Truyền thông chính sách là một phần của quản trị quốc gia

 

 

Ông nói, truyền thông chính sách phải đi trước một bước, chứ không chờ có chính sách rồi mới đi truyền thông. Đi sau chỉ là tuyên truyền, cổ động thôi chứ không hẳn là truyền thông chính sách. Truyền thông mà Bộ Y tế đang làm để chuẩn bị chuyển dịch Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B chính là truyền thông chính sách.

Ý ông là...

Ý tôi là truyền thông chính sách với tuyên truyền chính sách là hai chuyện khác nhau. Xin đề cập mấy lý do vì sao phải truyền thông chính sách. Thứ nhất, là để bảo đảm sự minh bạch. Bằng cách chia sẻ thông tin với công chúng, Chính phủ/các Bộ ngành xây dựng được lòng tin và xác lập được chế độ trách nhiệm. Qua đó giúp công chúng thấu hiểu tính hợp lý của các phản ứng chính sách và giúp đấu tranh chống lại tin giả.

Thứ hai, truyền thông chính sách hiệu quả sẽ cung cấp cho công chúng thông tin về mục đích, lợi ích và những tác động của chính sách. Khi đó công chúng có thể tham gia vào các cuộc tranh luận xã hội, phản hồi và đưa ra các lựa chọn phù hợp.

Thứ ba, truyền thông chính sách giúp Chính phủ/các Bộ ngành tương tác với các bên có liên quan, bao gồm các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các chuyên gia và các công dân. Bằng cách này, Chính phủ/các Bộ ngành có thể tiếp nhận được các góc nhìn đa dạng, kiến thức và sự hiểu biết của những người trong cuộc. Sự tham gia này cũng sẽ thúc đẩy tinh thần hợp tác và giúp cân đối tốt hơn nhu cầu và mong muốn của các bên.

Thứ tư, truyền thông chính sách giúp Chính phủ/các Bộ ngành bảo đảm chế độ trách nhiệm trước dân, thúc đẩy dân chủ và củng cố lòng tin của công chúng.

Thứ năm, bằng cách lôi cuốn các bên tham gia đối thoại và cung cấp sự lý giải rõ ràng, có thể giúp xử lý sự bất đồng, điều chỉnh cách hiểu sai lệch và thu hẹp sự khác biệt giữa các bên có liên quan.

Thứ sáu, truyền thông chính sách hiệu quả có thể tăng cường sự ủng hộ, bảo đảm sự tuân thủ của công chúng, đồng thời xử lý dễ dàng những hành vi chống đối nếu có. Truyền thông chính sách rõ ràng và nhất quán cũng giúp cho các đối tượng hưởng lợi nhận biết và tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn lực và các dịch vụ được thiết kế cho họ.

 

 

Thưa ông, chúng ta nói nhiều đến chính sách pháp luật phải làm từ sớm, từ xa, tạo sự đồng thuận xã hội, đảm bảo các dự luật thực sự là của người dân. Song thực tế có những đạo luật mới thông qua chưa có hiệu lực đã phải sửa; có những dự án luật chưa ra tới nghị trường cũng đã gặp phải sự phản đối từ phía xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này là gì thưa ông?

Nguyên nhân nằm ở công nghệ và kỹ thuật lập pháp, nhưng cũng có những nguyên nhân nằm ở chất lượng của truyền thông chính sách. Có vẻ như chúng ta chưa có một chiến lược truyền thông chính sách hữu hiệu và truyền thông chính sách cũng chưa được coi trọng đúng mức.

Có yêu cầu không để cài cắm “lợi ích nhóm” trong ban hành chính sách, pháp luật. Ông nghĩ sao về điều này?

Có lẽ nên hiểu đây là yêu cầu không được cài cắm lợi ích của phe nhóm một cách bất công. Vấn đề là phản ứng chính sách của chính quyền luôn luôn hướng tới lợi ích của ai đó: hoặc là lợi ích của số đông, hoặc là lợi ích của nhóm yếu thế. Đòi hỏi không được cài cắm lợi ích nhóm chung chung là không thực tế.

