Từ hiểm họa sạt lở nhìn tới chiến lược 1 triệu ha tre

 

 

Những ngày gần đây chứng kiến hình ảnh người dân các tỉnh miền núi phía Bắc hứng chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản do lũ quét, sạt lở đất gây ra, chắc hẳn mỗi người đều cảm thấy quặn thắt trong tim. Câu hỏi đặt ra là tại sao khu vực trung du miền núi phía Bắc lại thường xuyên bị sạt lở đất, lũ quét hoành hành, gây ra những hậu quả kinh hoàng như vậy?

Theo TS Nguyễn Trọng Nghĩa, nhà sáng lập của BWG.vn, staBOO.com, rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng suy xét đến cùng thì những loại hình thiên tai kể trên ngày càng có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và cường độ xuất phát từ việc chúng ta vẫn xem nhẹ giá trị của rừng, chỉ thích khai thác tài nguyên sẵn có tới mức kiệt quệ mà quên mất trách nhiệm cao cả là bảo vệ, bù dắp, tái tạo rừng. Với những người yêu thiên nhiên, dù đi tới đâu, dù cảnh sắc có hùng vĩ tới bao nhiêu thì trong lòng vẫn canh cánh nỗi lo mất rừng.

Có nhiều người dẫn con số mật độ che phủ rừng của Việt Nam tăng liên tục trong nhiều năm qua. Nhưng mật độ che phủ rừng có lớn bao nhiêu, tăng bao nhiêu mà chất lượng rừng không tăng thì cũng không có ý nghĩa gì nhiều. Một trận mưa ở rừng keo, rừng cây công nghiệp nước tuôn xuống xối xả, ộc thẳng ra suối, ra sông và tống về xuôi. Rừng một tán lá, một giống cây không thể đủ sức cản trở, giữ nước mưa như một cánh rừng đa tán, đa tầng.

 

 

Mưa bão qua rồi, giờ là lúc khắc phục hậu quả. Nhưng sẽ phải khắc phục bao nhiêu lần nữa? Đừng phá rừng rồi lại trồng rừng và kêu đó là yêu môi trường. Hãy bảo vệ rừng, quy hoạch lại các vùng cấm tuyệt đối không cho khai thác, xâm lấn vào rừng, thay đổi chính sách phát triển kinh tế rừng… thì mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề. Nếu không quyết liệt hành động, thẳng thắn nhìn nhận thực tế thì mỗi năm chúng ta lại đón lũ, chống lũ, sạt lở đất...

Vậy, trồng cây gì để vừa mang lại giá trị kinh tế cao vừa chống xói mòn, bảo vệ đất, giữ nước?

Trồng tre (luồng, vầu, lùng...) là một lựa chọn tuyệt vời cho các tỉnh miền núi, bởi tre là cây rất dễ trồng nhưng có khả năng chống biến đổi khí hậu, là nguyên liệu xanh của tương lai, có thể thay thế nguyên liệu gỗ đang ngày càng cạn kiệt. Tre giúp phủ xanh đất trống đồi trọc và có tiềm năng trở thành ngành hàng tỷ đô của Việt Nam trong tương lai”, TS Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.

TS Nghĩa phân tích, tre là cây trồng đặc biệt có thể giải quyết được những nút thắt hiện nay trong việc trồng rừng. Tuy nhiên, bấy lâu nay chúng ta chưa dành sự quan tâm đúng mức cho nó. Tre có đặc tính lớn rất nhanh, 1 ngày có thể cao thêm gần 1m, trong 4 tháng đã có thể cao 15 - 20m, sau 3 năm đã trưởng thành và có thể khai thác.

 

 

Các thống kê đều chỉ ra rằng, chi phí trồng tre thấp, trồng 1 lần có thể khai thác trong 60 năm. Thu nhập từ bán tre (luồng) giao động từ 20 - 70 triệu đồng/ha/năm, cao hơn tối thiểu 5 lần so với trồng cây keo hay bạch đàn, chưa tính thu nhập từ măng, lá và tín chỉ carbon (nếu làm được) có thể lên đến 60 triệu đồng/ha.

