Phụ nữ thời đại mới phải bản lĩnh theo đuổi đến cùng khát vọng

Chúng tôi hẹn bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sau buổi Họp bàn cơ chế phối hợp hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 do Bộ NN-PTNT tổ chức.

Đây có lẽ lần đầu tiên câu chuyện nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhận được sự vào cuộc đồng bộ, bài bản, có lớp lang và đầy trách nhiệm của Bộ NN-PTNT cùng với các tổ chức chính trị xã hội gồm Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…

Tất cả đều vì mục tiêu chung tay góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh và cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Lẽ tất nhiên trong đó có vai trò của phụ nữ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội khác mà đã từng có ý kiến đánh giá là chưa thực sự phát huy hết vai trò, đặc biệt là ở các cấp cơ sở.

Nói về cơ chế phối hợp hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, bà Hà Thị Nga chia sẻ: Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng như các tổ chức chính trị xã hội khác vừa có vai trò, điều kiện, hệ thống rất tốt, vấn đề là phải phát huy như thế nào.

Chúng ta đã thấy hiệu quả từ mô hình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội khi phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội và tôi nghĩ rằng trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng vậy. 

Bộ NN-PTNT, cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề nông nghiệp, nông thôn đã phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội – những cánh tay nối dài, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức này cùng với cấp ủy, chính quyền cơ sở hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn của người nông dân.

Có thể khẳng định, chung tay kết nối tiêu thụ nông sản giúp người nông dân trong bối cảnh dịch Covid-19 là rất quan trọng và từ góc độ Hội Phụ nữ thì đó cũng là trách nhiệm đối với hội viên vì hiện nay phụ nữ chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới trong lực lượng lao động nông nghiệp ở nông thôn.

Thứ nhất, chúng tôi từng thấy hình ảnh người nông dân đứng khóc bên thửa ruộng, đau khổ, xót xa khi chứng kiến nông sản mà họ một nắng hai sương tạo ra bây giờ phải bỏ ngoài đồng ruộng, đến trâu bò cũng không ăn hoặc giả sử có bán được thì cũng với giá èo uột, không đúng với giá trị thực của những sản phẩm đó. Cho nên, hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản không chỉ là chia sẻ khó khăn với người nông dân mà còn góp phần để khẳng định giá trị thật của nông sản Việt Nam.

Thứ hai, là vì người tiêu dùng. Thông qua các kênh của tổ chức Hội đã đưa những sản phẩm tươi ngon đến với các chị, các mẹ để giúp họ nhận ra một điều, à, nông sản của Việt Nam chất lượng đến như vậy.

Trong thời gian vừa qua, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ, các cấp đã tiêu thụ được trên 800 tấn nông sản như vải thiều, dưa vàng Bắc Giang; mận Bắc Hà, xoài Sơn La và khoai tím ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và chúng tôi mong muốn hỗ trợ nhiều nhất có thể cho bà con nông dân trong thời gian tới.

Con số là một phần, mà điều quan trọng hơn tôi nghĩ rằng đã góp phần thay đổi nhận thức người tiêu dùng về nông sản của chúng ta.

Thứ ba, thông qua hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ là dịp để chúng ta nhân lên tinh thần đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của người Việt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Tinh thần đó một lần nữa củng cố niềm tin cho người nông dân để họ không cảm thấy bị đơn độc, người nông dân vững tin hơn bởi trong những lúc khó khăn nhất sẽ có tổ chức cộng đồng nắm lấy tay họ để cùng vượt qua. Đó là tính ưu việt của xã hội ta.

Đồng thời, tinh thần hỗ trợ từ xã hội chắc chắn sẽ khiến người nông dân thay đổi suy nghĩ, tư duy, cách thức trong sản xuất nông nghiệp. Đó là tư duy cộng đồng, kết nối.

Khi chiến tranh, lúc nghèo khó chúng ta đã đoàn kết, chung tay lại với nhau tạo thành văn hóa sức mạnh cộng đồng, nên trong những bối cảnh như thế này lại càng phải phát huy giá trị của tinh thần đó, văn hóa đó.

