Nghệ sĩ làm từ thiện và nỗi lo về lòng tốt

Nhà báo Nguyễn Quốc Phong, cựu Phó Tổng Biên tập Báo Thanh niên đã có những chia sẻ thẳng thắn về hoạt động từ thiện, đặc biệt là đối với nghệ sĩ.

Dù chủ đề là những lùm xùm xung quanh hoạt động từ thiện nhưng chúng tôi bắt đầu cuộc đối thoại với nhà báo Nguyễn Quốc Phong bằng chủ đề thân phận của người nghèo.

Họ, những người vốn dĩ cực kỳ dễ bị tổn thương trong cuộc sống và xét cho cùng, ở bối cảnh hiện tại, dù là trực tiếp hay gián tiếp thì rất nhiều vấn đề nóng bỏng của xã hội ít nhiều đều có sự liên quan đến đời sống của người nghèo.

Thất nghiệp do dịch bệnh, cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn giờ càng thêm chật vật. Những lời cầu cứu giúp đỡ, những đoàn người đào thoát khỏi các thành phố trở về quê nương náu, những bước chân lê lết ở đường cùng thật sự quá xót xa.

Tôi hỏi nhà báo Nguyễn Quốc Phong, nếu bây giờ mà những nghi vấn về việc lợi dụng hoạt động từ thiện để ăn chặn tiền hỗ trợ của người nghèo mà có thật thì đau lòng quá. Hơn ai hết, họ, người nghèo, những người thụ hưởng, những đích đến của truyền thống, đạo lý lá lành đùm lá rách tốt đẹp lại phải chịu sự tổn thương ghê gớm lắm, cả về vật chất cho đến tinh thần?

Nhà báo Nguyễn Quốc Phong nói: Nói đến người nghèo bao giờ cũng buồn, trước hết hãy nói về chính sách cái đã.

Còn mấy tháng nữa là tròn hai năm đất nước gồng mình chiến đấu với dịch bệnh. Ròng rã cách ly, liên tục phong tỏa, người dân, đặc biệt là người lao động, người nghèo, những người không có nhiều sự tích lũy thực sự đã kiệt quệ lắm rồi. Hơn lúc nào hết, đây là lúc Đảng, Nhà nước thể hiện vai trò, trách nhiệm vì dân, lo cho dân và phải biết được điều người dân cần nhất. Phải biết để có các chính sách, giải pháp, trước mắt và lâu dài.

Thực ra chính sách cũng đã có một số, tuy nhiên, rõ ràng về cách thức triển khai, thực hiện đã và đang gặp phải những vấn đề. Tôi thực sự cảm thấy nguy hiểm khi nhận những thông tin như sau hơn một năm triển khai gói an sinh 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thực tế chỉ giải ngân được hơn 22%.

Chỉ một lát cắt đã cho thấy cách thực hiện chính sách của chúng ta đang còn cứng nhắc, thiếu thực tiễn, dẫn đến người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề tiếp cận sự hỗ trợ, đặc biệt là đối với công tác hỗ trợ giúp đỡ người nghèo.

Một người dân đóng bảo hiểm thất nghiệp mấy năm rồi nhưng trong bối cảnh này đã không nhận được sự hỗ trợ theo quy định. Một doanh nghiệp cầm hồ sơ đi nộp để vay tiền nhưng tiêu chí đưa ra là trong tài khoản phải hết nhẵn tiền, không được trừ lại một xu nào. Đó là những kiểu triển khai thực hiện chính sách một cách máy móc quá. Tất nhiên là phải theo nguyên tắc nhưng nếu nguyên tắc quá mức thì không ai tiếp cận nổi và chính sách lúc đó sẽ không còn hiệu quả nữa.

 Với cái kiểu thực hiện chính sách khiến người dân mất niềm tin như thế, đặc biệt là đối với những người nghèo, những người đang ở bước đường cùng và đang rất bức xúc thì rất nguy hiểm. Bởi vì đến một lúc nào đó, sự bức xúc sẽ dẫn đến sự liều lĩnh và dễ nảy sinh các vấn đề bất ổn của xã hội.

