7h sáng. Con đường láng xi-măng phẳng lỳ vào ấp Trường Hòa A (xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) nhộn nhịp khác thường. Từng tốp xe máy hướng về phía Nhà văn hóa ấp. Cứ ngỡ trong ấp hôm nay có tiệc cưới, nhưng không phải…
Bên trong nhà văn hóa, hai cán bộ nhà mạng Viettel đã đợi sẵn. Bàn kế bên, hai cán bộ ngân hàng cũng đã có mặt. Bên hông nhà văn hóa, trụ sở Công an xã Trường Long A (huyện Châu Thành A) cũng đông vui, tấp nập, có hàng chục cán bộ công an huyện đang chuẩn bị máy móc, thiết bị…
Hôm nay là ngày đầu tiên trong kế hoạch cấp tài khoản định danh điện tử công dân mức độ 2 của xã. Công an huyện cử cán bộ xuống tận cơ sở thay vì người dân phải lên trụ sở cách xã gần chục km như vài năm trước đó; cấp sim 4G, làm thẻ ngân hàng miễn phí cho bà con.
Cũng trong đợt này, Trường Long A sẽ thực hiện việc hoàn chỉnh hồ sơ lý lịch tư pháp công dân cho các trường hợp có sai sót như tên đệm, tên lót… không thống nhất, đồng bộ; làm sạch dữ liệu dân cư theo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”; cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và dịch vụ công trực tuyến.
Châu Thành A là huyện đầu tiên của tỉnh Hậu Giang được lựa chọn làm điểm trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử dựa trên ứng dụng các nền tảng công nghệ với ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, công dân số là trụ cột nền tảng. Trường Long A là xã điểm của huyện thực hiện Đề án này.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính xã Trường Long A là khối nhà cấp 4 mới xây dựng theo hình chữ L, còn thơm mùi sơn. Nền đá hoa sạch bóng. Người dân đến làm thủ tục đều ý thức bỏ giày dép bên ngoài, vì bên trong phòng tươm tất, điều hòa mát lạnh. Những dãy ghế được kê sẵn để bà con ngồi đợi đến lượt, có nước uống, sách báo... phục vụ miễn phí bà con.
Nếu ai không thích ngồi phòng mát, sẽ sang bên phòng Thư viện kế bên đọc sách. Thư viện xã Trường Long A với 3 kệ đầy sách, xếp thành 4 tầng được chia theo các thể loại: sách pháp luật, sách chính trị, sách khoa học kỹ thuật hướng dẫn trồng trọt - chăn nuôi, sách văn hóa giải trí… Bà con đọc theo sở thích, vừa mau thời gian, vừa có thêm kiến thức, hiểu biết.
Sảnh chính của trụ sở ủy ban kê một bộ bàn ghế gỗ. Chú Ba (ấp Trường Bình) cùng các chú Tư, chú Năm… vừa kêu ly café ở quán chị Bé Bảy sát bên hông ủy ban mang vô đây nhâm nhi, nói chuyện chơi. Đủ các chuyện, từ sản xuất lúa, nuôi ba ba, cua đinh, rồi chuyện thu hoạch sầu riêng năm nay được mùa, trúng giá, chuyện măng cụt xanh bị thu mua sớm làm gỏi gà khiến măng cụt chín năm nay giảm sản lượng, giá tăng gấp rưỡi, gấp hai không có mà bán… Chuyện của mấy bác “hai lúa” ngay giữa ủy ban mà xôm như đang ngồi ở nhà…
Trụ sở ủy ban nằm ở điểm hướng ra ngã tư kênh - một ngả chạy thẳng sẽ xuôi xuống huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ), nhánh kênh KH9 đổ ra kênh Xáng Xà No - con kênh đào nổi tiếng của Hậu Giang được mệnh danh là “con đường lúa gạo” - để về thủ phủ huyện Châu Thành A, hai nhánh kênh đào còn lại túa ra các ấp, các xã bên thuộc các khu 7000, 8000… - tên gọi theo khoảng cách của những con kênh đào nhân tạo từ thời Pháp thuộc.
Đứng ở ủy ban nhìn qua kênh KH9, bên kia là Nhà văn hóa đang nhộn nhịp hàng trăm người dân từ hai ấp Trường Bình - Trường Hòa, Trường Hòa A, Trường Hưng, Trường Thắng, Trường Lợi… đến đăng ký định danh điện tử mức độ 2, nhận sim điện thoại 4G và thẻ ngân hàng miễn phí…
Trên kênh, cứ mươi phút lại có một chiếc ghe nổ máy giòn đanh rẽ nước lao đi, bên trên chất những đống chuối xanh vừa mới đẵn. Nếu nghe tiếng máy chùng xuống, kêu xình xịch, đó là một chiếc tàu hay xà lan chở cát nặng nề, phải giảm tốc lại khi tới ngã tư kênh.
