| Hotline: 0983.970.780

Những kiến giải tháo gỡ nút thắt để phát triển kinh tế tập thể

Chủ Nhật 10/07/2022 , 06:31 (GMT+7)

Đa số các địa phương đều kiến nghị cần phải tháo gỡ những nút thắt về vốn, tín dụng, đất đai, nguồn nhân lực... để phát triển kinh tế tập thể.

LTS: Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương vừa ban hành Nghị quyết lần thứ V, Khóa XIII (Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Nghị quyết khẳng định “khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết đề ra”. Vậy những nút thắt, rào cản khiến kinh tế tập thể chưa phát triển được như kỳ vọng là gì?

Báo Nông nghiệp Việt Nam lược đăng những ý kiến đóng góp từ các địa phương, phần nào kiến giải nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để phát huy tốt hơn vai trò của kinh tế tập thể.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Trung ương cần có chính sách ưu đãi tiền thuê đất, ưu đãi thuế đối với HTX

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ.

Thực tiễn phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 222 HTX, trong đó có 213 HTX đang hoạt động và 9 HTX không hoạt động, đang làm thủ tục giải thể. Tổng số lượng thành viên HTX khoảng 56.000 người với hơn 1.000 thành viên mới tham gia vào HTX và khoảng 100 thành viên ra khỏi HTX. Ước doanh thu bình quân của HTX của Đồng Tháp trên 2,2 tỷ đồng, lãi bình quân 280 triệu đồng/1HTX, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 74 triệu đồng/người.

Tính đến giữa năm 2022 Đồng Tháp cũng có khoảng 1.000 THT với hơn 46.000 thành viên, doanh thu bình quân 255 triệu đồng, lãi 70 triệu đồng/THT. Các THT hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm ưu thế với hơn 940 THT, 44.638 thành viên, có 41 trang trại, 118 Hội quán được thành lập với 6.274 thành viên…                                    

Trước hết, kinh tế hợp tác ở Đồng Tháp đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt. Hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có những đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiệu quả thứ nhất, tham gia kinh tế tập thể bà con được học tập để nâng cao kiến thức, tay nghề, được hỗ trợ áp dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, tiến tới sản xuất tập trung theo quy mô lớn, khép kín, gắn với áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật mới vào tất cả các khâu trong quá trình sản xuất. Góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự đồng đều về kích thước, mẫu mã, đồng nhất về chất lượng và bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP… Đây là cơ sở để thực hiện truy xuất nguồn gốc và xây dựng nhãn hiệu tập thể, hình thành thương hiệu sản phẩm, giúp cho các sản phẩm của thành viên nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường, gia tăng được giá trị.

Thứ hai, việc cùng nhau thực hiện các hoạt động mua chung thông qua HTX để cung ứng các loại vật tư đầu vào, với giá cả rẻ hơn và chất lượng được bảo đảm, tiết kiệm chi phí. Bán chung các sản phẩm thông qua HTX giúp cho việc tiêu thụ nông sản của thành viên đạt hiệu quả cao hơn so với từng hộ bán riêng lẻ, giá bán ổn định hơn, giúp doanh nghiệp dễ dàng thu mua được khối lượng nông sản lớn, đồng đều về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng do được sự giám sát và cam kết từ HTX. Phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

Thứ ba, trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, vai trò của THT, HTX nông nghiệp được thể hiện nổi bật thông qua thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng kết nối để phát triển ổn định và bền vững.

Thứ tư, kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện cho thành viên tổ chức sản xuất ổn định và hiệu quả, đời sống thành viên được nâng lên. Thành viên có điều kiện, khả năng đóng góp xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, các công trình văn hóa, phúc lợi công cộng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, an sinh xã hội. Thành viên của các mô hình kinh tế tập thể không chỉ hợp tác thụ hưởng lợi ích kinh tế mà còn thụ hưởng các chính sách phát triển văn hóa xã hội trong cộng đồng, được tham gia các hoạt động phúc lợi xã hội, giúp cải thiện, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng tình làng, nghĩa xóm, gắn kết, giữ gìn an ninh trật tự và sự ổn định ở nông thôn.

