Thay đổi tư duy để kích hoạt dòng chảy nông sản, định hướng cho nông dân

Chuẩn bị đến Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, chúng tôi nhớ lại cuộc trò chuyện đặc biệt. Đó là một ngày giữa tháng 6/2020 tại một quán cà phê cổ kính trên phố Quang Trung, thành phố Hà Nội, thời điểm ông Lê Minh Hoan còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ra Hà Nội dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV.

Chẳng cần văn bản, cũng chẳng qua văn phòng, chúng tôi “đăng ký” trò chuyện với ông Lê Minh Hoan qua điện thoại và nhận được một cuộc hẹn tại quán cà phê trên phố Quang Trung.

Cũng đã được nghe nhiều câu chuyện về hội quán, cà phê doanh nhân ngay trong khuôn viên Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, những mô hình ông Lê Minh Hoan được xem là tác giả, nhưng đó là lần đầu tiên chúng tôi phỏng vấn một Ủy viên Trung ương Đảng trong quán cà phê, chắc chắn là vậy.

Đầu giờ sáng. Đúng giờ hẹn, ông Lê Minh Hoan tự đến bằng xe ôm. Không thư ký, không tài liệu giấy tờ gì, chỉ cầm theo chiếc iPad, thiết bị công nghệ mà ông nói gần như chỉ rời khi đi ngủ.

Dường như ông không chuẩn bị gì để “đối phó” với nhóm phóng viên, phong thái khá điềm đạm, cười nhẹ, ông bước vào quán. Một cốc cà phê đen đá, nụ cười thân thiện và phong thái sẵn sàng cho bất cứ câu hỏi nào, vấn đề gì.

Một số khách uống cà phê đã biết ông qua tivi, nháy mắt nhau: Ông Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp kìa!

Thú thực, ban đầu chúng tôi tiếp cận Bí thư Đồng Tháp với mong muốn nghe ông nói về thực trạng đầu tư hạ tầng ở Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề lớn mà rất nhiều lãnh đạo các tỉnh ở khu vực này “kêu” suốt nhiều năm trời.

Nhưng kế hoạch nhanh chóng “vỡ trận”. Suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, ông chỉ nói về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ông đã đi từ “điều khiển” đến “mê hoặc” những phóng viên vốn nhiều kinh nghiệm phỏng vấn các chính khách của báo đi theo mạch tư duy của ông. Cố “lái” thế nào thì cuối cùng cũng quay về chủ đề của ông. 

“Chúng ta hay nói về Đồng bằng sông Cửu Long, nói về điểm nghẽn chưa tương xứng với vị thế của nó, nhất là vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông… Đã nói nhiều rồi, đã bàn nhiều rồi. Quan điểm của tôi, vẫn thường nói với người nông dân mình là không thể nào chờ được hạ tầng hoàn chỉnh, mà điều quan trọng là sản phẩm mà chúng ta chạy trên con đường đó, chạy trên lối cản đó như thế nào.

Đó mới là câu chuyện đáng bàn, chứ không phải chúng ta đổ lỗi cho kết cấu hạ tầng. Bởi vì hạ tầng chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là chúng ta phải thay đổi tư duy làm nông nghiệp và cách làm nông nghiệp.

Tôi cho rằng, câu chuyện Đồng bằng sông Cửu Long phải định vị lại hết. Không cần phải hò hét nhau là phải làm gì nữa cả. Cần định vị từ gốc là tư duy của người nông dân và nếu không thay đổi được tư duy của họ thì không thay đổi được gì”, ông Lê Minh Hoan mở đầu cuộc trò chuyện với phong thái vốn có, rất chủ động và như lôi kéo người đối thoại về phía mình.

Phải định vị lại Đồng bằng sông Cửu Long, phải thay đổi tư duy người nông dân, nhưng thay đổi thế nào, thưa ông?

