“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, dẫn lại câu nói trên, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, ông Dương Văn Thái, cho rằng, nông dân Bắc Giang, ngoài việc muốn đi nhanh trong phát triển nông nghiệp, còn muốn đi xa hơn khi có Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tập thể.
Nghị quyết 20 một lần nữa khẳng định kinh tế tập thể là xu thế tất yếu và quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương là “phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước”. Trước hết xin được hỏi, ông kỳ vọng gì vào Nghị quyết mới về kinh tế tập thể của Trung ương?
Có thể nói, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn xác định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Đảng ta đã khẳng định khu vực kinh tế tập thể đã có những chuyển biến tích cực cả về chất và lượng, từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.
Trên cơ sở đó, Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Với nhiều quan điểm, định hướng lớn, cùng 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, toàn diện, Nghị quyết số 20-NQ/TW được kỳ vọng sẽ mang tới những "làn gió mới", giúp khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại hiện nay, đưa kinh tế tập thể có bước phát triển, cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Các chủ trương khuyến khích hỗ trợ về nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường, phát triển kết cấu hạ tầng, bảo hiểm mà Nghị quyết 20 đã đề ra là căn cứ quan trọng để tới đây chúng ta sẽ cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo động lực mới phát triển kinh tế tập thể, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; giúp kinh tế tập thể đủ sức mạnh cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường; vững vàng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Là một trong những địa phương rất chú trọng phát triển kinh tế tập thể, ông có thể phân tích về thực tiễn vai trò của kinh tế tập thể đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Bắc Giang như thế nào? Quan điểm và chỉ đạo, chính sách của Bắc Giang về kinh tế tập thể từ trước tới nay và trong giai đoạn tới đây ở Bắc Giang sẽ ra sao?
Xuất phát là một tỉnh nông nghiệp, với gần 80% dân số sống tại nông thôn, cùng những lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng Trung du, miền núi Bắc bộ, tỉnh Bắc Giang luôn xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương và giữ vai trò quan trọng không chỉ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.
Tỉnh Bắc Giang cũng luôn xác định phát triển kinh tế tập thể, HTX vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng để xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX). Các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn. Các HTX ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia.
Đến nay, toàn tỉnh có 950 HTX, 05 liên hiệp HTX, với khoảng 35.000 thành viên tham gia; trong số đó có trên 64% HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Để hỗ trợ các HTX nông nghiệp, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ thành lập các HTX cung cấp dịch vụ, chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Trong đó bao gồm 48 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất kinh doanh, trong đó chủ yếu là ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất (thủy canh, trồng cây trên giá thể, màng dinh dưỡng); ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động; ứng dụng công nghệ tưới tự động, ứng dụng công nghệ sản xuất an toàn.
Các HTX hoạt động đã thúc đẩy, phát huy lợi thế của từng ngành gắn với phát triển kinh tế từng địa phương. Nhiều sản phẩm chế biến của HTX đã được người tiêu dùng ưa chuộng và đã trở thành đặc sản chất lượng cao của Bắc Giang.
Nông nghiệp Bắc Giang với nòng cốt là các HTX đã có bước phát triển tích cực. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp trong 10 năm gần đây đạt trên 3%/năm. Đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; nhiều sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, đã xuất khẩu, chinh phục nhiều thị trường khó tính. Tiêu biểu là sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã trở thành sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản và xuất khẩu sang trên 30 nước trên thế giới.
Có thể khẳng định, các mô hình kinh tế tập thể, HTX đã tạo ra những chuyển biến tích cực, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Giang thời gian qua.
Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Bám sát, vận dụng linh hoạt, sáng tạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương, nhất là các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể, gắn với ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, khai thác tối đa những lợi thế, dư địa để phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề ra.
Nghị quyết 20 cũng khẳng định “khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết đề ra”, từ thực tiễn của Bắc Giang, theo ông, đâu là những nút thắt, rào cản, những điểm nghẽn khiến kinh tế tập thể của chúng ta chưa phát triển được như kỳ vọng?
