Kỹ sư, cử nhân bỏ phố về quê để làm nông dân là câu chuyện không mới và đang có xu hướng gia tăng. Tại “vùng đất Sen Hồng” Đồng Tháp cũng không khó để tìm thấy những nông dân như vậy.
Phấn khởi hơn khi đây là những lớp nông dân trẻ, có trình độ cao và mang trong mình nhiệt huyết về nông nghiệp sạch, hiện đại. Nội lực mới đầy tươi sáng cho nông nghiệp sẽ khởi nguồn từ những nhân tố tích cực ấy.
Đó là Nguyễn Phước Việt Cường - kỹ sư Công nghệ thông tin - trồng rau thủy canh tại huyện Cao Lãnh (Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Công nghệ Xuân Minh); Trần Thanh Tiền, kỹ sư Công nghệ sinh học khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới tại huyện Hồng Ngự; kỹ sư Công nghệ sinh học Huỳnh Thị Thanh Nhàn mở cơ sở trồng nấm Huỳnh Gia tại thành phố Cao Lãnh; Võ Thanh Beo, kỹ sư Nông nghiệp thành công với mô hình trồng rau má thủy canh và các sản phẩm từ rau má ở huyện Cao Lãnh (Công ty TNHH BC Vũ Long); Nguyễn Cao Cường, thạc sĩ Hóa sinh khởi nghiệp trồng nấm; Lâm Trọng Nghĩa, kỹ sư Nông nghiệp khởi nghiệp với máy bay phun thuốc...
Hầu hết các bạn đều thuộc thế hệ 8X, 9X và bước đầu đạt được thành công trên con đường đã chọn.
Bắt nguồn từ mong muốn có những điều mới mẻ cho nông nghiệp, chàng kỹ sư 9X Nguyễn Thế Ngoan Vinh (huyện Lai Vung) lựa chọn con đường lập nghiệp từ nông nghiệp quê hương. Trồng quýt hồng trong nhà màng là mô hình mà Vinh đang nghiên cứu và thử nghiệm.
Sau thời gian phải thực hiện song song giữa việc đi làm cho một tập đoàn hàng đầu về lúa gạo và vừa đảm trách kỹ thuật cho mô hình trồng dưa lưới tại gia đình, Nguyễn Thế Ngoan Vinh quyết định lựa chọn công việc mà anh thấy yêu thích nhất, đó là làm nông nghiệp tại địa phương.
Vinh tự hào khi hiện tại mình là một nông dân, nhưng là nông dân được trang bị nhiều kiến thức chuyên môn về nông nghiệp, có cơ hội tiếp cận với mô hình nông nghiệp hiện đại. Bằng vốn tiếng Anh có được, Vinh tự học hỏi, tham khảo nhiều phương thức canh tác cây trồng ở các nước phát triển để tích lũy kiến thức, áp dụng cho cây trồng tại địa phương.
Dưa lưới là cây trồng đầu tiên Vinh hiện thực hóa mong muốn làm nông nghiệp của mình.
Vinh chia sẻ, thật may mắn khi được ba, mẹ tin tưởng, ủng hộ và bỏ ra khá nhiều tiền cho ý tưởng của mình nên bản thân mình phải có trách nhiệm làm thật tốt. Từ 800m2, rồi đến 2.000m2 và giờ đây đã mở rộng đến 4.000m2 dưa lưới trồng trong nhà màng theo công nghệ cao. Năng suất và chất lượng dưa lưới được đánh giá cao, tiêu thụ ổn định, bước đầu mang lại thành công với loại quả có giá trị kinh tế cao này.
Bên cạnh dưa lưới, Vinh luôn trăn trở làm thế nào để khôi phục cây quýt hồng, loại trái cây đặc sản nổi tiếng của huyện Lai Vung. Nhiều người đã giàu có cũng nhờ cây trồng này.
