Chính quyền phục vụ trên đất Sen hồng

Ngô Chí Công (sinh năm 1989) vốn là thạc sĩ công nghệ hóa học của trường Đại học Paris Sorbonne Pháp. Anh chàng ấy vẫn luôn đinh ninh rằng sau khi học xong sẽ ném mình vào một công ty công nghệ nào đó bên trời Âu cho thỏa chí tang bồng. Vậy mà ngồi trước mặt tôi hôm nay lại là Giám đốc Công ty TNHH Eco Lotus Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội ngành hàng sen Đồng Tháp.

Câu chuyện về cú “quay xe” của Công và nhiều bạn trẻ khác ở Đồng Tháp chính là chỉ dấu về một cuộc cách mạng trên Đất Sen hồng. Cuộc cách mạng mà ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, đã biến một vùng đất “khuất nẻo” trở thành địa phương luôn nằm trong tốp đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh, chỉ số hài lòng của doanh nghiệp, người dân với chính quyền.

Công hẹn gặp tôi tại trụ sở Eco Lotus Việt Nam ở thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, giữa một không gian thật nhiều sen. Nói các bác, các chú lãnh đạo tỉnh luôn dạy tụi em, bông sen là hình tượng của vùng đất, con người Đồng Tháp. Biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh, dẫu khó khăn bùn lầy vẫn tỏa hương thơm ngát và thuần khiết như sen.

Cách đây khoảng mười năm, Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên trình lên Thủ tướng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Một trong những chương trình hành động để hiện thực đề án mới mẻ ấy kêu gọi các bạn trẻ quê hương đang học tập, sinh sống ở các thành phố lớn, ở nước ngoài trở về khởi nghiệp tại quê nhà. Ngô Chí Công là một trong những “chú sếu” đầu tiên của Đàn Sếu khởi nghiệp đất Sen hồng. Những chú sếu non. Cựu thạc sỹ hóa cười. Cái cười chân chất, sảng khoái đặc trưng của miền sông nước đồng bằng.

Thông điệp của chính quyền khi đó là “quay về xây dựng quê hương là trách nhiệm của mỗi người con Đồng Tháp và chính quyền cam kết đồng hành với sự phát triển của các bạn”. Nó giống như là động lực, niềm cảm hứng lại vừa ẩn chứa niềm tin khiến tụi em không thể không về. Anh thấy có nơi nào mà Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh sẵn sàng ngồi cả ngày để nghe mấy đứa con nít trình bày tất cả các ý tưởng khởi nghiệp không? Chắc hiếm ha. Nhưng đó là cách lãnh đạo Đồng Tháp đã đồng hành với tụi em vì mục tiêu đánh thức giá trị tài nguyên bản địa, làm điều gì đó cho quê hương và cùng nhau tạo dựng giá trị cho tương lai.

Công kể, đàn sếu ấy ban đầu có mười con. Đứa khởi nghiệp từ sen, đứa nuôi lợn rừng, cá lóc, đứa làm củ ấu, khăn lụa... Tất cả đều sơ khai, lạ lẫm, thiếu thốn. Chỉ có niềm tin, hoài bão với quê hương được nuôi dưỡng lớn thêm qua mỗi ngày nhờ sự chăm chút của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến các Giám đốc sở ban ngành, cấp huyện, cấp xã cũng là thành viên của đàn sếu khởi nghiệp hết. Các chú nói vào để đi cùng nhau. Để tương tác, phản biện, góp ý từng sản phẩm, để tìm hiểu tâm tư, khó khăn vướng mắc và để mỗi khi có chú sếu non nào đó gặp bão giông, sản phẩm làm ra chưa ưng ý sẽ lại nhận được cái vỗ vai hay tin nhắn của những người đứng đầu tỉnh: Ráng lên con.

Có những “bữa tiệc khởi nghiệp” do lãnh đạo tỉnh tổ chức mà ở đó chỉ toàn sản phẩm của “đàn sếu”. Đứa mang khô trâu, củ ấu, đứa mang cá lóc, hạt sen… Có những buổi tiếp khách trung ương, tỉnh Đồng Tháp mạnh dạn đặt hàng các sản phẩm khởi nghiệp để làm quà tặng. Dẫu các thứ còn vụng về, chưa hoàn thiện nhưng ai nấy đều cảm thấy thật vui. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cũng không ngại bỏ công sức, tiền của, động viên tụi nhỏ đi xúc tiến thương mại, hội chợ để xem cách thức thiên hạ làm ăn ra sao và hoàn thiện sản phẩm của mình.