Vấn đề là hướng tới lợi ích của ai thì phải công khai, minh bạch. Phải giải trình được tại sao một chính sách như vậy lại cần thiết. Chính sách đó nhằm đạt tới mục tiêu gì? Tại sao đứng từ góc độ lợi ích quốc gia, nó lại cần thiết. Tất cả những điều đó đều cần phải được truyền thông. Ai sẽ được nhiều hơn, ai sẽ ảnh hưởng cũng cần phải được truyền thông một cách minh bạch.

Về bản chất, chính sách là một sự phân biệt đối xử. Nếu Nhà nước đầu tư 92 nghìn tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội, thì đối tượng ưu tiên là những người có thu nhập thấp, những người có thu nhập trung bình hoặc thu nhập cao thì không được hưởng ưu tiên. Một chính sách như vậy có cần thiết không? Tất nhiên là cần thiết. Tuy nhiên, sự cần thiết này cần phải được truyền thông đầy đủ.

Tức là chấp nhận có lợi ích trong đấy?

Đúng vậy! Chính sách là phải có lợi ích. Ít có một chính sách nào trung tính hoàn toàn. Rõ ràng, có người được nhiều hơn, có người được ít hơn nhưng mục tiêu chính sách phải rõ, minh bạch. Vì thế mới cần truyền thông chính sách.

Miếng bánh ngân sách chỉ có chừng ấy, chia người này nhiều hơn thì người kia phải ít hơn, đấy là đương nhiên rồi. Vấn đề là việc phân chia như vậy phải biện hộ được.

Các nước phát triển rất coi trọng truyền thông chính sách là vì lý do như vậy. Tôi nhắc lại là mục tiêu của chính sách nó phải rõ. Khi đầu tư các nguồn lực của xã hội để giải quyết một vấn đề nào đó, thì anh phải lý giải được tại sao lại làm như vậy. Và cần phải tham gia đối thoại người dân để việc ban hành chính sách có được sự đồng thuận của xã hội.

Rõ ràng là chúng ta chưa có truyền thông chính sách bài bản, khoa học. Rõ hơn nữa là không có người làm hoặc không được tổ chức tốt khâu truyền thông chính sách?

Tôi cho rằng, nhiều khi vấn đề là do truyền thông chính sách không tốt chứ không hẳn là chính sách của chúng ta không tốt. Ví dụ như chính sách không cho rút tiền bảo hiểm xã hội một lần. Không cho rút là nhằm bảo đảm an sinh cho người lao động khi về hưu. Mục tiêu rất tốt, nhưng truyền thông chính sách không tốt thành ra chính những người lao động lại đứng ra phản đối. Lỗi ở đây là ở truyền thông, hơn là lỗi chính sách.

Hoạch định và ban hành chính sách là phần cấu thành quan trọng nhất của quản trị quốc gia. Chính phủ/Bộ ngành nào vì vậy cũng cần phải có chiến lược truyền thông của mình. Mà truyền thông thì không chỉ có báo chí. Vấn đề là phải có một chiến lược truyền thông và phải có đội ngũ chuyên nghiệp để triển khai chiến lược đó. Báo chí chỉ là một bộ phận của đội ngũ làm công tác truyền thông mà thôi.

Ví dụ, khi một chính sách của một Bộ chuẩn bị được ban hành, thì thông điệp truyền thông về chính sách đó phải được chuẩn bị rất kỹ. Thông điệp đó phải sáng tỏ và có sức lôi cuốn. Rồi chiến dịch truyền thông nó gồm những phần cấu thành gì; đối tượng truyền thông được hướng tới là những ai; tiếp cận các đối tượng đó như thế nào, tiếp nhận thông tin phản hồi ra sao… đều là những vấn đề cần phải được lên kế hoạch triển khai. Ở các nước văn minh, đây là một phần cấu thành rất quan trọng của quy trình chính sách.

Vậy theo ông điểm yếu lớn nhất của mình hiện nay trong truyền thông chính sách là gì? Ông có kiến giải gì cho vấn đề này?

