Tư duy 'cần và đủ'

“Điều kiện cần và điều kiện đủ” là thuật ngữ quen thuộc trong tư duy logic và toán học. Quan sát hai điều kiện trên, chúng ta có thể nhìn rõ hơn bản chất của sự vật, hiện tượng hay hoạt động của con người. Tư duy “cần và đủ” có thể đem đến góc nhìn mới, đa chiều về “Khởi nghiệp” - chủ đề ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm.

Thật hạnh phúc khi đắm mình trong những không gian khởi nghiệp, được lắng nghe các ý tưởng, dự định, được trao đổi, tiếp nhận những kiến thức, trải nghiệm thực tế, được dõi theo hành trình miệt mài, dốc hết sức của các bạn trẻ.

Thật ấm áp khi hệ sinh thái khởi nghiệp được tạo dựng bền vững, đội ngũ chuyên gia luôn thầm lặng, kiên trì kích hoạt, tư vấn, hỗ trợ lực lượng khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, vì tương lai xanh của đất nước.

Hồi tưởng lại những sự kiện về khởi nghiệp từng được tham gia, mơ hồ nhận ra có điều gì đó hình như chưa thật hài hòa giữa điều kiện cầnđiều kiện đủ. Khởi nghiệp cũng bao gồm quy trình bắt đầu từ tạo ra sản phẩm rồi đưa sản phẩm đó đến thị trường. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc mở một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, khởi nghiệp cần đến một tinh thần dấn thân của các chủ thể vì một cộng đồng tốt đẹp hơn, xã hội thịnh vượng hơn.

Khởi nghiệp cần đến sự tự tin khẳng định giá trị của mỗi chủ thể, những người mai này tham gia vào đội ngũ DOANH NÔNG mới, đóng góp phần việc ý nghĩa, thiết thực cho kinh tế - xã hội đất nước. Ngoài ra, khởi nghiệp cần đến yêu cầu tiếp cận yếu tố văn hóa, xã hội và biết cách tích hợp các giá trị đó vào sản phẩm. Như vậy, để điều kiện cầnkhởi nghiệp thì phải có điều kiện đủ chính là chủ thể khởi nghiệp & các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội xoay quanh hệ sinh thái khởi nghiệp đó.

Mối quan hệ giữa thái độ và trình độ trong mỗi con người cũng phản ánh mối tương quan giữa cần và đủ trong khởi nghiệp. Nhiều người đúc kết rằng, muốn thành công, trình độ là không thể thiếu nhưng thái độ còn quan trọng hơn. Nếu coi trình độđiều kiện cần thì thái độ chính là điều kiện đủ.

“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Không ai lầm lũi một mình, không hợp tác với người khác mà thành công. Muốn hợp tác bền chặt cần phải hiểu hết sức mạnh của cộng đồng và tư duy cộng đồng. Cộng đồng không phải là tập hợp đông người, mà là hội tụ những con người cùng hướng đến mục tiêu chung, sứ mạng chung.

Trong cuốn sách về đất nước có cộng đồng doanh nghiệp luôn đề cao tinh thần cộng đồng, đã khẳng định: 85% thành công nhờ vào thiết lập vòng tròn các mối quan hệ. Sự thành công của mỗi người, mỗi doanh nghiệp tỷ lệ thuận với đường kính của vòng tròn quan hệ xã hội.

Trong vòng tròn đó, không ai làm việc một mình. Trong vòng tròn đó, những người bình thường, khác biệt nhau, biết hợp tác với nhau sẽ tạo ra kết quả phi thường. Trong vòng tròn đó, mọi người truyền cho nhau và nhận lại từ nhau nguồn năng lượng và những ý tưởng sáng tạo.

Muốn có kết quả tốt hơn cần vượt qua sự khác biệt để hợp tác với nhau, hợp tác cũng sẽ hình thành thái độ tích cực trong cuộc sống và trong công việc. Như vậy, nếu hợp tácđiều kiện cần, thì cộng đồng chính là điều kiện đủ cho yếu tố đó.

Một nhà hoạt động giáo dục chia sẻ 3 nấc thang dẫn đến thành công của mỗi người. Nấc thang đầu tiên là phải làm cho ra người, nấc thang kế tiếp là làm cho ra việc và nấc thang cuối cùng là làm cho ra tiền.

