Gia Lai có điều kiện tự nhiên về khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp cho việc phát triển đa dạng các loại cây trồng và vật nuôi. Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền đã thu hút được nhiều tổ chức, doanh nghiệp đến đầu tư các dự án trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 845.000ha đất sản xuất nông nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao thuộc nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây là điểm mạnh thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lĩnh vực trồng trọt trong và ngoài nước.
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn gắn với các nhà máy, cơ sở chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, hơn 98.700ha cà phê, gần 88.000ha cao su, hơn 29.000ha cây ăn quả, hơn 23.300ha điều, hơn 79.300ha khoai mì, hơn 76.000ha lúa nước, gần 37.000ha mía, 690ha chè…
Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã thu hút được 50 dự án trồng trọt với quy mô hơn 8.500ha, tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, 29 dự án đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, 5 dự án đang chờ phê duyệt chủ trương đầu tư, 4 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư, được nhà đầu tư quan tâm và 12 dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư.
Hiện một số dự án đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả cao như: Dự án Trồng cây dược liệu kết hợp trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Đoa, Trung tâm giống cây trồng chất lượng cao tại huyện Chư Pưh, Nhà máy chế biến trái cây Quicornac tại TP. Pleiku…
Vào tháng 5/2021, Công ty Cổ phần Quốc tế Thông Đỏ đã khởi công xây dựng Trung tâm sản xuất giống cây trồng chất lượng cao, chủ lực là giống chanh leo giai đoạn 1 với quy mô 12.000m2 nhà màng huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Không lâu sau đó, Công ty Cổ phần Quốc tế Thông Đỏ cũng kịp hoàn thành giai đoạn 2 nâng tổng quy mô diện tích nhà màng lên 30.000m2. Hiện trung tâm này có khả năng cung ứng ra thị trường 11 triệu cây giống chanh leo/năm. Dự kiến, giai đoạn 3 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023, nâng công suất lên 20 triệu cây giống chanh dây/năm.
Ông Lê Văn Tuyến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ cho biết, Trung tâm đã và đang ứng dụng công nghệ sản xuất theo hướng nông nghiệp hiện đại được chuyển giao từ Đài Loan.
Đề cập đến việc chọn Gia Lai làm điểm đến để đầu tư, ông Tuyến cho biết, công ty đã cung cấp giống chanh dây được hơn 10 năm ở các tỉnh Đăk Nông, Lâm Đồng, Đăk Lăk… Sau này nhận thấy Gia Lai có rất nhiều tiềm năng đề phát triển chanh dây, nhất là khu vực các huyện Mang Yang, Đăk Đoa… quả chanh dây phát triển rất tốt, giá xuất khẩu cao.
“Trước khi quyết định đầu tư Trung tâm sản xuất giống cây trồng chất lượng cao vào Gia Lai, chanh dây nơi đây đang phát triển rất mạnh, diện tích ngày càng được mở rộng. Cùng với đó, các nhà máy thu mua chanh dây lớn như Quicornac, Đồng Giao, Nafoods… cũng đã xuất hiện ở Gia Lai giúp cho loại cây này phát triển lâu dài và bền vững”, ông Tuyến chia sẻ.
Chia sẻ về việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, thời gian qua tỉnh Gia Lai đã nỗ lực triển khai việc thu hút đầu tư, qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị kinh tế trên địa bàn tỉnh.
“Trong thời gian tới, Gia Lai tiếp tục định hướng thu hút đầu tư trong nông nghiệp thông qua việc bám sát kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 tại Quyết định số 874/QĐ-UBND ngày 09/12/2021.
Cụ thể, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, rau hoa và cây dược liệu… phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị gần với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để đáp ứng thị trường và phục vụ du lịch”.
Những năm qua, việc hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng hàng hóa chủ lực của tỉnh Gia Lai đều gắn với các nhà máy, cơ sở thu mua, chế biến nông sản, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Điển hình với cây cà phê, tỉnh Gia Lai hiện có 4 doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cà phê và 99 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến cà phê. Trong đó, 47 cơ sở chế biến cà phê bột, hạt rang và hòa tan.
