Theo dấu chân bọ cạp mù trong hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng

Tắt chiếc đèn pin trên đầu, PGS.TS Phạm Đình Sắc gạt nhanh công tắc đèn cực tím, con bọ cạp mù phát sáng, rõ mồn một giữa hang động tối đen như mực.

Nhấc chiếc ba lô quàng lên vai, ông Sắc nhún nhẹ người bước từ chiếc đò dưới dòng sông Côn lên bến thuyền dưới chân động Phong Nha. Hôm nay điểm đến của ông không phải chiếc hang lớn nằm trên mặt sông mà là Tiên Sơn, động bé hơn nhưng ở trên cao, nơi có loài bọ cạp mù được ông và các cộng sự phát hiện ra cách đây hơn 10 năm.

Nai nịt gọn gàng bộ đồ dã ngoại, PGS.TS Phạm Đình Sắc siết chặt chiếc quai mũ bảo hộ màu trắng rồi thoăn thoắt bước lên các bậc thềm đá. Với dáng người dong dỏng, thanh thoát, 600 bậc thềm lên cửa động Tiên Sơn bị ông chinh phục nhanh chóng, cánh thanh niên nhiều người không theo nổi.

Làm khoa học, lại tính cẩn thận, trước khi xuống hang, ông bỏ ra ba lô ra kiểm đồ thêm một lần nữa, 3 chiếc đèn pin cả cầm tay lẫn đội đầu với độ sáng khác nhau, một chiếc đèn cực tím, vài viên pin dự phòng và một chiếc hộp nhựa.

Mở tiếp chiếc hộp nhựa, bên trong có một nhiệt kế, ẩm kế, vài lọ đựng mẫu vật, ông nói: “Vào hang lúc nào cũng phải kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm, đó là những yếu tố quyết định môi trường sống của các loài vật ở đây nên phải đo đạc, ghi chép rất cụ thể”.

Ngoài ra, có một vật được ông Sắc cất rất cẩn thận là chiếc panh gắp, làm từ hợp kim quý. Vị TS này nói, điểm đặc biệt của chiếc panh này là có thể gắp được các loài côn trùng, động vật nhỏ rất chắc nhưng lại không làm tổn thương, hư hại mẫu vật. Thêm một điểm nữa là nó đắt nên ông phải cất giữ cẩn thận.

Khi chắc chắn đã đủ đồ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học sự sống (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) bắt đầu tiến vào động, chậm rãi như không muốn bỏ qua một ngóc ngách nào.

Chuyến đi này của ông, không chỉ tập trung vào bọ cạp mà còn tìm hiểu về tất cả những loài động vật không xương sống trong hang động. Vì thế, mọi kẽ đá, hốc đất có dấu hiệu của sự sống đều thu hút được sự chú ý của ông.

Sau hành trình khoảng hơn 100m đường dốc và hẹp với hàng chục lần rọi đèn quan sát các loại mạng nhện, bắt nhện cho vào lọ đựng, đến khi động đã phẳng và rộng hơn, ông Sắc thì thầm: "Chắc là sắp gặp bọ cạp rồi đây".

Quả nhiên, chỉ vài phút sau, cách chỗ ông nói vài mét một sinh vật nhỏ cỡ ngón tay trỏ, trắng phau, ẩn hiện trong nền đá triệu năm của hang động. Tắt chiếc đèn pin trên đầu, PGS.TS Phạm Đình Sắc gạt nhanh công tắc đèn cực tím, con bọ cạp mù lúc này phát sáng, rõ mồn một giữa hang động tối đen như mực.

Không chần chừ, ông Sắc rút nhanh chiếc panh kim loại đã chuẩn bị sẵn, kẹp ngang vào thân con bọ cạp, quan sát một lát rồi cho vào lọ đựng mẫu, cất cẩn thận vào hộp nhựa trước khi cho vào ba lô.

Sở dĩ gọi chúng là bọ cạp mù là bởi nếu những loài bọ cạp thông thường có từ 6 – 12 mắt thì những con bọ cạp trong các hang động ở Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng không hề có mắt. Những cặp mắt của chúng đã tiêu biến trong quá trình tiến hóa để phù hợp với điều kiện sống ở những hang động đặc biệt này. Về mặt khoa học, chúng thuộc giống Vietbocap (Bọ cạp Việt Nam), được phát hiện và công bố từ năm 2010, tên gọi cụ thể là Vietbocap canhi, một loài thuộc họ Pseudochactidae.

