nông dân thì là gì.
Nhưng cũng về mặt chính sách, vẫn còn nhiều bất cập, cả một quá trình đã bộc lộ những tồn tại hạn chế.
Nông nghiệp phát triển, xuất khẩu ngày càng tăng, từ 16 tỷ USD của khoảng hơn 10 năm trước bây giờ đã hơn 40 tỷ USD, nhưng đầu tư cho nông nghiệp lại ngày càng giảm. Từ chỗ hơn 16% đến nay chỉ còn khoảng 6%. Đó chắc chắn là sự đầu tư chưa tương xứng. Cộng thêm những hạn chế về chính sách quy hoạch, liên kết trong sản xuất đã khiến người nông dân chúng ta chịu rất nhiều thiệt thòi. Chúng ta chưa đầu tư đủ cho người nông dân để giúp họ có đủ năng lực, trình độ đủ kỹ năng làm chủ.
Chính vì vậy, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đầu nhiệm kỳ này, muốn động lực nông nghiệp phát triển, nền tảng nông thôn phát triển bắt buộc phải làm tốt yếu tố trung tâm là người nông dân.
Trung tâm mà yếu, không đủ để thực sự là một trung tâm thực chất thì rõ ràng không thể đáp ứng cho nền tảng, động lực được. Cho nên chúng ta cần phải tập trung trọng điểm vào người nông dân.
Người nông dân của chúng ta rất giỏi. Họ thay đổi rất nhanh với chuyển biến của thị trường, thích ứng rất nhanh với điều kiện khí hậu, tự nhiên để từng bước nâng cao kinh tế gia đình. Tuy nhiên, không phải tất cả nông dân đều được như thế. Đa số người nông dân của chúng ta đang gặp những khó khăn trong việc tự mình thay đổi. Mà thay đổi tư duy người nông dân là bắt buộc, không thể có con đường nào khác.
Cần phải có chính sách, tập trung các nguồn lực để làm sao đảm bảo đủ yêu cầu, hỗ trợ đào tạo, cung cấp thông tin, huấn luyện cho người nông dân. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, các chương trình về an sinh xã hội giúp người nông dân có đủ kiến thức để họ thay đổi tư duy của mình.
Để người nông dân thực sự là trung tâm, thực sự làm chủ, theo ông cần phải làm gì? Đâu là những vướng mắc, rào cản cần phải xóa bỏ, thưa ông?
Trước hết phải đầu tư nông thôn trung tâm, người nông dân là trung tâm. Cái khó nhất của chúng ta là nguồn lực, làm sao phải phối hợp chặt chẽ để liên kết những nguồn lực khác đang có từ tất cả những chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội.
Điều quan trọng nhất là trách nhiệm của từng tổ chức Đảng, chính quyền, các hội chính trị xã hội cần phải nâng cao trình độ ban đầu, phải có trách nhiệm hơn, tâm huyết hơn, thấy được trách nhiệm rằng người nông dân là đối tượng mà mình phải nhắm đến, mình phải giúp đỡ, hỗ trợ.
Mục tiêu chúng ta hướng đến là xây dựng hình ảnh một người nông dân trong tương lai phải là một người biết làm chủ môi trường sống, môi trường phát triển nông nghiệp, nông thôn. Người nông dân đó phải có tư duy kinh tế nông nghiệp chứ không phải sản xuất nông nghiệp thông thường. Người nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn bằng tư duy, bằng trình độ chứ không chỉ đơn thuần là những đóng góp, hi sinh theo phong trào.
Khi người nông dân được làm chủ, rõ ràng quyền lợi, vai trò của họ sẽ được nâng cao. Họ sẽ tham gia mạnh mẽ hơn vào việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Người nông dân sẽ tự chủ hơn, có quyền quyết định nhiều hơn vai trò, vị trí của mình trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Nói cách khác, khi người nông dân làm chủ và phát huy tốt vai trò của mình là điều tuyệt vời cho cả phát triển chung và cho cả vị thế của người nông dân.
Tất nhiên, để đạt được những điều đó thì cốt lõi bản thân người nông dân cũng phải nỗ lực, kiên trì, quyết tâm. Nhà nước có chính sách, các tổ chức chính trị xã hội tham gia tích cực, tuy nhiên điều cần thiết nữa là người nông dân phải chủ động thay đổi, phải thấy rằng thay đổi là có lợi, là tất yếu, không thay đổi sẽ tụt hậu, sẽ nghèo, sẽ mãi đi sau thiên hạ.
