Ngẫm nghĩ về một ngày hội

Mỗi khi có ngày trọng đại cấp quốc gia hay địa phương, các nơi thường tổ chức những lễ kỉ niệm, tổ chức những sự kiện, ngày hội để thêm phần long trọng. Có sự kiện lớn hoành tráng với những tiết mục sân khấu hóa cấp quốc gia. Có những sự kiện được tổ chức không lớn lắm nhưng cũng thu hút người dân trước đến để vui chơi, giải trí, sau đó để quảng bá hình ảnh địa phương mình.

Thăm Ngày hội Nông sản huyện Châu Thành (Đồng Tháp) được tổ chức chào mừng ngày đất nước thống nhất đủ để lại đôi điều ngẫm nghĩ. Ngày hội được tổ chức trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh là một gợi ý hay.

Một không gian trưng bày, kết nối thương mại nông sản gắn với hoạt động văn hóa cấp huyện là một phương pháp tích hợp đa hoạt động. Xu hướng ngày nay, người ta không còn xem hoạt động thương mại đơn thuần chỉ là nơi mua bán, mà còn được xem là không gian giao lưu giữa người bán là những nông dân trực tiếp sản xuất với người tiêu dùng.

Vẫn là “cây nhà lá vườn”, nông sản và sản phẩm chế biến, được xếp đặt khá tươm tất. Mỗi quầy hàng gắn với địa danh, tổ chức sản xuất, doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây cũng có thể được xem là bước đầu “truy xuất nguồn gốc”. Bao bì được chăm chút kỹ lưỡng hơn. Xét trên khía cạnh khoảng cách địa lý, thời gian đi lại và sự đa dạng của nông sản và những sản phẩm chế biến từ nông sản, thì sự kiện tổ chức ở cấp huyện là khá phù hợp. Bà con mang nông sản đến không quá xa, có thể thuận tiện đi về trong ngày. Sự phong phú của các loại nông sản cũng vừa đủ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Như vậy, Ngày hội Nông sản được tổ chức ở cấp huyện có lợi thế nhất định.

Từ những hoạt động tích hợp “hai trong một”, “ba trong một” đến “bốn trong một”, những sự kiện, phiên chợ với nhiều hoạt động sẽ thu hút sự chú ý của mọi người. Ngày nay, con người luôn bị chi phối bởi nhiều mối quan tâm hằng ngày: làm gì, đi đâu, gặp ai, thu lại được gì? Thời gian của mỗi người là hữu hạn, nếu đến một nơi càng có nhiều hoạt động, nhiều mục đích sẽ càng dễ thu hút sự quan tâm của con người hơn thay vì những sự kiện tổ chức riêng biệt, phải đi đến nhiều nơi.

Các ngày hội, phiên chợ nông sản có thể bán thêm giống chất lượng, vật tư đầu vào, các nông cụ cần thiết cho nhà nông, các sách vở dạy kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hướng dẫn cách cải tạo đất, cách trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi... Trong không gian ngày hội nên có thêm khu vực riêng dành cho nông dân gặp gỡ nhau, giao lưu với doanh nghiệp.

Làm lãnh đạo chắc chắn ai cũng có sẵn tình yêu địa phương mình, thương yêu người dân quê mình, trân quý đặc sản quê mình. Nhưng làm lãnh đạo cũng cần biết đâu là cái bẫy phải vượt qua để đưa nông sản quê mình đi xa, người nông dân quê mình vươn xa và hình ảnh địa phương mình bay xa.

Mục tiêu sâu xa của những ngày hội, mỗi phiên chợ nông sản không chỉ là hoạt động mua bán tính bằng doanh thu mà là điều kiện để người nông dân tự giới thiệu về mình và nông sản do mình tạo ra bằng tất cả sự trân quý, tự hào. Niềm tin của người tiêu dùng sẽ dần được xây dựng trong một thị trường còn ngổn ngang vàng thau lẫn lộn.

Bà con mình biết tự hào về những nông sản, nhất là đặc sản. Nhưng cần nhớ rằng, sản phẩm ngon thì người khác cũng có thể làm được, hoặc đã làm trước mình hoặc sẽ làm sau. Thị trường cạnh tranh không có điểm dừng. Yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe và cũng không có điểm dừng.

