Hơn hai năm trước khi có chủ trương xây dựng chính quyền thân thiện ở Bảo Yên có không ít những ý kiến tỏ ra nghi ngại. Đã đành là có thấy một số địa phương làm rồi nhưng hầu hết đó là những nơi cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển, nhận thức của người dân, cán bộ khá cao... Còn Bảo Yên dù sao vẫn còn là huyện nghèo, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, lo cái ăn còn đang vất vả, liệu đã đủ nhân lực, vật lực để thân thiện hay chưa?
Chị Nguyễn Thị Cương, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Yên đã dẫn tôi xuống thị trấn Phố Ràng và mấy xã Bảo Hà, Xuân Hòa... Say sưa và thẳng thắn, người phụ nữ được xem là “linh hồn” của chính quyền thân thiện ở huyện Bảo Yên không ngần ngại chia sẻ những thực tế ở địa phương dẫn đến quyết tâm xây dựng chính quyền thân thiện để “rút dần khoảng cách giữa cán bộ và nhân dân”.
Chị Cương vốn quê ở dưới xuôi lên đây dạy học. Nhiều năm làm giáo viên cấp ba, tiếp xúc nhiều với đồng bào dân tộc đã đúc rút rằng, xưa nay ở trên này dân sợ cán bộ lắm. Bảo Yên cũng giống như các huyện vùng cao Tây Bắc, suốt một thời gian dài đói nghèo, hủ tục lạc hậu, khoảng cách giữa cán bộ cơ sở và nhân dân thật nan giải. Trình độ, ngôn ngữ, phong tục tập quán của từng đồng bào khác nhau khiến chính quyền muốn tuyên truyền vận động chính sách khó đã đành, công tác giải quyết thủ tục hành chính lại càng lắm nỗi. Có cả trăm ngàn lý do khiến người dân sợ đến xã, đến huyện. Từ thủ tục nhiêu khê, rườm rà khiến nhân dân phát hãi đến thái độ của một bộ phận cán bộ cơ sở nhiều khi cũng chưa chuẩn mực. Nạn quan liêu, hách dịch của công bộc khiến khoảng cách giữa người dân với chính quyền cứ doãng dần ra.
Bởi thế, khi được điều động về công tác ở Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Yên, chị Cương cùng những lãnh đạo tâm huyết ở đây luôn trăn trở, phải thay đổi nhận thức cán bộ trong bộ máy công quyền trước đã. Ừ thì thủ tục hành chính còn rối rắm, ừ thì trình độ đồng bào còn hạn chế, cơ sở vật chất, hạ tầng, chế độ đãi ngộ cán bộ cơ sở còn thấp… nhưng cái chính phải làm sao để cán bộ thực hiện đúng vai trò phụng sự nhân dân.
Đầu năm 2020, Đề án xây dựng Chính quyền thân thiện ở Bảo Yên ra đời, trở thành địa phương đầu tiên ở tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện mô hình này.
“Đơn giản là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, lãnh đạo huyện bàn bạc nhau thực hiện chứ cũng chẳng có chỉ đạo gì từ cấp trên cả”, chị Cương vui vẻ tiết lộ.
Sau khi có chủ trương thực hiện từ Huyện ủy, liên tiếp các cuộc hội thảo quy mô toàn huyện được tổ chức. Một cuộc vận động lớn nhằm kêu gọi các xã, thị trấn bắt tay thực hiện. Cuối cùng Huyện ủy Bảo Yên thống nhất lựa chọn 3 địa phương để triển khai thí điểm, bao gồm: thị trấn Phố Ràng, xã Bảo Hà và xã Xuân Hòa. Ba vùng với những điều kiện đặc thù. Phố Ràng là trung tâm hành chính huyện, Bảo Hà là nơi đơn thư kiện cáo nhiều nhất, Xuân Hòa có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống.