Những năm trước do dịch bệnh vàng lá thối rễ, phương thức canh tác của nhà vườn không phù hợp nên dẫn đến cây chết rất nhiều, diện tích quýt hồng cũng giảm mạnh. Hiện nay, huyện Lai Vung đang thực hiện đề án bảo tồn và khôi phục quýt hồng, phương pháp khắc phục bệnh vàng lá thối rễ được đánh giá từng bước mang lại hiệu quả.
Năm 2020, Nguyễn Thế Ngoan Vinh trồng thử nghiệm 50 gốc quýt hồng trên diện tích 500m2.
Quýt được trồng trong nhà màng, theo công nghệ Israel. Thích ứng với điều kiện trong nhà màng, cộng với sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học và cả phân hóa học có định lượng rõ ràng, tưới bằng hệ thống nhỏ giọt… nên hiện cây đang phát triển rất tốt, so với trồng thông thường thì quýt trồng trong nhà màng phát triển nhanh từ 2-2,5 lần.
Trồng trong nhà màng tốn chi phí đầu tư khá lớn, sẽ là rào cản đối với nhiều nông dân. Do đó, Vinh đang thử nghiệm thêm 4.000m2 quýt hồng trồng trong điều kiện bình thường bên ngoài. Quýt được trồng theo công nghệ cao, những kinh nghiệm từ việc trồng trong nhà màng sẽ được chọn lọc để áp dụng trồng bên ngoài và theo dõi độ thích ứng của cây.
Hai mô hình trồng quýt hồng công nghệ cao mà bản thân đang thực hiện, mặc dù quy mô nhỏ nhưng có thể xem đó là đề tài nghiên cứu khoa học trên cây quýt hồng Lai Vung, do bản thân tự trích kinh phí, tự nghiên cứu và thực hiện, với mục đích phục hồi cây quýt hồng theo cách riêng của mình. Nếu mô hình thành công sẽ sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho nông dân áp dụng.
Nông dân Nguyễn Minh Tuấn (35 tuổi) ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông – Đồng Tháp, thạc sĩ chuyên ngành Bảo vệ thực vật, có nhiều năm làm cho nhiều công ty thuốc BVTV ở các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM nhưng chấp nhận vì lòng yêu quê hương và muốn trở về quê sản xuất nông nghiệp theo mô hình “nông nghiệp tử tế” lúa - cá - vịt, cùng liên kết với 8 hộ nông dân khác trong xã với diện tích 20ha, trong đó gia đình anh Tuấn tham gia hơn 7 ha.
Hiện anh Tuấn là người trực tiếp trông coi đồng áng về mô hình lúa - cá - vịt, hơn 1 năm nay đã mang lại kết quả tốt, giúp tăng lợi nhuận từ 20 - 30% so với canh tác lúa truyền thống.
Anh nông dân trẻ này khẳng định, kiến thức là yêu cầu cần thiết phải có và phải được nâng cao đối với người nông dân. Nhưng kiến thức thôi chưa đủ, cần có kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế trên ruộng đồng thì mới làm tốt được. Đây là cách để phát triển cây lúa bền vững, giảm được giá thành sản xuất, lúa đạt tiêu chuẩn và chất lượng cao, bảo vệ sức khỏe người sản xuất - nông dân.
Minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức và kinh nghiệm, anh Tuấn cho biết, trong vụ lúa đông xuân vừa qua nhờ áp dụng mô hình lúa - cá - vịt, anh đã giảm được khoảng 30% chi phí sản xuất lúa so với cách làm thông thường.
Nhờ nắm được những thời điểm quan trọng của cây lúa nên anh chủ động trong quản lý sâu rầy, dịch hại. Cùng với đó, sử dụng máy sạ cụm giúp giảm lượng giống gieo sạ từ 140 - 160 kg/ha xuống còn 60 - 70 kg/ha và làm theo hướng hữu cơ nên trên ruộng còn thả vịt và trữ cá đồng, vừa đỡ tốn công, chi phí diệt sâu rầy, vừa tăng thu nhập.