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát là điểm nghẽn lớn nhất trong các điểm nghẽn phải chung tay vượt qua, bắt đầu từ tư duy của lãnh đạo địa phương đến hành động của bà con. Mỗi một ngày hội là một lần nhìn lại mình đã vượt qua được điểm nghẽn nào, và điểm nghẽn nào cần phải vượt qua tiếp. Điều gì đã tốt thì làm cho tốt hơn, điều gì chưa tốt thì có kế hoạch khắc phục cho tốt.

Huyện đang có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, một nhà máy chế biến nông sản hiện đại đang hoạt động. Làm sao đưa nông sản vào đó để đi xa cần hành động của đội ngũ lãnh đạo. Doanh nghiệp cần nguyên liệu, nông dân cần thị trường, khoảng cách vận chuyển ưu thế hơn, làm sao phát huy được lợi thế đó. Chất lượng, độ đồng đều, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sẽ được giải tỏa nếu doanh nghiệp và người nông dân gặp nhau, có niềm tin với nhau, chuyển từ cách mua bán mùa vụ sang liên kết dài hạn. Nông dân có trách nhiệm với người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng thể hiện trách nhiệm xã hội.“Giúp cho người khác cũng là giúp chính mình”. Với tầm nhìn thị trường, doanh nghiệp có thể hỗ trợ địa phương quy hoạch nông nghiệp phù hợp.

Nhiều người hay so sánh nông sản của mình với nông sản xứ khác. So sánh là cần thiết để biết mình đang đứng ở đâu, phải làm gì để càng ngày càng chất lượng hơn. Tuy nhiên, hãy chú ý đến những tác nhân trong cấu trúc ngành hàng, trong đó mọi người có cùng suy nghĩ “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” không? Nghị quyết, đề án, kế hoạch hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ Trung ương xuống đã có đủ cả rồi. Giờ là lúc đưa các quyết sách ra ruộng đồng, vào từng mảnh vườn, xuống tận bờ ao. Đó là việc khó và phải luôn đặt trong tâm thức của lãnh đạo địa phương.

Người lãnh đạo thường chỉ được đào tạo một hay vài chuyên ngành, có thể là nông dân hoặc xuất thân từ nông dân, nhưng bấy nhiêu cũng chưa đủ kiến thức trong nền kinh tế thị trường. Nào là làm sao giúp bà con phân biệt được hàng giả, hàng kém chất lượng. Nào là làm sao để bà con không gặp phải rủi ro khi giá lên, lúc giá xuống. Nào là quy hoạch sản xuất phải gắn với thích ứng của biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước. Tất cả phải học và tự học.

Chuyện thường ngày ở cấp huyện luôn bộn bề: bao nhiêu thời gian dành cho họp hành, hội nghị, tiếp xúc cử tri; bao nỗi lo toan: giáo dục, y tế, an sinh xã hội: an ninh trật tự, rồi đường sụt lún, cầu xuống cấp, đê bao sạt lở. Áp lực tứ bề, đôi khi thời gian dành để ứng phó nhiều hơn thời gian suy nghĩ, bàn luận những ý tưởng mới. Có ý tưởng mới rồi lại còn tìm kiếm sự đồng tình trong nội bộ, huy động nguồn lực để thực hiện. Mỗi việc mỗi khác đâu có sẵn đáp án chung. Xuống cơ sở mới thấm thía câu “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”.

Ngoài kia, gió sông Tiền đang thổi, những làn gió mới mẻ đã len lỏi vào từng nhà, từng người. Rồi mai này, huyện mình sẽ có những nông trại, Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến. Rồi mai này sẽ có các điểm du lịch miệt vườn, thăm vườn sinh thái cồn An Nhơn, Bạch Viên,… Rồi mai này huyện mình được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Rồi sao nữa?

Về Châu Thành lần này chưa kịp đến thăm một lão nông tri điền và những người nông dân chân chất trồng nhãn thân thiết đã cùng nhau hình thành Canh Tân Hội quán. Đây là nơi ra đời Hội quán đầu tiên để trên hành trình 7 năm đã có hơn 140 Hội quán lần lượt được thành lập, trở thành một trong những thương hiệu của Đất Sen hồng. Vậy là lại còn một món nợ phải trả!

Xích Lô
Trương Khánh Thiện
Lê Hoàng Vũ