Các THT và HTX nông nghiệp đã cùng với chính quyền xây dựng và phát triển các sản phẩm tiềm năng, chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập…

Kinh tế tập thể ngày càng phát huy vai trò lớn ở Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Kinh tế tập thể ngày càng phát huy vai trò lớn ở Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần phải khắc phục, thay đổi để phát huy vai trò kinh tế tập thể tốt hơn. Từ quản lý nhà nước, nguồn vốn hỗ trợ, chính sách hỗ trợ tín dụng, đất đai đến yếu tố nguồn nhân lực…

Trước hết về công tác quản lý và vốn, ngành Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ, tuy nhiên, do hầu hết kinh phí hỗ trợ được lồng ghép vào các Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình khuyến nông, khuyến ngư, giảm nghèo bền vững,… nên việc trực tiếp triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chủ yếu do ngành NN-PTNT và các địa phương phụ trách.

Chính vì có nhiều đầu mối quản lý, trong đó có đầu mối quản lý nhưng không trực tiếp triển khai các chính sách hỗ trợ, cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm, ít kinh nghiệm thực tiễn… nên công tác tham mưu quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa sâu sát, chưa kịp thời, chưa đánh giá đúng thực chất tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn.

Thực tiễn cũng cho thấy, có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước dành cho HTX nhưng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, các chính sách chậm hướng dẫn thực hiện, chậm bổ sung sửa đổi nên khi triển khai thực hiện còn nhiều chồng chéo, vướng mắc.

Cụ thể, Chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ chậm hướng dẫn cơ chế tài chính để thực hiện. Một số chính sách không có nguồn kinh phí riêng để thực hiện, chủ yếu là kinh phí lồng ghép vào các chương trình, dự án nên chưa đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của các HTX. Chưa có chính sách riêng hỗ trợ cho các Hội quán, các hoạt động hỗ trợ chủ yếu được lồng ghép trong thực hiện nhiệm vụ của sở, ngành và địa phương.

Một số chính sách về tín dụng còn khó tiếp cận vì HTX không có tài sản để thế chấp, hạn mức cho vay còn thấp, chủ yếu dựa vào giá trị tài sản thế chấp mà chưa xem xét tính khả thi phương án vay vốn, chưa có cơ chế cho HTX được vay vốn lưu động phục vụ sản xuất theo mùa vụ. Đối với nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, Quyết định số 68/2013/QĐTTg, rất ít HTX tiếp cận được chủ yếu do hầu hết các HTX chưa có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, chưa chứng minh được tình hình tài chính lành mạnh làm cơ sở xét duyệt cho vay,...

Nguồn vốn phát triển hợp tác xã hiện nay chủ yếu vẫn lồng ghép từ các chương trình khác. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Nguồn vốn phát triển hợp tác xã hiện nay chủ yếu vẫn lồng ghép từ các chương trình khác. Ảnh: Hoàng Vũ. 

Cùng với đó là những yếu tố chủ quan như đa số các HTX chưa có trụ sở làm việc, không có nhà xưởng, kho chứa để bảo quản, sơ chế nông sản sau thu hoạch nên khi vào chính vụ xảy ra tình trạng tổn thất hư hao, chất lượng nông sản giảm, dẫn đến giá bán thấp, có khi phải đổ bỏ... Đa phần bà con nông dân tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến còn hạn chế, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thường xuyên mất mùa, mất giá. Việc liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp trong sản xuất chưa nhiều và chưa mang tính ổn định. Các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ, các vấn đề liên quan đến tuân thủ hợp đồng liên kết, tiêu thụ chưa được thực hiện nghiêm túc...

Năng lực nội tại HTX còn yếu, hạn chế về cán bộ quản lý, điều hành và cả về cơ sở vật chất, nguồn vốn, không mở rộng được hoạt động sản xuất kinh doanh nên không bứt phá phát triển được. Vẫn còn tình trạng HTX còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chậm khắc phục tình trạng khó khăn...

