Những cây trồng chủ lực trong xuất khẩu được Đắk Lắk lựa chọn

Đắk Lắk xây dựng các chương trình để phát triển các cây trồng chủ lực phục vụ xuất khẩu, từ đó nâng tầm giá trị nông nghiệp địa phương.

 

 

Năm 2023 được xem là năm vui của người dân huyện Krông Năng nói riêng và Đắk Lắk nói chung khi giá các cây trồng chủ lực tăng cao. Gia đình ông Phan Viết Phương ngụ tại xã Phú Lộc có hơn 3ha sầu riêng được trồng từ năm 2015. Năm nay, gia đình ông Phương thu hoạch hơn 40 tấn sầu riêng với giá bán bình quân hơn 60.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình nông dân này lãi gần 2 tỷ đồng.

Theo ông Phương, trước đây gia đình trồng cao su tiểu điền nhưng sau đó giá xuống thấp nên đến 2015 phá đi trồng sầu riêng. Ngoài sầu riêng, gia đình cũng trồng 300 cây mắc ca. Ngoài sầu riêng, năm nay gia đình tôi thu được 3 tấn nhân mắc ca, có thêm 200 triệu đồng.

“Vùng Krông Năng đất tốt, rất phù hợp trồng cà phê và các loại cây ăn trái như sầu riêng, mắc ca. Với nông dân như chúng tôi, có được thu nhập như năm nay có thể nói là một giấc mơ”, ông Phương thông tin.

Ngoài sầu riêng, những gia đình trồng cà phê tại huyện Krông Năng cũng vui mừng khi giá năm nay cao hơn mọi năm. Gia đình ông Tạ Duy Thanh (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) có 3ha cà phê liên kết theo chuỗi sản xuất cà phê bền vững với Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak).

Theo ông Duy, nhờ tham gia chuỗi liên kết nên bà con được tham dự các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các quy trình bón phân, tưới nước, bảo hộ lao động, sơ chế, bảo quản sản phẩm, phát triển cây trồng xen hợp lý nên vườn cà phê cho năng suất cao hơn từ 0,5 - 0,7 tấn/ha và giảm được nhiều chi phí đầu tư.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình sản xuất cà phê bền vững, năm 2016, gia đình ông Thanh tiếp tục liên kết với Simexco DakLak sản xuất cà phê đặc sản, được hỗ trợ 50% chi phí để xây dựng nhà kính phục vụ quá trình phơi cà phê bảo đảm chất lượng.

Ông Vũ Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho biết, địa phương sẽ đánh giá và tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết sản xuất - kết nối tiêu thụ nông sản, hình thành mối liên kết sản xuất theo chuỗi (gắn kết chặt chẽ) giữa nông dân, người sản xuất với doanh nghiệp kết nối thị trường.

Theo ông Mỹ, địa phương cam kết sẵn sàng chào đón các nhà tài trợ, nhà đầu tư, doanh nghiệp đến “liên kết sản xuất - kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân”; tạo điều kiện thuận lợi nhất và phối hợp, đồng hành cùng với các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong suốt hành trình hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững, với tinh thần cùng đóng góp, cùng chia sẻ và cùng phát triển.

Để giúp cho ngành nông nghiệp địa phương phát triển, UBND huyện Krông Năng đã ký kết biên bản ghi nhớ “Thỏa thuận hợp tác liên kết sản xuất và thu mua, tiêu thụ nông sản vùng Compact” giữa UBND huyện Krông Năng, Ban Chỉ đạo Chương trình Compact (Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn tài nguyên và an sinh xã hội) với các công ty: Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9; Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam; Công ty Cổ phần sầu riêng Tây Nguyên (Sarita); Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu.

 

 

Tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên lớn thứ 4 cả nước, với hơn 13.000 km2, có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, màu mỡ, điều kiện khí hậu phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của đa số các loại cây trồng, đặc biệt là cây có giá trị như: cà phê, sầu riêng, tiêu bơ, cây có múi, cao su và dược liệu.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có trên 210.000ha cà phê, 34.000ha cao su, 32.000ha hồ tiêu, trên 43.000ha cây ăn quả; 170.000ha đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, có kết hợp sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có một khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp đang hoạt động, với tổng diện tích trên 600ha. Đồng thời, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh cũng đang thúc đẩy đầu tư Khu công nghiệp Phú Xuân, tại huyện Cư M’gar với quy mô hơn 300ha, ưu tiên thu hút các dự án chế biến nông lâm sản, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, với vị trí địa lý đặc trưng đã mang đến cho tỉnh tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, nhất là thủy điện, điện gió, điện mặt trời..., cùng hệ thống truyền tải thuận lợi, là nguồn năng lượng dồi dào, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, nhất là trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

