Đó là điều bất ngờ đầu tiên làm dấy lên trong chúng tôi nhiều cảm xúc pha trộn: vừa hào hứng, tò mò, vừa nghi hoặc, khó hiểu…, bởi đó là thời điểm chuẩn bị đến giờ ăn cơm trưa, nghỉ ngơi… chứ không phải bắt đầu cho một cuộc điền dã trong rừng, dù đi tuần… bằng thuyền. Thế nhưng, hơn một giờ đồng hồ sau đó, trời bắt đầu ong ong oi nực, mây đen từ đâu kéo về. Mưa tí tách lấp đầy rồi nhanh chóng phủ trắng cả khúc sông ban nãy hãy còn loang loáng đỏ do mấy ngày trước, cả vùng mới mưa lũ, bao nhiêu phì nhiêu của núi đồi thượng nguồn bị rửa trôi theo dòng chảy đổ hết xuống sông...
Mùa này vùng đồng rừng, mưa kéo về thường rất nhanh, sau mưa lớn là lũ nên khi trời còn đang hửng nắng, nếu có ý định đi tuần thì phải tiến hành ngay lập tức. Đó là lý do mà anh Tuyển quyết định bảo anh Bàn Văn Phương, người Dao bản địa xã Thượng Tân nổ máy chiếc thuyền chuẩn bị cho cuộc tuần tra rừng đột xuất.
“Đi tuần kiểm tra rừng, nếu gặp mưa lớn rất dễ bị mắc kẹt lại rừng, bởi mưa rừng mang tới rất nhiều rủi ro, nguy hiểm, có những chuyến đi, anh em bị mắc kẹt lại rừng vài ba ngày”, Hạt trưởng Lệnh Thế Tuyển giải thích khi anh Phương rướn người, vươn hai tay bám vào mái chiếc thuyền kế bên vừa đẩy, vừa bước những bước dài, mạnh mẽ tạo thành lực đẩy, đưa con thuyền ra khỏi chỗ neo đậu ngay mép sông.
Trạm Kiểm lâm Thượng Tân hiện là trạm duy nhất của Chi cục Kiểm lâm Hà Giang buộc lực lượng kiểm lâm đi tuần rừng bằng thuyền do rừng phân bố dọc thượng nguồn sông Gâm. Qua các địa danh Bách Sơn, Khuổi Nấng, Khuổi Trang, Nà Lai, Tả Luông... xã đầu nguồn Thượng Tân, đến Km39 thuộc địa phận huyện Na Hang (Tuyên Quang) - ranh giới hai tỉnh, cung đường tuần tra rừng trên sông mới kết thúc với khoảng 30km đường sông.
Chiếc thuyền gắn máy của anh Khương vốn là phương tiện gia đình vẫn dùng để chở khách đi đò. Trước khi cây cầu treo Thượng Tân (khánh thành vào năm 2021) chưa có, Thượng Tân là một ốc đảo, phương tiện đi lại của bà con chỉ bằng thuyền. Từ Thượng Tân đi ra ngã ba Minh Ngọc, ngược lên huyện lỵ Bắc Mê để sang Cao Bằng, hoặc cũng có thể ngược lên Mèo Vạc theo đường sông Nho Quế; xuôi sông Gâm để về Na Hang. Từ khi có cầu treo, đường bộ nối vào tận xã giúp việc đi lại, giao thương thuận tiện hơn, xóa bỏ thế “ốc đảo biệt lập” tồn tại bao nhiêu năm ở nơi này.
Khương là một trong số các hộ dân được giao khoán bảo vệ chăm sóc rừng. Con thuyền của gia đình anh vì lẽ đó mà thường xuyên tham gia các cuộc tuần rừng cùng cán bộ Trạm Kiểm lâm Thượng Tân. Đó cũng là một lợi thế của chính sách giao rừng, khoán chăm sóc, bảo vệ rừng cho người bản địa – những người sống giữa lõi rừng, muốn họ giữ rừng, không phá rừng cần có chính sách để nuôi sống họ.
Khéo léo điều khiển con thuyền lách qua những hốc đá lừng lững, bên trên phủ kín dương xỉ, rêu xanh, địa y, bên dưới là thập diện mai phục những hang hốc, đá hộc rồi lách qua những khu nuôi thả cá lồng, cá bè của bà con người Dao, thuyền của Khương chậm rãi xuyên qua những khe núi mà hai bên vách đá dựng đứng, phẳng lì tựa như một nhát rìu khổng lồ tạo hóa chém ngọt lịm. Trên khúc sông này, bao nhiêu hang hốc, đá ngầm, Khương thuộc lòng như thể biết rõ như lòng bàn tay.
