‘Sàn giao dịch’ đặc thù cho ngành hàng thủy sản ĐBSCL

Mới đây, Cục Thủy sản cùng 3 tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng có bước khởi động đầu tiên về việc xây dựng trung tâm đầu mối đặc thù cho ngành hàng thủy sản.

Ngày 18/6/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nghị quyết 78/NQ-CP, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13/NQ-TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo chương trình hành động này, vùng ĐBSCL sẽ phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị. Trong đó, xây dựng trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển. Đề án do Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với các địa phương trong vùng thực hiện, hướng tới phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới.

Mới đây, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức hội thảo khởi động tham vấn ý kiến về kế hoạch xây dựng Đề án “Trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển” (Gọi tắt: Đề án Trung tâm đầu mối thủy sản ĐBSCL). Phác thảo sơ bộ nhiệm vụ, yêu cầu xây dựng đề án, Cục Thủy sản xác định, vùng ĐBSCL có lợi thế và vai trò lớn về thủy sản đối với cả nước. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng hằng năm đạt trên 1,2 triệu ha, chiếm 60% cả nước.

Ngoài ra, môi trường sinh thái đa dạng (mặn, lợ, ngọt), đối tượng nuôi phong phú như: nuôi tôm nước lợ, cá da trơn, nhuyễn thể và các loài thủy sản khác. Vùng có trữ lượng cá biển ở hai ngư trường Đông và Tây Nam bộ trên 2 triệu tấn/năm, do đó tiềm năng, lợi thế, vai trò của ĐBSCL về lĩnh vực thủy sản là rất lớn so với cả nước.

Tuy nhiên, vùng ĐBSCL vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, thách thức đến từ quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản xuất chưa gắn với thị trường để phát triển chuỗi giá trị. Chi phí sản xuất đầu vào rất cao, nguồn cung - cầu nguyên liệu chưa ổn định. Nhất là hệ thống logistics, dịch vụ phụ trợ phát triển chưa tương xứng với nền sản xuất và sự kết nối giữa các vùng, tiểu vùng còn yếu.

Trước bối cảnh đó, việc xây dựng các trung tâm đầu mối là một phần rất quan trọng, góp phần phát triển hệ thống vận tải, giao thông, logistics của vùng. Bởi theo nhận định của các chuyên gia, trung tâm đầu mối sẽ là nơi cung cấp các dịch vụ về logistics, nghiên cứu, phát triển, đào tạo, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm.

Cục Thủy sản đưa ra 4 quan điểm khi xây dựng, triển khai thực hiện Đề án Trung tâm đầu mối thủy sản ĐBSCL. Trong đó, đề án phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các chiến lược và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Bên cạnh đó, đảm bảo sự phát triển bền vững dựa trên sự cân bằng giữa 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường.

Đồng thời, đề án phải đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện và phù hợp với khả năng huy động nguồn lực trong nước, quốc tế để triển khai.

Quan điểm cuối cùng là phải đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan, từ Trung ương đến địa phương, từ vùng cho đến các tiểu vùng. Hài hòa lợi ích giữa Quốc gia, vùng, tiểu vùng, các tỉnh, thành và người dân. Nhất là tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng để phát huy sức mạnh tổng thể của cả vùng.

Khi xây dựng dự thảo đề án cần đảm bảo mục tiêu chung làm căn cứ và khung pháp lý cho các địa phương triển khai xây dựng các trung tâm đầu mối về thủy sản ven biển.

 

Cụ thể, đề án phải đánh giá được hiện trạng sản xuất, cung ứng nguyên liệu thủy sản và hiện trạng chế biến, logistics và tiêu thụ thủy sản vùng ven biển ĐBSCL. Xác định được mô hình trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu ven biển tại 3 tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng. Trong đó, làm rõ vai trò, chức năng và các hợp phần của trung tâm đầu mối để có cơ chế vận hành phù hợp.

Bước khởi đầu, Cục Thủy sản xác định, tỉnh Kiên Giang sẽ là Khu vực tập trung xây dựng trung tâm kinh tế tiểu vùng ven biển phía Tây. Bao gồm hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, trung tâm công nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản tiểu vùng ven biển Tây.

