Giữ nước, giữ đất, giữ người Cà Mau

Buổi trưa nắng đổ lửa, chúng tôi ngồi trên yên chiếc xe máy bỏng rát, len lỏi vào một xóm nhỏ ở ấp Minh Hà B, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Những cơn gió khô khốc không đủ xua tan cái nóng oi bức mùa khô hạn giữa tháng 5.

Ấp Minh Hà B được ưu tiên hoàn thiện đường ống nước vì người dân nơi đây đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, hơn 20 năm nay không có nước để sử dụng trong sinh hoạt. Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Cà Mau, đây là khu vực đặc biệt khó khăn về nước sạch do nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, mặn.

Để ứng phó với hạn hán, Cà Mau đang thực hiện Dự án mở rộng mạng đường ống các công trình cấp nước hiện có để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân trị giá trên 14 tỷ đồng. Tới cuối tháng 5/2024, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau) đã triển khai mở rộng xong tuyến ống cấp nước với tổng chiều dài là 57km, tại công trình cấp nước tập trung xã Trần Hợi, xã Khánh Bình Đông, xã Khánh Bình Tây Bắc thuộc huyện Trần Văn Thời và công trình cấp nước tập trung xã Khánh Lâm - Khánh Hòa, huyện U Minh.

Nước sạch mới cung cấp cho ấp Minh Hà B được bơm từ trạm cấp nước xã Khánh Bình Đông (ấp Rạch Nhum, xã Khánh Bình Đông). Trạm cấp nước đưa vào hoạt động năm 2023, công suất thiết kế 720m3/ngày đêm và cung cấp nước sạch cho 480 hộ dân sử dụng. Sau đợt mở rộng đường ống chống hạn vừa qua, đến nay tổng chiều dài ống dẫn nước được hơn 30km, nâng tổng số hộ tham gia sử dụng nước sạch lên 880 hộ.

Khi nước sạch lần đầu tiên chảy về ấp Minh Hà B, cả xóm ai cũng phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Dân không giấu nổi niềm vui mừng và bộc bạch: “Gia đình chúng tôi cảm ơn các ban, ngành đã tận tình giúp đỡ bà con ở xóm. Giữa cái đói và cái khát, cái đói thì mình chịu nổi, cái khát chịu không nổi. Bà con ai cũng mừng vì không phải tắm nước nhiễm phèn, dùng nước không phải hà tiện nữa”.

Trao đổi với cán bộ Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Văn Dân đồng thuận với lời vận động cả xóm đào đất, lắp đặt đồng bộ đường ống giữa các ngôi nhà trong xóm. Ông kiến nghị thêm, ở đây bà con hàng ngày đưa cháu đi học, nên việc chọn ngày cuối tuần sẽ giúp dự án được triển khai đồng nhất.

Ấp Minh Hà B có hơn 59 gia đình sống thưa thớt, trong đó có 17 hộ dân tộc Khơ-me, lại có trường hợp người già neo đơn. Để đảm bảo chất lượng thi công, ông kỳ vọng sự đồng hành cùng chính quyền địa phương, cán bộ kỹ thuật, cũng như nhân lực từ các vùng lân cận.

Với đặc thù địa lý và khí hậu, thời điểm tháng 4 - 5/2024 không phải lần đầu Cà Mau đối mặt với hạn hán. Những người làm công việc cung cấp nước sạch ở Cà Mau thấu hiểu hoàn cảnh của bà con ấp Minh Hà B, đặc biệt khi phần lớn dân trong làng là những ông bà già sống cùng các cháu nhỏ vì bố mẹ các cháu đi làm xa.

“Miếng ăn có thể thiếu, nhưng thiếu nước sinh hoạt thì cuộc sống khó khăn lắm”, bà Huỳnh Thị Hơn chia sẻ với đoàn công tác. Ngôi nhà của bà Hơn có giếng khoan sâu khoảng 120 - 130m, nước ngầm khai thác chỉ đủ giặt giũ, nhưng lại nhiễm phèn khiến quần áo sau khi giặt bị ố vàng. Thậm chí, bột giặt khi cho vào nước không có bọt. Để có nước uống, gia đình phải ra hàng đổi nước, tiêu tốn vài trăm ngàn mỗi tháng.

