Từ rừng bách xanh nhìn xuống, chỉ thấy vách đá dựng đứng, người ở trên chỉ nhìn được đỉnh đầu người bên dưới, người ở dưới chỉ nghe thấy tiếng của người bên trên.
Từ trụ sở Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, phải di chuyển tầm 40 km mới có thể đến được chân dãy núi có rừng bách xanh đá trăm tuổi, đi khẩn trương cũng phải mất 1 giờ đồng hồ.
Trên đường đi có ngang qua Hang Tám cô, một địa điểm linh thiêng của núi rừng Trường Sơn, nơi ghi dấu sự hy sinh to lớn của lực lượng Thanh niên xung phong trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trường Sơn đang đỉnh mùa mưa, sáng ra thấy trời quang mây nên mấy anh em bảo nhau lên đường sớm, tranh thủ lúc trời đẹp còn làm việc. Theo hướng dẫn của Giám đốc Phạm Hồng Thái, chúng tôi thẳng hướng đường tỉnh 562 ngược lên hướng Tây Nam, đường đi càng lên cao càng ngoằn ngoèo và dốc, dốc 10% thì không đếm hết, còn 13%, 15% thì chắc vừa đủ một bàn tay.
Đi mãi rồi cũng đến, thấy nhà cửa lác đác hiện ra ở phía xa là xe của đoàn đến được Chốt Kiểm lâm 39, tên được đặt theo Km số 39 của trục đường 562 này. Đây là một chốt của Trạm Kiểm lâm Thượng Trạch, đặt ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Thấy xe biển số địa phương khác, mấy anh em kiểm lâm trong chốt đoán ngay là đoàn công tác nên ra hiệu chỉ chỗ đỗ xe rồi ra chào hỏi chúng tôi. Bên chiếc bàn làm từ tảng đá nguyên khối to cỡ nửa chiếc chiếu, mấy anh em bắt đầu trao đổi.
Theo phân công của vườn, anh Lê Quang Ngọc, kiểm lâm viên của chốt sẽ đưa chúng tôi lên rừng bách xanh đá. Vì đã non nửa buổi sáng nên anh nhắc: “Đường lên đó rất dốc và hiểm trở, lại xa nên các anh mang theo nước uống và ít đồ ăn nhẹ vì không xuống kịp giờ cơm đâu. Xong rồi anh em mình đi luôn, kẻo mưa xuống là sức các anh khó mà về được”.
Xác định rõ tình hình nên cả đoàn khẩn trương chuẩn bị, ngoài máy móc còn có nước uống, đồ ăn được nhồi vào ba lô, quần áo nai nịt gọn gàng. Nhưng chợt nhận ra có điều gì chưa ổn, Ngọc nhìn một lượt rồi nói, các anh bỏ giày ra, lấy mấy đôi rép rọ của chốt mà đi chứ không không leo nổi đâu. Thế là quần nhét vào tất, bịt thêm mấy vòng băng dính tránh sên, vắt bò vào, chúng tôi xỏ dép rọ lên đường.
Từ chốt, đi ngược ra khoảng gần 1 km thì có tấm biển “Rừng Bách xanh” khá to chôn ngay mép rừng, đến nơi thì lất phất có hạt mưa, trời cũng ngả màu u ám nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đi, nếu mưa to quá thì đành quay lại.
Luồn qua những tán lá phía bìa rừng, 5 con người bắt đầu vượt những con dốc nhỏ đầy lá cây rụng, thân cây đổ, người sau bám sát người trước, chẳng mấy chốc mà cũng đến được chân vách đá. Lúc này đường không còn, cả đoàn chỉ còn biết dùng cả 2 tay 2 chân, bám theo Ngọc, leo lên theo một lối đi đã được anh ghi nhớ trong đầu sau hàng trăm chuyến đi tuần.
Vách đá tai mèo, sắc nhưng chắc chắn, muốn leo lên cứ theo vết của người đi trước bám vào rồi thả lỏng người nhún lên: “Các anh đừng sợ quá mà gồng người, càng gồng càng khó leo”, kiểm lâm viên của chốt từ trên nói vọng xuống.
Do hiểm trở nên cả đoàn phải giữ khoảng cách nhất định, không quá xa để có thể thấy được điểm tựa của người phía trên, nhưng cũng không quá gần, tránh trường hợp người trên bị trượt va vào người dưới, tai nạn liên hoàn. Khoảng cách mà ngửa mặt lên vẫn thấy được gót chân người phía trên được cho là lý tưởng.
