| Hotline: 0983.970.780

Vì sao chậm trễ công nhận giống cây trồng mới?

Thiếu quy định và văn bản hướng dẫn lưu hành giống cây trồng, nhiều giống cây trồng mới không thể được công nhận giống chính thức để đưa ra sản xuất.

------------------------

Các doanh nghiệp phản ánh, từ khi Luật Trồng trọt có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020 đến nay, do thiếu quy định và văn bản hướng dẫn lưu hành giống cây trồng, nhiều giống cây trồng mới không thể được công nhận giống chính thức để đưa ra sản xuất.

TS Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng Việt Nam (VSC) - Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam đã trao đổi với PV NNVN vấn đề này

------------------------

Việc chậm trễ trong khâu công nhận giống cây trồng đang gây nhiều khó khăn, lãng phí cho sản xuất. Ảnh: Tùng Đinh.

Việc chậm trễ trong khâu công nhận giống cây trồng đang gây nhiều khó khăn, lãng phí cho sản xuất. Ảnh: Tùng Đinh.

Chậm trễ, rườm rà, tốn kém

Thưa ông, vì sao việc công nhận giống cây trồng mới lại bị đình trệ dù nhiều doanh nghiệp đã làm xong khảo nghiệm DUS (tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định) và VCU (giá trị canh tác và giá trị sử dụng giống cây trồng)?

Trước khi phân tích để trả lời câu hỏi vì sao việc công nhận giống cho sản xuất bị đình trệ kể từ khi Luật Trồng trọt có hiệu lực, tôi xin nói thẳng thắn là dù bất cứ nguyên nhân gì thì việc đình trệ này cũng là có lỗi với nông dân của các bên liên quan: từ doanh nghiệp cho đến các công bộc của dân. Lý do cụ thể cho các trường hợp chậm trễ thì tôi không rõ. Tuy nhiên, đọc tất cả các văn bản pháp luật liên quan, có thể thấy rõ không có nguyên nhân về mặt pháp lý gây nên tình trạng chậm trễ này. 

Theo trình tự thủ tục công nhận giống (công nhận lưu hành) cần có các bước (Điểm b và c, Khoản 1 Điều 15, Luật Trồng trọt): b) Có kết quả khảo nghiệm bảo đảm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định; và c) Có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia về giá trị canh tác, giá trị sử dụng.

Vì có nhiều quy định mới khi ban hành Luật Trồng trọt, nên để đảm bảo mọi hoạt động ngành trồng trọt diễn ra bình thường, Luật đã đưa ra quy định chuyển tiếp tại Điều 85 mà cụ thể vấn đề công nhận liên quan ở các Khoản 4, 5 và 6 như sau:

Điều 85. Quy định chuyển tiếp: 

- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, tiêu chuẩn Quốc gia trong hoạt động trồng trọt đã được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ hoặc thay thế. 

- Kết quả khảo nghiệm cơ bản về giống cây trồng được thực hiện trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị tương đương kết quả khảo nghiệm diện hẹp theo quy định của Luật này. 

- Kết quả khảo nghiệm sản xuất về giống cây trồng được thực hiện trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị tương đương kết quả khảo nghiệm diện rộng theo quy định của Luật này.

Như vậy đối với các giống đã có kết quả khảo nghiệm (DUS và VCU) thực hiện trước ngày tiêu chuẩn mới được ban hành vẫn có thể tiến hành công nhận giống theo các quy định cũ (trước khi có văn bản mới thay thế).

Các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng cho rằng nhiều thủ tục trong công nhận giống cây trồng còn rườm rà. Ảnh: NNVN.

Các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng cho rằng nhiều thủ tục trong công nhận giống cây trồng còn rườm rà. Ảnh: NNVN.

Ngoài ra, một nguyên tắc áp dụng các quy định pháp lý là văn bản mới ban hành chỉ được áp dụng với các trường hợp có nhu cầu phát sinh sau ngày văn bản mới ban hành có hiệu lực. Cụ thể đối với các trường hợp có yêu cầu công nhận giống trước ngày 1/1/2020 (ngày Luật Trồng trọt có hiệu lực) thì phải áp dụng các văn bản có hiệu lực trước ngày Luật Trồng trọt hoặc văn bản liên quan có hiệu lực.

Như vậy với các giống có yêu cầu công nhận cho sản xuất trong 2 năm qua là những trường hợp họ đã làm các thủ tục đăng ký khảo nghiệm để công nhận từ trước đó rất lâu thì không có lý do gì lại phải chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định mới.