Thêm một đặc điểm nữa là do sinh sống trong hang động, ít thiên địch nên loài động vật đặc biệt này cũng không còn độc nữa, khác hẳn với những đồng loại của chúng trong các khu rừng hay hoang mạc.

Theo PGS.TS Phạm Đình Sắc, trong 10 năm, từ 2010 - 2020, ông và các cộng sự đã tìm kiếm, phát hiện và công bố 1 giống bọ cạp mới mang tên Vietbocap, 1 phân giống mới là Vietscorpiops và 9 loài bọ cạp mới cho giới khoa học.

"Các giống, phân giống và loài bọ cạp mới này đã được mô tả và công bố trong 8 bài báo khoa học trên các Tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh lục ISI, bao gồm 2 bài trên Tạp chí Zookeys (SCI-E) và 6 bài trên Tạp chí Comptes Rendus Biologies (SCI)", ông Phạm Đình Sắc chia sẻ ngay trong động Tiên Sơn, thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Theo đó, việc phát hiện và công bố giống bọ cạp mới cho khoa học, tên khoa học là Vietbocap, tên Việt Nam là Bọ cạp Việt Nam, đã ghi dấu ấn lớn trong khoa học. Đây là giống bọ cạp đặc biệt, quý hiếm, sống chuyên biệt trong môi trường hang động.

Trong tổng số 9 loài được phát hiện nói trên, có 8 loài sống trong môi trường hang động, đây là những loài động vật sống chuyên biệt trong hang động (troglobitic), cơ thể thích nghi với môi trường hang động như không có mắt hoặc giảm thiểu mắt, màu sắc cơ thể nhạt, chân và xúc biện dài. Thêm một đặc điểm nữa là các hang động tìm thấy bọ cạp đều biệt lập với nhau.

Liên quan đến công tác bảo tồn loài, phát triển bền vững đa dạng sinh học ở Việt Nam, bọ cạp là nhóm động vật không xương sống có ý nghĩa trong khoa học và thực tiễn đời sống.

Nọc của bọ cạp là nguồn nguyên liệu dược tiềm năng, để sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe con người. Các nhà khoa học đã tìm ra được một số hoạt chất trong nọc một số loài bọ cạp có khả năng tìm và tiêu diệt tế bào ung thư nhưng lại không làm ảnh hưởng đến các tế bào khoẻ mạnh.

Ví dụ, tại Cuba, các nhà khoa học đã sử dụng một số hoạt chất từ nọc bọ cạp xanh để sản xuất thành công thực phẩm chức năng (Vidatox) chữa bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, nghiên cứu bọ cạp vẫn là hướng nghiên cứu mới ở Việt Nam và ở đất nước chúng ta, hiện ghi nhận được 34 loài bọ cạp.

Với 9 loài bọ cạp được phát hiện và công bố trong thời gian từ 2010 - 2020, có 8 loài phân bố trong hang động (mỗi loài chỉ phân bố trong 1 hang động). Hang động là hệ sinh thái biệt lập, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài và các hang động tìm thấy bọ cạp cũng biệt lập với nhau.

Theo Howarth (2003), những loài động vật sống chuyên biệt hang động được xác định là những loài đặc hữu cho vùng. Như vậy, 8 loài bọ cạp mới phân bố ở hang động là 8 loài đặc hữu cho Việt Nam nói chung và cho hang động tìm thấy bọ cạp nói riêng. Phát hiện này không chỉ nâng cao giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam mà còn rất có ý nghĩa trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Cụ thể, các loài bọ cạp trong hang động (8 loài) chỉ sống trong 1 hang động, kích thước quần thể nhỏ, kích thước vùng phân bố rất hẹp. Bên cạnh đó, các loài bọ cạp trong hang động rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường sống. Chúng sống trong môi trường ổn định (cường độ ánh sáng bằng 0, nhiệt độ và độ ẩm ổn định).

Những hang động bị tác động bởi con người (như phát triển du lịch) sẽ làm suy giảm quần thể bọ cạp và chúng có thể biến mất nếu không được bảo tồn.

