Người xin sách Bộ trưởng

 

 

 

 

Xin được mở đầu bài viết này bằng việc trích dẫn một phần lá thư đặc biệt anh Nguyễn Khắc Hoàng gửi đến Bộ trưởng Lê Minh Hoan mới đây để xin sách. Hành động mà Hoàng bảo sẽ là một phần trong kế hoạch vận động bà con nông dân “bỏ điện thoại xuống, cầm sách lên” mà anh cùng cộng sự đang xây dựng trên quê hương Khoán hộ.

Nguyễn Khắc Hoàng đón tôi ở Văn phòng Hợp tác xã rau an toàn Vân Hội Xanh, một trong những hợp tác xã (HTX) kiểu mới đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc, có lẽ cũng là HTX nhiều sách nhất mà tôi từng có dịp nhìn thấy. Nó giống như một thư viện thu nhỏ, được chủ nhân sắp đặt bài bản thành từng nhóm chủ đề: Sách tư duy, sách tài chính, quản trị doanh nghiệp, nhóm sách khoa học kỹ thuật, sách truyền cảm hứng, sách của dịch giả Nguyễn Hiến Lê… Mới đây, thư viện nhỏ ấy dường như đầy đặn thêm khi được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tặng hơn 100 đầu sách sau lá thư xin của Nguyễn Khắc Hoàng.

Thoạt nhìn lần đầu tiên, trông Hoàng giống như một... gã lực điền hơn là một người ham đọc sách. Dáng thấp đậm, làn da màu cánh gián rất đúng chất dân nông nghiệp. Duy chỉ có lối ăn nói khúc chiết, mạch lạc là biểu hiện rõ của một người đọc nhiều, hiểu rộng. Nghe bảo, mỗi ngày, "gã lực điền" ấy phải dành ít nhất 3 tiếng đồng hồ để cày sách. Không đọc thì nghe sách nói, không nghe sách nói chắc chắn lại phải đọc, ngày nào thiếu đi một vài phút, y như rằng thấy trong người uể oải, không khác gì khi người ta đói ăn, mất ngủ.

Với tay lấy một cuốn sách có tựa đề Thay tư duy, đổi cuộc đời từ Tủ sách bác Xích Lô được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong văn phòng, Hoàng chậm rãi: Cuộc đời tôi có nhiều ngã rẽ và mỗi một ngã rẽ đều liên quan đến sách. Nói cách khác, có nhiều cuốn sách, nhiều nhân vật ở trong đó không khác gì người thầy mình vậy.

Chẳng hạn như thầy Robert Kiyosaki, tác giả bộ sách Dạy con làm giàu là người khiến Hoàng nghỉ việc khi đang ở vị trí trưởng phòng sau hơn 14 năm công tác tại Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc. Đã thế, thầy và sách lại còn dạy cho anh bằng cách nào đó kéo luôn cả cô vợ, cũng đang công tác tại Chi cục BVTV, bứt phá khỏi vùng an toàn để cùng nhau "quay xe" sang khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Thì thầy Robert chả bảo, con người ta chia thành 4 nhóm. Thứ nhất, nhóm làm công ăn lương Nhà nước như anh em mình. Thứ hai, là nhóm những người làm chủ kinh doanh nhỏ. Thứ ba, là nhóm doanh nghiệp. Thứ tư, là nhóm các nhà đầu tư. Thầy cũng bảo nhóm thứ nhất chẳng bao giờ giàu được là gì”, Hoàng kể giọng say sưa, không quên thách đố tôi thử hỏi đoạn nào trong số bộ sách gồm 13 cuốn của thầy Robert xếp chồng cao gần nửa mét, chắc chắn anh sẽ tìm ra đúng đoạn ấy.

Cũng là thầy Robert dạy cho Hoàng khởi nghiệp với HTX, với mô hình doanh nghiệp sau khi bỏ ngang việc làm công ăn lương mà thầy xếp hạng kiếm đồng tiền vất vả. Trang 245 của tập 3, anh đọc bo một đoạn, nghe bảo nguyên văn nhưng tôi chỉ nhớ được đại ý thế này: Hãy chọn cho mình mô hình kinh doanh càng giúp đỡ được nhiều người thì sự giàu có của anh càng lớn. Chẳng phải “thằng” Facebook nhờ có hàng tỷ người dùng nên mới trở thành doanh nghiệp tỷ đô đó hay sao.