Thuyền di chuyển ra đến giữa sông. Hai bên, những cụm rừng xanh sẫm, tán những cây cổ thụ đan vào nhau càng khiến những mảng xanh trở nên đậm và nổi bật. Rừng Du Già phần lớn và hầu hết là nghiến – những cây cổ thụ có tuổi đời trên 100 năm mọc trên núi đá thẳng đứng, có những cây đứng chênh vênh như thể chúng đang treo mình đu trên đá.
Tốp tuần tra rừng đột xuất ngày hôm nay có Hạt trưởng Lệnh Thế Tuyển, các kiểm lâm viên Đán Anh Tú, Bàn Văn Phương, Nguyễn Văn Nhơn, và Khương, người điều khiển thuyền máy. Khi chúng tôi còn đang háo hức mắt nhìn như dán vào những vách đá phủ kín những cây, các cán bộ kiểm lâm lặng lẽ làm công việc của mình: quan sát bằng mắt và ống nhòm chuyên dụng. Đã quen thuộc từng góc rừng, vách đá được phân công theo dõi bảo vệ, nếu phát hiện thấy điều bất thường, họ sẽ dừng lại để lên tận nơi xem xét…
Vượt qua gầm cầu treo Thượng Tân, thuyền tiến vào vùng lõi của khu bảo tồn Du Già. Nói là “lõi rừng” nhưng thực ra, toàn bộ khu vực rừng đặc dụng diện tích hơn 23.000ha này phủ bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Vị Xuyên, Bắc Mê (Hà Giang); xã Thượng Tân nơi chúng tôi vừa bắt đầu cuộc hành trình cũng là vùng lõi rừng với hơn 400 hộ dân tương đương khoảng trên 2.500 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc Dao, Tày, Mông, Kinh đều đang sinh sống ở lõi rừng.
Thực trạng ấy thuộc vấn đề lịch sử bởi nhiều năm qua, người dân bản địa đã sinh sống tại đây trước khi Nhà nước có chủ trương khoanh vùng bảo vệ thành rừng đặc dụng. Để di dời, tái định cư những bản làng như thế liên quan đến rất nhiều vấn đề: kinh phí, quỹ đất, phong tục tập quán…, trong khi đó, tại các khu vực biên giới, mỗi một công dân là một cột mốc sống bảo vệ chủ quyền. Để hài hòa các bài toán, đó là một câu chuyện rất khó, và lâu dài!
Năm 2011, Hà Giang quyết định sát nhập 4 đơn vị gồm 2 ban quản lý (BQL rừng đặc dụng Du Già và BQL rừng đặc dụng Khâu Ca); 2 Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng (Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Bắc Mê và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tùng Bá) để thành lập BQL rừng đặc dụng Du Già. Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già nằm trong Ban quản lý rừng đặc dụng.
Đến tháng 10/2021, Đề án số 29 và Quyết định số 2143 của UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục tách Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già ra khỏi Ban quản lý rừng đặc dụng, trực thuộc Chi cục Kiểm lâm. Hạt có tổng số 14 công chức kiểm lâm, trong đó bộ máy gồm 1 hạt trưởng; 5 kiểm lâm viên địa bàn kiêm nhiệm phụ trách các bộ phận chuyên môn, 8 kiểm lâm viên trực tiếp phụ trách địa bàn xã có rừng.
Với số lượng nhân sự mỏng nhưng Hạt đang quản lý bảo vệ diện tích rừng đặc dụng lên tới hơn 23.451 ha phân bố trải rộng tại 37 thôn bản thuộc 8 xã của các huyện Bắc Mê, Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh – những khu vực có địa hình chia cắt mạnh, đường giao thông đi lại khó khăn.
Trên chiếc thuyền tuần tra, Hạt trưởng Lệnh Thế Tuyển thông tin sơ bộ: rừng đặc dụng Du Già tại Bắc Mê với trên 14.000 ha rừng tự nhiên và rừng phục hồi tái sinh phân bố đều trên các xã Minh Sơn (trên 5,6 ngàn ha), Minh Ngọc (3,2 ngàn ha), Lạc Nông (1.804,1ha) và Thượng Tân (hơn 3,4 ngàn ha).
