Nông nghiệp trách nhiệm cần truyền thông trách nhiệm

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng, tư duy nông nghiệp chúng ta đang thay đổi, đòi hỏi truyền thông cũng phải thay đổi.

Dành cuộc trò chuyện nhân dịp kỷ niệm 76 năm thành lập Báo Nông nghiệp Việt Nam (04/12/1945 - 04/12/2021), Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, chuyên gia chính sách, Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp mở đầu: Tôi đến Báo Nông nghiệp Việt Nam rất nhiều lần và cứ mỗi một lần đến đều nhận thấy những sự thay đổi rất tích cực. Thay đổi từ con người đến phương tiện truyền thông, thay đổi cách thức đến tư duy làm báo. Rõ ràng đó là những yêu cầu bắt buộc để phù hợp với xu thế phát triển, phù hợp với đòi hỏi của thời đại.

Tất nhiên sẽ còn nhiều khó khăn, còn nhiều việc phải làm, nhưng rõ ràng điều khiến tôi dễ cảm nhận được và thấy quý nhất là sự say mê, sự yêu mến, tình cảm với nông nghiệp, nông dân, nông thôn như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt của các bạn.

Thế hệ này qua thế hệ khác đều như thế, luôn gìn giữ và phát huy như thế. Đó là điều hết sức quan trọng bởi vì chúng ta biết rằng, nếu chỉ vì miếng cơm manh áo mà không có sự say mê thì sẽ không làm được gì cả.

Làm báo ngày càng khó. Chúng ta đang sống trong thời kỳ tràn ngập thông tin và sứ mệnh của báo chí, truyền thông không còn đơn thuần chỉ là cung cấp thêm thông tin nữa mà cần có tính năng phân tích, bình luận, đánh giá, dự báo…, nói cách khác là phải tạo giá trị gia tăng cho thông tin, làm chủ với thông tin mình đưa ra.

Cùng với sự phát triển của đất nước, của ngành nông nghiệp thì rõ ràng đối tượng của Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Xưa là người nông dân, các doanh nghiệp, nhà quản lý, trong lĩnh vực nông nghiệp... Nhưng bây giờ, khi tư duy ngành sản xuất nông nghiệp đã đổi thành nền kinh tế nông nghiệp thì từ sản xuất, chế biến, cung cấp dịch vụ, logistics, thị trường...; từ nhà hoạch định chính sách đến nhà đầu tư, người tiêu dùng;… đã tạo những không gian rộng mở để Báo Nông nghiệp Việt Nam có thể vẫy vùng.

Thưa ông, như ông đã từng phân tích, 3 điểm chính của tư duy nông nghiệp mới là nông nghiệp liên kết, nông nghiệp trách nhiệm và nông nghiệp bền vững, vậy theo ông trách nhiệm của báo chí, truyền thông trong nông nghiệp mới là gì?

Đầu tiên thông tin phải đáp ứng tiêu chí kịp thời, nóng hổi. Người ta ví von là tin tức truyền thông còn nhanh ươn thiu hơn cả thủy sản tươi sống. Thông tin đúng lúc đem lại giá trị ngàn vàng nhưng chậm rồi thì chẳng còn tý nghĩa lý gì cả.

Thứ hai, đòi hỏi thông tin phải chính xác, tin cậy. Như vậy cần minh bạch, có gì nói nấy, đừng tô hồng, đừng bôi đen, đừng bị ảnh hưởng bởi dư luận xã hội, đừng bị ảnh hưởng bởi thông tin truyền thông khác.

Thứ ba, thông tin phải có trách nhiệm, các cụ có câu: “sự thật mất lòng”, có những vấn đề nhạy cảm, chỉ đưa tin thôi có thể bị diễn giải theo hướng tiêu cực. Vì thế đưa thông tin loại này phải kèm theo phân tích, bình luận giúp người nhận tiêu hóa dễ dàng, hiểu đúng thông tin. Kiến thức chuyên môn phải đưa trên tấm lòng và lương tâm và ý thức trách nhiệm với khách hàng, với xã hội.

Cũng giống như tư duy mới là làm nông nghiệp trách nhiệm, có người sẽ hỏi thế trước đây ngành nông nghiệp không có trách nhiệm à? Cần phải hiểu trách nhiệm của nông nghiệp đối với đất nước trong mỗi giai đoạn khác nhau cần thể hiện khác nhau.

Trước đây, nông nghiệp của chúng ta trách nhiệm trước tiên phải là lo ăn đủ no, mặc đủ ấm, xóa đói giảm nghèo, đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của người dân rồi lại đến trách nhiệm về tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống,… cao hơn là bảo vệ môi trường, bảo tồn phát triển văn hóa...