Tỉnh Đắk Lắk là thị trường có sức tiêu thụ hàng hoá và sản phẩm nông nghiệp hàng đầu ở khu vực; đồng thời cung cấp được lực lượng lao động đông đảo, có chất lượng cho nhu cầu của tỉnh và nhiều địa phương trong cả nước. Ngoài ra tình có cơ sở hạ tầng phát triển nhất trong số các tỉnh vùng Tây Nguyên; tập trung nhiều cơ sở đào tạo, trường đại học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong những năm qua, Đắk Lắk đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng toàn diện.

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế của tỉnh. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 8,5%; sản xuất nông nghiệp đang tập trung phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng gắn với nhu cầu thị trường, bước đầu đã phát huy được tiềm năng lợi thế của tỉnh. Tuy nhiên, để xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, địa phương đang tiếp tục tập trung đẩy mạnh đầu tư và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

 

 

Đắk Lắk xác định sầu riêng, cà phê, hồ tiêu… là những cây trồng chủ lực của địa phương để từ đó xây dựng các kế hoạch phát triển.

Theo thống kê, Đắk Lắk hiện nay là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước với diện tích trên 22.000 ha và sản lượng đứng thứ 2 sau tỉnh Tiền Giang, đang được trồng tập trung tại một số huyện như: Krông Năng 5.706ha, Krông Pắc 4.159ha, Cư M’gar 3.134ha... Ước sản lượng sầu riêng năm 2023 khoảng trên 214.000 tấn/11.000 ha.

Trong đó, sản lượng xuất khẩu ước đạt trên 160.000 tấn, giá trị mang lại trên 15.000 tỷ đồng. Có thể khẳng định là nông dân trồng sầu riêng có thu hoạch thì thắng lợi rất lớn. Sầu riêng của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng trong năm nay được mùa, được giá và được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên giá trị kinh tế mang lại rất cao cho người dân.

Hiện nay, Đắk Lắk đã được phê duyệt 49 mã số vùng trồng, với tổng diện tích được cấp mã là 2.186 ha. Vùng trồng đã gửi thông tin cho Cục BVTV chờ Tổng cục Hải quan Trung quốc phê duyệt là 133 vùng trồng sầu riêng với diện tích 2.892 ha.Đối với cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, Đắk Lắk đã được phê duyệt 17 cơ sở; cơ sở đóng gói đang chờ Tổng cục Hải quan Trung quốc kiểm tra trực tuyến là 9 cơ sở.

Để đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu, Sở NN-PTNT Đắk Lắk đã có kế hoạch triển khai công tác thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, kế hoạch nhằm tập huấn các quy định của nước nhập khẩu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, đánh giá, giám sát, kiểm soát chất lượng, quản lý sinh vật gây hại tại những mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trong việc tuân thủ các quy định, yêu cầu, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong sản xuất phục vụ xuất khẩu nói riêng.

Còn đối với cà phê, diện tích hiện nay đạt 212.915ha, sản lượng đạt trên 558.729 tấn/năm, cây cà phê không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế – xã hội mà còn có ý nghĩa to lớn về văn hóa du lịch.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, niên vụ cà phê 2022-2023, địa phương xuất khẩu cà phê đạt 318.483 tấn, giảm 76.459 tấn so với Niên vụ 2021-2022 (giảm 19,4%), chiếm tỷ trọng 19,1% so với cả nước; Kim ngạch xuất khẩu đạt 747,429 triệu USD, giảm 71,647 triệu USD so với niên vụ trước (giảm 8,7%), chiếm tỷ trọng 18,3% so với cả nước.

Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của Đắk Lắk, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh. Tuy nhiên, ngành cà phê của Đắk Lắk đối mặt với nhiều thách thức từ các yêu cầu thị trường khi quy định của các nước nhập khẩu ngày càng tăng.

Để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu theo xu thế phát triển toàn cầu, từ năm 2002, Đắk Lắk đã thực hiện các chương trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận (4C, UTZ, RFA, FLO) và gần đây là cà phê hữu cơ.

