Nông nghiệp bước chặng đường dài

35 năm đổi mới đã nâng nông nghiệp Việt Nam lên tầm thế giới, trong đó 5 năm vừa qua góp sức làm đẹp thêm bức tranh, giúp nền nông nghiệp vững bền trước biến động. Đó còn là sự thể hiện khéo léo, kiên cường, hiệu quả của các thế hệ lãnh đạo ngành Nông nghiệp.

TS Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp) đã trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về một chặng đường dài nông nghiệp, những thách thức cần tiếp tục vượt qua.

Thưa ông, nhìn lại 35 năm đổi mới đã thay đổi bộ mặt đất nước và nền kinh tế. Trong toàn bộ quá trình thành công và thử thách đó, lĩnh vực đặc biệt nhất, điểm sáng rực rỡ nhất trong nền kinh tế Việt Nam không thể bỏ qua là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Là người chứng kiến từng bước tiến, ông có thể đánh giá một chút vị thế nông nghiệp qua từng thời kỳ, xin bắt đầu từ sau Đổi mới?

Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn, từ một nước nghèo, đói ăn quanh năm, trở thành một nước đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu gạo thứ 2thế giới, chuyển từ nền kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế xuất khẩu trên 41 tỷ USD nông sản một năm, chuyển từ nông thôn nghèo nàn, lạc hậu, manh mún thành một nông thôn mới khang trang, hiện đại như hôm nay có thể gọi là bước tiến vượt bậc.

Chúng ta có thể tự hào nói rằng nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư ít nhất, hàng năm 5 - 6% tổng đầu tư toàn xã hội. Nông nghiệp là lĩnh vực trong các hiệp định thương mại, phần bảo vệ nông nghiệp ít ỏi nhất, là địa bàn cơ sở hạ tầng hạn hẹp nhất, là đối tượng thường xuyên phải đối đầu với rủi ro về an ninh biển đảo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Thành công được như vậy là một sự thần kỳ.

Nói đến Việt Nam xưa nay hầu như chỉ nói về bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhưng gần đây là nói đến xóa đói giảm nghèo, ổn định môi trường, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản.

Cả quá trình ấy, công lao đầu tiên thuộc về hàng chục triệu hộ nông dân, hàng vạn doanh nghiệp kiên cường. Bên cạnh đấy, là đông đảo cán bộ khoa học, quản lý gắn bó với nghề nông. Trong đó, vai trò của những nhà tư lệnh ngành, nhạc trưởng để lại dấu ấn rõ rệt.

Thời kỳ đầu đổi mới, một trong những bộ trưởng để lại hình bóng rõ nét trong bản trường ca về nông nghiệp Việt Nam là ông Nguyễn Công Tạn. Với tư cách vừa là một nhà khoa học, vừa là một nhà quản lý, một nhà chính trị, ông để lại dấu ấn rõ nét trong những đột phá về đổi mới chính sách.

Trong những định hướng chiến lược quyết đoán, mạch lạc, mở ra phát triển kinh tế thị trường, kinh tế hộ, trang trại, mở ra hội nhập quốc tế, nông nghiệp Việt Nam đã đột phá rất lớn trong mở mang Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, khai thác Tây Nguyên, đổi mới nông trường quốc doanh từ thời cố Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn. Ông là người đặt nền móng đổi mới, và giữ cho nó mở rộng.

Những điểm đột phá nhất thời Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn là biến Việt Nam từ một nước quanh năm nhập khẩu lương thực chuyển thành nước xuất khẩu lúa gạo nổi tiếng thế giới. Đó là điều không ai ngờ được, lúc đó.

Ông Tạn là người tổ chức khai hoang, phát triển sản xuất từ nông trường quốc doanh sang hai vùng lớn nhất cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Theo ngay sau đó, là câu chuyện cây công nghiệp - cây cà phê, hồ tiêu, hạt điều. Thế giới bắt đầu ghi nhận Việt Nam từ lúc ấy. Đó là dấu ấn, đưa Việt Nam lên tầm xuất khẩu, đưa Việt Nam lên trường quốc tế.