Tre là cây trồng bản địa với hơn 1,6 triệu ha (6,5 tỷ cây), có thể sinh trưởng tốt ở phần lớn các tỉnh thành của Việt Nam. Đây là điều kiện quan trọng để ngành tre Việt Nam có thể đạt giá trị xuất khẩu 20 tỷ USD/năm (vượt qua ngành gỗ). Chúng ta hoàn toàn có thể phát triển ngành tre thành ngành kinh tế xanh mũi nhọn của các tỉnh miền núi thông qua phát triển trồng tre, sản xuất tre công nghệ cao và du lịch sinh thái. Đặc biệt, tre được chứng minh là có thể sinh trưởng tốt trên đất phèn, đất ngập mặn, góp thêm một giải pháp cho vùng ngập mặn, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai.

 

Trong kinh tế hiện đại, nhiều ngành công nghiệp sử dụng tre như một nguyên liệu bền vững, thân thiện với môi trường như vật liệu xây dựng, năng lượng, nhiên liệu sinh học chạy động cơ thay xăng, chiết xuất làm dược liệu chống oxy hóa…

Một giá trị tuyệt vời của cây tre là chống biến đổi khí hậu. Tre có khả năng hấp thụ khí C02 gấp từ 2 - 3 lần, nhả khí oxy hơn 35% so với cây trồng khác. Lượng carbon hấp thụ lớn nhất trong năm đầu tiên sinh trưởng của tre (kể từ khi mọc chồi mới), trong đó 6 tháng đầu chiếm 88,8%. Tre trưởng thành đầy đủ sau 3 năm, trong thời gian này đã hấp thụ đến 90% lượng carbon mà cây tre có thể hấp thụ, đến năm thứ 6 đạt lượng hấp thụ carbon cao nhất.

Chính vì vậy, nếu khai khác tre sau 3 năm để cây mới mọc thay thế thì cùng một diện tích trồng sẽ hấp thụ được lượng carbon gấp nhiều lần. Đồng thời, việc khai thác và sử dụng tre vào các sản phẩm lâu bền giúp tăng hấp thụ CO2 và giúp cố định carbon lâu dài, không quay lại khí quyển. Như vậy, trồng tre phải đi đôi với khai thác tre mới thực sự hiệu quả cho chống biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Ai Cập năm 2022 (Hội nghị COP27) đã khẳng định tre là một giải pháp chống biến đổi khí hậu quan trọng. Có thể thay thế các vật liệu xây dựng nhà truyền thống như gạch, bê tông và thép bằng vật liệu tre giúp giảm lượng khí thải carbon do lĩnh vực nhà ở toàn cầu gây ra (chiếm 1/3 lượng khí thải nhà kính toàn cầu).

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tre có thể thay thế nguyên liệu gỗ đang ngày càng cạn kiệt. Con người đang khai thác nguyên liệu gỗ nhiều hơn so với tài nguyên đang có. Nếu chúng ta tiếp tục khai thác rừng với tốc độ như hiện nay (chưa kể thảm hoạ cháy rừng trên toàn châu Âu, Mỹ, Úc, Brazil với xu hướng ngày càng tăng do biến đổi khí hậu) thì rừng tự nhiên sẽ biến mất hoàn toàn trong vòng 500 năm nữa. Chính vì vậy, sẽ sớm không còn nguyên liệu gỗ để sử dụng. Châu Âu đang chuẩn bị dự luật hạn chế việc sử dụng gỗ vào năm 2030 là một minh chứng cụ thể cho nhận định này.

 

 

Theo TS Nguyễn Trọng Nghĩa, một điều tuyệt vời của cây tre là khả năng chống xói mòn và sạt lở đất. Tre có hệ thống rễ phát triển theo chiều ngang, lan rộng từ 5 - 15m từ gốc cây, tạo ra một mạng lưới rễ dày đặc và đan xen giúp liên kết, cố định đất. Đồng thời, có thể bắc cầu qua các vết nứt căng tiềm ẩn và mặt phẳng cắt đáy. Một cây tre có thể bám chặt tới 6m3 đất.

Bên cạnh đó, mặc dù phần lớn rễ phát triển theo chiều ngang nhưng một số rễ vẫn cắm sâu vào lòng đất, giúp neo giữ đất cố định trên sườn đồi và ngăn chặn sạt lở. Tre giúp duy trì lớp đất mặt, hạn chế hiện tượng xói mòn do mưa lớn và dòng chảy bề mặt.

