Hơn 5 năm sau khi ông Võ Kim Cự rời chính trường, 7 năm sau “sự cố Formosa” gây ầm ĩ dư luận một thời, tôi hẹn gặp ông để phỏng vấn. Thú thực, mấy lần hẹn trước ông đều từ chối, một phần vì “tôi đang theo đuổi dự án sâm Ngọc Linh nên đi suốt, không mấy khi ở nhà”, phần nữa “trên mạng họ cứ hay đồn linh tinh, người ta còn đồn tôi làm thẻ xanh đi định cư ở Canada nên cũng không muốn xuất hiện, cuộc đời còn nhiều việc khác đáng phải làm hơn”…
Vậy nhưng lần này, khi tôi nói muốn bàn về sự thay đổi và phát triển của Hà Tĩnh những năm qua, đặc biệt là đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn ông lại hưởng ứng ngay, chỉ kèm điều kiện “anh em mình phải về Hà Tĩnh một chuyến đã”.
Và cuộc trò chuyện dưới đây được thực hiện sau ba ngày liên tục chúng tôi cùng ông Võ Kim Cự đi về các xã nông thôn mới ở huyện Đức Thọ, vào Khu kinh tế Vũng Áng ở thị xã Kỳ Anh, thăm những hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn ở Hà Tĩnh…
Đi liên tục suốt từ sáng đến tối, vẫn vẹn nguyên phong cách vốn đã thành thương hiệu của người từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Câu chuyện được mở đầu bên ly cà phê ấm nóng, trong ngôi nhà riêng của ông ở trung tâm Thành phố Hà Tĩnh. Ngoài kia đang là mưa gió. Hà Tĩnh lại vào mùa mưa bão, hầu như năm nào cũng vậy. Ông Cự nói, giông gió mảnh đất này cũng giống với giông gió cuộc đời ông, nhiều và rất khắc nghiệt...
Thưa ông, Hà Tĩnh hôm nay, từ kinh tế - xã hội, nông thôn mới, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đã có thể coi là một cuộc cách mạng so với trước đây. Một cuộc cách mạng mà như người Hà Tĩnh nói là “mang dấu ấn rõ nét của ông Võ Kim Cự”. Hơn mười năm làm lãnh đạo tỉnh, từ Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy (2005 -2015), ông vẫn thường chia sẻ, khát vọng, mục tiêu lớn nhất là đưa Hà Tĩnh thoát nghèo. Chúng tôi hiểu, đó không chỉ là mục tiêu, khát vọng của người giữ trọng trách đứng đầu tỉnh mà còn là sứ mệnh của một người con mảnh đất này. Khát vọng, mục tiêu đó đã được nuôi dưỡng như thế nào?
Trước tiên cần phải khẳng định, khát vọng thoát nghèo đã được nung nấu, quyết tâm, kiên trì cống hiến và hi sinh của lãnh đạo, nhân dân Hà Tĩnh qua nhiều thế hệ, có thể vì nhiều lý do chưa thể đi đến đích. Tôi chỉ là người kế thừa một cách trung thành, nghiêm túc, đeo bám và ít nhiều có phần sáng tạo, đột phá thêm mà thôi.
Hà Tĩnh trước đây, như chúng ta đã biết, là khúc ruột miền Trung, “chảo lửa túi mưa”, thiên nhiên khắc nghiệt vô cùng. Nắng gay gắt, bão lũ kinh khủng khiếp. Nó ám ảnh khiến Hà Tĩnh nghèo khó suốt bao đời và có lẽ cũng là yếu tố thôi thúc người Hà Tĩnh tự lập vươn lên, luôn sẵn sàng tinh thần chống đỡ, đương đầu với khó khăn, thách thức.
Tôi sinh ra ở Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên, sợ hãi đói nghèo và khát vọng thoát khỏi nó đã ăn sâu vào máu ngay từ khi còn rất bé. Lớn lên vào nhà nước, làm cán bộ xã, cán bộ huyện, doanh nghiệp rồi lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, tôi đã luôn suy nghĩ rằng, không thể để cái khó bó cái khôn được, nó sẽ phải làm rõ cái khôn. Cho dù anh làm ở vị trí nào thì cũng bắt buộc phải năng động, sáng tạo để thích ứng với môi trường, để tồn tại và phát triển.
