Ông đánh giá như thế nào về bản Dự thảo sửa đổi Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (Nghị định 01)?
Trước hết tôi thống nhất cao với bản Dự thảo Nghị định sửa đổi với cơ cấu tổ chức có Hạt Kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng/phòng hộ bởi nó phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hiện nay, nhằm đảm bảo vai trò, thẩm quyền trong thực thi công vụ, đặc biệt là trong công tác tuần tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm tài nguyên rừng; đảm bảo cùng với chủ rừng (Ban quản lý) chịu trách nhiệm khi để xảy ra mất rừng hoặc động vật hoang dã.
Điều này khác với quy định ở Nghị định 01 là có Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng/phòng hộ nhưng trực thuộc Chi cục Kiểm lâm hoặc Cục Kiểm lâm – chỉ thể hiện trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm trong phối hợp với Ban quản lý rừng quản lý, bảo vệ rừng chứ không đồng chịu trách nhiệm khi bị mất rừng.
Thực tiễn cho thấy ở rất nhiều khu rừng đặc dụng khi tách Hạt Kiểm lâm ra khỏi Ban quản lý thì phát sinh khá nhiều mâu thuẫn, nguy cơ bị khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã xảy ra nhiều hơn do vai trò, thẩm quyền xử lý của Ban quản lý không đủ mạnh, trong khi công chức kiểm lâm hỗ trợ không đủ hoặc thiếu kịp thời khi xảy ra vụ việc nên gây khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ rừng tận gốc.
Như vậy là sau khi sửa đổi Nghị định 01 do không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống thì cũng đồng nghĩa sẽ phát sinh thêm những vấn đề mới đúng không, thưa ông?
Khi Hạt Kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng/phòng hộ - đồng nghĩa đây sẽ là đơn vị hành chính, tức là Hạt Kiểm lâm phải có công chức kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách để có đầy đủ thẩm quyền của một Hạt Kiểm lâm theo quy định tại Điều 104 – Luật Lâm nghiệp 2017. Lý do là nếu Ban quản lý có Hạt Kiểm lâm, nhưng Hạt Kiểm lâm không có công chức mà chỉ là viên chức kiểm lâm thì sẽ không đảm bảo đầy đủ thẩm quyền trong thực thi công vụ.
Đây là vấn đề rất đáng được quan tâm bàn thảo thật kỹ nhằm thuyết phục các bộ, ngành khác vì có 2 mẫu thuẫn chính đối với các luật liên quan. Một là, Ban quản lý là đơn vị sự nghiệp công lập nên không thể có công chức hoặc đơn vị hành chính. Hai là, danh tính “viên chức kiểm lâm” hình thành có thể phát sinh thêm sự không thống nhất trong lực lượng kiểm lâm toàn quốc, sẽ càng trở nên phức tạp hơn khi cần phải giải quyết các vấn đề tiếp theo như chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, chế độ chính sách, ngạch bậc, vị trí việc làm…
Do đó, điều quan trọng là cần phải đưa ra đủ các minh chứng để thuyết phục theo hướng “đặc thù” đối với các khu rừng đặc dụng/phòng hộ nhằm xác định sự cần thiết phải có Hạt Kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý và Hạt Kiểm lâm phải có đủ thẩm quyền theo quy định tại Điều 104 – Luật Lâm nghiệp 2017.
Có như vậy mới tiến đến sự thống nhất và chuyên môn hóa lực lượng kiểm lâm trên quy mô toàn quốc, tức đã là kiểm lâm thì phải là công chức – cho dù kiểm lâm ở trung ương, địa phương hay ở các khu rừng đặc dụng/phòng hộ.
Vậy làm sao chỉ ra được lý do “đặc thù” của các khu rừng đăc dụng/phòng hộ. Liệu có thể định danh Ban quản lý các khu rừng đặc dụng/phòng hộ là một chủ rừng đặc biệt, là “đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công thiết yếu” của quốc gia?
Để giải thích điều này, có lẽ ai cũng biết rằng các khu rừng đặc dụng/phòng hộ đều là tài nguyên vô giá của quốc gia vì nếu không được quản lý, bảo vệ tốt thì sẽ làm suy thoái hoặc mất đi những giá trị đa dụng của nó mà không thể đo lường, tính toán hết được hệ lụy.
Ngoài ra, tôi cũng xin đề nghị bổ sung, sửa đổi một số khoản ở Điều 2a, Dự thảo sửa đổi Nghị định 01 như sau:
Sửa đổi, bổ sung Khoản 1: “Kiểm lâm là công chức được tổ chức từ Trung ương đến địa phương thực hiện quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản. Lý do nhằm thống nhất về tổ chức kiểm lâm, vị trí, vai trò, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm lâm trong toàn quốc”.
