Ông là Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đóng trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định). Năm 1993, Chính phủ ban hành lệnh cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên thông qua Chỉ thị 462-TTg ngày 11/9/1993 về quản lý chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển và xuất khẩu gỗ. Trong thời kỳ này, Việt Nam đối mặt với tình trạng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn 27,8% vào những năm đầu 1990. Chỉ thị đóng cửa rừng của Chính phủ dẫn tới việc các lâm trường (nay là công ty lâm nghiệp) không còn chỉ tiêu khai thác gỗ rừng tự nhiên, đồng nghĩa mất nguồn thu để hoạt động.
Sự thể trên đã làm nảy lên trong đầu lãnh đạo Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn ý tưởng phải phát triển trồng rừng nguyên liệu, tạo nguồn thu để nuôi sống nhân viên, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Từ năm 2000, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đã khởi động công cuộc trồng rừng nguyên liệu.
Sau 10 năm trồng rừng nguyên liệu khai thác gỗ nhỏ cung cấp cho các nhà máy chế biến dăm gỗ theo kiểu “ăn xổi ở thì”, lãnh đạo Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn nhận thấy trồng rừng khai thác gỗ nhỏ quá “thất sách”. Bởi, chẳng bao giờ đơn vị có nguồn thu nhập lớn mà cứ mãi loay hoay với mức thu nhập thấp.
Bắt đầu từ năm 2010, lãnh đạo Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn nảy ra ý tưởng phải phát triển rừng gỗ lớn để gia tăng giá trị rừng trồng, đồng thời tạo ra nguồn gỗ nguyên liệu thay thế gỗ rừng tự nhiên. Đến năm 2012, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn xây dựng phương án phát triển rừng gỗ lớn để đón đầu nhu cầu cấp thiết của thị trường gỗ nguyên liệu phục vụ cho hàng trăm doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu trên địa bàn. Khi ấy, ông Nguyễn Ngọc Đạo là Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn phụ trách công tác trồng rừng, nên ông nghiễm nhiên “đóng vai chính” trong công cuộc phát triển rừng gỗ lớn của công ty.
“Diện tích đất trồng rừng không thể sinh sôi, vì thế diện tích rừng trồng cũng không thể “nẩy nở”. Để làm tăng giá trị rừng trồng, cũng là để làm nguồn nguyên liệu cung ứng cho lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu khi nguồn gỗ rừng tự nhiên đã không còn, không gì khác hơn là phải trồng rừng gỗ lớn”, ông Nguyễn Ngọc Đạo khẳng định.
Nói về quá trình phát triển rừng gỗ lớn của đơn vị, ông Nguyễn Ngọc Đạo, nhớ lại: Từ năm 2012, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn khởi động trồng 30 ha rừng gỗ lớn tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn), diện tích này vừa được khai thác trong năm 2023.
Đến năm 2015, đơn vị này tiếp tục trồng 170 ha rừng gỗ lớn tại xã Đăk Mang (huyện Hoài Ân), diện tích rừng này đã khai thác 80 ha trong năm 2024, còn lại 90 ha sẽ khai thác trong năm 2025. Năm 2016, công ty tiếp tục trồng 92 ha tại 2 xã Đăk Mang và xã Bok Tới (huyện Hoài Ân), diện tích này dự kiến sẽ khai thác vào năm 2026.
Năm 2018, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quay lại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) trồng thêm 20 ha, sang năm 2020, cũng tại xã Tây Thuận đơn vị này trồng thêm 26 ha, những diện tích nói trên sẽ khai thác vào năm 2028 và 2030. Hai năm 2021 và 2022, đơn vị này cũng đã trồng thêm được gần 180 ha tại xã Đăk Mang (huyện Hoài Ân).
Giai đoạn 2023-2025, theo kế hoạch, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn sẽ khai thác rừng trồng gỗ nhỏ và trồng lại rừng gỗ lớn với diện tích gần 287 ha. Trong đó, năm 2023 đã khai thác, trồng lại rừng gỗ lớn trên địa bàn 2 xã Đăk Mang và Bok Tới (huyện Hoài Ân) với diện tích hơn 89 ha, diện tích này dự kiến khai thác vào năm 2032.
Năm 2024, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn tiếp tục khai thác rừng trồng gỗ nhỏ và trồng lại rừng gỗ lớn tại 2 xã Đăk Mang, Bok Tới (huyện Hoài Ân) và xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh) với diện tích 117,5 ha, diện tích này dự kiến sẽ khai thác vào năm 2033. Năm 2025, đơn vị này có kế hoạch trồng mới tại xã Đăk Mang 80 ha rừng gỗ lớn, diện tích này dự kiến sẽ khai thác vào năm 2034.
