Vùng Nam Măng Thít thuộc 2 tỉnh Vĩnh Long - Trà Vinh. Đây là vùng đất phèn, mặn chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Từ sau ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975) đến nay, nhờ thực hiện mạnh mẽ giải pháp thủy lợi, chính quyền và nhân dân nơi đây đã cải tạo vùng đất này thành vùng trọng điểm về phát triển nông nghiệp.
Được sự quan tâm của Trung ương, vùng đất này đã và đang được đầu tư hệ thống thủy lợi dần khép kín, gia tăng khả năng ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn. Trong đó, tỉnh Trà Vinh là địa phương được thụ hưởng nhiều nhất từ công năng của hệ thống thủy lợi này.
Là tỉnh nằm cuối hạ lưu sông Mê Kông giữa sông Tiền và sông Hậu, Trà Vinh có diện tích tự nhiên 2.390 km2. Với đặc trưng của tỉnh đồng bằng ven biển, trước khi đầu hệ thống thủy lợi, hơn 69% diện tích vùng Nam Măng Thít có nguồn gốc đất mặn, phèn. Do ảnh hưởng của triều Biển Đông, hàng năm bị nhiễm mặn với thời gian kéo dài từ 3-6 tháng và có xu hướng ngày càng lấn sâu vào nội đồng gây khó khăn cho sản xuất.
Vùng sản xuất nông nghiệp trong tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới vào mùa khô, mặn xâm nhập vào cuối vụ thu đông năm trước và đầu vụ đông xuân năm sau, phần lớn đất sản xuất nông nghiệp trong tỉnh phải nhờ vào nước trời. Riêng đối với vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ chủ yếu là nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến, hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp.
Xuất phát từ điều kiện tự nhiên còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất yếu kém, trình độ dân trí không đồng đều, đại bộ phận nông dân nghèo, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, kinh tế trong khu vực nông thôn chậm phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, Trà Vinh là tỉnh nghèo của khu vực ĐBSCL và đây cũng là một trong 10 tỉnh nghèo của cả nước.
Từ những năm 2000, tiểu dự án thủy lợi Nam Măng Thít được triển khai, đây là động lực thúc đẩy thủy lợi ở vùng đất này phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng công trình. Từ đó, nhiều công trình, dự án thủy lợi lớn được Trung ương và tỉnh đầu tư nhằm mục tiêu dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.
Trong đó, có thể kể đến các công trình thủy lợi có quy mô lớn, hiện đại, như: kinh Trà Ngoa, kênh Mây Phốp - Ngã Hậu, cống Nàng Âm, cống Vũng Liêm và cống Tân Dinh, đê bao sông Măng Thít (tỉnh Vĩnh Long)… Tại Trà Vinh có cống Láng Thé, cống Cái Hóp, trạm bơm điện Trà Cú …
Đối với dự án thủy lợi Nam Măng Thít, tỉnh Trà Vinh hưởng lợi với 80% các hạng mục công trình dự án. Diện tích kiểm soát mặn của dự án khoảng 200.000ha. Riêng hai huyện Trà Ôn và Vũng Liêm thuộc tỉnh Vĩnh Long có diện tích thụ hưởng khoảng 50.000ha.
Đột phá lớn nhất trong đầu tư hệ thống công trình thủy lợi ở vùng Nam Măng Thít có thể kể đến là việc xây dựng 3 công trình cống thủy lợi có quy mô lớn và tiên tiến nhất (ở thời điểm công trình được đưa vào vận hành). Đó là cống Vũng Liêm (ở huyện Vũng Liêm), cống Tân Dinh (ở huyện Trà Ôn) và cống Bông Bót (ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh).
Các công trình này được khởi công từ năm 2018, đưa vào vận hành từ năm cuối năm 2019, chính thức hoàn thiện và đưa vào sử dụng năm 2020. Chúng có nhiều điểm mới, vượt trội so với các công trình cống truyền thống trước đây về quy mô, về kỹ thuật xây dựng và công nghệ vận hành.