Dài dòng một chút cũng là căn cứ để nói về hoạt động từ thiện. Tôi cho rằng chính thực tiễn của các chính sách chưa đủ để có thể chăm lo thực sự sự tốt cho người nghèo đã đòi hỏi thêm các hoạt động từ thiện, hỗ trợ những trường hợp, hoàn cảnh khó khăn trong đời sống xã hội.

Không thể phủ nhận một điều chính tinh thần tương thân tương ái, truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay đã góp phần giúp Nhà nước giảm được nhiều gánh nặng. Thiên tai, lũ lụt hay dịch bệnh, nếu không có những tấm lòng thơm thảo của các nhà hảo tâm, các tổ chức cá nhân đóng góp hỗ trợ thì những hoàn cảnh khó khăn chắc chắn sẽ càng khó khăn hơn khi mà chúng ta đều biết nếu họ chỉ trông chờ vào Nhà nước thôi thì chưa đủ.

Và mặc dù thấy rõ những tấm lòng từ thiện đã góp phần quan trọng đối với đời sống xã hội, giúp người nghèo vơi bớt nhọc nhằn, tuy nhiên chúng ta cũng thấy hoạt động này đã bộc lộ những tồn tại cần phải có sự điều chỉnh, kiểm soát, giám sát.

Thưa ông, rõ ràng những hoạt động từ thiện giúp đỡ nhau vượt qua dịch bệnh, thiên tai không chỉ là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc mà còn mang giá trị hỗ trợ kịp thời, cấp bách. Đó có thể coi là một nguồn lực và giải pháp. Nhưng rồi những lùm xùm xuất hiện, cụ thể là những thông tin về hoạt động từ thiện của hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi ít nhiều gây ra những hoài nghi trong xã hội. Theo ông đó có phải là một chỉ dấu cần có sự cảnh báo hay không?

Trước hết tôi nghĩ rằng một người như doanh nhân Phương Hằng, khi đã nói ra những thông tin về số tiền tiếp nhận hỗ trợ và hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ tên tuổi thì chắc là không phải không có căn cứ.

Thường những người hoạt động kinh doanh như bà Phương Hằng họ sẽ rất thận trọng và mặc dù chưa thể khẳng định đúng sai nhưng đưa thông tin ra để mà làm rõ cũng đã là một hành động dũng cảm rồi.

Theo tôi, một đặc điểm có thể gọi là “căn bệnh” chung của nhiều người trong giới nghệ sĩ là ẩu. Họ vốn suy nghĩ mọi việc theo chiều hướng chủ quan, đơn giản. Họ nghĩ rằng khi các nhà hảo tâm, đa số là người hâm mộ họ, tin tưởng họ, trao tiền từ thiện cho họ rồi thì họ muốn đi lúc nào, muốn trao cho ai là quyền của họ.

Đó là sự ảo tưởng. Và tôi tự hỏi liệu có phải đang có nhiều nghệ sĩ của chúng ta đã biến niềm tin yêu của công chúng, của cộng đồng thành cái quyền được ban phát của cá nhân họ hay chăng.

Mắc căn bệnh đó nên khi bắt đầu hoạt động từ thiện có thể tâm họ trong sáng, mục đích họ tốt nhưng quá trình thực hiện họ ẩu, họ tùy tiện thì chắc chắn sẽ xảy ra những câu chuyện như trao không đúng đối tượng, sử dụng tiền của những người gửi gắm vào họ không đúng mục đích…

Đấy là chúng ta đang nói về những người hoạt động từ thiện công tâm, không có mục đích tư túi, vụ lợi gì, chỉ là ẩu, là tùy tiện, chỉ là mắc căn bệnh chung của giới nghệ sĩ như thế.

