Nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Nghĩ dài cho lúa gạo & ngành trồng trọt

Từ câu chuyện lúa gạo đang rất thời sự ở thời điểm hiện tại đến nhiều cây trồng khác trong lĩnh vực trồng trọt nói chung, từ tư duy chiến lược phát triển đến những giải pháp, trăn trở và cả tình cảm của một người gắn bó sự nghiệp với lúa gạo và cây trồng… Cuộc trò chuyện thú vị giữa Nhà báo Trần Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam và nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh thẳng thắn và gợi mở nhiều điều.

Ông Lê Quốc Doanh nói: Lúa gạo hay trồng trọt là lĩnh vực được xem như thước đo sự phát triển đất nước, gắn với mọi người dân Việt Nam, thành thử khi nhìn nhận không chỉ trong từng thời điểm mà phải là một quá trình rất lâu dài. 

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt
Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt

Nhà báo Trần Cao: Thưa ông, trong 7 tháng đầu năm 2023, bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động, tuy nhiên lúa gạo và một số mặt hàng trồng trọt khác lại có nhiều điểm sáng. Điển hình như xuất khẩu rau quả đạt 3,23 tỷ USD (tăng 68,1%), gạo 2,58 tỷ USD (tăng 29,6%), hạt điều 1,95 tỷ USD (tăng 9,8%), cà phê 2,76 tỷ USD (tăng 6%)… Đó dường như là chỉ dấu của phát triển bền vững và kết quả của một chiến lược phát triển lâu dài, nói cách khác, kết quả hôm nay là cả một sự chuẩn bị từ lâu, ông nghĩ sao? 

Nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Năm 2023 có thể nói là một năm rất đặc biệt. Hậu Covid-19 chúng ta chứng kiến nền kinh tế toàn cầu lâm vào khó khăn. Trong bức tranh chung như thế chúng ta vẫn vui mừng vì nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, phát triển bền vững.

Đặc biệt là ngành nông nghiệp, nổi bật cả về sản xuất, xuất khẩu và có những ngành hàng tăng trưởng thực sự ấn tượng như lúa gạo, cà phê, rau quả... Nhân bàn về thành tựu của câu chuyện lúa gạo nói riêng và một số cây trồng trong lĩnh vực trồng trọt nói chung, tôi muốn chia sẻ một vài bài học kinh nghiệm và quan điểm cá nhân của một người suốt đời gắn bó với ngành trồng trọt.

Ngành nông nghiệp có 4 nhóm xuất khẩu chính (Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản và Lâm nghiệp) và kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 7 tháng qua giảm 9% so với cùng kỳ 2022, nhưng riêng nhóm sản phẩm từ trồng trọt lại tăng. Đặc biệt trong nhóm này có những ngành hàng tăng rất cao như rau quả, lúa gạo...

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt

Đây là điều rất mừng và cho thấy đó là kết quả của sự phát triển bền vững như anh đã nói. Chúng ta vẫn giữ được sản lượng, năng suất mặc dù nhiều loại dịch bệnh, thiên tai khó lường trong 10 năm qua thường xuyên xảy ra. Thêm nữa, đây là nhóm hàng thiết yếu. Người ta có thể khó khăn, có thể cắt giảm cái này cái khác nhưng vẫn không thể cắt giảm lương thực. Đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraina, biến đổi khí hậu, El Nino… càng cho thấy vai trò quan trọng của lương thực.

Từ trước đến nay, lương thực luôn là câu chuyện gay cấn nhất, luôn là chuyện đầu tiên. Năm 2008, tôi sang Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế, báo chí quốc tế phỏng vấn đặt vấn đề các nước xuất khẩu gạo hàng đầu đã hạn chế rồi bây giờ quan điểm Việt Nam thế nào? Sau đúng 15 năm quay lại chuyện này, nhiều quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu bây giờ lại có nước cấm, dừng, gây ra hạn chế nguồn cung gạo và các sản phẩm ngũ cốc khác, trong khi nhu cầu lương thực là thiết yếu, không thể cắt giảm.