Thay đổi tư duy mang tính quyết định, nếu mình cứ mãi luẩn quẩn trong tư duy sản xuất thì không bao giờ thoát ra được. Bởi vì căn cơ để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu là thích ứng với xu thế thay đổi thị trường. Đây là vấn đề sau khi tôi có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đã được đưa vào Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, ngay cả khi Nghị quyết 120/NQ-CP đã nêu rõ như thế rồi nhưng chúng ta vẫn chưa giải mã hết được điều đó, dẫn đến sự vào cuộc của các Bộ, ngành chưa đồng bộ. Tức là chúng ta chưa nhìn rõ, tận cùng cái gốc vấn đề. Nhìn chưa ra thì sao đề ra giải pháp đúng được.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất đã phát triển từ rất lâu. Trước giải phóng miền Nam đã đi vào thời kỳ kinh tế thị trường với tốc độ phát triển rất nhanh. Tuy nhiên sau đó đã có những điểm nghẽn trong đầu tư phát triển của thời kỳ kế hoạch hóa. Với tư duy nền kinh tế kế hoạch, trồng cây gì, nuôi con gì, trồng bao nhiêu, nuôi bao nhiêu… chúng ta đã bị vướng giữa nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với kế hoạch hóa tập trung.

Sau đổi mới bắt đầu phục hồi lại, tuy nhiên do tư duy kế hoạch tập trung đã ăn quá sâu nên cứ theo quán tính kéo dài. Nói cách khác, lịch sử đã để lại cho chúng ta tư duy mà chúng ta không biết thị trường ra làm sao cả. Giờ chúng ta phải làm lại, tư duy lại.

Chúng ta vẫn tư duy sản xuất nông nghiệp, vẫn hỗ trợ đầu vào cho người nông dân để tạo ra rất nhiều sản phẩm, các giống năng suất cao... Thậm chí tăng năng suất bất chấp sự tổn thương của người nông dân, bất chấp tổn thương môi trường. Lạm dụng quá nhiều phân bón, lạm dụng thuốc BVTV và hậu quả là những sản phẩm ngay chính thị trường nội địa cũng chưa thực sự được tin tưởng.

Người ta bảo, ủa, tại sao cùng một loại măng cụt, cùng một loại sầu riêng nhưng mà người khác nhập qua bên đây họ sống rất khỏe, trong khi bà con mình lại chật vật?

Tư duy cũ kéo nền nông nghiệp đi theo hướng cũ. Cứ làm để sản lượng tăng nhiều nhất mà quên rằng thị trường mới là yếu tố quyết định. Nếu không có thị trường thì sản phẩm sản xuất ra bị nghẽn lại, Nhà nước lại phải đi giải cứu, và cứ luẩn quẩn mãi…

Cho nên phải thay đổi tư duy. Phải là tư duy kinh tế nông nghiệp. Là hỗ trợ đầu ra, là kích hoạt dòng chảy của sản phẩm nông nghiệp và lấy cái đó để điều chỉnh lại đầu vào và định hướng cho người nông dân. Ở đó, người nông dân phải tự quyết định số phận của mình, chủ động tìm kiếm thông tin là mình nên làm gì, làm bao nhiêu để bán được.

Trong một bài viết có tên là “Câu chuyện trụ đỡ”, tôi từng nói rằng sản xuất phải đi theo tín hiệu thị trường. Bà con sản xuất trồng cây gì, nuôi con gì nhưng điều quan trọng là phải vượt qua được bẫy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và phải hợp tác lại.

Cái bẫy đầu tiên là bẫy sản xuất nhỏ, chi phí đầu tư cao nhưng tư duy lại không muốn thay đổi điều đó. Đối với nông nghiệp, nếu chúng ta không làm chủ được đầu ra là giá bán thì chúng ta phải làm chủ được đầu vào là chi phí. Chúng ta chưa làm được.