Rừng Du Già có nhiều loại gỗ quý có giá trị kinh tế cao như nghiến, trai, ngọc am và các loài gỗ họ thông... và nhiều loại lâm sản, động vật quý hiếm khác; độ che phủ của rừng đặc dụng đạt ở mức cao. Tuy nhiên, chính những đặc thù này đang đặt ra cho Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già thêm nhiều áp lực.
Phân bổ theo đầu cán bộ, hiện mỗi kiểm lâm viên phụ trách xã đang tuần tra, bảo vệ trên 3.000ha rừng, gấp 6 lần so với quy định tối đa 500ha rừng/cán bộ kiểm lâm. Đó là chưa nói tới điều kiện địa hình khó khăn, hiểm trở, bị chia cắt mạnh bởi núi cao, vực sâu. Với địa hình này, phương tiện duy nhất để tuần tra, đó là… đi bộ. Tại trạm Thượng Tân, do sông Gâm chảy xuyên qua lõi rừng nên kiểm lâm có thêm một nhiệm vụ: tuần tra, bảo vệ rừng trên sông – một điều hiếm hoi ở vùng miền núi hiểm trở như Hà Giang.
Đó là lý do, trong chuyến tham gia tuần rừng trên sông Gâm, trong lúc chúng tôi không ngừng xuýt xoa trước những cảnh tượng hùng vĩ, hoang sơ, kỳ vĩ của những vách đá phẳng lỳ như một nhát rìu chém ngọt lịm, những cây cổ thụ treo mình trên vách đá – đặt trong bối cảnh bên dưới là sông nước, bên trên là trời xanh cao tít, lưng chừng là vách đá dựng đứng và một quần thể rừng phân tầng, xếp tán từ thấp tới cao… Bức tranh đẹp đẽ, hoang sơ đến độ, chỉ cần giơ máy ảnh lên chụp, chúng tôi đã có những bức ảnh quá đẹp. Đó là sự hoàn hảo của tạo hóa, tự nó hoàn chỉnh bức vẽ chính mình!
Nhưng, gương mặt của các kiểm lâm cắm bản lúc nào trông cũng nghiêm nghị, và họ khá kiệm lời. Những đôi mắt chăm chú dõi theo những quần thể rừng cứ mỗi lúc lại xuất hiện, mở rộng thêm sau mỗi lần thuyền mở một khúc cua…
Anh Bàn Văn Phương (SN 1976, quê Tùng Bá, Vị Xuyên) – cán bộ của Hạt, giải thích: cây nghiến phân bổ theo cụm rừng, mỗi một khu vực là một quần thể đông đúc, sum tụ hệt như một cụm dân cư giữa một xóm núi. Nghiến đặc biệt thích hợp với vùng núi đá, và nó là vua của những vùng núi đá trải dài tại miền núi phía Bắc từ Tuyên Quang, Lạng Sơn sang tới Hà Giang.
Trỏ tay chỉ một mỏm núi với một “gia đình nghiến” khoảng chục cây cổ thụ quây vào nhau, anh Phương bảo: “Phía sau mỏm núi này là những đỉnh khác cao hơn, và cũng toàn là họ hàng nhà nghiến. Nơi cây nghiến sinh sống không có loài cây khác chen vào, bởi đó là nơi khắc nghiệt nhất, và chúng cũng không thể cạnh tranh được với loài nghiến”.
Đến ngã ba sông rộng có tên ngã ba Minh Ngọc, khúc sông chia thành ba nhánh, mỗi nhánh đều có hai vách núi thẳng đứng quay mặt vào nhau tạo thành hẻm sâu hun hút, chênh vênh và độc đáo, tựa như hẻm Tu Sản nổi tiếng trên đỉnh Mã Pì Lèng cách đây khoảng 50km theo đường chim bay. Nhưng, khác với hẻm Tu Sản, hai bên vách của những hẻm núi trên thượng nguồn sông Gâm này phủ kín màu xanh.
Trên mỗi mỏm núi lại là một mỏm khác cao hơn, xếp tầng. Và theo độ cao, những tầng rừng cao thấp, so le, dưới ánh nắng mặt trời phản chiếu, những tán cây bừng lên lúc mỡ màng, lúc đen sẫm… tạo thành những vùng màu sắc huyền bí, mê đắm.