Hiện nay, dựa trên nghiên cứu tình trạng bảo tồn của 2 loài bọ cạp, Euscorpiops cavernicola (động Hua Mạ, Bắc Kạn) và loài Vietbocap thienduongensis (động Thiên Đường, Quảng Bình), kết quả cho thấy theo các tiêu chí của IUCN, hai loài trên có thể được đề xuất ở tình trạng cực kỳ nguy cấp (CE) cần đưa vào Sách Đỏ của Việt Nam và IUCN.

Dưới góc độ khoa học, PGS.TS Phạm Đình Sắc cho rằng, việc phát hiện các loài bọ cạp mới cho khoa học rất có ý nghĩa cho công tác bảo tồn loài và phát triển bền vững đa dạng sinh học Việt Nam.

"Việc phát hiện các loài bọ cạp mới cho khoa học không chỉ nâng cao giá trị đa dạng sinh học, mà còn chỉ rõ giá trị đặc hữu và tình trạng hiện tại của loài trong công tác bảo tồn loài; hay các loài đặc biệt, quý hiếm trong công tác bảo tồn nguồn gen; cũng như trong công tác bảo tồn hệ sinh thái (hang động)", ông Phạm Đình Sắc phân tích.

Các phát hiện các loài bọ cạp mới cho khoa học cho thấy hang động ở Việt Nam có giá trị đa dạng sinh học cao, với nhiều loài đặc hữu trong khi Việt Nam đang sở hữu hệ thống hang động trong top đầu thế giới.

"Điều này gửi đi một thông điệp rõ ràng tới các nhà quản lý. Đó là cần phải bảo vệ giá trị đa dạng sinh học hang động trong khi khai thác du lịch phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Bên cạnh đó, việc khai thác nọc của bọ cạp phục vụ trong y dược học cần phải tuân thủ nguyên tắc sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên sinh học ở Việt Nam", chuyên gia về bọ cạp của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam khẳng định.

Kết quả khảo sát ở 21 hang động khu vực vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và khu vực mở rộng đã chỉ ra những khác nhau chính trong sự quần tụ của khu hệ động vật không xương sống là những khác nhau ấn tượng trong đa dạng loài, số lượng cá thể, và giá trị đa dạng sinh học (chỉ ra bởi các loài mới cho khoa học) giữa các nhóm hang động.

Nhóm 1 là các hang 17, hang 18, động Tiên Sơn, hang Ba Đa, hang Cầu Chày, hang Rục, và hang Mu Ngành có số lượng cá thể, số loài cũng như giá trị đa dạng sinh học thấp. Các hang động thuộc nhóm này với kích cỡ nhỏ (chiều dài và chiều rộng hạn chế). Bên cạnh đó, cấu trúc các hang động trong nhóm này đơn giản, ít ngóc ngách. Các đặc điểm này là điều kiện bất thuận cho sự phát sinh, phát triển và tồn tại của các loài động vật không xương sống trong hang động.

Nhóm 2 là hang Tượng, hang Lờ Đờ, hang Sót, hang 11, hang Tối, hang Núi Đôi, Hang E, và hang E cạn. Các hang động này có kích thước quần thể ở mức trung bình.

Các hang động thuộc nhóm 3 là động Phong Nha, động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng cửa sau, hang Cha Ra, hang Đá Vôi, và hang Mò O khác biệt hoàn toàn so với các hang động nhóm 1. Các hang động này có mức độ đa dạng sinh học cao hơn so với các hang động khác. Các hang động thuộc nhóm 3 với kích thước lớn cả về chiều dài và chiều rộng, cấu trúc phức tạp với nhiều ngóc ngách. Đây là những đặc điểm thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của các loài động vật không xương sống trong hang động.

Kết quả khảo sát trước đây của PGS.TS Phạm Đình Sắc tại khu hệ động vật không xương sống hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và khu vực mở rộng cho kết quả là 730 cá thể trưởng thành bao gồm 83 loài, 55 họ, 24 bộ, 7 lớp động vật không xương sống. Trong đó, 48 loài có đời sống chuyên biệt với môi trường hang động, 25 loài có thể mới cho khoa học.