Đối với tỉnh Cà Mau, tập trung xây dựng trung tâm kinh tế tiểu vùng ven biển khu vực bán đảo Cà Mau. Đây sẽ là trung tâm nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, trung tâm công nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản tiểu vùng bán đảo Cà Mau.

Còn tỉnh Sóc Trăng sẽ là trung tâm kinh tế tiểu vùng ven biển phía Đông. Tỉnh là trung tâm về nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, trung tâm công nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản tiểu vùng ven biển Đông.

Việc phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của từng địa phương tạo tiền đề xây dựng các đề xuất, giải pháp cho việc phát triển các trung tâm đầu mối. Điển hình về: Cơ chế chính sách, vốn đầu tư, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, danh mục dự án đầu tư ưu tiên tại 3 trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng.

Thứ nhất, Đề án Trung tâm đầu mối thủy sản ĐBSCL sẽ đề cập tổng quan chung điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Trong đó sẽ làm rõ vai trò vị trí của vùng đối với nền kinh tế cả nước nói chung, ngành thủy sản nói riêng.

Thứ hai, đề án phân tích, đánh giá hiện trạng kinh tế và nuôi trồng thủy sản ven biển vùng ĐBSCL. Từ đó sáng tỏ hiện trạng nguồn cung nguyên liệu thủy sản ven biển của vùng ĐBSCL giai đoạn 2017 – 2022.

Thứ ba, nội dung đề án sẽ phân tích, đánh giá hiện trạng chế biến và tiêu thụ thủy sản vùng ĐBSCL giai đoạn 2017 – 2022, bao gồm cả hiện trạng về logistics, các dịch vụ phụ trợ.

Thứ tư, các phân tích, dự báo về điều kiện hình thành trung tâm đầu mối ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu thủy sản khu vực ven biển vùng ĐBSCL. Dự báo về nguồn cung nguyên liệu, khả năng chế biến và tiêu thụ thủy sản của vùng đến năm 2030, khả năng kết nối vùng/tiểu vùng…

Thứ năm, phân tích điểm mạnh, yếu, cơ hội, thách thức của việc hình thành trung tâm đầu mối. Tạo cơ sở đưa ra các giải pháp, định hướng phù hợp cho sự phát triển của các trung tâm gắn với vùng nguyên liệu thủy sản khu vực ven biển.

Thứ sáu, dự thảo mô hình các trung tâm đầu mối về vị trí, quy mô, chức năng… ở ba địa phương gắn với vùng nguyên liệu thủy sản khu vực ven biển.

Cuối cùng là đề xuất các giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trung tâm đầu mối. Điển hình là danh mục chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, dự toán nhu cầu vốn và phân kỳ nguồn vốn trong giai đoạn 2021 – 2025 và 2026 – 2030.

Vừa qua, Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) và nhóm tư vấn GFA đã thực hiện nghiên cứu 12 mô hình được xem là trung tâm đầu mối ở một số quốc gia trên thế giới như: Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Hà Lan. Từ đó đúc kết một số kinh nghiệm trong việc xây dựng trung tâm đầu mối thủy sản.

Theo đại diện nhóm hỗ trợ kỹ thuật của GIZ, hiện nay chi phí logistics của Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL đang ở mức cao, chiếm khoảng 17% giá trị hàng hóa. Trong khi đó, chi phí logistics của một số quốc gia trên thế giới chỉ chiếm từ 9 – 10% tổng giá trị hàng hóa.

Sự chênh lệch này xuất phát từ việc các quốc gia xây dựng các trung tâm đầu mối, liên kết sản xuất - tiêu thụ. Điển hình như mô hình trung tâm bán buôn và dịch vụ ở Thái Lan, với mục đích rõ ràng là cần tiêu thụ. Đặc điểm của trung tâm này là nước bạn tập trung rất tốt về hạ tầng để giảm giá thành logistics, tạo tính cạnh tranh.

Hay các mô hình đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với sản xuất nông nghiệp, dịch vụ ở các nước châu Âu. Các mô hình này như một thỏi nam châm để hút công nghệ, ứng dụng, hàm lượng công nghệ rất cao.