Trong quá trình Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn phát triển rừng gỗ lớn, ông Nguyễn Ngọc Đạo đã ấp ủ ý tưởng phải làm thế nào để làm tăng hiệu quả rừng trồng đến mức cao nhất có thể. Để biến ý tưởng thành thực tiễn, ông Đạo đề xuất công ty xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn với cây giống được lựa chọn. Song song, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn còn xây dựng nhiều mô hình sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao để phục vụ công tác trồng rừng gỗ lớn.
“Năm 2009, trong thời gian bảo vệ luận văn thạc sĩ, tôi đã chuyên tâm nghiên cứu về rừng gỗ lớn, về những giống cây bản địa để phát triển rừng gỗ lớn”, ông Đạo nhớ lại.
Trong cuộc đời làm báo, chúng tôi đã gặp không ít chủ rừng đang sở hữu cả hàng trăm héc-ta rừng trồng, họ là những người rất tâm huyết với nghề trồng rừng. Thế nhưng khi nói đến chuyện trồng rừng gỗ lớn, hoặc chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn thì phần lớn trong họ đều tỏ vẻ ái ngại. Họ ái ngại là trồng rừng gỗ lớn hao tốn công sức và tiêu tốn chi phí đầu tư nhiều, nhưng không biết hiệu quả mang lại có tương xứng không.
Tuy nhiên, trò chuyện với ông Nguyễn Ngọc Đạo, chúng tôi hiểu ra chuyện trồng rừng gỗ lớn không phải là ngoài tầm với của nông dân, mà là chuyện trong tầm tay, đồng thời nhận biết được lợi ích lớn rừng gỗ lớn mang lại là rất lớn.
Theo ông Đạo, điều kiện tiên quyết trong trồng rừng gỗ lớn là chọn vùng đất có lập địa tốt. Đất tiềm năng trồng rừng gỗ lớn phải có tầng đất dày, để rễ có điều kiện phát triển nuôi cây. Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện trồng rừng gỗ lớn thì đã có đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm công tác phân tích đất, nhưng hộ cá nhân muốn trồng rừng gỗ lớn thì không có điều kiện này, chủ yếu “phân tích” đất bằng mắt, nên giảm khả năng thành công.
Một chuyến dẫn chúng tôi tham quan những cánh rừng gỗ lớn xanh mướt của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, ông Đạo chia sẻ: Nếu người dân có đất, muốn trồng rừng gỗ lớn mà không có điều kiện phân tích đất theo phương pháp khoa học, thì chỉ cần nhìn những diện tích rừng đã được trồng trước đó trong vùng. Nếu thấy những cánh rừng trồng được 4 năm tuổi mà đường kính của cây đạt trên 8cm, đồng nghĩa mỗi năm cây rừng phát triển được 2cm, ấy là vùng đất có tiềm năng trồng rừng gỗ lớn.
“Bởi, cây rừng mỗi năm phát triển đường kính được 2cm chứng tỏ vùng ấy có tầng đất dày, bộ rễ có điều kiện phát triển bám sâu vào đất, hạn chế được đổ ngã do mưa bão và chắc chắn rừng sẽ sinh trưởng phát triển tốt. Đối với những diện tích rừng trồng trước đó thường được khai thác sớm để bán cho cho các nhà máy chế biến dăm gỗ, giờ muốn chuyển hóa thành rừng gỗ lớn thì cũng theo kinh nghiệm tương tự, nếu rừng mình trồng được 4 năm mà cây có đường kính trên 8cm là yên tâm chuyển hóa rừng gỗ lớn”, ông Đạo phân tích.
Ông Đạo chia sẻ thêm: Trồng mới rừng gỗ lớn cần lưu ý đến mật độ trồng. Theo khuyến cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), mật độ trồng chỉ 1.300 cây/ha, nếu trồng 2.000 cây/ha phải tỉa thưa. Thế nhưng đối với điều kiện thực tế tại miền Trung, người trồng rừng nên trồng với mật độ 2.000 cây/ha để dự phòng cây giống bị chết do thời tiết khắc nghiệt.