Ánh mắt xa xăm, giọng bà Hơn đều đều: “Nhà có 7 người, ông mới mất nên hiện tại còn 6. Lúc ông mất, gia đình tôi vừa được hỗ trợ lắp đặt đường ống cấp nước”. Tiếng nhạc niệm Phật 6 chữ “Nam mô a di đà Phật” vọng lại từ phía sau nhà. Mường tượng về cuộc đời người đàn ông sống hơn 2 thập kỷ thiếu nước, mãi trước khi qua đời mới có nước sạch để dùng, không gian trở nên trầm lắng.

 

Tình trạng thiếu hụt lượng mưa đến 30% kết hợp nắng nóng kéo dài khiến mùa khô 2023 - 2024 khắc nghiệt hơn đối với đời sống sinh hoạt của bà con vùng sâu, vùng xa ở Cà Mau so với các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015 - 2016 và 2019 - 2020.

Người Cà Mau hoài niệm về một dòng Mê Kông từng rộng lớn, hào hiệp. Giờ đây, nhìn những con rạch cạn trơ đáy, họ lo thắt ruột khi nước không về, nước biển mặn lại lấn sâu vào hạ nguồn sông ở ĐBSCL. Gió mùa Tây Nam lại ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển phía Tây của tỉnh Cà Mau, tình trạng xói lở diễn ra vô cùng nghiêm trọng, diện tích rừng phòng hộ ven biển còn rất mỏng.

Từ khi Cà Mau hình thành, nước ngầm đã luôn phục vụ dân sinh. Nếu khai thác có kiểm soát, tài nguyên nước ngầm sẽ được bổ cấp tự nhiên, chảy qua các tầng địa chất và tích tụ lại. Tuy nhiên, do dân số tăng nhanh, kéo theo nhu cầu sản xuất tăng, công trình nhà cửa, cầu đường ngày càng nhiều, người dân khai thác quá mức so với khả năng tự nhiên bổ cấp nên làm cho đất Cà Mau bị sụt lún.

Ngày nay, ở vùng cực nam Tổ quốc, 100% nước sử dụng cho sinh hoạt là nước ngầm. Hiện Cà Mau có khoảng 180.000 giếng nước ngầm do các gia đình nông thôn tự khai thác. Trong đó, 40.000 giếng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng vì người dân không trám lấp giếng khoan theo quy định, khiến mạch nước mặn xâm nhập vào tầng nước ngọt khai thác.

Qua nhiều năm, các gia đình liên tục khoan giếng để khai thác nước sinh hoạt, dẫn đến tình trạng tầng nước ngầm bị hạ thấp nghiêm trọng. Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2013 cho thấy, giếng ở Cà Mau khoan sâu từ 160 - 180m là có nước ngọt. Đến năm 2024, có hộ dân đã phải khoan ở độ sâu hơn 200m, tốn thêm rất nhiều điện năng để bơm nước lên giếng.

Trong mùa khô 2023 - 2024, hạn hán làm sạt lở, sụt lún 730 vị trí với tổng chiều dài 19.056m (trong đó 14.669m lộ bê tông và 4.387 lộ đất đen). Tổng lũy kế thiệt hại về tài sản đến nay trên 30 tỷ đồng (số liệu Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cung cấp).

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề khai thác nước ngầm quá mức để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp (nuôi thủy sản và trồng trọt) đã làm giảm mực nước ngầm, gây ra hiện tượng lún đất và làm mất đi lớp đất mặt màu mỡ. Bên cạnh đó, diện tích rừng ngập mặn suy giảm do hoạt động nuôi trồng thủy sản và khai thác gỗ làm mất đi lớp bảo vệ tự nhiên của đất, dẫn đến tình trạng xói mòn và suy thoái đất.

Trên thực tế, Cà Mau là một trong 2 tỉnh (bên cạnh Kiên Giang) có tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch thấp nhất (khoảng 63%). Đặc biệt, trong 13 tỉnh ĐBSCL, Cà Mau có tỷ lệ hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung thấp nhất (19,62%), trong khi tỷ lệ hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước nhỏ lẻ cao nhất (75,38%).

Miền đất mũi hiện đối mặt với tình trạng suy thoái thổ nhưỡng nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu khiến mùa khô kéo dài; tình trạng xâm nhập mặn và phèn hóa nhiều năm qua càng khiến đất đai ở Cà Mau trở nên khô cằn. Những cánh đồng từng màu mỡ giờ đây bị bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân.

Khi nước ngầm bị khai thác quá mức, áp lực trong các tầng chứa nước giảm, dẫn đến sụt lún đất. Hiện tượng này đặc biệt rõ rệt ở những khu vực có nền đất yếu như Cà Mau, nơi đồng bằng vẫn đang trong quá trình bồi tạo và chưa ổn định hoàn toàn.