Trước hết là vấn đề nhận thức về truyền thông chính sách. Chúng ta chưa thấy hết vai trò quan trọng của nó, chưa coi đó là một phần cấu thành bắt buộc của quy trình ban hành chính sách.

Vì không có nhận thức đầy đủ nên đang có sự lẫn lộn giữa tuyên truyền và truyên thông chính sách.

Giải pháp thế nào, thì tôi cho rằng chúng ta cần phải đưa truyền thông chính sách thành một phần cấu thành của quy trình ban hành chính sách.

Muốn vậy phải có chiến lược truyền thông: chiến lược truyền thông của Chính phủ, của bộ, ngành. Xây dựng, ban hành một chính sách nào thì cần phải có một chiến lược truyền thông cho chính sách đó.

Và phải có một bộ phận chuyên nghiệp để làm công tác truyền thông chính sách. Đây là một công việc rất khó, những người làm tuyên truyền không chắc đã đảm nhận được.

Tiếp theo là phải bảo đảm kinh phí cho truyền thông chính sách. Quả thực, khó lòng hành xử theo kiểu “tay không bắt giặc” ở đây.

Cứ xem các công ty, các tập đoàn lớn họ chi cho truyền thông như thế nào để xác định mức chi tối thiểu mà chúng ta cần dành cho truyền thông chính sách.

Tiếp đến là phương thức chuyển tải. Đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp sẽ biết có thông điệp rồi, có nội dung rồi thì truyền dẫn như thế nào. Đăng tải ở đâu thì ít người xem và ở đâu thì nhiều người xem nhất. Ví như Tiktok đang thu hút người xem nhiều nhất. Vậy thì sản phẩm truyền thông phải đóng gói thế nào để có thể đưa lên Tiktok. Tiktok, Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác thường dùng trí tuệ nhân tạo để cung cấp các sản phẩm truyền thông theo sự quan tâm của người dùng.

 

 

Có một vấn đề cụ thể như thế này, đó là Luật Đất đai đang quá trình hoàn thiện để ban hành mới. Đất đai lâu nay người dân bức xúc nhiều thứ nhưng có một thứ ấy là chênh lệch địa tô quá lớn mà truyền thông chưa lý giải được tốt nhất để góp phần thúc đẩy phát triển.

Chẳng hạn ở một khu đất ruộng, Nhà nước thu hồi, bồi thường cho người dân theo giá đất ruộng, sau đó đất được xác định nằm trong quy hoạch đất ở, doanh nghiệp được giao hoặc trúng đấu giá thế là từ một sào ruộng dân có thể chỉ được đền bù năm chục một trăm triệu còn khi chia lô bán nền thì giá trị nó mấy tỉ đồng. Thành ra dân bức xúc. Nếu được thiết kế cho truyền thông chính sách ở đây thì theo ông nên như thế nào?

Thực chất, giá cả tăng lên đó là chênh lệnh địa tô. Địa tô là gì, địa tô là phần tăng giá do chính sách mang lại. Chẳng hạn như đất nông nghiệp Nhà nước cho chuyển thành đất ở thì đó là một chính sách và chính sách đó nó làm đất tăng giá.

Cái tăng giá đó không phải là do doanh nghiệp, cũng không phải là do người dân có đất làm ra, cái đó là do chính sách.

Chênh lệch địa tô lớn như vậy thì vấn đề là phân chia sao cho công bằng. Phân cho ai, như thế nào là vừa, là đúng. Phần của người dân có quyền sử dụng đất trước bao nhiêu là vừa, phần của doanh nghiệp bao nhiêu là vừa, ngân sách được bao nhiêu là công bằng. Vấn đề nằm ở chỗ đó nên truyền thông chính sách phải đi trước chỗ này.

Như Nghệ An, năm 2022 thu ngân sách được 21.000 tỷ đồng, thì trong đó 7.000 tỷ đồng là thu từ đất, chiếm đến 33%. Như vậy giá đất tăng sẽ đóng góp cho ngân sách và ngân sách đó chi cho công bằng thì toàn dân được lợi.