Trách nhiệm bây giờ đã lên một cấp khác, cả vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và cả trách nhiệm công bằng xã hội, môi trường đối với người sản xuất và vai trò phục vụ các đối tượng khác. Theo cuộc sống đi lên, báo chí, truyền thông phải cũng phải đảm bảo được yêu cầu đó.

Đã gọi là nông nghiệp mới thì vấn đề quan trọng là đổi mới tư duy cho kịp. Tôi nghĩ rằng Báo Nông nghiệp Việt Nam nói riêng và báo chí, truyền thông nói chung phải coi trọng vấn đề này. Các suy nghĩ, tư tưởng đang đổi mới hàng ngày, hàng giờ và chắc chắn trong tương lai sẽ còn khác nữa. Nội dung kinh tế và kỹ thuật của sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, vấn đề xã hội và môi trường của phát triển nông thôn, các chuyển biến về thể chế, văn hóa, sinh kế nông dân…

Báo chí, truyền thông cần phải thay đổi tư duy để đi sâu, đi trước, để bám sát các diễn biến về tư duy từ trong đường lối của Đảng, Nhà nước, từ trong xu thế chung của loài người, trong sáng tạo và nhu cầu cuộc sống để diễn giải cho người đọc, trình bày tư duy đó ra và dẫn dắt người ta đi.

Cần phải xác định đối tượng phải thay đổi tư duy để thay đổi hành vi. Từ người nông dân, buôn bán nhỏ, doanh nhân, cán bộ kỹ thuật, đến cán bộ quản lý cấp địa phương, cán bộ quản lý cấp trung ương, cả đến khách hàng, nhà khoa học,… Không có gì là lạ khi mỗi chúng ta luôn phải tìm hiểu đổi mới tư duy như thế nào. Tôi cho rằng, với chức năng quan trọng của báo, với cơ sở hạ tầng, với nguồn nhân lực đang có, Báo Nông nghiệp Việt Nam phải đi đầu trong công tác này.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT luôn “đặt hàng” rằng làm sao để thay đổi tư duy người nông dân và các nhà quản lý bởi vì đó là cốt lõi của nông nghiệp mới, đặc biệt là thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Và chúng ta cần phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam để thực hiện nội dung này.

Trước đây chúng ta chỉ làm báo giấy, đọc một lần nhưng bây giờ là truyền thông đa phương tiện, có báo điện tử, có truyền hình, phát thanh, có tọa đàm, hội thảo, có cả trang tiếng Anh để hướng tới toàn cầu hóa thì sức mạnh truyền thông đã khác trước rất nhiều, rất thích hợp để có thể lĩnh xướng trách nhiệm này.

Trước hết, cần  xác định đối tượng phải thay đổi tư duy, quy hoạch phải trách nhiệm thế nào, vùng chuyên canh thế nào, bảo vệ sản xuất phải có kịch bản đối phó dịch bệnh, xúc tiến thương mại phải nghiên cứu thị trường... tất cả những vấn đề đó cần phải truyền thông một cách bài bản để thay đổi. Đặc biệt là các bài học quốc tế.

Chính vì vậy, tôi cho rằng đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ hội của Báo Nông nghiệp Việt Nam nói riêng và báo chí, truyền thông nói chung.

 Thưa ông, sau Covid-19, thế giới gần như thay đổi toàn bộ và chắc chắn có những ảnh hưởng, tác động đến chúng ta, vai trò của truyền thông ở đâu và như thế nào trong tình hình mới đó?

Đúng là dịch bệnh Covid-19 gần như đã thay đổi toàn bộ thế giới. Sau đại dịch, kinh tế thế giới sẽ định hình lại và trách nhiệm của truyền thông phải là thông tin, phân tích, cảnh báo để người dân có thể hiểu và thay đổi cách sản xuất, nhà nước phải thay đổi quy hoạch, doanh nghiệp phải thay đổi cách đầu tư. Muốn dẫn dắt thông tin để theo kịp và chủ động trong tình hình này thì nắm bắt tình hình, nghiên cứu hiểu rõ diễn biến để có thể lựa chọn chủ đề và cách thức thực hiện là rất quan trọng. Có vậy, mới dẫn dắt thông tin và loại bỏ những vấn đề không được kiểm chứng, lệch lạc.

