Chiều cuối năm, nhà báo Trần Cao - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, dẫn tôi về Hà Đông thăm GS.TS Đào Xuân Học - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam. Về hưu, ông được Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) mời làm chuyên gia cố vấn cao cấp, với mức lương cao nhất trong các chuyên gia Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng, sau 2 năm gắn bó với tổ chức này, ông quyết định nói lời chia tay để rẽ hướng khởi nghiệp với mô hình giáo dục liên cấp (liên kết với Nhật Bản).
Kiến thức thủy lợi kết hợp với kinh nghiệm quản lý ngành nông nghiệp giúp ông kiến tạo vườn rau xanh khổng lồ rộng khoảng 3.000m2 trên sân thượng của ngôi trường Quốc tế Nhật Bản. Nhờ đó, suốt 8 năm kể từ khi thành lập, nhà trường không phải bỏ một đồng nào để mua rau xanh từ bên ngoài. Ông cũng chuyển về sống tại đó để điều hành nhà trường, ngày ngày chăm vườn rau quả.
Ông bảo: “Năm nay tớ mới ‘dễ thở’ hơn chút. Chứ năm ngoái phải ‘đánh vật’ với các văn bản góp ý, phản biện 7 quy hoạch tích hợp từ cấp quốc gia đến cấp vùng và địa phương, nên bận túi bụi”. Cả cuộc đời ông gắn bó với ngành thủy lợi, thế nên dù bận rộn điều hành ngôi trường với 1.000 học sinh, 200 cán bộ giáo viên và công nhân, lúc nào ông cũng dành tâm lực của mình để cống hiến những ý tưởng đột phá phát triển thủy lợi của quốc gia.
GS Đào Xuân Học cùng các chuyên gia trong Hội Thủy lợi cũng đang viết cuốn sách về lịch sử thủy lợi Việt Nam. Đó là khát vọng, ý chí và quyết tâm của cả một dân tộc làm thủy lợi để lấn biển, mở mang bờ cõi; làm thủy lợi để phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai; làm thủy lợi để khai phá tài nguyên đất đai và phát triển nông nghiệp cũng như các ngành kinh tế - xã hội và môi trường, mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia.
Ông thừa nhận rằng: “Có lúc quan điểm về đầu tư thủy lợi của cá nhân mình cũng sai, và đến cuối đời mới nhận ra điều đó. Sự thay đổi của thực tiễn sản xuất và khoa học công nghệ thúc đẩy chúng ta thay đổi tư duy phát triển ngành nước bền vững hơn”. Năm mới Ất Tỵ 2025 là dấu mốc quan trọng, kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành Thủy lợi Việt Nam đồng hành cùng đất nước. Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu cuộc đối thoại của nhà báo Trần Cao và GS Đào Xuân Học để nhìn lại tầm vóc, vị thế của ngành thủy lợi suốt chiều dài lịch sử dân tộc và tầm nhìn chiến lược cho tương lai.
Nhà báo Trần Cao: Có thể nói, tầm vóc và chiến lược phát triển thủy lợi của Việt Nam đã được định hình từ xa xưa và không ngừng được nâng tầm qua các thời kỳ lịch sử. Năm 1959, Cụ Hồ đã khái quát: “Có đất và có nước, thì mới thành Tổ quốc. Có đất và có nước thì dân giàu nước mạnh” và “nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất và nước điều hòa với nhau…”. Đây là mệnh đề biện chứng. Và, kể cả trong suốt thời kỳ chiến tranh ác liệt, chúng ta tập trung nguồn lực rất lớn cho phát triển thủy lợi. Cho dù chỉ bằng gồng gánh, cuốc, thuổng, chúng ta vẫn đắp nên những con đập, con đê vững chắc cho đến ngày hôm nay. Đặc biệt, khi thống nhất đất nước, chúng ta có điều kiện để phát triển mạnh mẽ hệ thống thủy lợi. Đến những công trình kỳ vĩ như hồ Cửa Đạt, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, cống Cái Lớn - Cái Bé… hoàn toàn do người Việt Nam xây dựng, bất cứ ai cũng thấy tự hào và xúc động, kể cả chuyên gia Hà Lan cũng đánh giá đó là những công trình đẳng cấp thế giới. Vậy giáo sư có thể phân tích sâu sắc hơn về sự đóng góp của thủy lợi cho đất nước?