Còn một loại nữa tôi cho là quá ẩu. Anh sử dụng tài khoản cá nhân của anh để kêu gọi sự hỗ trợ để đi từ thiện mà không tách bạch rõ ràng. Tiền người ta chuyển vào tài khoản anh ào ào như thế thì làm sao để minh bạch, để kiểm soát, để sử dụng đúng mục đích, trao đúng đối tượng đây. Cho nên tôi nghĩ tới đây sẽ còn nhiều lùm xùm, còn lộ ra nhiều chuyện nữa. Hoạt động từ thiện vốn dĩ rất khó để có thể đúng hết mà giới nghệ sĩ lại mắc “căn bệnh” như thế nên nếu có lùm xùm thì cũng không phải là chuyện lạ.

Cần phải xác định đối với hoạt động từ thiện thì bản chất phải gắn với xuất phát điểm ban đầu của anh là kêu gọi để ủng hộ ai, trao cho ai.

Vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên có những hoạt động từ thiện nổi bật trong thời gian vừa qua.

Vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên có những hoạt động từ thiện nổi bật trong thời gian vừa qua.

Ví dụ kêu gọi ủng hộ gia đình các nạn nhân bị vùi lấp ở Rào Trăng Thừa Thiên Huế thì phải tạo tài khoản Rào Trăng, ủng hộ lũ lụt miền Trung thì tạo tài khoản lũ lụt miền Trung, ủng hộ người lao động chịu ảnh hưởng Covid-19 thì cũng phải tạo tài khoản riêng cho chương trình mà mình đứng ra kêu gọi sự chung tay của cộng đồng. Tức là anh kêu gọi ủng hộ ở đâu thì phải đi trao ở đúng nơi đó chứ không được tùy tiện trao chỗ này chỗ kia. Kết thúc đợt kêu gọi anh phải đóng tài khoản và công khai minh bạch số tiền bao nhiêu, đã trao cho ai, trao như thế nào để những nhà hảo tâm còn biết.

Đằng này... Tôi lấy ví dụ trường hợp nghệ sĩ Hoài Linh chẳng hạn. Rõ ràng anh ta quá ẩu và tùy tiện. Anh ta nghĩ tiền các nhà hảo tâm chuyển cho mình rồi thì muốn trao lúc nào cũng được. Không phải như thế. Thiên tai lụt bão, bao nhiêu hoàn cảnh người dân màn trời chiếu đất đang cần nhận được sự hỗ trợ cấp thiết của cộng đồng, của các nhà hảo tâm, đáng ra anh phải đi ngay thì anh lại để đến mấy tháng sau mới trao thì đó là kiểu trao cho xong chuyện. Đó rõ ràng là hành động kiểu dở hơi là điều tối kỵ và không được phép trong hoạt động từ thiện.

Người hâm mộ anh, những người trao niềm tin tuyệt đối cho anh là họ muốn thông qua anh, nhờ anh thay họ trực tiếp đến tận hơi hỗ trợ những hoàn cảnh đang gặp khó khăn. Nếu anh không làm được thì anh đừng kêu gọi hoặc chí ít anh cũng phải nói. Làm được đến đâu cũng phải nói. Phải công khai minh bạch cho người ta biết.

Đấy còn chưa kể khi có những thông tin lùm xùm, xã hội chất vấn thì anh ta lại chữa cháy bằng việc thông qua huyện, qua xã để trao cho xong mà không dám trực tiếp đến với người nghèo, điều mà những người gửi tiền mong mỏi ở anh ta.

Và công chúng cũng ít nhiều thất vọng với cách hành xử của các nghệ sĩ trước những lùm xùm đó. Có người im thin thít, có người cãi cọ cố chứng minh nhưng giải pháp chứng minh sự trong sạch tốt nhất như dư luận đề nghị là sao kê ngân hàng những giao dịch trong hoạt động từ thiện thì nhiều người lại chưa làm. Ông nghĩ sao?

Cha ông ta vẫn thường nói rằng cây ngay thì không sợ chết đứng, nếu anh đàng hoàng, minh bạch, tâm anh trong sáng, anh hoạt động từ thiện vì cái tâm, vì cộng đồng mà không tư lợi gì thì anh hãy dũng cảm công khai ra, việc gì phải giấu giếm.