Khu giải quyết thủ tục hành chính của xã gắn tấm biển “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Trường Long A - Hành chính phục vụ” chữ trắng to nổi trên nền đỏ. Ngay cửa chính, tấm biển in số điện thoại của Bí thư, Chủ tịch xã được niêm yết công khai, ai cũng nhìn rõ. Có gì thắc mắc, hay ấm ức, bà con điện thoại thẳng cho Bí thư, Chủ tịch phản ánh.
Bên trong khu nhà trang bị máy móc hiện đại: bảng hướng dẫn điện tử, máy lấy số thứ tự, có cán bộ hướng dẫn bà con ngay cửa vào. Các quầy dịch vụ được đánh số trên bảng kính trong suốt, tên tuổi, số điện thoại cá nhân của cán bộ được công khai ngay trước mỗi quầy để bà con biết ai sẽ là người giải quyết các thủ tục hành chính cho mình.
“Cái máy lấy số thứ tự này nó hay lắm anh. Bà con ai tới sớm vô sớm, tới sau xếp lượt, máy móc nó chia thứ tự rồi, không ai thắc mắc. Anh có là bà con thân thuộc của cán bộ, muốn chen ngang cũng không được. Mấy cái chuyện tới sớm, tới muộn nhưng được ưu tiên làm trước khiến bà con để ý, rồi ì xèo, rồi từ cái nhỏ nó sẽ nhân lên thành cái lớn, thế là tạo nên những xung đột, tạo thành khoảng cách giữa cán bộ - người dân”, anh Lê Tấn Hoàng, chuyên viên Trung tâm hành chính huyện Châu Thành A cười hiền, giải thích.
Đồng hồ chỉ gần hết giờ hành chính, cụ ông Lưu Trường Sơn mới ra Bộ phân một cửa nộp hồ sơ tách thửa đất chia cho các con. Tuổi cao, cụ muốn tự mình làm công việc quan trọng này khi vẫn còn minh mẫn.
Nhà ở TP Cần Thơ nhưng vợ chồng cụ có 2 thửa đất sản xuất nông nghiệp tại ấp Trường Lợi, xã Trường Long A. Cụ dự định một miếng sẽ cho con trai đứng tên, còn một miếng lớn hơn sẽ tách thành hai sổ cho hai người con gái. Do qua trễ, cụ sợ phải chờ sang chiều, nhưng cán bộ vẫn vui vẻ tiếp nhận, hướng dẫn cụ hoàn tất hồ sơ theo mẫu, nhận hồ sơ và giải quyết ngay khiến cụ Sơn không khỏi bất ngờ.
“Các anh chị cán bộ giờ hay quá, giải quyết việc cho dân như việc của nhà mình, không có dây dưa, làm khó dễ”, cụ Sơn mãn nguyện, rồi nhá tay bấm vào nút “Rất hài lòng” trên bảng điện tử chấm điểm cán bộ công chức.
Anh Huỳnh Văn Dương, Công chức Văn phòng UBND xã, Quản lý Bộ phận một cửa xã Trường Long A cho biết: “Ở đây chúng em phục vụ bà con với tinh thần 'hết việc chứ không hết giờ'. Còn một phút chưa hết giờ mà bà con đưa hồ sơ tới, mình vẫn tiếp nhận. Nếu thủ tục đơn giản thì nán lại, giải quyết ngay để bà con nhận được kết quả, chiều không phải qua tới, qua lui cho vất vả”.
Gặp chúng tôi cuối giờ sáng vì bận tiếp xúc cử tri muộn mới xong, Chủ tịch UBND xã Trường Long A Lê Thanh Việt trên gương mặt vẫn thường trực nụ cười, không có biểu hiện của sự căng thẳng. Chỉ màn hình tivi đang truyền hình ảnh bên trong khu vực thủ tục hành chính, anh bảo: “Đó anh, hình ảnh được truyền trực tiếp qua camera giám sát theo dõi, cán bộ làm gì, người dân như thế nào mình đều biết được hết”.
Màn hình điện tử này là “tai mắt” của lãnh đạo xã. Nó cũng được truyền trực tiếp về ủy ban huyện, về Sở Nội vụ tỉnh để cấp trên nắm bắt.
