Được biết ông đã từng làm việc trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi ở nhiều nước châu Á. Xin ông chia sẻ về quãng thời gian này?
Trước khi gia nhập Japfa Việt Nam, tôi có hơn 30 năm làm việc trong ngành thức ăn chăn nuôi tại nhiều quốc gia châu Á.
Cơ hội của tôi khi tham gia ngành này bắt đầu tại một công ty thức ăn chăn nuôi thủy sản tại Malaysia. Đây là quãng thời gian mà tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú, từ nghiên cứu thị trường, tìm hiểu sản phẩm, rồi tham gia thiết kế công thức về thức ăn chăn nuôi sao cho phù hợp nhất với nhu cầu của thị trường. Ở vị trí Giám đốc thị trường Đông Malaysia, tôi phụ trách quản lý toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi, từ công thức tới sản xuất, kinh doanh.
Tiếp đến, tôi được Tập đoàn giao nhiệm vụ phát triển thức ăn chăn nuôi mảng gà trắng tại Brunei. Lần đầu tiên làm việc ở một đất nước khác đã giúp tôi có điều kiện tìm hiểu, học hỏi, tích lũy nhiều kinh nghiệm làm việc toàn cầu sau này. Sau đó, tôi quay lại Malaysia và tiếp theo là Indonesia. Tại đây, nhờ vào sự am hiểu về sản phẩm và thông hiểu văn hóa thị trường địa phương, tôi và các đồng nghiệp đã giúp công ty tăng trưởng nhanh chóng, đạt gấp ba lợi nhuận trong 6 năm công tác.
Tôi cũng có thời gian 9 năm làm việc tại Trung Quốc. Đặc biệt, năm 2015, Tập đoàn quyết định tái cấu trúc thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ tận dụng triệt để các lợi thế của công ty, cũng như khuyến khích nhân viên mạnh dạn tham gia vào sự thay đổi toàn diện, sau 5 năm, công ty đã nắm bắt cơ hội tăng trưởng và đạt gấp đôi lợi nhuận so với thời điểm trước đó.
Hơn 3 thập kỷ làm việc tại nhiều quốc gia châu Á, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quản lý và vận hành trong ngành nông nghiệp. Tôi hy vọng có thể ứng dụng linh hoạt những kinh nghiệm trước đây để dẫn dắt Japfa tăng trưởng hiệu quả tại thị trường Việt Nam.
Tại sao ông chọn Japfa Việt Nam?
Năm 2019, tôi dự định nghỉ hưu và quay về Malaysia sinh sống sau thời gian làm việc ở nước ngoài. Nhưng khi xảy ra đại dịch Covid-19, tôi nhận ra thế giới đang vận hành theo một cách rất mới và nhiều thách thức. Điều đó khiến tôi hào hứng và mong muốn tiếp tục cống hiến cho công việc.
Chính vì vậy, tôi quyết định nhận lời làm Giám đốc thương mại khu vực Đông Dương tại Tập đoàn Japfa, phụ trách trực tiếp 4 thị trường là Việt Nam, Ấn Độ, Myanmar và Bangladesh.
Trong 4 thị trường mà tôi phụ trách, Việt Nam là thị trường lớn nhất và gần như hoàn thiện chuỗi 3F (Feed - Farm - Food: Thức ăn chăn nuôi - Trang trại - Thực phẩm). Là một người sẵn sàng tiếp cận, học hỏi những điều mới mẻ, tôi nghĩ rằng Việt Nam là nơi rất tốt để tiếp tục phát triển bản thân và có cơ hội tìm hiểu thêm về các mảng trang trại, thực phẩm.
Ngành chăn nuôi Việt Nam có gì giống và khác với ngành chăn nuôi ở các quốc gia châu Á mà ông đã làm việc?
Sau một thời gian tìm hiểu, tôi nhận thấy ngành chăn nuôi ở Việt Nam có sự tương đồng trong quá trình phát triển như Indonesia, Malaysia hay Trung Quốc.