Khát vọng thoát nghèo thôi thúc, cộng với sự rèn luyện trong các tổ chức hệ thống chính trị, đặc biệt là bà con nhân dân, đồng đội đã truyền cho tôi động lực, niềm tin để nuôi dưỡng khát vọng đưa Hà Tĩnh vượt lên. Khát vọng hình thành nên ý chí. Với tôi đó là ý chí vượt khó, ý chí chấp nhận chịu khổ, thậm chí chịu nhục nhã để đạt mục tiêu của mình.
Tôi xác định sẽ chiến đấu với tất cả mọi thứ trên cuộc đời này, đặc biệt nhất là chiến đấu với đói nghèo, lạc hậu, chiến đấu với những thứ đang cản trở sự phát triển của Hà Tĩnh. Cho dù nó ghê gớm, kinh khủng đến đâu vẫn phải kiên trì, quyết tâm, sáng tạo trong tất cả mọi lĩnh vực để làm bằng mọi giá.
Thời còn làm lãnh đạo Hà Tĩnh tôi vẫn thường nói với anh em, mảnh đất này thời tiết khí hậu đã như thế, lịch sử văn hóa, con người như thế, tất nhiên có quá nhiều khó khăn, thách thức nhưng không phải không có lợi thế, cơ hội. Vấn đề chúng ta phải nhìn ra và hành động để đột phá một cách nhanh chóng nhất.
Thế giới hôm nay hơn thua nhau là ở tốc độ, nếu cứ tuần tự giải quyết các mục tiêu sẽ mất rất nhiều thời gian và mất luôn cơ hội. Chúng ta phải chọn cái riêng có của Hà Tĩnh và đi bằng hai chân mới có thể cùng lúc giải quyết các mục tiêu đề ra.
Lẽ tất nhiên, khát vọng, mục tiêu của tôi vẫn còn nhiều điều chưa được như mong muốn. Hà Tĩnh hôm nay đâu đó đang còn những mảnh đời khó khăn, vất vả, vẫn còn người nghèo…, tuy nhiên tôi nghĩ rằng đã có những thành quả đáng ghi nhận.
Tiếp bước thế hệ đi trước, cá nhân tôi và tập thể lãnh đạo Hà Tĩnh giai đoạn đó đã góp phần tạo sự đột phá, hướng đi cần thiết cho Hà Tĩnh, để từ “viên gạch” của con đường đó các thế hệ sau sẽ tiếp tục đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, toàn diện, sâu sắc và bền vững hơn.
Hà Tĩnh bây giờ đã có vị thế, tầm vóc mới. Vấn đề quan trọng là phải kiên trì, kiên định mục tiêu và quyết tâm thực hiện bằng được. Chiến lược phát triển đã có, tuy nhiên thực tiễn cũng đòi hỏi bản lĩnh người chèo lái để biến khát vọng, quyết tâm của mình thành của nhiều người.
Phải xác định bất kỳ nhiệm kỳ nào, địa phương nào cũng có thuận lợi, có khó khăn và cần những người lãnh đạo quyết tâm đột phá trong từng giai đoạn, thời kỳ khác nhau.
Với tinh thần cách mạng, truyền thống văn hóa, truyền thống nhiều thế hệ đã đúc rút, đã phát huy và với nguồn lực như hiện nay tôi tin rằng Hà Tĩnh chắc chắn sẽ vươn đến một tầm cao mới. Đó là khát vọng, mong muốn của tôi và có lẽ cũng là của bất cứ người Hà Tĩnh nào.
Tự đáy lòng tôi cảm ơn sự quan tâm, thương yêu, giúp đỡ, dẫn dắt, giáo dục của Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh. Tình cảm ấy luôn là động lực giúp tôi có niềm tin cao hơn, sáng tạo hơn, quyết tâm hơn, có những kết quả cao hơn.
Trong giai đoạn ông làm lãnh đạo Hà Tĩnh, khát vọng, mục tiêu, quyết tâm đó đã được cụ thể hóa ra sao? Thưa ông?