Trong những năm gần đây, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê cho người dân; từng bước xây dựng mạng lưới sản xuất, thu mua, chế biến cà phê bền vững.
Nhiều thương hiệu cà phê Gia Lai khá nổi tiếng hiện đã có chỗ đứng tại các thị trường có tiềm năng trong nước và xuất khẩu, điển hình thương hiệu cà phê Thu Hà, cà phê Tamba, Classic Coffee, L'amant Café... Thậm chí, các thương hiệu cà phê đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong nước và bước đầu đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, tỉnh Gia Lai cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm rau, quả, dược liệu. Theo đó, mạng lưới kinh doanh và tiêu thụ rau, hoa, quả, dược liệu của Gia Lai khá đa dạng và phong phú. Ngoài cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong tỉnh, sản phẩm rau, hoa, quả, dược liệu được thương lái thu mua, cung cấp cho các chợ đầu mối và cơ sở chế biến tại một số tỉnh thành trong nước.
Bên cạnh đó, Gia Lai đã có các sản phẩm chủ lực như chuối, dứa, chanh dây, khoai lang Nhật… thông qua doanh nghiệp đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Điển hình, sản phẩm LOPANG BANANA của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai lần đầu tiên được bán và phân phối qua 81 đại siêu thị ở Hàn Quốc. Sản phẩm chanh dây Gia Lai, lô hàng Việt đầu tiên xuất sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco Gia Lai).
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, trong những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng đã có những tín hiệu khởi sắc.
Hiện nay, thị trường các nước đang dần mở cửa, điều này đã tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu nông sản tốt hơn. Cùng với đó, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường, những khó khăn về logistics, vận chuyển được tháo gỡ, giá cước ngày càng giảm, thì việc xuất khẩu nông sản của Gia Lai có nhiều thuận lợi.
Tuy nhiên, cùng với cơ hội từ thị trường thì xuất khẩu, tiêu thụ nông sản được dự báo vẫn còn nhiều thách thức. Trên bất kỳ thị trường nào thì nông sản Việt cũng phải xây dựng chiến lược cạnh tranh về chất lượng, giá cả, thương hiệu.
Do vậy, điều cần làm ngay với sản xuất nông nghiệp trong nước nói chung, Gia Lai nói riêng là thực hiện tập trung sản xuất, nâng cấp chất lượng cho tất cả các ngành hàng nông sản hàng hóa theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính. Một trong những yêu cầu bắt buộc là truy xuất nguồn gốc.
Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, để nông sản Gia Lai có cơ hội giữ vững chỗ đứng và phát triển thị phần, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu thì điều kiện tiên quyết là phải đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng. Liên kết hình thành vùng trồng, đảm bảo mã số vùng trồng đủ lớn và sản phẩm cung cấp ổn định cho thị trường cả về chất lượng và sản lượng.
Hiện nay, không chỉ thị trường trong nước và xuất khẩu đang ngày càng khắt khe về truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện nay, Sở NN-PTNT Gia Lai đang tăng cường phối hợp với Sở Công thương đẩy mạnh việc cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ nông sản; cảnh báo thị trường, rào cản kỹ thuật, kiến thức về hội nhập… để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển, thâm nhập, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, Gia Lai đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng các kênh phân phối từ sản xuất đến tiêu dùng trong nước và xuất khẩu theo chuỗi bền vững, ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc phù hợp yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
Qua đó, dần xóa bỏ hiện tượng “được mùa, mất giá”, chủ động thị trường và giá bán nông sản, từ đó nâng cao giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị các ngành hàng nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 204 dự án chăn nuôi với quy mô trên 100.000 con bò, trên 4 triệu con heo, gần 60.000 gia cầm với tổng vốn đầu tư gần 35.000 tỷ đồng. Trong đó, 62 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, 142 dự án đang xin chủ trương. Hiện có 25 dự án đã đi vào hoạt động với số lượng hơn 49.000 con bò và hơn 200.000 con heo.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, ngành chăn nuôi của tỉnh đang có nhiều chuyển biến rõ nét, chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, tập trung. Qua đó, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng loài vật nuôi có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ, có thị trường ổn định. Nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, khép kín tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Ngành chăn nuôi nước ta có một thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn vì thịt lợn, bò, gia cầm là một trong những loại thực phẩm được ưa chuộng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do để xuất khẩu sang các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia... Đây chính là cơ hội rất lớn để ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.