600 m đường rừng mà mất đúng 1 tiếng đồng hồ cả đoàn mới vượt qua được. Dừng chân nghỉ ở một mỏm đá có thân cây nhô ra, Ngọc lúi húi cúi xuống, nhặt một cành cây nhỏ rồi nói: “Lá bách xanh đá đó các anh, ngay trên đầu mình là rễ của nó, chỗ này còn 20 m nữa là lên đến nơi, các anh cố gắng nhé”. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới xoay được người để nhìn thấy bộ rễ mập mạp và một phần thân cây bách, đỏ au ở những chỗ vỏ bị xước.
Nhìn vách đá dựng đứng trước mặt, thực sự là cũng chùn chân nhưng chẳng lẽ lên đến đây còn quay đầu, xốc lại đồ đạc, tinh thần, chúng tôi lại theo Ngọc đu người vào đá bò lên. Chỉ 20 m nhưng không thể leo thẳng mà phải đi hình vòng cung, ra mặt bên của vách đá mới đủ khoảng trống để vượt lên.
Qua được vách đá là rừng bách xanh đá ở ngay trước mặt, trên độ cao gần 700 m so với mực nước biển, những tán cây cao vút, đan kín vào nhau che cả bầu trời. Trải tầm mắt ra xa, xen kẽ với các mỏm đá là những cây bách xanh đá to lừng lững, thân đầy rêu mốc, in hằn dấu vết của thời gian.
Bách xanh đá là loài đặc biệt, chỉ sinh trưởng trên đỉnh núi đá, nhìn chúng như những cành bonsai khổng lồ vút lên trời cao từ những mũi đá. Phía dưới, những chùm rễ mập mạp, uốn lượn như dòng nước chảy vào khe đá, bám chặt và đỡ lấy những thân cây cao đến 20 – 30 m.
Như trở về với một nơi thân thuộc, Ngọc trải mắt nhìn cánh rừng rồi trầm ngâm: “Không hiểu nổi là những cây bách này sống bằng gì vì thảm thực vật không đáng kể, nước mặt lại càng không vì mưa đến đâu chảy đến đấy”.
Anh nói thêm, trong những lần khảo sát ở khu rừng này, các nhà khoa học đánh giá có những thân cây lên đến 500 năm tuổi. Thêm một điểm đặc biệt nữa là hệ sinh thái cộng sinh với bách xanh đá. Trên thân bách dày đặc các loài rêu, dương xỉ và cả phong lan.
Chẳng biết rõ trên thân bách là rêu gì mà chúng tôi có người bị rách tay do cào vào đá và gai cây rừng, Ngọc dứt một nhúm rêu bịt lại thì máu ngừng chảy luôn, vết thương khô hẳn miệng.
Trên mỏm đá vôi, mấy người chúng tôi chen chân trong một khoảng phẳng nhỏ rộng cỡ gần 2 m2, thay nhau đổi vị trí để tác nghiệp, quay phim, chụp ảnh quần thể thực vật quý hiếm này.
Xong việc, giở đồ ăn và nước uống ra nạp năng lượng, anh Ngọc khéo léo nhắc, vỏ bánh, vỏ chai anh em cho hết vào ba lô để mang xuống chứ không xả rác ra đây.
Leo được lên đỉnh núi ngắm đã khó nhưng quay xuống núi còn khó hơn nhiều. Nếu lúc lên cứ nhìn chỗ nào bám được thì đưa tay, đặt chân vào thì lúc xuống coi như “mù” hẳn, không thể biết phía dưới có gì. Đứng trên vách đỉnh núi nhìn xuống, có lúc tôi thoáng nghĩ “có xuống được không đây”. Nếu không có Ngọc, câu trả lời chắc chắn là không, kiểm lâm viên của vườn lúc này như cặp mắt của chúng tôi, anh lại xuống trước dẫn đường.
Động tác nhanh nhẹn, dứt khoát, Ngọc tìm được một chỗ bám chắc rồi nói vọng lên: “Các anh ngồi xuống, bám chắc tay rồi đưa dần chân xuống dưới, em sẽ chỉ nơi đặt chân. Tuyệt đối không được ngoảnh lại nhìn xuống, chùn chân là ngã đấy”.
Thế rồi, từ mỏm đá, từng hốc đất được anh chỉ cho chúng tôi đưa chân vào, tựa chắc để xuống núi. “Chân nào tay ấy anh nhé, cứ bám chắc rồi hãy di chuyển”, Ngọc không ngừng nhắc nhở.