Bẫy thứ hai là sản xuất không theo quy trình. Mỗi người, mỗi vùng có một quy trình riêng và bà con giấu nghề nhau, bà con sợ bị cạnh tranh lẫn nhau, do đó sản phẩm của chúng ta không chuẩn hóa được, không tạo ra được sự đồng đều. Có nhà đạt được, có nhà không đạt được, như vậy là đứt gãy câu chuyện cung cấp ra thị trường rồi.

Một cái bẫy nữa của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thấy rằng so với ngày trước bà con đã sướng rồi. Người nông dân thiếu khát vọng. Bà con không hiểu rằng rủi ro đang rình rập hàng ngày, hàng giờ. Nếu người nông dân tự bằng lòng, đổ thừa do thiếu đường sá, tìm cách biện minh về cái nghèo... thì vẫn cứ nghèo như thế.

Nông dân mình thương lắm. Bà con đánh đổi lợi nhuận bằng chính sức khỏe của bản thân khi suốt ngày tiếp xúc với hóa chất độc hại. Không phải bà con không biết điều đó, nhưng không ai giúp cho, bởi vì “nếu tôi không sử dụng cái này thì tôi dùng cái gì”.

Tôi đi Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn La… rồi về nói với bà con Đồng Tháp: Đã qua rồi cái thời mình vỗ ngực xưng tên rằng mình làm nông nghiệp giỏi nhất. Bằng chứng là những sản phẩm của họ tốt hơn, chất lượng hơn sản phẩm bà con đang làm. Cho nên tư duy mới là nút thắt và khó khăn lớn nhất cho phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long chứ chưa phải là cơ sở hạ tầng và kết cấu kỹ thuật.

Hạ tầng thì có tiền là làm được thôi, nhưng thay đổi suy nghĩ người nông dân, để người nông dân không đổ thừa rằng vì không có đường sá nên tôi mới nghèo là điều bắt buộc. Tôi khẳng định, với tư duy cũ, kể cả có đường rồi, có hạ tầng rồi thì người nông dân vẫn nghèo tiếp. Cho nên, con đường, cứu cánh duy nhất là phải phát triển kinh tế tập thể chứ không còn con đường nào khác cho người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Thưa ông, để đưa người nông dân trở thành chủ thể chínhđiều căn bản thúc giục ông và Đồng Tháp xây dựng, nhân rộng mô hình hội quán - những “trường học” cho người nông dân?

Đúng là Đồng Tháp xây dựng các hội quán với mục tiêu tìm ra các nhân tố thay đổi cho người nông dân. Mục tiêu quan trọng nhất là thay đổi được suy nghĩ, không phải của một người mà của cả cộng đồng.

Hội quán của Đồng Tháp học tập từ mô hình Làng Mới - Saemaul Undong của Hàn Quốc. Ông Park Chung-hee, người khởi xướng mô hình này từng nói: Mọi sự hỗ trợ của chính phủ đều là vô nghĩa nếu người nông dân không thay đổi. Đây là điều được rút ra sau khi Hàn Quốc từng thất bại vì tập trung vào hỗ trợ, khiến người nông dân trở nên ỷ lại.

Thử nghĩ mà xem, dân mình thời chống ngoại xâm hay như hiện tại đang chống “giặc” Covid đã rất đoàn kết, nhưng khi đụng đến lợi ích lại có những xung đột. Tôi luôn nghĩ đời sống sản xuất người nông dân giống như một chiếc bánh, thay vì giành giật thì tại sao mình không cùng nhau để tạo nên chiếc bánh lớn hơn. Bằng việc mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu bền vững, bằng con đường nâng cao giá trị...

Đồng Tháp đã luôn tiên phong ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong các chương trình liên kết của doanh nghiệp tiêu thụ với người sản xuất. Nhưng sau một thời gian tôi vẫn thấy hình như có điều gì đó sai sai. Vẫn là người nông dân sản xuất rồi thương lái xuống mua, vẫn là “chia bánh” thôi chứ không tạo ra giá trị.

