Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN-PTNT, tính đến hết năm 2021 cả nước có 18.945 trang trại đạt tiêu chí quy định của Bộ NN-PTNT; trong đó quy mô diện tích đất bình quân 3,52 ha/trang trại, lao động thường xuyên 3,8 lao động/trang trại, giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh 2.430 triệu đồng/trang trại; giá trị sản xuất 3.513 triệu đồng/năm; thu nhập lao động thường xuyên đạt 4,9 triệu đồng/người/tháng.
Kinh tế trang trại đã thúc đẩy việc khai thác diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hóa vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện môi trường sinh thái; thu hút nguồn nhân lực và tài chính trong dân để đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân.
Tuy nhiên, kinh tế trang trại chưa thực sự phát huy được tiền năng, thế mạnh của kinh tế nông nghiệp ở nông thôn cũng do nhiều nguyên nhân, thách thức trong đó có thách thức từ quy định pháp luật.
Kinh tế trang trại lần đầu tiên được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật - Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại. Theo đó “Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản”; tiếp đến là tại Điều 142 Luật Đất đai năm 2013: “Nhà nước khuyến khích hình thức kinh tế trang trại của hộ gia đình, cá nhân nhằm khai thác có hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối gắn với dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” và 2 thông tư của Bộ NN-PTNT hướng dẫn quy định về tiêu chí phân loại và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đã được khẳng định tại Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó hoàn thiện thể chế, quy định để tạo hàng lang pháp lý cho nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu được đặt ra cho toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó có kinh tế trang trại.
Hiện nay, Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP là văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh cơ bản các nội dung về kinh tế trang trại. Ở đó đã quy định thế nào là kinh tế trang trại, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại từ đất đai, thuế, đầu tư, tín dụng, đào tạo khoa học công nghệ, môi trường…, nghĩa vụ của chủ trang trại và trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, đến nay nhiều quy định, chính sách đã không còn phù hợp với quy định pháp luật mới ban hành cũng như thực tiễn sản xuất nông nghiệp.
Vấn đề quan tâm đầu tiên có lẽ là địa vị pháp lý của trang trại trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chúng ta nhắc nhiều đến kinh tế trang trại như là hình thức tổ chức sản xuất nhưng chúng ta đang thiếu quy định về vị trí, vai trò, địa vị pháp lý và chủ thể của kinh tế trang trại. Kinh tế trang trại đang được hiểu là hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, tuy nhiên theo thời gian hộ gia đình không còn là chủ thể duy nhất của kinh tế trang trại.
Có một số chủ thể khác như cá nhân, doanh nhân, kỹ sư, người có điều kiện về vốn, kiến thức phát triển kinh tế nông nghiệp đã tham gia làm trang trại và phát triển kinh tế trang trại. Điều này cần được ghi nhận và khuyến khích phát triển. Bên cạnh chủ thể của kinh tế trang trại hay gọi là chủ trang trại, cần quy định rõ địa vị pháp lý của trang trại trong tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Điều này là cần thiết nếu xác định trang trại là một mô hình sản xuất cần quan tâm, ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế trang trại.
Mô hình hay gọi là hình thức của trang trại nông nghiệp là vấn đề thứ 2 theo tác giả nhận thấy cần làm rõ để hoàn thiện. Hiện nay, tại Thông tư của Bộ NN-PTNT chỉ quy định trang trại chuyên ngành về nông nghiệp (gồm có 3.471 trang trại trồng trọt, 11.807 trang trại chăn nuôi, 129 trang trại lâm nghiệp, 1.586 trang trại nuôi thủy sản, 1.952 trang trại tổng hợp trang trại trồng trọt) trong khi thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế trang trại, kinh tế nông nghiệp thời gian qua đang đặt ra yêu cầu phải mở rộng, công nhận phạm vi hoạt động của trang trại nông nghiệp, trang trại không thuần túy chỉ làm nông nghiệp mà có thể kết hợp các hoạt động du lịch và phi nông nghiệp khác (như lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, du lịch nông nghiệp, chế biến nông sản…).