Từ những kinh nghiệm đó, nhóm tư vấn của GIZ cho rằng, Đề án Trung tâm đầu mối thủy sản ĐBSCL phải quan tâm đầu tư khoa học công nghệ trong lĩnh vực chế biến. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách rõ ràng về: Phát triển vùng nguyên liệu, hạ tầng cơ sở logistics, thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước, hệ thống thông tin phát triển thị trường, tài chính chi tiêu công…

Ông Trần Huy Chương, Chuyên viên Tổ chức GIZ.

Ông Trần Huy Chương, Chuyên viên Tổ chức GIZ.

Ông Trần Huy Chương, Chuyên viên Tổ chức GIZ bày tỏ quan điểm, việc xây dựng các trung tâm đầu mối nông lâm sản là vấn đề quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ĐBSCL. Hiện nay, để giải quyết những khó khăn, thách thức về phát triển thủy sản của vùng cần có chiến lược, kế hoạch hành động.

Theo ông Chương, hiện nay các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào công nghệ chế biến sau thu hoạch. Bởi đầu tư tốn kém, cần tính toán rất kỹ về lợi nhuận đạt được.

“Vấn đề ĐBSCL đang thiếu đó là hạ tầng giao thông tốt. Trong một chuyến khảo sát đến các vùng kinh tế trọng điểm ở tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, bà con đều kêu là hệ thống giao thông nội tỉnh không tốt do đó nhiều nhà đầu tư không đến do lo ngại chi phí logistics lớn. Qua đó bộc lộ nhiều điểm yếu ở khâu chế biến, bảo quản”, ông Chương bày tỏ.

Một thực tế được ông Chương nêu ra, thời điểm dịch Covid-19, đất nước Thái Lan vẫn xuất khẩu tôm với mức giá gần bằng ban đầu. Còn tại một xã của huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, tôm càng xanh bán với giá 35.000 đồng/kg không ai mua. Nông dân thu hoạch không biết để ở đâu.

Điều đó đặt ra vấn đề về đầu ra sản phẩm. Xây dựng trung tâm đầu mối, đầu tư hạ tầng logistics bài bản, mặt hàng thủy sản với đặc thù sản phẩm tươi được bảo quản tốt, không chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu tốt.

Tiến sĩ Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (Hội Thủy sản Việt Nam) nêu quan điểm, Đề án Trung tâm đầu mối thủy sản ĐBSCL cần xác định rõ vai trò của mỗi trung tâm để tránh sự chồng lấn trong hoạt động. Nhất là không trở thành đối thủ cạnh tranh của nhau. Ông Lựu cho rằng, có thể tính đến việc hình thành một điểm logistics tập trung vào công tác nghiên cứu, đào tạo hỗ trợ sự phát triển cho các trung tâm.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang.

Cùng quan điểm trên, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở băn khoăn, địa phương hiện có trung tâm đầu mối của tỉnh Kiên Giang. Trung tâm này đã triển khai được 1 năm nhưng hiện chưa có sản phẩm.

Tỉnh Kiên Giang hiện có sản lượng thủy sản đạt 800.000 tấn/năm, bao gồm sản phẩm khai thác và nuôi trồng. Ông Thao cho rằng, gốc của việc hình thành trung tâm đầu mối về thủy sản là liên kết như thế nào để tiêu thụ được sản lượng sản phẩm thủy sản trên. Hơn nữa tránh sự chồng lấn với các trung tâm đầu mối khác của tỉnh và của vùng ĐBSCL.

Còn theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, hiện nay tại TP. Cần Thơ đang thực hiện Đề án xây dựng “Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đặt tại Cần Thơ”. Do đó, với Đề án “Trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển” cần tách bạch, giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau.