Mọi người thường nói là vận trời phù hộ, những năm do Bộ trưởng Tạn chỉ đạo ngành nông nghiệp, thiên tai rất ít. Mưa thuận gió hòa. Nhưng có một điều chắc chắn, là những định hướng của Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn thời đó đúng với quy luật kinh tế, xã hội. Tất nhiên, mọi cố gắng, nỗ lực đều có thể đúng và sai, nhưng về cơ bản, cả một cơ đồ nông nghiệp hiện tại được xây dựng từ nền móng ấy.

Bước sang giai đoạn ông Lê Huy Ngọ làm Bộ trưởng, xuất hiện thách thức mới. Đó là thách thức từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh. Những tình trạng phá rừng, khai thác tài nguyên biển, sinh học, sau khi tạo bước tăng trưởng tốt, bắt đầu tạo ra sự bất lợi cho sản xuất.

Lúc này, trong sản xuất nông nghiệp xuất hiện thêm những chiều mới. Có thể nói, ông Ngọ chính là một Bộ trưởng được lựa chọn để giải quyết những việc đó.

Với tinh thần sát dân, gần dân, hiểu thông cảm cho người dân, chính người dân cũng đồng cảm với Bộ trưởng, ông Ngọ đã lăn lộn khắp các vùng khó khăn, rủi ro, có thiệt hại để tìm cách chèo chống, tháo gỡ, xây dựng nền móng để nơi đó đi lên. Câu chuyện đáng nhớ nhất về ông Ngọ là phương châm “bốn tại chỗ”. Các chủ trương ông đưa ra để xử lý vấn đề lụt bão, thiên tai rất hiệu quả.

Giai đoạn tiếp đến là Bộ trưởng Cao Đức Phát. Lúc này, cánh cửa đã mở nhưng thực lực của Việt Nam mỏng so với quốc tế. Bộ trưởng Phát giống như một công trình sư, thiết kế nên cơ chế thị trường trong ngành nông nghiệp.

Ông không chỉ đạo bằng các biện pháp chính sách can thiệp, các điều chỉnh về tổ chức hay đầu tư công lớn, mà công lớn của ông là đưa cơ chế thị trường vào từng ngõ ngách của cuộc sống, từng khía cạnh của nông nghiệp để tạo nên sự chủ động, sáng tạo cho từng người nông dân, từng người cán bộ. Nhờ đó, nền nông nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh mới, từng bước mạnh mẽ, vững bền, cả về môi trường, kinh tế lẫn xã hội.

Cách làm của Bộ trưởng Phát giống như tính cách của ông, hiền lành, trung thực, nhưng sâu sắc, bài bản, tốt cho Việt Nam, giống như thể tay không bắt giặc.

Giai đoạn gần đây là của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. So với các bộ trưởng khác, thời gian để ông Cường phát huy sở trường ngắn hơn - chỉ 5 năm. Đó cũng là 5 năm đầy biến động, nhưng chính nó đã tạo điều kiện cho người dân thấy được bản lĩnh của Bộ trưởng. Một con người hết sức cụ thể, sát việc, bám sát thực tiễn để tìm ra câu trả lời từ thực tiễn. Ông lôi kéo, phân công, sắp xếp bằng cách chọn ra đối tác, rồi đưa vào hành động.

Đối tác của Bộ trưởng Cường rất đa dạng. Phải nói ông rất có tài trong việc thuyết phục các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đây là giai đoạn có nhiều đại gia tiến vào nông nghiệp, tạo ra bước đột phá mới. Ông cũng rất lôi cuốn với những lãnh đạo địa phương. Đây là thời kỳ thu hút đầu tư, thay đổi cơ cấu nông nghiệp ở địa phương mạnh mẽ.

