Mía số 1-Dabaco mở ra xu hướng nuôi gà lông màu thả vườn lần thứ 2

Nếu như cách đây 10 năm, J-Dabaco mở ra làn sóng chăn nuôi gà lông màu lai đầu tiên tại Việt Nam thì Mía số 1-Dabaco đang mở ra cuộc cách mạng chăn nuôi gà lông màu thả vườn lần thứ 2.

Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung được biết tới là quê hương của các giống gà màu có nhiều gen tốt và quý hiếm.

Một số giống gà bản địa của Việt Nam như Mía, Ri, Hồ, Nòi… đều là những giống nội có chất lượng thịt thơm ngon, sức sống tốt, chịu được thời tiết khắc nghiệt, mẫu mã phù hợp với thị hiếu và văn hóa tiêu dùng của người Việt.

Nhưng do chiến tranh, bệnh dịch, giống cận huyết khiến số lượng các giống gà màu nội suy giảm, một số gen cũng bị thoái hóa và có nguy cơ mất dần.

 

Cách đây hơn thập kỷ, Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco tiên phong tiến hành chọn lọc, phục tráng, nhân thuần một số giống gà nội có nhiều ưu điểm vượt trội.

Kết quả, đến nay đã cải thiện rõ rệt về mặt năng suất, tỷ lệ đẻ, chất lượng thịt, trọng lượng, sản lượng trứng, đặc biệt là giống gà Mía số 1-Dabaco.

Ông Nguyễn Hoàng Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam xu thế phát triển chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao với các giống gà lông màu tại Việt Nam qua câu chuyện con gà Mía số 1-Dabaco.

 

 

Thưa ông Nguyễn Hoàng Nguyên, Việt Nam được biết đến là cái nôi của rất nhiều giống gia cầm bản địa mang nguồn gen quý hiếm, nhưng vì sao Dabaco lại chọn giống gà Mía để chọn tạo, phát triển thành sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp?

Trong xu hướng hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, chăn nuôi gia cầm nói chung và chăn nuôi gà nội nói riêng cũng cần phải đi theo xu thế đó. Để tồn tại, cạnh tranh, bên cạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của thế giới, việc phát huy sức mạnh nội tại của gà giống nội là hướng đi quan trọng.

Các giống gà nội của Việt Nam có nhiều đặc tính tốt, di truyền qua nghìn năm. Cùng với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, Dabaco đã triển khai chiến lược thụ tinh nhân tạo, phát triển gà giống Việt bài bản với các phương pháp mới, đặc biệt là lựa chọn gà Mía để phát huy đặc tính của gà bản địa cao hơn.

Thị hiếu và sở trường của người Việt Nam là ưa thích con gà nhỏ, chân vàng, mào cờ. Khi đời sống được nâng lên, gà Ri không đáp ứng được nhu cầu nữa, trong khi đó gà Mía lại có thể đáp ứng tốt hơn bởi chất lượng thịt thơm ngon.

Thứ hai, bây giờ tiêu dùng thông minh hơn nên còn liên quan đến tỷ lệ thịt xẻ, thịt lườn. Thịt lườn và thịt đùi của gà Ri hay gà Mía cổ truyền chỉ 17 - 18%, nhưng Mía số 1-Dabaco đã nâng lên được 22 - 24%.

Tính chung, thịt xẻ của gà Ri, gà Mía cổ truyền trước đây khoảng 65 - 66% nay đã tăng lên 72 - 74% ở Mía số 1, tức là nuôi gà để lấy thịt chứ không phải để lấy xương. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật đó đã góp phần giúp Dabaco đạt được những điều này.

Bên cạnh khoa học công nghệ, phương pháp chọn tạo theo quần thể gia đình cũng đóng vai trò quan trọng để Dabaco có được kết quả tích cực trong chọn tạo giống gà Mía số 1, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về sự cải thiện năng suất, chất lượng của gà Mía số 1 từ thế hệ thứ 1 đến thế hệ 8 hiện nay?

Thật ra, gốc của giống gà Mía rất tốt chứ không kém, nhưng do ảnh hưởng của chiến tranh, dịch bệnh hay do công tác lưu giữ giống không bài bản… nên bị thoái hóa dần qua thời gian. Nhiều tài liệu trước đây cho thấy, nếu nuôi tốt, trọng lượng gà Mía có thể đạt 4 - 5 kg/con, nhưng hiện chỉ còn 2 - 3 kg/con.