 

 

Từ những năm 1990, tre đã được trồng hàng loạt trên đồi hai bên bờ sông Đà và sông Mã để bảo vệ bờ sông, chống sạt lở rất hiệu quả. Thực tế khu vực đồi núi ở Thanh Hoá ít bị sạt lở do được che phủ bởi rừng luồng với tổng diện tích hơn 120.000ha. Việc sạt lở ven bờ sông Lộ ở Phú Yên đã xảy ra trong nhiều năm và ngày càng nghiệm trọng, ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp, nhà ở của người dân. Nông dân hai bên bờ sông Kỳ Lộ (khu vực xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) đã trồng tre để chống sạt lở và hiệu quả đã được chứng minh.

Hội Nông dân huyện Anh Sơn (Nghệ An) đầu năm 2024 đã phát động chương trình trồng tre, mét chống sạt lở đất ven sông Lam. Đến nay toàn huyện Anh Sơn đã trồng được 6,5km với 16.000 cây tre, mét. Đồng thời, tiếp tục phát động người dân trồng tre ở những vùng xung yếu có nguy cơ sạt lở trên địa bàn xã… Đây là những minh chứng rõ nét cho tác dụng chống sạt lở của tre.

Việt Nam hiện có 30 chi và 216 loài tre, trong đó có một số loài kinh tế cao như luồng, lùng, trúc sào, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai… phân bố ở hầu hết các tỉnh trên cả nước, 37/63 tỉnh có diện tích tre trên 10.000ha. Điều đặc biệt là tất cả các loài đều mang trên mình đặc tính có bộ rễ ăn khỏe, lan rộng, trưởng thành nhanh.

 

 

Cây tre có khả năng tự tái tạo, sau khi thu hoạch cây trưởng thành, măng non tự mọc lên, phát triển thành thế hệ tiếp theo mà không cần trồng lại. Thông thường, khi thu hoạch chỉ cắt 30% lượng cây/bụi/năm nên khu vực trồng tre luôn duy trì được mật độ che phủ.

Tuy nhiên, bấy lâu nay người dân tại nhiều địa phương vẫn duy trì cách trồng tre đơn loài (cả cánh rừng trồng 1 loại tre), thậm chí lo ngại khi giữ thảm cỏ trong vườn sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với tre nên dùng mọi cách để dọn sạch. Điều này vô hình trung làm trơ đất, dễ xói mòn, mất chất dinh dưỡng, dễ phát sinh sâu bệnh hại trong rừng trồng. Nhiều nơi người dân đã phải tăng liều lượng thuốc BVTV để hạn chế tình trạng sâu bệnh, nhưng hiệu quả không cao, lại ảnh hưởng tới môi trường.

Trước thực tế đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng phương pháp trồng rừng tre sinh thái (hỗn giao) đang được xem là giải pháp tối ưu, vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ đất, giữ nước, chống xói mòn, hạn chế thấp nhất việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học.

Trồng rừng tre sinh thái là phương thức kết hợp trồng tre với các loài cây gỗ bản địa và cây tầng thấp để tạo 4 tầng khác nhau như rừng nhiệt đới. Cụ thể, 25 - 30% là cây gỗ lớn lá rộng bản địa (chò nâu, lát hoa, sấu, lim xẹt, lim xanh, giẻ cau, sồi phảng, bách xanh, dổi, xoan nhừ…) để tạo tầng cao nhất; 70 - 75% là rừng tre trồng theo phương pháp thâm canh năng suất cao (đây là tầng trung gian). Trồng cây dược liệu tạo thành tầng thấp như cỏ hương lau vertiver, gừng, dong giềng, nghệ, ba kích, khôi nhung, thiên niên kiện… Tầng cây phủ đất như hàn the ba lá, cây lạc dại

 

 

Các thống kê cho thấy, rừng hỗn giao làm giảm đáng kể sự thoái hoá của đất so với rừng tre trồng thuần loài. Ở rừng tre hỗn giao với cây lá rộng thường có tỷ lệ khoáng hóa nitơ đất và nitrat hóa cao hơn, cải thiện nồng độ nitơ đất. Rừng cây lá rộng giúp giữ độ ẩm, giữ nước cho đất. Trồng rừng hỗn loài và nhiều tầng giúp hệ vi sinh vật trong đất phát triển hơn, hạn chế đáng kể hiện tượng sâu bệnh phá hoại măng tre.