Thưa bà, từ câu chuyện chung tay tiêu thụ nông sản, có thể thấy rằng vai trò của các tổ chức chính trị xã hội như Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… là rất lớn, nếu chúng ta biết phát huy, vận dụng. Tuy nhiên, hoặc là chính sách, hoặc là công tác tổ chức dường như vẫn còn những rào cản khiến lâu nay có cảm giác rằng đang có một sự “lãng phí” trong câu chuyện này?

Đúng là việc phát huy sự tham gia của các tổ chức Đoàn thể trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì đã có, tuy nhiên, tính liên kết giữa các tổ chức này với vai trò đầu mối của một Bộ chuyên ngành thì hầu như chưa rõ, nếu có thì vẫn còn lỏng lẻo, do đó chưa thực sự huy động được sức mạnh như hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản phòng chống Covid-19 lần này.

Tôi thấy rằng việc chung tay kết nối tiêu thụ nông sản của Bộ NN-PTNT với ba tổ chức Đoàn thể đem lại rất nhiều lợi ích. Thông qua việc tổ chức kết nối, tiêu thụ online hay qua các sàn giao dịch điện tử, người nông dân, phụ nữ ở khu vực nông thôn sẽ có những thay đổi, nhận thấy cần áp dụng tri thức hoá, chuyên nghiệp hoá, tuân thủ theo các quy định, quy hoạch, định hướng phát triển nông nghiệp ở mỗi vùng, địa phương, dần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, giảm dần và không còn sản xuất tự phát, manh mún.

Từ đây thúc đẩy việc tăng cường tính kết nối, sự liên kết sản xuất theo mô hình tổ, nhóm, hội, tiến tới thành lập các hợp tác xã, liên kết các hợp tác xã thành các doanh nghiệp, tham gia các chuỗi liên kết hình thành các chuỗi giá trị sẽ mang lại hiệu quả cao trong kinh tế nông nghiệp, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh.

Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, việc triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 dịp để Hội khẳng định vai trò trong việc tổ chức lực lượng tham gia các hoạt động, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

Không chỉ tổ chức tổ đội phụ nữ hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch mà Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp còn tổ chức lực lượng hỗ trợ thu hoạch nông sản cho hội viên khi giãn cách, cách ly. Bởi đó là thời điểm thiếu rất nhiều nhân lực, nếu không kịp thời thu hoạch thì sẽ hỏng, thối, bỏ phí rất nhiều tài sản nông sản.

Ví dụ điển hình, trong thời điểm tháng 5 dịch bùng phát ở Bắc Ninh, các tổ phụ nữ trợ giúp nhau nhanh chóng được thành lập, các chị thu hoạch bí xanh, dưa hấu, dưa lê, rau… ở các gia đình bị cách ly mang đi tiêu thụ giúp và chuyển vào bếp nấu ăn cho các bác sỹ, chiến sỹ ở tuyến đầu, chia nhỏ hỗ trợ cho công nhân ở các khu nhà trọ…

Kết nối để tiêu thụ sản phẩm gồm bán trực tiếp qua các gian hàng của Hội ở các tỉnh, cơ quan Hội nhiều nơi cũng thành điểm tập kết nông sản, thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình sản lượng nông sản ở các nơi cần tiêu thụ, vận động các đơn vị trong tỉnh mình cùng hỗ trợ mua và sử dụng sản phẩm.

Ví dụ, hỗ trợ tiêu thụ giúp Vĩnh Long 250 tấn khoai lang tím và rất nhiều sản phẩm khác của Lào Cai, Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La... Ứng dụng công nghệ thông tin, các nền tảng số để kết nối đẩy mạnh thương mại điện tử.

Trung ương Hội cũng đã vận động được sự hỗ trợ của đối tác truyền thống lâu năm là Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) chuyển phát hàng nông sản miễn phí giữa các tỉnh trong thời gian dịch bệnh bùng phát.

Với thế mạnh có trên 19 triệu cán bộ, hội viên phụ nữ, chỉ cần 50% các chị, mỗi chị là một tuyên truyền viên về sản xuất sạch, chế biến sạch, kinh doanh, kết nối, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn, nâng niu giá trị của nông sản Việt, san sẻ, kết nối yêu thương, thì chắc chắn ý thức của người dân, người sản xuất và người tiêu dùng sẽ được nâng lên.