Trong những năm gần đây, tỉnh đã tạo điều kiện và thu hút được nhiều nhà đầu tư đến đầu tư vào lĩnh vực xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, theo hướng công nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi.
Dự án cung cấp sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương. Khi dự án đi vào hoạt động đóng góp cho ngân sách địa phương và nhà nước thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật; qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Hiện tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với quy mô lớn, các doanh nghiệp đều ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi về giống, thức ăn chăn nuôi, quy trình nuôi dưỡng, xử lý chất thải ..., cụ thể như: Công ty TNHH MTV chăn nuôi bò Trung Nguyên; Công ty CP chăn nuôi bò thịt, bò sữa Cao Nguyên; Công ty CP Diên Hồng Gia Lai; Công ty cổ phần chăn nuôi Gia Lai; Công ty TNHH Chăn nuôi Bách Mộc Phát, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam…
Về giống vật nuôi, các doanh nghiệp sử dụng các giống ngoại có năng suất, chất lượng cao như giống bò Brahman, Droughtmaster, Holstein Friesian… được nhập từ Newzealand và Úc. Trong khi đó, các giống heo như Landrace, Yorshire, Duroc, Peitrain nhập từ các trại giống trong nước và nhập khẩu từ Canada.
Về quy trình chăn nuôi, các áp dụng quy trình chăn nuôi heo với công nghệ tiên tiến đang được các nước phát triển áp dụng như chuồng lạnh, có hệ thống làm mát tuần hoàn nhằm tạo tiểu khí hậu chuồng nuôi giúp vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao; nuôi chuồng sàn; thức ăn công nghiệp; sử dụng các sản phẩm xử lý môi trường nhằm phân hủy các chất hữu cơ, giảm thiểu mùi hôi.
Các doanh nghiệp cũng luôn đề cao vấn đề về an toàn dịch bệnh khi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh với hệ thống chuồng trại khép kín, quy trình tiêm phòng vacxin, vệ sinh, tiêu độc khử trùng để phòng chống dịch bệnh.
Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng 2 cơ sở chăn nuôi tại huyện Kông Chro và Kbang với quy mô trên 4.000 con bò thịt. Trong đó, bò chủ yếu được nhập khẩu từ Úc và một số ít ở trong nước.
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Diên Hồng Gia Lai cho biết lý do chọn Gia Lai để đầu tư: “Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Gia Lai rất phù hợp cho ngành chăn nuôi phát triển. Trong đó, dư địa đất nông nghiệp rất nhiều, đặc biệt Gia Lai có cánh đồng cỏ rộng lớn, đó là cơ hội cho ngành chăn nuôi phát triển. Mặt khác, Gia Lai rất gần với cảng biển Quy Nhơn nên rất thuận lợi cho việc xuất khẩu sang thị trường các nước”.
Ông Thái Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai cho biết, thời gian qua tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thông qua việc tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và có cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, Gia Lai định hướng trong thời gian tới sẽ chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô lớn, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ vào sản xuất. Gia Lai tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi tập trung nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Với tiềm năng phát triển nông nghiệp và đặc biệt là sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp hứa hẹn trong thời gian tới, nông nghiệp tỉnh Gia Lai sẽ có bước đột phá, mang lại giá trị gia tăng cho người sản xuất và góp phần phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà”, ông Có chia sẻ.