Khu vực kinh tế tập thể của Bắc Giang cũng như cả nước mặc dù đã có bước phát triển, song vẫn còn nhiều nút thắt, điểm nghẽn cần tháo gỡ, trong đó theo tôi có 3 vấn đề lớn:
Thứ nhất, tư duy của một bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân khi nghĩ tới kinh tế tập thể là nghĩ đến các mô hình HTX kiều cũ nên còn e dè, chưa thực sự quan tâm, mạnh dạn đầu tư, góp vốn, huy động nguồn lực tham gia phát triển khu vực kinh tế này.
Thứ hai là việc tập trung ruộng đất, huy động vốn để phát triển các mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của các HTX vẫn còn nhiều khó khăn.
Thứ ba là nội lực của khu vực kinh tế tập thể còn yếu cả phương diện quản lý và phương diện cơ sở vật chất, trang thiết bị, tư liệu sản xuất, chưa thích ứng với việc áp dụng công nghệ mới, chuyển đổi số; khả năng dự báo, nắm bắt thông tin thị trường cũng còn hạn chế.
Tôi cho rằng, đây là những nguyên nhân chính khiến kinh tế tập thể chưa phát triển được như kỳ vọng.
Giải pháp của tỉnh Bắc Giang để giải quyết những nút thắt, rào cản, điểm nghẽn đó là gì? Ông có kiến nghị gì với Trung ương để vai trò kinh tế tập thể được phát huy tốt hơn?
Có thể nói, các chủ trương, định hướng lớn để tháo gỡ những rào cản, nút thắt về phát triển kinh tế tập thể cơ bản đều đã có, đặc biệt là những chủ trương, định hướng rất tổng thể, đồng bộ, bài bản mà Trung ương đã đề ra tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII cả về chính sách đất đai, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phát triển kinh tế tập thể.
Điều cần làm hiện nay là phải sớm đưa các chủ trương, định hướng đó vào cuộc sống, tạo ra những động lực, chuyển biến mới thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, tôi cho rằng một điều rất quan trọng là cần đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân thay đổi tư duy, nhận thức về kinh tế tập thể, về bản chất, tính ưu việt của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới trong giai đoạn hiện nay.
Kinh tế tập thể là đưa bà con xã viên hợp tác với nhau cùng phát triển. Mô hình HTX theo Luật HTX năm 2012 cơ bản mới là sự tập hợp cơ học của các thành viên, tổ chức lỏng lẻo, thiếu tư duy dẫn dắt, tính cam kết, tính pháp lý thiếu chặt chẽ do vậy rất khó thành công. Thực tế chúng ta cũng đã chứng kiến có doanh nghiệp bị “lật kèo”, không thể mua được sản phẩm khi giá bán tăng lên.
Để khắc phục được tình trạng này, tôi cho rằng mấu chốt nhất là phải thay đổi được tư duy của người dân, phải chuyển sang tư duy sản xuất lớn, làm ăn lớn, sản xuất theo quy trình. Đơn cử như việc phun thuốc trừ sâu, nếu phun thửa ruộng này trong khi các thửa ruộng xung quanh không phun đồng thời thì liệu có mang lại hiệu quả? Việc thay đổi tư duy của người dân không phải trong một sớm một chiều. Giải pháp hữu hiệu nhất là triển khai các mô hình điểm, khi người dân thấy được hiệu quả, lợi ích thì sẽ làm theo.
Cấp ủy, chính quyền cũng cần đổi mới tư duy ngay từ việc ban hành cơ chế, chính sách, đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các HTX. Nhà nước phải giữ vai trò như “bà đỡ” tạo môi trường thuận lợi cho các HTX phát triển; hỗ trợ thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết với các HTX để phát triển các chuỗi liên kết.
Một vấn đề nữa cần phải quan tâm đó là việc tập trung đất đai. Có thể nói, cơ chế “Khoán 10” đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh lịch sử của mình. Song, giai đoạn phát triển mới cần tính toán, có chính sách mới phù hợp để tạo điều kiện cho việc tập trung đất đai, phát triển sản xuất quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, cũng như khắc phục tình trạng ruộng đất bỏ hoang.