Nghe lời thầy, Nguyễn Khắc Hoàng xây dựng HTX, mở doanh nghiệp kinh doanh thêm dịch vụ mạ khay máy cấy. Sau 2 năm nghỉ hẳn việc Nhà nước, bây giờ vợ chồng anh đang song hành phát triển HTX Vân Hội Xanh và Công ty nông nghiệp quốc tế Hoàng Gia Việt. Ngày ngày, ngoài thời gian cùng với bà con đưa các sản phẩm rau sạch đến cộng đồng, dịch vụ mạ khay máy cấy của công ty hiện đang phục vụ hơn 500ha, cho khoảng 5.000 hộ dân trong và ngoài tỉnh, doanh thu mỗi năm 10 tỷ đồng.

Và nếu đúng như lời thầy Robert dạy trong sách, nhìn thấy điểm kết thúc ngay từ khi bắt đầu, Hoàng tính, đến năm 2030, doanh nghiệp của vợ chồng anh sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán, ở tuổi 50 anh sẽ kiếm được 2 triệu đô la Mỹ, hơn 50 tỷ đồng, ngưỡng theo anh là đủ tự do tài chính.

Rồi thầy Jack Ma, ông chủ Tập đoàn Alibaba dạy Hoàng “đừng bao giờ gắn động cơ máy bay lên máy kéo”, giúp anh lựa chọn người đồng hành phù hợp với HTX, với Hoàng Gia Việt. Những người thầy trong các cuốn sách về khoa học truyền cảm hứng, cung cấp kiến thức giúp Hoàng phục chế bèo hoa dâu bản địa khiến nhiều nhà khoa học từ Hà Nội lên đây xem xong phải ngỡ ngàng. Cũng từ sách, vợ chồng Hoàng cùng với cộng sự đang xây dựng hệ sinh thái cây lúa và hạt gạo, mang sứ mệnh gia tăng giá trị hạt gạo Việt Nam...

“Anh nghĩ xem, ruộng đồng miền Bắc bây giờ chỉ toàn người già, đồng đất chai cứng sau bao năm lạm dụng hóa học rồi, bây giờ nói ứng dụng cơ giới hóa, gia tăng giá trị hạt gạo, nói nông nghiệp xanh mà không có giải pháp sẽ rất khó. Tôi nghiên cứu mãi rồi cuối cùng nhận ra, với đất này, cây lúa, hạt gạo vẫn là số một. Có thể hôm nay giá trị chưa cao, bà con làm lúa còn vất vả, nhưng tương lai sẽ là câu chuyện khác”, Hoàng tư lự.

Sứ mệnh “gia tăng giá trị hạt gạo”, Hoàng bảo là chân ái của cuộc đời anh và chắc chắn sẽ thành công, không chỉ riêng với vợ chồng anh mà sẽ là thành công của rất nhiều người khác. Giai đoạn 1, từ 2023 đến 2025, xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn trên diện tích khoảng 1.000ha. Cuối năm 2025, sẽ có container đầu tiên xuất khẩu gạo. Giai đoạn 2, sẽ là hệ sinh thái hạt gạo. Câu chuyện của hơn 200 sản phẩm chế biến từ gạo và những cánh đồng giảm phát thải, những cánh đồng hữu cơ…

Tất cả cứ như lộ trình vạch sẵn, nghe qua tưởng chừng “sách vở” nhưng nếu ngồi kỹ với Hoàng, nghe anh phân tích và xem những gì anh và Vân Hội Xanh, Hoàng Gia Việt đã làm được, chợt thấy đó hoàn toàn không phải chuyện quá xa vời.

