Nhà báo Trần Cao: Thưa Thứ trưởng, số báo đặc biệt Kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, Báo Nông nghiệp Việt Nam chọn chủ đề truyền thông đồng hành tri thức hóa nông dân. Năm nay, tròn 10 năm ngày mất của nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Công Tạn (1935 - 2014). Chúng tôi nhớ đến ông, một nhà lãnh đạo, nhà quản lý nông nghiệp hàng đầu, một nhà nông học “ba cùng” với bà con nông dân, đồng thời là một nhà truyền thông xuất sắc.
Say mê đặc biệt với khoa học nông nghiệp, nhiều giống cây trồng, vật nuôi do ông kết nối đưa về Việt Nam, sưu tầm tài liệu viết sách, viết bài báo giới thiệu, phổ biến cho cán bộ nông nghiệp, địa phương và nông dân... Đến nay, những cuốn sách của ông như Sản xuất lúa lai và nhân dòng bất dục, Lúa lai ở Việt Nam (chủ biên), Cây mắc ca - cây quả khô quý hiếm… vẫn nguyên giá trị học thuật với hàm lượng tri thức cao.
Một vài điều nhắc đến ông - nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà truyền thông trong câu chuyện tri thức hóa nông dân. Có lẽ Thứ trưởng cũng ấn tượng về cách tiếp cận cái mới, phương pháp truyền thông của ông Nguyễn Công Tạn?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trước hết, có thể nói, ông Nguyễn Công Tạn là một tầm vóc quá lớn. Người đã tạo tiền đề và đặt nền tảng tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam. Người có công rất lớn đưa đất nước ta từ chỗ khó khăn về lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hơn 54 tỷ USD như hôm nay. Từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi…, mỗi lĩnh vực là một cuộc cách mạng gắn liền với trí tuệ, tâm huyết của nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn.
Ông là người khởi xướng chương trình phát triển lúa lai của Việt Nam, mía đường Việt Nam, bò sữa Việt Nam và nhiều chương trình phát triển nông nghiệp tầm vóc của quốc gia. Chính sự lăn lộn, tâm huyết của ông về lúa lai, bò sữa cùng với nhiều công trình nghiên cứu, đóng góp trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần rất lớn giải quyết bài toán về lương thực, thực phẩm, tạo nên thành tựu khiến thế giới ngỡ ngàng.
Ông là người đổi mới, xông pha vì cái mới. Từng quả trứng giống, hom giống, cây giống, con giống, hạt giống ông mang về sau này đều có ý nghĩa lớn đối với nông nghiệp nước nhà. Mỗi lần như thế ông đều lựa chọn rất kỹ lưỡng, giao cho đơn vị nào triển khai nghiên cứu, chuyển giao đến người nông dân sản xuất như thế nào, phân tích văn hóa từng vùng, đặc tính của người nông dân ra sao, để từ đó có quy trình hướng dẫn, tổ chức tập huấn, truyền thông lan tỏa thật hiệu quả.
Điều tôi ấn tượng nhất là cách truyền thông của ông Nguyễn Công Tạn, phương pháp Nguyễn Công Tạn, ngắn gọn, dễ hiểu. Thực tiễn và lý luận bổ sung cho nhau rất chặt chẽ và sâu sắc. Niềm say mê khoa học giúp ông hiểu từng đối tượng cây, con, sâu sát với dân giúp ông hiểu đối tượng chuyển giao và phải truyền thông như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.
Định hình nên cách truyền thông đó có lẽ một phần vì ông từng là giảng viên Đại học Nông nghiệp, có thời gian tích lũy kiến thức cơ bản rất dài, sau đó lại trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, có nhiều điều kiện tích lũy thêm từ thực tiễn và xuyên suốt là sự trăn trở và khát vọng đổi mới của một con người tư duy vượt trội, luôn đau đáu với dân.
Ông Nguyễn Công Tạn đã để lại những bài học rất sâu sắc, không chỉ cá nhân tôi mà các thế hệ cán bộ trong ngành nông nghiệp cần phải tìm hiểu, học tập, rèn luyện.