Từ thực trạng trên, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện và ban hành các lộ trình chuyển đổi số trong phát triển kinh tế tập thể, huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ HTX chuyển đổi số từ thay đổi nhận thức đến hành động cụ thể, các công nghệ cụ thể để triển khai thí điểm, đánh giá hiệu quả, nhân rộng... dựa trên định hướng phát triển sản phẩm chủ lực của các địa phương trên cả nước.

Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN-PTNT xem xét, thống nhất văn bản hướng dẫn để địa phương thuận tiện trong triển khai hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX nói chung và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Thực tế hiện nay đang có 2 văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này là Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 và Thông tư 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/2/2020 về hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX.

Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu và xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện tập trung vốn sản xuất; kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để các HTX, tổ hợp tác, nông dân tiếp cận nguồn vốn này để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Kiến nghị Trung ương xem xét, có chính sách ưu đãi miễn tiền thuê đất đối với HTX phi nông nghiệp, chính sách về thuế 5% trên tổng số tiền lãi được chia của thành viên HTX để tạo thuận lợi cho HTX hoạt động... 

Kiến nghị của Bến Tre

“Tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Bến Tre có 171 hợp tác xã hoạt động trên 6 lĩnh vực, tổng số thành viên là 43.992 người. Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách nhưng nhìn chung năng lực hoạt động của một số THT, HTX chưa có chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, đối với các hợp tác xã nông nghiệp, mặc dù chiếm số lượng lớn (77,7%) nhưng đa phần quy mô hoạt động nhỏ, vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất chưa ổn định, liên kết trong sản xuất chưa bền vững, dễ bị tác dộng bởi thiên tai, dịch bệnh…

Mặc dù chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh Bến Tre đã được ban hành tuy nhiên số hợp tác xã có thể tiếp cận, thụ hưởng còn ít do có nhiều HTX hoạt động không đúng Luật HTX 2012. Chính sách về đất đai đối với HTX đã được quy định trong luật này tuy nhiên đa phần HTX chưa có đất để xây dựng trụ sở giao dịch, nhà xưởng chế biến, chỉ thuê hoặc được cho mượn nên rất khó thực hiện các dự án đầu tư và liên doanh liên kết… 

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bến Tre xác định sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động, khẳng định vị trí vai trò của kinh tế tập thể là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị. Kiến nghị Trung ương có các chính sách tháo gỡ những vướng mắc về vốn, tín dụng, đất đai, nguồn nhân lực để vai trò của kinh tế tập thể được phát huy tốt hơn”, ông Lê Hoàng Thanh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bến Tre

Không tháo gỡ sẽ mù mờ mãi

“Cả tỉnh Hậu Giang có 203 hợp tác xã nông nghiệp, nhưng mới chỉ có tầm hơn 5.700 hộ thành viên, tính bình quân còn chưa nổi 30 người trong một hợp tác xã. Bản chất HTX khác với mô hình doanh nghiệp ở chỗ khách hàng của hợp tác xã đầu tiên phải là thành viên, hoạt động vì lợi ích thành viên chứ không phải vì lợi nhuận. Chính vì vậy muốn phát triển kinh tế tập thể rất cần sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, nếu không sẽ “đi lòng vòng hoài mà không hiệu quả”. 

Câu chuyện quản lý nhà nước về hợp tác xã của chúng ta hiện nay giống như “3 ông đầu rau”. Liên minh HTX một tý, Kế hoạch và Đầu tư một tý, NN-PTNT một tý... Tôi cho rằng cần phải có sự thống nhất mới có thể xây dựng chuỗi ngành hàng, xây dựng tiêu chuẩn con người, tổ chức sản xuất ra sao, đáp ứng tiểu chuẩn thị trường thế nào… Nếu không tháo gỡ sẽ cứ mù mờ mãi thôi”, ông Ngô Minh Long, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 23/1, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trồng cây nêu ngày Tết, 5 người bị bỏng nặng do điện giật

HUẾ 5 người đang tiến hành trồng cây nêu ngày Tết không may sơ ý vướng phải nguồn điện dẫn đến bị bỏng nặng.

Bình luận mới nhất