 

 

 

 

Hoàng dẫn tôi đi giữa cánh đồng xã Vân Hội, huyện Tam Dương. Dưới ánh nắng chiều, một thửa ruộng ven đường chợt ánh lên sắc đỏ màu huyết dụ, trông rất lạ mắt. "Bèo hoa dâu đấy", Hoàng chậm rãi. "Chỉ một vài hôm nữa, giống bèo hoa dâu bản địa này sẽ phủ xanh hết cả cánh đồng này. Đám siêu sinh vật ấy sẽ là chìa khóa để xây dựng hệ sinh thái cây lúa và hạt gạo của ruộng đồng miền Bắc, cũng là giải pháp tháo gỡ những nút thắt về câu chuyện giảm phát thái, tín chỉ carbon, nông nghiệp xanh, sinh thái, tuần hoàn…".

Mới hôm rồi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lên thăm, đi cùng có các nhà khoa học, đã rất ngỡ ngàng. Vì giữa mùa hè nắng gắt mà bèo hoa dâu trong đám ruộng anh Hoàng vẫn sinh trưởng bình thường.

Nguyễn Khắc Hoàng và các thành viên Vân Hội Xanh là những người đầu tiên của miền Bắc bỏ tiền túi đi học cách sản xuất lúa gạo bền vững SRP. Nhưng cuối cùng, thứ đang thay đổi cánh đồng Vân Hội này lại là sách.

Cuốn Câu chuyện bèo hoa dâu Azolla - một thông điệp từ tương lai do TS Phạm Gia Minh dịch và một số tài liệu khoa học khác giúp Hoàng biết bèo hoa dâu là một siêu sinh vật, cứ sau 2 ngày chúng lại nhân đôi sinh khối. 1 tấn bèo hoa dâu là 1 tấn phân hữu cơ có hàm lượng đạm cao hơn 4 lần các loại cây họ đậu, 1ha trồng bèo hoa dâu có thể hấp thụ carbon gấp 8 lần một cánh rừng già…

 

 

Từ tháng 5 năm nay, Hoàng cùng với Vân Hội Xanh, Hoàng Gia Việt đã chuyển từ mô hình thí điểm sang vận động bà con tham gia chiến dịch đưa bèo hoa dâu quay trở lại ruộng. Lẽ tất nhiên, vẫn còn nhiều lo lắng, ngộ nhận, sợ bèo ăn mất dinh dưỡng của cây lúa.

Nhưng nhờ sự nhẫn nại của những người ham đọc sách, nhờ chiến lược “mưa dầm thấm lâu” Hoàng đọc được ở trong cuốn Đắc nhân tâm đã thuyết phục được một số mô hình tham gia. 1 cây bèo hoa dâu là một nhà máy sản xuất đạm. 1ha có thể tạo ra 1.000kg đạm trong khi nhu cầu của cây lúa mỗi vụ chỉ cần 200kg thì tại sao bà con lại phải bón phân hóa học làm gì?

Lần thứ nhất, Hoàng vận động bà con làm thử, cứ 3 lần bón phân thuốc thì bớt 1 lần thả bèo hoa dâu để xem hiệu quả thế nào. Anh tính, hiện đang làm dịch vụ cho khoảng 500ha, hơn 5 nghìn chủ ruộng ở Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình… Nếu thuyết phục thành công “tệp khách hàng” này thay đổi tư duy, câu chuyện 1.000ha vùng nguyên liệu lúa giảm phát thải theo lộ trình vạch sẵn không phải là chuyện khó.

Chưa hết, trong chiến lược của Hoàng, sau bèo hoa dâu sẽ là phân bón từ nguồn ốc bươu vàng, biến nỗi ám ảnh của bà con thành nguồn phân bón hữu cơ bằng giải pháp ướt khô xen kẽ, tạo rãnh trên ruộng và rút nước gom ốc bươu vàng sau đó đem nghiền và trộn chế phẩm làm phân bón trở lại cho đồng ruộng. Và cả mục tiêu đưa cua cáy, cá cờ, chạch, lươn tự nhiên sẽ quay trở lại để biến ruộng đồng thành bức tranh sinh thái tuyệt vời.

5 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, mỗi tỉnh khoảng 500ha sẽ có 2.500ha mỗi vụ tương đương 25.000 tấn gạo và 2.500ha trong bức tranh sinh thái khổng lồ. Hoàng tự tin, khi những lô hàng lúa gạo đầu tiên xuất khẩu đi châu Âu, đi Mỹ, nếu có ai đó đến kiểm tra vùng nguyên liệu thì chỉ cần dẫn họ ra nhìn hệ sinh thái ở trên đồng, đó chắc chắn sẽ là chứng chỉ có giá trị cao nhất.