Phải thay đổi. Phải có những doanh nghiệp tiên phong, tâm huyết, có chiến lược để nghiên cứu giống mới, năng suất hơn, chất lượng hơn… Phải có những phương thức mới để không chỉ bán lúa trên đồng mà phải biết chế biến ra nhiều sản phẩm khác.

Chúng ta đã thấy người Nhật đi con đường đó và họ đã thành công rồi. Cho nên tôi vẫn thường nói, bao giờ người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long làm ruộng mà không bán lúa tại ruộng, trồng xoài bán trong cần xé nữa thì lúc đó mới giàu được.

Nghe như thế nhiều người nói, ủa, sao ông nói kỳ vậy? Kỳ gì đâu. Phải bán cả sản phẩm sau lúa là gạo và cả sản phẩm chế biến từ lúa gạo chứ...

Để làm gì? Để bớt cung đi. Bởi chỉ khi bớt cung rồi thì giá nó mới lên. Lâu nay chúng ta cùng bán ồ ạt vào mùa vụ, nguồn cung nhiều, giá thấp, bà con cứ hỏi là làm sao tránh được cảnh được mùa mất giá? Cái đó đâu có thoát được, vì là quy luật kinh tế thị trường, cung nhiều mà cầu không tăng thì giá xuống thôi.

Các hội quán còn nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách của người nông dân, cả những khoảng cách trong suy nghĩ, để bớt so đo, tính toán, hẹp hòi định kiến nhau trong xóm, trong làng.

Ông bà mình có một chữ rất hay là hùn hạp để nói việc làm ăn với nhau. Muốn hùn thì phải hạp. Trong đời sống hàng ngày, nhiều khi con gà nhà nọ nhà kia chạy qua chạy lại cũng xích mích rồi. Thấy nhà người ta làm ăn khá giả, xây ngôi nhà lớn thì nhà mình cũng phải y như vậy. Có gì đó đố kỵ, không lành mạnh trong xã hội nông thôn.

Cho nên, dù rất nhiều chính sách nhưng việc vào thực tiễn khá khó khăn cũng là do chưa hùn hạp được.

Muốn hạp thì phải có không gian ngồi nói chuyện với nhau, không gian đó là hội quán.

Thưa ông, thực tiễn cũng cho thấy, để thay đổi tư duy, nhận thức người nông dân vốn là bài toán nan giải. Thậm chí đã có nhiều người thất bại. Nó đòi hỏi sự nhẫn nại, kiên trì và cả những hành động, kết quả cụ thể. Chưa kể, xưa nay giữa nông dân và nhà quản lý, giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn còn những khoảng cách. Có thể hội quán là nơi họ ngồi lại với nhau, nhưng thiết nghĩ, cũng cần phải có thêm những “bài” để mô hình này thực sự hiệu quả. Với ông và Đồng Tháp, “bài” đó là gì?

Về bản chất, hội quán là nơi khôi phục lại những giá trị của làng quê đã bị mai một do cạnh tranh lợi ích của nhau trong nền kinh tế thị trường. Nhiều lãnh đạo Trung ương khi đến Đồng Tháp, đi xem các mô hình đổi mới sáng tạo, các hội quán đã khá bất ngờ khi thấy đó là những không gian rất bình dị, nhưng ẩn chứa những giá trị thay đổi.

Ở trong hội quán là một “bàn tròn”. Đó là nơi mình kéo ông doanh nghiệp ngồi cùng với ông nông dân. Ông quản lý ngồi với ông nông dân. Ông chuyên gia khoa học ngồi với nông dân... Không có ai ở chiếu trên, chiếu dưới mà ngồi nói qua nói lại với nhau sòng phẳng và cởi mở. Cấp ủy, chính quyền cũng nói, Bí thư Tỉnh ủy cũng xuống ngồi “bàn tròn” để nói, để nghe chứ không phải tương tác một chiều.

