| Hotline: 0983.970.780

[Kỳ IV] Những lá đơn xin nghỉ việc của 'ông thú', 'ông khuyến' ở Hòa Bình

Nhiều “ông thú”, “ông khuyến” ở tỉnh Hòa Bình đã đâm đơn xin nghỉ việc, trong khi đó các UBND xã không thể tuyển được người vào các vị trí này vì phụ cấp thấp.

Đơn xin thôi việc của anh Bùi Văn Thời. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đơn xin thôi việc của anh Bùi Văn Thời. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chỉ bắt làm 2 buổi/tuần vẫn bỏ việc

“...Ngọc Mỹ ngày 15/4/2021. Đơn xin thôi việc. Kính gửi: UBND xã Ngọc Mỹ. Tên tôi là Bùi Văn Thời, hiện đang làm nhân viên khuyến nông - khuyến lâm xã Ngọc Mỹ. Nay tôi làm đơn này kính xin lãnh đạo UBND xã Ngọc Mỹ cho tôi được thôi việc từ ngày 15/5/2021. Lý do: Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên tôi không tiếp tục đảm nhận được công việc mà UBND xã đã giao cho nữa”.

Chị Bùi Thị Giăng - Chủ tịch xã Ngọc Mỹ (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) tần ngần đưa cho tôi lá đơn vẫn còn tươi nét ký ấy và bảo: “Xã có hai “ông thú” (thú y) với “ông khuyến” (khuyến nông) thì đều đâm đơn xin nghỉ việc cả, “ông thú thì tôi thuyết phục được, còn “ông khuyến” thì không. Dù công việc chúng tôi không bắt họ phải làm cả tuần mà chỉ cỡ 2 buổi/tuần, bởi biết với phụ cấp 1,4 triệu/tháng thì gia đình họ sống sao được? Giờ “ông thú” chúng tôi bố trí kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội nông dân để có thêm một chút phụ cấp nho nhỏ nữa…”.

Ngọc Mỹ là địa phương có diện tích khá rộng, 3.202ha, 85% dân số sống bằng nông nghiệp, chị Giăng bảo vai trò của cán bộ khuyến nông - khuyến lâm, thú y cơ sở là rất lớn. Trước đây, quản lý họ về mặt chuyên môn ở huyện có những cơ quan riêng, xuyên suốt, hoạt động rất nhịp nhàng.

Anh Bùi Văn Thời đang xem lại lá đơn xin thôi việc gửi Chủ tịch xã. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Bùi Văn Thời đang xem lại lá đơn xin thôi việc gửi Chủ tịch xã. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ hồi sáp nhập 3 Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi - Thú y và Khuyến nông vào làm 1, mọi thứ đều bị hạn chế khi thực hiện nhiệm vụ đối với địa phương, đặc biệt là về công tác thú y: “Xưa khi có dịch, chỉ báo cáo lên cái là cán bộ Trạm trong 1 buổi là chỉ đạo dập dịch ngay nhưng giờ chậm hơn. Khi có hiện tượng lợn chết dân thông tin cho chúng tôi cũng không biết là do dịch tả lợn Châu Phi, do tụ huyết trùng hay do gì, kể cả cán bộ thú y xã cũng đâu có được tập huấn nhiều như cán bộ huyện mà hiểu rõ được.

Sau khi anh Thời xin nghỉ việc thì tại nhiều cuộc họp của xã chúng tôi đều bảo ai có con em giới thiệu để tuyển vào nhưng cả 7.000 dân chẳng có ai ứng tuyển cả bởi mức phụ cấp quá thấp, có 1,4 triệu đồng/tháng, chẳng đảm bảo cho cuộc sống mà còn đòi hỏi phải là trình độ đại học. Không có người nên tạm thời vị trí khuyến nông được giao cho 2 công chức nông nghiệp và công chức môi trường luân phiên nhau kiêm nhiệm vì tiêu chuẩn cán bộ của xã cũng đang bị dôi dư...”, chị Giăng thông tin.

Chị Bùi Thị Giăng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ: 'Xã có hai 'ông thú' (thú y) với 'ông khuyến' (khuyến nông) thì đều đâm đơn xin nghỉ việc cả'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Bùi Thị Giăng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ: “Xã có hai “ông thú” (thú y) với “ông khuyến” (khuyến nông) thì đều đâm đơn xin nghỉ việc cả". Ảnh: Dương Đình Tường.

Tình cờ thế nào, tôi lại được gặp Bùi Văn Thời khi anh mới từ Hà Nội về quê để tiêm mũi 2 vacxin Covid-19 rồi lại tất tả lên phố đi làm thuê tiếp. Anh chia sẻ, trước đây mình học trung cấp kinh tế nông nghiệp, đã gắn bó với vị trí khuyến nông xã mấy năm nhưng vẫn phải bỏ bởi mức phụ cấp bèo bọt 1,4 triệu/tháng, trừ khoản tự đóng bảo hiểm đi, thực lĩnh về chỉ còn 1,2 triệu.