Khi làm lãnh đạo tỉnh tôi xác định, muốn thoát nghèo Hà Tĩnh phải đột phá bằng hai chân. Nghị quyết của Trung ương nêu “bằng mọi biện pháp phải phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn” nhưng tôi nghĩ đó mới chỉ yếu tố cần chứ chưa đủ, ít nhất là với Hà Tĩnh.
Xét ở một góc độ nào đó có lẽ phải rất lâu nữa mới có thể giải phóng được các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mới có thể kéo gần hơn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị như chúng ta hằng mong mỏi. Bản thân nông nghiệp không thể giải quyết những “nút thắt” của nó và đặc thù của Hà Tĩnh càng biểu hiện rất rõ.
Với điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt, đất đai canh tác chuyên sâu nông nghiệp không có nhiều, muốn đưa Hà Tĩnh đi lên không thể trông chờ vào nông nghiệp mà nhất thiết phải có sự tương hỗ, dẫn dắt của công nghiệp. Từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ phải có những tập đoàn lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết, dẫn dắt hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nông hộ…
Nói cách khác, muốn đột phá chỉ có một con đường đó là phát triển công nghiệp. Công nghiệp phải trở thành đầu tàu và nếu phát triển thành công sẽ tạo ra sản phẩm, nguồn thu ngân sách, công ăn việc làm, thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm… Và chúng tôi quyết tâm phải làm bằng được, để công nghiệp thành công và tạo đà phát triển nông nghiệp một cách toàn diện. Đó vừa là khát vọng, động lực cũng là mục tiêu lớn của tôi với Hà Tĩnh.
Tôi nghiên cứu và định vị phát triển Hà Tĩnh theo nguyên tắc 1 - 1 - 1. Tức là một lao động công nghiệp - một lao động dịch vụ - một lao động nông nghiệp. Lựa chọn công nghiệp để phát triển Hà Tĩnh là lựa chọn giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc. Công nghiệp để hình thành và phát triển chuỗi giá trị rõ ràng từ phát triển từ công nghiệp - thương mại dịch vụ rồi mới đầu tư trở lại để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Công nghiệp dẫn dắt sẽ phân công lao động có tính toàn cục, không riêng rẽ vừa giải quyết được bài toán kinh tế, xã hội và bài toán giữa công nghiệp và nông nghiệp, giải phóng nguồn lực nông thôn.
Nên nhớ Hà Tĩnh lúc đó vẫn là một tỉnh còn rất nghèo, đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thử hỏi nguồn lực ở đâu, tiền bạc ở đâu mà làm? Xây dựng nông thôn mới bản chất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân, nhưng vật chất đâu ra? Rõ ràng là phải tổ chức lại sản xuất và hai hình thái tổ chức sản xuất là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Cách làm của Hà Tĩnh kết hợp 2 hình thái đó thành 1.
Chúng tôi kết nối tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hợp tác xã với các doanh nghiệp lớn để hình thành chuỗi sản xuất, để các doanh nghiệp lớn giữ vai trò dẫn dắt và tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm nông nghiệp không dễ để tiêu thụ nên thị trường phải là mệnh lệnh của sản xuất, muốn hiệu quả cao, muốn tăng giá trị phải tổ chức chế biến. Nếu không có công nghiệp chắc chắn nông nghiệp không làm được điều đó.
Chính vì vậy, đột phá của Hà Tĩnh có thể nói là chọn công nghiệp nặng thúc đẩy phát triển công nghiệp nhẹ, phát triển thương mại dịch vụ để kéo nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sử dụng ngân sách thu của các doanh nghiệp trong khối công nghiệp để tiếp tục đầu tư trở lại cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược phát triển mà tôi nghĩ là khôn ngoan, bền vững. Hà Tĩnh không có con đường nào khác.
Chọn công nghiệp để đột phá, phải chăng đó là lý do ông quyết tâm đưa Formosa vào Hà Tĩnh?
Đúng vậy, nhưng không chỉ riêng Formosa không thôi mà còn cả Khu kinh tế Vũng Áng nữa. Bởi vì, mặc dù thiên nhiên khắc nghiệt nhưng Hà Tĩnh cũng có những lợi thế đặc biệt riêng có. Tiêu biểu nhất là 137km bờ biển với cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương. Đây là những tiềm năng lợi thế rất lớn không chỉ của riêng Hà Tĩnh mà còn là của khu vực Bắc Trung Bộ, của Việt Nam.