Có những đoạn, mỏm đá quá xa, có người không với chân đến được vì không có kinh nghiệm leo núi, anh nhấc luôn đùi mình lên để kê làm điểm tựa cho chúng tôi. Thực sự nếu không có sự ân cần đó, cánh nhà báo khó mà xuống núi an toàn.
Qua được vách đá, đến đoạn dốc toàn đất và thảm lá thì cơn mưa rừng Trường Sơn cũng kéo đến, lấy tán rừng làm lá chắn, chúng tôi rút nhanh xuống sườn núi mặc kệ cơn mưa.
1,2 km cho 2 chiều lên và xuống, cả đoàn xuất phát lúc 10h, 11h lên đến đỉnh và xuống đến bìa rừng lúc 12h30, mấy anh em nói đùa với nhau: “Có lẽ đây là 600 m dài nhất từ lúc sinh ra đến bây giờ”.
Phong Nha – Kẻ Bàng là Vườn Quốc gia có diện tích lớn nhất Việt Nam, hơn 123.000 ha, với những giá trị to lớn và độc đáo về đa dạng sinh học. Đặc biệt, đây là khu vực phân bố quần thể bách xanh đá nguyên sinh lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích hơn 3.000 ha, chiến gần 2,5% diện tích toàn vườn. Quần thể này phân bố trên trên địa hình núi đá vôi hiểm trở, chia cắt mạnh, độ đốc nhiều điểm lớn hơn 80 độ so với phương ngang.
Bách xanh đá được phát hiện đầu tiên ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn bởi nhà khoa học Averyanov và các cộng sự vào năm 2004, sau đó là một số tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Bình….. Theo Averyanov và cộng sự, quần thể bách xanh đá ở Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được coi là nguyên thủy duy nhất của Việt Nam, chưa từng bị con người tác động.
Bách xanh đá có chiều cao dưới cành tương đối thấp, hình thái thân cây không ổn định. Thân tương đối thẳng, tròn đều khi sống ở những nơi địa hình tương đối bằng phẳng; thân u bướu, vặn vẹo khi cây sống ở những nơi địa hình vách đá cheo leo.
Vỏ ngoài của cây bách xanh đá thường nứt dọc, bong vảy thành các dải dọc thân. Những cây sống ở nơi có độ ẩm cao, thiếu ánh sáng, vỏ ngoài của nó thường có màu nâu đỏ. Cây sống ở nơi khô thoáng, nhiều ánh sáng, vỏ cây có màu nâu bạc. Vỏ trong có màu hồng tươi, dày 4 – 12 mm, chứa nhiều ống dẫn nhựa lớn. Nhựa có màu vàng nhạt, mùi rất thơm.
Gỗ loài bách xanh đá khi tươi có màu hồng nhạt và tương đối mềm, gỗ khô có màu vàng nhạt, vân gỗ màu nâu sẫm, thớ gỗ mịn, có mùi thơm. Gỗ bách xanh đá thuộc nhóm gỗ rất nặng (0,91g/cm3), có tỷ lệ co rút thấp (5,3%) và cường độ nén dọc thớ trung bình (55,4N/mm2).
Cây khi còn nhỏ, tán lá thường có hình chóp nón tù hoặc hình trứng ngược. Cây trưởng thành tán lá thường có hình dạng không ổn định (hình tròn hoặc hình trứng). Bách xanh đá phân cành rất sớm, cành mọc gần vuông góc với thân cây và hướng lên trên. Chiều cao dưới cành của bách xanh đá trưởng thành thường chiếm từ 1/3 đến 1/2 chiều cao vút ngọn của cây.
Bách xanh đá trưởng thành phân bố trên sườn và đỉnh núi đá vôi tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có đường kính ngang ngực trung bình đạt 34,92 cm; chiều cao vút ngọn trung bình đạt 8,52 m; chiều cao dưới cảnh trung bình là 3,33 m và đường kính tán trung bình là 4,48 m.
Quần thể loài bách xanh đá ở Phong Nha – Kẻ Bàng mọc tập trung trong rừng nguyên sinh hỗn giao cây lá rộng và lá kim trên sườn và đỉnh núi đá vôi với một số loài thuộc họ dẻ (Fagaceae), họ re (Lauraceae), họ bứa (Clusiaceae).
Bách xanh đá phân bố chủ yếu ở các hướng phơi Tây Nam, Tây Bắc và Đông Nam, thuộc rừng nguyên sinh trên núi đá có trạng thái rừng từ trung bình đến rừng giàu.
Các nghiên cứu được thực hiện tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cho thấy, bách xanh đá là loài cây gỗ lớn, thường xanh, mùa nón xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 8, nón chín vào tháng 11 đến tháng 12.