Chính từ sự đồng hành đó mà đến nay Đàn sếu khởi nghiệp Đất Sen hồng đã có khoảng hơn 350 thành viên, số lượng không ngừng tăng lên mỗi ngày. Người đi trước chỉ bảo người đi sau, người cũ đồng hành giúp đỡ người mới. Mười chú sếu non ngày trước giờ đây cũng đã đủ lông đủ cánh. Tùng sen sấy, Như khăn choàng, Vinh heo rừng, Thùy tinh dầu, Tiến lúa, Thy sen ta..., người trở thành doanh nghiệp tiếng tăm, người còn đang đeo đuổi khát vọng của mình, nhưng hơn hết họ đang trên một cuộc hành trình cùng nhau.

Từng ngày và từng giờ. Một làn gió trẻ thổi lên đất Sen hồng, cùng nhau chắp cánh cho đàn sếu bay cao, bay xa. Đã từng có những cuộc thi khởi nghiệp mà Đồng Tháp gần như giật hết các giải thưởng danh giá nhất và khi Thủ tướng khởi xướng Năm quốc gia khởi nghiệp 2016 thì ở đất Sen hồng đã thực sự là một phong trào rộng khắp. Thương hiệu “Đồng Tháp khởi nghiệp” dần được định hình và khẳng định giá trị đặc biệt, riêng có của vùng đất này.

Trở lại với Ngô Chí Công và hành trình phát huy đa giá trị của Sen Đồng Tháp. Công ty TNHH Eco Lotus của thạc sĩ công nghệ hóa giờ đây đã có hơn 20 công nhân cơ hữu, 50 cộng tác viên. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sen như túi xách, nón lá, sổ tay đã xuất đi thị trường Nhật, Đức, Thụy Điển, Pháp... Anh cũng mới nhận bằng sáng chế túi giấy lá sen. Mỗi năm nhận đơn hàng từ Tập đoàn Lotte với số lượng 50.000 chiếc.

Công cũng chính là người đầu tiên tìm kiếm và thành công với giá trị từ lá và cây sen. Hội ngành hàng sen Đồng Tháp nơi anh được bầu làm chủ tịch hiện giờ đã có 135 thành viên. Ngoài cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân, nhà khoa học, điều đặc biệt của hội ngành hàng này còn có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước. Lẽ tất nhiên không phải chính thức nhưng đại diện Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Hội Nông dân... tham gia vào hội đã góp phần hoàn thiện chuỗi liên kết ngành hàng sen Đồng Tháp.

Phải là một hệ sinh thái sen anh ạ. Giọng Công đột nhiên hào hứng. Sen Đồng Tháp giờ đây là ngành hàng chính của tỉnh cùng với lúa gạo, xoài, cá tra... Theo kế hoạch đến năm 2025 tỉnh sẽ đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích tầm 1.400 ha, sản lượng ước đạt gần 1.200 tấn. Mục tiêu ngành hàng sen của Đồng Tháp là giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến và phát triển sản phẩm theo hướng chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, theo nhu cầu thị trường, an toàn thực phẩm bền vững.

“Tụi em cũng đã xây dựng các hệ sinh thái trong Hội ngành hàng để đi cùng nhau. Nghiên cứu khoa học để chế biến sen làm thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, chuyển giao công nghệ để bà con nông dân có thể chủ động xử lý sản phẩm giai đoạn đầu, đưa “hồn sen” vào cộng đồng, lan tỏa sức mạnh cộng đồng để xây dựng hình ảnh Sen hồng là niềm tự hào của Đồng Tháp”, Công nói.

Niềm tin, khát vọng là những điều tôi cảm nhận được từ Công và nhiều bạn trẻ khác ở Đồng Tháp. Một “giấc mơ Sen” đang được gầy dựng và hiện thực từ Đàn sếu khởi nghiệp Đất Sen hồng. Để hiện thực giấc mơ đó, từ nhiều năm trước tỉnh Đồng Tháp cũng đã thành lập Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp BSSCL. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đặt mục tiêu: Đồng Tháp đang xây dựng thương hiệu tỉnh khởi nghiệp, một địa phương học tập, cùng chung sống, luôn có tinh thần lạc quan, nhiều niềm tin để cùng nhau phát huy sức mạnh.