Tại Bình Định, ông Đạo cho rằng thời vụ trồng rừng cần phải linh động. Đối với những huyện miền núi giáp ranh với Tây Nguyên như các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh và huyện trung du Hoài Ân, thời vụ trồng rừng cần đẩy sớm. Sau Tết Đoan Ngọ vào khoảng tháng 5, tháng 6 trời thường có mưa giông, rừng được trồng vào thời điểm này sẽ có cơ hội phát triển tốt. Nếu trồng vào tháng 9, tháng 10, lúc này trời đã trở lạnh, trồng rừng vào mùa lạnh cây sẽ chậm phát triển. Đặc biệt, giống keo gặp lạnh sẽ sinh nấm khiến cây không sinh trưởng được. Những vùng đồng bằng từ tháng 8 đã có mưa, khi mưa vừa thấm đất người dân cần bắt tay trồng rừng ngay, nếu để hết mùa mưa trời sẽ trở lạnh, trồng rừng rất bất lợi.
Điều ông Đạo quan tâm nhất trong việc phát triển rừng gỗ lớn là về cây giống. Ông trăn trở: Xưa nay trồng rừng, bà con theo thói quen cứ một giống được trồng lặp đi lặp lại vụ này đến vụ khác, dẫn đến giống bị thoái hóa. Trồng rừng cần thay đổi giống để tránh cây rừng bị nhiễm bệnh do thoái hóa gây ra. Đặc biệt, có những giống trong giai đoạn đầu phát triển rất nhanh, giai đoạn sau thì phát triển chậm lại. Cũng có những giống giai đoạn đầu chậm phát triển, nhưng sau đó lại phát triển nhanh.
“Do đó, trồng rừng gỗ lớn cần trồng theo phương thức hỗn giao từng đám. Đám này trồng loại giống phát triển sớm, đám kia trồng loại giống phát triển sau, không nên trồng lẫn lộn các giống với nhau, để tránh tình trạng những giống phát triển nhanh lấn ép những cây phát triển chậm khiến rừng lớn không đều.
Trồng rừng hỗn giao còn ngăn ngừa được sâu bệnh hại cho cây rừng. Chất lượng và giá trị rừng trồng phụ thuộc không ít vào chất lượng cây giống. Do đó, chúng tôi cam chắc chất lượng rừng gỗ lớn được bắt đầu từ vườn ươm, chúng tôi di thực nhiều giống về trồng thử nghiệm để chọn ra những giống chất lượng nhất”, ông Đạo cho hay.
Hiện nay, Bình Định có khoảng 146 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp đang hoạt động. Phân theo loại hình đăng ký kinh doanh thì có 24 doanh nghiệp, 4 đơn vị sự nghiệp; 118 cơ sở sản xuất. Trong đó, 3 đơn vị có nhà nuôi cấy mô sản xuất các giống keo lai, bạch đàn, chủ yếu là dòng U6.
Về nguồn giống, Bình Định có 153 vườn cây đầu dòng với diện tích hơn 44 ha cung cấp hom keo lai. Chất lượng cây giống lâm nghiệp sản xuất tại Bình Định không chỉ được người trồng rừng trong tỉnh tin tưởng, mà còn lan tỏa đến người trồng rừng trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, sang đến Lào, Campuchia.
Số lượng sản xuất cây giống lâm nghiệp ở Bình Định tăng lên từng năm. Đơn cử: Năm 2019 Bình Định chỉ sản xuất được gần 124 triệu cây giống lâm nghiệp; trong đó, keo lai giâm hom hơn 116 triệu cây, keo lai cấy mô gần 8 triệu cây; sang năm 2020 số lượng giống cây lâm nghiệp Bình Định sản xuất ra tăng lên gần 159 triệu cây, trong đó keo lai giâm hom gần 152 triệu cây, keo lai mô hơn 7 triệu cây. Năm 2021, sản xuất cây giống lâm nghiệp ở Bình Định tăng đến gần 163,6 triệu cây; trong đó keo lai giâm hom gần 151,4 triệu cây, keo lai cấy mô tăng đến hơn 12,2 triệu cây. Càng về sau, số lượng sản xuất cây giống lâm nghiệp ở Bình Định ngày càng tăng.
