Tháng mười, tôi lên Suối Giàng (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) tìm Giàng A Súa khi hay tin Trung tâm Chứng nhận phù hợp (Quacert) của Bộ Khoa học Công nghệ vừa cấp giấy chứng nhận quá trình trồng, thu hái chè shan tuyết của 50 hộ người Mông ở đây đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Đó là thành quả sau nhiều năm Công ty TNHH Sổng Gia Trà nơi Súa làm Tổng Giám đốc đã miệt mài liên kết cùng bà con xây dựng gần 50ha chè cổ thụ Suối Giàng theo quy trình, tiêu chuẩn khắt khe nhất. Lẽ tất nhiên sẽ có người nói, chè cổ thụ mọc tự nhiên giữa rừng già, chỉ cần không sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học thì sẽ thành sản phẩm hữu cơ thôi chứ khó gì?
Không đơn giản như vậy. Hành trình làm chè hữu cơ của Giàng A Súa, của người Mông ở Suối Giàng thậm chí còn gian nan hơn rất nhiều so với các mô hình ở dưới xuôi.
Suối Giàng – có người giải nghĩa là suối trời, nhưng cũng có ý kiến nói tên gọi đó thực ra là dòng suối của họ Giàng. Một vùng đất lắm truyền thuyết liêu trai và với rừng chè shan tuyết cổ thụ, đặc trưng nhất của thủ phủ người Mông ở vùng cao này cũng vậy.
Mỗi năm, trong lễ cúng tôn vinh cây chè tổ Suối Giàng vào dịp tháng chín, những bậc cao niên uy tín nhất cộng đồng người Mông ở vùng đất này vẫn thường nhắc nhở con cháu thế này: Nhớ khi xưa mới đến định cư nơi đây chỉ có vài nóc nhà, cuộc sống đói rét, lầm than, tăm tối. Người Mông chỉ biết cặm cụi làm ăn, trồng ngô, trồng lúa và săn bắt. Nhờ trời có cây chè quý, có được nguồn thu đáng kể, có công ăn việc làm, xoá được cái đói, giảm được cái nghèo, đời sống có nhiều tiến bộ…
Có người kể, nguồn gốc của chè shan tuyết Suối Giàng được một nàng tiên trên trời ban cho người Mông. Lại một truyền thuyết khác cho rằng, quá trình đồng bào lưu lạc đến vùng đất này thì cây chè đã có, mọc kín khắp rừng già. Thực hư ra sao đến nay chưa ai rõ, chỉ biết Suối Giàng hôm nay có khoảng 500ha rừng chè shan tuyết cổ thụ, từ lâu đã trở thành biểu tượng của cả vùng trồng chè Tây Bắc. Shan tuyết nhiều người hiểu là loại chè trên núi, quanh năm ngậm tuyết, ngậm sương. Thứ chè trời ban, gắn liền với đời sống, văn hoá đồng bào Mông Suối Giàng đã từ lâu lắm.
Viện sĩ K.M.Djemmukhatze, một chuyên gia quốc tế thuộc Viện Sinh hoá (Viện hàn lâm khoa học Liên Xô) từng đến Suối Giàng và thốt lên rằng: “Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là nguồn cội của cây chè?.
Còn đối với các chuyên gia trong nước, sau thời gian dài tìm tòi, nghiên cứu đã thống kê được khoảng 1.000ha chè shan tuyết cổ thụ ở huyện Văn Chấn. Những vùng chè cổ thụ nằm rải rác ở các xã Sùng Đô, Nậm Mười, Nậm Lành, Suối Quyền, Suối Bu, An Lương và Suối Giàng. Trong đó Suối Giàng là nơi có diện tích tập trung nhất, cũng là nơi có cây chè tổ và 400 cây chè shan tuyết hàng trăm năm tuổi đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam từ năm 2016.
Quý. Nhưng đời sống đồng bào còn vất vả quá. Giàng A Súa ngồi trầm ngâm một lúc lâu bên ấm trà móc câu vừa mới pha - đặc sản của vùng núi cao này. Anh đang nhớ về một thời của Suối Giàng chưa xa lắm. Súa chậm rãi chia sẻ rằng, người Mông Suối Giàng không chỉ tự hào với rừng chè di sản, đó còn là sinh kế, nồi cơm khổng lồ của hơn 800 hộ dân, xấp xỉ 3.000 nhân khẩu. Tự bao đời nay họ sống dựa vào thứ cây tự nhiên mọc giữa rừng âm u, một năm thu hoạch 3 vụ: Dịp tháng tư tháng, tháng năm hái lần thứ nhất; tháng bảy, tháng tám hái lượt thứ hai và tháng chín, tháng mười thu hoạch vụ cuối. Hái xong mang về sơ chế, tự sao bằng chảo hoặc phơi nắng rồi đi bộ mang xuống Nghĩa Lộ đổi gạo, đổi thóc cho người Thái.