Câu chuyện của ấp Minh Hà B (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về vấn đề thiếu nước sạch tại Cà Mau. Tuy các dự án cấp nước sạch đang từng bước giải quyết khó khăn cho bà con, nhưng tình trạng khai thác nước ngầm quá mức đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.

Một trong những giải pháp được kỳ vọng là hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam hiện nay về quy mô và khẩu độ thông nước.

Tổng diện tích đất tự nhiên vùng dự án là 909.248ha, thuộc địa bàn của tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và TP. Cần Thơ. Trong giai đoạn 1 của dự án, với nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước mặn, nước ngọt, nước lợ phục vụ sản xuất nông nghiệp, hệ thống Cái Lớn - Cái Bé nuôi dưỡng các mô hình sinh thái, mang lại lợi ích cho vùng diện tích tự nhiên rộng lớn 384.120 ha thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu.

Công trình này còn được biết đến với cái tên “siêu cống”, được thiết kế, thi công và quản lý hoàn toàn bởi người Việt Nam. Nhờ thi công vượt tiến độ và đưa vào vận hành sớm, tổng chi phí xây dựng và thiết bị cống Cái Lớn, cống Cái Bé, cống Xẻo Rô và tuyến đê kết hợp với đường giao thông nối cống Cái Lớn - Cái Bé với QL61, QL63 được chủ đầu tư (Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 10) quyết toán khoảng 2.667 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư dự án 3.300 tỷ đồng.

Giữa tâm điểm mùa hạn mặn vừa qua, không thể phủ nhận lợi ích của “siêu cống” nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước sạch và nước sản xuất cho vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, trên thực tế, Cà Mau - địa phương giáp biển đang đối diện với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu - vẫn chưa được hưởng lợi từ công trình này.

Do đó, đầu tư giai đoạn 2 hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được kỳ vọng sẽ là giải pháp quan trọng giúp Cà Mau kiểm soát nguồn nước, giảm thiểu tình trạng khai thác nước ngầm và khắc phục các hậu quả do sụt lún đất gây ra. Trong đó, dự án cụm công trình Tắc Thủ và các công trình thuỷ lợi ven biển Tây là một phần quan trọng của giai đoạn 2.

Âu thuyền Tắc Thủ được đầu tư và đưa vào vận hành từ 2005 là công trình thủy lợi có quy mô lớn trong chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau, có nhiệm vụ ngăn mặn xâm nhập, bảo vệ hơn 200.000ha đất vùng ngọt hóa. Tuy nhiên, từ sau khi khánh thành đến nay, công trình chưa phát huy tác dụng, bị hoang phế và cản trở giao thông thủy.

Theo ngành thủy lợi tỉnh Cà Mau, nguyên nhân khiến âu thuyền Tắc Thủ không phát huy hiệu quả là do hệ thống các công trình thủy lợi trong vùng chưa đầu tư đồng bộ. Do đó, không thể vận hành, điều tiết nguồn nước theo mục tiêu ban đầu của dự án.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị Trung ương sớm nghiên cứu kỹ thuật, đầu tư xây dựng cụm cống âu thuyền Tắc Thủ trong thời gian sớm nhất để mở rộng vùng hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Việc khôi phục âu thuyền này là hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ Cà Mau kiểm soát, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất cho người dân và phòng chống cháy rừng vào mùa khô.

Ông Tùng nhấn mạnh thêm, việc khai thác nước ngầm ở địa phương đã gần tới ngưỡng giới hạn, nếu tiếp tục sẽ gây nguy hiểm và dẫn đến hiện tượng sụt lún đồng bằng. Trước tình hình đó, Cà Mau cần thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm chuyển nước ngọt từ những khu vực khác về tỉnh, bên cạnh kiểm soát khai thác nước dưới lòng đất.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, hiện tượng sụt lún đồng bằng là hệ quả tất yếu của việc khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát. Để giải quyết vấn đề này, cần có những giải pháp quản lý tài nguyên nước bền vững, đầu tư hạ tầng cấp nước mặt và tăng cường bảo vệ môi trường. Chỉ khi có những hành động quyết liệt, đồng bộ, Cà Mau và toàn vùng ĐBSCL mới có thể bảo vệ được nguồn tài nguyên quý giá, duy trì cuộc sống ổn định cho người dân.