Khởi nghiệp cần biết chia sẻ với nhau, tôn trọng nhau, yêu thương nhau. Khởi nghiệp không phân biệt vị trí, xuất thân, vai trò, mà là đứng cùng người khác, sát cánh kề vai. Khởi nghiệp cần biết nghĩ cho người khác, nghĩ cho cộng đồng, xã hội, quê hương xứ sở. Để thấy rằng, muốn đạt được điều kiện cần là trở thành người khởi nghiệp thành công, thì điều kiện đủ bắt đầu từ chính thái độ sống và làm việc ở mỗi người.

Không gian khởi nghiệp không phải chỉ xoay quanh chia sẻ câu chuyện tạo sản phẩm được đo bằng thước đo giá cả. Không gian khởi nghiệp cần luận bàn cảm hứng về tinh thần khởi nghiệp, văn hóa khởi nghiệp, ý chí khởi nghiệp, hợp tác khởi nghiệp.

Khi tích hợp càng nhiều yếu tố, câu chuyện sản phẩm khởi nghiệp sẽ mang nhiều cảm xúc hơn, khi ấy giá trị mang lại sẽ cao hơn. Khi các ý tưởng khởi nghiệp được chia sẻ và tích hợp lại sẽ tạo ra những sản phẩm vượt trội. Không gian khởi nghiệp giúp cộng hưởng các ý tưởng nhỏ thành ý tưởng lớn, ý tưởng lớn hơn thành giá trị cao hơn, thu hút nguồn lực nhiều hơn.

Như vậy, để hình thành điều kiện cầnnhững ý tưởng khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, văn hóa khởi nghiệp… thì tất yếu phải có điều kiện đủ là những không gian khởi nghiệp năng động, giàu tính kết nối.

Không gian khởi nghiệp từ đâu mà hình thành? Khởi nghiệp là tạo ra cái mới, cái mới bắt đầu từ ý tưởng, muốn có ý tưởng cần phải có sự hiểu biết nhiều hơn, muốn hiểu biết nhiều hơn, cần đến tinh thần tìm tòi, học hỏi không ngừng. Một trong những cách tự học hiệu quả là đọc sách.

Sách không chỉ mang đến kiến thức, kỹ năng, mà quan trọng hơn đó là tri thức. Sách không những chỉ cách làm việc mà sách còn quan trọng hơn là chỉ cách làm người, làm người tốt thì mọi việc sẽ thuận lợi. Không gian khởi nghiệp cần lan tỏa và phát triển văn hóa đọc. Nếu sự hình thành không gian khởi nghiệpđiều kiện cần, thì điều kiện đủ chính là nền tảng tri thức, kỹ năng gắn bó mật thiết với sách và văn hóa đọc.

Một doanh nhân chia sẻ: “Tôi thực sự có rất nhiều ước mơ khi còn nhỏ, và tôi nghĩ phần lớn điều đó đến từ việc có cơ hội đọc nhiều”. Khởi nghiệp là câu chuyện hiện thực hóa giấc mơ của mỗi người khởi nghiệp. Giấc mơ kích hoạt trí tưởng tượng. Như vậy, không gian khởi nghiệp nên chăng còn là diễn đàn chia sẻ ý tưởng và cách thức để hoàn thiện ý tưởng đó.

Một nhà bác học từng đúc kết: “Logic sẽ đưa bạn từ điểm A đến điểm B, còn trí tưởng tượng sẽ đưa bạn đến muôn nơi”. Một “ngày hội mở” về những giấc mơ để những người trẻ vừa được mơ, vừa được hỏi, vừa được chia sẻ, vừa được lắng nghe, chắc sẽ sinh động hơn nhiều!

“Màu xanh lá cây thường đại diện cho sự sống, sinh sôi nảy nở, sự tươi mát, năng lượng sống và tích cực”. Và mỗi DOANH NÔNG XANH luôn tự hào đóng góp những gam màu xanh của tuổi trẻ, của nhiệt huyết, của sự dấn thân.

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
Lê Hoàng Vũ - Nguyễn Thủy