Bộ tiêu chí xây dựng Chính quyền thân thiện được ban hành đồng thời thành lập các tổ tư vấn, hỗ trợ, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cấp trưởng các cơ quan ban ngành do Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy làm tổ trưởng. Nhiệm vụ trọng tâm ban đầu là hỗ trợ nhân dân giải quyết các thủ tục hành chính. 100% cán bộ cấp xã, thị trấn được tập huấn nâng cao các kỹ năng cơ bản nhằm đảm bảo thường xuyên thủ tục kịp thời, đúng quy định, lấy mức độ hài lòng của người dân làm tiêu chí đánh giá. Sau những hoạt động cơ bản là các chương trình hành động nhằm nâng cao vai trò của chính quyền với nhân dân.
Lần đầu tiên huyện Bảo Yên xây dựng 4 loại thư phục vụ cho các hoạt động giao dịch hành chính thông thường giữa chính quyền với người dân bao gồm: thư xin lỗi, thư cảm ơn, thư chúc mừng và thư chia buồn. Nghĩa là mọi buồn vui của nhân dân đều có mặt chính quyền. Tại bộ phận một cửa, tiếp dân của các xã, thị trấn đều niêm yết công khai phương châm hành động “chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ”.
Phương châm ấy trở thành quyết tâm xây dựng chính quyền gần dân để chia sẻ, nghe dân để hành động, hiểu dân để đồng hành, trọng dân để phục vụ. Gần như toàn bộ các hoạt động của chính quyền cơ sở ở Bảo Yên đều xoay quanh 4 biết, 4 chống, 4 xin, 4 luôn. Đó là biết nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm dân tin. Chống quan liêu hách dịch, đùn đẩy trách nhiệm, thờ ơ vô cảm, tham nhũng lãng phí. Cán bộ cơ sở khi tiếp dân phải biết xin chào, xin phép, xin lỗi, xin cảm ơn. Luôn mỉm cười, nhẹ nhàng, lắng nghe, giúp đỡ…
Chúng tôi đến Phố Ràng, Bảo Hà, Xuân Hòa, tiếp xúc với người dân cả mười người như một đều khẳng định các thủ tục hành chính trong năm vừa rồi được thực hiện đầy đủ, đúng hẹn. Có một tổ chức độc lập từ trên tỉnh về phát phiếu khảo sát mức độ hài lòng của người dân thì 100% nhân dân chấm điểm hài lòng từ tốt trở lên. Việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được ghi chép đầy đủ, đảm bảo đúng quy định, không phát sinh đơn thư, khiếu nại vượt cấp…
“Lẽ tất nhiên là cần thêm thời gian để hoàn thiện, tuy nhiên những kết quả tích cực ở các địa phương làm thí điểm chính là cơ sở để Bảo Yên quyết định nhân rộng mô hình Chính quyền thân thiện ra toàn huyện trong năm nay. Vẫn cứ phải vừa làm vừa tìm tòi, học hỏi để hoàn thiện dần chứ cứ ngồi chờ thì biết đến bao giờ”, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bảo Yên quyết tâm.
Xuân Hòa là xã vùng 3 khó khăn và có nhiều cái nhất ở huyện vùng cao Bảo Yên. Diện tích lớn nhất, dân số đông nhất, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nhất. Người Tày, người Mông, người Kinh, người Dao, người Phù Lá... tính ra cả xã Xuân Hòa có 1.900 hộ dân, xấp xỉ 10.000 khẩu, nhiều hơn cả thị trấn Phố Ràng. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào diện tích quế khoảng 2,7 nghìn ha, cũng thuộc diện lớn nhất cả huyện.
Anh Vũ Thành Công là cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Bảo Yên được tăng cường xuống làm Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa kể: Ngày trước xuống Xuân Hòa công tác bao giờ cũng phải có phiên dịch đi cùng, là vì đồng bào ở nhiều bản làng Xuân Hòa chưa nói được tiếng phổ thông. Địa hình rừng núi phức tạp, chia cắt tới 20 bản nên có những bản làng người Mông, người Dao, người Phù Lá sống tách biệt, rất ít tiếp xúc với người ngoài. Thậm chí như ở bản của người Phù Lá, bà con chỉ xuống xã nếu có trưởng bản đi cùng. Họ sợ. Trên huyện giao cán bộ nông nghiệp xuống phổ biến bà con trồng chuối, mất cả ngày trời không xong vì bất đồng ngôn ngữ.