Nhà báo Trần Cao: Thứ trưởng từng có nhiều năm hoạt động nghiên cứu khoa học, nhiều kỷ niệm với nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, chắc hẳn ít nhiều có sự kế thừa bài học truyền thông đó của ông?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Không chỉ truyền thông mà những bài học về quản lý, nghiên cứu khoa học, sâu sát với thực tiễn của ông Nguyễn Công Tạn đã xuyên suốt đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Chúng tôi là thế hệ sau luôn xác định phải học, phải đọc, phải tham khảo những gì ông để lại. Bởi đó là nền tảng làm nên thành tựu của nông nghiệp Việt Nam hôm nay.
Còn nhớ thời tôi công tác ở Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, mỗi lần ông xuống làm việc đều dặn dò phải tập trung vào những dòng, giống năng suất cao, chất lượng tốt. Từ giống vật nuôi cho đến các giống cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Chẳng hạn giống gà lông màu, ông là người đầu tiên mang về Việt Nam, giống vịt, ngan mang về từ Pháp, đà điểu mang về từ Úc, Mỹ… Tôi luôn cho rằng đó chính là tiền đề của ngành chăn nuôi có quy mô 33 tỷ USD, chiếm 5% GDP như hiện nay.
Một con người luôn tìm tòi, cập nhật cái mới. Nhớ mãi một lần ông gọi tôi lên bàn cách đưa giống cỏ VA06 về. Sau khi tôi báo lại thành công, ông bèn chạy ngay đến trung tâm rồi lập tức cùng nhau lên biên giới. Suốt dọc đường đi, ông bảo, cái này quan trọng, bỏ tiền túi ra làm cũng được, cứ phải đưa về cái đã. Nhờ tinh thần quyết liệt đó mà VA06 sau trở thành giống cỏ phát triển rộng khắp đất nước với năng suất 400-500 tấn/ha/năm.
Hay như con lợn ỉ nhân giống từ tế bào soma của Viện Chăn nuôi, ông liên tục nhắc tôi phải khẳng định được trình độ của Việt Nam so với thế giới, nhờ nguồn cảm hứng đó mà chúng tôi đã tập trung nghiên cứu và khẳng định thành công với quy trình công nghệ sản xuất.
Ông là người say mê với khoa học nông nghiệp, truyền được sự say mê ấy đến nhiều thế hệ trong ngành. Mỗi lần chọn các đơn vị để đưa cây, con nào đó xuống nghiên cứu ông liên tục gọi điện hoặc trực tiếp xuống trao đổi, thăm nom.
Từ những con đà điểu, con gà Lương Phượng, gà Tam Hoàng, gà Ai Cập, bồ câu Pháp, vịt trời cánh sẻ đầu tiên ông đưa về Việt Nam bây giờ đã phát triển ghê gớm, trở thành nguồn gen và các giống chủ lực trong sản xuất chăn nuôi của Việt Nam. Giúp tổng đàn gia cầm của chúng ta đứng thứ 2 thế giới, đàn thủy cầm hơn 120 triệu con… Cùng với đó là dấu ấn chương trình nạc hóa đàn lợn, Sind hóa đàn bò… Tất cả đều mang đậm dấu ấn, công lao của ông Nguyễn Công Tạn, là nền tảng của nông nghiệp Việt Nam sau Đổi mới đến hội nhập quốc tế hôm nay.
Nhà báo Trần Cao: Thưa Thứ trưởng, từ câu chuyện nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhớ đến một số nhà khoa học lớn của ngành như GS Bùi Huy Đáp, GS Đào Thế Tuấn…, họ, đương nhiên là những nhân vật kiến tạo nông nghiệp kiệt xuất, và đều có phương pháp truyền thông rất xuất sắc đưa tri thức tới sản xuất, tới người nông dân và thành tựu họ để lại cho ngành nông nghiệp thật to lớn.