Tất nhiên thông tin tài khoản cá nhân vừa là một vấn đề tế nhị vừa liên quan đến các quy định của pháp luật. Trong điều kiện bình thường không ai có quyền bắt ai phải sao kê những giao dịch tài khoản cá nhân và các ngân hàng cũng không được phép cung cấp thông tin tài khoản cá nhân anh cho người khác. Nhưng trong bối cảnh này, nếu anh nói anh trong sáng, nếu anh nói anh làm từ thiện vì cái tâm vì cộng đồng, không tư lợi gì thì nên sao kê, nên công khai minh bạch để dư luận xã hội, các nhà hảo tâm được biết rõ.

Đó cũng là cách thiết thực để anh giải oan cho bản thân, tất nhiên nếu anh oan thật.

Còn trong trường hợp anh chậm trễ công khai minh bạch, chậm trễ công bố thông tin giao dịch thì dư luận hoàn toàn có thể hiểu là anh có gì đó không ổn, anh cần thời gian để suy nghĩ, có thể là giải pháp để đối phó hoặc hợp thức điều gì đó.

Cá nhân tôi cho rằng hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ như cô Thủy Tiên là rất đáng trân trọng, thậm chí tôi cũng biết ít nhiều cô có bỏ tiền túi mình ra để làm từ thiện. Tuy nhiên với quy mô như thế, tiền nhiều như thế cũng chắc chắn một điều là không thể tránh khỏi những sai sót. Về tổng thể có thể cô đàng hoàng nhưng rồi trong quá trình hoạt động từ thiện với quy mô lớn cũng sẽ có những lỗi này lỗi nọ.

Giải pháp để minh bạch trong hoạt động từ thiện và cả để giải quyết những “căn bệnh” đó là gì, thưa ông?

Đối với hoạt động từ thiện thì suy cho cùng vẫn là anh phải xác định đặt trách nhiệm của mình lên trên hết. Trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với những người yêu mến mình, tin tưởng trao hết niềm tin của họ cho mình. Trách nhiệm đó để giữ mình không ẩu, không tùy tiện, đẻ mình phải cẩn thận và làm cho nghiêm túc, minh bạch. Còn trường hợp nếu anh không nghiêm túc, không minh bạch thì sớm hay muộn gì cũng sẽ phải trả giá.

Tôi so sánh như thế này để rõ, ông Đoàn Ngọc Hải chẳng hạn. Ông ấy vốn là cán bộ quản lý nhà nước nên khi tham gia vào hoạt động từ thiện thì ít nhiều có những sự minh bạch, rõ ràng. Ở đây là cách thức quản lý thu chi. Như tôi biết thì mỗi hoạt động từ thiện của ông Hải đều có những tài khoản riêng và chỉ chuyển khoản, không chi tiền mặt. Điều đó giúp ông ấy có thể dễ dàng công khai minh bạch hoạt động từ thiện.

MC Trấn Thành lên tiếng trước những lùm xùm liên quan tới anh.

MC Trấn Thành lên tiếng trước những lùm xùm liên quan tới anh.

Còn một số nghệ sĩ sử dụng tài khoản cá nhân để kêu gọi sự hỗ trợ thì rõ ràng vấn đề công khai minh bạch cũng tương đối khó. Chỉ trừ khi các nhà hảo tâm có đơn thư kiện tụng, có khiếu nại về việc các cá nhân sử dụng tiền hỗ trợ của họ như thế nào đó thì các cơ quan pháp luật mới có thể kiểm tra, làm rõ và xử lý nếu có sai phạm được.