Về lâu dài, đứng trước một thế giới đầy biến động, về thiên tai, dịch bệnh, xã hội, kinh tế, môi trường,... yêu cầu đầu tiên khi biến động xảy ra là phải có thông tin chính xác để từ đó có thể dự báo tình hình, lên kịch bản ứng phó và xây dựng các hàng rào bảo vệ. Muốn vậy phải có hệ thống cung cấp thông tin rộng khắp và kịp thời, có hệ thống phân tích sử lý khoa học. Đó mới là dẫn dắt thông tin, mới là thay đổi tư duy thực sự.

Tôi vẫn nhớ thời điểm Việt Nam xử lý thành công dịch cúm gia cầm H5N1 khoảng mười năm trước. Sự kiện đó đã khiến các tổ chức, chuyên gia quốc tế rất ngỡ ngàng. Họ liên tục đặt câu hỏi vì sao một đất nước tiếp giáp Trung Quốc với rất nhiều đường tiểu ngạch như thế, vì sao một đất nước sản xuất nhỏ lẫn vào nhà dân nhiều như thế lại có thể ngăn chặn thành công dịch bệnh nghiêm trọng này nhanh như thế được?

Thậm chí Tổng thống Mỹ khi đến Việt Nam cũng đã thắc mắc vấn đề này và tỏ ra thích thú khi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định: Bài học đầu tiên của chúng tôi là truyền thông minh bạch. Chính truyền thông minh bạch đã thông báo kịp thời vùng nào có dịch, mức độ, tốc độ lây lan dịch ra sao để từ đó toàn dân chủ động phòng vệ. Người tiêu dùng ngừng mua sản phẩm, người chăn nuôi ngừng tăng đàn, các địa phương lên kịch bản ứng phó để tạo thành phản ứng đề kháng, nhà nước chuẩn bị tiêm phòng...

Có nhiều bài học để so sánh như những thông tin mù mờ như kiểu “tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả”, đổ lỗi cho mắm tôm… thiếu các thông tin nghiên cứu, phân tích, đánh giá để lên kịch bản ứng phó. Trong cuộc chiến với dịch Covid-19 hiện nay, nếu không minh bạch thông tin thì rõ ràng chúng ta không thể tạo nên sức chiến đấu của toàn quốc mạnh mẽ như vậy.

Rõ ràng minh bạch thông tin, phân tích căn cứ khoa học để có thông tin đúng, kịp thời là cực kỳ quan trọng trong trường hợp xảy ra những biến động thiên tai, dịch bệnh và các biến động khác. Thông tin đúng là nền tảng cho kế hoạch bảo vệ hiệu quả, tạo nên lòng tin và quyết tâm chủ động trong toàn dân, là phương thức hợp đồng hành động cho cả hệ thống chính trị.

Tóm lại là phải từ thông tin mới có kịch bản ứng phó. Và với những biến động của thế giới và cả trong tương lai tôi cho rằng cần phải có hệ thống quan trắc, giám sát, phân tích, cảnh báo và xử lý thông tin chủ động.

Truyền thông phải minh bạch và mang tính dự báo, đặc biệt là dự báo thông tin thị trường, ông có nghĩ rằng khâu này của chúng ta hiện nay đang yếu hay không?

Có thể nói thông tin thị trường vẫn là khâu rất yếu của chúng ta. Bao đời nay đã chứng minh người nông dân Việt Nam rất giỏi, rất cần cù chịu khó, có thể sản xuất nhiều sản phẩm có giá trị với lượng lớn. Nỗi lo lớn nhất của nông dân chúng ta là không biết thị trường ra sao.

Giai đoạn vừa qua, Nhà nước đã giúp đỡ, hỗ trợ người nông dân từ xây dựng hệ thống thủy lợi, nghiên cứu khoa học, bảo vệ sản xuất, đào tạo nghề, ký kết các hiệp định thương mại... Nông dân được hưởng lợi từ tất cả những thứ đó nhưng lúc này, cái họ cần hơn cả là thông tin thị trường để định hướng, mở đường cho sản xuất. Ngoài ra, là những thông tin tác động khác đến thị trường như biến đổi khí hậu, thay đổi chính sách của các quốc gia khác... người nông dân cũng rất cần được biết.

Tuy nhiên đang có một thực tế là thông tin thị trường của doanh nghiệp nào nắm được thì doanh nghiệp đó không muốn chia sẻ. Trong một chuỗi giá trị, họ nhỏ giọt thông tin cho thương lái, đại lý và người nông dân chỉ biết thông tin qua những kênh thứ cấp này. Chúng rất méo mó và phần thiệt hại cuối cùng chính người nông dân phải chịu.