ĐBSCL được hình thành bởi phù sa của hệ thống sông Mê Kông, vốn là một trong những đồng bằng trẻ nhất trên thế giới. Quá trình bồi đắp phù sa diễn ra liên tục đã tạo nên một hệ sinh thái phong phú và nền đất phù sa màu mỡ, lý tưởng cho canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc hệ thống đất ở đây vẫn đang trong quá trình ổn định và dễ bị tác động bởi các hoạt động khai thác không kiểm soát.

Bên cạnh đó, tác động từ phía thượng lưu sông Mê Kông như việc xây dựng các hồ thủy điện, hồ chứa, chuyển nước, phát triển dùng nước… khiến chế độ dòng chảy thay đổi. Cát tích tụ lại ở các công trình ở thượng lưu, dòng chảy sông Mê Kông sẽ cuốn theo cát bên bờ, dưới lòng sông, nên càng ngày lòng sông càng sâu và dễ gây sạt lở hai bên bờ. Các tác động đó đã gây ra nhiều vấn đề lớn đối với đời sống và phát triển của vùng ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tốc độ sụt lún địa chất ở bán đảo Cà Mau là 1,5 - 3 cm/năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với tác động của sự gia tăng sử dụng, quản lý nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn, có thể ĐBSCL sẽ không còn phù sa trong tương lai. Ở Cà Mau, Kiên Giang sẽ xuất hiện lún sụt đất nền, lún cục bộ. Dự báo đến năm 2100, nhiều vùng bị hạ thấp tới 1,5 - 2m.

Bản đồ dự báo nguy cơ ngập ĐBSCL địa hình năm 2050 (bên trái) và địa hình năm 2100 (bên phải) so với diện tích ngập lũ (Hmax) năm 2011. Nguồn: Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT).

Bản đồ dự báo nguy cơ ngập ĐBSCL địa hình năm 2050 (bên trái) và địa hình năm 2100 (bên phải) so với diện tích ngập lũ (Hmax) năm 2011. Nguồn: Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT).

Những năm gần đây, quan điểm trong đầu tư xây dựng dự án thủy lợi của Bộ NN-PTNT đã chuyển đổi từ tư duy “phòng chống hạn mặn” sang “chủ động thích ứng”, phát huy quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là biểu tượng của việc chủ động kiểm soát và bảo vệ đất, nguồn nước và bảo vệ con người trước thiên tai, thời tiết cực đoan. Dự án đã góp phần đảm bảo ổn định cho ba vùng sinh thái nước ngọt, mặn và lợ trên nguyên tắc tôn trọng các quy luật tự nhiên. Đầu tư dự án không những mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn có ý nghĩa lớn về xã hội, an ninh khu vực.

Đặc biệt, nguyên tắc “tôn trọng tự nhiên” được đặt lên hàng đầu, thể hiện trong sự cẩn trọng của các đơn vị liên quan trong suốt quá trình triển khai ý tưởng, khảo sát tiền khả thi, đến khi xây dựng và hoàn thiện công trình. “Thuận thiên” vẫn là tinh thần chủ đạo để các Bộ, ngành, đơn vị xây dựng, giám sát thi công cùng các địa phương tiếp tục củng cố giai đoạn 2 của dự án Cái Lớn - Cái Bé.

GS. Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ NN-PTNT) và là Chủ nhiệm dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về giải pháp cho vấn đề thiếu nước, phù hợp với hệ sinh thái Cà Mau.Ông nhận định, Cà Mau là địa phương khan hiếm nước nhất trong 13 tỉnh ĐBSCL. “Nơi đây có địa hình đặc thù vì ít dòng chảy chính nào của sông Mê Kông đi qua, chỉ có nhánh nhỏ là sông Ông Đốc. Nguồn nước ngọt đã hạn chế, lại phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của tỉnh, khiến nước sinh hoạt trở nên khan hiếm”, chuyên gia phân tích.

Theo Chủ nhiệm dự án Cái Lớn - Cái Bé, dù đây là hệ thống thủy lợi hiện đại nhất của Việt Nam đến thời điểm này, nhưng chỉ riêng cụm công trình thì không thể giải quyết mọi vấn đề tổng thể của ĐBSCL - vùng đất trù phú với điều kiện địa hình, địa chất, môi trường và thủy văn đa dạng. Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu đầu tư nhiều công trình trọng điểm ở ĐBSCL, đồng thời hoạch định giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro do sụt lún đất cục bộ tại Cà Mau và Kiên Giang.