GS Đào Xuân Học: Điều anh Trần Cao vừa nói là rất đúng. Việc chinh phục thiên nhiên là quá trình rất dài. Công lao cha ông mình rất lớn, rất vĩ đại. Trong lịch sử nước ta, vỡ đê rất nhiều lần. Lụt lội cũng rất lớn, gây thiệt hại vô cùng nặng nề. Từ năm 1108, nhà Lý bắt đầu đắp đê Cơ Xá để bảo vệ kinh thành Thăng Long khỏi ngập lụt. Đến đời nhà Trần tiếp tục đắp đê bảo vệ vụ chiêm, nhưng vụ mùa vẫn để lũ vào đồng. Sang thời Lê Sơ thì bắt đầu đắp đê hai bên sông Nhị Hà, chống lũ cả năm…
Thủy lợi cũng là công cụ để mở mang bờ cõi, như chúng ta đã biết, ngày xưa biển vào tận Hưng Yên chứ đâu phải lùi về mãi tận Nam Định, Thái Bình như bây giờ. Đó là do chúng ta lấn dần ra, đầu tiên là đắp đê nhỏ, sau hình thành đê lớn vững chắc như bây giờ.
Trong quá trình đô hộ nước ta, thực dân Pháp cũng không thể bỏ bê vấn đề trị thủy. Họ đã đầu tư 13 hệ thống thủy lợi trên cả nước. Và ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, một số vùng bắt tay vào khôi phục lại hệ thống thủy lợi hư hỏng do người Pháp để lại. Đặc biệt, phong trào làm thủy lợi phát triển mạnh mẽ từ năm 1955, tháng 6/1956, Bộ Thủy lợi - Kiến trúc mà trực tiếp là ngành thủy lợi đã tập trung nghiên cứu xây dựng hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Ngày 1/10/1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cuốc nhát đầu tiên khởi công xây dựng, mở ra đại công trường thủy lợi này. Sau 7 tháng (đúng ngày Quốc tế Lao động 1/5/1959), đại công trình thủy lợi điều phối tưới tiêu cung ứng cho ba tỉnh Bắc Ninh - Hưng Yên - Hải Dương đã hoàn thành. Công trình đột phá đầu tiên, lấy nước sông Hồng để biến vùng đất “sống ngâm da, chết ngâm xương”, mùa mưa thì ngập lụt, mùa khô thì hạn hán, thành vùng trọng điểm lương thực với diện tích toàn bộ hệ thống là 192.000ha. Trong 7 tháng thi công Bác Hồ đã 4 lần về thăm công trình đại thủy nông này, cho thấy tầm quan trọng của thủy lợi đối với quốc gia.
Và trên tinh thần ấy, từ sau khi đánh thắng giặc Pháp năm 1954 đến năm 1975, thì nước ta đầu tư lớn nhất vào phát triển thủy lợi, chứ không phải giao thông. Giai đoạn đó thủy lợi là hàng đầu. Nhờ đó, tăng năng suất, ổn định lương thực, cung cấp cho cuộc chiến tranh thống nhất đất nước.
Nhà báo Trần Cao: Phải khẳng định rằng hệ thống thủy lợi của miền Bắc thời điểm trước năm 1975 được nghiên cứu, đầu tư rất bài bản, nhưng không phải là không có nhược điểm. Vậy những kinh nghiệm rút ra được ở miền Bắc giúp ích gì cho giai đoạn sau năm 1975, khi các nhà khoa học thủy lợi Nam tiến để chinh phục vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long?