Ông biết cách vận động tư lệnh các ngành khác, dẫn tới sự kết hợp nông nghiệp với giao thông, công thương…, sức mạnh tổng hợp được ông Cường huy động trong thời gian ngắn vào nông nghiệp.

Mỗi Bộ trưởng một vẻ, nhưng người sau tiếp bước người trước, và phát huy thế mạnh người trước, đồng thời mở ra một mảng mới, một thế và lực mới cho nông nghiệp, giúp nông nghiệp trở thành ngành mũi nhọn hiện nay, bất chấp sự suy thoái của nhiều ngành nghề khác, cũng như sự suy thoái chung của kinh tế thế giới.

 

 

Ông đánh giá thế nào về nông nghiệp giai đoạn 5 năm qua?

Nếu như 35 năm đổi mới nâng nông nghiệp Việt Nam lên tầm thế giới, thì 5 năm vừa qua lại làm đẹp thêm bức tranh, giúp nền nông nghiệp vững bền với biến động.

Trong 35 năm qua, thế giới chịu 3 cơn khủng hoảng kinh tế, nhưng với Việt Nam là 4 lần. Lần thứ nhất, là khi phe XHCN sụp đổ. Lần hai, khủng hoảng tài chính Đông Nam Á. Lần ba, bắt nguồn từ vỡ bong bóng bất động sản Mỹ. Và lần thứ tư, là dịch bệnh Covid-19. Trung bình cứ 10 năm một lần lại có khủng hoảng.

Trên bình diện thế giới cũng như châu Á, nhiều nước bị cuốn vào toàn bộ các cuộc khủng hoảng trên, nhưng ở Việt Nam, duy nhất lần đầu tiên có nguy cơ khủng hoảng thực sự. Còn 3 cuộc còn lại, Việt Nam chỉ ở bên rìa khủng hoảng, chứ không bao giờ rơi vào.

Để có thành công ấy, nông nghiệp chiếm vai trò trọng yếu. Nông nghiệp không chỉ giúp dân đủ no, giúp đất nước có xuất khẩu, có việc làm, mà còn giúp cán cân thương mại ổn định, giữ đồng Việt Nam ổn định, giữ cho kinh tế vĩ mô Việt Nam cân bằng. Sức sản xuất lương thực thực phẩm tạo ra rổ hàng hóa, mà nông sản luôn luôn rẻ. Điều đó giúp giảm lạm phát, tạo ra ổn định kinh tế xã hội trong nước ở mức cao.

Ngoài ra, những dịch bệnh như tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm… là những đòn giáng nặng nề vào nông nghiệp. Nhưng chúng ta đứng được, cầm cự được. Những thiên tai như xâm nhập mặn ở ĐBSCL, giá rét miền Bắc, bão lụt ở miền Trung, chúng ta đều khắc phục được.

Tất cả tạo ra sự ổn định về xã hội; giúp thế giới nhận ra rằng Việt Nam không chỉ là phát triển kinh tế cao, đổi mới, cải thiện cuộc sống nhân dân vững bền, mà còn là xã hội, chính trị ổn định.

Trong 5 năm biến động vừa qua, tôi cho rằng, điều Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lo lắng đầu tiên là tốc độ tăng trưởng. Lúc ông nhậm chức, tình hình rất khó khăn bởi dịch bệnh, thiên tai bất khả kháng. Trong khi nhìn lại, động lực tăng trưởng không còn nhiều. Quỹ đất đã hết. Nguồn nước ít đi. Lao động bị rút ra. Tiền không đổ vào. Khoa học, công nghệ gần như giậm chân. Chúng ta không có động lực, lấy bột đâu gột nên hồ? Nhưng Bộ trưởng Cường đã xử lý khôn khéo bằng những hướng chiến lược.

Thứ nhất, tạo điều kiện đưa đổi mới cơ cấu nông nghiệp vào bước đột phá: điều chỉnh sử dụng đất. Đó là bước đi Bộ trưởng Cao Đức Phát đã mở ra, nay phát huy tối đa, rõ nhất là ở Đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long.