Tầng cây lá rộng có thể cung cấp nguồn nước và dinh dưỡng đất tốt hơn cho rừng tre. Điều này là do tốc độ hô hấp của đất ở các khu vực trồng cây lá rộng cao hơn so với các loại rừng khác. Rừng lá rộng tạo thảm thực vật dày hơn, làm môi trường cho vi sinh vật, nấm trong đất phát triển. Năng suất của tre đạt đỉnh khi tầng lá rộng trên sườn dốc che phủ 30% (dao động từ 20 - 40%) tổng diện tích sườn dốc, điều này cho thấy tỷ lệ rừng lá rộng tối ưu cho chu trình dinh dưỡng đất và bảo tồn nước trong rừng tre trúc.

Tuy nhiên, nếu tỷ lệ rừng lá rộng quá cao, cây lá rộng sẽ trở nên chiếm ưu thế và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của tre. Nếu tỷ lệ quá thấp, nguồn cung cấp nước và dinh dưỡng từ rừng lá rộng có thể không đủ cho rừng tre.

 

 

Ngày nay, giải pháp “kỹ thuật sinh học” chống sạt lở đất ngày càng được ứng dụng trên khắp thế giới do yếu tố hiệu quả cao và thân thiện. Nguyên tắc cơ bản của kỹ thuật sinh học là liên kết chặt chẽ và bền vững các hạt đất và đá trên đỉnh đồi, sườn dốc với sự trợ giúp của rễ cây.

Sự gia cố về mặt thủy văn và cơ học của rễ thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc xác định sự thành công của công tác giảm thiểu lở đất. Rễ cọc và rễ xơ tạo thành một mạng lưới dày đặc trong nền đất mặt và cung cấp nền cho sự phát triển của sợi nấm cộng sinh, các bộ phận khác của hệ vi sinh vật. Mạng lưới này cũng cung cấp một hệ sinh thái lý tưởng cho sự phát triển của các sinh vật như giun đất. Các tác nhân khác nhau này có tác dụng hiệp đồng giúp liên kết đất, hạn chế sự di chuyển của các hạt đất.

 

 

Một giải pháp kỹ thuật có thể nhắc đến là trồng tre kết hợp cỏ vetiver (cỏ hương bài, cỏ hương lau) chống sạt lở đất. Bản chất tre là một loài cỏ khổng lồ có bộ rễ ăn rộng và sâu. Cỏ vetiver có bộ rễ đan xen vào nhau, cắm thẳng, đứng sâu đến 3 - 4m, giúp giữ đất chặt chẽ, chống xói mòn ở các khu vực dốc. Cỏ vetiver được ví như hàng rào bê tông sinh học chống lại sự xói mòn, làm giảm vận tốc dòng chảy của nước, giữ đất không bị cuốn trôi.

Vi sinh vật gắn liền với rễ cỏ vetiver là các vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn hòa tan, các nấm rễ, vi khuẩn phân giải cellulose… sản xuất chất dinh dưỡng cho sự sinh trưởng, phát triển, thúc đẩy các hormone sinh trưởng thực vật, tác động trực tiếp lên vetiver và các cây trồng cộng sinh. Do vậy, cỏ này có tác dụng cải tạo đất, giúp các cây trồng xung quanh phát triển tốt hơn. Sự kết hợp của tre và cỏ vetiver tạo ra một mạng lưới rễ rất khoẻ bao phủ, ăn sâu xuống đất giúp chống xói mòn và cố định lớp đất dễ bị sạt lở.

 

 

TS Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho rằng, hiện nay, giá trị xuất khẩu ngành hàng tre của Việt Nam còn rất nhỏ (733 triệu USD/năm), chưa tương xứng với tiềm năng. Diện tích trồng tre ngày càng suy giảm, chất lượng tre ngày càng thoái hoá do không được chăm sóc và khai thác đúng. Người dân trồng tre chủ yếu ở miền núi, thu nhập vẫn thấp do đầu ra thiếu và không ổn định.

Do đó, để tối ưu về mặt kinh tế, nên chọn các loài tre thỏa mãn các điều kiện: Có sinh khối lớn, đường kính trên 10cm, vách thân càng dày (đặc) càng tốt (trên 1,5cm), thân cây cao và thẳng trên 14m. Bên cạnh đó, chi phí khai thác ở vùng núi cao rất lớn, do vậy cần trồng các loài tre dễ khai thác và vận chuyển (thân/cành không có gai, sạch, ít lông khi trưởng thành, ít cành từ thân chính, thân cây thẳng và cao).