Bản thân các giống gà nội của Việt Nam đều có chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người bản địa, nhưng nhược điểm là năng suất chưa cao, khả năng sinh trưởng yếu hơn so với các giống gà ngoại, thời gian nuôi cũng dài hơn.

Dabaco đặt ra định hướng chọn giống theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Công ty đặt chiến lược nuôi 12 dòng thuần cơ bản trong mô hình giống 4 cấp, phục vụ công tác lai tạo giống thương phẩm, ví dụ giống năng suất trứng cao, tốc độ mọc lông tốt, hoặc tăng trọng cao, thịt đùi hay thịt lườn nhiều.

Dabaco là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu và phát triển giống gà Mía. Ban đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên nghiên cứu và phát triển giống là việc làm đa giá trị. Ngay từ đầu xác định chiến lược phát triển con giống là định hướng kinh doanh, Dabaco đã liên tục cập nhật những kiến thức, công nghệ mới từ các nước chăn nuôi hiện đại như châu Âu, Trung Quốc…

Kiến thức phát triển giống là một kho tàng khổng lồ, Dabaco đang xây dựng chiến lược dài hạn với đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, tăng cường học hỏi, trau dồi.

10 năm trước, câu chuyện làm giống rất phức tạp, nhiều công đoạn. Ngày nay, với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, thời gian và quy trình đã được rút ngắn trong thu thập và xử lý số liệu, tránh được nhiều sai sót.

Hiện, năng suất trứng của giống gà Mía số 1-Dabaco đạt 230 - 240 quả/mái/năm, ngang ngửa với các giống gà ngoại. Bên cạnh đó, còn phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nội về màu sắc, màu chân, màu da, mào cờ…

 

 

Theo ông, với những thành công đã đạt được, việc phát triển gà Mía số 1 quy mô công nghiệp như gà lông trắng có khả thi không và lời giải nào để hài hòa giữa bài toán năng suất và chất lượng?

Sau làn sóng thứ 1 là lai tạo giống gà ngoại với gà nội thành con lai thả vườn, tôi cho rằng, Mía số 1-Dabaco sẽ là giống khởi đầu cho làn sóng thứ 2 của gà thả vườn đặc sản, đưa gà lông màu Việt Nam lên một đẳng cấp mới.

Mía số 1-Dabaco có đầy đủ hành trang về năng suất, chất lượng, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) để đối trọng với các giống gà ngoại thiên về năng suất.

Tuy nhiên, khó khăn của các đơn vị sản xuất giống là làm thế nào để vừa nâng cao được năng suất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Để phù hợp cho cả người sản xuất giống và người chăn nuôi gà thịt, Dabaco đã phải chỉnh sửa rất nhiều lần mới có được thành công như hiện nay, mỗi lần sửa như vậy vô cùng tốn kém, nhưng đổi lại khi đã thành công, hiệu quả mang lại cũng xứng đáng.

Các giống gà đặc sản ở Việt Nam hay đi cùng câu “cơm gà cá gỡ”, tức là rất đắt đỏ. Ngày xưa, có khi cả năm nhà có cỗ to hay dịp quan trọng mới có những món đó trên mâm. Ngày nay, kinh tế thị trường phát triển cùng với khoa học công nghệ, Dabaco đặt mục tiêu bình dân hóa những đặc sản này.

Với quy mô 40 - 50 triệu dân của thời kỳ trước, số lượng gà cung cấp là thiếu, giờ quy mô lên đến 100 triệu dân và sẽ tiếp tục tăng, nếu giữ nguyên năng suất giống gà sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhận thấy thực tế đó, Dabaco đã theo đuổi hướng đi bình dân hóa đặc sản, phát triển con gà lông màu, cụ thể là gà Mía số 1 để nhân rộng ra thị trường. Mục tiêu cuối cùng là làm thế nào để người tiêu dùng được sử dụng thịt gà bản địa thơm ngon nhưng giá thành phải hợp lý. Có như vậy, mới gọi là bình dân hóa đặc sản, chứ đặc sản mãi ít người được ăn.

Hiện, Dabaco đang có giống Mía số 1, gà ta Dabaco, chọi số 1-Dabaco, Hồ Dabaco theo xu hướng làn sóng gà thả vườn thứ 2 này.

Ví dụ, gà Mía số 1-Dabaco rút ngắn thời gian nuôi xuống chỉ còn 3 - 3,5 tháng so với 5 - 6 tháng như nuôi Mía truyền thống đây, trong khi khối lượng cơ thể, chất lượng thịt, màu sắc lông mã vẫn đủ và đẹp theo yêu cầu.