Hạt trưởng Lệnh Thế Tuyển nói: nếu rẽ trái thì về xã Minh Ngọc, đi thẳng sẽ vào càng sâu trong lõi rừng đặc dụng Du Già và sông càng lúc càng hẹp; đi ngược trở ra sẽ tới Nà Hang, Tuyên Quang.
Bên một vách núi thẳng đứng kế bên, ngay sát mặt nước, anh Đán Anh Tú chỉ chúng tôi xem một khúc rễ cây bám thẳng đứng với mặt đá, chạy thẳng xuống lòng sông Gâm. Nếu không được Tú nói trước, rất dễ nhầm đó là một con trăn khổng lồ đang ở tư thế thả người. Nhìn xa, nó to cỡ bắp đùi, nhưng khi lại gần, nó là một cái rễ cây lớn với đường kính một người ôm không hết.
Thuyền đi chậm rồi lựa một hẻm núi có những mỏm đá nhô ra, có độ dốc và có lối lên, Hạt trưởng Lệnh Thế Tuyển bảo Khương tấp thuyền dừng lại. Bàn Văn Phương nhót một cái đã nhảy thoắt từ thuyền lên mép bờ, cột dây neo vào một tảng đá. Đây là điểm tuần tra trên bộ của các kiểm lâm viên trạm Thượng Tân, nó xóa tan hồ nghi trong tôi nãy giờ: kiểm lâm Thượng Tân đi tuần rừng bằng thuyền, không phải lên bờ, vừa nhàn nhã, lại vừa mộng mơ.
Cả đoàn lục tục dời thuyền. Các cán bộ kiểm lâm đi trước, vừa để dò đường, vừa hướng dẫn chúng tôi đi theo. Ngồi trên thuyền nhìn những vách núi, những cây rừng bám vào vách đá cheo leo tài tình như người làm xiếc, đẹp đẽ và kiêu hùng. Tưởng như, những vách núi phẳng lì và gần tới mức có thể với tay đề thơ lên vách đá như những tao nhân mặc khách ngày xưa. Nhưng, khi đặt chân để chinh phục nó mới hiểu, không dễ dàng chút nào.
Những tảng đá hộc to như chiếc bàn nằm gối đầu lên nhau, được phủ kín bởi những rêu xanh, dương xỉ, địa y; những cây dây leo của rừng già quấn chằng chịt. Chúng tôi phải ở tư thế bấu 2 tay, 2 chân lựa tìm những điểm đặt chân. Trước khi rời thuyền, anh Tú trỏ tay chỉ một cây nghiến thẳng đứng đứng ở ngay mé ngoài, vị trí dễ quan sát nhất và dễ tiếp cận nhất để làm đích đến.
Ngồi dưới thuyền, tôi ước lượng cây nghiến chúng tôi sắp tới, thân cây khoảng một người ôm…
Mấy ngày trước đó Thượng Tân mới mưa, nền đá vẫn còn ẩm ướt. Lúc này khoảng 1h chiều, mặt trời đã đi qua đỉnh núi bên kia khiến vách núi chúng tôi đang trèo lên bị khuất nắng, trở thành một vùng tối. Tuy nhiên, khi trèo lên vách đá, chúng tôi mới hiểu, ở khu vực này dù có mặt trời, thì những tán cây cổ thụ xếp tầng, kín tới mức không có một tia nắng nào lọt xuống.
Loay hoay chừng 15 phút chúng tôi cũng tới được gốc cây cần tới. Nhìn xuống dưới, quãng đường vừa đi qua chỉ… vài chục mét. Mũi con thuyền sắt của Khương vẫn đang dập dềnh ngay dưới chân. Đoàn chúng tôi có một thành viên là dân chạy bộ, từng nhiều lần chinh phục các cung đường mòn trong rừng, anh là người đầu tiên chạm tới cây nghiến cổ thụ. Không kìm được sự kinh ngạc, anh gần như hét lên: "Nhìn từ dưới sông lên tưởng bình thường mà không ngờ nó to khủng khiếp!”