“Tôi tính toán, nếu áp dụng mô hình sử dụng bèo hoa dâu, ốc bươu vàng trên đồng ruộng giúp giảm chi phí đầu vào, gia tăng giá trị đầu ra thì mỗi một cân lúa sẽ ít nhất có thêm 4 ngàn đồng thay vì giá bán chỉ 10 ngàn như hiện tại. 4 ngàn đồng lợi nhuận tăng thêm ấy nếu nhân với sản lượng 5.000 tấn/1.000ha sẽ là “miếng bánh” khổng lồ, đủ để mang lại sự sung túc cho tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất”, Phó Giám đốc Hợp tác xã Vân Hội Xanh hào hứng.

Ở giai đoạn 2, từ năm 2026 trở đi, Hoàng và những cộng sự của mình cũng đã vạch sẵn con đường để Vân Hội Xanh và Hoàng Gia Việt hiện thực những giấc mơ lớn hơn. Giấc mơ mà anh ví giống Mixue với thương hiệu trà sữa, Đặng Lê Nguyên Vũ với thương hiệu cà phê Trung Nguyên, nghĩa là câu chuyện giá trị hạt gạo không còn ở câu chuyện phấn đấu đạt sản lượng bao nhiêu triệu tấn mà sẽ tập trung vào chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, câu chuyện ở các thị trường quốc tế.

Hoàng bảo tôi thử hình dung 1.000ha vùng nguyên liệu trồng giống Khang dân theo quy trình giảm phát thải, phục vụ chế biến sẽ mang lại bao nhiêu lợi nhuận, mang lại những giá trị gì ngoài giá trị của hạt gạo? Rồi anh tự trả lời, chỉ riêng cung cấp nguyên liệu để làm bún phở, ống hút, các sản phẩm tiêu dùng chế biến từ gạo đã là giá trị gia tăng gấp nhiều lần so với hiện tại. Còn tính xa hơn nữa, các doanh nghiệp đang xuất khẩu gạo, mỳ và các sản phẩm từ gạo hiện nay cũng sẽ phải cần đến những cánh đồng giảm phát thải của Vân Hội Xanh, Hoàng Gia Việt, của bà con trong chuỗi liên kết.

“Sách dạy tôi, trong quản trị cuộc đời mình, nếu anh càng vẽ bức tranh tương lai chi tiết bao nhiêu thì cơ hội thành công sẽ lớn bấy nhiêu. Và tôi luôn có niềm tin, con đường hướng đến mục tiêu 10 triệu đô la Mỹ vào năm 2030 sẽ ngắn lại, nhờ tinh thần học tập, nhờ người bạn đồng hành tuyệt vời là sách”, Nguyễn Khắc Hoàng chia sẻ.

 

 

Trở lại với câu chuyện Hoàng xin sách Bộ trưởng và Tủ sách bác Xích Lô mà Hoàng và cộng sự đang gầy dựng, anh đúc rút bằng tên một cuốn sách, cũng là Slogan trên tủ sách: Thay tư duy, đổi cuộc đời.

Tư duy ấy, Hoàng thừa nhận anh chịu ảnh hưởng nhiều từ Tư lệnh của ngành nông nghiệp. Nhất là tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy nông nghiệp xanh, nông nghiệp trách nhiệm và những câu chuyện cộng đồng. Tư duy truyền cảm hứng, dù quản trị và phát triển HTX còn gặp nhiều khó khăn nhưng không trông chờ, ỷ lại vào ngân sách mà hình thành các ý tưởng mới, để khi mình có ý tưởng tốt và thực hiện thành công, tự nhiên tiền sẽ tìm đến.