Chính vì vậy, mô hình sản xuất lúa theo mô hình lúa - cá - vịt ở vụ đông xuân vừa qua của 8 hộ dân ở xã Phú Thành A cho năng suất từ 6,5 - 7 tấn và được Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Green Food đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường vài trăm đồng/kg trở lên. Bên cạnh đó các hộ dân còn thu nhập thêm từ việc nuôi vịt và cá hàng chục triệu đồng/ha/vụ.
Hiện nay anh Nguyễn Minh Tuấn, còn đứng ra thành lập HTX Quyết Tiến chuyên canh sản xuất mô hình lúa - cá - vịt, chỉ làm 2 vụ/năm để cung cấp lúa hữu cơ theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Minh Tuấn hiện là Giám đốc HTX Quyết Tiến ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, là người trực tiếp thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp.
Anh Tuấn cho biết, xuất phát từ năm 2023 với diện tích ban đầu là 20ha/8 hộ, đến năm 2024 diện tích được mở rộng lên 80ha/23 hộ. Sau 2 năm thực hiện mô hình, nhiều nông dân tham gia rất hài lòng về quy trình kỹ thuật như áp dụng biện pháp sạ cụm, sạ thưa giúp giảm lượng giống gieo sạ 50 - 70 kg/ha; sử dụng phân hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ và giảm khoảng 30 - 40% lượng phân vô cơ so với bên ngoài (khoảng 100 - 150 kg/ha); giảm được số lần phun thuốc BVTV từ 2 - 3 lần phun so với ngoài mô hình.
Sau khi thu hoạch, lượng rơm được thu gom khỏi ruộng khoảng 87,5% (tương đương với diện tích 70/80ha), phần còn lại nông dân trong mô hình phun nấm Trichoderma để phân hủy rơm rạ tạo thêm dinh dưỡng cho đất. Nông dân cũng áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch (sạ lúa, phun thuốc, phun phân, thu hoạch).
Qua nhiều vụ canh tác, anh Tuấn nhận thấy đa số nông dân trong HTX tham gia mô hình đã thay đổi được tư duy trong sản xuất lúa, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như sử dụng máy sạ cụm để gieo sạ, phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay (drone), bón phân hữu cơ để cải tạo đất…
Lúa sau khi thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu nên nông dân tham gia đều tăng lợi nhuận từ 30% trở lên so với canh tác truyền thống nhờ canh tác đa giá trị. Tuy lúa canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất không đạt bằng canh tác truyền thống, nhưng nhờ ký kết tiêu thụ với doanh nghiệp và thu mua cao hơn giá lúa thị trường thời điểm thu hoạch từ 1.500 – 2.000 đồng/kg nên giúp nông dân tăng lợi nhuận nhiều hơn.
Cũng từ câu chuyện mang đất đi phân tích, một nông dân tại thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông đã thành công với mô hình trồng sầu riêng trên vùng đất lâu nay vốn chỉ quen với cây lúa. Đó là Nguyễn Thanh Tâm (38 tuổi), xuất phát từ một kỹ sư Bệnh học Thủy sản và từng tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Cần Thơ.
Anh Nguyễn Thanh Tâm cho biết, trước khi trồng sầu riêng trên nền đất lúa, vốn nhiều phèn, anh phải mất 2 năm để cải tạo đất. Tháng 4/2018, anh Tâm bắt đầu trồng những cây sầu riêng đầu tiên, với diện tích 1,2ha (215 gốc sầu riêng giống Ri 6 và Monthong). Hiện nay vườn sầu riêng của anh Tâm trồng theo hướng hữu cơ đang vào vụ thu hoạch với sản lượng 12 tấn trái, đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ về quyết định trồng loại trái cây đặc sản còn khá “xa lạ” với vùng đất Tam Nông, anh Tâm cho hay, đây không phải là sự liều lĩnh, mà hoàn toàn có cơ sở. Nhờ thân quen với các thầy cô trong trường Đại học Cần Thơ, anh đã đem đất vườn nhà đang trồng sầu riêng để đi phân tích. Kết quả cho thấy, đây là vùng đất rất phù hợp để trồng cây ăn trái, nếu chỉ trồng lúa đơn thuần thì quá uổng phí. Cộng với thông tin anh tìm hiểu được về kỹ thuật trồng, giá trị kinh tế của cây sầu riêng ở vùng đất Ngũ Hiệp (Tiền Giang) đã thôi thúc anh trồng sầu riêng tại quê nhà Tam Nông.