Trước hết, Vũng Áng - Sơn Dương chính là giải pháp phát triển của thời đại mới. Thế giới đã xác định nếu giải quyết được vấn đề vận tải sẽ giải quyết được tất cả. Với lợi thế cảng biển nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương không chỉ giải quyết vấn đề vận tải mà còn phát huy các giá trị khác về thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, thu ngân sách...
Nơi đây từ lâu đã được xác định là điểm trung chuyển nội địa vào Nam ra Bắc, điểm trung chuyển sang Lào, Thái Lan và các nước tiểu vùng sông Mekong để tạo thành tam giác phát triển có ý nghĩa chiến lược mang tầm vóc quốc gia.
Còn với riêng Hà Tĩnh, như tôi đã phân tích ở trên, chiến lược phát triển lựa chọn công nghiệp làm đầu tàu, tất nhiên Khu kinh tế Vũng Áng và những nhà đầu tư như Formosa lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Hà Tĩnh trước khi có Formosa gian khó như như thế nào chúng ta đều biết, đặc biệt là vùng Kỳ Anh. “Đất Kỳ La Tây tha thuế”, vùng đất “cò đậu không lấm chân”, mỗi năm ngập nước 6 tháng. Nhân dân đừng nói là sản xuất nông nghiệp, chỉ sống và chống chọi với thiên nhiên thôi cũng đã gian khổ lắm rồi, mong gì khấm khá, giàu có được.
Cho nên, có người nói mời gọi Formosa vào Hà Tĩnh là phải đánh đổi, nhưng tôi cho rằng không có gì phải đánh đổi ở đây cả. Kể cả những ý kiến lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng quốc gia này nọ nhưng tôi tư duy khác, quan điểm khác.
Ý kiến đóng góp của các anh tôi đồng ý hết, an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia chắc chắn phải là trên hết, nhưng tại sao chúng ta không nghĩ Vũng Áng rồi đây sẽ là nơi có sự hiện diện của người Mỹ, người Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... và nhiều tập đoàn lớn của các quốc gia khác nữa?
Khi tất cả đã chung nhau “nồi cơm Vũng Áng” rồi thì liệu chúng ta có phải tự mình lo vấn đề các anh đang lo nữa hay không? Tôi nghĩ là không. Đấy là bài học thực tiễn ở Singapore hẳn hoi. Đất đai để hoang mới lo ngại vấn đề an ninh, còn khi đã có chủ quyền của mình, có lợi ích của nhiều quốc gia ở đó rồi thì vấn đề của chúng ta cũng là vấn đề chung của nhiều quốc gia khác.
Và thực tế đã chứng minh, Formosa là Tập đoàn hàng đầu thế giới, giá trị mang lại cho Hà Tĩnh, cho Việt Nam không phải chỉ mỗi năm xuất khẩu 5,5 tỷ đô la, chiếm hơn 90% kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh như hiện nay mà còn nhiều giá trị khác to lớn hơn rất nhiều. Tôi nghĩ rằng, cái gì đã qua hãy để nó qua, chúng ta cần phải nhìn nhận những đóng góp tích cực của sự thay đổi.
Ví dụ, Khu kinh tế Vũng Áng sau khi Formosa hoạt động đã không chỉ giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho hàng vạn lao động mà còn kéo theo một loạt công ty thương mại, dịch vụ nhà hàng khách sạn, quán cà phê, ăn uống phục vụ...
Hàng chục vạn người nơi đây, chỉ cần mỗi người một quả trứng, hai lạng gạo, nửa cân thịt một ngày thôi cũng đã có thể tiêu thụ hàng ngàn tấn nông sản cho người nông dân rồi. Nói cách khác, công nghiệp chính là “đầu ra” của nông nghiệp, là thị trường khổng lồ và bền vững của sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh.