Ở mấy bản người Mông, nhận thức đồng bào còn hạn chế nên các đối tượng xấu thâm nhập vận động bà con đi theo mấy thứ tà đạo Dương Văn Mình, Bà cô Dợ... Mấy chục hộ trong bản bán hết nhà cửa, đất đai, vườn tược, bỏ làng bản mà đi, chính quyền phải tìm đủ mọi cách mới kéo về lại để ổn định cuộc sống.
Đầu năm 2020 xã Xuân Hòa bắt tay xây dựng Chính quyền thân thiện bằng những buổi đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Từ cán bộ chính quyền, đoàn thể, cán bộ thôn bản đều có lệnh triệu tập. Và bài học đầu tiên ai nấy phải nằm lòng là xác định bà con nhân dân cũng như người thân ruột thịt của mình. Không thể cái gì cũng theo quy định, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính, phải hướng dẫn tận tình, kiên trì nhẫn nại. Mỗi tuần tổ xây dựng Chính quyền thân thiện Xuân Hòa chia nhau thành từng kíp trực, mỗi kíp là một đoàn thể phụ trách chịu trách nhiệm giám sát lẫn nhau, hỗ trợ bà con giải quyết ngoài giờ.
Dù “thêm việc không thêm tiền” tuy nhiên ai nấy đều chấp hành. Tất cả các hành động của cán bộ cơ sở đều được giám sát thông qua hệ thống máy tính kết nối, chấm điểm hoàn thành nhiệm vụ dựa vào mức độ hài lòng của người dân. Giả sử có chậm giải quyết thủ tục với người người dân vài phút, cả kíp không được chấm hoàn thành nhiệm vụ và lập tức phải đăng đàn xin lỗi. Hành động cụ thể nhất thể hiện sự thân thiện của chính quyền xã Xuân Hòa là mặc dù điều kinh phí còn hạn hẹp những xã đã dựng nên hai căn phòng để người dân ngồi đợi trong khi chờ làm thủ tục.
“Gọi là phòng nhưng thực chất toàn bộ đều do anh em cán bộ xã góp sức, góp công dựng nên từ những vật dụng sẵn có. Dù còn sơ sài nhưng ít nhiều cũng là cách thể hiện tấm lòng đối với bà con. Nói nôm na, ngày trước ở Xuân Hòa người dân ngại lên công đường vì sợ cán bộ, bây giờ cán bộ lại sợ dân phật lòng. Lỡ không may dân có ý kiến đánh giá người cán bộ nào đó không tốt lại phải giải trình phát ốm”, Chủ tịch Công cười hiền.
Chính nhờ thay đổi tư duy, từ những căn phòng còn sơ sài ấy mà lần đầu tiên Xuân Hòa giải quyết thành công 100% thủ tục hành chính, người dân không phải chịu bất kỳ thủ tục nào quá hạn. 17 đơn thư khiếu nại của người dân được hòa giải thành công. Chính quyền thân thiện Xuân Hòa còn lập cả tổ công nghệ số cộng đồng, xây dựng các nhóm zalo, thư điện tử giữa xã và thôn bản...
Những chuyện mới mẻ nhiều khi còn khiến nảy sinh tình tiết dở khóc dở cười nhưng lâu dần đã đi vào nề nếp và phát huy hiệu quả thực sự rõ nét. Ví như thư chúc mừng, chia sẻ, cảm ơn mỗi khi bà con có chuyện vui, chuyện buồn ở Xuân Hòa cũng phải khác. Gia đình người Dao làm lễ trưởng thành cho con trai thì cán bộ đến đọc thư phải nhờ người Dao phiên dịch. Đám ma, đám cưới người Mông, hay người Phù Lá cũng đều phải có phiên dịch của người đồng bào như vậy. Nhiều khi cán bộ đọc xong cũng không biết dịch có đúng hay không nhưng quan trọng là cảm nhận được sự thay đổi của bà con. Họ thêm tin yêu, gần gũi với chính quyền, với cán bộ cơ sở.
Hôm chúng tôi đến Xuân Hòa đúng vào thời điểm cán bộ xã đang giải quyết thủ tục đất đai cho mấy hộ đồng bào Mông ở trên bản Mo 1. Tất cả đều theo kiểu cầm tay chỉ việc. Từ ký tá vào đâu, nộp lệ phí như thế nào, thời gian ngồi đợi mất bao lâu... bà con đều được cán bộ hướng dẫn tận tình.