Qua 2 đợt cho trái, theo anh Tâm, nhiều người đánh giá cao chất lượng trái sầu riêng anh trồng, về độ ngọt, múi khô và mịn. Vì vậy, anh càng phấn khởi khi mình đã đi đúng hướng.
Trên địa bàn huyện Tam Nông ước tính có trên 200ha trồng sầu riêng. Để chia sẻ kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm trồng sầu riêng lẫn nhau, anh Tâm và 21 nông dân khác cùng tham gia Tổ nghề nghiệp Trồng sầu riêng tại thị trấn Tràm Chim, với vai trò là Tổ phó. Tổ nghề hoạt động định kỳ hằng tháng và dự kiến phát triển thành Hội quán về trồng sầu riêng.
Không chỉ trồng sầu riêng, nông dân Nguyễn Thanh Tâm đang ấp ủ dự định trồng cây dó bầu trên đất phèn Tam Nông để lấy trầm hương, với mong muốn khai thác lợi thế tài nguyên của vùng đất này, giúp người nông dân làm giàu hơn trên mảnh đất quê nhà.
Có thể nói, những trí thức trẻ tham gia làm nông nghiệp đang có xu hướng ngày càng gia tăng, họ lựa chọn nông nghiệp không chỉ để lập thân, lập nghiệp mà còn khẳng định giá trị bản thân, thỏa mãn đam mê được nghiên cứu, ứng dụng kiến thức từ giảng đường vào thực tiễn ruộng đồng. Niềm đam mê ấy, trước tiên là đem lại lợi ích cho chính họ và kế đến là cùng góp nên thành công chung cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Lực lượng trẻ ấy chính là nguồn nội lực mới, mạnh mẽ, giàu sức sống, hứa hẹn những thế hệ nông dân chuyên nghiệp cho đất Sen Hồng.
Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, có thể nói Tam Nông là cái nôi của vùng đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt những năm gần đây những trí thức trẻ tham gia làm nông nghiệp đang có xu hướng ngày càng tăng ở địa phương. Họ bắt đầu lựa chọn nông nghiệp không chỉ để lập nghiệp, mà còn thỏa mãn đam mê được nghiên cứu, ứng dụng kiến thức từ giảng đường vào thực tiễn ruộng đồng. Niềm đam mê ấy, trước tiên đem lại lợi ích cho chính họ và kế đến là cùng góp thành công chung cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Lực lượng trẻ ấy chính là nguồn nội lực mới, mạnh mẽ, giàu sức sống, hứa hẹn những thế hệ nông dân chuyên nghiệp cho đất Sen Hồng.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, nghề nông hiện nay cũng không thể làm theo quy luật thiên nhiên thuận hòa, “trông trời, trông đất, trông mây” nữa, vì nghiệp nông gia đang đối mặt với biến đổi khí hậu như thời tiết cực đoan, hiệu ứng nhà kính, suy giảm tài nguyên nước.
Để có thể nâng cao vị thế của nông dân trong xã hội, người nông dân phải thoát ra cách nghĩ chỉ biết “lấy cần cù bù thông minh”, mà phải tự tin phát triển, khẳng định bản thân, chủ động hòa nhập vào cộng đồng. Bên cạnh đó, cả hệ thống phải có nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo, huấn luyện nông dân giai đoạn mới. Tư duy “mỗi huyện là một pháo đài”; “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm” cần phải được thay đổi triệt để, vì chỉ khi liên kết với nhau, người nông dân mới không còn rơi vào thế yếu.