Nếu không có những chuyến đi với GS.TS Vũ Mạnh Hải - một chuyên gia đầu ngành về cây ăn quả và được ông khai sáng thì có lẽ những định kiến ấy vẫn ăn sâu, bám rễ trong tôi mãi.
Ông kể, "15 năm về trước, mình đã cùng PGS.TS Lê Quốc Doanh - hồi đó đang làm Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc, sau này là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT lên huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang để xem cây lê đường đặc sản".
Ở vùng khí hậu đặc biệt, luôn thấp hơn Hà Nội khoảng 10 độ C, lê đường được trồng thành một quần thể lớn hàng trăm ha. Khi đến đây, được nhìn tận mắt, được sờ tận tay, được thử nếm, cả hai ông đều cảm thấy ngạc nhiên. Mẫu mã của lê đường Hà Giang to, đẹp gần như lê Hàn Quốc nhưng chất lượng thì vượt trội hẳn, thơm, ngọt, giòn, mát.
Tuy nhiên, chỉ mươi năm sau, khi quay lại, ông Hải cảm thấy xót xa cho sự tàn tạ của cây lê đường bởi người dân không có kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa, tạo hình, tạo tán trong suốt một thời gian dài nên bị cây thoái hóa một cách nghiêm trọng. Nếu không có giải pháp khoa học kịp thời, có thể dẫn đến sự xóa sổ một giống lê ăn quả rất quý của Hà Giang.
Ông trầm ngâm: “Cách đây khoảng 3 năm, tôi có đưa chuyên gia Hàn Quốc lên thăm vùng lê đường ở Hà Giang với kỳ vọng xem lại những khu vườn tốt nhưng hoàn toàn thất vọng. Một số vườn lê đã bị chặt bỏ, còn đa số thì không có quả. Bài học rất thấm thía là do bà con không áp dụng kỹ thuật hợp lý, để cây phát triển tự nhiên, tán cao vút cho nên không ra hoa. Dù có ra hoa, ra quả đi chăng nữa cũng không đảm bảo chất lượng. Bởi, cây ăn quả ôn đới khi trồng buộc phải cắt để làm cho tán thấp xuống, thứ nữa cành càng ngang thì càng có nhiều hoóc môn, càng ra hoa nhiều.
Khi thực hiện đề tài “Phát triển một số cây ăn quả ôn đới có lợi thế ở vùng miền núi phía Bắc” của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi đã làm một mô hình trồng lê ở xã Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang với những kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa, tạo tán. Khi đến xem, người dân thấy hiệu quả đã bắt đầu làm theo. Đề tài này gồm chủ yếu là các giống cây nhập nội nhưng cũng có cả giống cây bản địa như lê đường. Từ nguồn giống nhập nội có thể lai hữu tính với giống bản địa hoặc dùng phương pháp đột biến để tạo ra các giống mới”.
GS.TS Vũ Mạnh Hải lý giải, trước đây, cây ôn đới bản địa bị lãng quên bởi nhiều lý do. Thứ nhất, là do khi đói người ta phải lo làm đầy cái dạ dày của mình trước bằng việc trồng lúa, ngô, khoai, sắn… mà quả chỉ là đồ tráng miệng, có cũng được mà không cũng được nên không chú ý trồng. Thứ hai, là dù có một số giống cây ăn quả bản địa tốt nhưng giá trị kinh tế chưa cao nên chưa được người dân quan tâm. Như cây mận Tả Van ở tỉnh Lào Cai, ăn rất ngon, thời gian thu hoạch lại muộn hơn mận tam hoa nhưng do trong suốt thời gian dài không chăm sóc nên năm mất năm được, chất lượng quả bị suy thoái.
Câu chuyện này làm tôi nhớ đến cuộc gặp gỡ với anh Lương Văn Trường - một trí thức có niềm đam mê cháy bỏng với nông nghiệp, hiện đang là Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương (xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) - nơi đang áp dụng những kỹ thuật độc đáo như cấy lúa không cày bừa và gieo hạt giống nảy mầm sẵn. Lúc là cử nhân mới ra trường, với ước mơ mang khoa học kỹ thuật lên “xóa mù” cho đồng bào, anh tình nguyện tham gia dự án quốc gia 600 Phó Chủ tịch xã trẻ và trở thành Phó Chủ tịch UBND xã Lử Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, phụ trách mảng nông lâm.
Anh hồi tưởng: “Năm 2012, tôi lên Lử Thẩn, có lẽ điều ấn tượng nhất là rượu ngô và mận Tả Van. Hương vị của quả mận Tả Van thực sự khó tả, vỏ mềm, mọng nước, hương thơm khác biệt, thịt quả đỏ đậm tới mức nhìn như màu đen, chỉ có thể nói một từ “ngon”. Không giống như hầu hết các giống mận khác ở Việt Nam luôn có vị hơi chua, mận Tả Van chín không hề có vị chua mà chỉ có vị ngọt giống như mật lên men”.