Giấc mơ sen cũng “chiếm sóng” phần lớn câu chuyện với ông Phạm Thiện Nghĩa trên đường chúng tôi đi xuống huyện Châu Thành. Một chuyến “xuống với dân” như thường lệ của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Cùng đi còn có Giám đốc Sở NN-PTNT, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư và đại diện mấy sở ban ngành.

Suốt cả chuyến đi, tôi cố gợi chuyện bằng một loạt cách làm hay cũng như thành tựu của mô hình chính quyền thân thiện ở Đồng Tháp. Nào là Ngày thứ Sáu cùng dân, mô hình Cà phê doanh nhân hay cả chuyện UBND tỉnh Đồng Tháp vẫn thường tổ chức trang hoàng công sở thật đẹp để đón người dân vào tham quan, vui chơi mỗi dịp lễ tết. Kể cả chuyện thời sự nhất là Đồng Tháp vừa mới đưa vào hoạt động Trung tâm kiểm soát thủ tục hành chính và phục vụ hành chính công, nơi người dân được mời trà, cà phê trong khi chờ làm thủ tục...

Ông Nghĩa lý giải: Đồng Tháp xưa giờ là vùng đất xa xôi, khuất nẻo. Hình ảnh địa phương ít ai biết đến đã đành, tâm lý tự ti của người dân, cán bộ chính quyền cũng còn khá nặng nề. Làm thế nào để tạo sức bật cho quê hương luôn là điều khiến bao thế hệ lãnh đạo rất trăn trở. Cuối cùng chúng tôi chọn thay đổi từ con người.

Thay đổi trước tiên, theo lời ông Nghĩa, là từ chính quyền mệnh lệnh hành chính sang xây dựng chính quyền phục vụ. Thay đổi để xây dựng từng tiêu chí đối với cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống với giá trị cốt lõi là tinh thần hành động, phục vụ doanh nghiệp, nhân dân.

“Ban đầu chọn lĩnh vực gần với dân nhất là cải cách hành chính để làm khâu đột phá. Lấy sự hài lòng của người dân làm tiêu chí đánh giá cán bộ. Từ tác phong, cách ăn mặc đến quy định mỗi cán bộ là người đứng đầu ở Đồng Tháp ít nhất một tuần phải có một hai buổi xuống với dân. Phải như thế mới tạo được sự gần gũi, thân thiện, mới có thể lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, của doanh nghiệp, hợp tác xã, từ đó cùng nhau bàn cách tháo gỡ, đi lên. Đồng Tháp cũng xây dựng các mô hình, không gian, mở các kênh thông tin mạng xã hội để lắng nghe người dân, doanh nghiệp chia sẻ, đề xuất, kiến nghị với chính quyền, hay đơn giản nhất là sử dụng từ ngữ khi ban hành văn bản làm sao để bà con dễ nghe, dễ hiểu nhất”, Chủ tịch Đồng Tháp chia sẻ.

Ngày hôm đó đoàn công tác của UBND tỉnh Đồng Tháp đi xuống Châu Thành là để gặp gỡ đại diện của hợp tác xã, hội quán trên địa bàn huyện. Từ hội quán Canh Tân đầu tiên của Đồng Tháp được thành lập ở xã An Nhơn vào năm 2016, những năm qua kinh tế tập thể ở Châu Thành đã phát triển thành một phong trào rộng khắp. 16 hợp tác xã, 14 hội quán với số lượng thành viên đã lên đến hàng ngàn. Cùng nhau thay đổi tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, mua chung, bán chung, đi chung giống như làn gió mát lành len lỏi đến từng ấp, từng nhà. Ông Chủ tịch tỉnh cùng đoàn công tác xắn quần lội bộ men theo những bờ ao, kênh rạch đến thăm một mô hình chuyển đổi trồng sầu riêng ở Hợp tác xã sầu riêng Phú Hựu. Giữa miệt vườn lúc lỉu cây trái, cán bộ và bà con bàn chuyện giống má, rải vụ, chuyện liên kết, chuyện sản xuất theo tín hiệu thị trường, mã số vùng trồng…

Chủ vựa Huỳnh Văn Sỹ bày lên một ít nhãn, dừa, chôm chôm, sầu riêng đãi khách. Cùng nhau nói cười rổn rảng, thân tình và không khoảng cách. Anh Sỹ nhìn ông Chủ tịch tỉnh cười cười, thời buổi này trồng cây ăn trái mà không vào hợp tác xã, không có mã số vùng trồng thì không chơi được với ai anh Nghĩa ơi.