GS. Trần Đình Hòa cho rằng, cần thực hiện ba giải pháp chính để dần phục hồi tài nguyên nước ngầm ở Cà Mau. Đầu tiên, hạn chế khai thác nước ngầm để bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ nguồn nước cho tương lai là điều phải làm. Thứ hai, giải pháp phi công trình là chuyển đổi mô hình nông nghiệp từ “ngọt hóa” sang mô hình mặn - lợ để thích nghi với điều kiện thực tế. Cuối cùng, giải pháp công trình là nghiên cứu đầu tư dự án chuyển nước Nam sông Cái Lớn; đầu tư hoàn thiện một số hệ thống thủy lợi hiện hữu để có thể chủ động vận hành kiểm soát mực nước trong kênh rạch.

Chuyển đổi mô hình nông nghiệp từ “ngọt hóa” sang mô hình phù hợp với sinh thái Cà Mau là giải pháp cần thiết để thích nghi với điều kiện thực tế. Trong các khu vực ngọt hóa, nền đất yếu dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khô hạn kéo dài, dẫn đến phá vỡ kết cấu đất. Trong mùa khô hạn kỷ lục 2015 - 2016, tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Cà Mau và Kiên Giang.

Thực tế, sản xuất ngày một thuận thiên hơn với nhiều mô hình hiệu quả, hiện đại và gia tăng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... là những chuyển đổi dễ nhận thấy của nông nghiệp Cà Mau thời gian qua.

Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tôm Cà Mau được định hướng phát triển thành sản phẩm chủ lực quốc gia, trở thành ngành hàng mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương. Một số mô hình nổi bật mang lại hiệu quả và thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ cao như mô hình lúa - tôm kết hợp; nuôi tôm thẻ chân trắng với quy trình Biofloc, Semi-Biofloc cho ao nuôi trải bạt; quy trình công nghệ nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn; quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước khép kín.

“Việc Cà Mau chú trọng nuôi tôm nước lợ vừa cải thiện đời sống nhân dân, lại giảm lượng nước ngọt sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Điều này góp phần điều phối nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt”, GS. Trần Đình Hòa nói.

Về giải pháp công trình, dự án âu thuyền Tắc Thủ giai đoạn 2026 - 2030 đã được phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư. Dự án có hợp phần chuyển nước từ lưu vực sông Cái Lớn và sông Hậu qua kênh Chắc Băng về Cà Mau, cung cấp nguồn nước ngọt ổn định cho khu vực.

Mục tiêu của dự án này là cùng với cống Cái Lớn, Cái Bé kiểm soát mặn và điều tiết nguồn nước cho vùng phía Nam sông Cái Lớn và vùng Bắc Cà Mau. Đồng thời, dự án hỗ trợ nước có độ mặn thấp để phục vụ nuôi trồng thuỷ sản trong mùa khô và kiểm soát triều cường, tiêu úng, giảm ngập cho khu vực.

GS. Hòa cho biết thêm, tình trạng xâm nhập mặn vẫn diễn ra ở vùng trũng Bạc Liêu giáp Cà Mau, dù nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng. Bộ NN-PTNT sẽ tiến hành khảo sát vùng trũng và đưa ra các phương án điều tiết thủy lợi phù hợp, nhằm hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ tài nguyên nước ngầm.

Ngoài ra, hệ thống Cái Lớn - Cái Bé khi được vận hành ổn định sẽ giúp tối ưu hóa hoạt động điều tiết nguồn nước. Trong đó, hệ thống giám sát, quan trắc tự động (SCADA) đảm bảo vận hành công trình phù hợp. Mùa khô 2023 - 2024, hệ thống đã phát hiện các chỉ tiêu bất thường, nhanh chóng truyền tín hiệu về trung tâm để xử lý kịp thời.

Xin chân thành cảm ơn Mạng lưới Báo chí Trái đất của Internews đã hỗ trợ chúng tôi gặp gỡ các nhân vật và chứng kiến những câu chuyện ý nghĩa, thiết thực về vấn đề phát triển hạ tầng để bảo vệ lưu vực sông Mê Kông trước sự tác động của biến đổi khí hậu. Qua đó, góp phần triển khai Chương trình “Tăng cường tính minh bạch trong phát triển cơ sở hạ tầng thông qua truyền thông môi trường ở Đông Nam Á” (gọi tắt là STRIDES).

Quỳnh Chi
Tiến Thành