Ngày đó, diện tích trồng mận Tả Van ở xã Lử Thẩn (nay là Lùng Thẩn do xã Lùng Sui và Lử Thẩn nhập lại làm một) còn rất ít. Chỉ có một số mảnh đất có độ cao thích hợp cây mới phát triển tốt và cho trái ngon nhất, tập trung ở đỉnh dãy núi giáp ranh các thôn Chính Chu Phìn, Sẻ Nàng Cảng, Nàng Cảng 1 xã Lử Thẩn và Seng Sui của xã Lùng Sui. Đặc điểm của mận Tả Van, đó là khi ra quả ở vùng hơi nóng một chút vỏ sẽ dày, chát và thịt quả có vị hơi đắng, trái cứng, không ngon.
Thêm vào đó, cây luôn ra cành mọc thẳng hướng lên cao nên việc thu hái rất khó khăn. Người dân lại có thói quen lấy gậy đập cho quả rụng rồi nhặt mang đi bán nên số lượng quả có chất lượng ra thị trường càng ít. Bởi thế, dù giá bán rất cao (cao hơn 3 - 5 lần so với mận khác) nhưng người dân cũng không trồng nhiều.
Tại thôn Sẻ Nàng Cảng có một quần thể 12 cây mận Tả Van cổ thụ đã được lập hồ sơ để bảo tồn gen bản địa. Có thể nói, đây chính là điều để khẳng định nguồn gốc giống mận này là ở Lử Thẩn. Mận Tả Van có một số đặc tính rất quý, khác hẳn mận tam hoa. Cụ thể là: Cây và quả hầu như không bị sâu hại, không có hiện tượng giòi đục. Quả gần chín (70-80%) cũng rất cứng, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển đi xa. Khi quả chín hẳn mới mềm, mọng nước, màu thịt đẹp, không có vị chua, rất phù hợp với chế biến các loại nước ép, siro, pha chế màu cho đồ uống.
Nhận thấy tiềm năng của giống mận này, anh Trường đã tham mưu với chính quyền địa phương khuyến khích người dân trồng nhân rộng. Được sự ủng hộ của địa phương, kết hợp với chính sách đầu tư hỗ trợ của huyện và tỉnh cho phát triển cây ôn đới địa phương, sức lan tỏa mạnh làm cho diện tích trồng tăng đột biến.
Tới đây lại phát sinh nhiều vấn đề. Một là, cây mận này rất khó nhân giống. Kinh nghiệm truyền thống của người dân địa phương là tách cây con mọc ra từ rễ để trồng nhưng do quá khan hiếm giống trong khi đó nhu cầu thị trường rất lớn nên họ đã đào hết cả những cây được bảo tồn để lấy rễ nhân giống, khiến quần thể này gần như mất hoàn toàn. Hiện chỉ còn một vài cây do được địa phương can thiệp kịp thời.
Hai là, người nông dân chỉ biết trồng chứ không để ý đến đặc tính của cây nên trồng cả vào những vùng khí hậu không phù hợp, dẫn đến chất lượng quả không đồng đều, thậm chí đang có xu hướng giảm chất lượng. Bởi thế mà việc khôi phục mận Tả Van rất cần “trái tim nóng” và một cái đầu lạnh, tránh làm theo kiểu phong trào.
Miền núi phía Bắc, nếu đi từ phía đông qua phía tây, đâu đâu cũng có những giống cây ôn đới bản địa khá tốt, như lê xanh, lê nâu ở Lạng Sơn; dẻ Trùng Khánh ở Cao Bằng; mận Tả Van, đào mỏ quạ ở Lào Cai; một số giống đào ở Lai Châu. Ngay cả mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió như thế nhưng cũng có vùng Mường Lống của huyện Kỳ Sơn được ví như Sa Pa của xứ Nghệ rất hợp với cây ôn đới.
GS.TS Vũ Mạnh Hải nhớ lại chuyện cỡ 30 năm trước, ông Nguyễn Công Tạn khi đó là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã dẫn đầu một đoàn vào Mường Lống để tìm hiểu cây trồng nào thay thế cho cây thuốc phiện. Đường sá lên Mường Lống hồi ấy còn rất khó khăn, đoàn đi vào thấy một chiếc xe ô tô lao ngay xuống vực mà không khỏi rùng mình sợ hãi. Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đứng làm phiên dịch tiếng Mông cho đoàn vì đồng bào hầu hết không nói được tiếng Kinh.