Ngay bản thân nhiều doanh nghiệp của chúng ta khi giao dịch quốc tế trong nhiều trường hợp cũng dựa vào thông tin từ các công ty mua bán trung gian xuyên quốc gia. Thông tin ở thị trường thế giới vào nội địa bị chia cắt, càng đến khâu sản xuất cuối cùng càng méo mó, càng chậm, càng kém chính xác.

Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta phải đảm bảo thông tin thông suốt trong với ngoài. Trong điều kiện người dân, doanh nghiệp không làm được thì Nhà nước cần hỗ trợ. Thông tin thị trường là dịch vụ công mới mà Nhà nước cần cung cấp cho xã hội. Ví dụ, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ có một bộ phận rất mạnh chuyên về thu thập, phân tích, dự báo và cung cấp thông tin thị trường. Họ sử dụng hết tất cả hệ thống tham tán nông nghiệp ở các nước cung cấp thông tin để cùng với thông tin từ các doanh nghiệp, hệ thống hải quan, hệ thống thống kê, thế thống thuế,… tạo thành chuỗi thông tin cập nhật liên tục.

Thưa ông, như nhiều người nhận định, trong thay đổi tư duy nông nghiệp thì thay đổi tư duy người nông dân là khó khăn nhất; nông nghiệp thay đổi và nông thôn phát triển thì vai trò của nông dân giảm dần, tư duy của nông dân lạc hậu; bây giờ phải coi doanh nghiệp là đầu tàu, đô thị là động lực,… ông nghĩ sao?

Nông dân chúng ta vẫn chiếm trên 65% dân số, là lực lượng lao động đông đảo nhất, chiếm phần lớn dân số trong xã hội, có nhiều công lao đóng góp nhất cho lịch sử đất nước nhưng họ cũng là lớp người khó khăn nhất, chịu chênh lệch nhất về điều kiện sống, về thu nhập và có rất ít kênh chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của họ...

Vậy thì tại sao chúng ta không đứng về phía họ, đặc biệt là đối với Báo Nông nghiệp Việt Nam? Đa số chúng ta đều từ “bờ tre, gốc rạ” đi ra, nếu chúng ta không dành tình cảm cho người nông dân thì thử hỏi sẽ là ai đây?

Tôi nghĩ thế này, muốn làm bất cứ điều gì thì cũng cần phải có trái tim. Nhiều người phê bình các chuyên gia chúng tôi là đầu lạnh nhưng thực ra, nếu không có tình cảm thì chẳng phải con người. Báo chí, truyền thông cũng phải như thế.

Nói điều này để khẳng định tình yêu của mình đối với nông dân là không thể thiếu, tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta không đấu tranh với cái sai của người nông dân. Nông dân mình còn lạc hậu - công nhận, nông dân mình chia rẽ - đúng rồi, nông dân mình tư hữu - phải quá, nhưng họ cũng chính là mình. Truyền thông trên tinh thần xây dựng để nông dân mình chuyên nghiệp lên, tốt đẹp lên cũng là giúp thay đổi chính chúng ta.

Trong nên kinh tế thị trường hiện đại, doanh nghiệp đóng vai trò chủ công kinh tế đó là quy luật tất yếu. Vấn đề là làm sao có doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp? Các doanh nghiệp từ nước ngoài vào, từ đô thị đến là rất cần thiết, là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay bây giờ, nhưng về lâu dài, sức mạnh kinh tế của đất nước tùy thuộc ở khả năng chuyển hóa của kinh tế tiểu nông, kinh tế hộ khởi nghiệp thành doanh nghiệp. Tất cả các hộ nông dân của chúng ta phải qua kinh tế hợp tác để trở thành kinh tế trang trại, để trở thành những doanh nghiệp siêu nhỏ rồi từ đó vươn lên thành doanh nghiệp lớn, thậm chí là vươn đến toàn cầu. Đó cũng là quy luật.

Như vậy, song song với chính sách trải thảm đỏ mời gọi doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn, điều cần hơn là hình thành thể chế, chính sách gắn đô thị với nông thôn, gắn công nghiệp và dịch vụ với nông nghiệp, tạo cơ hội cho người nông dân, người lao động nông nghiệp chuyển sang sản xuất phi nông nghiệp một cách an lành, chính thức.

Phải tạo điều kiện cho người nông dân ly nông bất ly hương, tạo điều kiện cho họ tích lũy kiến thức để trở thành nông dân chuyên nghiệp, tích lũy tiền bạc để chuyển thành doanh nhân...

Đó là những định hướng lâu dài mà báo chí chúng ta phải tuyên truyền, vận động.

Hoàng Anh
Trọng Toàn
Tùng Đinh