Tôi từng nghe những cán bộ thế hệ sau như nhà nghiên cứu lúa lai - PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm, các vị lãnh đạo Cục Khuyến nông Khuyến lâm trước đây, là cơ quan chỉ đạo sản xuất toàn diện, như các ông Lê Hưng Quốc, Quách Ngọc Ân khẳng định: Nếu không có bác Tạn truyền lửa sẽ không có lúa lai Việt Nam hôm nay. Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH thường chia sẻ bác Tạn là người khởi xướng, có công lớn nhất trong phát triển chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về phương pháp truyền thông “miệng nói, tay viết”, sâu sát với người dân như phong cách của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhà khoa học trong ngành nông nghiệp?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Có nhiều người đúc kết là giá trị tổng kết từ thực tiễn quyết định 96% thành công của các mô hình nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp. Về khoa học nông nghiệp, phải nói các cụ ngày xưa rất sát thực tiễn, rất thuộc quy trình, rất sâu về kỹ thuật. Khi triển khai thực tiễn luôn sâu sát cùng với bà con nông dân, gặp bất cứ vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ thì tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Các đối tượng nghiên cứu không chỉ là cây, là con mà còn là vùng miền, mùa vụ đều rất tỉ mỉ, sát với thực tiễn nên hiệu quả truyền thông rất cao.
Lại lấy ví dụ nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Chính nhờ sự dày dạn kinh nghiệm về thực tiễn, kết hợp với lý luận và kiến thức khoa học đã hình thành nên phương pháp truyền thông hiệu quả. Từ đó, thành tựu ông để lại cho ngành nông nghiệp rất lớn, từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi… như chúng ta cùng đề cập ở trên. Lý luận kết hợp với thực tiễn khoa học giúp ông đặt nền móng cho nhiều câu chuyện tương lai.
Sinh thời, có một hôm ông gặp tôi và bà Thái Hương và nói rất say sưa về ý tưởng “dòng sông sữa”, công nghiệp sau sữa, giấc mơ xây dựng ngành hàng bò sữa tỷ đô, cuộc cách mạng trắng… Quả thực lúc đó chưa có nhiều người quan tâm đến câu chuyện này, nhưng thực tế hôm nay giấc mơ dòng sông sữa đã thành hiện thực.
Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa, quyết định về một số chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam thời kỳ 2001 - 2010 do ông Nguyễn Công Tạn ký trong sự hồ nghi của nhiều người bây giờ đang tạo nên những điều kỳ diệu. Từ chỗ không có gì nay đã trở thành ngành có thứ hạng nhất, nhì trong khu vực về năng suất sữa và năng lực chế biến sữa. Sản phẩm sữa của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 43 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có cả các cường quốc về ngành chăn nuôi, chế biến sữa, như: EU, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ... đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Nhìn nhận tổng thể, tôi cho rằng, những gì ông Nguyễn Công Tạn gửi gắm, trăn trở đến hôm nay đã đạt được những thành tựu rất lớn. Cá nhân tôi vô cùng biết ơn ông, người đã khởi xướng tái cơ cấu, trực tiếp chăm lo đến từng đối tượng. Con lợn, con đà điểu hay nhiều loài gia cầm… đã đến từ bàn tay ông và lan tỏa.
Nhà báo Trần Cao: Thưa Thứ trưởng, Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh tri thức hóa nông dân. Theo Thứ trưởng, tri thức hóa nông dân có ý nghĩa thế nào đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong Luật chuyển giao công nghệ có 3 trụ cột. Một là chuyển giao từ nước ngoài vào, hai là từ các viện, trường ra, ba là chuyển giao ra nước ngoài. Có người đúc kết vui: Nếu một ông giáo sư, tiến sĩ có luận văn mà người đọc luận văn đó hiểu được hết thì cũng tương đương giáo sư, tiến sĩ. Nói như thế để thấy đối tượng tiếp nhận kiến thức mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cần phải có một nền tảng kiến thức nhất định.
Do vậy tri thức hóa nông dân là đòi hỏi hết sức cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, độ mở của nền kinh tế cao, đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường… Người nông dân của chúng ta phải biết cách làm thế nào để có thể làm ra những sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Điều đó cần tri thức hóa nông dân.