Chúng ta cần hướng tới phát triển mô hình HTX mà ở đó có sự tham gia, gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên, có bộ máy quản lý, có người dẫn dắt, có mục tiêu, định hướng phát triển rõ ràng và có sự tham gia, liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp để có thể sản xuất tạo ra các sản phẩm có đủ số lượng, chất lượng, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Ở Bắc Giang, thời gian qua tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình HTX làm ăn tốt, thu hút được bà con nông dân tham gia, đúng theo quan điểm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”.
Bà con nông dân của Bắc Giang, ngoài việc muốn đi nhanh, còn đang rất muốn đi xa, hướng đến sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp. Thời gian tới, Bắc Giang sẽ sớm xây dựng chương trình để sớm đưa nghị quyết vào đời sống để có được những sản phẩm có khả năng cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.
Hiện nay, dư địa cho phát triển kinh tế tập thể còn rất lớn. Tới đây tỉnh tập trung quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng Nghị quyết Trung ương 5 thành chương trình hành động cụ thể và sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể phát triển thực sự hiệu quả, bền vững, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế.
Là một Bí thư Tỉnh ủy tiên phong khảo sát, nghiên cứu thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế, ông có thể chia sẻ những bài học kinh tế tập thể ở các nước ra sao? Một trong những giá trị cốt lõi của kinh tế tập thể là để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc… Ông đánh giá gì về giá trị cốt lõi, về triết lý đó?
Kinh tế tập thể không phải là mô hình riêng của nước ta, đây là hình thức liên kết sản xuất phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, ở nước ta, kinh tế tập thể hướng đến rất nhiều mục tiêu, ngoài việc bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng thì còn phải bảo đảm các mục tiêu mang tính nhân văn sâu sắc, vì hạnh phúc con người, vì hạnh phúc nhân dân, phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa và bảo đảm môi trường sống xanh; phát triển kinh tế tập thể hướng tới xây dựng những tập thể, những cộng đồng đoàn kết, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường, xây dựng thành công CNXH.
Việc chúng ta phát triển kinh tế tập thể theo định hướng XHCN không có nghĩa là chúng ta không nhìn nhận tiếp thu những mặt tích cực, ưu việt của các mô hình kinh tế tập thể tiên tiến của thế giới; chúng ta phải có cái nhìn khách quan, toàn diện, coi đó là tinh hoa của nhân loại để học hỏi.
Tôi đơn cử tại CHLB Đức, một trong những nguyên nhân chính bảo đảm cho các HTX hoạt động hiệu quả và bền vững là do được kiểm toán bắt buộc hàng năm bởi Liên đoàn Kiểm toán HTX, trực thuộc Liên đoàn cấp quốc gia của các HTX tại CHLB Đức; những tồn tại, yếu kém trong hoạt động của HTX được phát hiện sớm và có các giải pháp củng cố, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, các HTX ở Đức rất nhạy bén trong việc nắm bắt xu thế chung của người tiêu dùng từ đó định hướng, tư vấn hỗ trợ thành viên trong việc sản xuất, từ đó giúp người dân tiêu thụ được sản phẩm và tăng thêm thu nhập trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
Tại Ấn Độ - một quốc gia mà sự phát triển kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào việc phát triển nông nghiệp, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập công ty quốc gia phát triển HTX, thực hiện nhiều dự án khác nhau trong lĩnh vực chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, hàng tiêu dùng, lâm sản và các mặt hàng khác, đồng thời thực hiện các dự án về phát triển những vùng nông thôn còn lạc hậu...
Những bài học của các quốc gia nêu trên về kiểm soát, nâng cao chất lượng của mô hình kinh tế tập thể, HTX, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX sẽ gợi mở cho chúng ta nhiều điều bổ ích trong quá trình phát triển kinh tế tập thể của đất nước ta.
Xin trân trọng cảm ơn ông!