Công nghiệp tiến một bước kéo theo thương mại dịch vụ, nông nghiệp tiến một bước… Khu kinh tế Vũng Áng bây giờ đã trở thành trung tâm động lực tăng trưởng của Hà Tĩnh, là “át chủ bài” để Hà Tĩnh đặt mục tiêu lọt tốp 20 tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong 10 năm tới. Năm 2019 tổng doanh thu của Formosa là 3,1 tỷ USD (chiếm 1,2% GDP của Việt Nam), năm 2021 đạt 5,3 tỷ USD (chiếm 1,9% GDP của Việt Nam), 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD và nộp ngân sách 240 triệu USD…
Tất nhiên đó cũng chỉ mới là những con số thống kê, còn nhiều đóng góp vô hình khác nữa mà có thể chúng ta chưa đánh giá hết. Về mặt an sinh xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, kể cả quốc phòng an ninh…
Ở tầm vóc khu vực, quốc gia, Formosa đi vào hoạt động, Khu kinh tế Vũng Áng hoạt động đã tạo ra chuỗi việc làm, thị trường mua bán, sản xuất cực lớn. Trước đây, mỗi năm chúng ta phải mất hàng tỷ đô la nhập khẩu 100% thép để sản xuất thiết bị công nghệ cao nhưng bây giờ đã có thể xuất khẩu gấp nhiều lần số đó.
Khu kinh tế Vũng Áng hoạt động cũng kéo theo rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước vào đầu tư, hoạt động xuất nhập khẩu, logistics, vận tải biển... tạo thành chuỗi kinh tế ngày càng kết nối bền chặt. Từ Vũng Áng, công nghiệp lan tỏa đến nhiều khu công nghiệp, nhiều địa phương, vùng kinh tế khác trong cả nước.
Hôm cùng ông Cự vào Formosa, ngoài những con số thống kê về kinh tế chúng tôi thực sự quan tâm đến vấn đề môi trường. Sau sự cố ngày trước, Chính phủ chỉ đạo Bộ TN-MTN giám sát hệ thống xử lý nước thải của khu liên hiệp các nhà máy được giám sát gắt gao.
Tuy nhiên mới đây Bộ đã trình Thủ tướng xem xét dừng công việc này bởi hệ thống đã thực sự đảm bảo. Hơn 10 ha của khu vực chứa nước thải trước khi xả ra môi trường của Formosa hiện đang nuôi vịt, nuôi cá, trồng sen, thậm chí còn nuôi cả cá koi, loài đặc biệt nhạy cảm với môi trường nước.
Tôi gợi chuyện với ông Cự về những sức ép trách nhiệm khi xảy ra sự cố trước kia, ông lặng đi một lúc rồi chia sẻ: Để có được dự án này còn nhiều sức ép lớn hơn vạn lần như thế. Không chỉ riêng Formosa muốn vào đầu tư tại Hà Tĩnh mà còn hai tập đoàn hàng đầu thế giới khác được giới thiệu vào.
Đến giờ phút này tôi vẫn nghĩ lựa chọn Formosa là đúng đắn, cho dù có xảy ra sự cố đáng tiếc nhưng tôi cam đoan, ngay từ thời điểm ban đầu và có lẽ cả sau này, Formosa đáp ứng được lợi ích lớn cho Hà Tĩnh.
Lựa chọn triết lý phát triển mới mẻ để đưa một tỉnh nghèo như Hà Tĩnh đột phá đi lên là một hành trình dài, đòi hỏi người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Không dễ dàng để có một “dấu ấn Võ Kim Cự” với Hà Tĩnh hôm nay, bản thân ông đã chịu nhiều cay đắng, có bao giờ ông cảm thấy tiếc nuối hay không?
Không. Chẳng những tôi không tiếc nuối gì mà còn cảm thấy rất vui, nói thật lòng mình. Bởi vì mục tiêu của tôi, trăn trở, khát vọng của tôi với Hà Tĩnh có thể nói là đã đạt được. Cả cuộc đời tôi với Hà Tĩnh không có tham vọng nào khác ngoài mục tiêu đưa Hà Tĩnh thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo, nổi bật lên và ít nhiều đã làm được điều đó thì chẳng có lý do gì để phải tiếc nuối cả.