Người trồng có thể trồng các loài tre khác nhau theo tầng. Khu vực đồng bằng hoặc chân núi trồng các loài tre ưa nước, có sinh khối lớn nhất (loài khổng lồ) hoặc loài có khả năng ra măng trái vụ. Điều này sẽ thuận lợi cho khai thác vì cây kích thước lớn sẽ thuận lợi cho khai thác khi ở dưới thấp. Mùa mưa sẽ tập trung khai thác các cây ở dưới thấp để dễ dàng khai thác và vận chuyển, không cần khai thác nhiều vẫn đủ nhu cầu cho sản xuất.

Khu vực giữa đồi trồng loài tre không cần nhiều nước, kích thước trung bình, năng suất cao. Khu vực đỉnh đồi trồng các loài tre chịu được hạn và thường có kích thước nhỏ hơn để vận chuyển dễ dàng. Một phương án khác có thể áp dụng là kết hợp trồng loài tre mọc tản (ra măng từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau) và loài tre mọc cụm (thường từ tháng 4 đến tháng 10).

Để thực sự phát triển bền vững ngành hàng tre, cần đẩy mạnh chương trình phát triển 1 triệu ha tre gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, chúng ta đang có những vùng nguyên liệu tre rộng lớn như Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình… Diện tích rừng tre được cấp chứng chỉ FSC ngày càng tăng lên. Đây là những điều kiện lý tưởng để đặt các nhà máy chế biến ngay tại vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi liên kết bền chặt với người dân.

 

 

Theo lý thuyết, một nhà máy chế biến tre để có thể hoạt động cần vùng nguyên liệu khoảng 20.000 - 40.000ha (tùy mật độ trồng và tùy loài tre). Trong khi một tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 120.000ha, đủ cung cấp cho 3 nhà máy hoạt động.

Một thông tin đáng mừng là bên cạnh việc nhà máy BWG Mai Châu (Hoà Bình) chuyên sản xuất ván tre ép công nghiệp đầu tiên và lớn nhất Việt Nam đang thu mua nguyên liệu tre cho người dân các tỉnh trung du miền núi phía Bắc thì tại Thanh Hóa, nhà máy sản xuất ván tre OSB staBOO công nghệ châu Âu với các dòng sản phẩm đã đăng ký patent (bằng sáng chế) tại 42 nước trên thế giới như ván tre ép OSB, LSB, ván dăm tre… cũng đang được hình thành, dự kiến đi vào hoạt động năm 2025. Mỗi ngày nhà máy sẽ tiêu thụ 1.000 - 1.600 tấn tre (các loài tre có sinh khối lớn như luồng, vàu, bương, mai, mạnh tông... với đường kính tối thiểu 5cm, tuổi từ 3 năm trở lên là có thể sử dụng làm nguyên liệu). Điều này sẽ giải quyết vấn đề kỹ thuật canh tác của người dân chưa cao, chất lượng tre chưa đồng đều nên khó tìm đầu ra bấy lâu nay.

 

 

Trong tương lai, khi có thêm các nhà máy staBOO tại Việt Nam thì nhu cầu nguyên liệu rất lớn, phương án trồng 1 triệu ha tre là giải pháp tối ưu.

Bộ NN-PTNT nên xem xét đưa cây tre vào danh danh mục cây trồng chính trong các chương trình trồng rừng để được hỗ trợ tài chính.

Các tỉnh thành có quỹ đất lớn cần có chiến lược phát triển ngành tre cho riêng mình, đặt mục tiêu phát triển 50.000 - 200.000ha rừng tre sinh thái. Bên cạnh đó, khuyến khích chuyển đổi rừng nghèo hoặc rừng trồng các cây trồng kém hiệu quả như keo, bạch đàn, cao su, ngô, sắn… sang trồng tre. Hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu để nghiên cứu, phát triển giống tre và phương pháp trồng tre thâm canh phù hợp với đất đai và khí hậu địa phương. Ngoài ra, hỗ trợ làm hạ tầng, cầu, đường cho các vùng trồng tre có địa hình khó khăn. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đầu tư trồng rừng tre và sản xuất tre công nghiệp công nghệ cao.

Trung Quân
Trương Khánh Thiện
Trung Quân
Trung Quân