Cơ cấu sản xuất thay đổi rõ theo hướng tạo điều kiện phát triển thủy sản, trái cây. Đây là bước chuyển quan trọng, như thể tháo xích sản xuất, vốn chưa được phát huy tối đa trước đây. Đất, nước, lao động chuyển dịch, tạo ra sức tăng trưởng mới.

Thứ hai, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hơn ai hết là người khuyến khích, thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, để mở ra các trung tâm chế biến nông sản, logistics ở các địa phương, như nhà máy chế biến thịt lợn ở Hà Nam, chế biến trái cây ở Sơn La, Gia Lai, nhà máy đóng hộp ở Tây Ninh, và nhiều nhà máy sản xuất sữa bò, lúa gạo, thủy sản khắp cả nước. Gần đây là gỗ và rừng gỗ lớn.

Hai sức mạnh này kết hợp với nhau, là chế biến, mở cửa thị trường, và sắp xếp lại đất đai, lao động, khớp lại với nhau, manh nha ra nền tảng cho các chuỗi giá trị lớn.

Thứ ba, là kết nối với các bộ ngành khác, nhất là Bộ Công thương, để ra các hiệp định thương mại toàn diện, đồng thời tháo gỡ từng khó khăn với các quốc gia đưa hàng hóa Việt Nam đi vào những thị trường khó tính nhất.

Mỗi khi xuất khẩu nông sản khó khăn, chúng ta đều thấy vai trò điều phối của Bộ NN-PTNT. Đặc biệt, có những hoàn cảnh tế nhị như chênh lệch cán cân thương mại nông sản Việt Nam và Mỹ, Bộ NN-PTNT đã xuất hành, vận động, tạo điều kiện hỗ trợ để Chính phủ có các hoạt động kịp thời, hiệu quả.

Thứ tư, trong 5 năm vừa qua, nông thôn mới khởi sắc, với chương trình OCOP thành công. Hàng loạt xã, huyện công nhận nông thôn mới, và ngày càng được nhân rộng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã sử dụng 5 năm ít ỏi để tạo dấu ấn không thể phai mờ trong cả kinh tế xã hội, lẫn lòng người dân. Bộ trưởng được mọi người ghi nhớ là một người hoạt bát, thuyết phục trong nghị trường Quốc hội, một người tự tin, nhiệt huyết trước công chúng, một Bộ trưởng thẳng thắn, rất tin tưởng cộng sự trong chỉ đạo, điều hành.

Đợt hạn mặn khốc liệt vụ đông xuân 2020 ở ĐBSCL và Nam Trung bộ, Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo nhanh chóng, quyết liệt, chính xác, giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Nếu như Bộ trưởng Phát “tay không” thiết kế nên cơ chế thị trường trong ngành nông nghiệp, thì Bộ trưởng Cường “tay không” mà liên kết, huy động được một sức mạnh tổng hợp.

 

 

Nông nghiệp đang bước sang giai đoạn đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, và để hoàn thành cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp này cần những bước đi chiến lược, một tầm nhìn xa hơn?

Tôi cho rằng, trong nhiệm kỳ này, tình hình đã khác trước rất nhiều, buộc phải thay đổi.

Về bối cảnh, các kết cấu kinh tế, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ quá thiên về các ngành phi nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Khoa học công nghệ đã tiến rất xa, cả về công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ năng lượng, lẫn công nghệ số hóa.

Quá trình hội nhập lúc này rất sâu, toàn diện, nhưng mang bóng dáng vừa hội nhập, vừa độc lập. Sau Covid-19, toàn thế giới đã nhìn lại Việt Nam. Các chuỗi giá trị đã được sắp xếp lại. Người ta sẽ không dựa vào một nền kinh tế đơn lẻ nữa.