Trước đây, chăn nuôi Việt Nam chủ yếu là chăn nuôi nông hộ. Ngành chăn nuôi chưa có nguồn giống, nguồn gen tốt để hỗ trợ nông dân phát triển lên quy mô công nghiệp. Đây cũng từng là thực trạng chung của ngành chăn nuôi tại một số quốc gia trong khu vực mà tôi đã làm việc. Bên cạnh đó, sự phát triển các hệ thống trang trại chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam trong nhiều năm qua, cũng tương tự như cách các nước châu Á khác đang vận hành.
Sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam không thể tách rời với những vấn đề lớn hiện nay của đất nước là giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Japfa Việt Nam đã sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu này ra sao?
Trong năm 2023, Japfa Việt Nam đã rà soát và quyết định đóng cửa 9 trang trại do liên quan tới giấy phép hoạt động, nằm quá gần khu dân cư hoặc có thể xảy ra những vấn đề về môi trường mà không thể tiến hành khắc phục được. Việc đóng cửa được thực hiện một cách chủ động nhằm đảm bảo hệ thống trang trại của công ty đáp ứng các yêu cầu về môi trường và phát triển chăn nuôi ở địa phương. Động thái này là minh chứng về việc Japfa Việt Nam sẵn sàng tuân thủ các yêu cầu ngày càng cao về môi trường.
Ngoài ra, Japfa Việt Nam đang hướng tới giảm phát thải khí nhà kính. Cụ thể, đối với những trang trại mới, công ty đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng kỹ thuật vừa đảm bảo các yêu cầu môi trường, vừa giảm phát thải tối đa.
Trong những năm gần đây, chúng tôi đã mời đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp để đánh giá hoạt động của công ty. Những nghiên cứu, đánh giá toàn diện như vậy sẽ giúp chúng tôi có đầy đủ dữ liệu về quá trình sản xuất đang phát thải carbon qua từng khâu như thu mua nguyên liệu, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vận chuyển… Từ đó, chúng tôi sẽ đưa ra giải pháp toàn diện để giảm thiểu lượng carbon phát thải trong tương lai.
Ông đánh giá như thế nào về thị trường chăn nuôi Việt Nam và cơ hội phát triển của Japfa Việt Nam tại thị trường này?
Với dân số gần 100 triệu người và là một trong những quốc gia có dân số trẻ, Việt Nam đang nắm giữ những lợi thế phát triển kinh tế. Cùng với sự tăng trưởng liên tục trong những năm qua, sức mua của thị trường nội địa được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong nhiều năm tới. Đây là cơ hội để ngành chăn nuôi Việt Nam tận dụng và phát triển, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.
Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Tôi tin rằng với chính sách này, hoạt động xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sẽ được đẩy mạnh, tạo động lực phát triển cho ngành chăn nuôi và mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết là vấn đề dịch bệnh đang làm tiêu tốn ngân sách của các công ty trong việc xây dựng hệ thống ngăn ngừa, giảm thiểu dịch bệnh.
Thách thức thứ hai là việc sản xuất thức ăn chăn nuôi phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu. Những cuộc xung đột trên thế giới đang và sẽ tiếp tục tác động đến việc vận chuyển về Việt Nam, qua đó ảnh hưởng đến giá thành thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều chi phí trong việc tìm những khu đất đảm bảo xa khu dân cư và có diện tích đủ lớn để xây dựng trang trại. Một thách thức cũng khá mới là doanh nghiệp khó tuyển dụng và giữ chân những nhân viên đủ năng lực, chấp nhận làm việc ở các trang trại xa khu dân cư, khi đại đa số các bạn trẻ hiện nay chỉ muốn làm việc ở các đô thị, khu công nghiệp.
Bất chấp những khó khăn, thách thức ấy, Japfa Việt Nam vẫn đang nhìn thấy nhiều cơ hội phát triển dựa trên năng lực nội tại của công ty.