Thứ hai là sửa đổi, bổ sung Khoản 2: “Kiểm lâm Trung ương bao gồm Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm vùng và Hạt Kiểm lâm trực thuộc các Ban quản lý các vườn quốc gia do Trung ương quản lý thực hiện quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; tổ chức lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.”
“Kiểm lâm địa phương gồm: Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh trực thuộc Sở NN-PTNT; các Hạt Kiểm lâm trực thuộc Chi cục và các Hạt Kiểm lâm trực thuộc các Ban quản lý rừng đặc dụng/phòng hộ thực hiện quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản tại địa phương”.
Lý do: Căn cứ Điều 3- Nghị định 105/2022/NĐ-CP ngày 12/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ NN&PTNT; Quyết định số 1586/QĐ-BNN-TCCB ngày 19/4/2023 của Bộ NN & PTNT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm lâm; các quyết định của Cục Kiểm lâm quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 6 Vườn quốc gia trực thuộc Cục Kiểm lâm; các quyết định của các địa phương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vườn quốc gia/Khu BTTN thuộc địa phương quản lý.
Thứ ba là sửa đổi, bổ sung Khoản 3: “Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng/phòng hộ, trực thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng/phòng hộ về tổ chức, biên chế, tài chính, tài sản, trang thiết bị, phương tiện hoạt động và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Chi cục Kiểm lâm vùng đối với Hạt Kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng do Trung ương quản lý và Chi cục Kiểm lâm đối với các Hạt Kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng/phòng hộ do địa phương quản lý. Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng/phòng hộ là đơn vị hành chính đặc thù, được định biên trung bình 2.000 ha/(một công chức kiểm lâm và 4 bảo vệ rừng chuyên trách)”.
Lý do: Đây là các Hạt Kiểm lâm “đặc thù” gắn liền trách nhiệm với chủ rừng là các Ban quản lý rừng đặc dụng/phòng hộ được giao quản lý toàn bộ diện tích rừng tự nhiên quan trọng của cả nước... Hiện nay đa số các Hạt Kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng/phòng hộ không được biên chế công chức kiểm lâm nên bị hạn chế quyền trong thực thi công vụ.
Cụ thể như họ không được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, trong khi đối tượng phá rừng thường đông, manh động và có vũ khí nguy hiểm; không được bắt giữ, tạm giữ người vi phạm có quả tang- điều này gây khó khăn trong điều tra, xử lý, răn đe; không được tịch thu tang vật mà chỉ lập biên bản hiện trường và báo cáo Hạt Kiểm lâm cấp huyện hoặc Chi cục Kiểm lâm, trong khi nếu để tang vật ở rừng sâu và chờ công chức kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm cấp huyện hoặc Chi cục Kiểm lâm cử người đến sẽ mất thời gian và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm nếu đối tượng manh động, cướp phá, tẩu tán tang vật; không được điều tra, khởi tố, xử lý vi phạm, trong khi đó, đây là thẩm quyền của lực lượng kiểm lâm theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 104 – Luật Lâm nghiệp 2017.
Vì vậy để tạo hành lang pháp lý cho lực lượng kiểm lâm trong thực thi công vụ trước hết cần thống nhất “kiểm lâm là công chức” và đối với Hạt Kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý các khu rừng đặc dụng/phòng hộ thì Nghị định sửa đổi cần phải có quy định về định biên số lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách theo diện tích được giao quản lý.
Vườn quốc gia Bạch Mã là nơi có tính đa dạng sinh học cao và địa bàn hoạt động khó khăn, ông có đề xuất sửa đổi gì về lực lượng quản lý- bảo vệ rừng trong thời gian tới?
Qua kinh nghiệm gần 5 thực hiện Nghị định 01 và là một Vườn quốc gia có sức ép lên tài nguyên rừng ở cấp trung bình khi so sánh với các VQG/Khu BTTN khác trong cả nước, VQG Bạch Mã xin đề xuất định biên trung bình 2.000 ha/1 công chức kiểm lâm + 4 bảo vệ rừng chuyên trách – đảm bảo mỗi trạm kiểm lâm có từ 2-3 kiểm lâm và từ 4-8 bảo vệ rừng chuyên trách để quản lý tốt từ 3-5 tiểu khu với diện tích khoảng 4.000-6.000 ha thì mới bảo đảm quản lý, bảo vệ rừng tận gốc. Ngoài ra còn đảm bảo có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ pháp lý và chuyên môn, nghiệp vụ trong tuần tra kiểm soát tại hiện trường.
Nếu thực hiện được quy định về định biên này sẽ đem lại sự thống nhất, công bằng trong việc xác định số lượng biên chế công chức kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách, cũng như cơ cấu tổ chức, mô tả vị trí việc làm, chế độ chính sách, … đối với hệ thống các khu rừng đặc dụng/phòng hộ trong toàn quốc; đồng thời sẽ làm giảm được số lượng biên chế công chức kiểm lâm theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay.
Xin cảm ơn ông!