Hệ thống thuỷ lợi Nam Mang Thít là một trong những công trình thuỷ lợi xương sống ở ĐBSCL bước đầu chỉ mới tác dụng ngăn mặn, còn trữ nước ngọt phục vụ SX thì...đợi đấy.
>> Đầu tư thủy lợi: Tứ giác Long Xuyên thiếu đồng bộ
>> Đầu tư thủy lợi cho ĐBSCL trước kịch bản mới
Ông Trần Hoàng Bá, Trưởng phòng NN- PTNT Trà Cú - Trà Vinh cho biết: Trà Cú nằm cuối nguồn trong hệ thống thuỷ lợi Nam Mang Thít rất muốn được hưởng lợi từ công trình này. Dự án ngọt hoá Nam Mang Thít đưa vào khai thác đã nâng từ một vụ lúa bấp bênh làm được 3 vụ lúa ăn chắc nhưng so với nhu cầu chuyển đổi sản xuất thì chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Từ khi đưa vào hoạt động hệ thống kênh cấp I và II đã bồi lắng nên nước ngọt từ đầu nguồn không về kịp thời. Thuỷ lợi chưa đồng bộ nên khó có thể đáp ứng được nước tưới. Mùa mưa thì tiêu úng không kịp, mùa khô còn phải bơm tưới truyền. Hiện tại, có những con kênh đầu tư đã hơn 20 năm nay giờ bồi lắng nhưng chưa được nạo vét hỏi làm sao dẫn nước vào đồng ruộng được.
Trà Cú còn 1/3 trên 17.000 ha diện tích đất nông nghiệp cần được đầu tư thuỷ lợi. Hai năm nay, dấu hiệu mặn xâm nhập sâu và sớm đã ảnh hưởng đến sản xuất khá rõ. Hệ thồng thuỷ lợi hiện đã phủ khoảng 80% diện tích đất sản xuất nhưng chỉ ½ kênh tạo nguồn đáp ứng được nhu cầu thiết yếu, còn lại đang bồi lắng cần được nạo vét. Hệ thống cống điều tiết nước từ các trục kênh cấp II cần phải đầu tư để điều tiết nước. Hiện tại, huyện chỉ đủ sức vận động dân làm được thuỷ lợi nội đồng còn những công trình cấp nước tiêu úng cấp I, II phải chờ tỉnh và TƯ hỗ trợ. Đây là những "lỗ hổng" lớn của dự án Nam Mang Thít.
Đi dọc theo tuyến thuỷ lợi dự án Nam Mang Thít, cống Cần Chông nằm trên địa phận xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần đưa vào hoạt động hơn 1 năm nay. Ông Đặng Quốc Khởi, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: Từ khi cống ngăn mặn Cần Chông nằm trong hệ thống thuỷ lợi Nam Mang Thít hoạt động, 1.500 ha đất sản xuất của Tân Hoà đã chủ động ngăn được mặn, năng suất lúa tăng 20 – 30%. Tuy nhiên, về điều tiết nước ngọt để sản xuất trong mùa khô vẫn còn gặp khó khăn do nguồn nước từ hệ thống Nam Mang Thít chưa về kịp. Ngoài ra, vào mùa xâm nhập mặn khi đóng cống thì phía bên ngoài cống và đê triều cường ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình bị ngập sâu.
Cống đập Láng Thé là một trong các hạng mục công trình quan trọng trong hệ thống thuỷ lợi Nam Mang Thít được Bộ NN- PTNT đầu tư trên 70 tỷ đồng đã ngăn mặn, xổ phèn, điều tiết nước sản xuất, nước sinh hoạt cho 177.792 ha đất nông nghiệp, 672.000 ha đất tự nhiên và hàng trăm ngàn hộ dân được hưởng lợi ở các huyện Càng Long, Châu Thành và TX Trà Vinh. Ông Lâm Thanh Bình, GĐ Sở NN- PTNT Trà Vinh: Để tiểu dự án Nam Mang Thít trên địa bàn Trà Vinh phát huy hiệu quả cần hơn 1.240 tỷ đồng xây dựng bổ sung 18 công trình phục vụ nông nghiệp, thuỷ sản, nước sạch vệ sinh môi trường và các công trình quản lý rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Khoa, quyền Trưởng phòng NN- PTNT huyện Càng Long cho rằng hệ thống thuỷ lợi Nam Mang Thít đã có hiệu quả nhưng chưa đồng bộ. Kênh cấp II thuộc hệ thống chưa được thi công. Cả chục con kênh trong dự án đang nằm chờ vốn thi công tiếp. Cống Láng Thé và Cái Hốp đưa vào sử dụng tăng năng suất lúa khoảng 10%. Đối với cây ăn trái thì tác dụng ngược, thiếu nước tưới vào mùa khô, mùa đóng cống thiếu nước nuôi thuỷ sản. Hiện tại, hệ thống cống này chỉ mới có tác dụng ngăn mặn, xổ phèn phục vụ cho 14.500 ha lúa, còn lại hơn 10.000 ha cây ăn trái và thuỷ sản phải nằm chờ.