Chu kỳ sai quả và khả năng ra hoa kết quả của bách xanh đá là không đồng đều giữa các năm. Trong rừng nguyên sinh hỗn giao giữa cây lá rộng và cây lá kim, bách xanh đá mọc tập trung ở sườn và đỉnh núi với độ cao từ 572 – 820 m so với mặt biển, trên núi đá vôi, đất có lớp mùn mỏng, hàm lượng tổng chất hữu cơ cao, giàu phốt pho, có tính kiềm và nghèo đạm.
Mật độ trung bình lâm phần nơi có loài bách xanh đá phân bố là 646 cây/ha, trong đó, loài bách xanh đá có mật độ trung bình là 285 cây/ha. Trữ lượng rừng trung bình đạt 163 m3/ha, trong đó quần thể bách xanh đá có trữ lượng trung bình 131 m3/ha.
Bách xanh đá là loài chiếm ưu thế và ở tầng tán chính của rừng, gồm các loài đặc trưng của rừng trên núi đá vôi như quế trên, vàng nghệ, sao Việt Nam, thông tre; số loài cây gỗ tham gia vào công thức tổ thành rừng ít (từ 2 - 3 loài), trong đó bách xanh đá chiếm tỷ lệ rất cao trong tổ thành rừng.
Tại Phong Nha - Kẻ Bàng, có 34 loài cây mọc cùng với loài bách xanh đá, nhưng chỉ có 3 loài là bách xanh đá, vàng nghệ và lòng mang, thường xuyên xuất hiện bên cạnh nhau. Có 30 - 35 loài cây tái sinh, trong đó có 5 loài chiếm ưu thế (từ 50 - 60%).
Bách xanh đá tái sinh thường chiếm tỷ lệ cao nhất với mật độ và tỷ lệ cây tái sinh triển vọng rất cao (từ 72,76 - 91,48%), chủ yếu tập trung ở cấp chiều cao <0,5m, phân bố cụm trên bề mặt đất rừng. Mật độ cây tái sinh bách xanh đá giảm dần theo cấp chiều cao, chiều cao càng tăng thì mật độ tái sinh càng thấp.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, để bảo vệ và bảo tồn quần thể bách xanh đá nguyên sinh lớn nhất Việt Nam này, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao ý thức bảo vệ quần thể bách xanh đá; coi bách xanh đá là một loài cây đặc hữu và có tình trạng bảo tồn nguy cấp, là loài cây di sản để nâng cao nhận thức và có các biện pháp quản lý và bảo tồn phù hợp.
Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi đặc điểm vật hậu của loài bách xanh đá; nghiên cứu chuyên sâu về cấu trúc tuổi, diễn thế loài, quần thể nhằm đánh giá những thay đổi trong quá khứ của môi trường và đa dạng sinh học, phản ánh đến tình hình hiện tại và xu thế tương lai của quần thể bách xanh đá tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Phân tích ảnh hưởng và tương tác của các yếu tố sinh thái môi trường và cấu trúc thảm thực vật tới phân bố của bách xanh đá, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu đến quần thể bách xanh đá.
Lựa chọn các ô tiêu chuẩn thích hợp để theo dõi, lập hồ sơ theo dõi diễn biến nhằm đánh giá xu thế biến động của quần thể bách xanh đá; điều tra xác định cây có phẩm chất, sinh trưởng và phát triển tốt để được công nhận cây trội cung cấp hạt giống cùng với thử nghiệm nhân giống bằng phương pháp giâm hom, nuôi cấy mô để tạo nguồn giống trồng rừng.
Theo đó, nên chọn các loài cây như vàng nghệ, sao Việt Nam, lòng mang, thông tre... để trồng rừng hỗn giao với loài bách xanh đá.
Các nhà khoa học cũng kiến nghị, cần tiến hành các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như khoanh nuôi bảo vệ rừng, xúc tiến tái sinh tự nhiên, trồng bổ sung đối với những khu vực quần thể bách xanh đá già cỗi, rỗng ruột, gãy đổ, có tỷ lệ cây chết cao, khó có khả năng tự phục hồi.
Xây dựng các chương trình/dự án bảo tồn nguồn gen loài bách xanh đá. Điều tra, xác lập các khu rừng giống bách xanh đá, tuyển chọn cây mẹ để thu hái nguồn giống phục vụ công tác bảo tồn ngoại vi (bảo tồn ex-situ).
Ngày nay, với biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên của Trái đất đã ảnh hưởng đến đa dạng sinh học toàn cầu, chúng ta cần cấp bách triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn loài Bách xanh đá, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.