GS Đào Xuân Học: Nếu ở miền Bắc, chúng ta hình thành hệ thống đê bao đóng kín, không đưa lũ vào trong để tận dụng phù sa và phát triển đa dạng hệ sinh thái cũng như các giá trị khác từ lũ, thì ở miền Nam, thành tựu lớn nhất mà ngành thủy lợi làm được là dùng lũ để cải tạo phèn (từ 1,8 triệu ha đất phèn thời điểm trước năm 1975 xuống còn 130.000 - 150.000 ha như hiện nay).
Công trình đột phá đầu tiên nhất, đem lại hiệu quả lớn và được người dân miền Nam đánh giá cao chính là kênh Hồng Ngự (bà con quen gọi với cái tên trìu mến là kênh Trung ương). Lúc đó có rất nhiều tranh cãi.
Vùng Đồng Tháp Mười chủ yếu là đất phèn, mà người Hà Lan nói là đất phèn không thể cải tạo được. Thế nhưng mình vẫn quyết chí đào kênh Hồng Ngự lấy nước lũ vào để cải tạo phèn. Nhờ có công trình này mà diện tích khai thác vùng Đồng Tháp Mười tăng lên rất lớn. Có thể hình dung, khi mình thống nhất đất nước, sản lượng lúa ở ĐBSCL chỉ 4 triệu tấn, bây giờ đạt khoảng 25 - 27 triệu tấn. Riêng viết về kênh Hồng Ngự có thể là một câu chuyện lớn.
Tiếp nối kênh Hồng Ngự thắng lợi, chúng ta bắt tay làm 8 kênh lớn thau chua rửa phèn cho vùng Tứ giác Long Xuyên. Trước đó, những người phụ nữ miền Bắc di cư vào trong đó bị lở loét hết vì nhiễm phèn, nhưng nhờ các công trình dùng lũ để cải tạo phèn, đã giải quyết được vấn đề này. Đó cũng là công trình đột phá thứ hai ở miền Nam, có dấu ấn chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đóng góp khoa học của Giáo sư Nguyễn Sinh Huy (Giảng viên trường Đại học Thủy lợi). Lúc đó không phải không có ý kiến phản đối, nhưng kết quả đã rất thành công.
Tuy nhiên, không phải không có những sai sót trong tầm nhìn phát triển thủy lợi. ĐBSCL lúc đó mình chỉ nghĩ đến an ninh lương thực, nên ngọt hóa diện tích lớn quá. Ví dụ, chúng ta xây dựng các cống ngăn mặn ở Cà Mau rất sát biển, nhưng sau này mình dư thừa lương thực rồi, nhu cầu nuôi trồng thủy sản lớn, có một số cống phải phá đi để người dân lấy nước mặn vào nuôi trồng thủy sản. Chúng tôi cũng thấy đó là cái mình sai, nhưng lúc đó mục tiêu chính trị là an ninh lương thực, nên mình làm như thế. Sau này vẫn phải xây dựng cống, nhưng thiết kế khác đi để kiểm soát mặn ngọt cho hài hòa, lúc cần mặn thì lấy mặn, lúc cần giữ ngọt vẫn giữ được để đảm bảo bền vững hơn.
Nhà báo Trần Cao: Nhân câu chuyện về ĐBSCL, có thể thấy vùng đất này chỉ chiếm 5% diện tích toàn lưu vực sông Mê Kông. Hay nói cách khác là phụ thuộc rất nhiều lượng nước từ thượng nguồn về. Cùng với vấn đề nguồn nước ngày càng cạn kiệt, vùng ĐBSCL đang ngày càng chìm dần do tác động của nước biển dâng, sụt lún, khai thác cát quá mức. Ngập lụt đô thị do triều ngày càng nặng nề hơn. Rõ ràng, cần phải có những tư duy mới trong chiến lược phát triển thủy lợi để giải quyết các thách thức của đồng bằng này trong tương lai?
GS Đào Xuân Học: Thượng nguồn sông Mê Kông có rất nhiều vấn đề. Chúng ta hình dung là 144 hồ chứa, chủ yếu phục vụ mục tiêu phát điện là chính. Nguyên tắc của hồ chứa thủy điện là giữ cột nước càng cao, lượng điện năng tạo ra càng lớn, nên họ chỉ xả nước vào cuối mùa kiệt, còn đầu mùa kiệt người ta không xả, thậm chí vẫn tích nước vào hồ, nước dùng cho phát điện bằng và ít hơn lượng nước về hồ.