Tiếp đó là chính sách, cần phải tiếp tục đầu tư tương xứng vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới có thể nuôi dưỡng và thúc đẩy phát triển. Còn nếu như cứ đầu tư theo kiểu ngày một giảm đi như tôi đã nói thì khó có thể đặt người nông dân ở vị trí trung tâm được.
Thứ hai là chính sách đất đai. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nói đến giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp, phải để người nông dân có quyền thay đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp, có giá trị thật họ sẽ thay đổi và trở thành người làm chủ thực sự.
Cũng cần phải có chính sách quy hoạch sản xuất. Chắc chắn đây trách nhiệm của Nhà nước. Phải có chính sách để người nông dân làm chủ sản xuất của mình. Chính sách bảo hiểm cho người nông dân để bảo vệ họ trước những diễn biến bất thường của thị trường, thiên tai, dịch bệnh. Chính sách hỗ trợ chế biến nông sản…
Ngoài ra, để phát huy vai trò làm chủ, vai trò chủ thể của người nông dân thì hệ thống chính trị, các cấp chính quyền cũng cần phải có những sự thay đổi về tư duy. Phải tập trung, có trách nhiệm bởi tự người nông dân không thể làm được điều đó. Phải xác định được trách nhiệm nếu chúng ta không làm thì ai làm?
Tất cả vì mục tiêu xây dựng người nông dân ở vị trí trung tâm, nếu không làm được điều đó chúng ta sẽ phải trả giá. Nhìn sang Nhật Bản, Hàn Quốc hay nhiều nước công nghiệp khác, sau một quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa họ đang đứng trước viễn cảnh văn hóa bị mai một. Họ đang phải tốn rất nhiều tiền của để phục hồi. Đó chắc chắn là một sự trả giá khi tập trung phát triển nhưng không chú trọng đặt người nông dân ở vị trí trung tâm.
Đất nước chúng ta cũng vậy. Dân tộc nào cũng vậy. Phát triển phải dựa trên nền tảng văn hóa. Chính người nông dân đã sản sinh văn hóa, nuôi dưỡng và duy trì, giữ gìn văn hóa. Thử hỏi, nếu nông dân không ở nông thôn thì ai sẽ làm điều đó. Ai sẽ nuôi dưỡng, gìn giữ văn hóa cho nông thôn, cho dân tộc?
Cho nên cần phải đặt vị trí người nông dân ở trung tâm vì chỉ khi người nông dân là trung tâm thì họ mới có thể làm chủ nông thôn thực sự. Muốn người nông dân vẫn sống ở thôn, vẫn phát triển, gìn giữ văn hóa thì chúng ta phải đầu tư để duy trì.
Nhân nói đến đất đai, thưa ông, trong xu thế phát triển đất nước, người nông dân đã hi sinh đất đai của mình, họ ra khỏi ruộng đồng bằng tâm thế của những người mất đi sinh kế. Về chính sách để có thể gọi là bù đắp đối với sự hi sinh đó dường như là chưa thỏa đáng và vẫn còn những lỗ hổng khiến người nông dân còn mơ hồ, thậm chí là bơ vơ sau khi rời khỏi đồng ruộng đã gắn bó từ bao đời?
Đúng như vậy. Có thể nói rằng chúng ta có những chủ trương, ý tưởng lớn nhưng có những cái vẫn chưa sát thực với nhu cầu thực tế của nông dân. Ví dụ như đào tạo nghề, khi không thực tế so với nhu cầu thì khó có thể thành công. Khi chúng ta trang bị đủ cho người nông dân kiến thức, thì chúng ta có thể thúc đẩy nhu cầu của họ, khi tạo được nhu cầu, thì sẽ định hướng được nhu cầu đó là gì, từ đó có thể phân loại được, họ cần gì, muốn gì để thay đổi cho hợp lý.
Vì vậy chúng ta cần có những chính sách, đối tượng đào tạo chuyển đổi nghề căn cứ vào nhu cầu của họ, người ta có nhu cầu gì thì mình định hướng cho người ta nghề đó. Đối tượng đang làm nông nghiệp cũng cần dạy để biết làm nông nghiệp, không phải theo thói quen, theo kinh nghiệm như xưa được nữa mà muốn tham gia thị trường được, không nhất thiết có những cánh đồng lớn nhưng phải sản xuất theo đúng quy chuẩn. Với các đối tượng nhiều tuổi hơn, không làm được những công việc nặng nhọc nhưng vẫn tham gia được rất nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp. Thế thì chúng ta phải bồi dưỡng cho họ phù hợp với nhu cầu.