Hà Tĩnh trước đây nghèo, ít thương hiệu, ít bạn bè ngoài tỉnh chứ đừng nói là quốc tế nhưng bây giờ, như anh thấy, có thể nói là đã tạo được vị thế nhất định rồi. Đương nhiên từ khát vọng biến thành hành động và thành quả ngày hôm nay là của nhiều thế hệ người Hà Tĩnh khác chứ không của riêng ai.
Còn với bản thân tôi, quá trình công tác có những va vấp, có những chuyện này chuyện khác nhưng tôi luôn nghĩ rằng trong bất cứ một cuộc chiến nào, dù là thương trường hay chiến trường thì đều phải chấp nhận những mất mát, hi sinh và đôi khi buộc phải chịu sự trả giá.
Thực tế người dám mở đường, dám đột phá khi cơ chế, chủ trương trong từng thời điểm lịch sử đang có những quy định thế này thế khác buộc anh phải có sáng tạo trong quá trình thực hiện. Gọi là xé rào hay là gì thì tùy nhưng nó là hoàn cảnh bắt buộc anh phải có những quyết sách nhanh chóng, có những quyết định đi trước để đảm bảo tiến độ, đảm bảo mục tiêu đề ra và quan trọng nhất không đánh mất cơ hội phát triển.
Tôi đã lựa chọn như thế và thực tế đã có những va vấp, những khuyết điểm, vi phạm quy định trong từng thời điểm lịch sử. Hậu quả bản thân cũng đã phải chịu bị xử lý của Đảng, Nhà nước về những quyết định của mình. Tuy nhiên xét về đại cục tôi vẫn cảm thấy thỏa mãn, thậm chí phấn khởi vì những mặt tích cực trong các quyết định của tôi.
Bởi tôi luôn tự an ủi bản thân mình, quyết định và những khuyết điểm, vi phạm của cá nhân nếu vì mục tiêu đưa tập thể đi lên, mục tiêu đưa một địa phương phát triển tôi sẵn sàng chịu sự trả giá. Anh nói đó là sự hi sinh cá nhân nhưng tôi xem đơn giản hơn là học phí. Sự trả giá sẽ cần thiết nếu như không thể nào tránh khỏi. Chính vì lẽ đó tôi không ân hận, không lăn tăn, không buồn bã bởi vì cảm thấy mình đã hoàn thành được một việc mà tôi nghĩ là rất có ích cho Hà Tĩnh.
Mục tiêu lớn nhất của sự nghiệp, của cuộc đời mình đã đạt được và điều quan trọng hơn cả là mình không vi phạm về phẩm chất đạo đức, không vi phạm pháp luật, không cá nhân, cơ hội, không có lợi ích nhóm gì ở đây. Cho nên ngay cả thời điểm bị Trung ương kỷ luật, biết rằng mình sẽ mất hết nhưng tôi vẫn hoàn toàn thanh thản.
Bình thản trước những quyết định cay đắng với bản thân nhưng tôi lại thấy ông xúc động, thậm chí nhiều lần khóc khi gặp người dân, khi thăm lại Formosa và những khu tái định cư, những vùng nông thôn mới… Đó cũng là những nơi chúng tôi biết khi còn làm Bí thư, Chủ tịch Hà Tĩnh gần như không có thứ 7, Chủ nhật nào ông không có mặt để “thúc” cơ sở đi lên. Điều gì khiến ông xúc động đến vậy?
Bản chất con người tôi dễ xúc động. Đi đâu thấy hoàn cảnh người dân còn nghèo, nhìn những mái tranh lụp xụp, nhìn những ông già bà lão chưa được chăm sóc, những đứa trẻ chưa được học hành tử tế, tự dưng mủi lòng, trăn trở lắm. Những cảm xúc hoàn toàn từ trong lương tâm và nó khiến tôi thấy có trách nhiệm của mình, thôi thúc mình phải làm điều gì đó.
Dù khi còn công tác hay là bây giờ, là anh chủ nhiệm hợp tác xã hay Chủ tịch rồi Bí thư Tỉnh ủy, bất cứ vị trí công tác nào tôi luôn dặn lòng mình phải cố gắng làm việc bằng tất cả khả năng. Có lẽ vì mấy chục năm tôi đã “cháy” hết mình như thế nên mới nhận được chia sẻ, ủng hộ, thương yêu từ người dân Hà Tĩnh.