Điều này lý giải tại sao bây giờ xâm nhập mặn ở ĐBSCL lại đến rất sớm và nặng như vậy. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, do dung tích hồ thượng lưu lớn, nên lưu lượng bình quân mùa lũ sẽ giảm, những năm lũ nhỏ sẽ không còn lũ, nhưng lưu lượng cực đoan mùa lũ không giảm; lưu lượng bình quân mùa kiệt sẽ tăng, nhưng lưu lượng cực đoan mùa kiệt không tăng.
Thách thức lớn nữa là lòng sông ở ĐBSCL ngày càng mở rộng và sâu do khai thác cát quá mức kết hợp với nước biển dâng và sụt lún đất từ 1,5 – 3cm/năm nên nhiều đô thị phía Nam bị ngập rất nặng. Năm 2011 có lũ lớn, anh Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ gọi tôi dậy lúc 4h sáng. Khi ấy, ngập trên 50% diện tích của thành phố. Bây giờ có những chỗ ngập sâu cả mét. Rõ ràng là với tác động bây giờ thì giải pháp thủy lợi cũng phải khác. Chính phủ đã đồng ý chủ trương chủ động sống chung với lũ để khai thác tất cả lợi ích của lũ. Nhưng cần phải đầu tư các công trình kiểm soát chủ động để khi cần là có thể đưa nước lũ vào, khi lũ lên quá cao thì phải chặn được lũ, không gây ngập lụt đô thị, làng mạc, vườn cây ăn trái, không thể để lũ lớn phá hoại hết cơ sở hạ tầng. Đó là cái mình học được ở phía Bắc. Quy hoạch thủy lợi miền Nam cũng tiếp tục phải làm. Hiện nay vùng ngọt để trồng lúa liên tục 3 vụ co lại. Còn vùng giao thoa mặn ngọt 1 vụ trồng lúa 1 vụ nuôi tôm rất tốt, tuy nhiên cần phải chú ý rằng nếu mình không có công trình thì không thể kiểm soát mặn - ngọt được và nuôi trồng sẽ không bền vững.
Riêng đối với vùng mặn ven biển, cả cuộc đời tôi lăn lộn chuyên môn thủy lợi từ Bắc vào Nam nhưng gần cuối đời tôi thừa nhận mình đã từng sai. Tôi luôn nói với Chính phủ rằng nếu không cấp ngọt cho người dân nuôi trồng thủy sản thì người dân sẽ khai thác nước ngầm vô tội vạ để nuôi tôm (do nước biển bốc hơi sau vài ngày sẽ tăng độ mặn đến 40 - 45‰, tôm không thể lớn được. Cần phải cấp nước ngọt để pha loãng độ mặn trong môi trường nước).
Nhưng cách đây 3 năm, tôi tình cờ gặp người được mệnh danh là “vua tôm” Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ông dẫn tôi đi thăm hai mô hình nuôi tôm thâm canh quy mô rất lớn ở Vũng Tàu và Tiền Giang. Họ lấy nước biển cách đó từ 4-6km, dẫn nước biển vào bên trong và xử lý trong 1 ngày và cứ mỗi ngày thay 20% lượng nước, thì nồng độ muối luôn giữ ổn định từ 29 - 31‰ (môi trường rất lý tưởng để tôm phát triển), thậm chí nếu độ mặn nước biển tăng tới 35‰ thì tôm lớn chậm hơn nhưng thịt tôm rất chắc, bán giá cao hơn.
Lúc ấy tôi mới nhận ra rằng, hóa ra họ chẳng cần dùng một chút nước ngọt nào cả mà vẫn nuôi tôm hiệu quả. Sau đó, tôi mời đại diện Tổng cục Thủy lợi (nay là Cục Thủy lợi) và Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản) đi thực địa, đánh giá hai vùng nuôi tôm thâm canh ở Vũng Tàu và Kiên Giang. Họ đã có báo cáo gửi Bộ NN-PTNT cách đây 3 năm rồi.