Những câu chuyện như thế rõ ràng đã khẳng định ngành trồng trọt đã có chiến lược phát triển bài bản và kiên định với chiến lược đó, trên cơ sở nghiên cứu khoa học, xác định tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của ngành, sự kế thừa từ các thế hệ và nhiều yếu tố khác để đưa ra quyết sách phát triển phù hợp.

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt

Nhà báo Trần Cao: Thưa ông, nhân nói đến sự kế thừa tôi nghĩ rằng lúa gạo nói riêng và trồng trọt nói chung có lẽ là một trong những lĩnh vực có hàm lượng nghiên cứu khoa học ngồn ngộn, có truyền thống lâu đời, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mạnh mẽ… Phải chăng đó là cơ sở để chúng ta kiên định với chiến lược phát triển ngành và là những yếu tố căn cơ làm nên thành tựu chung của lúa gạo nói riêng và trồng trọt nói chung như hôm nay?

Nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Cả đời công tác của tôi, 28 năm ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, sau này hơn 10 năm lên quản lý nhà nước ở Bộ đều gắn với lúa gạo và cây trồng. Đây là một lĩnh vực chúng ta có sự kế thừa từ rất nhiều thế hệ lãnh đạo quản lý, các thế hệ nhà khoa học và kể cả các thế hệ người nông dân. Chúng ta tích tiểu thành đại, từng bước một, hoàn thiện và phát triển.

Trong quá trình phát triển, đổi mới của nông nghiệp Việt Nam, thường lấy lúa gạo làm thước đo sự phát triển của đất nước. Sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp cũng lấy lúa gạo, hay nói cách khác lúa gạo gắn với nền văn minh lúa nước, gắn với đời sống người dân, thành quả lao động của người nông dân. Trồng trọt cứ phát triển dần, đến thời điểm này, những cây gì lợi thế chúng ta đều có cả rồi.

Đất đai của chúng ta không nhiều lợi thế. Trong đó, đất nông nghiệp lại phải cạnh tranh với nhiều loại đất đai khác. Dân số tăng, đất ở, đất công nghiệp, du lịch dịch vụ khác…, thế thì bây giờ còn cái gì lợi thế phải đặt lên bàn.

Thứ nhất, lúa gạo không thể bỏ được, sau đó là cây ăn quả, cây cà phê, cây lâm nghiệp... Càng ngày càng thấy hiệu quả cây cà phê, đặc biệt với Tây Nguyên. Vừa rồi 1 chu kỳ giá thấp, gần 10 năm, và chúng ta đã kiên trì. Tôi đi họp ở Tổ chức Cà phê thế giới, bao giờ cũng nêu bài học của Việt Nam, đó là năng suất.

Năng suất cà phê thế giới 0,8 tấn/ha, Việt Nam xấp xỉ 3 tấn/ha, thậm chí Lâm Đồng xấp xỉ 3,5 tấn/ha. Có thời điểm, mặc dù giá xuống dưới 35 triệu đồng/tấn, nhưng nhờ năng suất mà bà con có thể thu được trên 100 triệu đồng/ha, vườn cà phê không bị phá bỏ. Bây giờ giá lên cao, bà con trồng cà phê sẽ trở nên giàu có.

Ngoài ra, chúng ta còn có các cây ăn quả nhiệt đới, khắp mọi miền. Như điều, cây che phủ đất trống đồi trọc một thời, cũng là lợi thế. Có những vùng đất, năng suất điều không cao như mong đợi nhưng khó có thể trồng được cây nào khác.

Khi tính lợi thế là tính nhiều mặt chứ không phải cây nào cũng triệu đô, tỷ đô. Ví dụ, với cây có múi, cam nhiều nơi trồng nhưng phải nói khó cạnh tranh. Do đó, cần có sự tổng kết, kế thừa và hoàn thiện, nhìn cả thị trường thế giới với rất nhiều yếu tố.

Thứ hai là về mặt khoa học, vai trò rất lớn. Đánh giá khoa học không thể trong một năm hay trong một giai đoạn ngắn hạn mà phải là cả một quá trình từ các thử nghiệm, đánh giá, phổ biến, kiểm nghiệm thành một quy trình.

Tôi rất mừng, từ những quy trình nhỏ lẻ chúng ta dần hoàn thiện thành những gói kỹ thuật cho một số loại cây trồng, nhất là lúa gạo, cà phê và một số cây ăn quả. Chúng ta có những mô hình rất tốt, rất hiệu quả với quy mô lớn ngoài sản xuất.