“Đây là trung tâm đầu mối giải quyết nhiều vấn đề chứ không phải chỉ là cái chợ. Tôi nghĩ trung tâm này nên là trung tâm tổng hợp trong đó trọng tâm là thủy sản, vì thủy sản là thế mạnh lớn nhất. Cà Mau có sản lượng thủy sản đạt 650.000 tấn/năm, trong đó riêng tôm đã trên 200.000 tấn/năm. Khi hình thành trung tâm đầu mối về thủy sản ở 3 địa phương sẽ hỗ trợ phát triển và kết nối với trung tâm lớn ở TP. Cần Thơ”, ông Bằng nêu quan điểm.

Hiện nay, qua rà soát hiện trạng sử dụng đất, tỉnh Cà Mau dự kiến đặt trung tâm đầu mối thủy sản tại khu vực huyện Thới Bình, với quy mô trên 100ha.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, hiện nay địa phương đang định hướng trở thành trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển Đông. Với chức năng là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy sản. Trung tâm công nghiệp chế biến nông – thủy sản, công nghiệp năng lượng sạch; trung tâm du lịch văn hóa lịch sử.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng chưa phê duyệt nên nên việc thành lập trung tâm đầu mối về thủy sản chưa được định hình rõ.

Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển không phải là chợ đầu mối. Trung tâm này cần tích hợp, quy tụ nhiều yếu tố về dịch vụ logistics, chế biến, kết nối khu vực, trong nước, quốc tế… mang tính liên vùng rõ rệt.

Ông Nhã chia sẻ, từng có dịp công tác tại Hà Lan, điều ông nhận thấy ở đất nước này, là có nhiều trung tâm đầu mối rất hiệu quả. Các cơ sở chế biến của quốc gia này đều tập trung ở những cửa ngõ, cảng. Về khâu dự trữ cũng rất tốt, sản phẩm qua chế biến sâu, đông lạnh dự trữ hàng tháng để xuất khẩu.

Do đó, ông Nhã mong muốn trung tâm đầu mối về thủy sản sắp tới triển khai ở Sóc Trăng, Kiên Giang và Cà Mau không nhất thiết phải một chỗ. Hiện nay tỉnh Sóc Trăng định hướng phát triển cảng biển, với các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng phục vụ xuất khẩu. Nếu tập trung trung tâm đầu mối ở những khu vực này rất phù hợp.

Qua đó, giúp tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh nuôi trồng theo hướng hiện đại, bền vững. Đồng thời chuyển đổi các khu vực trồng lúa và các mô hình sinh kế khác có giá trị kinh tế thấp sang nuôi trồng thủy sản. Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá.

Qua ý kiến của các địa phương, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) khẳng định, việc xây dựng trung tâm đầu mối về thủy sản phải đảm bảo hài hòa với trung tâm đầu mối khác ở khu vực ĐBSCL. Hơn nữa, để hình thành một trung tâm có rất nhiều vấn đề phải bàn bạc, nhiều sáng kiến. Đặc biệt từ những khó khăn, thách thức tại thực tế cơ sở đã xảy ra thời gian qua, đây sẽ là căn cứ triển khai nội dung Đề án Trung tâm đầu mối thủy sản ĐBSCL tốt hơn.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT).

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT).

Thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ tổ chức điều tra khảo sát, thu thập số liệu về thực trạng phát triển lĩnh vực thủy sản của 3 địa phương: Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng. Từ đó, làm rõ thế mạnh của từng tỉnh, các điều kiện cơ chế chính sách, hạ tầng đi kèm theo.

Ông Luân nhấn mạnh, nội dung Đề án Trung tâm đầu mối thủy sản ĐBSCL phải được nghiên cứu đánh giá cụ thể, kỹ càng. Bao gồm: Địa điểm, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách hỗ trợ cho trung tâm, những vấn đề cần giải quyết trước mắt và lâu dài.

Để Đề án Trung tâm đầu mối thủy sản ĐBSCL mang tính thực tế, cần hành lang pháp lý đủ mạnh, nếu không làm chặt, không khéo xây xong không có tiểu thương. Đó là quan điểm của lãnh đạo ngành thủy sản, để góp phần xây dựng một trung tâm đầu mối, không gian giao dịch riêng của ngành hàng mang tính đặc thù riêng, đảm bảo công khai minh bạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Kim Anh
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Văn Vũ - Hoàng Vũ
Văn Vũ