Về quy mô, cống Vũng Liêm có khẩu độ lớn nhất vùng, lên đến 75m (gồm 3 khoang hay 3 cửa, mỗi khoang rộng 25m), còn cống Tân Dinh có khẩu độ 40m (gồm 2 khoang, mỗi khoang rộng 20m), cống Bông Bót có khẩu độ 60m (gồm 3 khoang, mỗi khoang có chiều rộng 20m).
Một điều đáng chú ý là 3 cống đặt tại đầu các kinh trục (các cống trước là đặt tại đầu các kinh cấp II, cấp III); khẩu độ cống không làm thu hẹp lòng sông, chiếm từ 70-75% diện tích mặt cắt ngang dòng sông (so với 10-20% đối với các cống truyền thống).
Nếu như năng lực phục vụ (tưới, tiêu, ngăn triều, ngăn mặn) của cống Nàng Âm (tại huyện Vũng Liêm) là khoảng 3.000ha, các cống khác từ 200-500ha, thì cống Vũng Liêm là 11.375ha (thuộc huyện Vũng Liêm), cống Tân Dinh là trên 7.000ha (Trà Ôn: 5.500ha và Cầu Kè: 1.500ha), cống Bông Bót là trên 10.000ha.
Về kỹ thuật xây dựng và công nghệ vận hành cống, Bộ NN-PTNT (chủ đầu tư) đánh giá 2 công trình này có nhiều ứng dụng mới, tiên tiến nhất trong việc kiểm soát nguồn nước mặn, ngọt. Trong đó, nổi bật nhất là ứng dụng công nghệ vận hành cửa van (cửa cống) bằng hệ thống xi lanh thủy lực lớn nhất Việt Nam ở thời điểm đó.
Cửa van cống theo kiểu “clape” trục dưới (kiểu cửa sập) bằng thép đóng mở cưỡng bức bằng hệ thống xi lanh thủy lực (cống Vũng Liêm mỗi cửa nặng khoảng 130 tấn, riêng 2 cống Bông Bót - Tân Dinh mỗi cửa nặng 100 tấn), không như cửa van phẳng đóng mở tự động nhờ chênh lệch cột nước như các cống trước đây. Hệ thống xi lanh thủy lực có công suất lớn, 2 xi lanh có thể nâng 180 tấn, là bộ phận chính để vận hành đóng, mở cửa cống theo hướng thẳng đứng trong điều kiện bị ngập nước.
Một điều đặc biệt kế đến là, cống Vũng Liêm, cống Bông Bót và cống Tân Dinh được thi công trong điều kiện “nền ướt”, không chặn dòng sông, ít ảnh hưởng cản trở đến giao thông thủy; còn các cống trước đây được thi công trong điều kiện “nền khô”, phải đắp đê quây trước, sau cống để chặn dòng chảy.
Các công trình trên thuộc Tiểu dự án 6 hợp phần 3 “IDA kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít” thuộc dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL. Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 746 tỷ đồng. Các công trình đưa vào vận hành đã giúp kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch, tiêu úng, cải tạo đất cho trên 28.400 ha diện tích đất tự nhiên của hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh.
Phát biểu tại buổi lễ bàn giao hôm đó, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã biểu dương chính quyền, người dân địa phương tạo thuận lợi nhất về mặt bằng; Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi 10 đã tập trung thi công vượt tiến độ hoàn thành các công trình trước từ 6 tháng trở lên. Ông nói, “đây là một cố gắng lớn nhằm thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu. Các cống này sẽ điều tiết được một phần cơ bản cho một vùng dân sinh khoảng 1,4 triệu người. Bước đầu, 3 công trình này đưa vào sử dụng đã phát huy được tác dụng tốt”.