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt

Với lúa gạo, tôi nhớ những năm đầu 2010 chúng ta vẫn còn rất lo lắng về chất lượng lúa gạo Việt Nam. Chất lượng thấp, nhiều diễn đàn đánh giá, nhưng bây giờ gạo Việt Nam xuất khẩu có hơn 90% là chất lượng cao, với số lượng lớn 7-8 triệu tấn. Nếu như trước đây nhìn các nước chúng ta mơ ước thì bây giờ Việt Nam trong nhóm đứng đầu về xuất khẩu lúa gạo với chất lượng cao, giá cao.

Thành tựu đó tôi nghĩ rằng xuất phát đầu tiên là từ bộ giống. Rất mừng hiện nay chúng ta có bộ giống lúa đáng tự hào. Tất nhiên là không thỏa mãn nhưng phải nói là rất tốt, rất đa dạng, kể cả những nước đứng đầu về sản xuất lúa gạo cũng phải mơ ước. Đó là kết quả của khoa học. Từng bước, từng nấc.

Điển hình ở Viện Nghiên cứu Lúa Đồng bằng sông Cửu Long với rất nhiều thế hệ, sự kế thừa từ GS Nguyễn Văn Luật, Bùi Chí Bửu, Bùi Bá Bổng... Thật xúc động khi xem lại những bức ảnh Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long từ lúc mới thành lập, mênh mông nước vẫn mời chuyên gia Ấn Độ, IRRI sang tư vấn, hợp tác.

Các thế hệ làm Viện trưởng đều là những người say mê với khoa học, những nhà khoa học lớn. Ngọn lửa say mê đó được trao truyền đến các thế hệ sau. Đời sống chưa phải giàu có, cơ sở vật chất ít nhiều còn hạn chế nhưng các nhà khoa học rất say sưa. Nhiều tiến sỹ từ nước ngoài về, ở lại Viện, nguồn lực được nối tiếp nhau, có những giống lúa cả mấy thế hệ cùng nhau làm. Tạo nên những thành tựu đích đáng, một số giống có diện tích gieo trồng tới gần triệu ha hàng năm, như giống OM5451, bây giờ là OM18.

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt

Ông Lê Quốc Doanh: "Bảo bối" của lúa gạo là xây dựng gói kỹ thuật hiệu quả

Đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp, chúng ta cũng có những doanh nghiệp tận tâm với ngành. Vinaseed, Thaibinhseed cùng nhiều doanh nghiệp tư nhân khác, kết nối nhiều thế hệ, nhiều năm mới ra được các sản phẩm như BC15, Đài Thơm 8, TBR225, RVT, DS1… Đây là thành quả của sự kế thừa, tôn trọng nhau giữa các thế hệ nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý và bà con nông dân trong sản xuất.

Về mặt kỹ thuật chúng ta từng bước hoàn thiện từ những điều đơn giản như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và bây giờ đang hướng tới 1 triệu ha chất lượng cao, tăng trưởng xanh, giảm phát thải. Dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ, được đánh giá là một trong những dự án thành công rực rỡ thì nền tảng cũng là từ khoa học kỹ thuật. Chúng ta đã xây dựng được những gói kỹ thuật trên nền tảng hiệu quả, giảm chi phí, giảm phát thải.

Về cơ giới hóa, khâu thu hoạch, làm đất đã đạt gần 100%, chỉ còn khâu gieo cấy là còn trăn trở. Chúng ta từng bước một, bằng biện pháp quản lý sâu bệnh tổng hợp, biện pháp quản lý canh tác đã đẩy lùi, khống chế được dịch bệnh. Đây là những biện pháp kỹ thuật được tích lũy từ thế hệ trước để lại và phát triển lên.

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt

Nhà báo Trần Cao: Ngoài Dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ, được đánh giá là một trong những dự án thành công rực rỡ còn là chương trình, dự án khác như IRRI, FAO, ADB… Ông đánh thế nào về vấn đề hợp tác quốc tế đối với phát triển lúa gạo và trồng trọt ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải, thưa ông?

Nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Tại sao lúa gạo được như ngày hôm nay? Tôi cho rằng ngoài nỗ lực chung của nhà quản lý, nhà khoa học, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân thì thêm một vấn đề nữa là chúng ta đã khai thác và hợp tác cực kỳ tốt với quốc tế.

Công đầu tiên phải nhắc đến Viện Nghiên cứu lúa quốc tế - IRRI. Đây là nơi hơn 60 năm nay, đào tạo được nhiều thế hệ lãnh đạo, chuyên gia, cán bộ nghiên cứu lúa gạo của Việt Nam. Ngoài ra, IRRI còn hỗ trợ Việt Nam về nguồn gen, tiến bộ kỹ thuật và đưa các chuyên gia có trình độ cao sang hỗ trợ chúng ta.

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự giúp đỡ các thể chế tài chính, các nhà tài trợ lớn như WB, ADB đầu tư những dự án rất lớn cả về hạ tầng, sản xuất và kỹ thuật.

Trước đây, chúng ta có dự án VnSAT, ngoài câu chuyện nâng tầm chất lượng lúa gạo còn góp phần giảm phát thải. Sắp tới, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải là cơ hội tốt để tiếp tục phát huy những dự án trước. Trong đó, chúng ta sử dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm bớt nước, bớt phân, bớt giống, vật tư...

Ông Lê Quốc Doanh: Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao dựa trên cơ sở khoa học nhưng cũng rất táo bạo

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải là cơ hội tốt cho ngành, cho Đồng bằng sông Cửu Long để phát huy các thành công trước đây, qua đó phát triển liên kết, tổ chức sản xuất, chuyển sang một giai đoạn phát triển toàn diện hơn. Đặc biệt là gắn kết được doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương, bà con nông dân, tạo môi trường tốt hơn để các gói kỹ thuật, tiến bộ mới được áp dụng nhanh hơn.

Chúng ta sẽ phát triển song hành giữa năng suất, chất lượng hiệu quả với môi trường, giảm phát thải. Bằng chứng là Việt Nam và IRRI đã xây dựng được 2 chương trình thành thương hiệu là 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm. Hay đối với cà phê, đề án cảnh quan cà phê cũng đã thành thương hiệu của trồng trọt Việt Nam.

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt
Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về căn cơ tại nên đột phá lương thực của Việt Nam

Nhà báo Trần Cao: Thưa ông, nhìn lại cuộc cách mạng của lúa gạo và trồng trọt, ngoài những yếu tố ông đã phân tích, tôi thấy rằng công tác chỉ đạo chung của chúng ta cũng đã thích ứng rất nhanh, linh hoạt với những biến đổi khủng khiếp của khí hậu, thời tiết… Phải chăng đó cũng là căn cơ tạo nên đột phá của lúa gạo Việt Nam? 

Nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Hiện nay đang có câu chuyện về nhu cầu lương thực, trong khi El Nino quay lại sẽ tác động đến sản xuất và thị trường nhưng Việt Nam sẽ vững vàng vượt qua.

Cơ sở để nói như vậy là chúng ta có bộ giống tốt, hạ tầng được cải thiện, có sự chỉ đạo kịp thời sâu sát và nhịp nhàng từ Trung ương tới địa phương, và bà con có kinh nghiệm sản xuất. Tôi chứng kiến 2 đợt hạn mặn nặng nhất, đầu tiên là vụ Đông Xuân 2015 - 2016.

Cuối năm 2015, khi nhận định hạn mặn sẽ xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta đã đưa ra một số giải pháp chỉ đạo, các địa phương cũng nỗ lực cố gắng để làm đập tạm, tích nước, dẫn nước nhưng năm đó vẫn thiệt hại hơn 1 triệu tấn thóc bởi đợt hạn mặn chưa từng thấy.

Đến năm 2019 - 2020, El Nino quay lại, khốc liệt hơn, nhưng chúng ta đã có kinh nghiệm. Trước khi tổ chức Hội nghị sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo thành lập tổ công tác gồm lãnh đạo Bộ, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Tổng cục Thủy lợi và các Viện nghiên cứu liên quan tới làm việc với từng tỉnh để nắm bắt tình hình và đề xuất phương án sản xuất ứng phó với hạn mặn.