Gian khổ vậy mà vẫn bấp bênh. Dù người Mông ở Suối Giàng quý chè shan tuyết như báu vật, thậm chí còn xem nó giống như thứ thuốc có thể chữa được bách bệnh. Đau bụng uống chè, đau đầu uống chè, ho cảm gì cũng uống chè, duy chỉ có đói nghèo thì không thuốc nào chữa nổi. Sở hữu rừng chè cổ thụ quý giá nhưng đồng bào vẫn không ít phen lâm vào cảnh đứt bữa.
“Đó là điều khiến những người trẻ được học hành, được tiếp xúc nhiều với xã hội như chúng em phải suy nghĩ. Cứ 10kg chè tươi thì sao được 1 - 2kg chè khô. Bà con cực nhọc làm ra được một cân chè nhưng có khi chỉ bán được vai ba nghìn bạc, không đủ tiền mua gạo. Trong khi sống ở trên núi cao này, ruộng không có, mọi sinh hoạt, chi tiêu đều phải dựa vào chè, nếu cứ thế này mãi thì bà con cũng khổ mãi thôi”, giọng Súa có chút gì đó đắng đót, như chén trà anh vừa rót ra mời khách.
Tổng Giám đốc của Sổng Gia Trà sinh năm 1986 và mang dáng dấp của một thanh niên người Mông điển hình. Mắt một mí, người thấp đậm, đặc biệt đôi chân rất khỏe - đặc trưng rõ của người chuyên leo núi, luồn rừng. Giống như bao anh chàng người Mông cùng thế hệ khác, Giàng A Súa sinh ra, lớn lên giữa bạt ngàn chè cổ thụ. Một vài người trong số họ không thể lập nghiệp được với mấy gốc chè được cha ông để lại trên rừng bèn rủ nhau chuyển sang buôn bán, vừa để tự tìm lối thoát cho mình và hi vọng phần nào đó có thể giúp đỡ được bà con vơi bớt nhọc nhằn.
Họ đầu tư máy móc sơ chế và thu mua nguyên liệu. Họ vận động bà con hái chè tập trung và cam kết thu mua với giá cao hơn thị trường từ 1 - 2 nghìn đồng/kg. Họ bủa đi các nơi tìm kiếm thị trường… Dễ chừng muốn cùng bà con làm một cuộc cách mạng cho chè Suối Giàng thì phải. Khổ nỗi, tư duy của bà con xưa giờ không quen. Cứ hết gạo là lên nương chè, hái được lúc nào bán lúc đó chứ giờ bảo hái đúng kỹ thuật, đúng thời vụ, đúng sản lượng để tập trung thành hàng hoá khác gì đánh đố.
Thành thử nhiều người kinh doanh chè ở Suối Giàng thất bại. Thậm chí có nhiều nhà đầu tư dưới Hà Nội lên gặp Súa nói, tôi yêu chè Suối Giàng lắm, thương bà con người Mông trên này lắm, chúng ta hãy hợp tác cùng nhau chế biến và tìm đầu ra cho bà con, cứ làm bằng cái tâm thì chắc chắn sẽ thành công. Vậy nhưng qua một hai lứa chè không bán được hàng y rằng không thấy người yêu chè Suối Giàng, người thương bà con đâu nữa.
Giàng A Súa là người sót lại cuối cùng. Ban đầu chỉ với lý do đơn giản là “mình bỏ nữa thì bà con biết bán cho ai”, nhưng rồi càng cố cầm cự lại càng thấy đầu óc mở mang thêm nhiều thứ. Lên Hà Giang, xuống Hà Nội, sang thái Nguyên, vừa học hỏi vừa tìm kiếm thị trường, cuối cùng Giàng A Súa nhận ra, nếu không có thị trường, không biết cách làm thương hiệu cho sản phẩm thì cho dù có là “chè của trời” cũng khó bán được cho ai.
Nghĩ thông, Súa trở thành người đầu tiên ở Suối Giàng thành lập doanh nghiệp - Công ty TNHH Sổng Gia Trà. “Phải mở rộng quy mô, phải thay đổi quy trình từ sản xuất, chế biến và làm thương hiệu may ra mới hỗ trợ bà con được”, Tổng Giám đốc người Mông nói về quyết định lịch sử.