Vấn đề này người phát ngôn của Bộ Công an đã thông tin rõ, nếu ai có chứng cứ, tài liệu về việc lừa đảo từ thiện thì hãy tố giác, gửi cho cơ quan công an. Khi đó các cục nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ vào cuộc, đảm bảo đúng quy định. Khi có dấu hiệu về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ, thì cơ quan chức năng xem xét xử lý với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan công an các cấp vẫn chủ động nắm bắt dư luận về những sự việc, hiện tượng này và nếu xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật, những sự việc gây bất ổn xã hội, lực lượng chức năng sẽ vào cuộc điều tra, làm rõ. Về nguyên tắc, thông tin dư luận cũng là một nguồn tin tố giác tội phạm.              

Thưa ông, liên quan đến hoạt động từ thiện, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, chúng ta có nhiều cơ quan chuyên trách, tuy nhiên những năm vừa qua, những kênh từ thiện cá nhân lại nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, ông nghĩ sao về thực tiễn này?

Cá nhân tôi cảm thấy buồn vì điều đó. Bởi vì đáng ra trong những lúc đất nước khó khăn, xã hội khó khăn, người dân khó khăn thì vai trò của các tổ chức chính trị xã hội phải nổi bật lên, phải làm được, thậm chí là làm thật tốt các hoạt động hỗ trợ người dân. Nhưng theo tôi, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội của chúng ta trong vấn đề này đang hơi yếu.

Có lẽ đó cũng là lý do mà rất nhiều nhà hảo tâm đã lựa chọn gửi gắm các cá nhân hoặc trực tiếp đi hỗ trợ. Có cảm giác nhiều nhà hảo tâm chưa thực sự tin tưởng vào sự minh bạch hoặc cũng có thể là do tình thế cấp bách, họ cần những kênh hỗ trợ đến với người dân một cách nhanh chóng hơn. Đó thực sự là những điều khiến chúng ta cần phải suy nghĩ, nhìn nhận và có những giải pháp điều chỉnh, cách thức triển khai phù hợp hơn.

Từng có nhiều năm làm lãnh đạo Báo Thanh niên, một cơ quan thực hiện rất nhiều các hoạt động từ thiện, theo ông, để hoạt động từ thiện thực sự là “tôi làm vì cái tâm” thì đòi hỏi những yếu tố gì?

Thực ra đối với hoạt động từ thiện nếu mỗi người một tay một chân, nếu xã hội có nhiều nhà từ thiện góp sức vào, nhiều cầu nối những tấm lòng hảo tâm đến với những người cần được hỗ trợ, giúp đỡ thì chắc chắn sẽ càng tốt hơn.

Tuy nhiên, tôi phải dùng từ dấn thân đối với hoạt động này. Anh dấn thân đi làm từ thiện thì phải tỉnh táo trong chi tiêu, phải minh bạch và phải không chế được lòng tham của mình. Đây là lĩnh vực nhạy cảm, anh ẩu là anh chết.

Tôi có quen biết với rất nhiều người làm từ thiện hết sức âm thầm, lặng lẽ. Họ giấu tên để làm từ thiện. Đó thực sự là những người đáng nể trọng. Nhưng những người như thế họ cũng cần những cầu nối đàng hoàng, minh bạch để có thể hỗ trợ người dân được tốt hơn. Chẳng may gặp phải những người có lòng tham, những người bất minh thì cũng hỏng. Cho nên, cốt lõi của hoạt động từ thiện như tôi đã nói, yếu tố tiên quyết vẫn là sự công khai, minh bạch.

Đối với những cầu nối của hoạt động từ thiện cần tuân thủ nguyên tắc nhà hảo tâm hỗ trợ cái gì thì mình phải trao đến tận tay người dân cái đó.

Thời còn công tác ở Báo Thanh niên, vào thời điểm xảy ra vụ đắm đò ở miền Trung, báo có tiếp nhận của đại gia Lê Văn Kiểm một số tiền và quần áo để hỗ trợ bà con trong đó. Lúc vào đến nơi mới phát hiện đó là những bộ quần áo khá cao cấp và đắt tiền. Trao những thứ đó cho người dân nghèo trong bối cảnh đó dường như chưa được phù hợp cho lắm. Tuy nhiên chúng tôi vẫn phải trao, phải tuân thủ nguyên tắc nhà hảo tâm gửi gắm cái gì, cho ai thì mình phải thực hiện thật nghiêm túc, tốt nhất là trao nguyên vẹn giá trị hỗ trợ.