Việc mở rộng phạm vi hoạt động sẽ đặt ra các yêu cầu pháp lý cần hoàn thiện tùy theo mô hình mà chủ trang trại lựa chọn. Trường hợp trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch thì rõ ràng sẽ phát sinh nhu cầu lưu trú cho khách du lịch, nhu cầu ăn uống, nhu cầu trải nghiệm… điều này đòi hỏi trang trại ngoài tuân thủ các quy định của pháp luật về nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp… còn phải tuân thủ pháp luật về xây dựng, du lịch, an toàn thực phẩm… và pháp luật cần phải quy định cụ thể cho đối tượng trang trại để thuận lợi cho việc áp dụng và thực thi quy định nhất là quy định về xây dựng.
Vấn đề thứ ba là chính sách phát triển kinh tế trang trại. Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP đã quy định nhiều nhóm chính sách cho phát triển kinh tế trang trại như đất đai, thuế, đầu tư, tín dụng, khoa học, công nghệ… tuy nhiên mới dừng lại ở định hướng chính sách, chưa cụ thể cho đối tượng trang trại dẫn đến hạn chế trong việc tiếp cận của các trang trại.
Nhiều nội dung chính sách nêu tại Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP đã không còn phù hợp hoặc đã bị thay đổi nhiều sau hơn 20 năm ban hành. Chính sách về đất đai, xây dựng là một ví dụ điển hình.
Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP và pháp luật đất đai đều ghi nhận hộ gia đình có nhu cầu và khả năng sử dụng đất để phát triển trang trại được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và thực tế trong giai đoạn 2002 - 2020, có 11.006 lượt trang trại được giao đất, cho thuê đất để mở rộng sản xuất phát triển trang trại (bình quân 550 trang trại/năm); 63.297 trang trại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bình quân 3.164 trang trại/năm); 60.857 trang trại được miễn giảm tiền thuê đất (bình quân 3.042 trang trại/năm).
Hiện nay, Luật Đất đai không định nghĩa cụ thể về đất trang trại, nhưng có thể hiểu đất trang trại bao gồm các loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp dùng để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối,… và như vậy các đất này có mục đích là sản xuất nông nghiệp.
Đất sử dụng cho kinh tế trang trại gồm đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối quy định tại Điều 129 Luật Đất đai; đất do Nhà nước cho thuê; đất do thuê, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho; đất do nhận khoán của tổ chức; đất do hộ gia đình, cá nhân góp.
Như vậy, đất sử dụng cho trang trại nông nghiệp được hình thành từ nhiều nguồn và nhiều loại đất. Điều này cũng sẽ gây khó khăn nhất định cho chủ trang trại trong quá trình tuân thủ pháp luật đất đai.
Ngoài ra, pháp luật đất đai hiện nay chưa có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung đất đai; chưa quy định cụ thể về tỷ lệ, kết cấu xây dựng của công trình phục vụ sản xuất kinh doanh trên đất nông nghiệp; chưa quy định cho phép sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp chuyển đổi không có cơ sở thực hiện.
Điều này dẫn đến các trang trại nông nghiệp muốn xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản hoặc phát triển du lịch đi kèm gặp nhiều khó khăn, thực tế nhiều trang trại “lách luật” xây dựng các công trình “tạm bợ” vừa mất mỹ quan vừa hạn chế hiệu quả sử dụng.
Nhà nước có cần quản lý trang trại không và quản lý trang trại đến đâu là nội dung cần thảo luận, làm rõ.
Một số hạn chế trong phát triển kinh tế trang trại thời gian qua được nêu trong báo cáo tổng kết thi hành chính sách đối với kinh tế trang trại như: trang trại phát triển tự phát, không có quy hoạch phát triển trang trại; quy mô trang trại nhỏ, sản phẩm không đa dạng, chủ yếu bán sản phẩm thô hoặc tươi sống; chưa xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mã số, mã vạch; tiếp cận và triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật gặp nhiều khó khăn; tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó; hợp đồng liên doanh, liên kết sản xuất chưa nhiều; sản xuất của các trang trại chưa thật sự bền vững, việc xử lý nước thải, chất thải chưa triệt để gây ô nhiễm môi trường nhất là đối với các trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; nhiều chủ trang trại chưa thực hiện đầy đủ kê khai, báo cáo tình hình hoạt động và còn vi phạm về đất đai, xây dựng và môi trường; chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành và cơ quan chuyên ngành tại địa phương trong việc kiểm tra, hướng dẫn các trang trại nông nghiệp hoạt động kết hợp phi nông nghiệp, nhất là đối với trang trại hoạt động du lịch nông nghiệp thiếu sự kiểm soát về an toàn lao động, điều kiện lưu trú, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý môi trường, an ninh trật tự… có phải do chưa có đủ hàng lang pháp lý, chính sách hỗ trợ?