Thế mà doanh nghiệp vẫn phải chờ là hình thức xử lý có phần cứng nhắc của cơ quan chức năng.

Thưa ông, thủ tục công nhận giống mới hiện nay dù có một số đổi mới nhưng theo phản ánh từ doanh nghiệp thì vẫn còn rườm rà?

So với thủ tục công nhận giống trước đây, hiện nay đã bỏ khâu công nhận tạm thời. Tuy nhiên, các quy định về khảo nghiệm thì quá rườm rà và gây tốn kém về tiền của và thời gian cho tổ chức/cá nhân có giống mới muốn đưa ra sản xuất.

Một giống bình thường có cần thiết phải “khảo nghiệm có kiểm soát” theo các chỉ tiêu như Tiêu chuẩn Quốc gia về giống cây trồng nông nghiệp - khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng (TCVN 13381:2021) mới ban hành không? Theo tôi, đó là các công việc dành cho tác giả trong quá trình nghiên cứu cơ bản trước khi quyết định khảo nghiệm để đưa ra sản xuất. Hoặc có cần thiết phải yêu cầu tác giả phải làm khảo nghiệm ở tất cả các vùng sinh thái như tiêu chuẩn nêu không? 

Việc khảo nghiệm giống cây trồng hiện đang gây nhiều chi phí tốn kém cho doanh nghiệp. Ảnh: NNVN.

Việc khảo nghiệm giống cây trồng hiện đang gây nhiều chi phí tốn kém cho doanh nghiệp. Ảnh: NNVN.

Ông nói chi phí khảo nghiệm lớn, cụ thể thế nào?

Không phải chỉ là lớn mà là quá lớn! Tất cả các chi phí này sẽ được tính vào giá giống thì nông dân sẽ là người phải chịu các chi phí này. Theo đơn giá của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia được xây dựng trên cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn khảo nghiệm, số tiền để khảo nghiệm cho 1 giống lúa là 848.500.000 đồng, với ngô số tiền này là từ 695.000.000 đồng (ngô tẻ) đến 755.000.000 đồng(ngô nếp/đường).

Số tiền này là quá lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt với các cá nhân có giống mới muốn đưa ra sản xuất. Nhân đây tôi xin nói có nhiều cá nhân gồm cả nông dân đã chọn được các giống mới phù hợp cho sản xuất nhưng với chi phí khảo nghiệm như vậy thì chắc họ không thể chịu nổi.

Hai vấn đề cần thay đổi

Cần sửa đổi thế nào trong quy trình công nhận giống cây trồng mới, thưa ông?

Trước khi nói đến chuyện sửa đổi quy trình công nhận giống, có 2 vấn đề xin nêu ra để cùng thảo luận nhằm có cách tiếp cận đúng, phù hợp với kinh tế xã hội đất nước trong bối cảnh hội nhập theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.

Thứ nhất: Đổi mới kinh tế đất nước từ bao cấp sang thị trường được Đảng ta thực hiện từ 1986 (hơn 35 năm tính đến nay). Nhưng đọc tất cả các quy định về công nhận lưu hành giống (cho phép sản xuất kinh doanh) thì chẳng thấy vai trò của thị trường điều tiết ở chỗ nào. Bất cứ khâu nào cũng phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Trong bối cảnh hiện nay, cơ quan thẩm quyền chỉ nên xem xét để quyết định giống cây trồng có đủ tiêu chuẩn một giống mới hay không theo định nghĩa được cả thế giới áp dụng. Có nghĩa một quần thể cây trồng đáp ứng các điều kiện (tiêu chuẩn một giống cây trồng), khác biệt, đồng nhất và ổn định.

Sự bất cập trong quy định khảo nghiệm, công nhận giống đang làm nhụt chí các doanh nghiệp trong ngành giống. Ảnh: NNVN.

Sự bất cập trong quy định khảo nghiệm, công nhận giống đang làm nhụt chí các doanh nghiệp trong ngành giống. Ảnh: NNVN.

Còn giống đó có phổ biến được trong sản xuất hay không thì để thị trường quyết định (thị trường ở đây là người nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong và ngoài nước). Cơ quan thẩm quyền nhà nước không nên và cũng không thể can thiệp bằng một quyết định hành chính về việc cho phép hay không cho phép được sản xuất kinh doanh một giống nào đó.

