Tiến sĩ Bùi Bá Bổng ở tuổi 72 đã là một nhân vật không xa lạ với cộng đồng ngành nông nghiệp. Ông từng đảm nhận vai trò Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long từ năm 1999 đến năm 2001, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn từ năm 2001 đến năm 2013, chuyên gia cao cấp của tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) từ năm 2013 đến năm 2015. Vừa rồi, ông được tín nhiệm giữ vị trí Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA).
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng làm thơ khá sớm, bài thơ “Hoa nở trong vườn chiêm bao” in trên tạp chí Tuổi Hoa năm 1971, ông đã có các câu thơ hay về mẹ: “Hoa mướp sai phấn vàng áo mẹ/ Bữa cơm chiều khói ấm mái tranh/ Buổi đông về mẹ ngồi nhóm lửa/ Trời rét bên ngoài cũng như không”.
Năm 1972, chàng sinh viên Bùi Bá Bổng có tập thơ in riêng với tên gọi “Tình ca gửi người em cố xứ” mà hôm nay đọc lại vẫn thấy nhiều câu thơ xao xuyến: “Lòng tôi vừa như mùa bông lúa nở/ Giữa trời xanh tôi đã thấy mắt em/ Rất thơ dại như muôn ngàn lá cỏ/ Tôi sợ vu vơ sương khói chiều lên”.
Sau năm 1975, Bùi Bá Bổng chìm khuất vào công việc đồng áng. Tiếp theo, hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lý hành chính đã chiếm gần hết thời gian mỗi ngày của ông. Những bài thơ thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong sổ tay Bùi Bá Bổng, nhưng ông không công bố. Mãi đến đầu năm 2024, ông mới gom lại hành trang thi ca của mình thành tuyển thơ “Về nhà”, và phát hành online đến những người bạn.
Tuyển thơ “Về nhà” của Bùi Bá Bổng gồm ba phần, “Lời mẹ dặn”, “Tĩnh tâm” và “Về nhà”. Đọc 29 bài thơ được chính ông chọn lọc khá kỹ lưỡng, chợt nhận ra chân dung một người làm thơ lấp lánh trong chân dung một nhà nông học trong từng khoảnh khắc: “Mải miết dòng đời trôi im vắng/ Một ngày thôi chảy suốt trăm năm”.
Hình ảnh người mẹ nơi quê nhà Bình Định luôn run rẩy như một biểu tượng ám ảnh của thơ Bùi Bá Bổng. Từ “áo mẹ vàng hoa mướp”, ông nhớ mẹ lúc cất bước tha phương “Lời mẹ vẫn theo mỗi bước anh đi/ Đơn giản quá mà cũng bao la quá”. Ông thương mẹ lúc đất khách bôn ba “Mẹ ngồi ung dung nhai miếng trầu cay/ Khi biết anh mỗi ngày vẫn vui cùng tập thể”. Và ông ngoảnh lại tháng năm xa xôi ái ngại vẫn thấy bóng mẫu thân trong bóng cố hương thật bình yên: “Ngày còn lạnh với hơi sương/ Mẹ ngồi bên bếp gạo thơm lửa hồng/ Có hương từ rạ trên đồng…”.
Cả đời gắn bó với ngành nông nghiệp, tiến sĩ Bùi Bá Bổng trăn trở cùng năng suất lúa và chất lượng gạo, thì thơ ông cũng thổn thức từng vụ mùa. Những năm lặn lội ở Ô Môn, Cần Thơ để lại cho ông niềm bâng khuâng: “Năm năm anh đi xa thành phố/ Miền Tây mênh mông những cánh chim trời/ Nắng mưa hai mùa anh đi trồng lúa/ Biết yêu em và cảm tạ ơn đời”.
Có lẽ, hiếm nhà thơ nào nhìn được vẻ đẹp cây lúa với nhiều xúc động như Bùi Bá Bổng. Thành kính trước cây lúa, ông được bồi hồi “Cây lúa như bài ca kỳ diệu/ Như nàng Kiều qua bao nỗi gian truân” và ông được trầm tư “Ai làm đất hóa phù sa/ Ơn người, hạt gạo đi qua nhọc nhằn”. Có lẽ ông có nhiều khuya thao thức để thấu hiểu “Lúa đêm không ngủ” xôn xao: “Cây lúa buồn sao đêm không ngủ/ Mà bình minh lên hoa nở lúc nào/ Mai kia hạt lúa đầy dòng sữa/ Thân gầy mà gánh nặng làm sao”.