Đây có phải là lí do mà Japfa đã và đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện công ty để thích ứng và chớp cơ hội phát triển trong bối cảnh mới của ngành chăn nuôi Việt Nam?
Đúng vậy! Để vượt qua những thách thức trong một môi trường kinh doanh nhiều biến động và hướng tới sự phát triển bền vững, từ đầu năm nay, chúng tôi bắt đầu khởi động kế hoạch chuyển đổi toàn diện. Japfa Việt Nam tập trung cải thiện hiệu suất, tối ưu hóa chi phí, xây dựng mô hình kinh doanh linh hoạt, thích ứng nhanh và đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên.
Công ty đang có sự nâng cấp lên một bước mới về vận hành cũng như cung cấp cho khách hàng gói giải pháp toàn diện. Theo đó, chúng tôi không chỉ mang đến con giống có chất lượng tốt, mà còn đưa ra giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi về kỹ thuật, cung cấp những thông tin, yêu cầu của thị trường để giúp cho nông dân, chủ trang trại đạt kết quả chăn nuôi tốt hơn. Quan điểm của chúng tôi là thành công của khách hàng cũng chính là thành công của công ty.
Để hỗ trợ những đối tác của Japfa Việt Nam thành công hơn trong tương lai, điều đầu tiên mà công ty phải làm là phát triển nguồn nhân lực nội bộ đáp ứng được yêu cầu mới. Chẳng hạn, với đội ngũ nhân viên kinh doanh, ngoài việc xây dựng mối quan hệ gắn bó với khách hàng như trước đây, mỗi cá nhân phải cập nhật những kỹ thuật mới nhất về chăn nuôi heo, gà… hoặc có sự hiểu biết sâu rộng về sản phẩm, chất lượng thức ăn chăn nuôi phù hợp với nhu cầu của các trang trại, hiểu rõ xu thế của thị trường để có thể tư vấn, đồng hành tốt hơn với người chăn nuôi. Trong thời gian qua, công ty đã đầu tư rất nhiều cho việc đào tạo những kỹ năng mới song song với kỹ năng bán hàng để giúp nhân viên truyền tải, tư vấn ngày càng hiệu quả hơn cho khách hàng về gói giải pháp toàn diện.
Còn chiến lược tiếp cận thị trường của Japfa Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào?
Về thị trường, Tập đoàn Japfa hướng tới chiến lược cung cấp nguồn protein động vật với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng. Tại những thị trường mà Japfa có mặt, chúng tôi luôn mong muốn mang đến sự thịnh vượng cho cả doanh nghiệp và khách hàng, qua đó tạo sự phát triển bền vững, lâu dài.
Để thực hiện được sứ mệnh này, Japfa Việt Nam vận hành nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tập trung 3 mục tiêu chính là tối ưu hóa chi phí sản xuất, không ngừng phát triển và tăng doanh thu bằng cách phối hợp chặt chẽ với khách hàng.
Hiện nay, chúng tôi đang liên tục phát triển, nâng cấp về trình độ kỹ thuật của nhân viên, đầu tư trang thiết bị hiện đại tại các trang trại lớn nhằm hạ giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sau 28 năm hoạt động ở Việt Nam, công ty đang có đội ngũ lãnh đạo và nhân viên giàu kinh nghiệm trong vận hành. Đặc biệt, Japfa Việt Nam đã tạo dựng một nền móng vững chắc trong việc phát triển nguồn gen để sản xuất con giống gà, heo có chất lượng tốt, được thị trường đánh giá cao. Với hệ thống nhà máy và các trang trại quy mô lớn được đầu tư trang thiết bị hiện đại trong những năm gần đây, công ty có thể cung cấp ra thị trường những sản phẩm có giá cạnh tranh.
Tôi tin rằng chiến lược chuyển đổi toàn diện mà toàn bộ đội ngũ Japfa Việt Nam đã và đang triển khai sẽ tạo ra nhiều lợi thế và cơ hội để công ty bứt phá, tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi nói riêng và đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam nói chung.
Xin cảm ơn ông!