“Cán bộ, công chức mà sách nhiễu, chúng tôi nắm được liền. Một lần thì nhắc nhở, hai lần, ba lần thì tích lại, bình xét cuối năm để đánh giá khen thưởng, kỷ luật, nhận cờ thi đua. Nhiều lần nữa thì xem xét kỷ luật, điều chuyển. Chủ tịch để xảy ra việc này sẽ bị cấp trên xử lý, không có bao che, giấu giếm gì cho nhau hết trơn”, anh Việt cho hay.
Tôi hỏi anh Việt: “Hôm nay tiếp xúc cử tri, bà con kiến nghị nhiều nội dung không anh?”.
“Cử tri kiến nghị nội dung: việc đền bù, kiểm đếm cây trồng để thực hiện dự án làm đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Bà con thắc mắc về giá cả thấp, kiểm đếm thiếu. Việc này có đại diện của huyện cùng tham dự. Anh em tôi giải đáp luôn tại hội nghị, là Hậu Giang ta vẫn là tỉnh nghèo, khung giá đền bù được quy định chung, đã được công bố, phê duyệt nên không thể điều chỉnh. Còn phần kiểm đếm nếu thiếu, bà con còn thắc mắc sẽ đi kiểm tra, kiểm đếm lại, rà soát bổ sung. Hộ nào chưa hài lòng thì huyện, xã sẽ làm việc riêng. Bà con đều vui vẻ.
Về chế độ chính sách nhà ở cho gia đình liệt sĩ, người có công, về điện chiếu sáng, nước sạch… cũng giải đáp luôn”.
“Hội nghị có nợ cử tri nội dung gì và phải trả lời bằng văn bản không anh?” - “Không có anh. Trao đổi, giải đáp ngay tại hội nghị, không nợ câu hỏi, kiến nghị nào hết anh à”, Chủ tịch xã Trường Long A hồ hởi, rồi anh điện thoại kêu chị Bé Bảy mang vào phòng giúp mình mấy ly café mời khách.
“Mô hình chính quyền thân thiện” đang được xây dựng tại Hậu Giang thực hiện theo tiêu chí: Bốn “xin” (gồm: xin chào, xin hỏi, xin lỗi - nếu giải quyết công việc chưa đúng thời gian quy định phải thành khẩn xin lỗi”, xin cảm ơn). Bốn “Luôn”: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn sẵn lòng giúp đỡ. Cán bộ, công chức của mình còn thực hiện nghiêm, mình càng phải gương mẫu”.
Chuyển đổi số, chính quyền thân thiện về mục tiêu, bản chất đó là lấy người dân làm trung tâm, lấy thước đo sự hài lòng của người dân làm tiêu chí đánh giá năng lực, tư cách đạo đức của cán bộ và hiệu quả, chất lượng phục vụ của chính quyền. Đó là sự đánh giá từ bên ngoài, từ dưới lên, khác với cách thức tự đánh giá bằng những bản báo cáo, tổng kết theo quý, theo tháng, theo năm…
Rõ ràng, người dân được chăm sóc, quan tâm, nhưng cán bộ - người phục vụ hành chính công thì thêm nhiều việc và thực sự vất vả.
Tại mỗi quầy thủ tục hành chính đều đặt một bảng điện tử “đánh giá chất lượng phục vụ” của cán bộ, gồm ba mục: “Rất hài lòng – Hài lòng – Không hài lòng” lồng trong ba ô màu tương ứng (màu xanh lá, màu xanh dương và màu nâu đỏ). Người dân sau khi nhận kết quả sẽ nhấp vào một trong ba mục đó. Một cái nhấp tay bình xét của người dân là thước đo đánh giá chất lượng, thái độ… của người công chức phục vụ.
Tôi hỏi Chủ tịch xã: “Thưa anh, cán bộ đang được đánh giá rất chặt, người dân chấm điểm từ dưới lên, cấp trên theo dõi từ trên xuống. Rõ ràng, áp lực công việc là rất nặng nề. Nhưng cũng cần có những chính sách tưởng thưởng xứng đáng để động viên, khen thưởng, động viên người lao động chứ anh?”.