Tráng Xuân Phông, một người Mông bản Mo 1 cười cười: Cán bộ làm hết chứ mình có phải làm gì đâu. Mấy lần trước tiền lệ phí mình không có cán bộ còn nộp luôn cho mà. Chủ tịch xã Xuân Hòa liền giải thích: Thời buổi công nghệ, chuyển đổi số, ở nhiều nơi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính điện tử hết, nhưng bà con vùng cao đã làm gì có tài khoản, có điện thoại thông minh đâu, cán bộ xã phải làm thay cho bà con cả đấy.
Chính từ sự thân thiện và năng động của chính quyền, của cán bộ cơ sở, xã Xuân Hòa đã xây dựng thành công nhiều mô hình du lịch nông thôn, tới đây sẽ hình thành Làng du mục số Xuân Hòa rộng khoảng 8ha để tập hợp các hộ dân cùng nhau làm du lịch, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn. Xã cũng đã xây dựng thành công vùng trồng quế lớn nhất huyện Bảo Yên, vùng trồng chè, trồng chuối và thử nghiệm cây mắc ca cho kết quả tốt. Trên 203 ha chè ở các bản có sản lượng thu hoạch hàng năm ước đạt hơn 12,2 nghìn tấn, mấy chục ha trồng chuối tại các bản người Mông từng đi theo tà đạo ngày trước bây giờ mỗi năm thu hàng tỷ đồng.
Đất đai rộng lớn, nếu chủ trương, chính sách đúng đắn rồi đây đời sống bà con chắc chắn sẽ khá, lãnh đạo xã Xuân Hòa chia sẻ.
Thực tế hôm nay Bảo Yên vẫn còn đó nhiều khó khăn, nhưng thành quả rõ nét từ mô hình Chính quyền thân thiện đang mang lại nhiều giá trị tích cực.
Một ngày cuối tháng 2 vừa rồi gia đình anh Trần Trung Hiếu và chị Hoàng Bích Thị bỗng dưng nhận được một bức thư cảm ơn của ông Chủ tịch UBND thị trấn Phố Ràng. Hành động của chính quyền nhằm tri ân không chỉ với vợ chồng anh Hiếu mà còn hàng chục hộ dân khác đã không ngần ngại hiến đất thổ cư của gia đình để mở rộng các tuyến phố. Bức thư chỉ vỏn vẹn mấy dòng, cả hình thức trình bày lẫn nội dung đều đơn giản nhưng lại toát lên vẻ mộc mạc, chân thành.
Chỉ trong vòng nửa năm, tính từ tháng 6 đến hết năm 2022, thị trấn Phố Ràng trao tổng cộng 172 thư đến công dân. Các xã Bảo Hà, Xuân Hòa cũng vậy. Gia đình nào có người sinh, người mất, Chủ tịch UBND xã có thư chúc mừng hoặc chia buồn. Cá nhân nào có thành tích xã có thư chúc mừng, cảm ơn. Trai gái lấy nhau, ngoài việc trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn ngay tại “phòng hạnh phúc” ở trụ sở UBND xã còn được đại diện chính quyền trao thư chúc phúc. Hoặc lỡ may thủ tục hành chính có chậm hơn thường lệ xã cũng phải gửi thư xin lỗi đến người dân. Đặc biệt, mặt sau của mỗi bức thư chúc mừng hay chia buồn đều kèm theo lưu ý những quy định của nhà nước về tổ chức ma chay, cưới hỏi. Những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ nhưng ít nhiều thể hiện thái độ phụng sự, tỉ mẩn của công bộc, của chính quyền đối với nhân dân.