Tuy nhiên, điều đó đến nay vẫn chưa được truyền thông cho rõ ràng. Nếu không, người dân chỉ nghĩ rằng đất của tôi giờ bán cho ai đó chênh bao nhiêu tỷ là doanh nghiệp được hưởng. Kỳ thực làm gì có chuyện đó. Nhưng bây giờ có bao nhiêu lãnh đạo có được sự thấu hiểu như vậy để xử lý truyền thông, để làm yên lòng dân?

Trở lại vấn đề đất đai và Luật Đất đai, tôi nghĩ rằng, những vấn đề như Nhà nước có thu hồi đất hay không, xác định giá đất như thế nào, chúng ta phải rất kỹ trị và thực tế. Vấn đề là phải truyền thông chính sách cho tốt, chứ chạy theo dân túy sẽ làm cho nhiều công việc của đất nước ách tắc không thể nào gỡ nổi.

Soạn thảo và hoạch định những chính sách cơ bản liên quan đến đất đai do Chính phủ đảm nhiệm, nhưng sau khi thẩm định có thông qua hay không lại là quyền của Quốc hội. Chính vì vậy, tôi cho rằng Chính phủ cần phải có một chiến lược truyền thông thật hiệu quả không chỉ cho dân, mà còn cả cho Quốc hội.

Thưa ông, báo cáo trước Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ ra những bất cập trong cơ chế, chính sách, chồng chéo, xung đột. Ba chương trình MTQG có tới 73 văn bản, tích hợp 118 chính sách, 10 dự án... chịu sự quản lý của 23 bộ ngành trung ương. Khảo sát trực tiếp ghi nhận 339 thắc mắc ở cơ sở vì "không biết làm thế nào cho đúng".

Trước đó là cuộc tranh luận giữa phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH- ĐT và Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh về các văn bản qua lại. Dư luận đặt câu hỏi, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Bộ và chính quyền Thành phố còn đùn đẩy như vậy thì anh em cấp phó, cấp dưới sẽ hiểu quy định như thế nào thực hiện? Là người có nhiều năm nghiên cứu lập pháp, chứng kiến việc vận hành của đất nước, ông có bình luận gì về những điều này và theo ông muốn giải quyết dứt điểm tình trạng này thì đâu là giải pháp căn cơ?

Đã là các văn bản quy phạm pháp luật thì đều phải có tính khái quát cao. Nếu không có tính khái quát cao thì không thể áp dụng được trong cuộc sống. Vì trên thực tế không thể có những sự kiện pháp lý hoàn toàn giống nhau 100%. Cuộc sống là một dòng chảy của hàng vạn, hàng triệu sự kiện cho dù cùng một bản chất thì vẫn không thể giống nhau hoàn toàn.

Nhiều người cho rằng pháp luật thì phải rất chi tiết để có thể áp dụng được ngay. Thế nhưng, pháp luật quy định quá chi tiết thì sẽ không còn không gian cho sự linh hoạt và sáng tạo. Đó là chưa nói tới rủi ro là trong hàng ngàn trường hợp của cuộc sống may ra chỉ có một hai trường hợp mới hoàn toàn phù hợp với những quy định chi tiết của pháp luật. Mà như vậy thì công việc sẽ ách tắc hoàn toàn.

Khi pháp luật có tính khái quát cao, thì cán bộ, công chức phải có năng lực áp dụng nó để triển khai công việc hiệu quả. Ví dụ như vụ án cô Lê Thị Dung ở Nghệ An (bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn) áp dụng pháp luật theo cách nào đó là phạm tội nhiều lần, nhưng áp dụng pháp luật theo cách nào đó lại chỉ là phạm tội kéo dài.

Ví dụ nói trên cho thấy áp dụng pháp luật là rất quan trọng. Bao giờ cũng phải áp dụng cho những trường hợp cụ thể trong cuộc sống, không thể có chuyện chỉ mở luật ra đọc rối làm theo từng câu chữ là được. Vấn đề là năng lực áp dụng pháp luật đang như thế nào? Đáng tiếc là chúng ta không có căn cứ đề khẳng định năng lực này đã hội đủ.