Nhà nước chỉ cần đầu tư hệ thống công trình thủy lợi để lấy nước biển sau đó dẫn nước qua hệ thống đường ống vào trạm bơm cách đó 4 - 6km. Từ sau trạm bơm người dân phải tự đầu tư đường dẫn nước và hệ thống nước thải riêng.
Đến nay, tôi rất đồng tình với đề xuất của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam trong bản quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Cửu Long là xây dựng 4 vùng nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh lấy nước biển (Kiên Giang 900ha, Bạc Liêu có hai vùng: một vùng 450ha và một vùng 400ha và Cà Mau 400ha).
Nhà báo Trần Cao: Tôi muốn hỏi giáo sư một điều, trước đây khi đề xuất làm một công trình thủy lợi nào đó, thường là xảy ra tranh cãi rất lâu. Điển hình như trường hợp đề xuất xây dựng hệ thống Ngàn Trươi - Cẩm Trang và Cái Lớn - Cái Bé, có khi phải mất gần chục năm thì mới có quyết định đầu tư chính thức. Bây giờ thì Cái Lớn - Cái Bé và cả Ngàn Trươi - Cẩm Trang đều đã thấy rõ hiệu quả rồi. Nhưng tới đây, Nam bộ, nhất là ĐBSCL có thể phải tiếp tục xây dựng hệ thống công trình kiểm soát mặn - ngọt trên các hệ thống sông khác như sông Vàm Cỏ, sông Hàm Luông… Vậy nên chăng cần có tầm nhìn sâu xa cho tương lai đất nước, cho con cháu chúng ta để các dự án đầu tư không bị lỡ nhịp, hối tiếc?
GS Đào Xuân Học: Như trên tôi đã phân tích, ĐBSCL là vùng rất trũng thấp, độ dốc các lưu vực sông rất thấp. Nó khác với các sông ở đồng bằng sông Hồng có độ dốc khá lớn. Bây giờ triều, mặn gần vào đến Cần Thơ rồi. Vừa qua, trong quy hoạch tích hợp ĐBSCL Chính phủ đã phê duyệt, sau năm 2030 bắt đầu phải xây dựng cống và đê dọc các sông lớn giống như phía Bắc. Đặc biệt, không có con đường nào khác phải xây dựng cống kiểm soát mặn ngọt trên các lưu vực sông.
Sắp tới sẽ làm trên sông Vàm Cỏ (nếu không xây dựng dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công), sau là Hàm Luông. Không thể khác được, vì ĐBSCL đang chìm dần. Làm nhanh ngày nào thì tốt ngày đó. Trong ngành thủy lợi, các cụ gọi là “gạn triều tiêu úng”, triều lên thì ta đóng lại, triều xuống mở cống nếu không cần trữ ngọt.
Ở TP.HCM, lúc bàn về giải pháp chống ngập, tôi đề xuất làm dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công. Nếu làm được cái đó thì chúng ta sẽ có “bụng chứa lũ” lên tới 1,5 tỷ m3 và TP.HCM có thể chủ động tuyệt đối trong vấn đề chống ngập lụt. Dự án này hoàn toàn là đổi đất lấy hạ tầng (sử dụng đất và mặt nước ở lòng hồ), Nhà nước chỉ cần chi tiền khảo sát, thiết kế và ban hành dự án, còn lại tư nhân làm hết.
Tháng 3/2010 tôi báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng rất ủng hộ; ông Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình. Sau đó, Thủ tướng cho làm nghiên cứu, hình thành 5 đề tài với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Tất cả các đề tài đều kết luận là ủng hộ hoàn toàn. Đặc biệt, Viện Chiến lược của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị tính toán hiệu ích kinh tế, đều khẳng định rất tốt.