Ông Nghĩa gật gù. Phải dzậy chớ. Rồi quay sang nói với tôi, thân thiện chính là những không gian như vầy. Nông dân mình trước giờ chỉ lo cặm cụi sản xuất, ít khi ngồi lại với nhau. Bà con nghĩ gì, nguyện vọng ra sao nhiều khi cũng khó biết nên mình phải tìm cách gần gũi để bà con trải lòng. Anh nói thời gian qua Đồng Tháp có sự vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu là nhờ chính quyền thân thiện nhưng điều chúng tôi cảm thấy quý giá nhất là giữ được uy tín với người dân, được bà con tin tưởng. Muốn như vậy thì cán bộ chính quyền phải nói đi đôi với làm. Đã cam kết với bà con là phải thực hiện bằng được chứ không phải xuống nghe dân nói, ghi vào sổ xong về lại để đấy.

Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp tặng anh Sỹ một món quà. Đó là biểu tượng của niềm tin và tự hào mà Đồng Tháp đã và đang xây dựng. Niềm tin qua thông điệp “Đồng Tháp – thuần khiết như sen” và niềm tự hào công dân đất Sen hồng.

Rời Châu Thành, chúng tôi đi giữa những miệt vườn rợp bóng xoài ở ngoại ô thành phố Cao Lãnh. Xã Tân Thuận Tây trước giờ nức tiếng với trái xoài. Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh. Và ngày hôm nay, vùng đất phù sa ven sông Tiền này đang là nơi đầu tiên thực hiện mô hình “Xây dựng Làng thông minh phát triển từ hội quán nông dân ở Đồng Tháp”.

Ở tuổi 72, ông Lê Phước Tánh cầm điện thoại quét lên mã QR code gắn trên cây xoài trước cửa Thuận Tân hội quán. Toàn bộ thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, biểu tượng làng thông minh và tất cả các thông số về đất đai, mùa vụ, nguồn nước, khí hậu của trái xoài Cao Lãnh lập tức hiện ra. Lại bước phăm phăm về phía mé sông Tiền, nơi mô hình du lịch cộng đồng Về Tân Thuận Tây dỡ chà đãi bạn từ mấy năm nay đã trở thành thương hiệu du lịch riêng có của vùng đất này. Vừa đi vừa chia sẻ, đó là thành tựu của sự đồng hành giữa chính quyền và nhân dân.

Ngày trước Tân Thuận Tây là vùng lúa nhưng ruộng đồng manh lắm. Lúa trồng chen, lạm xạm trong vườn, hiệu quả thấp. Năm 2017 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xuống vận động bà con thành lập hội quán, nói bà con phải ngồi lại nhau mới được. Ngồi lại để cùng nhau thay đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chia sẻ những cách làm hay và cùng nhau phát triển du lịch cộng đồng, đánh thức tài nguyên bản địa…

“Nghe vậy thôi chứ trước giờ mình chỉ biết làm lúa, làm xoài, nào có biết du lịch cộng đồng, khoa học kỹ thuật nó ra làm sao”, ông Tánh cười hiền. Mấy ổng kiên trì lắm. Vận động bà con đi học tập các mô hình, mời các chuyên gia, nhà khoa học về tận vườn dạy bà con trồng xoài rải vụ. Mời cả ông Nguyễn Sự ngoài Hội An vô nói chuyện làm du lịch cộng đồng. Ổng nói như vầy, làm nông nghiệp chậm tiền lắm, bà con mình phải kết hợp làm du lịch, phát huy giá trị tài nguyên bản địa mới có thêm nguồn thu nhập. Tui chất vấn, Tân Thuận Tây chỉ có lúa, có xoài với sông Tiền, tài nguyên bản địa là cái thứ gì? Ổng cười, chính là nó đó. Ở nơi khác người ta có rừng, có biển thì ở đây mình có miệt vườn, có sông, có rạch, có nghề dỡ chà, có cá, có xoài… Mình phải đi học để xem người ta làm nhưng không phải để về bắt chước lại mà để biết cách phát huy cái gì mình có.