“Điều này đúng, thưa anh. Các kế hoạch, nhiệm vụ được giao cho các đơn vị đều kèm theo kế hoạch thi đua: nếu hoàn thành sớm hơn thời hạn, vượt chỉ tiêu đề ra sẽ được khen thưởng. Năm ngoái, xã đạt thành tích xuất sắc, huyện thưởng 85 triệu đồng. Tiền thưởng đó, Hội đồng thi đua khen thưởng xã trích thưởng cho 9 đơn vị, thôn ấp mỗi đơn vị 5 triệu đồng; số còn lại (40 triệu đồng), chúng tôi vừa tổ chức chuyến tham quan cho cán bộ, người lao động đi du lịch ở Phan Thiết. Mọi người cũng cần được tiếp thêm năng lượng, cổ vũ tinh thần để phục vụ tốt hơn nữa bà con, anh à” – anh Việt xởi lởi.
Chủ tịch xã Trường Long A là người điềm đạm nhưng cởi mở. Năm 2000, anh Việt công tác tại Thị trấn Rạch Gòi, sau đó làm Phó Chánh văn phòng Huyện ủy, rồi Chánh văn phòng UBND huyện Châu Thành A trước khi được điều động về làm Chủ tịch xã Nhơn Nghĩa A (nay là xã Trường Long A) từ tháng 6/2022.
Là cán bộ đi lên từ cơ sở, lại sinh ra và lớn lên ở địa phương, trải qua hơn 20 năm công tác, hơn ai hết, anh Việt hiểu rõ tâm tính của người dân quê mình.
“Bà con vùng mình bao đời gắn bó với mảnh ruộng, vườn cây, kênh rạch sông nước, ít va chạm với bên ngoài. Khái niệm 'chuyển đổi số, công dân số' với mọi người còn rất mới mẻ. Mình và cán bộ xã xuống cơ sở, tuyên truyền cho bà con hiểu, công dân số là gì, là những dữ liệu cá nhân được số hóa trên phần mềm điện tử, chỉ cần nhấn nút là hiện ra đầy đủ, bà con đi thực hiện các giao dịch chỉ cần đi người không thôi à. Khi bà con hiểu, bà con sẽ phối hợp với chính quyền, không còn có thắc mắc chi hết” – anh Việt cho hay.
Ở Hậu Giang, ở huyện Châu Thành A, ở xã Trường Long A, thói quen, lề lối làm việc của cán bộ, đó là xuống cơ sở, xuống thôn ấp gặp bà con, không để bà con phải lên trụ sở đi tìm cán bộ, trừ những bộ phận chuyên trách như bộ phận thủ tục hành chính phải ngồi ở văn phòng do đặc thù, làm việc gắn với máy tính, thiết bị mới thực hiện được các lĩnh vực chuyên biệt…
Về công tác tại xã từ tháng 6/2022, khi đó, cả nước đang thiết lập trạng thái bình thường mới, nhưng nhiệm vụ chích ngừa (tiêm vacxin Covid) tiêm phủ mũi 3, mũi 4 vẫn là nhiệm vụ quan trọng phải triển khai cho toàn dân. Thời điểm cao điểm dịch, bà con tranh nhau, chen lấn, xô đẩy đi tiêm, nhưng đến giai đoạn cuối, nhiều người chủ quan, không chịu đi.
Anh Việt thành lập một tổ cơ động xuống các ấp, thôn đưa rước những trường hợp neo đơn, người lớn tuổi không tự mình đi được. Tổ công tác đi xe máy, vì đường vào các thôn ấp đều nhỏ, xe máy cơ động, linh hoạt hơn.
“Anh Việt tới ấp không có giới thiệu là Chủ tịch xã hay cán bộ chi hết. Ảnh chở xe máy bà má lớn tuổi lên Trạm y tế xã để cán bộ tiêm ngừa. Chừng xong, bác sỹ mới chọc má: 'Má uy tín lắm mới được Chủ tịch xã rước lên tận nơi để chích ngừa đó má'. Má xúc động lắm. Bà con trong ấp thấy Chủ tịch xã xuống tận ấp mời rước bà con đi chích ngừa, mọi người bảo nhau tự giác đi” – một cán bộ xã Trường Long A kể chuyện.
Xã ban hành quy chế cán bộ được giao phụ trách nội dung, nhiệm vụ gì thì sẽ xuống ấp để triển khai cùng bà con. 10/10 ấp phủ mạng wifi miễn phí tại các nhà văn hóa, bà con muốn lên mạng truy cập thông tin, ra nhà văn hóa để vào mạng. Các tổ hướng dẫn cài đặt “app Hậu Giang” xuống tận nhà, hướng dẫn từng người. trưởng ấp được trang bị máy iPad cập nhật tình hình…, là “cánh tay nối dài” của xã.