Cán bộ tỉnh đến rồi đi, cán bộ huyện đến rồi đi, chỉ còn cán bộ tại chỗ là ở lại, bám sát với dân, thế nhưng chế độ phụ cấp như thế này thì không thể đảm bảo cho cuộc sống của họ, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động.

Trong khi đó vợ ở nhà chăm 2 đứa con thơ cùng mẹ già nên mọi gánh nặng kinh tế đều đặt trên vai mình cả, dù xã chỉ bắt làm việc có 2 buổi/tuần nhưng thời gian rảnh mấy ngày trong tuần ấy xin việc làm thêm tại chỗ ở quê là rất khó. Sau khi bỏ khuyến nông cơ sở, đã 3 tháng nay Thời đi làm ở Hà Nội, mới đầu là thợ xây, sau là thợ sơn, mức thu nhập trung bình cũng hơn 10 triệu/tháng, gấp 7 lần phụ cấp lúc trước.

Nỗi lo từ huyện lên tỉnh

Anh Bùi Xuân Trường - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Lạc bảo đơn vị mình được gộp từ 3 Trạm, trong đó 10 người của Trạm Khuyến nông, 4 người của Trạm Chăn nuôi - Thú y, 4 người của Trạm Trồng trọt - Bảo vệ Thực vật. Trước đây, Trạm Khuyến nông do UBND huyện quản lý, chuyên môn thì Trung tâm Khuyến nông tỉnh chỉ đạo, còn Trạm Chăn nuôi - Thú y, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ Thực vật tuy đóng trên địa bàn huyện nhưng lại trực thuộc ngành dọc trên Chi cục của tỉnh.

Về phía khuyến nông xã, trước năm 2012 do Trạm Khuyến nông huyện trả phụ cấp, quản lý trực tiếp, còn sau năm 2012 do UBND xã ký hợp đồng và trả phụ cấp, đơn vị chỉ quản lý về chuyên môn. Khi Trạm Khuyến nông còn quản lý trực tiếp, mỗi tháng khuyến nông xã lên huyện lấy phụ cấp 1 lần rồi họp giao ban công việc luôn thể.

Anh Bùi Xuân Trường - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Lạc: 'Do không quản lý trực tiếp, có lúc khuyến nông cơ sở đưa ra rất nhiều lý do để không lên họp giao ban'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Bùi Xuân Trường - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Lạc: "Do không quản lý trực tiếp, có lúc khuyến nông cơ sở đưa ra rất nhiều lý do để không lên họp giao ban". Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau này, khi UBND xã quản lý trực tiếp thì Trạm Khuyến nông chỉ tập hợp họ họp giao ban mỗi quý 1 lần, cũng khó khăn trong việc cập nhật thông tin sản xuất, chỉ đạo công việc bởi đôi khi chồng chéo với việc của UBND xã giao cho, tiến độ chậm hơn. Thậm chí, do không quản lý trực tiếp, có lúc họ đưa ra rất nhiều lý do để không lên họp giao ban quý trên Trạm Khuyến nông huyện nữa, đơn vị phải xuống phản ánh với cả lãnh đạo xã.

Năm 2020, sáp nhập 3 Trạm Khuyến nông, Trồng trọt - Bảo vệ Thực vật, Chăn nuôi - Thú y vào thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thì các chức năng quản lý nhà nước về thú y, khuyến nông cơ sở lại chuyển về Phòng NN-PTNT. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp muốn họp hay chuyển giao cái gì xuống xã phải có công văn của huyện mới có cơ sở để thực hiện. Từ tháng 5/2020 tới nay, đơn vị mới tổ chức họp giao ban được 1 lần với đội ngũ khuyến nông các xã.

Huyện Tân Lạc có 16 xã, thị trấn thì giờ 3 nơi đang không có khuyến nông chuyên trách gồm thị trấn (công chức nông nghiệp kiêm nhiệm), xã Ngọc Mỹ (công chức nông nghiệp kiêm nhiệm) và xã Tử Nê (công chức địa chính xây dựng kiêm nhiệm). Còn những xã có khuyến nông chuyên trách thì phụ cấp thấp, chỉ 1,4 triệu/tháng.

“Theo quyết định của trên thì đội ngũ khuyến nông cơ sở thuộc quyền quản lý của Phòng NN-PTNT nhưng họ có rất nhiều việc, nên phải có cơ chế để phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp để chỉ đạo, điều hành. Còn các cơ quan như Chi cục và Trung tâm ở tỉnh quản lý theo ngành dọc, nhưng xuống dưới Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện như chúng tôi cũng phải có cơ chế để phối hợp, thành ra  khá phức tạp”, anh Trường băn khoăn.