Về hiệu quả đôi khi mình xây dựng cả một diễn đàn nông nghiệp, ngồi trong hội trường sang trọng, đèn sáng trưng có thể nói người nông dân không nghe, nhưng ở hội quán lại được.

Vì mình có thời gian, có cách tiếp cận câu chuyện và đoán được người nông dân nghe hợp tai hay không để biết mà điều chỉnh, mà kéo người ta vào cuộc. Thậm chí nhiều khi phải nói ngược. Ví dụ thay vì vận động nông dân vào hợp tác xã thì mình cứ nói kiểu vào hợp tác xã làm gì? Vợ chồng ở nhà muốn làm gì thì làm có phải hay hơn không? Vào hợp tác chi cho rối rắm?… Bà con sẽ nói, ơ, ông đến đây để vận động người ta vào hợp tác xã mà nói vậy?

Đấy là “bài”. Đến lúc đó mình mới phân tích cho bà con, chứng minh cho bà con bằng các mô hình đã làm được và dẫn đi tham quan, bà con thấy hiệu quả thì tự động rủ nhau vào thôi.

 

Giải đáp thắc mắc, trao đổi nâng cao kiến thức, hiểu nhau hơn để người nông dân tự thay đổi. Giúp cho người nông dân là như vậy chứ không phải mình hỗ trợ giá, mình đi “giải cứu” người nông dân.

Tất nhiên, đó là vấn đề không thể nào một ngày một bữa, nhưng tôi tin rằng gần 100 hội quán ở Đồng Tháp là những niềm vui, niềm tin và sự giàu có. Nông dân tin nhau, nông dân tin Đảng, tin Nhà nước, tin doanh nghiệp thì sự giàu có sẽ đến thôi.

Người ta không định vị giàu có bằng việc anh có bao nhiêu tiền, bởi vì khi anh vượt qua được cái tôi của mình, vượt qua thửa vườn của mình thì cái đầu anh sẽ mở ra, anh thay đổi. Tôi nghĩ, chỉ khi cái đầu mở ra thì mới quyết định được thành công của Đồng bằng sông Cửu Long.

Như những gì ông phân tích, rõ ràng người nông dân cũng chính là một nguồn lực. Chúng ta đang nói nhiều về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0, cũng như nói về vấn đề thay đổi tư duy người nông dân và những hạn chế của họ. Tuy nhiên, để làm được điều đó, phải chăng cũng cần cả sự thay đổi tư duy từ những cán bộ, lãnh đạo? Ít nhất là trong vấn đề phát huy nguồn lực người nông dân, thưa ông?

Hồi xưa đến giờ tỉnh nào cũng có đề án gọi là đào tạo nguồn nhân lực, rồi thu hút nhân tài nhưng tại sao không coi người nông dân là nguồn nhân lực được. Người nông dân là số đông trong xã hội cơ mà.

Thử hỏi có bao giờ mình cung cấp cho bà con đầy đủ kiến thức và thông tin cho bà con chưa? Hay chỉ nói dăm câu ba điều về bệnh vật nuôi thế này, bệnh cây nọ thế kia, rồi bảo người nông dân cứ trồng đi vì thị trường đang cần?

Trước giờ mình làm sai. Bằng chứng là có những chương trình đào tạo nghề cho người nông dân mà thị trường không cần. Đó là bài học.

Đồng Tháp là tỉnh đã chính thức đưa nông dân vào đề án nguồn nhân lực. Đã xây dựng những lớp huấn luyện nông dân, mời các chuyên gia xuống từng hội quán và gom nhiều hội quán lại mở các lớp đào tạo người nông dân. Từ đào tạo cơ bản đến nâng cao, thậm chí là đưa lên các trường đại học để đào tạo.