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt

Tại hội nghị, chúng tôi đã nghe hết các đơn vị báo cáo, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ Thực vật, Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn. Sau khi thảo luận, đặc biệt là ý kiến của các địa phương, kết luận được đưa ra là ngoài việc tích trữ nước còn tính đến nhiều giải pháp, không những cho lúa mà còn áp dụng được cho các cây trồng khác.

Theo đó, tập quán ở Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống nhiều trà. Trà sớm, trà trung, trà muộn, các vùng ven biển, vùng đầu nguồn, thời vụ xuống giống khác nhau. Khi đó chúng tôi nghĩ, mặn vào tháng 2, 3 là nặng, chủ yếu là vùng ven biển vào khoảng 50 km nặng nhất, vậy thì tại sao chúng ta không gieo sạ trước đi, khi mặn vào thì đã gặt xong rồi.

Năm đó chúng tôi đưa ra quyết định, tất nhiên là có cơ sở khoa học nhưng cũng rất táo bạo. Thống nhất đẩy sớm thời gian xuống giống của 400.000 ha lúa của 8 tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long, tính từ bờ biển vào khoảng 50 km.

Bình thường khu vực này xuống giống vào tháng 11, năm đó quyết định 400.000 ha phải gieo sạ xong trong tháng 10. Gieo xong, anh em chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra và thấy lúa phát triển rất tốt, đặc biệt là trước Tết, chúng tôi vào thì bà con bắt đầu thu hoạch.

Ở Sóc Trăng, nơi mà hạn mặn vụ Đông Xuân 2015 - 2016 bị thiệt hại nặng nhất, chúng tôi đến thăm một cánh đồng năm 2016 mất trắng thì năm 2020 thu được 8 tấn/ha. Rồi xuống Long An, Tiền Giang, những huyện bị hạn mặn lúa cũng rất tốt. Vì vậy, mặc dù El Nino xảy ra nhưng không có ảnh hưởng gì về năng suất, sản lượng, đặc biệt giá lúa lại cao hơn vì thu vào thời điểm giáp hạt, bà con thu xong có tiền tiêu Tết…

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt

Sau năm ấy, kể cả không hạn mặn chúng tôi cũng tiếp tục chỉ đạo triển khai đẩy sớm diện tích xuống giống lên, không những hiệu quả mà còn có thời gian chuẩn bị vụ Hè Thu…

Tôi nghĩ đấy là quyết định đúng đắn, chúng ta không mất cái gì, không phải đầu tư thêm, chỉ có lắng nghe, tập hợp tất cả thông tin. Chúng ta nghe nước, nghe thời tiết, giống, kỹ thuật, sâu bệnh… để đưa ra chỉ đạo đúng đắn.

Điều tôi ấn tượng nhất là khi Bộ thống nhất chỉ đạo, lãnh đạo các địa phương cùng với bà con nông dân miền Tây rất nghiêm túc, ủng hộ và tin tưởng, phối hợp nhịp nhàng. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, điển hình như Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Bây giờ tổng kết lại, những chỉ đạo này đã trở thành giải pháp thuận thiên. Tôi cho rằng đó là giải pháp hay nhất. Mới đây, khi có so sánh ảnh hưởng El Nino đối với các nước sản xuất lúa gạo, Việt Nam đã vượt qua được.

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt

Đồng bằng sông Cửu Long nên coi thu đông là vụ sản xuất chính

Nhà báo Trần Cao: Đó cũng là cơ sở để chúng ta tiếp tục thay đổi, với riêng Đồng bằng sông Cửu Long, theo ông, bức tranh lúa gạo khu vực này sẽ phải thay đổi như thế nào để thực hiện giải pháp thuận thiên như ông đã phân tích?

Nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Năm nay, chúng ta có 2 dữ liệu đầu vào cần để ý cho các vụ Thu Đông và Đông Xuân. Thứ nhất là giá lúa gạo, thứ hai là El Nino. Trong đó, El Nino có thể ra Tết sẽ gây ảnh hưởng lớn, hạn và mặn xâm nhập sâu. Vậy giải pháp là gì?