Mỗi dịp về Đức Thọ, Can Lộc, Hương Khê, Vũ Quang hay các địa phương ở Hà Tĩnh tôi thực sự cảm động. Tiếp xúc với những người già, người trẻ, người đã nghỉ hưu, người đang làm việc tôi cảm nhận được tình cảm thực sự chân thành, từ tấm lòng của họ. Nếu tôi đang là ông Bí thư hay Chủ tịch tỉnh là câu chuyện khác. Đằng này đa số những người tôi tiếp xúc chưa từng gặp gỡ trực tiếp, chưa từng giúp đỡ gì, theo lý thông thường ông Cự hết quyền lực rồi thì thôi chứ.
Vậy nhưng lãnh đạo các địa phương và đa số nhân dân Hà Tĩnh như anh đã trực tiếp thấy, họ thực sự nghĩa tình, chứng tỏ một điều ông Cự có thể không còn gì nhưng vẫn còn được dân thương.
Phải chăng họ biết tôi làm được gì, họ hiểu tôi nên tôi nghĩ những việc tôi đã làm chắc chắn không có gì phải hối tiếc, ân hận, trái lại đó còn tiếp thêm động lực mới, thôi thúc tôi phải tiếp tục làm gì đó, không được dừng lại.
Đặc biệt ở vùng tái định cư dự án Formosa của Thị xã Kỳ Anh, nơi chúng tôi nghe rất nhiều người dân nói “không có ông Cự có lẽ dân vùng ni khổ mãi”?
Thực ra mỗi lần về Kỳ Anh tôi luôn xúc động. Có được một Kỳ Anh hôm nay, Hà Tĩnh hôm nay tôi luôn nghĩ rằng chính là nhờ lãnh đạo Hà Tĩnh biết thực hiện đúng nguyện vọng của dân, tôn trọng quyền và lợi ích của dân và được người dân ủng hộ triệt để.
Formosa là dự án lịch sử của Hà Tĩnh, không chỉ đơn thuần về qui mô mà còn là công cuộc di dời lớn nhất từ trước đến nay. Hàng vạn hộ dân, hàng chục vạn ngôi mồ mả, nhà thờ, trụ sở, trường học... buộc phải đến nơi ở mới để nhường đất đai, quê hương, nơi thờ tự tổ tiên lại cho dự án.
Vậy mà không có đơn thư kiện cáo, không có chống đối, tất cả đều được thực hiện công phu, bài bản, nhanh chóng, đó là lý do tôi luôn xúc động mỗi khi nhớ đến công lao, sự hi sinh của nhân dân ở vùng đất này.
Suốt đời tôi không bao giờ quên giai đoạn giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Hàng trăm ngôi mộ chưa đến 3 năm, chưa đến thời kỳ cải táng nhưng người dân cùng với chính quyền phải tổ chức từng đám tang theo kiểu “trong quan ngoài quách” để di dời.
Sự hi sinh đó vừa là động lực cũng là áp lực để những người có trách nhiệm thời điểm đó thấy mình cần phải làm gì để đền đáp xứng đáng, để đảm bảo thực sự là vì dân. Ngay từ khi hình thành dự án chúng tôi đã có ý thức chuyển 6 xã Kỳ Anh lên vùng tái cư và quy hoạch thành các phường để trở thành thị xã, thành phố Kỳ Anh sau này.
Và tôi nghĩ chúng tôi đã làm được điều đó. Từ hạ tầng kỹ thuật đến vấn đề văn hóa, an ninh, trật tự xã hội… chúng tôi đã làm tất cả khả năng để báo đáp lại tình cảm, sự hi sinh của người Kỳ Anh. Sinh thời, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi vào dự Đại hội đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, đi thăm khu tái định cư nơi đây đã phát biểu trên sóng truyền hình: Đây là một vùng tái định cư hiện đại và đẹp nhất của đất nước Việt Nam.
Với cá nhân, Kỳ Anh và Formosa cho tôi bài học lớn. Làm bất cứ việc gì, có khó khăn gian khổ đến đâu nhưng nếu đảm bảo quyền lợi người dân phải cố làm cho bằng được, ngược lại, việc gì, hành động chủ trương gì có hại cho dân tuyệt đối tránh ngay.