“Công nhận ổng nói trúng thiệt. Xã Tân Thuận Tây bây giờ có bốn ấp, phần lớn bà con đã tham gia vào các hội quán Tâm Quê, Thuận Tân, Nhân Tân, tham gia vào Hợp tác xã xoài. Biết cách trồng xoài rải vụ để ứng biến với thị trường, biết canh tác rau hữu cơ, xoài hữu cơ, VietGAP và dựa vào những giá trị của địa phương để phát triển du lịch cộng đồng. Trước kia chà dưới sông có ai biết tới, mấy nhánh cây trôi dạt mắc vào nhau gọi là chà chôm, thế mà bây giờ “tua” du lịch Về Tân Thuận Tây dỡ chà đãi bạn hút khách dữ lắm. Ngoài trồng xoài, bà con sắm ghe thuyền chở khách dỡ chà, bắt cá, chế biến các món ăn đãi bạn ngay trên thuyền, vừa vui lại vừa có tiền”, ông Tánh cười hỉ hả.

Từ nền tảng của 3 hội quán ở Tân Thuận Tây, tỉnh Đồng Tháp cũng đang phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ hội quán nông dân ở Đồng Tháp. Dự kiến giữa năm 2024 sẽ hoàn thiện. Đó là một hệ sinh thái kết nối giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp nhằm kết nối cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân dựa trên thế mạnh và cơ hội của địa phương. Một số ứng dụng công nghệ ở làng thông minh Tân Thuận Tây hiện đã đi vào hoạt động như quan trắc môi trường, dữ liệu phân tích khí hậu, đất đai, hệ thống chiếu sáng, tưới tự động…

Cầm chiếc điện thoại thông minh lên, ông Tánh nói, từ giờ tất cả có ở trong này hết đó nghe.

Đi trên những tuyến phố của thành phố trẻ Cao Lãnh hôm nay thật dễ dàng cảm nhận hồn sen, cảm nhận niềm tự hào của đất và người Đồng Tháp. Sen từ ruộng đồng đi lên phố. Sen khoe sắc ngay trên dải phân cách của tuyến đường Lý Thường Kiệt trước mặt trụ sở Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Tháp. Kinh tế xanh Sen hồng bứt phá – Chuyển đổi số Đồng Tháp tiên phong. Câu slogan năm 2023 của Đồng Tháp có vẻ như là thông điệp mạnh mẽ về một cuộc cách mạng mới trên Đất Sen hồng.

Chủ tịch tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tự hào, cuộc cách mạng chính quyền thân thiện góp phần đưa Đồng Tháp vươn lên trong nhiều lĩnh vực. Trước kia tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% thì nay chỉ còn 1,7%.

Sự thân thiện, đồng hành của cán bộ, chính quyền cũng đã khơi gợi khát vọng, nỗ lực của người dân để từ đó giáo dục, du lịch, nông nghiệp và nhiều chỉ số khác của Đồng Tháp luôn ở tốp dẫn đầu. Nhưng xa hơn, ông Nghĩa nói, khát vọng, mục tiêu của Đồng Tháp là xây dựng tỉnh khởi nghiệp, mọi người dân cùng nhau học tập, chung sống và chia sẻ.

“Quy hoạch Đồng Tháp đến năm 2050 chúng tôi xác định rõ là một tỉnh nông nghiệp. Lấy nông nghiệp làm trọng tâm, con người là cốt lõi để phát triển. Chúng tôi không chạy theo mục tiêu tăng trưởng bởi vì tăng trưởng trong nông nghiệp không thể nhanh bằng công nghiệp hay một số lĩnh vực khác. Đồng Tháp chọn nông nghiệp, nông dân, nông thôn với trọng tâm là con người, đặt vấn đề môi trường sống của người dân, đẩy mạnh kinh tế xanh, chuyển đổi số để tạo ra đột phá. Với người Đồng Tháp hôm nay, giàu nghèo không phải chuyện vật chất tiền bạc mà có những giá trị lớn lao hơn là văn hóa ứng xử, thái độ, tình cảm của con người, là văn hóa của địa phương, xây dựng cộng đồng biết khát vọng, tự hào mới yếu tố quyết định”, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Xin được kết thúc bài viết này bằng cảm nhận của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi đến với đất Sen hồng. Đó là, đến với Đồng Tháp hôm nay thật dễ dàng cảm nhận người dân luôn tỏa ra vẻ lạc quan, khát vọng và thật nhiều niềm tin. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng niềm tin và sự lạc quan của người dân chính là những chỉ dấu thắng lợi của một chính quyền đang không ngừng vươn lên.

Hoàng Anh - Hoàng Vũ
Trương Khánh Thiện
Hoàng Anh - Hoàng Vũ