Vùng chuyên canh lúa 1 triệu ha có quy mô rất lớn, vì vậy cần có sự lựa chọn các bước đi một cách khoa học theo phương châm “làm chắc, kết quả thật”.
Ngành lúa gạo Việt Nam đã bước qua hai lời nguyền day dứt nhiều năm. Một là Việt Nam nước xuất khẩu gạo lớn nhưng chất lượng gạo thấp, luôn thua thiệt trên thị trường thế giới và hai là khó khăn trong tiêu thụ lúa cho nông dân, nhất là lúa hè thu (thu hoạch vào mùa mưa) mà Nhà nước nhiều năm đã phải giải cứu với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ.
Thời gian gần đây sự thay đổi đã xảy ra khi chất lượng gạo Việt Nam được xác lập vị trí cao trên thị trường thế giới cũng như người tiêu dùng trong nước có thể mua gạo Việt rất ngon. Tin vui liên tục đến khi gạo ST25 của Việt Nam đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2019; trên thị trường thế giới giá gạo trắng của Việt Nam nhiều thời điểm vượt lên trên giá gạo Thái Lan và Ấn Độ là hai cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu; một lượng gạo đáng kể có thương hiệu Việt đã đi vào các ngách nhập khẩu yêu cầu rất khắt khe về chất lượng như thị trường Châu Âu...
Bên cạnh đó trong khi nhiều nông sản gần đây gặp khó trong tiêu thụ nhưng lúa thì không. Hầu như lúa hàng hoá của nông dân được tiêu thụ khá tốt cho dù giá lúa có biến động. Bước qua hai lời nguyền đó là một nỗ lực không ngừng nghỉ của Nhà nước và đặc biệt của nông dân trong nhiều thập niên từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo vào năm 1989 sau nhiều năm nhập khẩu gạo.
Xóa bỏ hai lời nguyền nói trên, tuy nhiên đến nay vẫn còn hai lời nguyền ngành lúa gạo Việt Nam phải vượt qua trong giai đoạn tới để phát triển bền vững, làm tròn sứ mệnh nòng cốt đóng góp cho an ninh lương thực quốc gia. Một là thu nhập của người trồng lúa còn thấp, nói chính xác hơn là quá thấp và hai là sản xuất lúa làm tăng biến đổi khí hậu, tạo ra lượng phát thải khí nhà kính rất lớn. Theo số liệu của FAO năm 2020, lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp của Việt Nam chiếm 18% tổng lượng phát thải cả nước; riêng trong nông nghiệp lượng phát thải từ trồng lúa cao nhất, chiếm đến 48%.
Ai sẽ giữ đất lúa cho thế hệ con cháu khi nông dân sản xuất lúa thu nhập thấp và liệu giá trị thiêng liêng của lúa gạo là sự sống của con người có bù được thiệt hại môi trường sống do phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gây ra?
Để vượt qua hai lời nguyền này là đích đến cốt lõi của của Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đang được Bộ NN-PTNT chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện trong giai đoạn 2023-2030. Vùng lúa 1 triệu ha này có thể hình dung là một mẫu hình sản xuất lúa lý tưởng, đặc biệt việc giảm phát thải khí nhà kính trên diện rộng trong sản xuất lúa có lẽ là bước đi tiên phong của Việt Nam trên thế giới. Một mẫu hình mà thế giới mong đợi vì lúa gạo là thực phẩm chủ yếu của 3,5 tỷ người, gần phân nửa dân số thế giới.
Một điều rất đáng lưu ý là cách tiếp cận để bước qua hai lời nguyền trên là tương đồng nhau, có cùng một nền tảng chung hay nói cách khác cùng một mũi tên nhưng trúng hai đích.
Nền tảng đó là “nông dân phải liên kết trong hợp tác xã và những thửa ruộng nhỏ phải liên kết để trở thành cánh đồng lớn hiện đại”. Nông dân thiếu liên kết thì không đủ sức mạnh tạo ra giá trị về chất lượng để tăng thu nhập và không có cánh đồng lớn thì không thể áp dụng biện pháp canh tác giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời không thể áp dụng công nghệ cao, công nghệ số và cơ giới hóa đồng bộ.
Nền móng của 1 triệu ha đang nằm ở những nhiệm vụ trọng tâm của nhà nước về phát triển hợp tác nông nghiệp kiểu mới và phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh cho vùng chuyên canh lúa 1 triệu ha.
Những thành tựu của sản xuất và kinh doanh lúa gạo thời gian qua như về giống lúa chất lượng cao, các kỹ thuật tiên tiến như “1 phải 5 giảm”, SRP - sản xuất lúa bền vững, hệ thống thủy lợi, cơ giới hóa… cần được tiếp tục phát huy để gia cố cho nền móng đó.
Cách tiếp cận thường biết trước đây là đặt doanh nghiệp có vai trò làm động lực tạo ra sự liên kết giữa nông dân với nhau, tức đặt hàng bao tiêu sản phẩm và tìm kiếm nông dân liên kết. Bài học đã qua cho thấy liên kết như vậy không thể mở rộng và không bền vững. Vai trò tiên phong của doanh nghiệp là hình thành liên kết dọc trong chuỗi giá trị lúa gạo, còn tạo liên kết ngang của nông dân, doanh nghiệp chỉ góp phần hỗ trợ.
Một điểm khác cũng cần lưu ý là vùng chuyên canh lúa 1 triệu ha có quy mô rất lớn (trên 50% đất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long và 26% diện tích đất lúa cả nước), vì vậy cần có sự lựa chọn các bước đi một cách khoa học theo phương châm “làm chắc, kết quả thật”.
Bước đi đó theo nhịp của sự phát triển hợp tác xã nông nghiệp và hiện đại hóa hạ tầng sản xuất và chế biến lúa gạo trong vùng. Thực hiện trước những nơi có điều kiện thuận lợi để mức giảm phát thải khí nhà kính có thể định lượng và quy thành tín chỉ carbon mà các tổ chức quốc tế có thể mua để làm thí điểm.
Những nơi khác tiếp tục củng cố kỹ thuật “1 phải 5 giảm” hoặc “SRP”, các kỹ thuật này cũng đóng góp cho giảm phát thải khí nhà kính và tăng thu nhập cho nông dân để chuẩn bị phát triển lên bước cao hơn. Riêng chỉ một yếu tố kỹ thuật như giảm mật độ gieo sạ nếu áp dụng trên 1 triệu ha nhờ tiến bộ cơ giới hóa như máy gieo cụm sẽ tiết kiệm cho nông dân khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, chưa kể dẫn theo giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu; hoặc đưa rơm rạ sau thu hoạch ra khỏi đồng ruộng để tái chế, tái sử dụng sẽ giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra giá trị tăng thêm.
Sự hợp lực của Nhà nước, nông dân và tổ chức của mình - hợp tác xã, và doanh nghiệp cùng với sự liên kết giữa nông dân thông qua hợp tác xã và doanh nghiệp là yếu tố quyết định sự thành công. Vai trò nhà nước xây dựng nền móng và hỗ trợ phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí nhà kính còn chính là biểu hiện sự cam kết của Việt Nam với quốc tế trong quyết tâm giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.