Chúng tôi cũng cùng ông Cự đi trao quà trung thu cho các cháu tại Khu tái định cư xã Kỳ Liên, Thị xã Kỳ Anh. Ông Nguyễn Xuân Miễn, một trong 19 hộ dân đầu tiên của xã Kỳ Liên di dời để nhường đất dự án Formosa Hà Tĩnh gặp lại người từng “vận động” mình đã ôm chầm lấy mà rằng: “Tôi tôn trọng và quý mến ông ni lắm. Thi thoảng liên lạc với nhau tôi vẫn nói với ông Cự, ngày xưa nếu không có sự quyết liệt của ông thì không có Formosa bây giờ, không có Formosa thì dân vùng ni khổ mãi. Cho nên, bất cứ khi nào có dịp lại mong ông về với chúng tôi. Nhân dân Kỳ Anh không bao giờ quên ơn và luôn luôn chào đón.
Ông Võ Kim Cự bây giờ là Chủ tịch Hội đồng quản lý, Viện trưởng Viện bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam. Tôi hỏi ông, vốn là doanh nghiệp, tham gia chính trường, bây giờ quay trở lại làm doanh nghiệp, khát vọng, mục tiêu của ông có thay đổi nhiều không?
Ông cười. Không những không thay đổi mà còn xuyên suốt, thậm chí mãnh liệt hơn. Hiện tôi đang tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng, chế biến, nghiên cứu sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Đã hơn 7 năm nay rồi. Chúng ta phải đi lên bằng sức lao động, bằng đất đai, tài nguyên cha ông đã đổ xương máu để gìn giữ, bằng ngành nghề, bằng chính con người Việt Nam.
Sau khi rời ghế Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tôi cùng với các nhà khoa học bắt tay vào nghiên cứu, trồng thử sâm Ngọc Linh đến nay có thể coi là đã thành công, hàng vạn cây đang phát triển tốt. Tôi thành lập tập đoàn và đang xây dựng vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh lớn nhất Việt Nam, nằm ở các tỉnh Kon Tum, Nghệ An, Lai Châu…
Nói có thể anh không tin, tôi làm không phải vì mục tiêu tiền bạc, tuổi này có hết mấy đâu. Đi Tây Nguyên thấy tài nguyên đất đai, khí hậu của Việt Nam mình thực sự tuyệt vời. Thấy rồi lại nghĩ, lại trăn trở, khát vọng. Nhiều quốc gia khác họ không có lợi thế về tài nguyên nhưng tại sao vẫn phát triển mạnh mẽ? Phải chăng là vì họ biết vận dụng tri thức, khoa học công nghệ, họ dám đột phá để đi lên?
Cho nên, khát vọng của tôi bây giờ là đưa thương hiệu Sâm Ngọc Linh, quốc bảo của Việt Nam trước hết đến với người Việt Nam. Trồng, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và thực phẩm dinh dưỡng để người Việt Nam có điều kiện sử dụng. Sau đó nữa là bạn bè quốc tế, phải đưa thương hiệu Sâm Ngọc Linh Việt Nam ra thế giới, khẳng định thương hiệu quốc gia và giá trị “quốc bảo” của Việt Nam.
Khát vọng đó hoàn toàn bằng trái tim, khối óc, chân tay của mình. Tôi mong muốn rằng sẽ tiếp tục làm được một điều gì đó để lại cho xã hội, cho đời và sẽ làm đến tận cùng, làm cho đến khi nào không còn sức lực nữa thì thôi.
Xin được kết thúc cuộc phỏng vấn ông Võ Kim Cự bằng một câu chuyện. Hôm chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này còn có mặt cả ông Phan Trung Thành, trước là lãnh đạo Đài PTTH Hà Tĩnh, hiện đang làm công tác nghiên cứu văn hóa, con người Hà Tĩnh.
Chứng kiến cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với người từng đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh, ông Thành cao hứng lẩy hai câu Kiều: Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời… Xong rồi nói, người như ông Cự, biết cười lúc đắng cay, nghịch cảnh và biết khóc khi về với nhân dân ấy là người có phẩm chất quân tử, anh hùng.