Ông Tạn hỏi một cụ bà người Mông khoảng 80 tuổi rằng: “Bây giờ, bà thích cây trồng gì nhất?”. Không cần phải đắn đo, suy nghĩ gì nhiều, bà đã trả lời ngay rằng: “Cây thuốc phiện”. Lý do cũng dễ hiểu, cây thuốc phiện dễ trồng, bảo quản rất đơn giản, vận chuyển lại gọn nhẹ, chỉ cần một nắm thôi là bán được rất nhiều tiền rồi.
Hai, ba năm trước đó, trong một dự án xã hội thuộc Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), cây mận Tam Hoa từ miền Bắc đã được đưa vào trồng thử ở Mường Lống, không ngờ chúng phát triển rất tốt, cho quả chất lượng cao. Nhưng người dân vẫn thờ ơ với nó bởi không biết tiêu thụ ở đâu do đường đi rất khó, chở trong điều kiện kéo dài như thế chất lượng giảm đi đáng kể...
Tôi hỏi GS.TS Vũ Mạnh Hải suy nghĩ như thế nào về những vùng cây ôn đới bạt ngàn như mắc coọc, táo Mèo ở miền núi phía Bắc nhưng hiện tại vẫn bị bỏ phí hoặc cho giá trị kinh tế rất thấp.
Ông trả lời rằng, mắc coọc, táo Mèo chính là cây chỉ thị cho những vùng đất có thể trồng được cây ăn quả ôn đới. Về cây táo Mèo vẫn có thể sản xuất rượu được, ngoài ra còn có thể đưa thêm những giống cây ôn đới có yêu cầu sinh thái tương tự vào trồng. Còn cây mắc coọc chính là nhóm của cây lê nhưng quả rất nhỏ, chất lượng kém nên phải đưa những giống lê tốt vào ghép cải tạo hoặc trồng hẳn giống lê mới.
Tôi hỏi tiếp, liệu làm như thế thì được năng suất, hiệu quả kinh tế nhưng có sợ rằng sẽ phôi pha, thậm chí mất đi những giống cây ôn đới bản địa? Ông trả lời, làm gì cũng phải đảm bảo sự hài hòa. Giống bản địa nào có giá trị thì giữ và bồi dục cho nó như lê đường Hà Giang, lê nâu Lạng Sơn, còn những giống bản địa nào chất lượng không cao thì nên thay bằng giống cây nhập nội.
Việt Nam chưa có nghiên cứu về giá trị dược liệu trong các quả nói chung và quả ôn đới nói riêng nhưng giá trị dinh dưỡng của chúng rất lớn, có thể không trực tiếp nhưng gián tiếp giúp nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng của con người như quả lê có đường dễ tiêu và các vitamin quý.
Tuy nhiên, khi trồng ồ ạt, không có định hướng, quy hoạch hợp lý thì chuyện giá rẻ, thậm chí để chín rụng mà không buồn thu hái xảy ra ở nhiều nơi, cụ thể như với quả mận tam hoa. Bởi thế, trong đề tài “Phát triển một số cây ăn quả ôn đới có lợi thế ở vùng miền núi phía Bắc” do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, có hướng làm một xưởng chế biến rượu vang ở Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Tôi lại thắc mắc chuyện ở những vùng núi của Việt Nam có độ lạnh CU thấp, lại không có mấy trạm khí tượng thống kê, cung cấp thông tin về CU cho người dân để biết mà trồng cây gì cho phù hợp. Vậy người dân muốn trồng cây ôn đới thì phải làm sao? Ông Hải trả lời: Khái niệm độ lạnh CU khá xa lạ với nhiều người dân Việt Nam bởi nó quá hàn lâm nên phải cụ thể hóa, dù có thể không thật chính xác là nhiệt độ trong 3 tháng lạnh nhất ở vùng đó trung bình là bao nhiêu. Hoàn toàn có thể thống kê, đo bằng nhiệt kế thông thường rồi nhờ các nhà khoa học dùng thuật toán để tính ra độ lạnh CU.
Nói chung, độ lạnh CU của Việt Nam thấp, tuy nhiên vẫn có thể học Đài Loan - nơi có độ lạnh CU tương tự nhưng đã rất thành công trong việc trồng cây ôn đới. Đài Loan đã dùng những giải pháp kỹ thuật như vít cành để cho cành nằm ngang sẽ cho ra hoóc môn ra hoa, thứ nữa tuốt lá hay cắt khoanh để cân bằng tỷ lệ C/N (Carbon/Nitrogen).