Ca sĩ Thủy Tiên trong lần trao quà từ thiện tại vùng lũ lụt.

Ca sĩ Thủy Tiên trong lần trao quà từ thiện tại vùng lũ lụt.

Ví dụ các nhà hảo tâm trao cho mình một tỷ để mua sắm vật dụng đến hỗ trợ người dân gặp khó khăn ở vùng lụt bão thì mình cũng phải trao đủ một tỷ đó. Tiền thuê chở tôn, vật liệu xây dựng, mỳ tôm thì mình cố gắng bỏ ra. Nhất là đối với những người vẫn được xem là có điều kiện như nhiều anh em nghệ sĩ. Nếu anh không làm được thì thôi chứ đừng lấy tiền của nhà hảo tâm để chi phí đi lại. Nó nhập nhèm và rất mang tiếng.

Hẳn nhiều người còn nhớ chuyện một cơ quan ở Hà Nội cầm mấy chục triệu đồng của các nhà hảo tâm vào hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng lụt bão ở Thừa Thiên Huế. Trên đường đi các anh ấy trích một ít từ khoản tiền đó để ăn uống dọc đường, nó mang tiếng đã đành, nguy hiểm hơn còn khiến nhiều người mất niềm tin vào hoạt động từ thiện, thậm chí là những sự tổn thương.

Minh bạch và ít nhiều phải hi sinh. Nếu làm được như thế thì nếu ai có yêu cầu công khai, minh bạch thì mình cũng chẳng có gì phải giấu giếm.

Ngoài ra có một số điều cần phải tránh. Có những anh đi làm từ thiện kiểu hoành tráng phô trương, đi đến đâu tổ chức sự kiện ầm ĩ, rầm rộ đến đó. Đó không chỉ là sự đánh bóng tên tuổi, làm từ thiện vì mục đích của cá nhân anh mà còn là sự vô cảm với đồng bào.

Rõ ràng hoạt động từ thiện vẫn là việc tốt nên làm, đặc biệt là mang ý nghĩa lớn lao với những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, tuy nhiên, với những lùm xùm, những biểu hiện tiêu cực đã xảy ra liệu rằng có cần thêm chính sách, chế tài để quản lý hoạt động từ thiện, để lòng tốt thực sự được lan tỏa hơn không?

Về mặt các quy định của Nhà nước đối với hoạt động kêu gọi hỗ trợ từ thiện nói chung Chính phủ cũng đã có Nghị định 64/2008/NĐ-CP và Nghị định 93/2019/NĐ-CP liên quan đến vấn đề này, nhưng tôi nghĩ rằng trong bối cảnh chính sách, chế tài quản lý chưa đầy đủ thì đòi hỏi cốt yếu vẫn là từ cái tâm của người đi làm từ thiện.

Bởi vì nếu phát hiện ra những bất thường, không trong sáng trong công tác từ thiện sẽ tạo ra những sự ảnh hưởng xã hội.

Những người có tấm lòng, có điều kiện hỗ trợ người khó khăn họ sẽ co lại, họ sẽ cảnh giác, họ mất niềm tin, thậm chí là tẩy chay hoạt động từ thiện. Nếu các nhà hảo tâm không ủng hộ nữa dẫn đến những người được thụ hưởng, những người khó khăn sẽ chịu những thiệt thòi.

Và nếu thế, trong khi điều kiện đất nước chưa có đủ khả năng để chăm lo hết được thì người nghèo càng khó khăn hơn và bản thân họ cũng mất niềm tin vào lòng tốt. Họ vừa chịu sự tổn thương về vật chất vừa tổn thương tinh thần như anh nói đồng thời mất luôn cả niềm tin vào lòng tốt. Đó mới là điều đáng để chúng ta lo ngại.

Hoàng Anh
Trọng Toàn
NVCC - TL