Những nhà khoa học khi làm thơ thường bị lý trí lấn át, lấy ý thơ làm chủ đạo mà lắm phen hụt hẫng chất thơ. Thế nhưng, riêng thơ Bùi Bá Bổng lại rất đắm đuối. Ông có những câu viết đẫm chất thơ, ngậm ngùi thương nhớ “Trên những dốc đồi mấy năm cũ kỹ/ Em đi qua bước lặng âm thầm/ Như lòng anh năm tháng nín câm/ Không nói được một lời đã cũ”, vừa chênh chao tình tứ “Lúc em chờ, biết sáng mai/ Một bông hoa nở còn vài giọt sương/ Lúc chờ em, ở cuối đường/ Bao lâu cũng đợi về vườn chiêm bao”.
Những vùng đất đã đặt chân đến, những con người đã gặp gỡ đều lắng đọng kỷ niệm trong thơ Bùi Bá Bổng. Ông ngơ ngác với mưa xuân Hà Nội “Mưa sao mà nhẹ như sương/ Mưa giăng nỗi nhớ con đường tôi qua”. Ông bịn rịn với quán vắng Sài Gòn: “Chiều nay một mình trên góc phố/ Ly cà phê hết tuổi hẹn hò/ Tôi ngồi đây còn bên ngoài cửa sổ/ Thành phố những người lam lũ xa quê”.
Từ ngày nghỉ hưu, tiến sĩ Bùi Bá Bổng quay lại làm thơ, mà ông nói với bạn bè là chỉ viết cho vui, nhưng các bài ông mới viết rất đằm thắm và day dứt. Ông thấy vùng sáng ân cần trong tổ ấm: “Về nhà giũ áo phiêu bồng/ Nhìn em vo gạo nhớ đồng ruộng xưa/ Đi theo bông lúa mỗi mùa/ Áo hoa em đã hóa màu bông lau”. Và ông cũng thấy một trần gian của lòng thương yêu “Mông lung ở tuổi bảy mươi/ Nắng còn vàng nhạt áo người gió bay/ Rượu buồn thiếu một người say/ Ai ngồi như tượng mơ ngày bão tan/ Mai kia có một trần gian/ Thương yêu là hạt giống vàng ra hoa”.
Không chỉ đã hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, tiến sĩ Bùi Bá Bổng còn may mắn hơn khi có thi ca dắt dìu qua những phút giây chấp chới vui buồn. Thơ ông hiển lộ sự dung dị và sự trìu mến: “Tuổi già mong được một lần/ Nhóm cho mẹ bếp lửa hồng đêm đông/ Thay cha mưa nắng trên đồng/ Mồ hôi thấm đất ra bông lúa vàng/ Núi cao sông chảy từ nguồn/ Xin sao trời thắp giùm ngàn nén hương”. Thơ ông tự vấn và giải bày những âu lo lương thiện: “Trong một đời, nhiều ngày lao xao/ Nay đến lúc về khúc sông tĩnh lặng/ Không bọt sóng chỉ phù sa chìm lắng/ Lặng lẽ trôi về những cánh đồng xa”.
Tuyển thơ “Về nhà” đánh dấu sự trở về một tâm hồn thơ đã không mất đi qua thời gian và người đọc thấy ông vẫn còn nguyên một tâm hồn rạo rực: “Ngựa đưa người về từ cuối trời xa/ Gió thổi ngược nắng chiều lên vách núi/ Bầu rượu ơi đã không già như tuổi/ Chữ đã say rồi trên những trang thơ”. Bởi có lẽ ông đã thấm thía đầy đủ giá trị của lẽ sống trước ngổn ngang mất còn danh lợi phù vân: “Riêng đời không có hơn thua/ Cỏ nằm dưới đất vẫn đưa gió về”.