Đặc biệt, Đắk Lắk có 12 đơn vị được chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đối với cà phê nhân (tổng diện tích 20.326ha, sản lượng đăng ký 39.890 tấn/năm) và 7 đơn vị được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” đối với cà phê rang xay (193 tấn cà phê hạt rang, 125 tấn cà phê bột, 2.000 tấn cà phê hòa tan nguyên chất). Đây cũng là chỉ dẫn địa lý cà phê đầu tiên được bảo hộ tại Việt Nam và bảo hộ quốc tế tại 32 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, việc triển khai các chương trình, đề án để phát triển cà phê bền vững đã góp phần quan trọng trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của những quốc gia nhập khẩu. Đặc biệt, việc này giúp ngành cà phê của Đắk Lắk được phát triển bền vững. Với lợi thế là tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên, thời gian qua Đắk Lắk đã đầu tư thí điểm một số mô hình sản xuất giống cây, con áp dụng công nghệ tiên tiến và đem lại hiệu quả rõ rệt.

Đặc biệt, đối với cây cà phê, hầu hết nông dân đều biết áp dụng công nghệ làm phân vi sinh từ việc tận dụng vỏ cà phê và các phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây. Bên cạnh đó, đáng chú ý hơn cả là rất nhiều chương trình sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế như 4C, UTZ, RFA, Fairtrade… đã và đang mang lại cho người sản xuất, doanh nghiệp, cộng đồng nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội. Cùng với đó là công nghệ tưới nước tiết kiệm, tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân qua hệ thống tưới cho cây cà phê cũng được áp dụng thí điểm ở nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả cao trong việc tiết kiệm nước, phân bón và tăng năng suất cho vườn cây.

Việc áp dụng công nghệ cho canh tác cà phê đã làm tăng giá trị sản phẩm cà phê xuất khẩu, người nông dân được hưởng lợi từ giá cộng thêm và giá bán cao hơn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với những thị trường có yêu cầu cao, qua đó vừa bán được sản phẩm giá cao, vừa cải thiện được hình ảnh chất lượng của cà phê Việt.

 

 

Tỉnh Đắk Lắk xác định, doanh nghiệp có vai trò "hạt nhân" thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản... Với tinh thần này, Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến với Đắk Lắk tham gia, đồng hành cùng với tỉnh, cùng với bà con ở địa phương phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết, trong thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp tìm về Đắk Lắk đầu tư vào nông nghiệp, để có được sự quan tâm đầu tư đó, ngoài các yếu tố về điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư.

Cụ thể, tỉnh có hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư; Các doanh nghiệp được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng; Nông nghiệp là một trong 3 ngành chủ lực của tỉnh nên được sự quan tâm hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, hình thành môi trường đầu tư đặc biệt thuận lợi.

Kết cấu hạ tầng đã và đang được đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất và giao thương và cuối cùng là tình hình an ninh chính trị của tỉnh cơ bản đảm bảo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp tìm về Đắk Lắk đầu tư đã mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho nền nông nghiệp nói riêng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Các doanh nghiệp là đầu tàu dẫn dắt, hỗ trợ và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo phát triển có hiệu quả và bền vững. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 113 chuỗi liên kết do UBND tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã phê duyệt thực hiện; trong đó, cấp tỉnh có 6 chuỗi, cấp huyện có 105 chuỗi và cấp xã có 2 chuỗi. Bên cạnh đó, còn có nhiều chuỗi liên kết do doanh nghiệp và người nông dân tự thực hiện.

Cùng với đó, doanh nghiệp đầu tư vào Đắk Lắk đã mang lại nguồn thu ngân sách lớn từ việc đóng thuế của các doanh nghiệp. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Hơn nữa, có nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư còn giúp tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, do các doanh nghiệp có đủ nguồn lực về kinh phí để thực hiện đầu tư.

 

“Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Đắk Lắk sẽ ưu tiên tập trung phát triển nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp xanh; nông nghiệp tuần hoàn, đa giá trị; nông nghiệp có chứng nhận; phát triển nuôi cá nước lạnh, nuôi lồng bè trên sông và hồ chứa; phát triển lâm nghiệp bền vững; phát triển các mô hình canh tác nông lâm kết hợp phù hợp với địa phương; xây dựng và nhân rộng các mô hình lâm sản ngoài gỗ, trồng dược liệu dưới tán rừng; phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch với sinh thái nông lâm nghiệp mang bản sắc các dân tộc tại địa phương; phát triển các nhà máy bảo quản, chế biến nông lâm sản để nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực này”, ông Dương chia sẻ.

Minh Quý
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Minh Quý - Phương Chi
Minh Quý - Minh Hậu