Và sau những biến cố dịch bệnh Covid-19, sau những cơn sóng làm ăn kiểu chộp giật, cơ hội, người Mông ở Suối Giàng cũng dần nhận ra, Giàng A Súa nó làm là vì bà con mình thật đấy. Nhất là khi chứng kiến hai vợ chồng Súa chạy đôn chạy đáo cầm cố nhà cửa để trả tiền trước cho bà con trong lúc chờ bạn hàng thanh toán, ai nấy cũng xiêu lòng. Một vài hộ trong họ hàng, rồi vài chục hộ trong bản, trong xã lần lượt tham gia liên kết với Súa.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài 50 hộ liên kết để xây dựng vùng chè hữu cơ Suối Giàng, mỗi ngày Sổng Gia Trà tiêu thụ giúp bà con khoảng 1 tấn chè tươi, tính ra một năm Giàng A Súa đảm bảo đầu ra cho hơn một nửa sản lượng chè của Suối Giàng.
“Giá hiện nay khoảng từ 26-27 ngàn đồng/kg. Bà con Suối Giàng mỗi gia đình có từ 1-2 ha, tính ra mỗi năm thu nhập từ 40 -50 triệu đồng, nhờ đó đời sống đã thay đổi rất nhiều so với trước”, Súa nói giọng phấn khởi. Và trong kế hoạch của chàng trai người Mông này, bước tiếp theo sẽ bằng mọi cách để bán sản phẩm của bà con với giá cao nhất có thể. Chỉ có như vậy thì người Mông ở Suối Giàng mới có thể khá nhờ chè.
Anh Phạm Nguyên Bình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Chấn nói, sự kiện Giàng A Súa và 50 hộ dân liên kết ở Suối Giàng được cấp chứng nhận hữu cơ chắc chắn sẽ mở ra cánh cửa tươi sáng hơn cho tương lai của chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng.
Bởi từ xưa đến giờ, nhiều người biết đến chè cổ thụ Suối Giàng và thậm chí còn đặt cho nó những cái tên như chè “5 cực”: Cực khổ khổ khi thu hái, cực ngon khi uống, cực đẹp bởi hình ảnh gắn liền với những cô gái Mông trong bộ váy hoa rực rỡ, cực sạch nhờ thiên nhiên, cực quý hiếm do số lượng có hạn. Cách gọi đó vừa để tôn vinh vùng đất, con người, vừa mong muốn quảng bá thương hiệu chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng. Mặc dù vậy, sản lượng có thể bán với giá cao của bà con vẫn còn cực kỳ ít ỏi. Thậm chí có nhiều đơn hàng đặt số lượng lớn để xuất khẩu đi Nhật Bản, châu Âu…, tuy nhiên khi cần đến giấy chứng nhận tiêu chuẩn lại chưa có.
Tính đến nay, cả huyện Văn Chấn có 4.600ha chè, là vùng chè lớn nhất của tỉnh Yên Bái. Trong số đó có hơn 3.000ha chè trung du, xấp xỉ 1.000ha chè shan tuyết cổ thụ. Xác định chè là cây trồng kinh tế chủ lực, những năm gần đây, để nâng cao sinh kế, đời sống đồng bào vùng cao, ngành nông nghiệp huyện đã nghiên cứu nhân giống và mở rộng diện tích thâm canh chè shan tuyết được khoảng 700ha và Sổng Gia Trà của Giàng A Súa là một trong số những hạt nhân.
Nhắc chuyện làm chè hữu cơ, Súa cười: “Nhiều người nghĩ chè shan tuyết cổ thụ làm hữu cơ rất dễ, nhưng không phải vậy. Tất nhiên cũng có thuận lợi hơn dưới xuôi về khí hậu, đất đai nhưng khó nhất là tư duy và phong tục tập quán của bà con.
Nhớ lần đầu tiên mời các chuyên gia về tập huấn để chăm sóc, thu hái theo quy trình hữu cơ, không những bà con mà một số cán bộ xã Suối Giàng cũng chưa biết chè hữu cơ là gì và tại sao phải làm theo quy trình khắt khe như thế. Phải giải thích mãi với bà con là không làm hữu cơ thì không thể xuất khẩu được, không thể bán chè với giá cao”.