Cho nên tôi nghĩ rằng, mỗi đoàn thể chính trị - xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới tư duy và cách thức tổ chức để phát huy vai trò, trách nhiệm và sức mạnh nhằm đem lại những kết quả và giá trị thiết thực hơn nữa cho cộng đồng.

Bà nghĩ gì về vị thế của người phụ nữ Việt Nam hiện nay?

Có thể nói, người phụ nữ trong xã hội và người phụ nữ ở Việt Nam có một vai trò rất quan trọng. Quan trọng ở đây không chỉ là với vai trò, thiên chức làm mẹ mà người phụ nữ còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của bất cứ xã hội nào.

Đối với Việt Nam, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, người phụ nữ đã nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và rõ ràng vị thế, vai trò đã được nâng lên rất rõ rệt.

Trước đây, trong xã hội cũ, người phụ nữ Việt Nam phải chịu cảnh năm thê, bảy thiếp, không được làm chủ cuộc sống, vận mệnh của chính bản thân mình. Người phụ nữ có rất ít cơ hội để phát triển, đơn giản như không được học hành, không được tham gia vào các hoạt động của xã hội…

Họ cũng không có vị thế quan trọng trong gia đình, xã hội, đúng hơn là không được tham gia vào bước tiến chung của xã hội, luôn đứng ở phía sau, ở tư thế bị động. 

Sau cách mạng và sau hơn 35 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách rất lớn về bình đẳng giới nói chung và đối với phụ nữ nói riêng.

Trong đó có sự quan tâm, phát huy vai trò của người phụ nữ trong phát triển kinh tế, xã hội, trong chính trị, từ đó vị thế người phụ trong xã hội đã được nâng lên. Họ được học tập nâng cao kiến thức, năng lực của bản thân, được phát huy trí tuệ, tài năng, sức sáng tạo của mình trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước.

Phụ nữ Việt Nam cũng được quan tâm, chăm sóc sức khỏe, phát huy vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình, chăm sóc con cái, là những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Điều này hết sức quan trọng.

Chuyển biến rõ rệt nhất về vai trò, vị thế người phụ nữ Việt Nam đó là phụ nữ đã tham gia vào đầy đủ tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiện nay Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang có hai tổ chức thành viên là Hội Nữ trí thức Việt Nam và Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam.

Đây là hai lực lượng phụ nữ hết sức quan trọng, họ không chỉ góp phần tạo ra của cải vật chất, tham gia trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn là những người phụ nữ tham gia rất tích cực, hiệu quả vào các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Mới đây thôi, trong bối cảnh cả nước chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các chị phụ nữ Khoa chống nhiễm khuẩn thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền - Bộ Công an đã sáng chế ra sản phẩm áo chống sốc nhiệt để gửi tặng các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang và một số bệnh viện, cơ sở y tế của Bộ Y tế và các địa phương phục vụ phòng, chống dịch

Sáng chế đó đã đạt được hiệu quả trong điều hòa nhiệt độ cơ thể, tránh tình trạng sốc nhiệt, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cán bộ y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đó là minh chứng về việc người phụ nữ Việt Nam ngày càng có điều kiện để đóng góp vào quá trình phát triển của đất nước.

Đặc biệt, chúng tôi rất vui mừng khi Quốc hội khóa XV (2021-2026) là lần thứ 2 tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đạt trên 30% (lần đầu tiên là Quốc hội khoá V, đạt 32,31%). Lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá VI trở lại đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30% và đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã đều có tỷ lệ đại biểu nữ từ xấp xỉ 29% đến trên 29% và đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Bên cạnh đó, chất lượng đại biểu cũng được nâng lên, các đại biểu nữ đại diện ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chính vì vậy, tôi cho rằng, người phụ nữ hiện nay không chỉ làm tốt vai trò là người mẹ, người vợ mà họ đã tự tin, vững vàng bước ra ngoài, tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đặc biệt là phụ nữ trong lĩnh vực chính trị hiện nay ở Việt Nam là một điểm sáng không chỉ ở khu vực mà trên cả thế giới. Chúng ta đã có những lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước là nữ như Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, tỷ lệ phụ nữ là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh, tham gia cấp Ủy các cấp ngày càng tăng.