Ứng phó với tình trạng nước mặn bao vây vùng trọng điểm lúa của hai tỉnh Vĩnh Long - Trà Vinh, bên cạnh hệ thống cống thủy lợi hiện đại, Bộ NN-PTNT tiếp tục triển khai dự án xây dựng công trình nạo vét kênh Mai Phốp - Ngã Hậu tại hai tỉnh này với tổng vốn hơn 436 tỷ đồng. Theo đó, các hạng mục công trình dự án cấp nước cho 30.000 ha lúa, tiêu úng, rửa phèn hơn 160.000 ha đất tự nhiên của tỉnh Trà Vinh và một phần của huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Hệ thống cống đập thủy lợi hoàn chỉnh, vào mùa khô, khi độ mặn thực đo ở mức 1‰ sẽ đóng cống để ngăn mặn. Độ mặn giảm dưới 1‰, các cống đập thủy lợi được mở để tích trữ nước ngọt trên hệ thống sông, rạch, kênh nội đồng phục vụ sản xuất. Đến nay, hệ thống thủy lợi trong vùng cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh, 100% đất canh tác được khép kín thủy lợi, tưới tiêu rất thuận lợi, đa số đất chua phèn được cải tạo, đất sản xuất nông nghiệp được “ngọt hóa”.
Hiệu quả từ các công trình cống thủy lợi Láng Thé, Cái Hóp, Bông Bót, Tân Dinh, Vũng Liêm… và kênh Mây Phốp – Ngã Hậu là hình thành được vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của 2 tỉnh gồm: Vùng sản xuất lúa các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, một phần huyện Châu Thành Trà Vinh; vùng chuyên canh cây ăn trái đặc biệt là cây có múi tại Trà Ôn, Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long và Càng Long, Cầu Kè tỉnh Trà Vinh.
Tại hai huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, nhờ đầu tư lớn về thủy lợi đã “ngọt hóa” vùng đất nhiều phèn, thường xuyên bị mặn đe dọa này trở thành vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh, rồi dần chuyển mình trở thành vùng sản xuất chuyên canh với bạt ngàn cam sành, bưởi da xanh, xoài, sầu riêng. Hiện trong vùng đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tốt, hướng hữu cơ, sản xuất tiên tiến có hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Bùi Tấn Đảm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long thay đổi lớn nhất trong vùng là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và giao thông nông thôn. Nhờ được đầu tư công trình cống Vũng Liêm mà đến nay người dân trong huyện không còn lo lắng về tình hình triều cường và xâm nhập mặn nữa.
Huyện Vũng Liêm có nhiều diện tích cây ăn trái cho thu nhập khá cao, như bưởi da xanh trên 2.200ha cho thu nhập từ 180-200 triệu đồng/ha/năm, sầu riêng trên 1.200ha cho thu nhập từ 450-550 triệu đồng/ha/năm, xoài hơn 1.000ha cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt là cây cam sành đang phát triển nhanh nhất trong vùng, diện tích gần 2.900ha có thời điểm cho doanh thu từ 0,8-1,2 tỷ đồng/ha/năm. Các cây trồng truyền thống như lúa, lác vẫn còn phát triển ổn định.
Từ nhiều năm qua, mỗi năm, huyện Vũng Liêm luôn duy trì cánh đồng lúa chất lượng cao với diện tích từ 3.000 - 4.100ha/vụ (chiếm 35-38% diện tích sản xuất toàn huyện), năng suất trong cánh đồng lớn sản xuất lúa cao hơn so ngoài mô hình từ 5-10%.
Ông Nguyễn Văn Hiền, ấp An Điền 1, xã Trung Hiếu, người dân sinh sống bên dòng kênh Mây Phốp nhận xét: “Hồi trước khi chưa có cống Vũng Liêm, mần ruộng nước nôi không đầy đủ, độ mặn lên xuống thất thường. Bây giờ có cống rồi làm được con kênh này nữa, nước nôi đầy đủ lắm. Rồi khi mùa mưa, triều cường cống cũng ngăn triều và xả nước chấp ngập úng. Bà con làm lúa thấy cũng đạt đó”.