Mục tiêu cho người nông dân biết thế nào là phát triển bền vững, thế nào là tổn hại đến môi trường, thế nào là thương hiệu, thế nào là nhãn hiệu… Cũng phải dẫn các bác đi ra chợ đầu mối, chợ thương mại để các bác quan sát coi hàng hóa của mình chuyển lên đây thị trường tiếp nhận ra sao? Người ta khen cái gì, chê cái gì để các bác suy nghĩ tại sao lại như vậy chứ.

Nói cách khác, như Đồng Tháp đang làm là huấn luyện nông dân chứ không chỉ là đào tạo nghề cho bà con. Làm sao để người nông dân hiểu được những cái lớn, đừng tự ti. Khi bà con hiểu, thay đổi tư duy thì nghề gì chả được. Nói chung thay đổi tư duy nông dân rất khó, nhưng nông dân thay đổi rồi thì sẽ tiếp thu rất nhanh.

Cũng có ý kiến cho rằng, sao cứ phải là thay đổi người nông dân mà không phải là thay đổi tư duy hệ thống cán bộ các cấp? Cả hệ thống chính trị của tỉnh Đồng Tháp xác định khoảng 50.000 người, tỉnh có 1,6 triệu dân thì là cái nào làm thay đổi nhanh hơn?

Chúng tôi cũng từng nghe ông nói trước diễn đàn Quốc hội rằng “ra đi làm thuê, trở về làm chủ”, liệu đó có phải là phải triết lý học tập, đào tạo người nông dân, nguồn lực ở nông thôn hay không, thưa ông?

Bây giờ Đồng Tháp có rất nhiều nông dân chuyên nghiệp, bởi có một nhóm đi học ở nước ngoài về. Chính những người đó đã mang khát vọng và tư duy trên đồng ruộng. Bà con đã làm khác đi những điều cha ông đã làm để tạo ra giá trị gia tăng.

Tôi đi ra Thái Bình, có ông nông dân bảo, trời ơi gặp được ông tôi sướng quá vì ông có tư duy hay, chính là tư duy “ra đi làm thuê, trở về làm chủ” đấy.

Tôi nghĩ rằng trên bình diện lớn, đừng bi thương hóa người nông dân, đừng bi lụy hóa nông thôn, đừng bi kịch hóa nông nghiệp.

Mình lo cho người nông dân là để người nông dân tự biết lo cho mình, chứ không phải mình đem cái này cái kia xuống cho người ta chỉ với lòng thương cảm, và nghĩ rằng ta cứ cho bà con mới là thương mà không nghĩ khác đi, làm bà con thay đổi từ cái đầu, từ trong suy nghĩ để làm chủ cuộc đời.

Trong những lần nói chuyện với các sinh viên chuẩn bị sang Nhật Bản, Hàn Quốc thực tập về nông nghiệp, tôi dặn: Các cháu sang nước bạn, ngoài thời gian học tập cần quan sát, đánh giá để trả lời các câu hỏi: Vì sao cũng như mình mà họ lại làm việc hiệu quả và giàu có hơn? Tại sao nói đến nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều bi thương, bi kịch, bi lụy mà nông nghiệp của họ lại hiệu quả?

Vì vậy, các sinh viên không chỉ đi học nghề mà còn phải đi làm, để hiểu được tư duy sản xuất của họ, cách họ làm nông nghiệp, từ đó làm chủ được tư duy của mình để áp dụng khi trở về nước. Phương pháp này đã có hiệu quả. Nhiều thực tế sinh viên quê hương Đồng Tháp về nước đã tiếp cận được cách làm nông nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc... và áp dụng trên ruộng đồng quê hương mình.

Có sinh viên kể với tôi về cách phân phối sản phẩm của nông dân Nhật. Theo đó, thay vì thu hoạch 100% ngay chính vụ, họ chỉ bán 30% tươi ngon nhất, 30% kém hơn bảo quản trong nhà lạnh và bán sau 2- 3 tháng, số kém nhất còn lại sẽ được chế biến làm nước ép, bánh kẹo... Và họ thu được giá trị lớn nhất có thể đối với cùng một lượng sản phẩm.