Đơn giản như ý tưởng “cánh đồng giảm phát thải” mà Hoàng ấp ủ gầy dựng, tương lai sẽ còn mang đến những giá trị lớn hơn cả tiền. Giá trị ấy, anh muốn chứng minh bằng khoa học, trí tuệ và sự đồng hành cùng với bà con trong hệ sinh thái cây lúa, hạt gạo của HTX, của doanh nghiệp liên kết chứ không phải với cơ quan, đoàn thể nào. Hay câu chuyện Hoàng cho treo câu slogan "Sứ mệnh của Hoàng Gia Việt là làm cho khách hàng sung sướng" ở văn phòng công ty, như một thông điệp truyền cảm hứng về trách nhiệm, cam kết với đối tác, khách hàng. 

"Sung sướng là cảnh giới cao nhất, là đích đến phục vụ khách khi trải nghiệm một sản phẩm nông sản Việt, chứ không đơn giản là sự hài lòng", Hoàng lý giải.

Hằng tháng, Hoàng và cộng sự tổ chức ít nhất là một buổi giới thiệu những cuốn sách hay, hoạt động đọc sách cộng đồng nhằm lan tỏa văn hóa đọc, trước hết là các thành viên HTX, sau đó là bà con nông dân.

Anh chia sẻ, không ai có thể ép buộc người khác đọc sách được mà phải khơi gợi sự cần thiết của sách với đời sống, với công việc thường nhật của họ. Chẳng hạn, muốn lan tỏa văn hóa đọc sách đến bà con, không thể nói rằng bác ơi, cuốn sách này viết về nông nghiệp hữu cơ hay lắm, bác đọc đi! Thay vào đó, mình phải thuyết phục, rằng cháu đang làm mô hình này thấy rất hiệu quả, tất cả cách làm đều có ở cuốn sách này, nếu bác đọc và thực hiện theo chắc chắn bó rau, hạt thóc nhà bác sẽ bán được giá cao hơn!

 

 

Nhóm của Hoàng cũng đã liên hệ với Trường cấp II ở Vân Hội để phối hợp thực hiện các buổi ngoại khóa, truyền thêm cảm hứng đọc sách đến thế hệ trẻ, giúp các em xây dựng ước mơ thông qua những cuốn sách. Một chiến dịch “bỏ điện thoại xuống, cầm sách lên” đang được gầy dựng trên miền quê yên ả, với tư duy học tập suốt đời.

Đồng hành cùng với Nguyễn Khắc Hoàng trong câu chuyện này còn có 8-10 người khác trong HTX và công ty do anh quản lý. Những người có thể không phải giỏi nhất nhưng với Hoàng là phù hợp nhất. Giống như trong 2 cuốn sách Từ tốt đến vĩ đạiXây dựng để trường tồn, Jim Collins đã nói, thay vì việc tìm người giỏi nhất hãy tìm người phù hợp nhất.

Hay tỷ phú Jack Ma và bài học quản trị nhân sự từ những ngày đầu khởi nghiệp đã giúp Hoàng thay đổi đến 10 kế toán trưởng mới tìm ra người phù hợp, cùng nhau khởi nghiệp. Nhờ đó, bạn đồng hành của Hoàng hiện tại toàn những người có thể đang ngồi văn phòng điều hòa mát lạnh nhưng sẵn sàng xắn quần lao xuống ruộng nếu thấy cần thiết.

“Mỗi cuốn sách là một người thầy ở chỗ đó. Jack Ma hay Robert, Jim Collins và nhiều người khác nữa chắc chắn cũng đã trải qua nhiều thất bại để đi đến thành công. Bài học của họ chính là bài học của chúng ta nếu chúng ta chịu khó bỏ điện thoại xuống và cầm sách lên”, Nguyễn Khắc Hoàng đúc kết.

Trước lúc chia tay, Hoàng dặn dò tôi: Nhà báo đi nhiều, hễ thấy ai có sách mà không đọc đến, nhờ anh kết nối xin giúp cho HTX. Nhất là sách về tài chính cá nhân, khoa học công nghệ, chế biến nông sản, nông nghiệp xanh… Khi bà con đọc xong, chúng tôi lại chuyển đến HTX khác, tổ chức cộng đồng khác, lan tỏa tri thức đến với thật nhiều người.

Để mỗi quyển sách lại là một người thầy, người bạn giúp mỗi chúng ta “thay tư duy, đổi cuộc đời”.

Hoàng Anh
Trương Khánh Thiện
Quỳnh Chi – Lê Anh Tuấn