Chưa thấy có bất kỳ quy định nào về trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền nhà nước trường hợp giống được phép lưu hành nhưng sau đó ra sản xuất không được người sản xuất chấp nhận hoặc có đặc tính nào của giống ngoài sản xuất không đúng như những biểu hiện được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Đọc kỹ các văn bản pháp lý cho đến kỹ thuật (lúa, ngô), có cảm giác các quy định đang "đúc một cái khuôn", giống nào "chui" qua đó thì được cho lưu hành, không thì nghỉ. Có thể áp dụng như vậy đối với giống được tạo ra bằng tiền từ đề tài, dự án do nhà nước cấp theo dạng đặt hàng. Còn doanh nghiệp phải sản xuất giống mà thị trường cần, có vậy họ mới bán được để tồn tại.

Đọc tiêu chuẩn vừa ban hành, tôi có suy nghĩ thế này: Tôi có một giống lúa năng suất kém giống đối chứng 10% nhưng lại rất dễ tính nên chi phí đầu tư thấp hơn hẳn giống đối chứng do vậy hiệu quả kinh tế cuối cùng cao hơn hẳn trồng giống đối chứng nên người nông dân rất ưa chuộng nhưng theo tiêu chuẩn Việt Nam vừa ban hành thì không thể được lưu hành.

Thứ hai: Cần hiểu đúng vai trò, bản chất của công tác khảo nghiệm giống cây trồng để có cách đối xử một cách khoa học, phù hợp nhằm có tác động tích cực mới phát triển được một hệ thống khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn, giúp cơ quan quản lý nhà nước trong công tác giống cây trồng.

Như trên đã phân tích, có hai loại khảo nghiệm: 1) Khảo nghiệm xác định một giống có đáp ứng tiêu chuẩn một giống mới hay không (khảo nghiệm DUS) và 2) Khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống hay nói cho đơn giản là xác định khả năng thích ứng (canh tác và có giá trị kinh tế) của giống trong điều kiện cụ thể.

Khảo nghiệm là khâu cuối cùng trong quá trình nghiên cứu chọn tạo ra một giống cây trồng trước khi đưa ra sản xuất. Cơ quan khảo nghiệm cũng như cán bộ trực tiếp khảo nghiệm cần có thời gian để đầu tư cơ sở vật chất cũng như kỹ năng nghề nghiệp phải được tích lũy theo thời gian công tác.

Tiếp cận khác về công tác khảo kiểm nghiệm

Từng là cán bộ nhiều năm công tác tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống cây trồng Trung ương và Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng thuộc Cục Trồng trọt, ông có đề xuất gì trong việc giảm thủ tục công nhận giống cây trồng?

Cần đổi mới, tạo thuận lợi hơn nữa trong khâu khảo nghiệm, công nhận giống cây trồng. Ảnh: NNVN.

Cần đổi mới, tạo thuận lợi hơn nữa trong khâu khảo nghiệm, công nhận giống cây trồng. Ảnh: NNVN.

Với hệ thống các văn bản còn rối rắm, rườm rà và thậm chí mâu thuẫn với nhau mà nhiều năm nay chúng ta đã trót xây dựng nên, việc sửa đổi hoàn chỉnh một cách hệ thống cần thời gian dài, không thể ngày một ngày hai được. Để chỉnh sửa nhằm đáp ứng sản xuất, phần nào giải quyết tình trạng chậm trễ trong công nhận giống, xin có một số ý kiến như sau:

- Về điểm khảo nghiệm: Cơ quan thẩm quyền chỉ quản các thí nghiệm khảo nghiệm diện hẹp tại các trạm của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm. Khảo nghiệm tại các vùng sinh thái khác nên để tác giả tự làm vì để giới thiệu giống, họ vẫn phải làm các mô hình trình diễn giống. Tác giả là người hiểu rõ giống của họ hơn ai hết về việc nên đưa giống đi đâu, làm ở chỗ nào, làm như thế nào, đối tượng nào sẽ cần giống của họ.

- Đối với khảo nghiệm có kiểm soát (Điểm a, Khoản 2, Điều 18 Luật Trồng trọt), nên hiểu rộng ra và làm đơn giản theo hướng: Coi khảo nghiệm có kiểm soát là khảo nghiệm diện hẹp được cơ quan thẩm quyền kiểm soát (bám nghĩa “kiểm soát” trong từ điển tiếng Việt mà vận dụng cho thông thoáng – cái gì chẳng phải kiểm soát chứ đâu chỉ mỗi sâu bệnh?).

Cơ quan thẩm quyền ở đây là Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia làm tại các trạm của họ. Bỏ cách tiếp cận theo kiểu kiểm soát trong Tiêu chuẩn Việt Nam (ví dụ đối với lúa, ngô). Các quy định như trong Tiêu chuẩn về khảo nghiệm kiểm soát lúa, ngô với các yêu cầu sâu bệnh… là các nghiên cứu cơ bản trong quá trình chọn tạo giống tác giả đã luôn phải làm. Chỉ cần tác giả khai trong lý lịch giống trung thực, có khuyến cáo rõ ràng cho người sản xuất trong quy trình kỹ thuật mà không nên quy định mức thế nào thì mới cho phép lưu hành.