“Chúng tôi cài đặt và hướng dẫn bà con truy cập các trang hữu ích để nắm bắt được các văn bản, chủ trương của tỉnh, huyện, giám sát hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền; các trang truy cập dữ liệu dân cư hay trang phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi…. Nhưng, bên cạnh đó cũng tuyên truyền không xem những trang thông tin xấu độc để không thành nạn nhân của tội phạm công nghệ cao…
Phải xuống với bà con mới nghe được tiếng nói thật của họ, để từ đó điều chỉnh lại tác phong nề nếp, thái độ làm việc… Xuống ấp mới biết bà con cần gì để đáp ứng cho người dân. Tới đây, đang thực hiện chủ trương người dân không xài tiền mặt, cán bộ ngân hàng đang làm thẻ ngân hàng cho cá nhân, rồi cài áp, hướng dẫn cách thức giao dịch, mua bán… đều trên ví điện tử” – Chủ tịch xã Lê Thanh Việt chia sẻ.
Xã Trường Long A hiện có 532ha diện tích vườn cây ăn trái trong đó sầu riêng chiếm diện tích lớn, hơn 200ha. Sầu riêng miền Tây năm nay được mùa, trúng giá, bà con thu nhập cao. Có những hộ đạt trên 60 tấn sầu riêng, thu hàng tỷ đồng. Đề án xây dựng cánh đồng lúa lớn đã triển khai được 50ha với 38 hộ dân, được hỗ trợ lúa giống, phân bón, phân hữu cơ, sử dụng máy móc cơ giới hóa như máy bay phun thuốc trừ sâu, máy cấy, máy gặt đập liên hoàn… Hiệu quả của những cánh đồng lúa lớn đang khiến những hộ cá thể đều muốn được gia nhập, thay đổi phương thức sản xuất và được nhà nước, chính quyền hỗ trợ nhiều hơn trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Từ năm 2019, Trường Long A triển khai kế hoạch phát triển kinh tế tập thể theo Nghị quyết của huyện, đã xây dựng 4 hợp tác xã nông nghiệp với 359 xã viên. Các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, nhất là hợp đồng bao tiêu lúa giống và lúa hàng hóa với diện tích hằng năm khoảng 1.386ha. Những cái tên HTX Mùa vàng, HTX Hiếu Lực, HTX Phước Lộc… đang trở thành niềm tự hào của xã Trường Long A; ngày càng nhiều các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn 4 sao OCOP (như gạo thơm Hương Quê), tới đây sẽ ra mắt sản phẩm sữa gạo từ loại gạo tím…
Song song phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng nông thôn ở Trường Long ngày càng được chú trọng, đầu tư nâng cấp. Nhiều km đường được cải tạo, trùng tu, xây mới bằng kinh phí nhà nước và xã hội hóa; các cây cầu bắc qua kênh Năm Củ, Tám Chúc, Năm Tài, Tám Hùng… được duy tu, làm mới bằng kinh phí xã hội hóa hàng tỷ đồng…
Những tin vui ấy khiến chúng tôi chỉ là khách nhưng thấy đầy tự hào như thể là thành tựu của chính quê hương mình.
Từ sâu thẳm, tôi cho rằng mô hình “Chính quyền thân thiện” không chỉ là cử chỉ, hành động gần gũi, thân ái với bà con để xóa bỏ khoảng cách giữa người dân và chính quyền, cũng như “thước đo” năng lực của cán bộ và hiệu quả của bộ máy công quyền không chỉ hình thành từ kết quả người dân “chấm điểm”.
Điều quan trọng và thực chất, chính quyền thân thiện phải chăm lo đời sống người dân, giúp người dân bớt nghèo, bớt khổ, giúp bà con làm giàu được trên chính quê hương mình. Đường hướng phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, những vườn cây ăn trái có giá trị tiền tỷ…, đó là những thước đo về kinh tế, bên cạnh việc người dân chấm điểm về thái đội phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức!
Lê Thanh Việt sinh năm 1977, công tác 23 năm liên tục tại địa phương từ năm 2000 tới nay. Nhà anh ở xã bên, có chục công đất trồng cây ăn trái. Từ khi về xã, đi miết từ sáng sớm tới tối muộn mới về nhà, không còn thời gian làm vườn, anh giao hết vườn cho người anh trai trồng sầu riêng và mít... để tập trung công tác.
“Chính quyền thân thiện” ở xã Trường Long A (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đang là một thực thể như thế, không phải là một mô hình được phác họa theo kế hoạch, với những khẩu hiệu trên giấy.