Trong bức tranh chung ông vừa nói, có thể thấy vai trò chủ thể của người nông dân, tuy nhiên, việc thu hút đầu tư rất quan trọng, đặc biệt là thu hút đầu tư từ khối doanh nghiệp tư nhân. Với Đồng bằng sông Cửu Long, thực trạng thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiện nay, ông đánh giá đang ở mức độ nào?

Trước khi nói về câu chuyện thu hút đầu tư, tôi sẽ nói về tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tôi từng viết một bài báo nói rằng, nông dân mình đừng có mặc cảm, thậm chí là ác cảm với doanh nghiệp, với thương lái nữa.

Bây giờ người ta vẫn còn mặc cảm với doanh nghiệp quá. Xuống tiếp xúc cử tri, người ta nói mấy cái thằng thương lái, mấy cái thằng doanh nghiệp... Bà con nghĩ rằng thương lái đang ăn phần trên, ăn gian phần của mình mà không biết một điều: Không có doanh nghiệp thì không thể nâng cao chất lượng tái cơ cấu nông nghiệp.

Tôi hay nói với bà con là bà con có thể tốt, cho tôi nhiều phiếu, còn doanh nghiệp họ ít phiếu hơn. Nhưng ở đây chúng ta không thể xuê xoa được. Nếu bà con không có doanh nghiệp thì ai đưa hạt gạo, con cá, của mình đi nước ngoài? Ai mang trái xoài của mình ra Hà Nội? Chẳng lẽ mình ngồi đây mình ăn với nhau à?

Chúng ta đang sản xuất cho thị trường, nếu không có doanh nghiệp dẫn dắt, không có doanh nghiệp chế biến thì thị trường nằm ở đâu? Chính những thương lái, những ông doanh nghiệp đã đi nghe tín hiệu của thị trường rồi về nói với bà con, trái xoài muốn bán được ở thị trường nào thì phải tuân thủ yêu cầu chất lượng của thị trường đó ra sao mà.

 

 

Thị trường bây giờ khác lắm. Không chỉ là quy mô mà còn tiêu chuẩn. Bà con nghĩ rằng Đồng Tháp làm ra trái xoài ngon nhất, thể nào người ta cũng mua, nhưng đã qua thời đó rồi. Đã qua thời đói phải ăn cho no, phải sản xuất nhiều. Bây giờ phải ăn ngon, phải ăn sạch, ăn bổ nên nhất quyết phải sản xuất theo yêu cầu của thị trường, phải có doanh nghiệp.

Tất nhiên, câu chuyện doanh nghiệp là một câu chuyện vẫn còn lúng túng, mặc dù đã xác định được. Người dân “kêu” như thế, nhưng có khi nào chúng ta lắng nghe doanh nghiệp “kêu” không? Họ đặt một nhà máy, ký hợp đồng liên kết, đưa giống cho nông dân sản xuất và cam kết thu mua sản phẩm... Nhưng chỉ cần một số thương lái Trung Quốc đảo một vòng, đẩy giá lên là bà con mình đẩy ra ngoài hết.

Phải liên kết và giữ chữ tín. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề liên kết ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long? Chiến lược phát triển của Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung là gì?

Đối với Đồng Tháp, nông nghiệp là thế mạnh và phải làm nông nghiệp chứ không thể trông chờ các nhà máy, khu công nghiệp hay các tập đoàn nước ngoài đầu tư được.

Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ phát triển kinh tế theo 3 hướng: Nông nghiệp, Công nghiệp – nông nghiệp và Du lịch – nông nghiệp. Phải là một nền nông nghiệp bản thân và nông nghiệp phụ trợ cho công nghiệp, du lịch, chứ nông nghiệp không đứng riêng, đứng một mình. Nông nghiệp là trung tâm, gắn chặt với công nghiệp chế biến và du lịch nông nghiệp, đồng quê.