Người Mông thường rất khó lay chuyển, phải tai nghe mắt thấy họ mới tin. Muốn bà con theo mình phải làm mô hình trước đã. Súa nghĩ vậy. Và trên diện tích 1ha chè cổ thụ của gia đình, Giàng A Súa bắt đầu áp dụng theo quy trình chăm sóc thu hái, chế biến theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Dạo ấy không hiểu sao chè cổ thụ Suối Giàng bị nạn mối xông hoành hành nhiều đến thế. Nhiều cây chè cổ thụ bị mối xông đến chết, không có cách gì cứu chữa. Thay vì sử dụng các chế phẩm diệt mối, Súa làm theo kinh nghiệm của đồng bào, không phát quang mà để lại cây mục và thực bì quanh gốc, dùng vôi bột bón xung quanh, thế mà thành công.
Từ quy trình chăm sóc đến chế biến chè của gia đình Súa hoàn toàn thủ công, không sử dụng bất cứ phân bón, thuốc BVTV hay chất phụ gia nào. Khi Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng lên kiểm tra, tất cả chỉ tiêu trên rừng chè gia đình Súa đều đạt chuẩn hữu cơ.
Bây giờ thì cả 50 hộ dân liên kết với Sổng Gia Trà đều đạt chuẩn và được cấp chứng nhận hữu cơ. Nhiều như gia đình Giàng Thị Nu, Sổng A Hồng, Sổng Thị La, Vàng Thị Xay, Sổng A Chú… đều có hơn 1.000 gốc. Ít như Giàng A Chỏ, Giàng A Sơn, Vàng Thị Cở cũng xấp xỉ 500 gốc. Tất cả đều tuân thủ quy trình chăm bón tự nhiên, mỗi năm cung cấp thị trường khoảng 52,8 tấn chè đạt chuẩn.
Sổng Thị La nói tiếng phổ thông chưa sõi, cũng không biết chứng nhận hữu cơ là gì, chỉ biết là làm theo kiểu Giàng A Súa, chè bán tốt hơn mà giá cũng cao hơn. Mới đây, nhiều cây chè trong rừng chè shan tuyết cổ thụ ở Suối Giàng cũng đã được Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Yên Bái gắn mã truy xuất QR Code để du khách, bạn hàng nắm rõ thông tin từ độ tuổi cây chè, khí hậu thời tiết, chỉ dẫn địa lý… “Bà con làm chè hữu cơ chắc chắn sẽ còn khá nữa”, giọng Giàng A Súa tươi vui.
Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, ông Lường Văn Tâm chia sẻ, Suối Giàng hôm nay vẫn còn là xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tính đến hết năm 2022 xấp xỉ 30%, nhưng nhìn chung đời sống bà con đã thay đổi nhiều so với trước. Một phần là nhờ những người tiên phong như Giàng A Súa.
Với diện tích hơn 500ha chè shan tuyết cổ thụ, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt từ 600 - 700 tấn, chè cổ thụ Suối Giàng giờ đây không chỉ đơn thuần là sinh kế mà còn mang giá trị văn hoá, bản sắc của đồng bào. Đó chính là giá trị lớn để kết hợp nghề chè truyền thống với du lịch cộng đồng.
Từ nguồn cảm hứng Giàng A Súa, giờ đây ở Suối Giàng đã có thêm nhiều doanh nghiệp liên kết với người dân sản xuất, chế biến chè theo chuỗi; nhiều hợp tác xã, không gian văn hoá trà Suối Giàng, các mô hình du lịch cộng đồng homestay của người Mông… cũng đã được ra đời.
Tại lễ hội cúng cây chè tổ hàng năm, những bậc cao niên Suối Giàng lại chia sẻ: Hàng trăm năm qua, cây chè của tự nhiên đã đi vào đời sống và trở thành biểu tượng văn hoá của vùng núi tươi đẹp, hùng vĩ này. Chè trên đồi, chè trong vườn, chè mọc thành rừng, cây chè đi vào đời sống tâm hồn con người, gần gũi và thân thuộc, gắn bó như máu thịt với đồng bào. Trồng chè, thưởng thức chè đã trở thành nhu cầu, thành văn hoá của Suối Giàng.
Với riêng Giàng A Súa, thành công của anh giờ đây đã đưa chè Suối Giàng lên một vị thế mới. Súa bảo: “Thưởng thức chè Suối Giàng, du khách và bạn bè bốn phương sẽ cảm nhận được sự kết tinh của đạo lý làm người: Quý trọng nhau, tin tưởng nhau, yêu thương nhau thì uống cùng nhau, không phân biệt thành phần, lứa tuổi, dân tộc, gặp nhau mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, mùa đông đều cùng nhau thưởng thứ”.