Sự kinh ngạc và thán phục của anh lần lượt chuyển hết sang chúng tôi: một cây nghiến cổ thụ tuổi đời trên 100 năm đang lừng lững trên một mỏm đá. Bộ rễ khổng lồ của nó không phải là chọc, mà khoan thẳng vào những khe đá. Rễ cây chạy dọc, ngang ôm kín khối đá tảng to như một ngôi nhà. Những đoạn rễ nhô lên khỏi mặt đá lừng lững hai người ôm không hết; rồi trờm ra ôm kín những mỏm đá, không nhìn thấy đá đâu…
Bên trên chiếc rễ quằn quại như một con trăn khổng lồ sừng sững một thân cây mọc thẳng, ngước mỏi cổ mới nhìn thấy tàn cây sum suê phía trên. Nếu có chỗ đứng, có lẽ cả đoàn 5 – 6 người chúng tôi giang tay nối lại mới ôm hết thân cây.
Bẻ một cành cây dại làm thước, anh Bàn Thế Phương đo ước lượng: đường kính cây khoảng trên 2m, đoạn thoát thân cao chừng trên 20 mét. Nếu tính tới ngọn, cây nghiến lực lưỡng này tổng thể cao chừng trên 30m.
Trên khắp vùng rừng đặc dụng Du Già này, những quần thể nghiến đều có tuổi đời trên dưới 100 năm. Cây nghiến chúng tôi đang đứng chỉ là một trong số những cây nghiến có tuổi đời, hình dáng, kích thước ở mức… trung bình. Những đại lâm mộc vài trăm năm cho tới cả ngàn năm, may mắn thay, ở Du Già vẫn còn đó.
Vì còn nhiều loại gỗ quý, những khu rừng đặc dụng như Du Già trở thành đích ngắm và là sự thèm khát của lâm tặc. Và cũng vì thế, các cán bộ kiểm lâm bảo vệ rừng càng phải gồng gánh thêm nhiều áp lực…Giữa rừng già, đứng bên cạnh cây nghiến trăm tuổi sừng sững như một cột trụ trời mới thấy, trước tự nhiên, con người thật nhỏ bé.
Trở lại chiếc thuyền tuần tra, anh Bàn Văn Phương cho chúng tôi xem một cây nghiến nhỏ vừa lượm được trên đường đi tuần tra. Chiếc cây nhỏ bé, thân cây to chừng chiếc nan hoa xe đạp, cao chừng 10cm nhưng đã cứng cáp, khỏe mạnh. Anh Phương bảo, đây là cây nghiến con, mọc trong kẽ đá. Để sừng sững như một trong số những cây nghiến đang được bảo tồn trong rừng đặc dụng Du Già, thời gian tính bằng cả trăm năm.
“Mình sẽ trồng nó ở trước cửa Hạt Kiểm lâm. Hy vọng, nó sẽ phổng phao thành một cây nghiến khỏe mạnh trong khu bảo tồn”. Một mầm cây nhỏ bé như thế, để trở thành cả một khu rừng, đó không chỉ là thời gian, mà đó còn là ý thức của cả cộng đồng.
Đầu mũi thuyền, Đán Anh Tú, Bàn Văn Phương, Nguyễn Văn Nhơn đang lúi húi nhặt một bó rau dớn mà anh Tú vừa hái được trên vách đá. Đây chính là "chiến lợi phẩm" cho bữa trưa muộn mà Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già đãi khách hôm nay, khi lúc này đã chuyển sang chiều. Qua khỏi khúc sông với những vách đá dựng đứng xanh um và mát lạnh, chiếc nhà nổi của những kiểm lâm cắm chốt tại Thượng Tân đứng nép sát mép sông, gần với bến thuyền du lịch mà chính quyền huyện Bắc Mê vừa cấp kinh phí xây dựng, với mong muốn sẽ phát triển du lịch mang lại nguồn thu cho người dân, để bà con yên tâm với cái bụng, từ đó sẽ dứt điểm những vụ chặt phá rừng nhỏ lẻ.
“Đối với Trạm Kiểm lâm Thượng Tân, chúng tôi tổ chức duy trì hoạt động và phân công cán bộ trực 24/24. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn xảy ra 4 vụ việc vi phạm, đã khởi tố hình sự 1 vụ, xử lý vi phạm hành chính 1 vụ lấn chiếm, tham mưu chủ tịch xã xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ vận chuyển lâm sản và 1 vụ lấn chiếm. Mục tiêu tối thượng là phải giữ bằng được diện tích rừng đặc dụng Du Già, không để bất cứ cây gỗ nào rời khỏi rừng”, Hạt trưởng Lệnh Thế Tuyển quả quyết.