Mô hình nuôi lợn ở xã Ngọc Mỹ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mô hình nuôi lợn ở xã Ngọc Mỹ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hòa Bình là tỉnh miền núi có tổng diện tích đất tự nhiên gần 4.600km2, trong đó đất sản xuất nông nghiệp tuy chỉ chiếm 14% mà tạo ra công ăn việc làm cho 85% dân cư nông thôn, góp phần lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội. Quan trọng là thế nhưng kinh phí dành cho hoạt động của ngành nông nghiệp nói chung và khuyến nông nói riêng còn khá khiêm tốn. Như nguồn chi không thường xuyên của Trung tâm Khuyến nông tỉnh chỉ khoảng 600 - 700 triệu/năm để làm thông tin tuyên truyền, các mô hình trình diễn.

Bản thân Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện dù có mảng khuyến nông nhưng định hướng sẽ phải làm dịch vụ để dần dần có thể tự nuôi sống được một phần, Trung tâm Khuyến nông tỉnh không thể chỉ đạo họ như thời vẫn còn là Trạm Khuyến nông huyện được, mà chỉ phối hợp. Nếu những lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện trước kia là người trong hệ thống khuyến nông thì nhờ tình cảm thân quen, anh em ngày xưa cùng công tác thì họ sẵn sàng giúp đỡ, còn những lãnh đạo mới chuyển từ đơn vị khác về thì vẫn còn khá khó khăn trong việc phối hợp hoạt động...

Ở đầu mối tỉnh, Trung tâm Khuyến nông được giữ nguyên nhưng về phía huyện lại sáp nhập 3 Trạm Khuyến nông, Trồng trọt - Bảo vệ Thực vật, Chăn nuôi - Thú y vào thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, chức năng nhiệm vụ đan xen nhau, chẳng rõ ràng. Hơn thì chưa thấy nhưng cái kém đã rõ khi chăn nuôi - thú y, trồng trọt - bảo vệ thực vật khó có thể phát huy vai trò như xưa.

Còn khuyến nông tuy chưa bộc lộ nhiều nhược điểm bởi tiền thân của các Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp hiện nay hầu hết Trạm khuyến nông xưa là cốt lõi. Ở cấp xã, đội ngũ khuyến nông cơ sở đang bị chung chiêng giữa UBND xã, Phòng NN-PTNT hay là Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp quản lý. Ở dưới thôn, bản thì trước đến nay vẫn có các câu lạc bộ khuyến nông cùng chung sở thích như nuôi ong, nuôi cá, trồng nấm, trồng dược liệu... chia sẻ nhau về kỹ thuật, về thị trường, hoạt động kiểu bình bình.     

Hệ thống bị xáo trộn như thế nên khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh xuống cơ sở để triển khai các chương trình, mở lớp tập huấn, liên hệ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thì một số e dè bảo mảng này, mảng kia giờ quản lý phải là Phòng NN-PTNT. Sang Phòng NN-PTNT lại bị đẩy ngược trở về Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện vì Phòng cũng đang phải cáng đáng rất nhiều việc từ sản xuất, thủy lợi, phòng chống lụt bão đến nông thôn mới mà biên chế vẫn chỉ có thế.

Khi sáp nhập 3 Trạm Khuyến nông, Trồng trọt - Bảo vệ Thực vật, Chăn nuôi - Thú y vào thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thì mọi hoạt động bỗng yếu hẳn đi, đặc biệt là hệ thống thú y. Dịch dã nổ ra liên miên nhưng hệ thống bị đứt đoạn nên nắm bắt thông tin chậm, xử lý, điều hành khó có thể kịp thời.

Tin liên quan

[Kỳ III] Chuyện ở Bắc Giang và tâm sự của những người có trình độ

[Kỳ III] Chuyện ở Bắc Giang và tâm sự của những người có trình độ

Để tiếp nhận thông tin đa chiều về chuyện hết năm 2024 Bắc Giang sẽ giải thể đội ngũ khuyến nông cơ sở, tôi đã liên lạc với một số người trong và ngoài cuộc.

[Kỳ II] Nỗi niềm của ông Chủ tịch xã và ông Chủ tịch huyện

[Kỳ II] Nỗi niềm của ông Chủ tịch xã và ông Chủ tịch huyện

Cả hai ông đều lo lắng trước cái mốc tương lai đang rất gần, khi đội ngũ khuyến nông cơ sở bị xóa sổ thì tình hình phát triển nông nghiệp sẽ ra sao?

[Kỳ I] Những quả đồi chuyển từ sắc trắng sang vàng ở huyện Lục Ngạn

[Kỳ I] Những quả đồi chuyển từ sắc trắng sang vàng ở huyện Lục Ngạn

Đội ngũ khuyến nông cấp cơ cơ sở đóng vai trò rất lớn trong sản xuất nông nghiệp, thế nhưng ở nhiều nơi hệ thống này đang đứt gãy, tan rã...

Khuyến nông, nước nào làm nông cũng có

Khuyến nông, nước nào làm nông cũng có

Trên thế giới, quốc gia nào làm nông nghiệp đều có khuyến nông. Ngày nay, khuyến nông Việt Nam cũng cần có những cách tiếp cận mới cùng sự phát triển của ngành nông nghiệp.