Trong số 83 loài động vật không xương sống ghi nhận được, có 35 loài thuộc nhóm vãng lai, tức là những loài được tìm thấy phổ biến bên ngoài hang động, 48 loài còn lại (chiếm 57,83%) thuộc nhóm thích nghi chuyên biệt với môi trường hang động.

Hiện nay, một số hang động có gia trị đa dạng sinh học cao như động Tiên Sơn, động Thiên Đường, hang Tối, động Phong Nha,... đã và đang có các hoạt động khai thác phát triển du lịch. Do đó, làm thế nào để vừa khai thác phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn được các giá trị đa dạng sinh học là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Ví dụ, các loài dơi và chim coi hang động như ngôi nhà của mình. Các loài động vật này tạo nên thành phần phân động vật ưa thích của một số động vật không xương sống hang động. Tiếng la hét trong hang động, thú vui tự nhiên của con người là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự quần tụ tự nhiên của dơi và chim.

Những động vật này cung cấp nguồn năng lượng quan trọng cho một số loài động vật không xương sống hang động. Một sự thay đổi của quần thể dơi và chim sẽ gây ra sự biến đổi sâu sắc đến sự quần tụ của khu hệ động vật trong hang động.

Ngoài ra, có một bộ phận du khách không tôn trọng quy tắc đề ra bởi Vườn Quốc gia về ăn uống, hút thuốc trong hang động. Điều này tạo nên một lượng không nhỏ rác rưởi được tìm thấy trong hang động như chai uống nước, hộp nước hoa quả, hộp bia, tiền may mắn, quần áo, vỏ trứng, vỏ lạc,… Những thứ này lôi kéo các loài dịch hại vào trong hang động, ảnh hưởng đến các loài động vật sống trong hang động.

Khảo sát đã tìm thấy loài chuột có mặt ở các hang động có phát triển hoạt động du lịch. Rõ ràng chúng đang tồn tại trong hang, đây là vấn đề lớn cần chú ý. Các thùng rác đặt trong hang động cũng là nguồn thức ăn cho các loài có hại, cần được di chuyển ra ngoài hang động.

Đặc biệt, hệ thống chiếu sáng hiện nay ở một số hang động du lịch là không có lợi cho việc tạo nên nơi sống thích hợp cho khu hệ động vật hang động. Nguồn ánh sáng nhân tạo bất biến là ảnh hưởng có hại cho quần thể dơi và chim ở trong hang. Hệ thống chiếu sáng hiện đại tạo nên một thế giới kỳ ảo kích thích du khách đến thăm quan hang động, càng làm tăng thêm độ ồn ảnh hưởng đến quần thể dơi và chim trong hang động.

Ánh sáng nhân tạo là một vấn đề khác tạo ra sự chiếu sáng không thích hợp trong hang. Sự phát triển của tảo, rêu, hay dương xỉ trong hang động sẽ làm tăng nguồn thức ăn nhân tạo. Vấn đề này có thể được cải tiến bằng cách giảm thời gian chiếu sáng cũng như loại đèn sử dụng.

Động vật không xương sống sống trong hang động không chỉ đa dạng về số loài và số lượng cá thể mà còn rất đặc trưng về hình thái và mang tính đặc hữu cao.

Do sự cách biệt với môi trường bên ngoài, cùng với sự khác biệt về chế độ ánh sáng cũng như ẩm độ, hình thành những loài chuyên biệt thích nghi với điều kiện sống trong hang động. Chính vì vậy, rất nhiều taxon mới đã được ghi nhận ở các hang động khắp nơi trên thế giới.

Bên cạnh đó, nhiều loài động vật không xương sống đang bị đe dọa bởi các tác động của con người, có nguy cơ biến mất nếu không được bảo tồn. Với trên 300 hang động lớn nhỏ đã được phát hiện tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, được xem như những bảo tàng thiên nhiên sống, là nơi cư trú của nhiều loài động vật không xương sống bản địa và hết sức đặc biệt nhưng chưa được nghiên cứu.

Việc phát hiện và mô tả các taxon mới cho khoa học chính là chứng minh tính chất đặc hữu của khu hệ động vật không xương sống ở vùng, là việc làm cấp thiết, làm sáng tỏ giá trị tiềm ẩn của đa dạng sinh học ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tùng Đinh - Bảo Thắng - Duy Học
Trọng Toàn
Tùng Đinh