Tự hào hơn khi thời gian gần đây, phụ nữ Việt Nam còn đảm nhận vị trí trong lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới. Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân theo Nghị quyết 1325 về Phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Trong 6 năm qua, Việt Nam đã cử nhiều nữ quân nhân trong đội hình bệnh viện dã chiến và các nữ sĩ quan tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân. Con số này cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do Liên hợp quốc đưa ra.

Tựu chung lại, người phụ nữ Việt Nam đã có một vị thế xứng đáng trong xã hội, bên cạnh đó còn nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của xã hội với những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới hiện nay.

Thưa bà, rõ ràng càng ngày vị thế, vai trò của người phụ nữ Việt Nam càng được nâng cao trên mọi lĩnh vực, bà đánh giá thế nào về về khát vọng của phụ nữ Việt? Đâu là những tiêu chí, phẩm chất của phụ nữ Việt Nam hiện đại?

Có thể nói phụ nữ Việt Nam hay bất cứ thành phần xã hội nào cũng không nằm ngoài một khát vọng lớn đó là xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong ước.

Đối với phụ nữ Việt Nam, khát vọng đó là được phát huy, cống hiến trí tuệ, sức sáng tạo, phát huy thật tốt 8 chữ vàng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang” để góp phần công sức xứng đáng xây dựng và phát triển đất nước.

Khi tham gia xây dựng văn kiện Đại hội Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức rất nhiều hội thảo với sự tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi của phụ nữ trên cả nước để xác định những phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới sẽ là những gì.

Có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi cho rằng dù là người phụ nữ Việt Nam của giai đoạn trước hay là thời kỳ hiện nay thì trước hết phải cần có tri thức.

Cho dù trong bối cảnh nào, người phụ nữ cũng cần có kiến thức toàn diện, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, có thể là về lĩnh vực mình đang theo đuổi, từ đó giúp người phụ nữ tự tin, chủ động phát huy năng lực bản thân cống hiến cho xã hội.

Có tri thức cũng là nền tảng để phụ nữ tự tin làm chủ trong mọi hoàn cảnh và để cùng chồng và người thâm trong gia đình xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc, gia đình hạnh phúc sẽ có một quốc gia hạnh phúc.

Thứ hai là người phụ nữ của thời đại mới phải có bản lĩnh. Bối cảnh hiện nay chúng ta đang đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là đất nước chúng ta phải trải qua cuộc đấu tranh giành độc lập tự do qua nhiều thập kỷ.

Trải qua một giai đoạn rất gian khổ, hiện nay chúng ta đang kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi người phụ nữ phải có bản lĩnh để có thể theo được đến cùng khát vọng của bản thân, khát vọng của tổ chức góp phần hiện thực hóa được mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Đất nước phát triển thì người phụ nữ mới tiến bộ, phát triển.

Thứ ba, đã là người phụ nữ thì ở bất cứ giai đoạn và thời điểm nào cũng cần phải bồi đắp cho mình đức tính nhân hậu, sự bao dung. Ai cũng cần điều này nhưng người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong gia đình, xã hội, họ là người duy trì hòa khí, cùng với người chồng dựng xây tổ ấm, là người thầy đầu tiên, giáo dục nhân cách cho con trẻ. Vì vậy, hơn ai hết người phụ nữ phải có đức bao dung để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ và thiên chức mà tạo hóa đã ban cho họ.

Thứ tư, theo tôi người phụ nữ hiện nay cần có sức khỏe tốt. Chỉ khi có sức khỏe thì chúng ta mới có thể thực hiện được những mong muốn của mình. Đây cũng là một trong những mục tiêu mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hướng tới để làm sao xây dựng được hình ảnh người phụ nữ trong thời đại mới.

Tóm lại, người phụ nữ thời đại mới là người có trí thức, đạo đức, sức khỏe và có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Tất nhiên là cần nhiều phẩm chất khác nữa, nhưng tôi nghĩ rằng, một người phụ nữ Việt Nam hiện đại cần trang bị cho bản thân mình ít nhất là những phẩm chất nói trên để có thể trở thành người phụ nữ hạnh phúc, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước.