Toàn bộ tư duy xã hội, nền tảng công nghệ, xã hội, bối cảnh tự nhiên, tình hình của cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhiều năm đặt Việt Nam dưới thách thức mới. Lúc này, phải đổi mới mô hình tăng trưởng. Giờ không thể chỉ dựa vào thay đổi tiểu tiết, điều chỉnh đỡ đòn nữa.

Thách thức bây giờ sẽ quay lại như thời Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn, nghĩa là cần một sự đổi mới giống như chuyển từ kinh tế đóng cửa sang mở cửa, chuyển từ kinh tế khoán sản phẩm sang kinh tế thị trường. Nông nghiệp cần một tầm nhìn xa hơn.

Kiến giải của ông cho một giai đoạn phát triển mới này thế nào?

Có những vấn đề cũ, chúng ta nhìn thấy, nhưng chưa có điều kiện thay đổi. Chẳng hạn như thể chế, không thể nào một nền nông nghiệp lớn lại chỉ dựa vào hàng chục triệu hộ nông dân sản xuất đơn lẻ. Không thể phát triển nông nghiệp hiện đại, mà chỉ có 1% doanh nghiệp đầu tư, lại chủ yếu toàn doanh nghiệp nhỏ lẻ.

Chúng ta phải phát triển kinh tế hợp tác xã, kinh tế trang trại. Doanh nghiệp và nông dân phải kết nối, phát triển chuỗi giá trị, tiến lên toàn cầu hóa. Tất cả những đổi mới về thể chế này buộc Nhà nước không thể quản lý theo kiểu cũ được. Không thể giữ kiểu cách làm việc, cơ cấu tổ chức, hiệp hội như kiểu cũ được.

Thứ hai, phải đổi mới khoa học công nghệ. Chúng ta phải đi đến cùng cơ giới hóa, ngoài lúa gạo còn có cả hoa màu, thủy sản, chăn nuôi… Không chỉ vậy, mà còn cần cả tự động hóa. Cuộc cách mạng 4.0 đã đi được rất xa. Chúng ta phải tăng năng suất cả lao động chân tay lẫn trí óc. Về công nghệ sinh học, phải làm chủ giống mới cả trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…

Chúng ta từng bị những đòn nặng nề về cúm gia cầm, rồi dịch tả lợn Châu Phi. Nếu gặp phải dịch bệnh tương tự trong tương lai, chúng ta có cầm cự được không, có làm chủ được tình hình và giữ được nền kinh tế vững bền trước mọi cuộc tấn công của dịch bệnh, thiên tai không?

Các viện nghiên cứu không thể chỉ dựa vào ngân sách, mà phải gắn với doanh nghiệp, nông dân, bởi đó mới là những người đánh giá, sử dụng các kết quả nghiên cứu. Chúng ta cũng không thể chỉ rót tiền cho người nghiên cứu, mà phải có cơ chế hỗ trợ cả những người sử dụng.

Doanh nghiệp, nông dân, những người lao động nông nghiệp trực tiếp cũng có thể đặt ra những vấn đề để đưa vào giáo trình giảng dạy. Nghiên cứu và giáo dục phải gắn liền. Câu chuyện đổi mới khoa học công nghệ chắc chắn là một vấn đề lớn.

Thứ ba, thị trường, như được mùa mất giá, cần phải chấm dứt và dứt điểm triệt để. Thông tin thị trường, dự báo thị trường, quy hoạch vùng kinh tế chống thừa cung… phải được tiến hành triệt để. Thị trường trong nước phải làm chủ bằng chất lượng, vệ sinh an toàn. Sẽ không được phép đổ đống hàng hóa ở biên giới Việt - Trung, không được bỏ lại rau, quả trên cánh đồng khắp các vùng miền.

Tất cả là yêu cầu của đất nước.

Trần Cao - Bá Thắng
Trọng Toàn
Tùng Đinh - Bá Thắng - Hoàng Vũ - VGP