Câu chuyện không chỉ tập trung vào sản lượng, năng suất nữa mà phải để ý vào công nghiệp thực phẩm, chế biến từ sản phẩm nông nghiệp và du lịch nông nghiệp để tạo ra giá trị lớn hơn cho nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp vừa mang lại lợi ích cho người kinh doanh, vừa mang lại lợi ích cho người nông dân và còn có tính lan tỏa, quảng bá rất tốt.

Tôi đã đưa nhiều nông dân ra Hội An, Sơn La, Hòa Bình để học hỏi từ địa phương này, thậm chí mời cả người dân tộc H’mong vào Đồng Tháp dạy nông dân cách làm du lịch.

Điều quan trọng khi làm du lịch nông nghiệp là phải tạo nên được bản sắc cho từng địa phương, đi kèm với đó là văn hóa, là ẩm thực, là những cây chuyện và làm sao để du khách đến cảm nhận được điều đó. Từ đó, tạo được ấn tượng, sức hút và khiến các du khách lan tỏa được cho những người khác. Khi phát triển, bổ trợ được cho công nghiệp và du lịch, người nông dân cũng phần nào giảm bớt được rủi ro mỗi khi thiên tai, dịch bệnh vì đã tích lũy được một nguồn lực nhất định.

Còn với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có thể nói tiềm năng còn rất lớn. Chúng tôi đang mời các chuyên gia để tư vấn làm các cụm liên kết ngành, giữa những các ngành có thể bổ trợ cho nhau. Có thể xem đó là một dạng kinh tế tuần hoàn, đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành kia.

Trong các cụm kinh tế ngành, người này bỏ ra gì thì người kia có thể lấy để sử dụng tiếp, đó mới là kinh tế nông nghiệp bền vững, giữ gìn và bảo vệ môi trường cho con cháu mai sau. Không chỉ tận dụng được tối đa tài nguyên mà còn giảm sự cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp chuyển sang hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau làm giàu.

Chúng ta có thể học hỏi từ Hàn Quốc, họ từng có khẩu hiệu “nông nghiệp là sinh mạng, nông thôn là tương lai”. Dù là một quốc gia phát triển công nghiệp rất mạnh nhưng họ vẫn dành một sự quan tâm xứng đáng với khu vực nông nghiệp. Từ đó, phát triển du lịch, đưa du khách về nông thôn, để làm giàu thêm cho người nông dân, giúp cuộc sống ở các làng quê nhộn nhịp, vui vẻ hơn.

Điều này cũng tạo được cảm hứng cho giới trẻ Hàn Quốc về cuộc sống ở nông thôn và ngày càng có nhiều người lựa chọn những ngành học về nông nghiệp.

Vấn đề liên kết vùng, tôi đã đề cập đến, Đồng Tháp cần phải cùng với Long An, Tiền Giang tạo ra một thương hiệu chung cho khu vực Đồng Tháp Mười. Từ những đặc sản chung của cả 3 tỉnh sẽ cùng nhau đi giới thiệu ở nước ngoài, vừa tiết kiệm chi phí vừa tạo được ấn tượng mạnh với đối tác thay vì đi lẻ tẻ từng địa phương. Khi đó, chúng ta sẽ tạo ra được sự liên kết theo vùng, bổ sung lẫn nhau ở các vấn đề mình còn yếu.

Vấn đề cuối cùng vẫn lại là tư duy. Thay vì nghĩ rằng liên kết lại thì sẽ chia nhau cái bánh thì hãy nghĩ liên kết lại để tạo nên cái bánh lớn hơn.

Tô Đức Huy
Trọng Toàn
Tùng Đinh - Lê Hoàng Vũ
Văn Vũ