Ở một khía cạnh khác, Nhà nước luôn có những chính sách đền bù thỏa đáng cho người nông dân trong trường hợp phải thu hồi đất. Thế nhưng, cái quan trọng nhất là chúng ta chưa quan tâm, định hướng cho người nông dân cách sử dụng tiền hỗ trợ đó làm gì. Chúng ta muốn người nông dân đỡ thiệt thòi, muốn người ta dùng tiền hỗ trợ đó để phát triển, để thay đổi cuộc sống, thay đổi cách sản xuất, từ đang sản xuất nông nghiệp sang một hình thái sản xuất mới thì chúng ta phải giúp họ chi tiêu tiền đó cho hợp lý.
Từ chỗ không có tiền cho đến khi đột ngột nhận một khoản tiền lớn, chưa thể biết tính toán chi tiêu gì cho hợp lý, nhiều hộ nông dân dùng tiền đó để đi xây nhà, sắm sửa trang thiết bị, mua xe máy, ti vi, tủ lạnh, những nhu cầu thiết yếu mà chưa quan tâm đến đầu tư chuyển đổi nghề. Và trách nhiệm của chúng ta là phải làm tốt hơn, giúp đỡ người nông dân để họ sử dụng số tiền đó một cách hợp lý.
Có những trường hợp hộ nông dân có khoản tiền lớn nhưng chỉ vài năm là hết và không biết phải làm gì nữa, đi làm những nghề rất bấp bênh, ra thành phố trở thành lao động tự do, gây ra những hệ lụy phức tạp cho cả khu vực thành phố lẫn nông thôn.
Đất đai luôn luôn là vấn đề lớn và nhạy cảm. Người nông dân chúng ta vẫn thường bấp bênh, lo lắng rằng không ai bảo vệ cho thân phận của họ trước những biến động của thị trường, biến động của xã hội, biến động của phát triển kinh tế. Nông dân luôn xem đất đai của mình như một cuốn sổ bảo hiểm. Cho dù bỏ hoang họ cũng không dám bán. Bán làm sao được khi họ còn con cái, họ phải đề phòng để lỡ khi khủng hoảng, khi con cái thất nghiệp ở các khu công nghiệp trở về thì vẫn còn có cái mà ăn.
Thế nên, tôi cho rằng trong quá trình phát triển, doanh nghiệp phải chia sẻ lợi ích với người nông dân nhiều hơn. Đặc biệt là trong các dự án thu hồi đất hay các mô hình liên kết trong nông nghiệp.
Thưa ông, chủ trương của Đảng, Nhà nước là thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, ở đó, vai trò người nông dân được xác định là sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng để không còn cảnh nông sản phải đi giải cứu, hỗ trợ tiêu thụ thì vấn đề cần phải thay đổi tư duy không chỉ riêng với người nông dân, ông nghĩ sao?
Khi chúng ta vẫn còn những hạn chế trong quy hoạch sản xuất, khi người nông dân chúng ta vẫn còn tư duy làm theo nhiều hơn thì thực trạng được mùa mất giá, nông sản phải giải cứu, hỗ trợ tiêu thụ chắc chắn vẫn còn.
Một địa phương, một khu vực sản xuất thành công loại nông sản nào đó thì các địa phương, các vùng khác ồ ạt làm theo, phát triển nóng và chúng ta chưa quản lý được vấn đề này. Chúng ta cứ hô hào sản xuất, tăng diện tích, tăng năng suất mà không đầu tư cho chế biến sâu thì rõ ràng dẫn đến thực trạng phải giải cứu, phải hỗ trợ tiêu thụ.
Đây không phải lỗi của người nông dân, trong đó có trách nhiệm của chúng ta, của những cơ quan làm chính sách và của cả những tổ chức chính trị xã hội.
Người nông dân luôn mong muốn sản xuất những sản phẩm có giá trị cao hơn để có thể giúp kinh tế gia đình tốt hơn. Nguyện vọng của họ là chính đáng quá chứ. Họ không thể biết được quy hoạch thế nào, thị trường thế nào và trách nhiệm đó là của chúng ta. Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp cần phải tổ chức làm sao để hỗ trợ, định hướng người nông dân sản xuất theo quy hoạch, theo liên kết, theo tín hiệu thị trường.