Cũng chính vì thế nên tri thức hóa nông dân không chỉ là nhiệm vụ cấp bách trước mắt mà còn lâu dài và đòi hỏi tính liên tục. Có như vậy người nông dân mới có thể liên tục cập nhật kiến thức, quy trình kỹ thuật, mùa vụ canh tác, đạt được những tiêu chí thị trường khắt khe, thị trường có giá trị cao…
Nhà báo Trần Cao: Vai trò của truyền thông đồng hành với tri thức hóa nông dân như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Truyền thông là trụ cột, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ đối với tri thức hóa nông dân, với lĩnh vực nông nghiệp mà còn trong phát triển kinh tế xã hội.
Với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thời đại ngày nay những kiến thức mới ra đời rất nhanh. Vai trò của truyền thông cập nhật khoa học công nghệ rất quan trọng, chưa kể đến hàng loạt chính sách cần phải tuyên truyền, cho nên chuyển tải thông tin mới, tiến bộ khoa học mới, chính sách mới đến với người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Bộ NN-PTNT quan tâm và chỉ đạo rất sát sao vấn đề truyền thông. Đề cao vai trò của các cơ quan báo chí. Nhân nhanh các mô hình tiên tiến, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Đó chính là nguồn động lực quan trọng để tái cơ cấu và duy trì được đà tăng trưởng, xuất khẩu của nông nghiệp Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là phạm trù rất lớn, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Giai đoạn 2021 - 2025, tiếp đến giai đoạn 2026 - 2030 chúng ta có nhiều chủ trương, chính sách lớn như Nghị quyết Trung ương 13, Nghị quyết Trung ương 19 về nông nghiệp, nông dân nông thôn, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững… Sau các Nghị quyết, Chiến lược là nhiều đề án, truyền thông phải bám sát và thể hiện vai trò trụ cột, vì mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Nhà báo Trần Cao: Như Thứ trưởng đã phân tích, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì tri thức hóa nông dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây cũng là vấn đề mới đặt ra, chắc chắn sẽ nhiều khó khăn, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Để thay đổi cái cũ làm theo cái mới luôn là một vấn đề lớn, nhiều khó khăn, thách thức và đòi hỏi sự kiên trì. Nhìn nhận tổng quan vấn đề tri thức hóa nông dân phải bắt đầu từ bối cảnh hiện nay chúng ta đã hội nhập quốc tế rất sâu rộng, nông sản Việt Nam đã đi đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chúng ta luôn xác định thị trường là đầu kéo, tổ chức sản xuất là đầu đẩy của ngành nông nghiệp. Chúng ta có một hệ sinh thái nông nghiệp là các doanh nghiệp lớn. Họ chính là nơi cung cấp những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, hiện thực các khái niệm kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải...
Xung quanh các doanh nghiệp là bà con nông dân. Thời đại bây giờ đã khác, việc chuyển tải của các doanh nghiệp đến bà con nông dân là một yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn rất lớn. Cần phải xác định nâng cao giá trị canh tác là động lực, là mục tiêu để giúp người nông dân Việt Nam có thu nhập cao hơn, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Thực hiện tri thức hóa nông dân, truyền thông tri thức hóa nông dân chắc chắn còn nhiều vấn đề khó khăn, đòi hỏi phải kiên trì, có phương pháp, biết cách tiếp cận chứ không phải nói xong bỏ đấy. Ngoài các cơ quan báo chí, truyền thông, các cơ quan quản lý nhà nước, các tỉnh thành cũng phải vào cuộc đồng bộ mới có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp tái cơ cấu nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn.
Cuối cùng, tôi khẳng định dư địa của nông nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lớn. Tri thức hóa nông dân chắc chắn sẽ góp phần quan trọng để chúng ta khai thác tiềm năng, lợi thế, nâng cao giá trị gia tăng của lĩnh vực đã được Đảng, Nhà nước xác định là lợi thế của quốc gia. Với công tác truyền thông, hằng tháng, Bộ NN-PTNT đều cung cấp thông tin đến báo chí, hàng quý tổ chức họp báo để lan tỏa những thành quả đã đạt được, lắng nghe thông tin báo chí phản ánh vấn đề còn tồn tại, khó khăn vướng mắc để từ đó điều chỉnh, chỉ đạo tháo gỡ, sát với thực tiễn nhất.
Mục tiêu cao nhất là cùng nhau đồng hành phát triển, tiếp tục tạo nên những thành tựu to lớn hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!