Ở Đài Bắc của Đài Loan có địa điểm cao khoảng 1.000m, họ cho nông dân trồng lê gốc ghép, cứ mỗi năm tháng 9, tháng 10 họ dùng chuyên cơ mua những mắt ghép ở bên Nhật về ghép. Những mắt ghép mua về đó đã phân hóa mầm hoa sẵn rồi nhờ khí hậu lạnh ở Nhật, khi ghép vào gốc cây ở Đài Loan, ra quả, thu hoạch lại xuất bán sang Nhật.
Bây giờ công nghệ bao quả là điều bình thường, nhiều nước đã làm. Nhưng bao quả của Đài Loan tinh vi đến mức, khi quả đến lúc thu hoạch thì màu của bao quả cũng biến đổi để nhìn vào đó xác định thời gian thu hoạch, không phải xé ra để xem hay phải tính ngày nữa.
Tôi lại đem chuyện bây giờ cứ vào mạng xã hội là dễ nhìn thấy các quảng cáo về những cây táo Tây, những cây lê trĩu quả, màu sắc, hình dáng rất đẹp, người bán không nói rõ vùng nào, điều kiện thế nào trồng được chẳng khác nào gài bẫy ra hỏi ông Hải. Ông gật gù rồi bình luận, thông tin quảng cáo trên mạng thường không chính xác. Ví dụ như nhiều doanh nghiệp giống quảng cáo thuộc cơ quan khoa học chuyên ngành này nọ rồi bán giống tùm lum chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp hậu quả. Tốt nhất là nông dân phải tìm đến những cơ quan có chuyên môn, mang tính chất chính thống để có cơ sở khoa học chắc chắn.
“Tôi đã nhiều lần nhìn thấy những giống cây ăn quả của Trung Quốc được rao bán trên mạng, quảng cáo là của Việt Nam. Ví dụ như đào quả to, mận quả to quảng cáo ở Hà Giang về nhưng khi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, tôi có hỏi cụ thể thì ông bảo đấy là chuyện tùm lum chứ địa phương mình không có những giống như thế”.
Nhiều khu vực ở miền núi phía Bắc có quỹ đất dồi dào, điều kiện sinh thái, cụ thể là nhiệt độ thấp trong mùa đông phù hợp cho việc phát triển một số chủng loại cây ăn quả ôn đới. Trên thực tế đã tồn tại khá nhiều giống bản địa quý hiếm và hình thành nên một số vùng trồng cây ăn quả ôn đới đặc sản, có đóng góp vào việc phát triển kinh tế địa phương, giúp cải thiện đời sống đồng bào.
Mặc dù vậy, việc phát triển cây ăn quả ôn đới ở miền núi phía Bắc nói chung còn chậm, thiếu ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chất lượng sản phẩm chưa cao và chưa đồng đều. Tình trạng suy thoái giống, thậm chí mất cả nguồn giống quý gắn với lịch sử của một địa phương đã và đang là một thực tế xảy ra ở khá nhiều nơi.
Trong khi đó, người tiêu dùng ngày nay thực sự có nhu cầu về sản phẩm cây ăn quả ôn đới có chất lượng, giá hợp lý và an toàn. Theo số liệu thống kê khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam phải nhập khẩu sản phẩm quả với đa số là cây ăn quả ôn đới từ khoảng 700 triệu USD đến 1 tỷ USD.
Xuất phát từ thực tế đó, đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển sản xuất bền vững một số cây ăn quả ôn đới lợi thế tại vùng miền núi phía Bắc” do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện từ năm 2019, song song với hướng chọn lọc nguồn gen quý từ các giống tốt nhập nội, chúng tôi rất quan tâm đến tập đoàn các giống cây ăn quả ôn đới bản địa. Mục đích là vừa tiếp tục chọn lọc giống ưu việt phù hợp với sinh thái ở các tiểu vùng khác nhau, vừa làm nguồn thực liệu để lai tạo và xử lý đột biến, góp phần làm phong phú nguồn gen cây ăn quả ôn đới quý.
Hiện đề tài đã tiến hành điều tra, tuyển chọn giống ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, tạo giống bằng lai hữu tính và xử lý đột biến. Hàng chục giống bản địa đã được điều tra, hệ thống hóa các thông tin cơ bản để phục vụ công tác theo dõi, đánh giá, chọn lọc nhằm công bố lưu hành và sử dụng làm nguồn vật liệu cho công tác tạo giống mới thời gian tới. Đề tài dự kiến công bố lưu hành 7 giống cây ăn quả mới trong đó có giống bản địa (hồng Quản Bạ, Hà Giang) để đưa vào sản xuất.
Để có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm quả trong mùa thu hoạch rộ, đề tài đã tiến hành nghiên cứu xây dựng quy trình chế biến rượu vang từ quả mận tam hoa và quy trình sấy hồng từ quả hồng Nhân Hậu.