Cùng với đó là cần phải khai thông thị trường trong nước, nơi chúng ta có hơn 100 triệu dân nhưng rõ ràng chưa khai thông hết.
Thêm nữa, đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn rất hạn chế và chúng ta rất cần những doanh nghiệp đầu tàu để đầu tư, dẫn dắt người nông dân. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, để có thể phát triển lâu dài thì điều quan trọng nhất là chia sẻ, tạo niềm tin cho nhau. Làm sao để người nông dân tin tưởng vào các doanh nghiệp và ngược lại. Cùng với đó là phải tối ưu hóa lợi ích và chia sẻ lợi ích với nhau và vẫn phải phải cần chính sách để có thể làm được điều đó.
Bản thân người nông dân cũng phải liên kết với nhau. Nông dân không liên kết thì nông nghiệp khó phát triển và bản thân người nông dân sẽ chịu thua thiệt. Phải là kinh tế tập thể thông qua sự liên kết, các mô hình hợp tác xã, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp… Khi người nông dân liên kết được với nhau sẽ tạo nên sức mạnh rất lớn, trở thành trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Để người nông dân liên kết được thì cả hệ thống phải chung tay vào chứ không riêng gì một tổ chức nào.
ới vai trò, chức trách của Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông có thay đổi, chỉ đạo nào đối với các cấp trong hệ thống hội để có cách tiếp cận mới với người nông dân, để đặt người nông dân thực sự ở vị trí trung tâm, thực sự làm chủ, thưa ông?
Chúng ta thấy rằng, hiện nay đất nước đã hội nhập rất sâu, chúng ta đã ký kết 14 Hiệp định Thương mại tự do và các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta đã từng bước có uy tín trên thị trường. Có thể nói rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của chúng ta đã đến được những thị trường khó tính nhất.
Xã hội thay đổi, đất nước đang giàu dần lên, tỷ lệ đô thị hóa ngày càng tăng, tỷ lệ lao động nông thôn ngày càng giảm nên việc chuyển đổi lao động ở nông thôn và điều bắt buộc, đô thị hóa nông thôn là tất yếu. Chắc chắn chúng ta không thể thay đổi điều đó được mà phải làm cho nó mạnh mẽ lên.
Vai trò của của Hội Nông dân được xác định phải thúc đẩy điều đó. Chúng ta phải thay đổi. Quan điểm của tôi là Hội nông dân cũng phải thay đổi và tôi cũng phải thay đổi.
Thứ nhất, nếu không tập hợp được nông dân thì đó là thất bại của tổ chức hội. Phải thay đổi về tổ chức để thu hút được nhiều nông dân tham gia, đem lại lợi ích thiết thực cho họ, đảm bảo quyền lợi chính đáng, lắng nghe, phản ánh tâm tư của nông dân đến Đảng và Nhà nước.
Phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thành lập các chi hội, các tổ hội nông dân nghề nghiệp, không thể để người nông dân nuôi cá, chăn nuôi, trồng hoa màu, trồng lúa vào cùng một tổ hội, chi hội nghề nghiệp.
Thứ hai là phát triển những câu lạc bộ của chính nông dân, từ đó tạo ra được sự đồng thuận lớn của người nông dân với các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Khi người nông dân đã đạt được sự đồng thuận với chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước thì rất thuận lợi cho việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của chính quyền, của đất nước và khi đó hội cũng thực hiện tốt vai trò của mình.
Thứ ba là phải hỗ trợ người nông dân thông qua việc đẩy mạnh những hoạt động dịch vụ, tư vấn. Lắng nghe xem người nông dân cần gì. Người nông dân cần vốn để phát triển sản xuất, Hội sẽ phối hợp với các ngân để hỗ trợ cho người nông dân, đảm bảo về tín chấp với các ngân hàng, thực hiện tốt những chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước đối với những hộ chính sách.
Hội cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ, giúp đỡ cho người nông dân có những đầu tư vật tư nông nghiệp tốt nhất, không bị làm giả, làm kém chất lượng. Phải làm tốt việc kết nối, tiêu thụ nông sản, góp phần vào khai thông thị trường trong nước. Góp phần để các cơ quan quản lý nhà nước định hình được thị trường và giúp người nông dân có thông tin để sản xuất.
Chúng ta phải bắt đầu từ những việc nhỏ chứ đừng nghĩ đến những việc lớn quá.