Thứ nhất chúng ta sẽ tranh thủ cơ hội xuất khẩu, nhưng tranh thủ gì cũng phải bắt đầu từ sản lượng, từ sản xuất, phải có sản phẩm để bán. Đây là câu chuyện phải tính kỹ. Giá thế giới đang tốt nhưng từ giờ đến cuối năm nguồn cung ở đâu, hiện nay lúa hè thu thu gần xong còn đông xuân phải sau Tết mới rộ. Vậy thì dựa vào đâu?

Vụ Thu Đông năm nay, được biết kế hoạch sản xuất là 700.000ha ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng theo quan điểm của tôi, nếu được, nên đẩy diện tích lên nữa và phải coi Thu Đông là vụ sản xuất chính.

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt

Chúng ta đã có quy hoạch sản xuất vụ Thu Đông, vấn đề là ứng xử thế nào. Tất nhiên, không mở rộng diện tích bằng mọi giá, an toàn vẫn phải là số một, nhưng cũng cần biết tận dụng cơ hội để thúc đẩy vụ sản xuất đặc thù này.

Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng giống, vật tư và đặc biệt quan trọng nhất là kiểm soát đê bao để có thể sản xuất vụ Thu Đông một cách tốt nhất. Bà con mình đã có rất nhiều kinh nghiệm sản xuất, điều cần bây giờ là các địa phương chỉ đạo triển khai.

Nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và câu chuyện phát triển cây ăn quả

Dự báo của Cục Thủy lợi cho thấy mùa lũ không phải là vấn đề quá lo lắng, mấy năm gần đây, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể coi là lũ đẹp. Do đó, chúng ta nên tranh thủ mở rộng diện tích vụ Thu Đông, trước đây, có những năm chúng tôi đã chỉ đạo đưa diện tích vụ này lên trên 800.000 ha.

Thứ hai, chúng ta nên xuống giống vụ Đông Xuân sớm hơn nữa. Không chỉ dừng lại ở 400.000 ha mà đẩy lên, xây dựng kế hoạch nối luôn với thu đông để có diện tích thu hoạch trước Tết và đỡ phải lo hạn mặn cho Đông Xuân muộn.

Chúng ta phải lường trước, nếu El Nino mạnh, không chỉ ven biển mà nhiều vùng nước ngọt cũng có thể bị ảnh hưởng. Do đó, nếu làm thì phải tính toán thêm một số điều kiện khác như nguồn nước, sâu bệnh... Cần phải chuẩn bị các điều kiện an toàn nhưng trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm đã chứng minh hoàn toàn có thể đẩy thêm diện tích, lượng lúa sẽ dồi dào hơn.

Vụ Đông Xuân thông thường có diện tích vào khoảng 1,6 triệu ha, chúng ta có thể đẩy sớm để một mũi tên trúng 2 đích, vừa đáp ứng được nguồn cung, tranh thủ được giá xuất khẩu đang thuận lợi, vừa hạn chế được ảnh hưởng của El Nino trong thời gian tới.

Có lẽ, sau này việc đẩy sớm các mùa vụ sẽ trở thành bài học, triển khai thường kỳ. Hạn mặn sẽ trở thành mặc định ở Đồng bằng sông Cửu Long, dù ít hay nhiều, vậy tại sao chúng ta lại không làm, không những không ảnh hưởng gì mà còn giãn được sức lao động của người dân.

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt
Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt

Nhà báo Trần Cao: Từ câu chuyện lúa gạo, một vấn đề cũng rất thời sự hiện nay là rau quả. 7 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu ngành hàng này đạt 3,23 tỷ USD và theo dự kiến năm nay sẽ là hơn 5 tỷ USD, kỷ lục chưa từng có. Tất nhiên đó là chuyện đáng mừng, nhưng cũng có không ít ý kiến lo ngại về vấn đề phát triển nóng, vấn đề dịch bệnh, thị trường… Theo ông, giải pháp để phát triển rau quả bền vững là gì?

Nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: Nói đến nông nghiệp hiện nay chúng ta vẫn thường đặt vấn đề tác động của 3 yếu tố là kinh tế, môi trường và xã hội. Trong đó lĩnh vực trồng trọt là không gian rộng lớn nhất, hầu như gắn bó 100% với người nông dân Việt Nam. Đó cũng là điều mà các thế hệ lãnh đạo Bộ NN-PTNT luôn trăn trở. Đặc biệt với cây ăn quả, mặc dù Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 đã được phê duyệt từ năm 2022, chiến lược phát triển rõ ràng về đối tượng cây trồng, diện tích nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề. Nhất là đối với một số loại cây trồng như điều, tiêu, cam… hay một số loại cây trồng khác. Có thể có thời điểm lợi ích kinh tế của cây ăn quả không đo đếm được nhưng về lâu dài thì câu chuyện giống, đất đai sẽ như thế nào, khoa học kỹ thuật ra làm sao… là những vấn đề lớn.

Theo kinh nghiệm của tôi, khi xét đến một đối tượng cây trồng dài ngày, cụ thể là cây ăn quả chúng ta cần xét đến yếu tố lập địa, thời tiết khí hậu, thị trường và phải tính đến cả xu thế. Có 3 vấn đề lớn của cây ăn quả cần phải giải quyết để có thể phát triển thực sự bền vững.

Thứ nhất là về giống. Lúa gạo, cà phê, ngô… chúng ta đã có những bộ giống tuyệt vời mà nhiều quốc gia phải mơ ước, tuy nhiên với nhiều loại cây ăn quả hiện nay giống đang là vấn đề lớn. Chúng ta có thể vẫn nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ những mô hình tiền tỷ nhưng giống như tôi đã nhiều lần nói, nếu chúng ta nhầm giống lúa, giống ngô cùng lắm chỉ mất mấy tháng có thể khắc phục nhưng với cây ăn quả là mấy chục năm trời, thậm chí là cả đời người nông dân.

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt

Thứ hai là đất. Trồng cây ăn quả phải bắt đầu từ đất, đất phải được bồi bổ, giàu hữu cơ, giàu vi sinh vật. Bài học về suy giảm môi trường đất ở Tây Nguyên, Phủ Quỳ hay nhiều vùng khác, nếu chúng ta vẫn lạm dụng thâm canh, phân bón hóa học, thuốc BVTV độc hại thì chắc chắn tác động rất nguy hiểm đến sinh học của đất. Vi sinh vật có lợi bị diệt, độ pH giảm, chỉ còn lại nấm và tuyến trùng, chắc chắn sẽ dẫn đến sâu bệnh. Bằng chứng tại nhiều vùng trồng cam hiện nay, cứ có bệnh là phun thuốc, như thế càng nguy hiểm, muốn cứu phải bắt đầu từ đất. Hồ tiêu, thanh long, sầu riêng, chuối, bơ… hay nhiều loại cây trồng khác cũng vậy.

Thứ ba, chúng ta đã có gói kỹ thuật trên cây lúa nhưng chưa có đối với cây ăn quả. Tôi nghiệm lại, trong nhiều nguyên nhân khiến cây ăn quả chưa phát triển thực sự bền vững thì có một nguyên nhân quan trọng. Đó là mảng nghiên cứu khoa học đối với lĩnh vực này còn hạn chế, dù chúng ta đã quyết liệt, nhiều trăn trở. Chưa tích được các giải pháp thành gói kỹ thuật hoàn chỉnh từ giống, đất và chăm sóc để ứng phó với thời tiết, sâu bệnh... Chính vì vậy, dù xác định lợi thế của chúng ta là cây ăn quả nhiệt đới nhưng nhìn căn cơ thì những vùng, địa phương phát triển cây ăn quả một cách bài bản, đẹp mắt vẫn còn ít so với tiềm năng, lợi thế.

Tôi cho rằng quá trình nghiên cứu, bàn về cây cây ăn quả chúng ta phải tính toán, hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, giữa kinh tế, môi trường và cả xã hội.

Nhà báo Trần Cao: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Kính chúc ông sức khỏe và tiếp tục có nhiều đóng góp đối với Nông nghiệp Việt Nam.

Ông Lê Quốc Doanh chia sẻ về nhưng yếu tố làm nên cuộc cách mạng lúa gạo và trồng trọt
Hoàng Anh - Tùng Đinh
Trọng Toàn
Hoàng Vũ - Tùng Đinh