Khi tôi nêu ý tưởng với Đại sứ quán Hà Lan thì 11 ông giáo sư của Hà Lan sang giúp quy hoạch thích ứng biến đổi khí hậu đều khẳng định nếu làm được như vậy thì đây sẽ là vùng sôi động nhất đất nước luôn. Tuy nhiên, rất tiếc là đến nay dự án vẫn “nằm im”. Toàn dân làm thủy lợi, cả nước làm thủy lợi.
Nhà báo Trần Cao: Nói về câu chuyện hệ thống sông Hồng, chúng ta thấy lộ rõ những bất cập: Các dòng sông nội địa chảy ngược nước ô nhiễm ra sông Hồng; công trình thủy lợi thì ở trên cao, nước các sông ngày một tụt sâu phía dưới. Vậy, trong tầm chiến lược, chúng ta có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này, thưa giáo sư?
GS Đào Xuân Học: Cái này trong quy hoạch tổng thể quốc gia đã có rồi. Quy hoạch của vùng ĐBSH cũng đưa vào rồi. Bây giờ chắc chắn phải làm hai đập dâng, một đập sau cống Xuân Quan, một đập sau cống Long Tửu. Nó sẽ dâng mực nước lên, làm sống lại sông Nhuệ, sông Tích, sông Đáy và sông Bắc Hưng Hải, các công trình thủy lợi có thể chủ động lấy nước bất kỳ lúc nào; Hà Nội cũng sẽ rất đẹp.
Tất nhiên có người nói xây đập trên sông sợ này kia, nhưng bây giờ công nghệ rất đơn giản. Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng mô hình cửa van ngăn nước biển chống ngập cho thành phố Venice của Ý, mỗi cánh cửa giống như cánh tay, có thể nâng lên để dâng mực nước, còn khi có lũ thì nó lại hạ xuống mặt đáy sông, không ảnh hưởng gì đến dòng chảy lũ; giao thông thủy sau khi qua âu thuyền đi lại rất thuận lợi.
Nhà báo Trần Cao: Từ câu chuyện đắp đê, xây đập hay đào sông lấn biển qua các thời kỳ lịch sử, giáo sư có thể khái quát về những bước phát triển của khoa học thủy lợi Việt Nam, để có thể tạo nên những công trình thủy lợi kì vỹ như Cấm Sơn, Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Tân Mỹ, Cái Lớn - Cái Bé… trong những năm qua?
GS Đào Xuân Học: Có thể nói, công nghệ thủy lợi của Việt Nam thuộc loại tiên tiến trên thế giới, còn khu vực Đông Nam Á thì rất là xuất sắc. Thời xưa chúng ta chỉ làm đập đất thôi, sau này là đập bê tông rồi đến đập bê tông đầm lăn; đập đá đổ bê tông bản mặt… thậm chí, nhiều công trình như đập Thảo Long trên sông Hương hay cống Cái Lớn - Cái Bé, chúng ta không cần chặn dòng chảy mà vẫn làm được công trình khổng lồ trên dòng sông ấy.
Trước đây các nhà khoa học Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và các nhà phụ trách lương thực thế giới rất ngạc nhiên về năng suất, sản lượng lúa của Việt Nam. Ở Philippines là nơi lưu giữ giống lúa của thế giới, nhưng năng suất bình quân và sản lượng lúa thua xa Việt Nam. Bởi vậy, người ta đánh giá, thành tựu lớn của nông nghiệp Việt Nam có được, ngoài việc cải tiến giống lúa thì yếu tố làm nên thành công là Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống công trình thủy lợi để khắc chế thiên nhiên.
Còn ý chí của nhân dân, của những người làm công tác thủy lợi dưới sự lãnh đạo của Đảng tôi cho là vô cùng tuyệt vời. Không có một công trình nào vĩ đại như Bắc Hưng Hải được làm thủ công 100% chỉ trong 7 tháng đã hoàn thành. Không có quốc gia nào toàn dân làm thủy lợi, cả nước làm thủy lợi để hoàn chỉnh hệ thống thủy nông. Ở đâu cũng có Đội thủy lợi trong các hợp tác xã nông nghiệp (Đội 202).
Xin cảm ơn GS Đào Xuân Học! Kính chúc ông thật nhiều sức khỏe và thành công!