Và dường như nhờ những hành động nhỏ ấy mà nhân dân sẵn sàng mở lòng trở lại với chính quyền. Bí thư Đảng bộ thị trấn Phố Ràng, ông Phạm Anh Tuấn nói với tôi, trước đây cả Phố Ràng chỉ duy nhất tuyến quốc lộ 279 chạy qua là đường nhựa, còn lại tất cả các tuyến phố không có lấy một mét asphalt nào. Chỉ sau một năm triển khai mô hình Chính quyền thân thiện Phố Ràng đã xây dựng được 13 tuyến phố. Giữa trung tâm thị trấn tấc đất tấc vàng thế mà người dân đã hiến đất và tài sản trên đất khoảng hơn 6 tỷ đồng. Đường đến đâu sẵn sàng hiến đất, tài sản đến đấy, không mảy may lời ra tiếng vào, đơn thư kiện cáo lại càng không, nghĩa là người dân và chính quyền đã một lòng đồng thuận.
Nhìn vào gia cảnh vợ chồng anh Hiếu, chị Thị càng thấy quý tấm lòng hào phóng của họ. Hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, hai đứa con nhỏ lại còn thêm cả mẹ già. 5 miệng ăn chủ yếu trông vào nghề rửa xe của anh Hiếu. Vậy mà khi thị trấn Phố Ràng có chủ trương làm tuyến đường nối với Quốc lộ 279, cán bộ đến đặt vấn đề đã vội gật ngay. Tổng cộng có khoảng hơn 500m2 đất thổ cư, nếu tính theo giá thị trường bây giờ cũng lên đến tiền tỷ chứ không phải ít. “Làm đường được là được chung, mình hiến ít đất có gì đâu mà kể. Giả sử có lấy thêm vào nữa thì gia đình tôi lại hiến tiếp, bao giờ đủ thì thôi. Ở đây nhà nào cũng suy nghĩ như vậy đấy”, anh Hiếu khảng khái.
Ở xã Xuân Hòa, năm vừa rồi nhân dân hiến đất và tài sản trên đất và số ngày công làm đường nhiều nhất huyện Bảo Yên. Điển hình như tập thể nhân dân bản Qua đóng góp gần 600 triệu đồng, nhân dân bản Cuông đóng góp hơn 550 triệu đồng.... Dù đa số diện tích đất của nhân dân đang trồng quế, trồng mỡ, trồng xoan, trồng chuối... nhưng khi có chủ trương kêu gọi của chính quyền thì bà con lập tức sẵn sàng mở lòng mà không hề mảy may suy nghĩ. Thống kê trong năm 2022, tổng giá trị đất và tài sản bà con ở Xuân Hòa hiến cho tập thể có giá trị gần 7 tỷ đồng. Nhìn vào danh sách hiến đất rồi lại đi đến gặp gỡ nhiều Mạnh Thường Quân ở Xuân Hòa, chúng tôi tự hỏi điều gì khiến nhân dân ở đây hào phóng đến vậy.
Ví như gia đình anh Đặng Văn Thao, một người Dao sinh năm 1980 ở bản Cuông 3 hiến 3.000m2 đất rừng, 2.000 cây quế, khi hỏi đến chỉ thấy cười: Xã nói cần để làm đường thì mình biết là cần, mình sẵn sàng hiến nhiều hơn để mở đường cho dân bản.
Rồi các ông Hoàng Văn Thưởng, Hoàng Xuân Thủy ở bản Vắc hiến hơn 2.000m2… Ông Lìu Văn Dỉn ở bản Qua hiến 370m2 đất lúa cũng để làm đường. Lạ ở chỗ, đa phần trong số họ kinh tế chưa phải dư dả gì. Thậm chí nhiều hộ còn thuộc diện khó khăn như hộ bà Bàn Thị Đao, Công Thị Muội, Bàn Văn Thang, Triệu Tiến Hậu ở các bản người Dao, người Tày. Các hộ Hoàng Thị Cỏm, Đặng Văn Bảo, Trưởng Xuân Hạnh ở bản Mai Thượng đã không chỉ sẵn sàng hiến đất làm đường mà còn hiến luôn hàng trăm cây quế đang vào chu kỳ thu hoạch để xã có thêm kinh phí để làm đường, xây nhà văn hóa...
Chị Cương nói với tôi, tấm lòng ấy của nhân dân vừa là tài sản, vừa là giá trị để mỗi công bộc Bảo Yên soi vào và cũng để khẳng định, mô hình chính quyền thân thiện đầu tiên ở tỉnh Lào Cai đã thành công.