Có thể nói, các dòng gà màu nội của Việt Nam hiện nay đã đủ tự tin trở thành đối trọng lớn trong ngành chăn nuôi gia cầm so với gà công nghiệp của phương Tây hay gà Trung Quốc.

 

 

Ông có thể cho biết, với rất nhiều ưu điểm vượt trội đó, giống gà Mía số 1-Dabaco đang chiếm lĩnh thị phần như thế nào tại thị trường nội?

Hiện, mỗi năm Dabaco cung cấp ra thị trường khoảng 40 - 50 triệu con giống thương phẩm Mía số 1. Đây cũng là con giống chủ lực của Dabaco khi chiếm 50 - 60% tổng sản lượng gà màu Dabaco đang cung cấp ra thị trường.

Dabaco cũng đã xây dựng được kênh thị trường phân phối, tiêu thụ riêng cho gà Mía số 1, bởi Mía số 1-Dabaco đã đủ thời gian, thực tiễn chứng minh được sự khác biệt về hiệu quả kinh tế so với các giống gà màu khác.

Hiện, người nuôi gà Mía số 1-Dabaco có thể bán với giá 85.000 đồng/kg, trong khi đó các giống gà lai khác chỉ dao động khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg.

Đến thời điểm này, Mía số 1-Dabaco đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường miền Bắc, miền Trung và thị trường miền Nam đang bắt đầu có những bước đột phá. Nhưng thành công nhất của Dabaco chính là việc đảm bảo người chăn nuôi giống gà của công ty luôn có lãi.

Năng suất, chất lượng gà Mía số 1-Dabaco đã thay đổi rõ rệt theo chiều hướng tích cực trong thời gian qua, vậy trong thời gian tới Dabaco đặt mục tiêu như thế nào để tiếp tục cải thiện và hoàn thiện giống gà đầy triển vọng này?

Dabaco đã đặt ra chiến lược phát triển giống phù hợp cho từng giai đoạn. Ví dụ, giai đoạn này là tập trung giảm giá thành cho người nuôi gà thịt thương phẩm.

FCR trong chăn nuôi gà Mía số 1-Dabaco hiện 2.8 - 3.0, trong khi gà Mía cổ truyền lên tới 3.8 - 4.0. Dabaco đang phấn đấu giảm FCR xuống còn 2.5, tuy nhiên điều này phải cần ít nhất 3 năm để biến mong muốn thành hiện thực.

Câu chuyện nghiên cứu và cải tiến của Dabaco sẽ được đội ngũ Công ty tiếp tục cập nhật, sáng tạo trong thời gian tới.

Nhưng nói cho cùng, một giống gà địa phương muốn tồn tại vẫn là câu chuyện hiệu quả kinh tế. Dĩ nhiên, hiệu quả hay không còn phụ thuộc các yếu tố thị trường, song với thời gian nuôi và FCR như hiện tại, chắc chắn sẽ đưa gà Mía số 1-Dabaco trở thành giống gia cầm chăn nuôi bền vững của Việt Nam.

Vậy là từ nay người nuôi gà lông màu nội nói chung, Mía số 1-Dabaco nói riêng hoàn toàn có thể yên tâm gắn bó và làm giàu từ chính giống gà quê hương phải không ông?

Nỗi trăn trở của người làm giống là phải thực hiện được điều đó, phải nghiên cứu được xu hướng tiêu dùng trước ít nhất 5 - 10 năm tới.

Vừa qua, công tác làm giống ở Dabaco đã chú trọng công tác sản xuất, nhu cầu dinh dưỡng, nhu cầu chuồng trại, quy mô và kênh phân phối, tiêu thụ, đặc biệt là trả lời cho câu hỏi làm sao đưa thương hiệu giống gà đó đi vào tâm thức của người tiêu dùng.

Ví dụ, gà Mía số 1-Dabaco là giống mới, cần đi kèm hướng dẫn kỹ thuật, dinh dưỡng, sử dụng thuốc tiết kiệm hiệu quả hơn để cho ra sản phẩm con gà thịt đạt chất lượng, mẫu mã và giá thành tốt nhất.

Ngoài sự cố gắng và nỗ lực của Công ty, bà con chăn nuôi cũng phải tuân thủ quy trình kỹ thuật do nhân viên Dabaco hướng dẫn. Bên cạnh đó, việc bán hàng cũng cần phải đảm bảo uy tín, có như vậy mới phát triển lâu dài và cùng thắng được.

Xin cảm ơn ông!

Nguyên Huân - Hồng Thắm
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Phương Thảo - Hồng Thắm
Phạm Huy - Hồng Thắm