Thưa bà, như bà đã nói, rõ ràng Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để nâng cao vị thế của người phụ nữ Việt Nam, tuy nhiên có một thực tế là vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại, trở thành vấn nạn đối với phụ nữ, bà nghĩ gì về thân phận của những người phụ nữ ở khu vực nông thôn, miền núi và điều gì khiến bà trăn trở với họ?

Trên thực tế, còn nhiều vấn đề và đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng cần tiếp tục có những giải pháp tích cực trong thời gian tới để làm sao thật sự phát huy vai trò của tổ chức đại diện chăm lo, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ.

Là một phụ nữ trưởng thành từ cơ sở và là người dân tộc thiểu số, nên tôi cảm nhận rất rõ những khó khăn, thách thức đang đặt ra với phụ nữ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi.

Chúng tôi thấy những định kiến đối với người phụ nữ vẫn còn tồn tại, càng những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa những định kiến càng đè nặng lên người phụ nữ. Họ ít được quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao trình độ học vấn, kiến thức xã hội; bị hạn chế trong tham gia hoạt động xã hội bởi gánh nặng gia đình.

Họ cũng là nạn nhân của bạo lực, mua bán người, xâm hại khi mà nhiều địa bàn nông thôn, miền núi do tình trạng dịch chuyển lao động nên chỉ còn lại chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ nhỏ. Đó là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại ở một số địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số dẫn đến không ít hệ lụy đau lòng.

Phụ nữ nông thôn, khu vực miền núi đại đa số là thuần phác, chịu thương, chịu khó, tất cả hy sinh vì gia đình nhưng trong họ cũng ẩn chứa rất nhiều tiềm năng nếu được nuôi dưỡng và phát huy, họ sẽ có đóng góp tốt hơn trước hết là để có một gia đình hạnh phúc, bản thân họ được hạnh phúc; Họ sẽ bước ra ngoài cùng tạo nên những giá trị cho xã hội. Và đó chính là mảnh đất mà tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ phải có kế hoạch canh tác tạo ra mùa màng tươi tốt trong thời gian tới.

Chúng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách lớn trong đó có những chính sách quan tâm đến phụ nữ, lực lượng lao động nữ. Chúng tôi cho rằng đó là những bước tiến, những nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, xu thế phát triển hiện nay khiến nhiều điều kiện, hoàn cảnh đã có sự thay đổi, vì vậy có nhiều vấn đề chúng ta cần tiếp tục bổ sung điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Về góc độ Hội, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất những chính sách liên quan đến bình đẳng giới và phụ nữ, đặc biệt phụ nữ nông thôn, phụ nữ khu vực lao động phi chính thức phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Ví dụ như, trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, về xây dựng nông thôn mới, có nhiều nội dung chúng ta cần dành sự quan tâm cụ thể và có tính hệ thống hơn nữa về bình đẳng giới khi thực hiện các mục tiêu quốc gia này.

Theo bà, thế nào là một người phụ nữ hạnh phúc?

Tôi nghĩ rằng một người phụ nữ hạnh phúc cần phải trang bị cho người phụ nữ kỹ năng làm chủ bản thân, biết tự thương yêu và quý giá nâng niu bản thân mình. Biết buông bỏ những điều không cần thiết, hài lòng với những gì mình có, biết yêu thương và nuôi dưỡng yêu thương, biết nuôi dưỡng mục tiêu, khát vọng.

Mặc dù nhiều công việc nhưng họ sẽ biết cách hài hòa để không tạo áp lực cho bản thân quá căng thẳng, để không biến nhà mình trở thành nơi xả những bức bối đó. Người phụ nữ hiện đại đáp ứng được xu thế của xã hội, biết cách dung hòa, xử lý tốt mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng như ở cơ quan, vừa hài hòa công việc vừa giữ được ngọn lửa trong gia đình.

Buổi sáng chia tay gia đình nhỏ với tinh thần vui vẻ hạnh phúc, đến cơ quan với tinh thần lạc quan, đam mê công việc và từ cơ quan mong muốn sớm được trở về bên những người yêu thương trong gia đình. Nếu người phụ nữ Việt Nam hài hòa được giữa gia đình và công việc thì chắc chắn sẽ hạnh phúc.

Hoàng Anh
Trọng Toàn
Tùng Đinh - CTV