Có thể, các địa phương hay tìm hỏi Bộ KH-ĐT là vì những văn bản có liên quan là do Bộ soạn. Bộ soạn, thì Bộ sẽ hiểu hàm ý của nó.

Cho nên muốn khắc phục việc hỏi lòng vòng thế này là phải nâng cao năng lực áp dụng pháp luật của đội ngũ hành chính- công vụ, buộc họ phải rất chuyên nghiệp trong lĩnh vực pháp luật của mình.

Công chức ở lĩnh vực nào phải thành thạo pháp luật ở lĩnh vực đó. Công việc phải do những người thật sự có chuyên môn đảm nhiệm.

Những công việc thuộc lĩnh vực hành chính-công vụ mà lại giao cho đội ngũ cán bộ chỉ có những kỹ năng chính trị đơn thuần là rất rủi ro.

Các kỹ năng chính trị là cần thiết, nhưng chúng cần thiết cho các cấp cao hơn của nền quản trị quốc gia, không phải cho cấp hành chính- công vụ.

Ngoài ra, tình trạng “đá bóng lòng vòng” còn có nguyên nhân là nhiều văn bản quy phạm pháp luật chất lượng chưa cao, còn có sự chồng chéo và mâu thuẫn lẫn nhau giữa các văn bản. Kỹ thuật văn bản chưa đạt yêu cầu, do chúng ta không có cơ quan chuyên nghiệp để soạn thảo.

Thực trạng thì đã rõ, giải pháp nào là tối ưu, thưa ông? Cả truyền thông cho vấn đề này nữa, cách làm thế nào để hiệu quả.

Theo tôi, nên có sự phân định rõ ràng giữa chính trị và hành chính-công vụ. Chính trị là quyết định pháp luật, chính sách. Hành chính-công vụ là thực thi pháp luật, chính sách. Nguồn nhân lực của mỗi lĩnh vực cần có những năng lực khác khau và cần được quản trị khác nhau. Một sự lẫn lộn ở đây sẽ làm cho nền quản trị quốc gia trở nên phức tạp, rối rắm và kém hiệu quả.

Soạn thảo luật là một chuyên môn sâu, việc đấy cơ bản các bộ ngành với cơ cấu như hiện nay không có bộ phận nào có chuyên môn đủ sâu để làm.

Ở các nước, một cơ quan gọi là Cục soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật được thành lập ở Bộ Tư pháp để đảm nhận việc soan thảo văn bản quy phạm pháp luật. Làm việc tại cơ quan này là những chuyên gia hàng đầu về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đây là những người dịch các chính sách thành pháp luật. Làm chính sách và dịch chính sách thành pháp luật là hai công việc khác nhau.

Nếu có một cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chuyên nghiệp như vậy, thì các Bộ chuyên môn sẽ chỉ làm chính sách. Khi chính sách được Chính phủ phê chuẩn thì sẽ chuyên sang cho Cục soạn thảo văn bản để dịch ra thành pháp luật.

Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo tại Cục, thành thử ngôn từ nhất quán, cách thức nhất quán. Các Bộ chuyên môn chỉ cần cử một hai chuyên gia sang hợp tác với Cục trong việc soạn thảo văn bản. Nhiệm vụ của các chuyên gia này chỉ là giúp họ hiểu đúng và chính xác về chính sách đã được Chính phủ phê chuẩn.

Cho nên soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật theo cách “vừa thiết kế, vừa thi công” như chúng ta đang làm là rất rủi ro.

Vâng, một quy trình không mới ở nhiều quốc gia và quả thực nghe đến thật thú vị. Bộ nhận biết vấn đề, đưa ra chính sách để giải quyết vấn đề, trình lên Chính phủ quyết chính sách đó rồi chuyển sang Cục soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để dịch thành pháp luật. Làm mới điều này cũng cần một chiến lược truyền thông thật bài bản. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị này!

Văn Hùng - Thanh Nga
Trương Khánh Thiện
Tùng Đinh