Ở huyện Trà Ôn, nhờ thủy lợi đã “cải tạo” vùng đất cầm thủy Bưng Sẩm (thuộc xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn) thành vùng đất trồng khoảng 55ha khóm. Sản xuất khóm nơi đây đang được xây dựng nhãn hiệu tập thể và được liên kết với doanh nghiệp, tiến đến hình thành vùng nguyên liệu cung cấp cho doanh nghiệp chế biến sản phẩm khóm phục vụ xuất khẩu và thương mại trong nước.
Riêng cây cam sành được xem là cây trồng chủ lực và Trà Ôn trở thành “thủ phủ” cam sành của tỉnh Vĩnh Long (chiếm gần 60% tổng diện tích). Cũng nhờ làm tốt công tác thủy lợi, cây cam sành từ trên cao được bà con đưa xuống ruộng. Nhiều năm liền, cây cam sành mang lại hiệu quả kinh tế cao và được xem là cơ nghiệp của người dân địa phương. Đến cuối tháng 6/2023, huyện Trà Ôn có gần 10.000 ha đất trồng chuyên canh cây cam sành, trong đó diện tích cam sành trên đất lúa chiếm 88%.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn, cây cam sành trên đất lúa trong các năm qua là một trong các hướng đi để phát triển kinh tế địa phương. Trong kế hoạch phấn đấu đến năm 2025, Trà Ôn sẽ đạt huyện nông thôn mới, sẽ có đóng góp không nhỏ từ nguồn lực nông nghiệp, trong đó có cây cam sành.
Thời gian tới, cây cam sành sẽ phát triển theo hướng gắn “mã số vùng trồng”, tạo thương hiệu sản phẩm, góp phần giải quyết đầu ra nông sản. Phần việc của chính quyền là phải định hướng cho người nông dân sản xuất xanh, hữu cơ và an toàn thực phẩm, để hàng hóa chất lượng hơn và liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm. Huyện Trà Ôn có Ban Vận động để đưa cây có múi này đạt chứng nhận VietGAP nhiều hơn và trở thành sản phẩm OCOP, đi vào các chuỗi buôn bán lớn hơn.
Tại Trà Vinh, dự án thủy lợi Nam Măng Thít đã thúc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao theo cơ chế thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp toàn vùng phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân hàng năm khoảng 3%, cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng: giảm nông nghiệp tăng thủy sản; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng đa dạng, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng tiểu vùng kết hợp với ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản.
Đến cuối năm 2022, tổng diện tích trồng cây hàng năm đạt hơn 255.000 ha, sản lượng đạt hơn 2,33 triệu tấn (tăng hơn so với năm 1996 từ 1,3-1,6 lần), trong đó lúa đạt trên 1 triệu tấn, cây ăn trái và cây dừa tăng đáng kể về diện tích và sản lượng đạt gần 42.300 ha và 578.000 tấn (tăng hơn năm 1996 lần lượt là 17.000 ha và 480.000 tấn), tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng từ 18.600 tấn năm 1996 lên trên 227.000 tấn năm 2022. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng hơn 10 lần so với năm 1996.
Về xã hội, nông nghiệp phát triển tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo; hệ thống kênh và bờ kênh tạo thành mạng lưới giao thông thủy bộ nông thôn, rất thuận lợi trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản cho nhân dân trong khu vực.
Về môi trường, khoảng 90% diện tích đất nông nghiệp được ngăn mặn, kiểm soát mặn và chủ động điều tiết nước ngọt phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Cải tạo đất và thay đổi môi trường, môi sinh, nhất là vùng đất phèn của 4 huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành và Duyên Hải từ 1 vụ lúa nhờ nước trời, năng suất bấp bênh, đến nay đã sản xuất thành 2 đến 3 vụ lúa/năm. Bên cạnh đó, việc đầu tư các tuyến kè sông, kè biển hạn chế sạt lở bảo vệ sản xuất và đời sống dân sinh.