Những quy định mới trong thủ tục công nhận giống cây trồng cần nghiên cứu để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: NNVN.

Những quy định mới trong thủ tục công nhận giống cây trồng cần nghiên cứu để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: NNVN.

Thẩm quyền, trình tự thủ tục chỉ định tổ chức khảo nghiệm cũng cần được xem lại và điều chỉnh cho phù hợp. Nên có cách tiếp cận về công tác khảo kiểm nghiệm giống cây trồng đúng thì mới có thể có quy định phù hợp.

Việc coi Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng thuộc tổ chức phải được chỉ định theo thời hạn cần phải được xem lại một cách nghiêm túc tránh phá hỏng hệ thống và chỉ mang tính hình thức, không thực tế và cản trở công tác khảo nghiệm. Xin giải thích lý do:

Như trên đã đề cập, việc xây dựng một hệ thống khảo nghiệm với các điểm khảo nghiệm trên cả nước cần thời gian để hoàn thiện và dù được đầu tư, quan tâm đến mấy thì việc đạt 100% yêu cầu công việc luôn là cái đích để hướng tới, là mục tiêu phấn đấu để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, sản xuất.

Việc cấp, cấp lại, hủy bỏ quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng như Luật Trồng trọt quy định cần phải được cân nhắc, nếu không có thể phá hỏng hệ thống đã xây dựng sắp được nửa thế kỷ. 

Chưa rõ nhằm mục đích gì mà Khoản 2, Điều 16 Nghị định 94 đưa ra quy định chuyển tiếp: “Các cơ sở khảo nghiệm đã được chỉ định trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được tiếp tục hoạt động đến ngày 31/12/2020”.

Nhưng việc coi Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia thuộc đối tượng chỉ được hoạt động đến 31/12/2020 thì tôi cho là quá hài hước. Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương được thành lập từ 1980 với chức năng khảo nghiệm giống (DUS và VCU), cấp chứng chỉ hạt giống phục vụ công tác quản lý giống cây trồng.

Trải qua thời gian hình thành và phát triển, một loạt dự án của Nhà nước cũng như quốc tế nhằm nâng cao năng lực cho trung tâm như: Dự án của CHDC Đức (2 giai đoạn: 1980 – 1991 và 2000 – khoảng 2007); Dự án FAO (1989 – 1991); Dự án DANIDA (2002 – 2007); Dự án JICA (2010 – 2014) và nhiều dự án được Bộ NN-PTNT triển khai xây dựng cơ sở vật chất cũng như đào tạo nguồn nhân lực.

Chính vì vậy đầu những năm 2000, Bộ NN-PTNT đã có Quyết định (theo cách gọi hiện nay là Thông tư) giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương (nay là Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia) là cơ quan đầu mối về khảo nghiệm. Cho đến nay cũng chưa có văn bản nào bãi bỏ hiệu lực quyết định này.

Như vậy từ 1/1/2021 đến thời điểm được chỉ định lại, những vấn đề phát sinh trong công tác khảo kiểm nghiệm thì sẽ giải quyết như thế nào? Sản xuất thì vẫn phải diễn ra, doanh nghiệp vẫn phải sản xuất kinh doanh, nông dân thì luôn mong đợi các giống mới để có hiệu quả. 

Nhưng với các quy định pháp lý cũng như kỹ thuật mới ban hành có lẽ còn nhiều vụ việc ách tắc.

Tin liên quan

Nông dân đợi giống mới vì... chậm thủ tục!

Nông dân đợi giống mới vì... chậm thủ tục!1

Nhiều giống lúa tốt được nông dân làm mô hình có năng suất, chất lượng cao nhưng đang chờ đợi thủ tục để được ra đồng ruộng...

'Thay máu' giống cây trồng bằng giống nuôi cấy mô

'Thay máu' giống cây trồng bằng giống nuôi cấy mô

Với nhiều ưu thế vượt trội về chất lượng và khả năng nhân giống nhanh, các giống cây trồng, nhất là giống rau quả sản xuất bằng nuôi cấy mô ngày càng tỏa rộng.

Đánh giá bộ giống sắn kháng bệnh khảm lá

Đánh giá bộ giống sắn kháng bệnh khảm lá

Bộ giống sắn này năng suất đạt từ 28 – 36 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đạt 26%.