“Nếu trồng keo lai, người trồng rừng nên nên đặt mua cây giống từ 2 dòng trở lên để phòng trừ rủi ro về sâu bệnh. Các dòng hiện nay đang trồng phổ biến là AH1, BV75; BV33, BV32, AH7… Cây giống lâm nghiệp nên mua cây loại 1 của đơn vị có đăng ký kinh doanh, có nguồn giống được công nhận”, ông Đạo chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, ông Đạo còn trăn trở việc thiếu trầm trọng lao động phục vụ công tác khai thác rừng. Thực tế cho thấy, khu kinh tế, khu công nghiệp mọc lên càng dày thì nạn thiếu lao động nghề rừng càng trầm trọng. Bởi, thanh niên ở các làng quê hầu hết đều “đầu quân” cho các công ty, xí nghiệp, ở nhà chỉ còn những người trung niên và người già. Trong khi trồng rừng là phải đào hố, vận chuyển cây giống; khai thác rừng phải lột vỏ và vận chuyển gỗ lên xe, đó là những việc rất nặng nhọc, chỉ có thanh niên trai tráng mới kham nổi. Do đó, đến thời vụ khai thác, trồng mới lại rừng là xảy ra tình trạng “khát” nhân công.
Còn nhớ, vào năm 2022, gỗ rừng trồng tăng đột biến lên đến 1,7 triệu đồng/tấn, sự thể này đã khiến những cánh rừng mới 3-4 năm tuổi đã được những hộ trồng rừng khai thác trắng. Mật độ khai thác càng dày thì càng hút nhân công. Do đó, công lao động nghề rừng bây giờ tăng cao ngất mà vẫn tìm không ra.
Theo ông Cù Văn Mẫn, người hiện đang sở hữu khoảng 100 ha rừng keo đã cho kinh doanh ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước, Bình Định), nhân công khai thác rừng trồng bây giờ đều làm khoán, tùy rừng ở vị trí đất bằng hay trên núi cao, rừng dễ khai thác hay khó khai thác, dễ lột vỏ hay khó lột vỏ, các chủ rừng phải trả công khai thác từ 200.000 đến 400.000đ/tấn.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, nặng lòng trăn trở chuyện đã đến lúc phải nghĩ đến chuyện cơ giới hóa trồng, khai thác rừng trồng. Ông Đạo phân tích: Riêng khâu đào hố tốn rất nhiều công, đặc biệt, trồng rừng gỗ lớn cần phải sử dụng máy khoan hố để hố đạt độ sâu cần thiết. Ở Bình Định, hiện đã có nhiều chủ rừng dùng máy múc để đào hố. Cơ giới hóa khâu đào hố chi phí tăng cao hơn so với đào thủ công, nhưng sau này cây sẽ sinh trưởng tốt, lại đỡ công chăm sóc và chắc chắn năng suất sẽ cho cao.
“Sử dụng máy khoan hố trồng rừng, rễ cây rừng sẽ ăn sâu vào đất, cây phát triển vững vàng, dù có mưa bão cây cũng không bị rung lắc làm chậm phát triển và ngã đổ”, ông Đạo khẳng định.
Đối với mối lo miền Trung thường xảy ra mưa bão, người trồng rừng ái ngại nuôi rừng gỗ lớn đến 8-10 năm mới khai thác, sợ cây đứng lâu trên đất sẽ không bình yên với gió bão, ông Đạo trấn an: “Cây keo có sức sống rất mãnh liệt. Dù bị gió bão quật ngã rạp sát mặt đất, thời gian sau dù không ai dựng chúng cũng tự đứng dậy, bởi cây keo có tính hướng sáng”.
Ông Đạo dẫn chứng thực tế của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn. Cách đây 5 năm, rừng trồng của công ty này ở huyện Hoài Ân bị bão xô ngã rạp cả hàng trăm héc ta, nhiều cây bị gãy đọt, đơn vị chủ rừng ngỡ là đã thất bại với cánh rừng này, thiệt hại ít nhất 30%. Thế nhưng hiện nay, cánh rừng này đã đứng thẳng, keo mới 8 năm tuổi, lại đã từng bị ngã mà năng suất hiện ước đạt trên 160 tấn/ha. “Chỉ khi bị lốc xoáy, cây trốc gốc hay gãy tiện mới bị chết, nhưng chuyện này hi hữu mới gặp, chứ cây ngã thì không sợ, chúng sẽ tự đứng dậy”, ông Đạo khẳng định.
“Đầu năm 2024, Đoàn công tác của Cơ quan Thương vụ Phần Lan tại thành phố Hồ Chí Minh đã về làm việc với Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn để trao đổi, tìm hiểu về tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh doanh, đồng thời giới thiệu các giải pháp và sản phẩm của Phần Lan trong cơ giới hóa khai thác gỗ. Buổi làm việc đã mở lối cho công ty hướng đến cơ giới hóa công đoạn khai thác rừng trồng”, ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, cho hay.