Quản lý nhà nước về trang trại, kinh tế trang trại là cần thiết nhưng quản lý đến đâu, nội dung nào cần quản lý lại đòi hỏi phải đánh giá, khảo sát cụ thể tình hình tổ chức và hoạt động của các loại hình, quy mô trang trại của các vùng miền cả nước.
Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục khẳng định mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại. Điều này, đòi hỏi tiếp tục thống nhất nhận thức phát triển kinh tế trang trại là quan trọng cần quan tâm đầu tư, phát triển hiệu quả.
Hoàn thiện thể chế cho phát triển kinh tế trang trại. Như đã phân tích ở trên Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại đã được ban hành cách đây hơn 20 năm, đến nay nhiều nội dung đã không còn phù hợp nhất là những định hướng, chính sách, nội dung quản lý... Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế trang trại được đặt ra mà trọng tâm là việc trình Chính phủ ban hành Nghị định để quản lý và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại trong bối cảnh mới.
Theo đó, cần làm rõ địa vị pháp lý (có cần công nhận hay ghi nhận loại hình hoạt động của trang trại); nội dung hoạt động của trang trại; tiêu chí phân loại; quyền và nghĩa vụ của từng loại hình trang trại; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trang trại, trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo môi trường, hỗ trợ cơ chế, chính sách phát triển kinh tế trang trại.
Khung pháp lý này đòi hỏi phải giải quyết được mục tiêu phát triển kinh tế trang trại theo hướng quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất, phát triển các trang trại nông nghiêp sinh thái, hữu cơ, gắn với phát triển du lịch, khai thác được tiềm năng thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương.
Thể chế điều chỉnh về kinh tế trang trại chỉ phát huy hiệu lực, hiệu quả khi được thực hiện đồng thời cùng các giải pháp hỗ trợ khác như:
Hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại bằng các hành động thiết thực như xây dựng tài liệu, cẩm nang hỗ trợ cho các trang trại ví như hướng dẫn hình thành và quản lý trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trang trại đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hướng dẫn trang trại chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý sản xuất, kinh doanh và chuyên môn kỹ thuật, kiến thức tiếp cận thị trường. Cung cấp thông tin thị trường, giúp cho trang trại có định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường. Tạo diễn đàn liên kết, hỗ trợ các trang trại tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản chất lượng cao gắn với du lịch nông nghiệp.
Hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình trang trại phù hợp. Lựa chọn mô hình phát triển trang trại là việc của chủ trang trại nhưng cũng là việc của Nhà nước trong tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Chủ thể của kinh tế trang trại chủ yếu là hộ gia đình những người gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, để giúp họ thay đổi thì hãy cùng họ suy nghĩ, định hướng để trang trại tạo ra giá trị nhiều hơn, cao hơn. Mô hình trang trại thuần nông nghiệp không còn là mô hình duy nhất, hãy thay đổi cách tiếp cận để nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp.
Theo đó, hãy thay đổi cách phân loại trang trại và cách tính toán giá trị kinh tế của trang trại. Trang trại nông nghiệp gắn với du lịch là một hướng đi mới, bước đầu đã cho hiệu quả. Nhà nước hãy cùng chủ trang trại định hướng, xây dựng và phát triển các mô hình trang trại phù hợp với từng vùng miền, địa phương để ngoài phát huy giá trị của sản phẩm nông sản còn là quảng bá hình ảnh con người và văn hóa địa phương.
Hãy cùng tư duy, thay đổi thể chế để phát triển kinh tế trang trại theo tư duy kinh tế nông nghiệp đa tầng giá trị “Tầng đầu tiên là kinh tế hàng hóa, tạo ra, sản xuất và mua bán đơn thuần. Tầng tiếp theo quan tâm thương mại hóa, đến dịch vụ, để tạo ra giá trị tăng thêm. Kế đến trong tầng cao nhất của nấc thang giá trị là kinh tế trải nghiệm, đem đến sự độc đáo, nét khác biệt, bằng cách “chạm” đến cảm xúc của khách hàng, của người tiêu dùng một cách tự nhiên và gần gũi” như định hướng, gợi ý của tư lệnh ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bộ trưởng Lê Minh Hoan.